Thái Hòa
Truyện ngắn của Trần Thanh Hà
Thịnh nghiêng người, mấy lần
định đáp xuống
nhưng làn hơi lạnh dày đặc ở bên dưới đẩy bật anh trở lại. Và Thịnh cứ
bay là
đà, qua những ngọn cây những nóc nhà, lang thang mỏi mệt, chỉ mong cho
chóng
hết ngày hôm nay để anh được đáp xuống đó nghỉ ngơi. Thịnh đã bay suốt
từ tinh
mơ tới giờ, một ngày lê thê trôi qua trong trông đợi của anh, một ngày
nhìn mãi
thành phố đã quá quen dưới tầm bay anh. Thành phố dưới từng nhỏ nhặt
của đời
sống có gì khác không, còn trên chốn này hình hài vẫn thế, ngày nắng
qua ngày
mưa, không vui hơn không buồn thảm hơn. Trời đang mưa, mưa mờ mờ
giăng từ
tầng không, những sợi nước đan vào nhau khiến không khí quánh lại, nặng
và
lạnh. Nhìn qua tầng mưa, thế giới con người bỗng nhiên giống nhau y xì,
áo mưa
nón lá, họ cun cút trên đường, họ cắm cúi ngoài chợ, khiến Thịnh muốn
tìm vài
gương mặt cũng không thể. Thịnh những tưởng mưa thế này sẽ xuống được
sớm hơn,
vội vàng khấp khởi, nhưng mỗi lần chạm mình vào tầng dương thế là mỗi
lần anh
đau đớn, mà giờ cõi đất mở cửa vẫn chưa tới. Cho đến khi nó mở thì
Thịnh gần
như bị rơi tõm xuống, chạm phải mặt đất, choáng váng mất một lúc anh
mới hoàn
hồn. Nằm trên bãi trống, đoán định mãi không biết khu vực nào.
Mặt tây
thành phố có nhiều bãi hoang, không có nhà cửa, nhưng bù lại có rất
nhiều khu
lăng mộ, những lăng mộ trắng toát được xây nhanh như nấm mọc kể từ hồi
hết
chiến tranh. Vào buổi chập choạng hãy còn đôi bóng hình, là ma hay là
người,
đến Thịnh còn không phân định. Một lúc bâng khuâng, rồi Thịnh cũng tìm
ra chốn
cần tới, một nghĩa địa lâu năm ít người lai vãng. Trời chưa tối hẳn và
Thịnh
rất sợ gặp phải ai đó. Len qua mấy hàng mộ, không dám đến gần ngôi mộ
anh vẫn
trú mọi hôm, cũng không dám ghé vào đâu, thành thử Thịnh cứ đứng co ro,
cả thân
mình ướt đầm trong mưa. Rất lâu mới thấy Diệu hớt hải chạy lên, tấm vải
choàng
đi mưa rất cũ, mọi thứ đều cũ, nó là của một thời nào khác, không dấu
vết gì
của lần anh về Huế đột ngột gặp lại Diệu. “Bữa nay mưa, hàng ế, em phải
chờ bán
nốt, nếu không ngày mai không còn vốn đi chợ nữa” - Diệu nói. Diệu bỏ
tấm
choàng mưa, rũ rũ nó rồi vắt lên thành mộ, sà vào dưới mái che của ngôi
mộ Đạt.
“Lại đây anh” - Diệu gọi, và kéo Thịnh xuống sát bên mình. Thịnh e dè
ngồi
xuống. “Anh lạnh lắm” - Diệu nói. Bỗng nhiên Thịnh khóc. Nước mắt anh
chảy
xuống mặt nghe rõ cảm giác lạnh của nó. Diệu không biết, Diệu không bao
giờ
nhìn thấy rõ Thịnh. Thịnh thì thấy Diệu đã già, nhưng Thịnh vẫn hỏi, em
già hay
trẻ. Diệu nói, em còn trẻ. Diệu nằm xuống, và Thịnh cũng nằm xuống bên.
