thao_truong


Góc Thảo Trường




Người Nuôi Tù       

truyện ngắn

Căn nhà gỗ nằm lọt trong rừng cây. Lối đi lát đá ngoằn ngoèo từ căn nhà ra tới đường cái cũng nằm lọt trong rừng cây. Chỉ ở ngoài đường cái mới nhìn thấy trời, trong ngôi nhà ít khi thấy được mây xanh. Mỗi sáng sớm thức dậy tôi thường đạp xe chui qua những tàng cây ra đường cái, một quãng, mé trái sẽ có lối ra bãi cát bờ biển. Bãi cát ở đây rất mịn có thể đi xe đạp mà không bị lún. Tôi đạp xe dọc theo mé nước lên phía bắc một quãng xa rồi trở lại chỗ cũ để về nhà. Tắm rửa xong uống cà phê, ăn một củ khoai tím hấp sáu phút trong bếp microwave.

        Sau đó tôi ngồi vào bàn làm việc. Tôi đánh chữ trong cái laptop. Thường ý nghĩ tôi xoay vần lần lượt thay phiên đến những người đàn bà mà tôi đã trót thích nhất trong đời. Tôi làm việc gì thì cũng phải nghĩ tới họ, lần lượt nghĩ tới từng người hay nghĩ tới tất cả cùng lúc. Nếu chỉ nghĩ tới một người thôi, tôi sẽ trở thành kẻ si tình. Một kẻ si tình sẽ rất khổ sở và sẽ chẳng làm được việc gì ra hồn. Muốn cho lòng thanh thản đừng nên si tình. Tôi vẫn nghĩ như thế. Tôi không chịu để mất người nào. Tôi muốn có cả thảy. Dù là trong trí tưởng.             

        Hòn đảo nhìn trên bản đồ giống như  chiếc giầy. Để vào đảo phải qua hai chiếc cầu bắc ngang qua một cồn cát. Đường vào là xa lộ xuyên suốt từ đầu tới cuối đảo, để tới từng khu vực là những con đường cái ngoằn ngoèo. Tôi ít ra khu thương mại dịch vụ, chợ búa, chỉ khi nào cần tới thức ăn thức uống hoặc vài món đồ dùng lặt vặt trong nhà thì mới lái xe ra đó. Thường thì tôi đạp xe ra bãi biển hoặc bến tầu sau những giờ phút ngồi trước máy đánh chữ. Ở đảo được một tuần lễ là tôi đã quen với đường lối đi lại, cho nên nhiều khi ra khỏi ngõ là tôi đạp xe theo tùy hứng, tôi không phải tính trước nơi đến bởi vì chỗ nào trên đảo đối với tôi đều cũng tốt cả. Vả lại đường xá trên đảo lòng vòng rồi cũng nối vào nhau, có rất nhiều lối trở về, không cứ gì phải trở lại lối cũ. Sống trên đảo không sợ lạc. Sống trên đảo không sợ xa xứ. Nếu nhận đảo là quê hương sẽ không bao giờ phải than thở mất quê hương. Ở đảo có chợ buá, quán ăn, trường học, nhà thờ, nghĩa địa… đủ thứ.  

        Thế nhưng về sau tôi chợt cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó. Đến một hôm, khi đang leo những bậc cầu thang lên ngọn hải đăng, chợt thấy một người đàn bà ngồi ngay bậc thang, thấy tôi đi lên, bà khép hai chân về một bên chừa lối cho tôi bước lên. Bà ta nhìn tôi mỉm cười nói:

        - Xin lỗi, lên tới đây tôi… cuồng cẳng quá leo hết nổi nữa rồi. 

        Tôi mừng rỡ nhìn bà ta, nói chọc:

        -Thưa bà nói tiếng gì tôi không hiểu!

        Người đàn bà vẫn nụ cười nhưng liếc xéo:

        - Ông tưởng tôi không nhận ra ông là người nước nào ư? Có trộn lẫn cách mấy thì ông vẫn cứ không trốn vào đâu được. Nhìn qua là tôi bắt ngay được ông từ đâu tới.

        Tôi như vừa bắt gặp thứ mà mình đang cảm thấy thiếu. Đang đói bụng được củ khoai củ sắn cầm hơi. Từ mấy tuần qua sống trên đảo, có để ý tìm nhưng tôi không hề gặp một người đồng hương nào, chưa được nghe một giọng nói Việt nam nào, bây giờ chợt thấy chợt nghe, mà lại là một người tự nhiên dễ mến, một giọng nói cũng tự nhiên và dễ nghe. Tôi đưa tay đỡ người đàn bà đứng lên:      

        - Để tôi dắt bà lên, chỉ còn ít bậc nữa là tới tầng trên cùng.

        Người đàn bà ngoan ngoãn để tôi dìu lên thang, bà ta vừa bước vừa thở gấp. Tới tầng thượng, ra hành lang nhìn ra biển cả và phong cảnh khắp nơi, gió mát lạnh thổi vù vù, người đàn bà nói:

        - Gió biển mát mẻ thật dễ chịu, không có ông có lẽ tôi đành bỏ cuộc, tính ngồi nghỉ một lát rồi lần mò xuống thang thôi.

