Nhân
dịp Tuyển Tập “Những
Miểng Vụn của Tiểu Thuyết” được xuất bản: Trò chuyện với nhà văn Thảo
Trường
Wednesday,
August 27,
2008
Phạm
Phú Minh
Giữa
lúc sinh hoạt văn học
của người Việt hải ngoại có phần trầm lắng, thì có một tin vui, đó là
nhà xuất
bản Người Việt vừa in xong Tuyển Tập “Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết”
của nhà
văn Thảo Trường.
Nhà văn
Thảo Trường là một cây
bút quân đội đã thành danh từ lâu trước 1975 tại miền Nam.
Tập truyện
ngắn đầu tay của ông có nhan đề Thử Lửa xuất bản năm 1962 khi ông ở
tuổi thanh
niên. Sau đó ông được mọi người biết đến với các tác phẩm như Người Ðàn
Bà Mang
Thai Trên Kinh Ðồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Cánh Ðồng Ðã Mất
(1971) và
nhiều tác phẩm khác.
Từ biến
cố 1975 ông đã là một
trong những người bị giam cầm lâu nhất trong các trại cải tạo, hết
trong Nam
đến ra ngoài Bắc, hết ngoài Bắc lại vào trong Nam, tổng cộng 17 năm.
Sau khi
đến Mỹ năm 1993, ông lại tiếp tục sáng tác sau gần hai thập niên xa
cách với
thế giới chữ nghĩa. Cuốn sách đầu tiên của thời kỳ sau cải tạo là Tiếng
Thì
Thầm Trong Bụi Tre Gai xuất bản năm 1995, từ đó đến nay đều đặn cứ vài
ba năm
ông lại cho ra đời một đứa con tinh thần.
Nhân
dịp tuyển tập của ông
được xuất bản vào Mùa Hè năm nay, Phạm Phú Minh đã có cuộc trao đổi với
ông
trên đài truyền hình VOCT, được ghi lại như sau.
*
Phạm
Phú Minh: Thưa nhà văn
Thảo Trường, chúng tôi nhận được tin vui là anh vừa in xong tuyển tập
của anh,
xin được chúc mừng anh. Sau một thời gian dài cầm bút, nay in tuyển tập
thì
chắc là anh có ý định tạm thời làm tổng kết cho việc viết lách của
mình? Tính
đến bây giờ thì anh đã viết văn trong bao nhiêu năm, và đã xuất bản
được bao
nhiêu tác phẩm?
Thảo
Trường: Tôi bắt đầu
thích thú với công việc viết văn làm thơ từ thời đi học, tức thời trước
năm
1954 tại thành phố Nam Ðịnh. Lúc đó tôi học trung học, và có một ông
thầy là cụ
Trần Văn Hào, tôi đã được nghe thầy giảng mấy trăm bài Ðường thi và
Truyện Kiều
cùng rất nhiều ca dao tục ngữ. Từ thời ấy tôi đã ao ước trong đời tôi
sẽ làm
một điều gì đó giống như những điều mình đã học. Mới 15, 16 tuổi mà tôi
đã tính...
ra một tờ báo!
Sau
đó vào Nam tôi thất bại
trong việc học hành, vì tôi đi có một mình, ông cụ tôi mất và mẹ tôi
lại ở lại
miền Bắc. Sau khi thi rớt Tú Tài, tôi đi vào quân trường Thủ Ðức. Ra
trường Thủ
Ðức tôi đóng ở Quảng Trị, vùng vĩ tuyến 17, thời gian này tôi bắt đầu
cầm bút,
và cuốn truyện đầu tiên của tôi là tập Thử Lửa, viết cách đây hơn 50
năm.
Tổng
kết việc viết lách, thì
tôi đã xuất bản 14 cuốn truyện tại Việt Nam trước 1975; tại Mỹ từ 1993
đến nay
đã in được tám quyển. Còn một số bản thảo viết tại Việt Nam
mang đi Mỹ
được thì tôi chưa in. Vừa rồi tôi tập họp một số truyện từ trước đến
giờ để in
trong tuyển tập “Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết.”
Sở
dĩ gọi là “miểng vụn” vì
khi ở trong tù tôi có dự tính khi ra khỏi tù sẽ viết một cuốn trường
thiên tiểu
thuyết thật đầy đủ về quãng lịch sử vừa qua, thế mà khi qua Mỹ rồi,
cuộc sống ở
đây khiến tôi chỉ thích viết truyện ngắn. Tuy là truyện ngắn mà truyện
nào tôi
cũng muốn chứa đựng trong đó cả một giai đoạn lịch sử của cuộc chiến.
Suốt mười
mấy cái truyện ngắn tôi cứ làm đi làm lại như vậy, mà vẫn không thành
một
truyện dài như tôi đã mong ước. Các truyện ngắn ấy tôi coi như là những
miểng
vụn của cái trường thiên tiểu thuyết tôi định làm mà không làm được, vì
thế tôi
gọi là “Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết.”
