*





Đơn Dương ngây ngô quận.

 Entry dành tặng riêng cho 1 người. 

Ta sẽ kể cho người nghe về miền cố quận, bắt đầu từ ngày ta mới đến với vùng cao nguyên đất đỏ ấy. Nhưng trước hết, người cứ ngồi xuống bên ta đã. Dù ta đã sống hối hả thế nào, đến khi tất cả qua đi và được xếp vào 1 ngăn có tên gọi là kí ức thì lúc ta ngoái nhìn lại chúng đều thành một dòng chảy chậm. Cả ta và người đều không cần vội vã, chúng ta đã vội vã trong quá nhiều điều rồi. Người biết đấy, ta rất dông dài khi kể về quá khứ. Lại còn thêm cả bệnh nói chuyện không đầu không đuôi nữa. Nhưng dẫu sao thì chuyện cũ bao giờ chẳng như một khúc nhạc từ đâu vẳng đến với ta, cứ miên man không biết khởi đầu từ đâu và kết thúc nơi nào, người nhỉ?

 Ngày đầu ta đặt chân đến nơi ấy, ta không nghĩ là sẽ ở lại. Chỉ ngỡ rằng đó sẽ là một chuyến đi chơi xa. Nhưng bố mẹ ta không gặp may mắn trong kinh doanh, đành phải mang ta và các anh chị em gửi lại cho nhà ngoại. Kể từ đó ta không về lại nơi ta sinh ra và lớn lên đến năm 6 tuổi nữa, cho đến tận 11 năm sau ta mới về thăm, nhưng ta sẽ kể cho người nghe vào 1 dịp khác.

 Ấn tượng đầu tiên của ta dành cho cố quận là sao xứ này lạnh quá, và buồn quá. Có khi vì lạnh nên buồn chăng? Bầu trời cứ xám xịt và có cảm tưởng như rất thấp. Và sương mù nhiều lắm. Và nhiều hoa. Cũng nơi xứ ấy ta lần đầu thấy những bóng đèn điện. Xưa nhà ta ở trên kinh tế mới, đâu đâu cũng chỉ thấy những ngọn đèn dầu. Còn ở quê ngoại thì có đập Đa Nhim nổi tiếng, và nguồn thủy điện ấy cung cấp cho cả mấy tỉnh lân cận nên dù nghèo thế nào thì vẫn ko thiếu điện. Mà nói thế thôi, Đơn Dương làm sao nghèo bằng cái nơi mà ta vừa rời khỏi kia được.

 Suốt thời gian sống với ngoại, ta ít khi được gặp bố mẹ. Bố mẹ đi làm ăn xa, ta cũng chỉ biết loáng thoáng là thế thôi. Ta đi học ở 1 trường tiểu học gần nhà trong 2 năm, rồi 2 năm sau nữa thì học ở trường tiểu học ngoài thị trấn. Suốt thời tiểu học ta không có bạn. Ta chỉ làm bạn với sách và cây cối. Nhà ngoại ta nhiều sách lắm. Ta đọc, và để dành các thắc mắc của mình đến khi gặp ba sẽ hỏi. Mỗi lần papa ta về thăm các con thế nào cũng chết ngộp với những câu hỏi của ta. Cho đến bây giờ, papa ta vẫn là người đàn ông uyên bác nhất mà ta từng được biết. Ngay cả khi ta còn rất bé, thì papa vẫn luôn dành cho ta một sự quan tâm như đối với người lớn, luôn trả lời những câu hỏi của ta một cách cặn kẽ, và trò chuyện cùng ta nhiều nhất có thể. Mỗi lần papa về nhà thì quà cho ta luôn là sách. Suốt 4 năm sống ở ĐD, ta đọc nhiều hơn những gì ta đã đọc kể từ khi rời nơi đó đến tận hết cấp 3 cộng lại. Nhưng ngoài đọc, làm việc lặt vặt phụ giúp gia đình và đi chơi tha thẩn khắp nơi ra thì ta ko biết nhiều về đất, ko có mối liên hệ về người, ai hỏi đến xứ ấy gần như ta mù tịt, còn những gì ta biết thì chả ma nào cần quan tâm, nên xin cứ gọi cố xứ là ngây ngô quận.