        - Thật ra cũng chẳng còn bao nhiêu cao nữa là tới, nhưng cảm giác cuồng cẳng khiến cho người ta nản lòng thôi, nếu có người thân cùng trèo sẽ giúp mình hăng hái lên để tiếp tục. Bà… cuồng cẳng thì có lẽ quê Nam định.

        - Sao ông lại đoán ra như thế?

        - Vì tôi cũng cảm thấy như thế khi leo thang. Và tôi là người quê ở Nam định.

        - Ông suy bụng ta ra bụng người à?

        - Thưa vâng.

        - Thường là như vậy?

        - Rất thường là như vậy.

        - Thế thì đáng ngại lắm.

        - Bà nói sao?

        - Tôi nói ông là một kẻ đáng phải dè chừng.

        - Tại sao?

        - Tại vì ông cứ luôn luôn nghĩ rằng người nói chuyện với ông cũng… như ông.

        - Như thế càng tốt chứ sao.

        - Có khi không tốt cho người đối diện nếu suy nghĩ của ông là đúng…   

        - Nghĩa là sao?

        - Nghĩa là ông biết tỏng bụng kẻ khác. Phải đề phòng ông.

        - Sống thế thì rất là khổ sở. Thưa bà…

        Người đàn bà mỉm cười quay nhìn đi nới khác. Tôi nhìn phía sau lưng bà ấy và thấy đây là một người đàn bà đẹp. Và sang trọng.

        Tôi và người đàn bà đồng hương mới gặp đều im lặng. Như thế khá lâu. Và hình như im lặng lâu như thế là không tự nhiên, nên tôi nói:

        - Sao cả tôi và bà đều nín thinh lâu quá vậy?

        - Tôi đang ân hận vì đã nói quá nhiều với ông chỉ sau có mấy bậc thang.

        - Như thế cũng là khổ thân đấy, thưa bà.

        - Thì ông nói đi nếu thấy im lặng là… khổ thân. Ở đây hình như không hề có ai hiểu tiếng nói của chúng ta.

        - Đúng vậy, chúng ta…      

        - Tôi đã lỡ lời mà ông.

        - Bà đừng e ngại khi nói, cứ tự nhiên nghĩ sao nói vậy, cuộc sống mới thơ thới.

        - Không được đâu ông, từ hồi còn nhỏ, ở nhà, tôi vẫn thường bị trách mắng, bà ngoại tôi còn chê “con gái con đứa vô ý vô tứ, nói cười không biết giữ gìn, vô duyên”, mới gặp người lạ có mấy phút ở một nơi lưu vong thế này mà tôi đã không biết giữ gìn, ông có thấy hình như tôi đã… vô duyên

        - Không. Tôi thấy bà rất có duyên. Đừng coi nhau là người lạ mà hãy coi nhau là người không xa lạ thì sẽ không phải e ngại, sẽ cảm thấy tự nhiên, sẽ cảm thấy dễ chịu.

        Lại yên lặng. Một lát sau người đàn bà nói:

        - Sao ông không nói đi?

        - Nói gì?

        - Trời đất, ông mới thao thao nói đó sao.

        - Tôi không biết tự nói. Phải có ai hỏi, phải có người gợi ý tôi mới đối đáp lại được.

        - Ông nói quá trời rồi lại đổ tại cho người gợi ý, đổ tại có người hỏi nên mới trả lời. Ông… sao khôn ăn người quá vậy?

        - Không đâu, không có tại bị gì hết, không có đổ lỗi gì hết, nếu không ai nói gì, tôi đành chỉ đứng lặng… câm!

        - Ông thật đáng sợ.

        - Tôi hiền khô.

        Hết đôi co. Hai kẻ xuống thang. Người đàn bà mở khoá xe đạp, thấy xe của tôi không khóa, bà đồng hương nói:

- Ông không dùng ống khóa có ngày đi bộ mà về.

        - Tôi cư ngụ ở đảo này đã hơn mười ngày, ngày nào tôi cũng đạp xe đi lang thang khắp nơi, xe tôi không có ống khóa, nhưng chưa lần nào tôi phải lội bộ về nhà.

        - Chưa đến hẹn đó thôi, rồi thế nào cũng có lần. Tôi thuê xe ở khách sạn họ đều giao chià khoá và dặn dò để xe ở đâu cũng nên khóa cẩn thận.

        - Thì ra là thế, nhưng xe đạp này của nhà, tôi không thấy con tôi đưa chìa khóa và cũng chẳng dặn dò phải coi chừng xe. Chúng nó nói trên đảo này thái bình thịnh trị. Cửa nhà tôi ở cũng không khóa.

        - Thì ra ông có nhà ở đảo này, hình như ông… hơi giầu. Tôi thì từ xa du lịch đến đây nên phải ở khách sạn.

        - Không đâu. Tôi từ bờ biển miền tây nước Mỹ cũng du lịch đến bờ biển miền đông này, con tôi có căn nhà sàn tận trong rừng, ở cho đỡ tốn, xe đạp cũng có sẵn để xài không tốn tiền thuê bao… Bà giầu nhỉ, du lịch ở khách sạn.

