*





Khi nhà văn sắp đặt và trình diễn, với tác phẩm của mình

Vân Trang

Vài ba chục năm trước, người ta bắt đầu nói đến nghệ thuật sắp đặt (installation art) và trình diễn (performance); nhưng trước hết hình như các nghề mới đó chỉ liên quan đến giới hoạ sĩ. 

Thật ra thì ngay với nghệ thuật tạo hình, lĩnh vực sắp đặt hay trình diễn đều vượt ra ngoài giới hạn của hội hoạ và điêu khắc vốn là những nghệ thuật không gian tĩnh tại. Không bằng lòng với việc chỉ tạo ra những hình tượng bằng màu và nét đứng yên trên mặt phẳng hoặc tạo ra những hình khối đứng yên trong khoảng không, một số hoạ sĩ và nhà điêu khắc tìm cách tạo ra những tác phẩm có hình khối, lại có tình thế, có diễn tiến, nhưng chỉ tồn tại trong thời khắc nhất định, với chất liệu là cơ thể mình cộng với các vật thể khác và những mảng không gian nhất định. Sắp đặt và trình diễn thể hiện khát vọng của nghệ sĩ tạo hình muốn vươn ra khỏi khả năng của những chất liệu vốn có của hội hoạ và điêu khắc, để tranh đua với các nghệ thuật biểu diễn về nhiều ưu thế của nó (có tình thế, có diễn tiến, có cảnh quan,…), đồng thời được thể nghiệm cái hành vi sáng tạo mà kết quả của nó là tác phẩm nghệ thuật chỉ tồn tại ở trạng thái đơn nhất không thể lặp lại, chỉ tồn tại ở lát cắt thời gian vụt thoáng qua một đi không trở lại (cái cảm tưởng tác phẩm biến mất ngay sau khi được sáng tác xong, − là chưa hề có ở người làm nghệ thuật tạo hình truyền thống). Với sắp đặt và trình diễn, hoạ sĩ như biến thành diễn viên kiêm đạo diễn; sự lên ngôi của xu hướng này trong nghệ thuật tạo hình khiến những hoạ sĩ làm việc theo cung cách truyền thống dần dần hoá ra những anh thợ vẽ tầm thường, ít đối diện những vấn nạn đáng giá, và do vậy chăng, ngày càng ít hào quang trước mắt công chúng.

Khát vọng làm mới những nghệ thuật cũ, khát vọng vượt ra ngoài những khả năng vốn có của từng loại hình nghệ thuật, − mà sắp đặt và trình diễn gợi ra, đã tác động đến một môn cổ xưa nhất của nghệ thuật ngôn từ: ấy là thơ. Khó chối cãi sự tranh đua (ngầm?) của những người trình diễn thơ hiện thời với các hoạ sĩ sắp đặt và trình diễn, tuy rằng các hoạ sĩ và nhà điêu khắc “lạc loài” kia nhìn thấy rõ những gì họ cần vượt khỏi (tính tĩnh tại trong không gian, tính phi thời gian của sự tồn tại tác phẩm tạo hình truyền thống), còn các nhà thơ trình diễn này thì chừng như vẫn chưa nhìn thật rõ mình cần thoát khỏi những gì, − văn bản với những con chữ vô thanh chăng? − chưa chắc!

Dẫu sao, đặt bên cạnh những nhà thơ đang tìm kiếm các khả năng đi ra ngoài các phương tiện của thơ kia, ít ai dám nghĩ đám nhà văn, tức là những người chỉ thao tác bằng các câu chữ rời (= không có vần vè với nhau) của một bộ môn văn xuôi (văn xuôi “có hư cấu”, “văn xuôi nghệ thuật”), vốn bị chi phối bởi rất nhiều thứ trong suốt quá trình làm ra một tác phẩm ( xây dựng nhân vật, tạo dựng cốt truyện, phân chia chương đoạn, v.v…) − lại có thể làm điều gì đó tương tự các nhà thơ đã trình diễn thơ của họ, hoặc các hoạ sĩ và nhà điêu khắc đã làm với những sắp đặt và trình diễn của họ. 

Ấy vậy mà xem ra đã có ít ra là một nhà văn … chơi một cuộc chơi sắp đặt và trình diễn, với tác phẩm của mình! Cuộc trình diễn ấy còn đang diễn ra, và chúng ta đang là công chúng, có thể là kẻ tham dự nữa! 

Nhà văn ấy là Hoàng Minh Tường với cuốn truyện Thời của thánh thần! 

Nhìn vào bìa sau cuốn tiểu thuyết này, người tinh ý sẽ thấy ở đó có in những nhận xét bình giá của nhiều “nhà” khác nhau (nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nhà kinh tế).  Đối với tác phẩm in lần đầu ở ta, đây là một kiểu làm mới, trong nước xưa nay ít thấy, có lẽ chỉ thấy ở sách in nước ngoài, ví dụ loại sách bán chạy ở Âu Mỹ, bởi vì loại sách ấy thường đưa ra tác phẩm ngay lần đầu cùng với những lời khẳng định giá trị như đinh đóng cột! 

Lại nữa, cuốn sách này vừa ra khỏi cửa nhà in thì loáng thoáng đã thấy trên báo, nhất là báo điện tử, có bài bình điểm, trong đó nhấn mạnh rằng cuốn truyện này “đủ để khép lại một giai đoạn văn học vết thương về cải cách ruộng đất, mà sau này các tác giả khác không nhất thiết phải quay lại"! − Những lời bình này hẳn có sức làm rúng động giới quản lý sách in, khiến những viên chức mẫn cán kia đâm lo: phải chăng ta đã để lọt một quyển sách nguy hiểm?

