Ngạc nhiên và thất vọng!
(Nhân đọc bài viết “Tô Hoài nhìn từ một khoảng
cách gần” của nhà phê bình văn học Vương
Trí Nhàn)
PHẠM KHẢI
Những ai từng đọc các bài viết về bậc trưởng
lão Tô Hoài của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn hẳn sẽ không khỏi
bất ngờ
khi tiếp xúc với bài viết “Tô Hoài nhìn từ một khoảng cách gần” dài cả
thảy gần
30.000 chữ vừa được anh cho tải trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam
và
trang web của GS Trần Hữu Dũng - một Việt kiều hiện định cư tại Mỹ
(chúng tôi
xin dựa vào bản này khi trích dẫn vì bản này được ghi chú là đầy đủ hơn
cả).
Nói bất ngờ vì: Nếu như trước đây, Vương Trí Nhàn từng có những ý kiến,
nhận xét
thể hiện sự thích thú, pha lẫn ngưỡng mộ (dù là ở một vài khía cạnh nào
đó) về
bậc đàn anh Tô Hoài thì ở bài viết mới công bố này, anh lại đưa dẫn
nhiều ý
kiến nhận xét (cả của mình lẫn của một số đồng nghiệp) một cách rất...
không
hay về bậc trưởng lão nói trên. Vẫn biết, như lời của một vĩ nhân “chân
lý là
một quá trình liên tục điều chỉnh”, song “điều chỉnh” đến độ như những
gì tôi
trích dẫn và đối sánh dưới đây từ chính những bài viết của Vương Trí
Nhàn, hẳn
nhiều bạn đọc sẽ thấy buồn thay cho thế thái nhân tình!
Trong
“Tô Hoài nhìn từ một
khoảng cách gần”, sau khi buông ra một nhận xét về Tô Hoài: “Người tài
quá, mà
lại cũng khinh người rẻ của, ma giáo quá”, Vương Trí Nhàn đã trích lời
của một
nhà văn nữ như thể để phụ họa (trích dẫn mà không hề có lời phản bác):
“Lão Tô
Hoài là loại Hà Nội móc cống, xích lô, chứ đâu có chất quí tộc như dân
Hà Nội
thực thụ”. Không biết khi dẫn ra nhận xét này, Vương Trí Nhàn có còn
nhớ đoạn
nhận xét của chính mình trong bài “Tô Hoài - người sống tận tụy với
nghề” (sách
“Tô Hoài - về tác gia và tác phẩm”, NXB Giáo dục): “Là người Hà Nội
gốc, ông
giữ được và ngày càng trau dồi cái bặt thiệp riêng, trong sự ăn uống,
sự tiếp
đãi khách khứa, ở đấy cái sành sỏi đã trở thành tự nhiên, và đứng đằng
sau nó,
là một nhu cầu ngày càng cao về sự hưởng thụ. Song chỗ hơn người của Tô
Hoài là
không bị những sành sỏi đó ràng buộc”.
Cũng vậy, khi Vương Trí Nhàn “đúc kết”: “Cái ý
nghĩ chi phối một người như Tô Hoài - ý nghĩ rằng cuộc đời là một thứ
trò chơi.
