Phạm Thị Hoài
Còn lại gì
Như mây đã sẵn ở trên trời, lúc tôi sinh ra
chiến tranh cũng đã sẵn. Tôi không phải làm quen với nó, nó phải làm
quen với
sự xuất hiện của tôi. Mười lăm năm, ngày ngày ngửa mặt ngắm chiến tranh
chầm
chậm trôi, tôi không là một đứa bé bất hạnh. Những đám mây ấy phần lớn
đều mầu
hồng. Thỉnh thoảng có đám mây giông, nhưng chỉ để mầu hồng sau đó càng
rực rỡ.
Ngay cả khi chiến tranh ở nơi sơ tán là chùm bom lao vùn vụt, nhanh hơn
mọi vật
biết chuyển động mà tôi từng biết cho đến lúc ấy; ngay cả khi chiến
tranh là
những cánh tay và khúc chân rơi rải rác mà lúc đi nhặt tôi cố đoán
chúng từng
thuộc về bạn nào, lớp nào..., thì với tôi, sinh ra và lớn lên tại miền
Bắc Việt
Nam những năm sáu mươi và bảy mươi, chiến tranh tự nhiên thuộc về cuộc
sống, là
phần tươi hồng của cuộc sống. Gắn với cuộc chiến ấy, cái chết cũng lấp
lánh,
cũng nháy mắt hẹn ngày mai gặp lại. Nếu không có thay đổi gì đặc biệt,
lúc tôi
ra khỏi cuộc đời thì chiến tranh hẳn vẫn bình thản trôi tiếp, như mãi
mãi là
thế, như mây trên trời.
Mùa
xuân năm 1975, từ giữa
tháng Ba với Buôn Ma Thuột, mỗi buổi sáng trước giờ khai giảng một học
sinh
tiên tiến được vinh dự cầm cây cờ đỏ sao vàng bé xíu lên cắm trên tấm
bản đồ
đất nước, đúng ở điểm vừa được giải phóng, vừa “hoàn toàn thuộc về ta“.
Huế
26.3, Đà Nẵng 29.3, Phan Rang 16.4, Xuân Lộc 21.4... Mầu đỏ san sát,
tiến ào ạt
xuống phiá Nam
tới mức tôi sợ đến lượt mình thì không còn đất cắm. Ngày 27.4, cầm lá
cờ làm
bằng giấy mầu và tăm tre tiến vào Bà Rịa, tôi cũng khóc như bao người,
nhưng
không phải nước mắt của chiến thắng. Tôi có biết gì đâu về cái giá của
chiến
thắng. Đó là nước mắt của chia tay. Chiến tranh đã làm quen với tôi,
nay tôi
phải làm quen với sự ra đi của nó. Ai sẽ thay nó, nháy mắt chào? Còn
lại gì,
sau chiến tranh?
Một
thập kỉ hậu chiến với chế
độ phân phối thời chiến, nếp sống hà khắc thời chiến, tư duy sắt đá
thời chiến,
xung đột quân sự ở biên giới phiá Tây với Cambodia, xung đột quân sự ở
biên
giới phía bắc với Trung Quốc và sự tiếp diễn của chiến tranh lạnh đã
biến nền
độc lập dân tộc vừa giành được thành sự cô lập quốc tế, biến đất nước
vừa thống
nhất thành một lãnh thổ toàn vẹn của nghèo đói, lạc hậu và đàn áp từ
Bắc chí
Nam. Sống ở Hà Nội đầu những năm tám mươi, tôi đã hình dung mình sẽ
sinh một
đứa con, và nó sẽ mở đầu lí lịch bằng câu: Như mây đã sẵn ở trên trời,
khi tôi
sinh ra hậu chiến cũng đã sẵn. Ngày ngày cúi mặt cho những đám mây hậu
chiến
mầu chì chầm chậm trôi... Nhưng giữa thập niên tám mươi, chính sách Đổi
mới bắt
đầu. Những người chiến thắng phải mất mười năm để nhận ra rằng vinh
quang không
phải là thứ nhai được thay cơm. Năm 1994, lệnh cấm vận thương mại với
Việt Nam
được bãi
bỏ, tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt-Mĩ bắt đầu. Nước Mĩ mất hai
mươi
năm để kí giao kèo hoà thuận với quá khứ của chính mình. Với Mĩ, chiến
tranh
Việt Nam
đã hoàn toàn thuộc về lịch sử. Nó chỉ còn được dùng bốn năm một lần làm
phép
thử không mấy hiệu nghiệm cho lòng ái quốc và tư cách đạo đức của các
ứng viên
tổng thống, hoặc để đối chiếu với những cuộc chiến khác mà Mĩ đã và có
thể sẽ
bận bịu tiến hành. Ba mươi năm sau, người ta nói ngắn gọn: Lịch sử đã
lên sẹo,
hãy cho nó được nghỉ yên, không có lí do gì để khai quật những chứng
tích chẳng
còn liên quan đến hiện tại. Hãy nhìn về tương lai.
