*
Khoảnh Vườn
Thảo Trường

Tầm Xa Cũ,
Bắn Hiệu Quả
5  6  7
10  11  12

Cai Lậy, Mỹ Tho

Ông Bồ
2   3     5  6
7  9  10 11

Mây Trôi
1 2 3 4 5 6 7 8 9
10 11 12 12_bis 14

Trả lời phỏng vấn
báo Văn


Hai pho tượng
Những đứa trẻ đầu thai giữa hàng rào kẽm gai
Người đàn bà mang thai trên kinh Đồng Tháp
Khẩu Hiệu
Viên đạn bắn vào
nhà Thục

[Bản dịch qua tiếng Anh]
Vết Tích
Cơn Sốt

Từ Dưới Đỉnh Đồi
Nhìn Lên Trên Chân Núi

Đoàn Nhã Văn
đọc
Thảo Trường


Thằng Du Đãng

Những Cánh Hoa Trắng
Trên Cây Khô


Rừng Tràm
Bàn tay năm ngón
Chuyện tình đầm lầy
Ngày xưa nước tiểu
Người nuôi tù

Sách xb

Thử lửa
Miểng vụn tiểu thuyết
Sách mới xb


Cai Lậy, Mỹ Tho…

Thảo Trường

Tạp ghi.

Tác giả Thảo Trần mới từ Canada sang California có cho tôi một quyển sách. Ông chồng bà viết mấy dòng đề tặng trong khi bà ngồi ôm cháu ngoại nhìn chúng tôi. Tôi hỏi: “Có định phát hành hay ‘ra mắt’ sách không?”

Nhà phê bình cười: “Mười năm nay ở Mỹ ông xuất bản bản năm quyển sao không ‘ra mắt’ đi, nay lại hỏi người ta”

Rồi NQT nói: “Bà ấy mới tập viết, in để bà ấy làm kỷ niệm. Ông đọc đi rồi cho biết ý kiến.”

Chúng tôi hẹn nhau sẽ đi uống cà phê.

        Về nhà, tôi mở tập  “Nơi Dòng Sông Chảy Về Phía Nam”. Truyện & Ký.  Ngoài bìa tên sách không viết chữ hoa, nhưng bên trong in chữ hoa như tôi ghi lại ở trên. Bìa là bức vẽ “Ký Ức Của Dòng Sông” rất đẹp của họa sĩ Nguyễn Đình Thuần vẽ năm 1995. Sách do Saigon Nhỏ xuất bản.

        Thời gian gần đây tôi mắc chứng bệnh… già, rất lười viết và rất lười đọc sách. Cái truyện cuối cùng (cú chót) khởi viết cách nay hai năm vẫn còn bỏ dở chưa xong. Sách vở đem về mở ra liếc qua loa rồi để đấy. Thời gian qua đi, cuộc sống cứ vật vờ như mây trôi… Bà vợ tôi có một nhận xét rất chính xác “ Bố bây giờ chỉ giỏi mỗi một việc là… ăn!” Mà tài, tôi không kén chọn món nào cả, ăn món gì cũng được, thí dụ như nhà hàng họ có lầm lẫn mang ra không đúng món cũng chẳng sao, ăn vẫn ngon, cả nhà chỉ biết lắc đầu.

        Mở tập truyện “Nơi Dòng Sông Chảy Về Phía Nam” tôi đọc luôn một mạch, và thấy thích thú… như đi ăn phở vậy, phở gì cũng được.

        Tác giả Thảo Trần (Có người đã hỏi có họ hàng gì không, xin thưa là không, chỉ có cháu ngoại của bà tên là Thảo, 4 tuổi, cháu nội tôi cũng tên là Thảo, 6 tuổi) viết văn rất ngắn gọn, câu chữ rất đời thường, chứa đựng những hình ảnh và sự việc tự nhiên như ta thấy nó đang xảy ra đâu đó. Vào những trang đầu tôi đã bắt gặp ngay cái tự nhiên và bình dị đó khi bà mô tả nhân vật “Ông giáo Thưởng dáng người cao, ngó thiệt thà chất phác. Buổi sáng, ông thường hay đạp xe chạy một vòng từ nhà xuống bến đò Rạch Miễu, quẹo lên Vòng Nhỏ, rồi vòng qua giếng nước về nhà cho  giãn gân cốt. Ông rất hiền lành, ai cũng quí mến; ngược lại bà giáo là con người sắc sảo, dáng người thấp lùn, đứng tới vai ông giáo, cặp mắt nhỏ xíu ngó ai người ta cũng không biết, ngón tay thường thọc vô móc cứt mũi, giọng nói the thé…”(trang 3- 4). Cuộc sống của một cô gái quê: “… Chưa đầy năm, cô khăn gói về nhà với cái giấy miễn nợ của chủ. Bà chủ còn cho thêm một số tiền, để cô về Ba Dừa ở với cậu ruột, chờ ngày sanh nở, nhằm tránh tiếng xấu cho ông Hội đồng.” (trang 4 ). Bà tả một mối tình  của một cô nữ sinh lên tỉnh trọ học; “Cuối năm, ai cũng lo gạo bài chuẩn bị cho kỳ thi, riêng Thu Bến Tre ủ rũ như con gà mắc mưa. Nó không ăn không uống, ói lên ói xuống, bà giáo Thưởng đâu phải tay vừa, bả nghi con này ốm nghén. Ba má nó gởi gấm bà, dặn coi chừng giùm, vậy là đổ nợ. Tối bữa đó, bà kêu nó vô buồng, dỗ ngon ngọt, trời đất ơi, nó nói nó có chửa với Sáu Hòa. Ông bà giáo Thưởng tá hỏa tam tinh, phải ăn nói làm sao với ba má nó. Bà bàn, hay là đưa con Thu đi phá thai, ông giáo sợ tội, không chịu. Bữa sau, bà đưa con Thu qua ông thầy thuốc bắc ở bên kia cầu Quây nhờ ông hốt thưốc. Bà gạt nó là thuốc dưỡng thai…. Bữa cả đám đưa con Thu xuống bến đò Rạch Miễu về Bến Tre, đứa nào cũng rưng rưng nước mắt, đứng chờ cho đò đi xa rồi mới lặng lẽ quay về… Từ năm đó, ông giáo Thưởng không cho bà giáo nấu cơm tháng và chứa học sinh ở trọ nữa.” (trang 8)