 Ta từng hỏi, cái tên Đơn Dương xuất phát từ đâu? Và ý nghĩa của nó là gì, có phải là Mặt trời cô độc chăng, và papa ta bảo ko phải. Nó có nghĩa là Mặt trời đỏ, ta nghĩ chắc chữ Đơn này đọc trại từ chữ Đan mà ra. Cũng ko hẳn là ko có lý, người miền Nam hay có cách phát âm như thế, ngày xưa ta cứ phải hỏi papa "nhơn ngãi" là cái giống gì và một tỉ ti thứ tương tự. Mà ta ngẫm lại thấy cái tên Mặt trời đỏ có lẽ chính xác hơn, vì mặt trời ở đâu mà chả đơn lẻ. Và quả là mặt trời buổi sớm ở đây đỏ rực, nhất là trong những sáng mù sương, thậm chí còn đỏ hơn cả mặt trời hoàng hôn ở 1 số nơi ta có dịp ghé qua. Đến bây giờ, lôi bản đồ ra mà hỏi ta cái xứ Đơn Dương nằm ở đâu thì ta chịu ko trả lời được, nhưng nếu hỏi ta mặt trời mọc ở nơi nào rực rỡ nhất thì ta có thể khẳng định rằng đó là vầng dương ban sớm đỏ hực lên trong sương mù nơi cố quận.

 Nhà ngoại ta và dì ta nằm trong cùng 1 mảnh đất, cách nhau có mỗi cái sân. Đi hết sân nhà dì, bước xuống 1 bậc là đến sân nhà ngoại. Hai cái sân không có rào, ngăn cách bằng những bụi cẩm mai trồng san sát nhau, nhìn như một đường viền màu tím hồng, hoa nở quanh năm. Nơi cái vạch phân cách ấy, có thời dì ta còn trồng một vạt hướng dương, khi ấy ta bé xíu nên đến khi cây lớn thì cao gấp đôi chiều cao hơi bị khiêm tốn của ta. Hàng hướng dương ấy trổ rất nhiều hoa, hoa to kinh khủng và có rất nhiều hạt, ta lại được dịp ăn mệt xỉu . Chẳng hiểu sao sau đó thì nhà chẳng bao giờ trồng hướng dương nữa, làm ta cứ tiếc mãi. Chỗ đất nơi bước xuống ấy sau này mọc đầy hoa bươm bướm đủ màu. Và cả mấy cây ớt rất sai quả nữa. Hai nhà có 1 lối đi chung ra cổng, và ngoài cổng có 1 cây mít vừa nhiều quả, mà quả ngon vô đối, vừa lắm sâu. Có lần sâu kéo nhau diễu hành cả đàn trước ngõ, làm ta hãi quá cứ ra đến cổng lại quay vào, ko dám bước qua.

 Người yêu ta bảo cái xứ này thì có gì khác với những vùng quê khác đâu. Ta bảo khác chứ, khác nhiều nữa đấy. Ở đây chỉ thấy nghèo chứ không khổ. Cuộc sống có thể vất vả nhưng không đến mức cơ cực. Có lẽ vì màu xanh mướt mênh mông phủ lấy nơi đây, bất kể tháng nào năm nào mùa nào. Màu xanh của những đồi thông, của những triền dốc, của vườn tược, và ruộng rẫy. Và chỉ nghèo mà không khổ, khi nhìn đâu cũng thấy hoa. Một gian nhà tranh vách đất cũng có dăm ba bụi hoa trước ngõ. Ở Đơn Dương ta không vui, nhưng chưa từng tuyệt vọng. Nhìn khắp nơi, chỉ thấy nỗi buồn mơ hồ và dịu ngọt như những lớp sương mù êm ái vây phủ quanh năm.

