*

1 2 3 4 5 6

Tuệ Trung dẫn giải
Zen Việt
Blog NQL
Tâm sự Xuân Sách
Lèo nhèo NQL
Ăn thai nhi
Trần Dần Mất Ngủ
Cái lỗ hổng
Bùi Chí Vinh
Của ngày đã mất
Phạm Phú Minh
on
Thảo Trường
Solz lạc thời
Thời thánh thần
1.11.63
Đơn Dương ngây ngô quặn
Còn lại gì
Maia
Hai bờ đại dương
On God
Hai, Thiên Thai
Đám Tang
Dương vật buồn thiu
Tô Hoài by VTN
Tô Hoài VTN 1
Tố Hữu by Xuân Sách
Văn chương & Chính trị
Writer's Freedom
Tiểu Thu
Hoàng Hạc Lâu
by VHC

Hồi ký Bà Nhu
Mô Phật
Saigon Execution
What has that to do with me?
Lê Thị Diễm Thúy
CVD: V/v Dịch thuật
CARBON
Thái Hòa
Ha Jin:
Phát ngôn nhân và Bộ lạc
Nhà kế bên hình giảo đài
LHB Poems
The fading dream
Pamuk on Nabokov
Pamuk on Thomas Bernhard I
Pamuk on Bernhard Novels
Makine: Eden en enfer
Wiera Gran
Nobel Lecture
Wikileaks by Zizek
Mùa Hè Còn Mãi
Ngàn Lẻ 1 dêm
Llosa_Havel
Tên Phản Bội
Điệp viên của Chúa
Thời Không Mặt
Trình độ tiếng Việt của BBC & VOA
An A from Nabokov
Bạt by Le Carré
Rain Saigon
Quách Thoại by LHP
Ngàn lẻ một đêm
The Encounter



















Của ngày đã mất

Truyện ngắn

Nguyễn Ngọc Tư

 

Vào giữa mùa khô, chúng tôi thực hiện chuyến du khảo đồng bằng châu thổ. Hai tuần cuối cùng của cuộc điền dã, chúng tôi ở lại Thổ Sầu. Những khúc hát của các bà má ở xứ này đã giữ chân chúng tôi lại quá lâu.

Chúng tôi thuê một chiếc ghe nhỏ, len lỏi vào những con kinh, rạch chằng chịch của Thổ Sầu. Sáng, cậu lái ghe là một người ít học, hoang dã và mạnh mẽ. Sáng cùng mẹ đi bán hàng bông từ năm mười hai tuổi, cậu ta rành rẽ đường ngang lối tắt, thuộc lòng con nước lớn ròng. Hôm gặp Sáng ở bến sông, tôi nói tôi cần tìm những bà già biết hát, cậu ta cười, “Nhóc luôn. Chú muốn đi tui chở”.

Và Sáng không quá lời, hôm nào chúng tôi ra đi cũng gặp khúc hát mới từ một bà già trầu đỏ trên môi. Em có vẻ phấn khích với những giai điệu mà chúng tôi chưa từng biết, chưa ai sưu tầm bao giờ, “Phụ mẫu đánh em quặt què quặt quại. Treo em lên tại nhánh bần. Rủi mà đứt dây rớt xuống em cũng lần theo anh…i a…”(*). Em làm việc luôn trên ghe, nghe lại những đoạn băng ghi âm, đính những mẫu ghi chú vào và viết lời, ký âm vào giấy. Cuối ngày, tôi sẽ nghe băng và đối chiếu với bản ký âm. Em ngồi gần đó, dõi theo nét mặt tôi, và thường nhoẻn cười khi thấy tôi cau mày khi phát hiện vài sơ sót nhỏ.

Em theo tôi làm công trình sưu tầm, khảo cứu dân ca hơn một năm, không vì niềm đam mê nào rõ ràng ngoài việc em thích tôi, “vì thầy giống ông Ba”. Đó là ông già hàng xóm đã làm bạn với em suốt một tuổi thơ thui thủi, cha ở tù vì biển thủ của công, mẹ mải mê lao vào những cuộc hẹn hò. Em cắt tóc bên cao bên thấp tới trường, trông khá quái dị. Và tôi đã xoa đầu em một cách bâng quơ, trong một cơn phấn khích mà tôi không thể nhớ. Em nhắc lại rất chi tiết, “hôm đó tay thầy thơm mùi cỏ cú. Em biết cỏ này, vườn ông Ba nhiều lắm”. Ngừng một chút, em dụi mặt vào ngực áo tôi, giữa cái sảnh đông người, “thầy cũng dịu dàng, như ông Ba”.