Phạm
Phú Minh: Thưa anh, anh
vừa là chứng nhân vừa là người tham dự trọn vẹn cuộc chiến 20 năm trước
khi
miền Nam mất vào tay Cộng Sản. Có nhà phê bình đã cho rằng tác phẩm của
anh
trước 1975 phản ảnh nhiều mặt của cuộc chiến ấy với quan niệm nhà văn
tại đây
phải tự nhận trách nhiệm, trình bày bộ mặt kinh khủng của chiến tranh
với những
tra vấn không ngừng của người trí thức. Anh nghĩ sao về nhận định này?
Thảo
Trường: Tôi nghĩ điều đó
đúng, nhà văn thì không thể tách rời ra khỏi cuộc sống và xã hội quanh
mình. Vì
thế, cuộc chiến tại Việt Nam
trước 1975, thời gian đi tù từ 1975, cũng như thời gian sang lánh nạn
bên Mỹ
này, dù muốn dù không đều có tác động đến tôi và có mặt trong tác phẩm
tôi
viết.
Khi
viết, tôi lấy những dữ
kiện, chất liệu trong cuộc sống đó - trong chiến tranh, trong trại giam
và
trong cuộc sống của chúng ta bên Mỹ bây giờ cộng với những điều tôi đọc
được
trong sách vở - từ những cái đó tôi dựng nên những nhân vật, những câu
chuyện.
Tôi mô tả cuộc sống thông qua tác phẩm văn nghệ.
Phạm
Phú Minh: Xin anh cho
biết những tác phẩm nào trước 1975 mà anh bằng lòng nhất trong công
việc phản
ảnh những bi đát của một cuộc chiến vừa mang tính chất ý thức hệ vừa là
huynh
đệ tương tàn của Việt Nam? Và xin anh cho biết tác phẩm của anh có liên
quan
đến điều mà người ta thường nói, là “phản chiến”?
Thảo
Trường: Trước hết, tôi
là người tham chiến. Nếu có ai bảo tôi là phản chiến thì là không đúng,
vì tôi
ở trong cuộc chiến đó. Những năm đầu sĩ quan của tôi, tôi đi theo những
đơn vị
tác chiến từ vĩ tuyến 17 cho đến Ðồng Bằng Sông Cửu Long, và làm một số
công
việc, chẳng hạn đi tiền sát cho pháo binh trong những trận đánh. Những
năm về
sau tôi được điều động về cơ quan tham mưu, từ đây tôi có cơ hội tìm
hiểu nhiều
hơn những diễn tiến của cuộc chiến Việt Nam. Tất cả những cái đó dù
muốn dù
không cũng “ám” vào tác phẩm của tôi.
Trong
những truyện tôi đã
viết, có những truyện tôi rất thích mà tôi nghĩ độc giả cũng thích, ví
dụ
truyện Người Ðàn Bà Mang Thai Trên Kinh Ðồng Tháp, hoặc Viên Ðạn Bắn
Vào Nhà
Thục chẳng hạn. Trong số những truyện loại này có một truyện tôi muốn
dùng một
nhân vật ngoài cuộc chiến nhìn vào cuộc chiến ấy, đó là một cô nữ sinh
trong
một trường nội trú ở Ðà Lạt trốn ra về với mẹ, và chứng kiến cảnh chiến
tranh.
Cô đã thấy cảnh đánh nhau, cảnh giết nhau, thấy những tử thi... Tôi
muốn dùng
một nhân vật không biết gì về cuộc chiến để nhìn cuộc chiến đó. Không
biết độc
giả có để ý đến truyện này không, riêng tôi, tôi rất thích cái nhìn
khác về
cuộc chiến của nhân vật trong truyện này. Ðó là truyện Thềm Ðá Xanh Rêu.
Rồi
đến những cái thê thảm
của trại giam, dù muốn dù không nó cũng nằm trong truyện của tôi. Có
người nói
rằng mọi thứ bây giờ đã qua rồi, nói lại chuyện ấy làm gì, nhưng tôi
thì cho
rằng không thể nào không nói đến.
Phạm
Phú Minh: Từ sau năm
1975, anh đã bị cầm giữ trong nhà tù cải tạo suốt 17 năm, di chuyển tới
hàng
chục trại trong Nam và ngoài Bắc. Ðó là một điều rất rủi ro. Nhưng với
tư cách
của một nhà văn, anh có thấy trong cái rủi này cũng có được một khía
cạnh tích
cực, ấy là anh đã thu thập những kinh nghiệm rất đặc biệt làm phong phú
cho
công việc viết lách cho mình về sau này không?