 Nhà ngoại ta có 1 thửa ruộng, có vườn trồng đủ loại cây ăn quả, nhiều nhất là hồng, có đất trên núi trồng bơ, chuối và các thứ gì gì đó. Nói là núi cho oai thôi, thật ra nó như 1 quả đồi, sườn thoải, leo lên ko mấy khó khăn. Ta hay theo người lớn lên đồi để cắt lá chuối về gói bánh trong những dịp nhà có đám, hoặc trong những ngày mùa mưa, đường lầy lội và trơn trượt nhưng bù lại có rất nhiều nấm. Nhà ngoại còn có rẫy, trồng trà và cà phê. Cuối rẫy là phần tiếp giáp với sông, nơi đó có một cây đa to khủng khiếp, suốt tuổi thơ ta luôn được cảnh báo ko được héo lánh đến bờ sông vì sợ bị ma quỷ ám. Ngoài những cây lâu năm thì một phần lớn của rẫy được dùng để canh tác các loại rau quả ngắn ngày, và luân canh thay đổi liên tục các loại cây trồng. Những năm ở đó, ta tận hưởng niềm vui được thấy những giống cây khác nhau sinh trưởng thế nào. Từ những cây bắp cải xanh mơn mởn lá cuốn lại dần cho đến khi nhìn như những đóa hoa hồng xanh mọc thành từng luống, từ những quả cà chua vỏ ửng dần lên rồi chín mọng, và những giàn su su quả xanh trong như ngọc, hay những luống rau mùi để lấy hạt làm giống cho mùa sau trổ hoa như thế nào, cả mấy đám cà rốt lá xanh mướt đẹp ra sao. Rẫy nhà có mùa trồng đậu phộng, có mùa trồng ớt, khi lại trồng đậu, dưa leo, có năm trồng hành, trồng bắp hay bí ngô. Rồi có mùa nhà ta trồng dâu để nuôi tằm, có mùa trồng mía. Nơi bờ sông là vài cây bơ để đến mùa con cháu trong nhà có quả ăn. Dân Đơn Dương canh tác theo kiểu may rủi, như nông dân ở khắp nơi trên cái xứ này, nên có mùa giá hoa màu cao ngất, nhà nhà phất lên, có mùa giá thấp thê thảm, ai nấy méo mặt. Ta từng thấy thương lái tranh nhau mua cà phê, mua hồng. Ta cũng từng thấy những vườn bắp cải trắng tốt mơn mởn bị máy cày lật tung, lấp xuống để làm phân cho mùa sau vì giá bán không đủ trả tiền nhân công thu hoạch. Ta không thi vị hóa cuộc sống ở đây, người ạ, ta biết nó vất vả lắm, nhưng ta vẫn ước mình có một mảnh vườn và được chăm sóc cây cối, từ khi chúng chỉ là những mầm xanh bé bỏng cho đến khi chúng ra hoa kết quả và lụi tàn. Ngày tiếp ngày, năm tiếp năm, một cuộc sống lặng lẽ và êm đềm như thế ở một nơi ngập tràn nỗi buồn ngọt dịu ở ngây ngô quận cứ như một tiếng gọi thiết tha mà ta chưa thể đáp lời. Nhưng ta sẽ quay về, một ngày nào đó, ta biết.