 Tôi cười, em ngây thơ tới mức ngay cả sự tàn tạ, khô kiệt của sự sống và dịu dàng cũng không phân biệt được. Nên việc cho phép em tham gia nhóm nghiên cứu cũng vì một cái gật đầu bâng quơ. Khi hoạch định chuyến đi, em níu tôi đòi theo, tôi ngó em từ đầu tới chân, giọng hơi mỉa mai, “vụ này cực khổ lắm, cô nhắm chịu nổi không?”. Em cười, “Dạ, không sao đâu. Miễn là em được ở bên thầy…”. Câu cuối cùng em hạ giọng, nghe nhẹ như một lọn gió bấc buốt qua lớp áo, tôi lấy kính ra lau.

 Khi ấy tôi đã sáu mươi chín tuổi. Em mới hai mươi hai. Tôi không bao giờ muốn nhớ điều đó, nhưng đôi kính lão, dáng người héo như chỉ là da bọc lấy những đốt xương rời, mái tóc đã ngã màu bông lau chín… tất cả những gì thuộc về tôi đều nhắc nhở, tôi đã quá già. Tôi từ chối thẳng, “thôi, cô ở lại. Tôi sẽ đi với Trâm”. Cái tên của một đàn chị khá giỏi giang không làm em thất vọng mảy may, em tỉnh bơ quay đi.

Hôm ra xe thì em đã cõng ba lô chờ sẵn ở đó, thấy tôi đi một mình em không có vẻ gì ngạc nhiên, chỉ cười chòng chọc, ý như “em biết mà, thầy nói gạt em”. Tôi ngẩn ngơ không biết làm gì với một cô gái thông minh và quá hiểu mình thì em đã kéo tôi lên xe. Em ngủ suốt đường đi, ngủ ngon lành như đứa trẻ con. Nhiều lần đầu em dục dặc mất điểm tựa, tôi đã lén kéo vào mình, nhưng bàng hoàng nhận ra vai tôi đã cứng khoèo.

Những ngón tay cũng khô khi tôi lần vào ngực em trong tối đầu tiên. Em giấu nụ cười trong chiếc mền, “được nằm kế bên thầy, thích lắm”. Cái cảm giác mình đang khô đi khiến tôi rã rời, hầu như không có một cơn rạo rực nào khiến tôi có thể ôm lấy em. Lời bỗng rát trên môi, lục cục lòn hòn, xẵng lè, “tôi không thể ngủ được khi có người lạ”. Em vẫn cười và nhích ra mép giường, suốt đêm không chạm vào tôi. Tôi thì không sao chợp mắt, phấp phổng sợ em mê ngủ, lăn độp xuống đất.

Vẻ mặt hốc hác của tôi sáng sau đã khiến em áy náy. Những ngày rong ruỗi tiếp nối, luôn có hai giường riêng biệt, cho tôi và em. Giấc ngủ không vì vậy mà đến với tôi dễ dàng.

Không biết có phải vì vậy mà tôi cáu kỉnh suốt, chỉ vì một nốt nhạc sai, tôi cũng có thể càu nhàu, giận dỗi. Nhưng mỗi lần tôi nhăn trán thì em chỉ rụt cổ cười. Có lần tôi giận đến xé phăng bản ký âm đi, em lại gần và cắn vào tay tôi, nheo mắt, “thầy tính đuổi em đi bằng mấy cái lỗi nhỏ xíu này hả?”. Tôi ngó cái dấu răng trên da thịt mình, cảm giác em gần gủi tới mức như đang ở trong tôi. Bản ký âm em làm lại không hề có một sai sót nào. Dường như em sung sướng cố ý mắc một vài lỗi để buộc tôi sưng sỉa, rầy rà. Tôi biết điều đó, nhưng không hiểu sao tôi lại chờ đợi được cuốn vào vở kịch của em bày sẵn.