Thảo
Trường: Nếu tôi nói may
mắn được đi tù thì không đúng, không ai muốn đi tù. Tôi lỡ chẳng may nó
bắt
được thì nó bỏ tù. Nhưng một khi đã sa vào một hoàn cảnh như vậy, khi
đã lấy
lại bình tĩnh mà nhận định thì thấy đây cũng là một xã hội, cũng là một
khung
cảnh sống, tại sao mình không nghiên cứu, tìm hiểu nó. Vì thế, thời
gian ở tù
về sau lại có ích cho tôi. Tất cả đau khổ, tàn nhẫn, xót xa mà anh em
trong tù
phải chịu, những cảnh trớ trêu mình gặp hay sự dốt nát, tội nghiệp của
cai
tù... đều đòi hỏi mình để tâm phân tích. Ðối với tôi thời gian ở tù đã
cung cấp
rất nhiều chất liệu để viết. Cuộc chiến Việt Nam
thì cả thế giới này người ta đã
nhìn thấy, kể cả cuộc sống tù đày sau đó cũng thế. Nhưng là nhà văn,
anh phải
thể hiện những cái đó ra, vì thế tôi đã để tâm phân tích, tồn trữ, khi
qua Mỹ
tôi mới sử dụng trong tác phẩm của mình.
Nhưng
tất cả đều là “miểng”
hết, không có tác phẩm lớn như mình mong muốn. Trước 1975 tôi đã viết
một tiểu
thuyết dài, đó là cuốn Bà Phi mấy nghìn trang, chưa xuất bản. Lúc đó
cần tiền
cho gia đình, tôi đã bán truyện ấy cho báo Tiền Tuyến để đăng dần trong
suốt
mấy năm trời. Thời gian này số phát hành báo Tiền Tuyến tăng đáng kể,
các anh
đã làm trong báo Tiền Tuyến, như anh Phan Lạc Phúc chẳng hạn, biết
chuyện đó.
Phạm
Phú Minh: Bây giờ anh có
ý định in lại Bà Phi không?
Thảo
Trường: Tôi chưa có khả
năng làm việc này, vì bản thảo chưa tìm được đầy đủ. Hiện tại tôi chỉ
có độ 500
trang thôi. Tôi đã liên lạc các thư viện miền Ðông nước Mỹ, được biết
tại đó
báo Việt ngữ thời trước của miền Nam còn rất nhiều, trong đó chắc có
các tờ báo
đã đăng truyện của tôi. Sau 1975, bản thảo của tôi bị mất, tôi phải làm
cách
này để thu thập trở lại.
Phạm
Phú Minh: Nếu tôi nhớ
không lầm thì anh định cư ở Hoa Kỳ năm 1993, và chỉ hai năm sau, vào
năm 1995
một nhà xuất bản ở Paris đã cho ra cuốn Tiếng Thì Thầm Trong Bụi Tre
Gai, rồi
tiếp theo các nhà xuất bản ở Mỹ đã ấn hành Ðá Mục (1998), Tầm Xa Cũ Bắn
Hiệu
Quả (1999), Mây Trôi (2002), Miểng (2005), Thềm Ðá Xanh Rêu (2007). Anh
có thể
cho biết, so với các tác phẩm trước 1975, các cuốn sau này có những
khác biệt
gì về đề tài, về chất liệu, về vốn sống, về quan niệm viết v.v... không?
Thảo
Trường: Khác biệt rất
nhiều. Xã hội trước 1975 là một xã hội tan rã, một xã hội chiến tranh
trong đó
cuộc chiến tương tàn gây rất nhiều đổ vỡ. Chỉ có một chất liệu đó thôi.
Nhưng
sau 75 có thêm chất
liệu về hận thù, về khổ sở đói khát, về giam cầm. Rồi đến khi qua Mỹ
thì cuộc
sống ở đây hoàn toàn khác Việt Nam.
Tất cả những điều vừa nói đã tác động vào bộ não, vào suy nghĩ của tôi,
và
những tác phẩm của tôi sau này tôi viết khác trước 1975.
Bây
giờ trong tuổi già tôi
vẫn làm việc đều đặn. Có khi cả ngày tôi chẳng viết được dòng nào, thay
vào đó
tôi có thể đọc, rà lại sự việc để chuẩn bị. Các diễn tiến trong các tác
phẩm
viết tại Mỹ được trình bày kỹ càng hơn, ý nghĩ trầm hơn, và cũng gay
gắt hơn.
Ðó là sự khác biệt giữa những tác phẩm thời chiến tranh và thời lưu
vong.
Phạm
Phú Minh: Xin cám ơn nhà
văn Thảo Trường đã dành cho buổi trao đổi hôm nay. Một lần nữa xin chúc
mừng
nhà văn đã ra tuyển tập, chúc anh tiếp tục viết khỏe như những năm vừa
qua.