Tôi
thuộc về số - có lẽ là thiểu
số - những người không dễ dàng tuyên bố như thế. Ba mươi năm sau, lá cờ
nhỏ
bằng nửa bao diêm gắn trên đầu tăm mà tôi cắm vào Bà Rịa trở nên trĩu
nặng
trong tay tôi hơn bao giờ. Vâng, 4 triệu dân thường, 1 triệu binh sĩ tử
vong,
hàng triệu trẻ em mồ côi và phụ nữ goá bụa, hàng chục triệu người chịu
thương
tích thể xác và tâm hồn, 76 triệu lít chất độc hoá học và 13 triệu tấn
bom
đạn... là những con số đã thuộc về lịch sử, tôi không khai quật những
con số.
Nhưng các hậu quả trầm trọng nhất của cuộc chiến tranh đạt những kỉ lục
không
thể vượt qua của sự phi nhân tính ấy vẫn còn nguyên, đơn giản vì chúng
chưa bao
giờ được đưa vào danh sách các hậu quả cần khắc phục.
Kết cục
của chiến tranh Việt Nam
là sự toàn
thắng của những người cộng sản. Cuộc chiến ấy là nguồn sữa, trường học
và hòn
đá thử của chủ nghĩa cộng sản Việt Nam, là lời biện minh của lịch sử
cho quyền
lãnh đạo tất yếu của Đảng Cộng sản, là bằng chứng của sự hoàn thành một
Thiên
mệnh. Chủ nghĩa cộng sản đã tìm được con đường đặc biệt của nó tại Việt
Nam
để lên
ngôi: thông qua một Thiên mệnh đặc biệt đẫm máu. Song chiến tranh thì
đã qua,
Thiên mệnh vẫn còn lại. Từ ấy đến nay, tính chính đáng của ba mươi năm
trước
được ôn lại ráo riết, được khẳng định bền bỉ, được chân lí hoá và thần
thánh
hoá; những anh hùng thời chiến tiếp tục giành độc quyền chỉ huy thời
bình; chế
độ chỉ đạo quân sự trong chiến tranh thăng hoa trọn vẹn vào chế độ lãnh
đạo
toàn trị trong hoà bình. Hơn ai hết, Đảng Cộng sản Việt Nam hiểu rõ
rằng mọi
thứ đều có thể đối mới, nhưng huyền thoại về Thiên mệnh ấy không được
phép suy
suyển, bởi mọi lí tưởng của chủ nghĩa cộng sản hoặc đã bị bản thân
những người
cộng sản đang cầm quyền phản bội mà không một lời tự xin lỗi, ít nhất
trước
chính mình, hoặc đã hoàn toàn phá sản. [1] Chẳng lẽ có thể xếp cuộc
chiến tranh
ấy vào hồ sơ của một giai đoạn lịch sử, nhưng giấy ủy nhiệm của giai
đoạn lịch
sử ấy thì giữ vô thời hạn cho riêng mình? Tại Việt Nam ba mươi năm sau
chiến
tranh, những giá trị nền tảng của văn hoá Việt truyền thống đều đã mất
hiệu
lực, những giá trị cao cả nhất của lí tưởng cộng sản đã trở thành trò
hề, những
giá trị căn bản nhất của mô hình dân chủ xuất phát từ phương Tây chưa
tìm được
chỗ đứng, và những giá trị tích cực nhất của một thế giới toàn cầu hiện
đại
chưa thành hình. Nạn tham nhũng, tình trạng phạm pháp, sự băng hoại đạo
đức và
nhân cách, sự sụp đổ của hệ thống y tế và giáo dục, đà tăng tiến chóng
mặt của
bất bình đẳng xã hội, quả bom nổ chậm của xung đột sắc tộc và tôn giáo,
nguy cơ
hỗn loạn từ một nông thôn khổng lồ hoàn toàn bị bỏ rơi, sự tàn phá và ô
nhiễm
môi trường, sự nghèo nàn thảm hại của đời sống tinh thần, sự tê liệt
của tầng
lớp trí thức, sự vô hiệu hoá khả năng liên kết của các tầng lớp xã hội,
sự
khủng hoảng niềm tin và thiếu vắng hi vọng..., trước tất cả những vấn
nạn đó
của thời hậu cộng sản, chế độ toàn trị tại Việt Nam đã có đủ thời gian
và cơ
hội để chứng minh xuất sắc rằng mình không còn thẩm quyền, và nhất là
không còn
độc quyền đưa ra giải pháp. Chẳng lẽ có thể tiễn cuộc chiến tranh Việt Nam vào bảo tàng, nhưng đi theo chế độ
toàn trị
Việt Nam
vào tương lai? Chẳng lẽ cái giá xứng đáng cho hoà bình là một nền độc
tài?