Thị tứ đã lùi xa sau lưng, chúng tôi đi sâu vào những xóm làng heo hút. Cái túi chứa những cuộn băng cassette ngày càng đầy, giữa đêm em mở lại tiếng gà trưa, hay ai đó ới lên “ăn cơm…” trong một khu vườn thăm thẳm. Bờ lau xào xạc gió. Nước chảy vào họng đìa. Con chim nào đó kêu ánh ỏi. Một ngày đã qua với em là ngày không bao giờ mất. Tôi thì mất trắng, đôi khi nằm giường bên này, mở cuộn băng ký ức của riêng mình, nghe lại tiếng khóc ngất của em khi bị đỉa đeo, tự hỏi, sao lúc đó tôi không ôm em vào lòng mà chắp tay sau đít càu cạu, “chán không chịu nổi. cô còn tính khóc tới chừng nào nữa?”.

Vài lần lội tắt qua những cánh đồng tàn rạ để đến cái xóm nhỏ vắt vẻo giữa đồng khơi, nơi có bà già nào đó đang cất giữ trong ký ức một câu hò, điệu lý mà chúng tôi chưa biết, tôi đã tưởng cái ngày hôm đó không bao giờ mất. Giữa trời và đất lồng lộng, bỗng dưng tôi cười xòa, nói đùa mấy câu ý nhị. Cái cảm giác chỉ có em và tôi và cây cỏ dại trên đồng làm tôi thấy dễ chịu. Thậm chí tôi chủ động nắm tay em, và bàn tay nhỏ nhắn đó thoáng lạnh đi vì bất ngờ. Em giả vờ ngó bâng quơ mây lên trời, lâng lâng vui. Nhưng tôi đã không giữ tay em được lâu, vì khi rình bắt con chuồn chuồn gần cái ao nhỏ sắp cạn nước bên bờ ruộng, tôi đã thấy lại mái tóc trắng xóa của mình. Và cơn nắng khô khốc trùm phủ lên tôi, khi bước vào cái xóm nhỏ đó, nghe mời, “hai chú cháu uống ly nước dừa cho mát rồi hẵng đi”. Tôi ngồi rũ ra, thở dốc, không hoàn toàn vì điệu hò mà chúng tôi cần tìm đã bị chôn vùi tuyệt tích xuống đất cùng với một người già, bảy tháng trước.

Cuộc đi của chúng tôi bỗng dưng chậm lại. Em hay than mỏi chân, ngồi ì ra dưới một gốc ô môi bên con đường xóm vắng người. Tôi cằn nhằn “kiểu này thì biết chừng nào mới tới chỗ đây. Tôi đã nói là cô chịu không nổi mà. Thiệt là… chỉ làm vướng chân tôi”. Em cười hinh hích, kéo tay tôi ngồi ngồi xuống cạnh mình, nói “thầy ơi, thầy mỏi chân đi”. Sau câu nói ấy thì tôi thấy mình bỗng mỏi thật, vì chỉ cần đi chút nữa, gặp người đời, tôi sẽ thấy lại tuổi sáu mươi chín của mình trong mắt họ. Sẽ phải nghe câu nói hồn nhiên của một người hồn nhiên, “Ông anh có con gái ngộ quá, phải ở gần tui hỏi cưới cho thằng út tui, mình làm sui gia chơi”. Và em bỏ chén cơm ăn dở xuống, rối bời nắm lấy tay tôi, “không phải đâu, chú ơi, không phải…”. Cái khoảnh khắc rối bời này sẽ lặp đi lặp lại, chừng nào em còn ở bên tôi.

Tôi muốn ngồi mãi ở cái dưới vòm bông ô môi đỏ, vì chút nữa thôi, trong khi em đặt máy ghi âm một câu hát dân gian, tôi chụp hình gương mặt già quéo của bà cụ và máy ảnh bỗng run, tôi thấy chính mình trong ống kính, lụ khụ, hom hem, miệng phập phều đôi môi trống. Tôi sẽ ở bên em như thế này sao, như một bộ xương đang khô đi, rơi ra từng lóng một. Bà cụ vẫn đang say sưa trệu trạo hát,“Nước chảy lánh linh chảy ra Vàm Cú. Thấy dạng em chèo cặp vú muốn hun”, em cười ngắt nghẻo, “trời đất ơi, ngoại làm con đau bụng rồi nè”.