Cốt chơi, cốt được, chẳng lẽ mình lại thua, chứ thật ra, chẳng coi việc
gì là
nghiêm chỉnh, kể cả việc viết văn, kể cả làm cán bộ cách mạng” (vẫn
trong “Tô
Hoài nhìn từ một khoảng cách gần”), hẳn anh đã quên những dòng sau đây
của
chính mình (bài “Cuộc phiêu lưu giữa trần ai cát bụi” - sách “Nghiệp
văn”, NXB
Văn hóa Thông tin, 2001): “So với các cây bút đương thời, Tô Hoài có lẽ
là nhà
văn giàu chất chuyên nghiệp bậc nhất. Sống đến đâu viết đến đấy. Việc
viết lách
đối với ông là một thứ lao động hàng ngày. Ông lại có nhiều kinh nghiệm
tổ chức
công việc, nhờ thế, mọi khâu vận hành nhịp nhàng mà con người vẫn thoải
mái có
chơi có nghỉ như mọi người khác” và “Một nét đặc biệt cũng thấy rõ
trong đời
viết văn của Tô Hoài là ngoài nghề viết, ở ông luôn luôn có một cuộc
sống khác,
cuộc sống người cán bộ chính trị, hoặc nhìn rộng ra, cuộc sống nhà hoạt
động xã
hội”. Không biết có phải chữ nghĩa mỗi người hiểu một cách hay không,
nhưng
theo thiển ý của tôi: Một người được xếp vào loại “nhà văn giàu chất
chuyên
nghiệp bậc nhất”, thậm chí còn được gọi là “nhà hoạt động xã hội” thì
làm sao
có thể lại là người “chẳng coi việc gì là nghiêm chỉnh cả”?
Trong
“Tô Hoài nhìn từ khoảng
cách gần”, Vương Trí Nhàn không ít lần đưa ra những nhận xét khái quát
kiểu “Có
lẽ với cả cuộc đời này cũng vậy, Tô Hoài đâu có yêu”, “Tô Hoài không
thật yêu
một con người nào, một kiểu tính cách nào. Các loại nhân vật chỉ để vẽ
phác, và
đều nham nhở. Nhân vật không có những khát khao lớn. Nhân vật không có
cái đắm
đuối như các nhân vật của Nguyên Hồng”. Vậy mà, trước đấy, trong bài
“Tô Hoài
và những nghiêm chỉnh của kiếp phù du” (sách “Cây bút đời người, NXB
Trẻ,
2002), nhân so sánh cuốn tự truyện “Cỏ dại” của Tô Hoài với cuốn tự
truyện
“Những ngày thơ ấu” của Nguyên Hồng, Vương Trí Nhàn từng đưa ra nhận
xét rằng “Phải
một ngòi bút tự tin lắm mới dám đưa chuyện đó lên mặt giấy. Nhất là đưa
ra sao
khiến khi đọc, người ta có thể cảm động đến ứa nước mắt thì chỉ loại Tô
Hoài,
Nguyên Hồng mới làm nổi”. Không thể tin được một người từng có tác phẩm
gây
hiệu ứng đối với độc giả thế này lại là mẫu người hờ hững với cuộc đời
“không
thật yêu một con người nào, một kiểu tính cách nào” và các nhân vật
“không có
những khát khao lớn”, nhất là khi đó lại là cha đẻ của “Dế mèn phiêu
lưu ký”.
Trong
làng văn, nhiều người
từng được nghe truyền tụng câu chuyện Tô Hoài rất kỹ lưỡng trong việc
sửa chữa
bản thảo. Có những trang, ông sửa be bét và phải dùng tới mấy loại mực
để phân
biệt các lần sửa. Bản thân Vương Trí Nhàn, trong bài viết “Tô Hoài -
người sống
tận tụy với nghề” cũng đã cho biết: “Nếu đã có lần trực tiếp biên tập
một cuốn
sách của Tô Hoài, người ta sẽ thấy nhà văn này có lối chăm sóc những gì
đã viết
ra một cách kỹ lưỡng và phải nói là tạo thành một thói quen đáng
quí...”. Vậy
mà, ở bài viết mới công bố, Vương Trí Nhàn lại dẫn lời nhà văn Nguyễn
Phan Hách
(không biết thực hư thế nào) thành ra là: “Này, đừng tưởng lão Tô Hoài
lão ấy
tha thiết với văn chương chữ nghĩa của mình đâu. Một lần, mình hỏi lão
ấy có
xem lại morát một truyện ngắn không. Thế là lão ấy buột miệng: “Thôi,
không
phải xem, văn chương ba vạ của mình chứ có phải nghị quyết gì đâu mà
cân nhắc
từng chữ thế”. Ô hay, thế cứ trường hợp nhà văn không đọc morát tác
phẩm của
mình thì là người “không tha thiết với văn chương chữ nghĩa...”? Vả
chăng, việc
đọc morát là việc của nhà xuất bản, của nhà in, có đâu tận dụng “một
công đôi
việc” mà đẩy cho nhà văn như thế? Theo tôi được biết, Tô Hoài rất kỹ
lưỡng
trong việc sửa chữa tác phẩm, nhưng là tác phẩm mới, còn với tác phẩm
tái bản,
hầu như ông không đọc lại. Ông bảo, ông để thời gian viết cái mới. Lẽ
nào một
quan niệm sống như thế đáng bị phê phán?