        Người đàn bà đạp xe thong dong, tôi cũng đạp xe theo sau. Đến ngã rẽ vào con đường nhỏ về nhà, tôi dừng xe, người đàn bà cũng dừng xe, nhìn tôi có vẻ ái ngại:

        - Này ông đồng hương, đã đến ngã rẽ vào khách sạn nơi tôi cư ngụ rồi, xin cáo biệt và cám ơn ông đã mất công theo sau hộ tống.

        - Đâu, khách sạn đâu?

        Người đàn bà chỉ vào khu rừng phía tay phải:

        - Trong kia.  

        Lối vào khách sạn là đường xe hơi, nhìn kỹ tận phía trong đó là những tòa nhà lớn

        Tôi nói:

        - Năm sao.

        Người đàn bà nói:

        - Mấy sao tôi đâu biết. Nhưng ông về lối nào. Xin chào ông lần nữa.

        - Chào bà. Nhà tôi trong khu rừng bên trái này, nhưng hơi xa, phải đạp xe thêm dăm phút nữa. Ngày mai tôi cũng đạp xe ra đây đi lang thang.

        Sáng hôm sau tôi đạp xe ra đường cái đứng đợi. Tôi tiếc là hôm qua không hẹn hò. Và cả chiều hôm qua tôi cũng thấp thỏm đi ra đi vào, không làm được việc gì tới nơi tới chốn. Ngồi vào bàn máy chẳng gõ được chữ nào dòng nào trang nào. Ngồi trên yên xe đạp ngó vào phía con đường khách sạn chờ đợi một chiếc xe đạp từ trong đó đi ra. Chờ hoài chờ huỷ chẳng thấy, nhưng rất may lại có chiếc xe đạp từ đường cái đi về. Và chính là bà đồng hương hôm qua. Bà nói: 

        - Ông đứng đây làm gì?

        - Tôi đứng đợi. Bà đi đâu về à?

        - Tôi ra đi từ sớm. Tôi đạp xe một quãng đường về hướng bắc rồi quanh trở lại đây, đạp xe một quãng đường dài nữa về hướng nam rồi lại quành trở lại đây. Tôi đạp xe quãng đường cộng lại đã khá dài. Tôi đã thấy mệt rồi, có lẽ không đi được nữa.

        - Còn tôi thì chỉ đứng đợi ở đây nên chưa vận động được gì nên chưa thấy mệt.

        - Tôi không đi được nữa, phải nghỉ ngơi thôi. Tại ông…

        - Tôi lại nghĩ là tại bà… Hôm qua…

        - Hôm qua làm sao?

        - Sao hôm qua bà không nói.

        - Sao ông không nói hôm qua.

        -Tôi là đàn ông đâu dám nói, đàn bà mới có thể nói ra những điều được phép. Tôi chỉ biết nín khe đợi chờ. Bà không thấy tôi đang đứng đợi ở ngã ba này sao?

        - Tôi… thấy rồi, nhưng bây giờ tôi mệt và… cuồng cẳng lắm rồi.

        - Tôi biết bà cùng quê Nam định như tôi. Thôi nếu bà đã đạp xe tới lui mấy quệt thì hẳn là mệt thật, chúng ta đi tắt đường mòn kia ra bãi cát hít thở gió biển vậy.

 

 

        Hai đồng hương đạp xe chui qua những tàng cây ra bãi cát. Trên bãi cát mịn, người đàn bà ngồi trên yên xe ở một chỗ, tôi thì đạp xe xung quanh làm thành những vòng vây. Chúng tôi nói chuyện thoải mái vì biết rằng những người xung quanh sẽ không ai hiểu chúng tôi nói gì với nhau.

        Lúc đầu chúng tôi còn nói với nhau về những con chim nổi lềnh bềnh trên sóng nước. Tôi nói:    

        - Tôi không biết những con chim kia là chim gì, đó là một giống đại bàng, hồi nhỏ ở quê tôi vào mùa nước sau một trận bão, tôi cũng đã thấy một con đại bàng như thế kia không biết từ đâu bay lạc về, nổi lềnh bềnh trên cánh đồng Ngạn nhiều ngày, dân làng gọi nó là “con bồ nông”, tôi nghe thế và biết thế. Con bồ nông, bà hiểu không?

        - Tôi hiểu rồi.

        - Nhưng hồi ở tù Rừng Lá, họ cũng bắt được ở đâu đó đem về nhốt trong chuồng cạnh ao bèo một con cũng y chang thế kia nhưng họ gọi là con “đại bàng đất”, tôi nghe thế và cũng biết thế. Con đại bàng đất, bà hiểu không?

        - Tôi hiểu rồi.

        - Thế bây giờ những con chim kia, cũng cái mỏ to, cũng hai cánh lớn, nổi lềnh bềnh trên sóng nước biển Thái Bình…

        - Không phải Pacific miền tây của ông mà là Atlantic miền đông nước Mỹ.

        - Ờ thì sửa lại, sai đâu sửa đó, sóng nước Đại Tây Dương… nhưng gọi nó là chim gì bây giờ?

        - Ở rừng gọi là đại bàng đất thì ở biển gọi là “đại bàng biển”. Con đại bàng biển, ông hiểu không?

        - Tôi hiểu rồi.

        Hết chuyện đại bàng trên sóng nước, đến chuyện chồng con. Tôi hỏi:

        - Ông nhà đâu không thấy đi xe đạp cùng với bà?