Tôi gần như không dám nhìn vào cái cười trong trẻo đó vì sợ mình sẽ nhớ lâu. Chuyến khảo cứu đã bước vào những ngày cuối, và khi tới Thổ Sầu, tôi đã giữ được thái độ lạnh lùng với em. Một sự xa cách cần thiết cho tôi thanh thản về lại phòng làm việc trong Viện Âm nhạc, hoàn tất công trình nghiên cứu của mình cho đến cuối đời. Và cho em đủ tỉnh táo để thấy rằng những thanh niên cùng khoa xứng đáng hơn tôi.

Nên thời gian ở Thổ Sầu tôi thường cau có, Sáng thấy đôi khi tôi gầm gừ em chỉ vì những lỗi nhỏ, cậu ta cằn nhằn, “chú ỷ lớn rồi ăn hiếp cổ…”. Tôi nạt lại “cậu thì biết gì…” rồi bỏ đi chỗ khác. Sáng day qua em, an ủi, “thây kệ ổng, mấy ông già hay khó tánh…” rồi ngẩn ra khi thấy em cười tỉnh bơ, chẳng có vẻ gì buồn bã. Tôi hoang mang, cáu giận cũng là một cách quan tâm. Nhưng dửng dưng thì có tác dụng không?

Chiếc ghe đưa chúng tôi đi từ khúc hát này đến khúc hát khác, vì sông rạch chằng chịt, chúng tôi không thể quay lại thị xã trong ngày. Đêm chúng tôi ở lại nhà bà con, ngủ trên những chiếc vạc cau gồ ghề, cọt kẹt hay bộ ván đã bị mọt đục nham nhở. Ngày lại, chúng tôi đi dọc những triền sông mãi miết những hàng dừa nước, những lùm chùm gọng, những bụi ráng, ô rô… Giữa những câu hát phều phào đứt quảng vì thiếu hơi “em đi tìm anh nước mắt nhỏ úa cọng cỏ vàng. Anh không tin đi trở lại mấy nẻo đàng em qua” đôi khi tôi được nghe lại tiếng bìm bịp kêu chen lẫn trong nước chân khỏa vào nước, và giọng của Sáng ngập ngừng, “chân của đó trắng quá chừng…”. Tôi ngồi nghe mớ âm thanh đó với vẻ mặt điềm nhiên, vì tôi biết, em đang dõi theo mình.

Không phải vô tình mà những cuối ngày, khi ngồi đối chiếu lại băng và bản ký âm, tôi thường được nghe những cuộc chuyện trò. Tiếng tu hú gọi bầy tao tác, sau đó là giọng Sáng, bữa nào nghe tu hú kêu tui mệt muốn chết. Em hỏi, “sao vậy ?”. Sáng cười khà khà, “vì tui mắc kêu theo nó, cứ tui nín nó kêu, tui kêu nó nín, một hồi muốn đứt hơi”. Em cười giòn. Sau đó là tiếng gió xào xạc, tôi đoán là em và Sáng đang ngồi dưới một bờ tre. Rồi Sáng thở dài, “mai mốt đó về chắc tui buồn ác liệt…”. Tôi nhấn nút stop, như một động thái vô tình, sau khi sửa lại bản ký âm. Tôi thờ ơ vặn mình cho đỡ mỏi, rồi nằm dài khoan khoái trên sạp ghe. Ở đằng mũi, em làm sao thấy tôi đang tái nhợt đi.

Thời gian ở Thổ Sầu vì thế mà hiện diện một cách bất thường. Ngập ngừng, dằng dặc với tôi và em nhưng quá mau với Sáng. Chạng vạng nào Sáng cũng chép miệng than, trời ơi, mới đây mà hết một ngày rồi. Thích em không giấu giếm, có bữa Sáng táo tợn hôn lên mặt em rồi nhảy ào xuống nước. Em ngó về phía tôi, và tôi thì cố gắn lên môi nụ cười bình thản.

Em cúi đầu, nhìn sông trôi xơ rơ.