Diệu
quàng lấy Thịnh, hơi thở, mùi da thịt, tóc Diệu tỏa trên ngực Thịnh,
môi Diệu
trên mình Thịnh. Diệu nói: “Em làm anh vui không?” Thịnh nói, có, nhưng
Thịnh
còn khóc. Ôi sự sống, sự sống đã xa lạ với anh bao nhiêu. Thịnh nói, em
nhìn
anh đi. Diệu nói: “Có, em thấy anh trẻ như ngày xưa”. Thịnh bỗng tuyệt
vọng,
Diệu, Diệu hãy nhìn anh khóc, sao Diệu không thấy anh đang khóc. Nhưng
Diệu đã
ngủ. Thịnh ngồi dậy, rất nhiều năm rồi anh không biết giấc ngủ là gì.
Thịnh nói
to, Đạt, mày lên đây chơi với tao đi.
* *
Năm xưa, hồi đến đây với Diệu
lần đầu, biết
người dưới mái hiên này là Đạt, Thịnh rất sợ. Thịnh sợ bỗng dưng Đạt
hiện lên,
hai đứa gặp lại nhau. Lần này chắc Đạt bắn trước, Đạt hẳn không tha cho
Thịnh.
Thịnh ngồi bên Diệu, sợ đến nỗi Diệu nói cái gì Thịnh không hề nghe,
chỉ gà
gật, rồi trong đêm không dám đánh thức Diệu Thịnh lặng lẽ biến đi.
Nhiều bữa
sau Thịnh vẫn còn sợ, nhưng lâu ngày thấy Đạt không bao giờ lên dần dà
Thịnh
quên mất. Nhưng rồi xuống đây quá nhiều lần, đằng đẵng trong mấy mươi
năm,
Thịnh đâm ra thắc mắc, sao mình không gặp Đạt, sao bao nhiêu thằng bên
quân Đạt
Thịnh gặp nhẵn mặt ở trên đó mà Đạt thì không. Có ngày, Thịnh nhẩn nha
trong
đám hỗn độn ở trên đó, hỏi mấy thằng ở lâu với nhau thành quen, mày
biết thằng
Đạt đâu không, hắn cao lớn, hồi trước làm lính dù... Mấy bóng, già có
trẻ có,
mặc rất nhiều thứ đồ khác nhau, đang sát phạt quanh một cỗ bài, không
nghe
Thịnh nói gì, cứ chực gạt ra. Nhưng Thịnh hỏi mãi, lâu lắm mới có một
kẻ nhe
răng ra cười, chửi bậy, muốn đòm cho một phát nữa ông nội, tụi này ngứa
tay
lắm, lâu ngày không bắn nhau, buồn lắm. Thịnh nói, đòm đi, chết nữa vui
không, nhưng
không thằng nào bắn, và Thịnh thì đi hết chỗ này qua chỗ khác, gặp ai
cũng hỏi
biết Đạt đâu không. Ờ, gặp nhau bây giờ biết đâu hay hơn. Về sau Thịnh
nghĩ,
hay thực ra Đạt chưa chết, vết đạn đó đã không giết Đạt và Đạt còn ở
lại trên
mặt đất. Hỏi Diệu, em có nhìn thấy Đạt chết không. Diệu nói, em thấy
ảnh nằm
chết, đạn bắn lủng ngực, chính tay em chôn cất ảnh. Vậy là Đạt đã chết,
nhưng
Đạt không có trong thế giới của Thịnh, Đạt cũng không có trên mặt đất.
Đạt ở
đâu? Thỉnh thoảng giữa đêm khi Diệu đã ngủ yên, ngồi lại một mình trên
mặt đất
ẩm, xung quanh yên lặng, buồn quá anh gọi Đạt lên, nhưng Đạt chẳng bao
giờ lên.
Có một người nữa anh cất công
tìm mà không thấy,
đó là mẹ anh. Năm anh lên rừng, mẹ còn chạy chợ nuôi em đi học trong
thành phố.