 Ở nơi cố xứ cũng có vài thị trấn đông đúc, có phố, có chợ, có nhà cao, nhưng ta không quan tâm lắm. Ta thích những nếp nhà nhỏ nấp trong những khu vườn ngút mắt, nhìn mỏi mòn mới thấy bóng dáng nhà hàng xóm. Dọc đường từ nhà ngoại ta xuống rẫy, toàn gặp những ngôi nhà cũ kỹ khiếm tốn nằm khuất trong vườn, phía trường là hàng rào dã quỳ hoặc râm bụt, và lác đác vài khóm hoa nhỏ. Khi ta về lại thì nhiều nhà đã được xây khang trang lắm rồi. Xưa kia nhà nào khá thì vách gỗ, mái ngói, còn nhà nghèo thì mái tranh, vách đất nện, nhìn rất hợp với khung cảnh, đẹp, buồn và bình yên. Có trời biết, ta mê những gian nhà tranh vách đất lắm. Sống ở phố, thấy bao nhiêu ngôi nhà sang trọng thanh lịch đầy đủ tiện nghi ta vẫn không nảy sinh ham muốn (hehe, đến đây nghe ghê quá, có lẽ đối tượng của "ham muốn" là chủ nhà thì thích hợp hơn là căn nhà nhỉ ). Giấc mơ đẹp nhất của ta là một gia đình nhỏ, một mảnh vườn to, và một nếp nhà vách làm bằng bùn trộn rơm đắp thật chặt (hình như phần khung làm bằng tre thì phải, sau này được các bạn PMU học hỏi biến tấu thành cọc bê tông cốt tre, báo chí kêu la ầm ĩ), nền cũng bằng đất nện, và lợp mái tranh. Người biết không, trên đời này những gì đáng gọi là lạc thú không nhiều đâu, và ta sẵn lòng đổi cả cuộc đời dài lê thê của mình lấy một đêm mưa thao thức, cuộn tròn trong chăn ấm, gối đầu lên tay người yêu dấu cùng nhau nghe tiếng mưa tuôn chảy trên mái tranh cho đến khi ngớt mưa thì mở cửa sổ ngắm những giọt nước còn lại đọng thành từng hạt tròn trong suốt cuối từng cọng tranh lòa xòa trước khi nhỏ xuống chìm khuất vào bóng đêm mượt mà. Nhưng nói thế thôi, trên mái tranh hay có rắn lắm, nhỡ vợ chồng đang yêu nhau mà rắn rơi xuống giường thì thật sống dở chết dở, nên ta chuyển ưu tiên sang nhà gỗ lợp mái ngói. Trên mái ngói cũ thì chỉ có rêu thôi, càng cũ càng đẹp. Nơi cố quận những gian nhà gỗ đôi khi làm bằng những tấm ván bào nhẵn ghép lại với nhau, nhưng thường gặp nhất là làm bằng gỗ thông thô chưa qua xử lý, còn nguyên cả lớp vỏ xù xì, có mùi thơm của dầu thông rất dễ chịu. Nhà gỗ thì tránh được nguy cơ có rắn, nhưng bù lại nguy cơ tái diễn bi kịch của ông bà Táo là rất cao. Biết sao được, nghề chơi cũng lắm kungfu, và lắm rủi ro hehe.