        - Chồng tôi vượt biển, tàu Pháp vớt cho định cư ở Paris. Tôi ở Sàigòn chờ mười năm không thấy chồng bảo lãnh, sau mới biết là ông ấy đã cưới vợ khác, tôi bèn đi du lịch qua gặp nhưng mọi chuyện đã trễ đến nỗi không còn đủ điều kiện để cho tôi ở lại. Tôi bèn qua Đức đi làm và kết hôn với một ông bản xứ. Tôi trở thành công dân EU. Năm ngóai ông ấy qua đời, tôi trở thành góa phụ. Tôi đi du lịch một mình.

        - Bà có một mình tới hòn đảo hẻo lánh này?

        - Thì đã sao, ông nghĩ là tôi phải sợ hãi điều gì chăng?

        - Không, nhưng tôi thấy lo…

        - Sao ông không lo cho ông, tôi thấy hình như ông cũng thân cô thế cô?

        - Với tôi thì không sao, đây là xứ tự do… 

        - Đây là xứ tự do, cho ông thôi à, còn tôi vì là đàn bà Á châu nên phải sợ hãi.

        - Tôi thua rồi, tôi nói không lại với bà.

        Người đàn bà cười chúm chím, quay nhìn ra biển khơi, dõi trông về chốn xa mờ. Tôi bỏ xe đạp trên bãi cát, đến dắt chiếc xe của bà ta cho hai chiếc xe đạp dựa vào nhau. Tôi nói:

        - Bà ngồi xuống trên khúc gỗ kia mà nghỉ.

        Một khúc gỗ dãi dầu năm tháng mưa nắng và gió biển, nằm phơi trên bãi cát. Bà nghe lời tôi, đến ngồi trên khúc cây, hai chân duỗi ra, tỏ vẻ thoải mái:

        - Thật dễ chịu, ông giỏi quá, sao tôi lại không nghĩ ra sự này, cứ phải chịu trận ngồi trên yên xe đạp trong khi cuồng cẳng!

        - Bởi vậy tôi mới lo, bà không biết xoay xở… nên cần phải có một người lo cho bà.

        - Tôi thấy hình như ông bắt đầu… tán tỉnh.

        - Không dám đâu.

        - Xin ông đừng lo, tôi từ châu Âu du lịch sang Mỹ là để đi tìm… chú tôi.

        - À thì ra bà đi tìm một ông chú để ông ấy lo săn sóc bà.

        - Không phải đâu, chú tôi không là người săn sóc được cho ai. Ông ấy yếu đuối lắm, tôi đi tìm chú để tiếp tục săn sóc cho ông ấy.

        - Thế là sao? Tiếp tục à?

        - Vâng, tiếp tục, hồi mười năm ở Việt nam, cô tôi từ bên Mỹ thư về nhờ tôi đi nuôi chú ở tù Rừng Lá. Chú sang Mỹ với cô nhưng cô vừa qua đời. Tôi định đi tìm chú để nuôi tiếp như xưa vì tôi biết rằng một mình chú sẽ rất khó sống được! Ông có gì hỏi nữa không?

        - Thưa… không.

 

        Ngày hôm sau hai đồng hương gặp nhau dễ dàng vì đã có hẹn trước giờ giấc và địa điểm. Hai người hai xe đạp thong dong quanh đảo, coi trên bản đồ du lịch, tìm đến những chỗ chưa tới, đi ăn ở những nhà hàng đặc sản. Hôm qua bà ấy gây sự, tôi sợ, nhưng hôm nay tự nhiên tôi chợt hỏi:

        - Ông chú, chồng bà cô của bà là người thế nào?

        - Ông hỏi để làm gì?

        - À, thì tự nhiên tôi thắc mắc vậy.

        - Đúng ra cũng chẳng phải cô cháu thiệt sự, hai nhà thân nhau, bà ấy gọi mẹ tôi là chị, dĩ nhiên tôi phải gọi bà ấy là cô, cô cháu cách nhau dăm bảy tuổi, chơi với nhau như bạn bè, khi cô giới thiệu chồng cô với họ hàng thì tôi phải chào “thưa chú”, nhưng ngay từ lần đầu găp chú tôi đã… thích chú ngay. Ngày ấy tôi đang sửa soạn thi tú tài, và đang mê đọc bộ tạp chí Sáng Tạo cũ xuất bản những năm trước đó. Tôi đọc tiểu thuyết mới và thích chú ngấm ngầm trong lòng. Chúng tôi chơi thân với nhau, cô tôi vứt chú lỏng chỏng ở nhà một mình viết lách cái gì đó, hai cô cháu đi chợ, đi phố, đi ăn bún ốc, đi chụp hình, nói chuyện huyên thuyên, khi về mua một món gì đó hối lộ. Rồi tôi lấy chồng, chồng tôi là thày giáo dạy tôi Anh văn. Thời gian qua mau…

 

 

        Mãi cho đến khi cô ở Mỹ viết thư về nhờ tôi hàng tháng đi thăm nuôi chú ở trại tù, thì mầm mống tình cảm ấy âm ỉ sống dậy trong lòng tôi. Tôi say mê công việc nuôi tù đến độ thờ ơ cả chuyện đoàn tụ với chồng. Ông muốn nghe nữa không?