Năm anh chán tầng trời bỏ đi lang thang và xuống mặt đất chơi, có lần
về quê
cũ, đã không còn thấy đâu dấu tích nhà cửa. Làng xóm biến đổi, nhiều cô
cậu ra
đời từ hồi nào mặt mũi lạ hoắc. Lắm hôm nhập nhoạng, trong nỗi côi cút
khát
khao tình mẹ, Thịnh liều lĩnh nhòm từng mặt người. Nhòm những người
già. Những
ông già khác nhau, người nào vẻ nấy, phân biệt được liền. Nhưng những
bà già
thì không khác, những bà già lầm lũi héo hon, người nào cũng chết chồng
chết
con, những bà già của xứ sở này không ai khác ai. Thịnh vừa đi vừa gọi,
thấy
những mắt ấy nhìn lên chịu đựng. Đi mãi đi mãi trong trời đất, cũng
không sao
tìm nổi mẹ già. Đến như Đạt, mộ đây gọi hoài không nghe, huống hồ mẹ
không biết
lưu lạc ở đâu. Nghe chuyện anh, một người ở cạnh năm xưa trên trần làm
giáo học
khuyên nên tìm gặp Nam Tào tra sổ. Thịnh có đến Nam Tào, ngài ngồi bên
lò lửa,
mặt đỏ như gấc, Thịnh gọi mãi ngài mới nghe. Ngài lấy cuốn sổ dài, dò
mãi không
ra tên, sổ người chết không đến sổ người sống cũng không, ngài cả cười
nói như
an ủi, chúng sinh vô lủng, thôi sống chết kể gì. Nhưng Thịnh không
nghe, anh
giật lấy sổ, gí mặt vào tìm, những trang giấy rọi ánh sáng làm đau
không chịu
nổi. Nam Tào còn cười, ngài cười mãi cả sau khi Thịnh bỏ đi. Thịnh còn
tới Diêm
Vương. Mặt ngài xanh rờn. Thế mà cũng hỏi a? Sống chết là gì. Một ngày
trong
thiên hà tiêu vong bao nhiêu mạng, mấy mạng nhà ngươi là gì, sao đòi ta
bận
tâm. Quay ra, chẳng còn chỗ nào mà hỏi nữa, đành thở một hơi, quả vậy,
kể gì
một mạng người trong thiên hà.
*
*
Năm ấy, vào ba mươi Tết, những
đoàn người lẳng
lặng rời rừng, đi qua bóng đêm, đi qua những làng mạc im lìm để về Huế.
Đánh
nhau trong đêm, Phú Bài, Vĩ Dạ, An Hòa, Tam Thai... nơi nơi súng rền
vang. Lửa
đạn nhoáng nhoàng. Lửa rực trên trời. Lửa rực đất đai. Lửa trong lòng
người.
Sớm mai, Thịnh đã ở một khu vườn mé ngoài thành nội, ngồi dưới gốc táo
và
sa-pu-chê. Táo còn lác đác quả vì nhà vườn bán mãi trong Tết chưa hết,
và
sa-pu-chê đã thôi hoa, những quả xám xanh nhỏ ẩn trong tầng lá xanh
rợp. Nhiều
năm ở Huế, Thịnh chưa hề thấy sa-pu-chê thôi xanh, lúc nào cũng xanh,
không có
kỳ thay lá như nhiều loại cây khác, dù Huế một năm trải qua mấy thời
khắc khác
biệt nhau của thời tiết, và có những khi trời đất rất buồn, khiến tất
cả hoa
trái đều đổi khác. Người ta nói chung quanh thành này mỗi tấc đất vùi
không
biết chừng nào xác người, nên sa-pu-chê mới xanh như thế. Trời Huế mưa
bay, mưa
lất phất mà dầm dề. Mưa ẩm trên mái ngói cũ kỹ của ngôi nhà rường đơn
vị Thịnh
giữ. Đêm vô tới Kim Long, lệnh trước truyền tới có địch, dàn đội hình,
nghe
súng nổ Thịnh cũng kéo một băng đạn, đó đến sáng bắn thêm một ít nữa
nhưng
không rõ hình dạng thằng địch nào. Buổi sớm ngồi ngửi nòng súng, nghe