 Rẫy nhà ngoại ta có 1 gian nhà, vừa là nhà ở vừa để canh đất canh vườn, nhất là khi đến gần mùa thu hoạch. Nhà có nền cao bằng đất nện, đi mãi nó phẳng lì, lúc nào cũng mát lạnh. Nhìn thì có vẻ nhẵn bóng, nhưng khi quét thì thế nào cũng gom được một lớp đất bụi rất mịn. Ta và các anh chị em rất khoái được ở lại dưới rẫy, dù sáng ra đi học thì phải lội ngược trở về, xa lắc. Thú vị nhất là dc ở lại rẫy suốt mùa hè. Sau mưa đi tìm quanh thế nào cũng hái được nhiều nấm rơm và nấm mối. Rau cải thì đầy vườn, hoa quả càng không thiếu. Và buổi tối đắp chăn nghe tiếng gió vờn quanh nhà, cảm giác an toàn, ấm áp lan tỏa cả trong giấc ngủ. Những ngày rảnh rỗi, người lớn trong nhà ta rủ nhau ra sông câu tôm về nấu được 1 bữa ra trò. À mà ta sẽ lan man với người 1 chút về sông. Con sông này ta không biết tên, thật xấu hổ vì nó ngay rẫy nhà, và ta tha thẩn ở đấy ngày này sang tháng nọ. Ta chỉ biết rằng nó trong, và lạnh buốt. Sông không có bãi hai bên thoai thoải, mà rất dốc, bước xuống là ngập đầu ngay. Dưới sông có rất nhiều trai, ta biết có một người phụ nữ sống nhờ nghề mò trai, con nào con nấy to vật vã. Ta nghe đồn có hôm bà ấy buôn bán ế ẩm, bèn luộc trai cho các con ăn đỡ lòng thì tình cờ tìm thấy một viên hồng ngọc. Tình huống này truyện kiếm hiệp gọi là vô tình nhặt dc bí kíp. Ta tin chuyện kể là có thật, vì trai sông to thế chắc đã sống bao nhiêu năm rồi, nếu nó có ngọc cũng ko lạ lùng gì. Thỉnh thoảng khi đứng nơi bờ sông nhìn quanh quất, ta lại nhớ hình ảnh người phụ nữ kia dò dẫm di chuyển thật chậm ở đoạn giữa sông, nước ngập đến cổ. Thỉnh thoảng bà ta dừng lại, cúi xuống, dĩ nhiên chìm hẳn dưới làn nước lạnh ghê người kia, và thế là 1 con trai từ giã đáy bùn (ta đoán thế thôi chứ ko biết dưới đáy sông có gì). Ta lại còn nghe có 1 ông abc zyz gì đó đã cưỡng bức 1 cô bé đâu đó bên bờ sông này, rồi giết cô bé và vứt xuống sông. Việc đó cũng ko phải ko có khà năng xảy ra, vì hai bên bờ lau lách cây cỏ mọc um tùm, nhưng đôi khi ta nghĩ đấy là chuyện dọa trẻ con để chúng khỏi đi lang thang trượt chân xuống nước thôi. Trẻ con nghe bị giết rồi vứt xuống sông thì sợ vãi đái, chứ đã hình dung ra bị cưỡng bức là con khỉ gì đâu. Mà ta cũng cóc sợ, cứ lang thang suốt, thỉnh thoảng ta cũng gặp vài người đi câu cá và họ đều nhìn ta với ánh mắt hiền lành. Một lý do khiến ta mê đoạn sông ấy là vì hai bên bờ dã quỳ mọc rất nhiều. Người biết không, dã quỳ nở bên sông đẹp lắm. Đôi khi bóng hoa run rẩy in dưới nước còn đẹp hơn cả hoa thật nữa. Giờ thì đoạn sông ấy đã bị chặn, thu hẹp lại và biến thành một cái đầm, nước vẫn sóng sánh tĩnh lặng nhưng nhìn buồn lắm. Cây đa cũng bị chặt ngang thân rồi, chỉ còn lại 1 nhánh nhỏ thôi.

 Ta lại nói với người về những con đường. Ở ĐD mấy năm, ta chẳng biết được lấy 1 cái tên đường. Mà thực ra đường có tên cũng ít thôi, chủ yếu nằm ngoài thị trấn. Ta yêu những lối đi bé nhỏ không tên, quanh co và lắm đoạn dốc, hai bên cây cối mọc cao. Đến mùa mưa thì bùn lầy đặc quánh, vẫn một màu đỏ sậm. Đường nào cũng có hoa dại mọc đầy. Và mỗi lần chân ta bước lại trên đường cũ, ta đều thấy nó càng ngày càng hẹp lại. Có thể vì ta lớn rồi. Đường bây giờ cũng không còn nên thơ như trước. Chỉ là, cái cảm giác thân thuộc khi nhìn những mảnh vườn mà ta biết tên người chủ, nhìn những loại hoa màu khác nhau canh tác dọc hai bên lối đi vẫn không hề thay đổi. Ta biết, ta thuộc về nơi này.