        - Muốn.

        - Mỗi tháng tôi theo xe đò lên Rừng Lá, đem theo thực phẩm và thư từ, đi gặp chú. Chú cháu cầm tay nhau chuyện trò khoảng hơn tiếng đồng hồ rồi chia tay hẹn tháng sau gặp lại. Đều đặn như thế được bảy năm thì một hôm tôi được tin nhắn chú bị sốt nặng phải chuyển ra bệnh viên tỉnh. Tôi đáp xe đò đi tìm thấy chú mê man trên giường bệnh, có hai công an canh giữ. Họ thấy có gia đình tới bèn giao cục nợ cho tôi lo. Chú mê sảng không biết gì, miệng luôn chửi cộng sản, tôi sợ quá ôm chú khóc, chú cũng không nhận ra tôi, tôi phải lậy xin lỗi hai anh công an bỏ qua cho người điên. Họ nói bệnh gì điên gì lại biết chửi. Tôi phải tìm cách bồi dưỡng tiền cho họ đi cà phê trà lá, họ mới cho qua. Còn lại tôi ôm chú khóc mùi. Bác sĩ chỉ lối cho tôi ra phố chợ mua thuốc ngoại nhập chợ đen đem vào họ chích cho bệnh nhân. Ba ngày sau chú hết sốt, hết phá phách, y tá cởi cho chú khỏi bị trói vào giường sắt. Những ngày đó chú nằm trong vòng tay ôm ấp của tôi. Chú sửa soạn chết trong tay tôi. Và rồi chú sống lại cũng trong tay tôi. Khi chú tỉnh hẳn và nhận ra tôi thì cũng vẫn trong vòng tay ôm ấp của tôi. Trước đây tôi chỉ được thích chú để bụng thôi vì chú là của cô, nhưng những ngày bệnh viện chú nằm trong vòng tay của tôi. Tôi cho chú uống nước. Tôi cho chú uống thuốc. Tôi cho chú ăn. Xúc từng miếng cơm miếng cháo đưa lên miệng chú. Bóc từng múi cam để vào miệng chú. Cầm chiếc quạt giấy quạt quạt cho chú mát. Tôi hỏi chuyện chú. Và chú trả lời tôi. Tôi nói chú đừng chết nữa mà hãy khoẻ lại để sang Mỹ với cô. Người tù binh trầm ngâm nhìn về một phương trời nào đó. Ông bác sĩ quân y cộng hòa cũ cho tôi biết người tù binh đã qua cơn nguy hiểm, rồi sẽ phải trở về trại giam, muốn được nằm lại bệnh viện thì phải chưa khỏi hẳn bệnh. Bác sĩ chỉ cách cho tôi đạo diễn chú tôi vờ vờ vịt vịt, ông bác sĩ sẽ giúp đỡ.

        Bệnh nhân được đưa tới một phòng nhỏ giống phòng giam, có một chiếc giường sắt cho người bệnh, tôi nuôi bệnh trải chăn ngủ dưới nền gạch bông. Tôi vẫn ra phố  mua thuốc chợ đen về điều trị cho chú, mua thức ăn về nuôi chú, cho tiền anh công an đi đây đi đó, anh ta gốc thanh nghệ tĩnh nên mò đi cả Sài Gòn chơi cho biết miền nam. Anh ta gọi tôi là chị xưng em, dặn dò tôi tối ngủ phải cài cửa bên trong, anh ta giao cho tôi phải quản lý tù nhân thật chặt, không để trốn, tôi nói “có trốn đằng trời cũng không thoát khỏi tay chị, em cứ đi chơi thoải mái”.

        Tôi nặn kem đánh răng ra bàn chải cho chú chà răng, vò khăn mặt nước nóng lau mặt cho bệnh nhân. Tôi hỏi, bác sĩ nói tắm được nhưng nên dùng nước nóng. Tôi mua nước nóng ở căng tin. Rồi buổi chiều tôi gội đầu cho chú, bệnh nhân tù từ nhà giam ra nhiều ngày không nhúng nước, đầu tóc mình mẩy hôi hám, tôi lau mình cho chú. Rồi tôi tắm cho chú. Tôi đã vượt biển. Và chú cũng đã vượt biên. Tôi sặc sụa, nước mắt nước mũi trào ra. Tôi khóc mùi mẫn trong vòng tay của chú. Chú lau mặt cho tôi chứ không phải tôi lau mặt cho chú. Tôi thì thầm rằng tôi đã phạm tội với cô. Chú nói chú cũng có tội. Tôi cài cửa tự giam mình với tù nhân trong căn phòng tắt đèn tối om. Cho đến sáng.