Buổi chiều của ngày cuối cùng trước khi Sáng chạy chiếc ghe trở lại thị xã, em cho tôi nghe một đoạn băng thừa, Sáng nói, “tối nay tui lấy ghe chở đó lại đằng xã uống nước chơi, cũng gần đây thôi”. Em ngập ngừng, ừa, cũng được. Tôi chuyên chú nghe lại điệu Lý tình tan,“Có con chim nhạn bỏ đàn. Qua đây nhớ bậu bò càng khóc thương”, rồi bôi bôi xóa xóa trên tờ giấy trước mặt. Cây viết tuôn mực như đang khóc. Để kìm lòng lại, tôi bỏ chúng qua một bên, soi mình xuống sông, để thấy tóc mình, gương mặt gãy khúc trên mặt sóng, mầy già rồi, mầy già rồi, mầy già rồi.

Lúc em xin phép đi với Sáng thì mặt tôi đã ủi phẳng, trán tôi không nhíu lại, mày tôi không cau, nụ cười tôi an nhiên, dặn dò mấy câu như chính con gái mình hẹn hò. Tôi mà chớp mắt, em sẽ trở lên bờ. Buổi tối trong căn nhà mà chúng tôi nghỉ lại, tôi ngồi đập muỗi lép bép đến khuya, bà cụ già đã hát điệu hò huê tình lúc chiều hỏi tôi sao buồn vậy, tôi cười, đâu có, tại trà đậm quá. Bà gật đầu, “Ừ, tụi nhỏ chậm thiệt, tới giờ vẫn chưa về”. Tôi không tin bà lãng tai, dù có lúc, tôi hỏi bà đi lại có khó không, bà trả lời, ăn thịt chó tội chết.

Nửa đêm. Tiếng dây xích buộc ghe xủng xẻng dưới bến làm tôi chui vào mùng và ngủ say, thanh thản. Tôi tin rằng chưa bao giờ mình lại ngủ một giấc sâu, đến mức cảm giác như mình đang chìm từ từ vào chết. Em bước lặng qua chỗ bộ vạc tôi nằm ngáy. Dưới bến, Sáng chắc là không ngủ được, tiếng dây xích mũi ghe cứ lao xao suốt.

Sớm sau, lúc chạy chiếc ghe cũ chậm chạp ạch đụi đưa chúng tôi ra thị xã, Sáng nói, mai mốt tui lên Sài Gòn làm mướn, thể nào cũng kiếm hai người chơi”. Em hoảng, “Anh không bao giờ tìm được tụi tôi đâu. Đừng đi”. Nhưng chẳng có dấu hiệu nào Sáng sẽ nghe lời em, bắt đầu từ ý nghĩ bỏ Thổ Sầu, chiếc ghe và những dòng sông, cậu ta bước vào cuộc theo đuổi biền biệt.

Cái ý nghĩ chính chúng tôi đã làm thay đổi số phận của Sáng khiến chuyến xe ngột ngạt. Tôi và em vẫy tay cho đến khi Sáng chỉ còn dấu chấm than nhỏ nhoi, tuyệt vọng. Em day lại, quệt nước mắt và suốt chặng đường dài, không hề nhìn tôi. Cái cảm giác mất em bắt đầu ăn lan trên từng thớ thịt. Chuyến xe cập bến vào một buổi chiều tàn lụi, nhưng chúng tôi mãi mãi không trở về được cái nơi mình ra đi. Đời vốn không buồn, nhưng người ta cứ làm cho nó buồn.

Chiếc taxi đưa tôi đi một quãng, thì cái trống trải đã thấu buốt tận đỉnh đầu. Tôi ríu giọng nhờ người tài xế quay lại chỗ em đã buông lời từ giã dửng dưng. Chỉ còn nhao nhác những khuôn mặt lạ, em đã mất trước khi ngày mất. Sẽ còn gặp nhau, nhưng em không là em cũ. Tôi gần như nói ra bằng lời, may quá, cuối cùng thì cô ta cũng chịu rời khỏi mình. Thật may.

May quá, mai kia khi trút hơi thở cuối cùng, tôi chẳng phải nặng lo cho em, lúc đó ngồi cạnh tôi với gương mặt ướt.

(*) Mượn từ “Bộ hành với ca dao” của nhà thơ Lê Giang