còn mùi
hắc nồng của thuốc súng. Chết ai chưa, Thịnh tự hỏi, cũng tự trả lời,
chắc có
chết, hắn không chết mình chết, đánh nhau mà. Lòng không băn khoăn gì
mấy. Đêm
đánh nhau, mỗi sáng thưa tiếng súng người ta tranh thủ chợp mắt. Nhưng
không
sáng nào Thịnh ngủ, anh ngồi nghển cổ trông qua bờ tường thành, tự hỏi
cái điện
Thái Hòa nằm ở đâu. Thành nội nhiều cây, cổ thụ um tùm bị bao bọc giữa
những
nhà vườn. Năm Thịnh lên Huế học thành nội đã đóng cửa, không có ai vô
ra, thành
quách ngủ yên trong chiến sự. Ký ức là những sách sử anh đọc hay những
câu
chuyện mẹ kể cho nghe. Cũng lần nào đó một bạn bè rủ vô thành chơi,
Thịnh đã
sợ, cái bóng điện đài lộng lẫy trong tâm, cái bóng đè lên rất nhiều
giấc mơ
khiến Thịnh bàng hoàng. Thịnh bèn nói với người bạn rằng, thôi, cái
điện đó tao
tỏ tường rồi, tỏ tường từ bé xíu, thôi, khỏi cần vô... Nhưng vàng son
hình như
quyến rũ, vì thỉnh thoảng Thịnh muốn đứng ngoài xa nhìn qua Ngọ Môn,
này, cái
đỉnh điện hình thù sao nhỉ... Những buổi tan học, đáng nhẽ đạp xe dọc
sông
Hương về nhà thì Thịnh lén lút vòng vô thành nội, đi qua những con
đường rợp
tán phượng, qua Ngọ Môn, qua Hiển Nhơn, đi phía sau lưng thành, thành
cao che
giấu bên trong bao nhiêu xưa cũ. Những bóng áo dài chậm rãi qua đường
cùng cái
hình ảnh lộng lẫy trong kia khiến Thịnh run bắn. Nhiều năm sau, ngày
ngày rỗi
rãi bay trên thành phố, Thịnh mới thấy toàn bộ tòa điện, nó chẳng hùng
vĩ như
trí tưởng của anh, cái điện quá nhỏ, phía trên nóc điện có mấy con rồng
cong
queo bất động. Một lần, hồi chưa gặp Diệu, Thịnh vào tận trong điện,
thấy cái
ngai cũ bỏ không, cũng chẳng oai phong gì như hồi nhỏ nghe mẹ kể, cái
ngai giờ
đây nằm trong lớp nước hòe lòe loẹt, chắc chắn vừa được sơn phết qua
một cuộc
trùng tu. Thịnh đi một mình trong sân điện, sờ mặt mấy quần thần đứng
xếp hàng,
chẳng ai động đậy, ma không người sống cũng không, trong cái điện này
buồn hơn
bất cứ chốn nào. Thôi, biết một lần rồi thôi, tự nghĩ vậy, nhưng ngày
tháng dài
không biết tiêu thời gian của mình vào đâu, thêm đôi ba lần nữa Thịnh
xuống
điện chơi, có lần ngồi vắt vẻo trên mấy con rồng, lần lân la chỗ hương
án, lần
nằm trong đáy đỉnh đồng nghe sương rơi, hay loanh quanh với hoa cỏ,
chẳng lần
nào gặp được ai, bèn đứng trong sân mà gọi thái hòa thái hòa, chán chê
thì biến
đi.
Thịnh không thể nhớ anh đã bay trên thành phố bao nhiêu lần. Một ngày
mấy vòng,
dật dờ, vớ vẩn, ngày với Thịnh thường quá dài, dài hơn đời sống, chẳng
có việc
gì, chẳng có gì bận tâm, lang thang như một cách thức xua đuổi thời
gian, lang
thang cho hết một ngày, cho qua nhiều ngày, nhưng để hết một kiếp thì
Thịnh
không có cách nào. Thịnh là người chết. Mà xưa nay không ai nói hết một
kiếp
chết.