        “Nơi Dòng Sông Chảy Về Phía Nam” có hai phần , phần đầu là một số truyện ngắn của bà Thảo Trần, phần sau là  những bài Ký của Nguyễn Quốc Trụ. Những bài Ký của NQT thì tôi đã đọc trên net hoặc do tác giả gửi qua Email cho đọc trước.         

         Qua 8 truyện ngắn, bà Thảo Trần đã gợi lên cho tôi nhớ lại miền Tiền Giang, những câu chuyện và những nhân vật của Thảo Trần đều là người của Tiền Giang. Trước năm  1963 tôi cũng có hai năm sống ở Tiền Giang. Tôi ở trong ngôi nhà của ông Đốc Phủ Phát bên phía Chợ Cũ. gần Chùa Vĩnh Tràng. Từ đó tôi đi các nơi như Gò Công , Kiến Hòa, Bến Tranh, Tân An, Long Định, Mỹ Phước Tây, Gẫy Cờ Đen, Mỹ An, Kinh Đồng Tiến, Mộc Hóa, Gò Bắc Chiên , Ấp Bắc, Cai Lậy. Tôi còn nhớ là tôi có tới Bến Tre của nhân vật cô nữ sinh Thu trong cuộc hành quân trực thăng vận thực tập đầu tiên nhảy xuống cù lao Ilô Ilô vào đúng ngày mùng 1 Tết . Đọc trong truyện thấy các nhân vật của  tác giả xuất phát từ Cai Lậy, lên Mỹ Tho học trường nữ trung học. Tôi rất quen với những ngôi trường trung học nổi tiếng của Mỹ Tho. Thi sĩ Hồ Thế Viên cũng dạy học ở Mỹ Tho một thời gian. Mỹ Tho là một thành phố rất đẹp mà tôi yêu thích. Thầy giáo Thưởng chỉ đạp xe đi qua Vòng Nhỏ cho giãn gân cốt, tôi còn có lần lái xe tới tận Vòng Lớn (hồi đó chưa có căn cứ Đồng Tâm), nhìn ngắm ruộng lúa và vườn dừa.

         Đọc hết các truyện ngắn trong tập “Nơi Dòng Sông Chảy Về Phía Nam” của bà Thảo Trần, tôi như tìm lại thấy một miền quê quen biết xưa kia, qua một lối hành văn bình dị và hiển hiện như thiệt  ngay trước mắt mình, lối hành văn và lối viết truyện mà tôi rất thích. Cũng ở miền quê thân yêu đó mà tôi đã nghiền ngẫm và xây dựng tác phẩm “Tầm Xa Cũ, Bắn Hiệu Quả”.

         Với phần thứ hai, tình cờ NQT lại cũng dẫn tôi về khu phố Nguyễn Bỉnh Khiêm-Hồng Thập Tự-Phan Đình Phùng, nơi mà sau Tiền Giang tôi đã về làm việc ở đó. Một quyển sách do hai người làm ra và cả hai người cùng vô tình đưa tôi về một thời quá khứ. Tôi xin rất cám ơn ông bà tác giả đã cho sách và còn cho tôi kỷ niệm.

        Riêng với bà Thảo Trần, mặc dù ông chồng bà giới thiệu là bà mới chỉ “tập” viết, tôi có ý kiến là bà hãy cứ  nghe và ghi nhận những gì nhà phê bình văn học họ phán, vâng, trân trọng nghe và ghi nhận, nhưng bà vẫn cứ thảnh thơi viết theo ý bà, viết thật tình chứ bà không cần phải “tập” gì nữa.

Thảo Trường.