        Tôi hưởng hạnh phúc với bệnh nhân tù được một tháng. Một tháng hạnh phúc bất ngờ. Hạnh phúc từ trời giáng xuống. Tôi say sưa ôm lấy niềm hạnh phúc ấy. Tôi quấn chặt lấy chú. Tôi không thể ngờ được có ngày chú nằm trong lòng tôi. Tôi lại càng không ngờ được có ngày tôi nằm trong lòng chú. Tôi quên hết cô, tôi cũng quên hết chồng. Tôi như một kẻ nhập đồng. Tôi như một con điên. Tôi mong cho tất cả biến hết đi. Tôi mong cho tất cả tan tành bình địa. Tôi mong là tôi với chú ở tù như thế mãi mãi, ở một cánh rừng xa tắp, ở một ngọn núi chót vót, ở một thế giới hoang vu nào đó…

        Nhưng rồi chú cũng vẫn bị giải về trại giam. Anh công an nói với tôi “ông ấy vẫn còn xanh xao, vẫn chưa biết nói chuyện, cứ ngồi lặng thinh, em muốn để ông ấy ở đây cho chị nuôi nhưng trại giam bảo phải về”. Hôm công an dẫn chú trở lại tù thì tôi cũng thu xếp về nhà, lúc từ biệt nhìn chú xanh xao tôi bắt thương, tôi đã tẩm bổ thuốc thang ăn uống cho chú đủ thứ nhưng có lẽ cả tôi lẫn chú đều là kẻ đói khát cùng cực nên tôi   đã lấy lại tất cả sức lực của chú. Tôi đã nuôi được bao nhiêu cho chú nhưng tôi cũng đã thu lại từ chú tất cả còn đâu. Tôi hẹn về nhà một tuần sẽ lên trại thăm nuôi.

        Về nhà tôi gọi điện thoại nói chuyện với cô, kể cho cô nghe bệnh tình suýt chết của chú, dĩ nhiên tôi không nói ra những chuyện làm cho cô buồn. Trong một thư trước kia cô viết nhờ tôi lo thăm nuôi chú, cô có nói là tôi giúp cô lo cho chú tất cả từ vật chất đến tinh thần, bây giờ tôi nghĩ vật chất là nuôi ăn mặc, thế còn tinh thần là những thứ gì, nhưng tôi có nói với cô một tháng ở bệnh viện tôi đã săn sóc chú tất cả từ vật chất đến tinh thần. Chú đã thoát chết, chú đã khoẻ lại và chú vui lắm. Cô cám ơn tôi, hứa là khi nào có điều kiện gặp lại nhau cô sẽ đền bù tưởng thưởng tôi. Cô còn dặn đi dặn lại hàng tháng trại giam cho phép thì chịu khó đi nuôi chú.

        Một tuần sau tôi lên trại giam thăm. Tôi đem đủ đồ dùng thuốc men, kim chích và thức ăn thức uống cho chú. Tôi ở lại với chú ba ngày. Tối, tù phải vào trại giam nhưng ban ngày họ cho ra nhà thăm gặp, tôi đã thuê nhà khách để chú ra ở với tôi. Nhà khách bên bờ suối. Chú giắt tôi đi dạo dưới rừng tràm. Tôi thủ thỉ kể chuyện tôi nói điện thoại với cô. Tôi cũng báo cho chú khỏi lo về sinh lý hàng tháng của tôi vẫn đều đặn. Không có gì xảy ra. Tôi hỏi chú có hài lòng về tôi không, chú nói “chú rất thích em”. Tôi lại hỏi “thế em có được như cô không”. Chú nói “như”. Tôi lại hỏi nữa “chú có muốn mỗi tháng em lên ở với chú ba ngày không”. Chú cũng nói “muốn”.

 

 

        Mải mê với những kỷ niệm xưa, bà đồng hương quên mất tiêu lão già đồng hương này. Tôi đành lặng thinh lẽo đẽo đi theo cái bóng người đàn bà nuôi tù mang trên vai nặng chĩu một quá khứ mà bà tôn thờ. Tôi hỏi bà có muốn tới thăm căn nhà sàn của tôi ở trong rừng không, bà ấy nói:

- Hay lắm, tôi cũng muốn biết xem ông ăn ở ra sao.

        - Ở trong rừng vắng, bà không e ngại gì chứ? 

        - Có gì phải sợ. 

        - Thế sao mấy bữa trước, khi mới gặp, bà nói tôi là kẻ đáng phải dè chừng.

        - Đó là mấy bữa trước. Khi mới gặp. Chưa rõ lắm.

        - Bây giờ rõ rồi sao?

        - Không. Chưa. Nhưng chẳng có gì đáng sợ. Chỉ thấy ông đã ló mòi tán tỉnh dụ dỗ.

        Tôi đạp xe về nhà mình. Người đàn bà theo sau. Đến nơi tôi dựng xe ở đầu hồi. Bà ấy cũng dựng xe dựa vào xe tôi. Tôi cầm tay bà ấy dẫn đi ra phía vườn sau.      

        - Ông không giới thiệu trong nhà ông à?

        - Trong nhà có gì đâu mà giới thiệu. Thì cũng giống như những căn nhà khác ở nước Mỹ, cũng phòng khách có sofa, bếp có tủ lạnh, phòng ngủ có giường và buồng tắm…Vào nhà chỉ thêm cho bà nghi ngờ tôi. Chi bằng đi dạo trong rừng.

        - Chưa khóa xe đạp. 

        - Rõ khổ. Không cần khóa. Trong rừng này không cần phòng thủ.

        Bà ta để cho tôi cầm tay lôi đi. Tôi hỏi:

        - Trong rừng thế này bà để tôi cầm tay lôi đi mà không dè chừng gì sao?