 Rồi ta sẽ kể cho người nghe về sương. Sương nơi cố quận có khi mỏng manh như một chiếc khăn voan, lúc ẩn lúc hiện và lạnh nhè nhẹ. Có những buổi sáng mùa đông sương trắng sữa như mây bồng bềnh khắp các đỉnh núi thấp và tràn xuống đầy những vùng trũng. Có những đêm sương phủ kín mịt mù, trăng run rẩy trên cao cũng mờ đi vì lạnh. Và có những ngày mùa đông sương rơi như mưa giăng mắc, đi một lát đã thấy ướt đẫm áo khăn, cái lạnh ngấm vào tận xương, buốt giá. Ở mảnh đất cao nguyên nghèo nàn ấy, những ngày nắng đẹp hiếm hoi biết bao nhiêu!

 Người ơi, người còn nghe ta đấy chăng?

 Ta còn muốn kể cho người nghe về những dòng nước trong veo lạnh tái tê. Có thể là 1 thác nước nhỏ tận sâu trong rừng thông, có thể là một con suối thì thầm đâu đó, phủ làn nước dịu dàng lên những mảnh đá sắc nhọn đến mức chỉ nhìn thôi cũng đủ đau đớn. Có thể là nước trong chiếc bể xi măng lớn nhà ngoại ta hứng nước mưa để tưới hoa, không khi nào đầy đến mức ta có thể chạm tay vào. Cũng có khi là tiếng nước thét gào dưới một lòng cống lớn khủng khiếp, ta cũng không chắc đó có phải là cống không, ta gọi vậy vì thấy có nhiều rác dưới ấy. Thuở bé khi đi ngang qua đó ta rất sợ. Tiếng nước chảy làm ta sợ, chẳng hiểu vì sao. Và ta còn muốn kể cho người nghe về những con nước hiền hòa chảy theo hệ thống mương dẫn thủy nhập điền. Ruộng trên cao nguyên không cò bay thẳng cánh như dưới miền Tây đâu. Chỉ là những thửa ruộng nhỏ xanh ngát nối tiếp nhau, với những chòi canh lúa tạm bợ mà ta rất thích trốn vào nằm đọc sách, lâu lâu có thể nhóm lửa nướng khoai hay bắp chôm được từ các ruộng gần gần. Các gia đình ở đây sẽ luân phiên tháo nước về ruộng của mình, mỗi nhà 1 đêm. Ta rất thích đi canh nước đêm, dĩ nhiên đi cùng người lớn. Lên đến đầu nguồn nước xem xét, rồi đi ngược về ruộng nhà mình và trổ một vài rãnh cho nước chảy vào. Đầu nguồn nước có rất nhiều bụi tre, nơi đó có 1 bãi đất trống và dòng nước lan tràn như 1 con suối, êm ru, chỉ thoáng gợn nhẹ nhàng. Xưa chị họ ta hẹn hò với người thương nơi đó, anh ấy hay mang quà bánh cho ta và ta vui sướng biến đi chỗ khác chơi cho hai người tâm sự. Ta nhớ những đêm có trăng, bên dòng nước trong vắt ấy, hai người mỉm cười với nhau thật ngọt ngào. Họ chỉ trao nhau những lời tâm sự và những lần nắm tay vội vã. Người biết không, ta cũng ước gì mình mau lớn lên, và một ai đó sẽ lại cùng ta hẹn hò ở nơi ấy, trong những đêm xanh như một bài thơ.

 Từ bé đến lớn ta ít giao du, và thấy xa cách với hầu hết mọi người. Ta làm bạn với sách, và hoa, và nhạc. Chúng tạo cho ta cảm giác an toàn và được cảm thông. Và chúng khiến ta tin rằng dù thế nào thì cuộc đời vẫn rất đẹp. Người biết đấy, những năm tuổi thơ của ta trôi qua không hẳn như một giấc mộng lành. Ta thiếu thốn nhiều thứ, tình cảm, tiền bạc, bạn bè. Chỉ có 1 thứ ta không thiếu là sự chia sẻ từ những người bạn lặng lẽ mà luôn thấu hiểu kia.