Một chốn Thịnh hay qua lại là khu chợ Đông Ba. Cái chợ buổi nào cũng
đông, đủ
thứ con người, lời người ong ve náo nhiệt đưa tới chỗ Thịnh. Trong đám
đông,
một lần tình cờ anh phát hiện ra Diệu. Diệu ngồi bán rau ở góc chợ, gom
mớ này
bót mớ kia, chèo kéo, mua rẻ bán đắt, cũng chao chát chửi bới, chua
chát xen
lẫn trong loài người, lời nghe rất rõ nhưng gương mặt thì ẩn trong vành
nón,
Thịnh chẳng nhìn được. Phép tàng hình của Thịnh chỉ cho anh lẫn trong
bóng tối,
trong ánh sáng Thịnh ở một cõi khác, chẳng trong cõi người mà cũng
chẳng phải
thiên giới. Chiều ấy bám theo Diệu anh mới biết Diệu còn ở ngôi nhà cũ,
và bất
ngờ nhất là ba Diệu còn sống. Ông sống, nhưng cơ thể đã bất toại, không
nói
không nghe, nhưng tim còn đập, nó đập kiên nhẫn trong nhiều năm rồi.
Làm sao
ông sống được? Mãi mãi Thịnh không dám hỏi Diệu điều đó. Ông ra rừng
với Thịnh
một ngày, chính Thịnh áp giải ông và nhiều người nữa, và vào thời khắc
Thịnh
ngã xuống, anh đã nghĩ họ cũng chết, không thể một ai, không còn một ai
không
kết thúc như thế.
Thịnh nhớ buổi sớm ra tới ven rừng. Máy bay quây tứ bề, bom, đạn
rốc-két, và
một đội người hỗn độn túm nhau lại. Ai đó la, bắn hết đi, bắn đi mà
thoát thân,
dắt díu nhau thế này chết mất. Người ta la Thịnh bắn đi. Thịnh chạy
ngược xuôi,
mắt mờ khói, toàn đụng người mà không nhận ra ai. Thịnh dốc cái nòng AK
lên
trời. Mũi súng cũng mù khói. Bắn đi, bắn đi, người ta nói như thế và
Thịnh cũng
nghĩ như thế. Nhưng sao chẳng bắn được nữa, tay đã mỏi mà súng không
còn viên
đạn nào. Hai mươi mấy ngày về trong phố, đêm nằm dưới chân thành còn
chưa biết
miền nào an hòa, thì giờ bắn nữa làm gì. Thịnh thả súng. Không còn súng
nhưng
Thịnh cứ đi lên. “Thịnh, bắn đi”. “Cho tôi về lại thành phố”- Thịnh
nói. A, muốn
chiêu hồi. Đ.M loài trí thức - tiếng người. Và Thịnh chợt thấy mình
không thể
đi lên nữa. Không có vết thương. Không đau đớn. Trong thời khắc cuối
cùng của
con người, hiện lên trong tâm Thịnh lại vẫn là hình ảnh ngôi điện Thái
Hòa. Cái
hình ảnh ngạo nghễ ấy từng chút một phình to ra, nó phình mãi cho đến
khi nuốt
chửng lấy Thịnh thì biến mất.
Thịnh cũng nhớ buổi sáng anh
đến nhà Diệu. Thịnh
và hai người trong đại đội. Ba Diệu đã ngồi sẵn ở nhà ngoài, ông mặc
com-lê,
thắt cà-vạt và đi giày da. Ông nói: tôi đang đợi mấy người. Toán của
Thịnh
không nói gì, họ lẳng lặng ra hiệu cho ông và tất cả cùng ra khỏi nhà.