Với chức trách trong tay, nỗi lo đi liền với hành động: sách còn đang trong thời hạn “lưu kho” (trong vòng 10 ngày từ khi nộp lưu chiểu, sách chưa được bán ra thị trường!) mà người ta đã có thể mua ngoài hiệu sách!? Sai rồi! Phạm quy rồi! Bắt phạt được rồi!

Thế là lệnh phạt được thi hành. Rồi một “hội chẩn” thẩm định được tổ chức. Kết quả đang trình lên trên, chờ phán quyết sau cùng.

Trong khi ấy, nghĩa là trong lúc này đây, ngoài thị trường, sách này thôi bày công khai, trở thành sách bán chui; người muốn mua phải trả giá gấp rưỡi gấp đôi. Người ta đoán: Hẳn đang có những toan tính “nối bản” chui! Có thể lắm! Và rất khó ngăn chặn. (Các nhà in … lậu sách không phải là vật gì nhỏ bé, nhưng nhiều viên chức quản lý tài tình của chúng ta, vì những lý lẽ vừa khó hiểu vừa dễ hiểu, sẵn sàng không tìm thấy chúng!). 

Theo một luồng suy nghĩ thông thường thì có vẻ như lúc này tác giả đang chịu trận. Thế nhưng trong thời của nhiều thứ “hậu” này (“hậu” công nghiệp, “hậu” hiện đại…), cũng nên tính đến một khả năng ít ai ngờ: toàn bộ kịch bản trên đã được dự kiến từ trước. Nghĩa là tác giả đang “chơi” một trò sắp đặt và trình diễn thượng thặng, với tác phẩm của mình!

Sự thể mặc định như sau. Nhiều “ca” từng xảy ra với các cuốn sách bị cấm trong vòng bảy tám năm nay đã làm hình thành một kịch bản chung. Vậy, bạn chỉ cần tạo ra những yếu tố “sắp đặt” ban đầu (cuốn sách được viết ra, những lời bình giá có vẻ hớ hênh được chuẩn bị,….), khi cuốn sách rời nhà in và sắp “vào đời”, nếu nhà quản lý xắn tay vào cuộc với ý định ngăn chặn, ấy là dấu hiệu trò diễn có hiệu ứng “dương”, một tác phẩm trình diễn bắt đầu! 

Đây thực sự là trình diễn sống, hàm nghĩa sống này đích thực hơn hẳn hàm nghĩa các “live show” ta đã biết (vì chung quy nó chỉ là “diễn” trực tiếp). Không gian của trình diễn sống này rất rộng; thời gian của nó sẽ khá dài. Nói gì thì nói, “Đáo xuân” của Đào Anh Khánh không thể so được về quy mô! 

Với trình diễn sống đang diễn ra này, mỗi người trong chúng ta đều là công chúng, hơn thế, đều có tiềm năng trở thành kẻ tham dự (Người đang viết những dòng này đã trở thành kẻ tham dự ít nhiều khi lùng sục để mua cho được cuốn này với giá gấp rưỡi, còn may hơn anh bạn phải mua với giá gấp đôi! về nhà đọc xong rồi, thấy cũng hơi hơi tiếc thì giờ, nhưng đáng kể là đã được tham dự trò chơi!). Tất nhiên tham dự trò chơi này cốt yếu nhất là phải có các viên chức mẫn cán, như đã nói trên, lại có các nhà văn, nhà phê bình nữa, như họ đã tham dự ngay trên bìa sách và/hoặc ngay sau lúc sách ra lò! Các cuộc “hội chẩn” cũng gồm trong trò diễn này; trong hội chẩn, hẳn người ta sẽ hỏi đến giá trị thực của cuốn truyện, thế nhưng nên nhớ rằng, với trò trình diễn sống này, tác phẩm chỉ là một khâu, một yếu tố, và cái gọi là giá trị thực của nó vị tất đã là điều quan trọng! Điều quan trọng nhất là làm sao khiến cho các viên chức mẫn cán bỗng dưng trở nên lo lắng và xắn tay vào cuộc! Không có hành động của họ, trò diễn sắp đặt công phu mấy cũng sẽ bất thành. 

Hiểu ra cơ chế của kịch bản chừng như đang diễn ra kia, các nhà văn nhanh trí khác sẽ mỉm cười, nghĩ tới lượt mình với các trò sắp đặt và trình diễn tiếp theo! Cứ kịch bản này mà diễn! nếu còn gây ra được hiệu ứng “muốn ngăn chặn” nơi các viên chức quản lý! 

Bây giờ đến lượt đám nhà văn có vẻ xa lạ với các nghệ thuật mới làm sửng sốt giới hoạ sĩ và nhà điêu khắc đã nhanh nhảu chuyển sang nghề trình diễn. Những con người giàu chí làm mới ấy lại càng mơ tưởng những kịch bản tầm cỡ hơn cho những tác phẩm sắp đặt và trình diễn tới đây của mình.

Nhưng tính đến giờ, liệu ai có thể nghĩ ra kịch bản nào quy mô hơn, sống hơn kịch bản do nhà văn họ Hoàng vừa tạo ra?                                                                                12/9/2008        

VÂN TRANG  

  Nguồn