 Ở miền đất ngây ngô lạc lõng kia, nhà nào cũng có hoa. Không vườn to thì vườn bé, không có vườn cũng cố trồng dăm ba khóm hoa nhỏ trước nhà. Nhà dì và ngoại ta có hai vườn hoa rộng, chủ yếu trồng hoa hồng. Những bông hồng ngày xưa thơm ngát, cánh mượt như nhung cuộn vào nhau, hoa lớn mà cành mảnh khảnh nên trông vừa uyển chuyển dịu dàng vừa lộng lẫy khó tả. Ta nhớ mùa thu nơi ấy, khi những quả hồng chín đỏ trên cây, và hoa hồng nở rộ trong vườn. Những loài hoa ở cao nguyên này rất hợp với mùa đông, càng lạnh hoa càng rực rỡ. Một sớm nào đấy bước đi trên những con đường thân thuộc, thấy hoa ngập tràn, bỗng nhiên lòng sẽ dâng tràn lên một cảm giác say sưa đến mức không kiềm chế được. Đến khi ta yêu, ta mới gặp lại thứ cảm xúc rực rỡ ấy. Phải, người ạ, khi ngắm hoa, ta cảm thấy mình hạnh phúc đến ngộp thở.

 Loại hoa ta để ý đầu tiên là tường vi. Nhà ngoại ta có một bờ rào tường vi xanh mướt, hoa trổ từng chùm hồng phớt, đẹp đến mức ta quên ngay cái ấn tượng lạnh và buồn khi đặt chân đến Đơn Dương. Sau này ta còn biết thêm 1 trò, là ngắt những đọt non của cây tường vi, tước hết lớp vỏ bên ngoài và nhấm nháp phần lõi bên trong. Nó có vị ngòn ngọt thoáng qua, nói chung chẳng có gì hay ho nhưng thời bé ta chả mấy khi có được quà bánh nên cứ có đọt tường vi nào mới mọc lên là chết với ta ngay ^^. Năm trước ta đưa người yêu về cố quận chơi, đi ngang hàng rào ta lại tiện tay bẻ 1 đọt non, tước vỏ và nhâm nhi. Giờ trẻ con nó cũng chả thèm đến cái món ấy. Ta năn nỉ thế nào người yêu cũng ko thử, dù ta đảm bảo là ăn vào sẽ ko chết nhưng honey bảo thấy ghê ghê. Hehe, nói thật là khi ta xực cái món "ghê ghê" ấy ta cũng chẳng thấy ngon lành gì, chỉ là vì nhớ mà thôi.