        Người đàn bà như nổi nóng:

        - Việc gì tôi phải dè chừng ai. Việc gì tôi phải sợ ai. Hỏi ai làm gì được tôi.

        - Bà không thấy thỉnh thoảng trên truyền hình breaking news có chiếu cảnh thiếu phụ bị yêu râu xanh bắt cóc lôi vào rừng…

        Người đàn bà hùng hổ:

        - Tôi biết ông không phải yêu râu xanh, tuy rằng ông cũng rậm râu sâu mắt.

        - Ghê gớm, dân Nam định dữ dằn như sư tử.

        Bà ấy nhoẻn miệng cười, khuôn mặt và miệng cười mới dễ thương làm sao.

        - Ông đưa tôi đi đâu thế này?

        - Không hỏi lôi thôi, chỉ nên làm theo, tình thế này chỉ còn cách líu ríu nghe lời, chống lại không còn kịp nữa.

        Tới bờ con rạch, tôi mở tấm nhựa che bên trên để lộ chiếc xuồng nhỏ. Tôi dắt bà ta xuống xuồng, mặc chiếc áo phao cho bà ta rồi mặc một chiếc khác cho tôi. Tôi nói:

        - Cũng chẳng có gì ghê gớm đâu, nhưng thủ tục sông nước kiểu Mỹ nên phải làm ra thế này. Bà ngồi xuống tôi chèo xuồng đưa bà đi một khúc trên “kinh đồng tháp” đỡ nhớ quê hương.

        Chiếc xuồng tròng trành, nguời đàn bà có vẻ sợ, tôi nói:

        - Không sao đâu, cái xuồng này có lật úp nó cũng không chìm, nó vẫn là cái phao nổi. Bên trong mũi kia có chứa bình nước uống và hộp thức ăn khô, còn có cả túi first aid nữa.

        Tôi chèo xuồng theo con rạch nhỏ ra ngoài con kinh lớn hơn rồi theo con kinh ra tới bờ biển thì dừng lại.

        Vùng biển này xưa kia là nơi tung hoành của hạm đội hoàng gia, tàu chiến của hải quân Anh thông thương từ đây tới eo biển Florida. Và cuộc chiến ở miền đông nước Mỹ hồi đó cũng chấm dứt ở vùng đảo này. 

        Tôi hỏi:

        - Bà có muốn vượt biên không? Chèo tay khoảng một ngày theo hướng nam là tới thành phố cổ Savannah bên bờ sông lát đá cục, có xe ngựa đưa đi xem nhà cửa phố xá. Chèo hai ngày theo hướng bắc là tới hải cảng tối tân Charleston, nhưng cũng có Chợ Cũ và xe ngựa đưa đi các nơi.

        Người đàn bà đồng hương rụt vai lại:

        - Thấy biển là tôi sợ, tôi không dám mạo hiểm đâu, cho tôi trở lại bến xuồng nhà ông. Vào nhà, ông pha trà cho tôi uống, hấp khoai lang tím cho tôi ăn. Được không?

        - Được chứ.

        Khi đã trở vào căn nhà sàn bình yên, ăn một củ khoai hấp, uống một tách trà nóng, xong, bà đồng hương nhìn quanh, hỏi:

        - Căn nhà sàn thiệt. Trong rừng thiệt. Và ông ở một mình cũng thiệt ư?

        - Thì bà thấy tỏ tường đó. Chẳng lẽ tôi đây là giả.

        - Tôi không nghĩ là ông có thể sống như thế này được.

        - Sao lại không được. Ở đây tôi có thiếu thốn gì đâu. Chỉ với cái laptop, tôi có thể liên lạc với tất cả mọi nơi. Các con tôi cũng có thể ngó tới bố bất cứ khi nào chúng muốn. Và tôi có thể nghe bất cứ bài hát nào, đọc bất cứ quyển sách nào, xem bất cứ bộ phim nào…

        - Biết rồi, nhưng có một thứ ông vẫn thiếu, một “món” cần thiết nhất hạng trên đời không thể không có được!

        - Tôi cũng biết rồi, nhưng mà tôi phải chịu thôi. Có thứ mình muốn nhưng lại tùy thuộc “món” đó có muốn mình không, nếu “món” đó họ không thích mình thì mình thích nó cũng là không thể mà thôi.

        - Ông thật đáng thương!

       

        Hôm sau bà ấy đón tôi đạp xe vào trong khách sạn. Tôi để xe đạp của tôi bên xe đạp của bà ấy và bà ấy choàng giây khóa sang xe tôi khóa chung lại.

        Tôi nói:

        - Đến khổ.

        - Cho chắc ăn, kẻo đến nhà tôi khi về khách bị mất xe mang tiếng.

        Bà đồng hương dẫn tôi lên phòng của bà. Phòng lớn có bếp riêng và bàn ăn, quầy rượu, có phòng khách, phòng xem phim. Ngoài hiên có bàn ghế dựa nhìn ra biển. Bà đồng hương vắt một cái áo trên thành ghế.

        Bà cầm tay tôi dắt xuống vườn, qua lối đi và chiếc cầu gỗ, chúng tôi ra bãi cát bờ biển. Nhìn lại tòa nhà khách sạn, người đàn bà hỏi:

        - Đố ông tôi ở phòng nào trên tòa nhà kia?