Kết cục
của chiến tranh Việt
Nam không phải là sự sụp đổ của Hợp chúng quốc Hoa Kì, mà là sự tiêu
vong của
Việt Nam Cộng Hoà, quốc gia từng hiện diện trên một nửa lãnh thổ Việt
Nam không
kém hợp pháp hơn người anh em của nó ở phiá Bắc, và - bất chấp tất cả
sự thối
nát của những nội các cụ thể, sự bất lực của các nhân vật lãnh đạo cụ
thể - là
nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam thiết lập trên những nguyên
tắc căn
bản của nền dân chủ hiện đại. [2] Tôi sẽ không bao giờ gột nổi thiếu
tướng
Nguyễn Ngọc Loan trong bức hình nổi tiếng của Eddie Adams ra khỏi trí
nhớ, và
những lời nói sau của người phóng viên nhiếp ảnh ấy chỉ tô đậm đường
nét bi
kịch quái đản mà Orina Fallaci đã phác hoạ sau buổi gặp giữa bà và ông
Giám đốc
Nha Cảnh sát Sài Gòn, người yêu hoa hồng, Brahms, Chopin, khinh bỉ
nghiệp võ
biền, ví một nhà sư tự thiêu trong phong trào Phật giáo phản kháng với
một con
chó say ma tuý và coi Việt Cộng là một lũ trẻ hư đáng bị ăn đòn [3] .
Nhưng nhà
tù, trại cải tạo, tước đoạt tài sản, kì thị trẻ em lai, phân biệt đối
xử và
thanh trừng trí thức, huỷ diệt và cấm đoán các sản phẩm văn hoá văn
nghệ, xoá
trắng hàng loạt cuộc đời và sự nghiệp... ở quy mô bao trùm toàn xã hội
miền Nam
ngay sau ngày giải phóng nhất định không phải là những hành vi xứng
đáng với tư
thế của kẻ chiến thắng trong chính nghĩa, không phải là bằng chứng cho
tính ưu
việt của chế độ mới so với chế độ mà nó vừa kết liễu. Ba mươi năm sau,
Việt Nam vẫn chưa
một lần chính thức ghi nhận cuộc di
tản đau thương của gần một triệu người Việt miền Nam.
Như thể họ không thuộc về dân
tộc Việt và khối đại đoàn kết dân tộc đã khai trừ họ. Như thể nước Việt
Nam
là của
những người Việt này và không của những người Việt khác. Như thể lúa đã
mọc lại
trên chiến hào ra sao thì tình dân tộc ắt bắt rễ trên miệng hố sâu của
chia rẽ
và hận thù như thế, chẳng cần ai khoả lấp. Người ta dễ dàng nói ngắn
gọn: Vết
thương đã ăn da non, đừng ngoáy sâu vào nữa. Nhưng đó không là vết
thương. Đó
là khối u mà thời gian không hề là phép chữa nhiệm mầu. Ngược lại. Sự
chia cắt
dân tộc là điểm xuất phát của cuộc chiến, chẳng lẽ điều còn lại ba mươi
năm sau
chiến tranh vẫn là chia cắt? Làm sao có thể hoà giải, nếu không sám hối
và tha
thứ? Làm sao có thể khép lại quá khứ, khi người Việt và người Mĩ đã có
thể chìa
tay cho nhau, nhưng người Việt tiếp tục không chìa tay cho người Việt?
Ba mươi
năm nay, với mỗi ngày
một lòng biết ơn không thuyên giảm tôi làm quen với hoà bình. Nhưng
những cái
bóng đen nhất mà chiến tranh Việt Nam hắt lại vẫn còn đó. Vẫn
chầm
chậm trôi, như mãi mãi là thế, như mây trên trời. Nếu không có thay đổi
gì đặc
biệt.
(Phần
chính của bài viết này
đã đăng trong bản dịch tiếng Anh ngày 29.4.2005:
http://www.opendemocracy.net/themes/article-1-2464.jsp)
© 2005 talawas
[1] Tôi
muốn dành chú thích
này để bày tỏ lòng tôn trọng với những người cộng sản còn giữ nguyên
ước mơ về
một thế giới đại đồng, lòng kính trọng với những người cộng sản đã ngã
xuống
cho ước mơ ấy, lòng cảm phục và hi vọng với những người cộng sản phản
tỉnh và
li khai đường lối toàn trị của chủ nghĩa xã hội hiện thực.
[2]
Nhận định này không đồng
nghĩa với việc chia sẻ hay ủng hộ các nỗ lực phục hồi Việt Nam Cộng Hoà
như
thường thấy ở không ít cộng đồng người Việt tị nạn. Lịch sử không thể
làm lại,
mặc dù có thể viết lại.
[3]
Orina Fallaci, Niente e cosí
sia, 1969, chương 3, ngày 17 tháng 12.