 Mùa đông đầu tiên ở nơi đất lạ, ta được gặp gỡ dã quỳ. Cuộc gặp ấy khiến ta gắn bó mãi với cao nguyên, và cũng làm cho mối tình giữa ta và hoa vàng chớm nở, rồi theo thời gian càng nồng đậm thiết tha hơn. Mỗi chuyến đi xa về khi những cơn mưa vừa dứt, mùa thu còn lưu luyến chưa qua mà đông mới ngập ngừng ở xa xa, chỉ cần nghe thoảng trong gió mùi lá hăng hắc ta đã muốn rơi nước mắt vì một nỗi vui mừng không thể nói thành lời. Cố quận hiếm hoi những ngày ấm áp có thể vì loài hoa dại này đã chiếm hết vẻ rực rỡ của nắng trời. Khắp triền đồi, bên sườn dốc, dọc theo những con đường, bên những bờ sông chỉ thấy hắt lên một thứ ánh sáng chói chang, và vẻ đẹp ấy giản dị tự nhiên đến mức như một sự kiêu hãnh. Không e ấp, không che giấu, và hoàn toàn bất ngờ, loài hoa ấy đến như một cơn lũ quét và ra đi từ từ trong sự nuối tiếc. Sức sống của dã quỳ thật đáng kinh ngạc. Trừ khi đào cả gốc rễ lên và đốt trụi, còn thì dù có bị đốn bỏ năm trước, đến năm sau lại thấy lá xanh rờn và hoa cười tươi như một lời thách thức ngay chốn cũ. Ta cứ nghĩ nếu nàng Kiều "hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh" mà đứng cạnh một vạt dã quỳ thì có lẽ dã quỳ cũng chỉ điềm nhiên mỉm cười và tiếp tục cái công việc tỏa sáng thay nắng trời của mình thôi. Vẻ đẹp của dã quỳ khiến ta không lo âu cho kiếp hoa "héo hon vì mong manh", cũng không khiến ta phải đề phòng. Nó không khiến ta vui, buồn nữa đằng khác. Nhìn hoa vàng trải mênh mang thì khó mà vui lắm. Nhưng có được một nỗi buồn nhẹ nhõm và thuần khiết, chính xác hơn là một niềm ưu ái không tên, không lý do nhen nhóm trong lòng thì quả là hạnh phúc. Xưa ta hay mơ có ai đó cùng ta tìm động hoa vàng, nhưng giờ nghĩ lại ta thấy cũng không nhất thiết phải có hang với động, cứ mua một khoảng đất trên đồi dã quỳ là xong tuốt hehe .

 Ta còn sẽ kể cho người nghe về tú cầu, về cẩm mai, về kiều nương, về cúc, về hải đường, về trà mi, lồng đèn .... và nhiều nhiều lắm những loại hoa ta biết hoặc chưa biết tên ở nơi ngây ngô quận. Nhưng ta sẽ nhắc đến vào một dịp nào đó ta thư thả hơn. Giờ ta đang nhớ đến hoa trà trắng ngần, nhụy vàng li ti và có mùi thơm mát trong vườn nhà. Những lúc lòng nặng nề, chỉ cần nghe mùi hương ấy thoáng qua cũng như gặp một niềm an ủi. Lúc này lòng ta cũng đang nặng nề. Ta buồn, mệt mỏi, và ta nhớ. Và ta ước nhiều điều khó trở thành sự thật, ít ra ở 1 tương lai gần.

 Thôi, người đứng lên đi. Và hãy đi đi, đừng ngoái nhìn. Sẽ chẳng thấy Đơn Dương ngây ngô quận đâu, chỉ có một Ta ngây ngô giữa chốn thị thành này.  Nguồn
*

Rồi ta sẽ kể cho người nghe về sương. Sương nơi cố quận có khi mỏng manh như một chiếc khăn voan, lúc ẩn lúc hiện và lạnh nhè nhẹ. Có những buổi sáng mùa đông sương trắng sữa như mây bồng bềnh khắp các đỉnh núi thấp và tràn xuống đầy những vùng trũng. Có những đêm sương phủ kín mịt mù, trăng run rẩy trên cao cũng mờ đi vì lạnh. Và có những ngày mùa đông sương rơi như mưa giăng mắc, đi một lát đã thấy ướt đẫm áo khăn, cái lạnh ngấm vào tận xương, buốt giá. Ở mảnh đất cao nguyên nghèo nàn ấy, những ngày nắng đẹp hiếm hoi biết bao nhiêu!
*
Ui chao Gấu Cái quá mê bài viết này. Hỏi ai đấy.
Bạn Gấu đấy.
*

Cái này hình như đã gặp ở đâu đó. Của một ai khác? Viết rất hay.

Thursday December 4, 2008 - 11:18pm (ICT) Remove Comment

Cái này là của Em của Gấu, là Crimson M.
Thay mặt M., Tks. NQT

Thursday December