Trong
bài viết mới công bố
của Vương Trí Nhàn mà chúng ta đang nhắc tới trên, có một số câu nói,
tình tiết
đã được tác giả đưa in trong các tập sách xuất bản trước đây của anh.
Ví như,
câu Tô Hoài nhận xét về một nhà văn: “Đọc ông này, không biết khi nào
nhạt thật
mà khi nào thì nhạt giả”. Chỉ có điều, ở cuốn sách trước đây, Vương Trí
Nhàn
dẫn lại những câu này với lời bình luận: “Hình như Tô Hoài muốn tìm lấy
sự công
bằng, trong khi vẫn giữ một tình cảm ấm áp giữa các đồng nghiệp, và
nhiều lần,
chỉ cần một nhận xét nhỏ thôi, ông phác ra cả một tính cách”, còn bây
giờ thì
Vương Trí Nhàn lại nhìn những lời nhận xét ấy thành “Thường chỉ cần một
hai
câu, Tô Hoài cũng đủ giết người ta rồi”.
Công
bằng mà nói: Không phải
tất cả những nhận xét về nhà văn Tô Hoài - dù có phần phũ phàng - mà
nhà phê
bình văn học Vương Trí Nhàn đưa ra không ẩn chứa ít nhiều sự thật. Song
tôi
nghĩ, nó chỉ là những mảnh sự thật rời rạc, không nên dùng nó để “áp
chế” vào
toàn bộ tính cách và sự nghiệp của một con người tầm cỡ đặc biệt như Tô
Hoài.
Hơn thế, với một người từng viết nhiều về Tô Hoài, và viết với thái độ
thành
kính như Vương Trí Nhàn trước đây, có nên chăng tung ra với mật độ khá
dày
những lời (cả của mình lẫn của đồng nghiệp) có tính thóa mạ bậc đàn anh
một
cách thoải mái, vô tư đến vậy? (thật ra, những điều tôi trích dẫn trên
không ăn
thua gì so với những từ ngữ, những chi tiết mà Vương Trí Nhàn đưa ra để
“lật
tẩy”, để chứng minh cái sự “tham lam”, “ma giáo”, “tha hóa” - chữ dùng
của
Vương Trí Nhàn - mà anh “nghe được” và “ngẫm thấy” ở Tô Hoài). Nó tạo
cho bài
viết của Vương Trí Nhàn một không khí “đấu tố” nặng nề. Vả chăng, nhiều
ý kiến
trong bài viết mới này đã nảy sinh trong nhận thức của Vương Trí Nhàn
và được
anh ghi lại cách đây nhiều năm. Bởi vậy, có cảm tưởng như khi đưa in
sách,
Vương Trí Nhàn phải lựa chuyển chúng sang một chiều hướng khác, và bây
giờ -
với sự phát triển của báo mạng - mới là dịp, là cơ hội để anh trình bày
chúng
một cách thực lòng? Và như vậy thì, phải nói thẳng ra là, cái sĩ khí
của nhà
văn mình hơi bị...kém!
(Nguồn:
Văn nghệ Công an)