Chính
khi ấy Thịnh đột ngột giáp mặt Diệu. Cô chưa kịp thay đồ ngủ, tóc rối
bù, những
dây áo trễ xuống, nước mắt vòng quanh. Diệu chắn trước mặt ông già, ba,
ba
không được đi. Ông già gạt Diệu, để ba đi, con đừng ngăn. Nhưng Diệu đã
lồng
lộn lên, Diệu hét, mấy người, mấy người không được bắt ba tôi, mấy
người là thứ
gì... Diệu nhằm vào Thịnh mà xỉa tới, gương mặt xinh đẹp vằn vện nước.
Phải hai
năm gì đó Thịnh mới thấy lại Diệu, trong hai năm đó ở trên rừng, gương
mặt
Diệu, cái hình ảnh da diết đó trở đi trở lại trong giấc mơ anh. Anh
thấy ngày
thái bình anh về Huế cưới Diệu, hai người ra đứng trước cửa điện Thái
Hòa chụp
ảnh. Giờ đây gặp lại Diệu, đáng lẽ vui sướng nói Diệu ơi Thịnh đây thì
anh lại
bỏ chạy. Anh chạy ra ngoài phố, chạy khỏi sự xa lạ căm hờn của Diệu, và
oái
oăm, anh gặp Đạt ở ngoài phố.
* *
Hồi gặp lại Diệu Thịnh đã ở
trên kia được mười
năm. Vài lần xuống mặt đất chơi, Thịnh biết có người con gái đêm đêm ra
ôm mộ
ngủ. Không dám làm quen, Thịnh nấp sau mấy ngôi mộ nhìn Diệu ngủ suốt
đêm.
Nhiều đêm, rồi tự người con gái vẫy Thịnh tới. Quen rồi mới giật mình
nghe
người con gái nói cô tên Diệu. “Người dưới mộ này là Đạt, chồng chưa
cưới của
em”, Diệu nói. Đúng Diệu, Diệu anh yêu trong năm tháng sống ngắn ngủi
xưa kia.
Diệu thời đó lộng lẫy xa xôi, giống như ngôi điện đài trong tâm, hiện
lên từng
thời khắc nhưng không từng tận mặt. Thịnh nghĩ, mình đi thôi, nhưng
Diệu đã
quàng lấy Thịnh, ở đây với em, sao mình không cần hai người cho vui
hơn, cô
nói. Và Thịnh đã ở cùng cô, tất cả những đêm, mọi đêm, anh nằm bên cô,
anh ân
ái cùng cô, anh yêu cô theo cái cách của một người không phải sống nữa.
Rất
nhiều năm sau Thịnh mới dám hỏi Diệu, em biết anh không phải người sống
không.
Diệu nói, em biết. Em có biết anh là ai không, Thịnh lại hỏi. Diệu nói,
em biết
anh ở bên thế giới của Đạt, anh là bạn Đạt... Thịnh lạnh người, suýt
nữa nói
rằng anh là kẻ đã bắn Đạt đây. Nhưng Diệu đã không nói nữa, Diệu bắt
đầu một
cung cách yêu thương, không bao giờ hỏi Thịnh tên chi, cũng không hỏi
làm sao
đây lại là anh chớ không phải Đạt.
Thịnh nghĩ, mọi sự chắc chắn
chỉ đến thế này,
chắc chắn không thể có một sự kiện gì ghê gớm hơn thế này nữa. Thịnh sẽ
sống
giữa cõi âm dương này mà mãi mãi không bao giờ còn trở về với thế giới
của Diệu
được nữa. Thịnh sẽ ở đây mà mơ cái giấc mơ được đứng trước Thái Hoà
cùng Diệu.
Nếu mà trở lại, chắc Thịnh sẽ làm khác. Nhưng Thịnh sẽ sống vào thời
đại nào để
được làm những việc anh mong làm, yêu những gì anh mong yêu…
Này anh, bên đó có gì vui? Em
muốn thử một lần
sang bên đó! Đột nhiên Diệu nói. Thịnh sững sờ, không Diệu, bên đó buồn
hơn,
như anh, làm sao cho hết kiếp
được...
TTH