        - Trông như tổ ong làm sao phân biệt.

        - Căn phòng có chiếc áo vắt trên thành ghế là phòng tôi ở.

        Chúng tôi đi dạo trên bãi cát. Khi trở vào vườn khách sạn, bà nói:

        -Trong vườn khách sạn có rất nhiều hồ bơi. Có những hồ nhỏ nước nóng cho khách ngâm mình. Ông có muốn ngâm mình trong nước nóng không?

        - Có muốn.

        - Thế thì lên phòng thay áo tắm.

        - Tôi không có áo tắm.

        - Mua trong khách sạn.

        Bà ấy dẫn tôi tới tiệm tạp hóa ngay tầng dưới toà nhà, chọn mua cho tôi một quần bơi. Chúng tôi trở về phòng thay quần áo. Bà đồng hương dắt tay tôi ra hồ bơi. Một hồ nước nóng nhỏ trên một sân cao dưới những tàng cây che nắng. Tôi và bà bạn mới ngâm mình dưới nước nóng, máy đấm bóp hơi thụi ra những quả thụi khiến người ta dễ chịu. Tôi nói:

        - Tôi có hai điều xấu hổ.

        - Ông kể lể đi, một là…

        - Một là thân hình già cả, bệu rệu xấu xí…

        - Hai là…

        - Hai là lần đầu tiên trong đời chơi những trò chơi sang trọng đắt tiền thế này nên lúng túng nhà quê cả quéo…

        - Ông nên thêm một điều thứ ba nữa.

        - Ba là gì?

        - Ba là ông vớ vẩn vừa vừa thôi. Bộ tôi không già cả, bệu rệu, xấu xí, nhà quê, cả quéo sao? Ông không thấy bên hồ nước kia, hai ông bà Mỹ già còn hơn ông và tôi nữa, có lẽ họ cũng tám chín chục tuổi rồi, nhưng họ vẫn ngâm mình trong hồ nước đùa rỡn với nhau vui vẻ trẻ trung… Ở đây vui chơi là chính. Ông đừng nghĩ ngợi xa quá.

        Một lát sau bà ấy nói tiếp:

        - Người ta du lịch đến đảo này không phải để tắm biển vì nước biển ở đây đục lờ lẫn đất cát, cũng nhờ cát lẫn đất nên cát mịn không bị lún, đạp xe bên mé nước như đi trên đường đất vậy. Khách du lịch cư ngụ trong khách sạn  muốn ngâm mình trong nước mặn, nước ngọt, nước ấm, nước nóng hay nước lạnh… tùy ý thứ nào cũng có trong vườn này. Hồi ông chồng EU của tôi còn sống đã đưa tôi đến đây nghỉ nên tôi mới biết. Lần này sang đây tôi muốn đem… chú tôi đến đây để lo cho chú ấy, nhưng…

        - À thì ra thế, nhưng sao cơ thưa bà?

        Tôi ngồi tựa thành hồ bên này nhìn sang bà đồng hương ngâm nước tựa lưng nơi thành hồ bên kia, không thấy bà ấy nói mà chỉ tư lự, tôi bèn áy náy, mủi lòng mình, muốn tìm cớ rút lui. Đây không phải chỗ của tôi. Tôi chỉ tình cờ trám vào chỗ trống cho hợp nghĩa mà thôi. Tôi trèo lên khỏi nước, lòng ngậm ngùi ngổn ngang. Bà đồng hương hỏi:

        - Ông đi đâu?

        - Tôi phải về.

        - Sao vậy? Tôi chưa muốn ra khỏi hồ. Tôi còn muốn ngâm mình trong nước nóng lâu nữa. Ông phải ở đây với tôi chứ, ở đây phải có cặp, chẳng lẽ ông bỏ tôi một mình.

        - Bà… gọi ông chú của bà đến đây là được chứ gì.

        Bà đồng hương cười ngặt nghẽo:

        - Trời đất, lại ghen nữa cơ chứ.

        - Không ghen nhưng không phải chỗ của tôi.

        -Thôi được rồi, nhưng ông cũng phải chiều lòng tôi một chút, ở lại đây ngâm mình nước nóng một lát nữa cho thoải mái quên đi những nỗi niềm u uẩn, rồi về, tôi còn phải đưa ông về phòng thay quần áo, lấy xe đạp rồi mới về được.     

        Tôi nhớ ra rằng xe đạp của tôi đã khóa chung với xe của bà ấy, quần áo tôi cũng còn ở trên phòng ngủ của bà ấy. Và lòng tôi cũng đang yếu mềm mủi lòng trong nỗi cô đơn hải đảo. Tôi lội xuống hồ nước ngồi tựa lưng vào chỗ cũ nhìn sang người đàn bà xinh đẹp phía bên kia. Bà ấy nhìn tôi chăm chú, tôi hỏi:

        - Bà nhìn gì tôi?

        - Tôi tìm xem ông có giống chú tôi điểm nào không?

        - Có không?

        - Có. Và không?

        - Là sao? Tôi không hiểu.

        - Ông giống chú ấy chín mươi chín phần trăm. Và không giống chú ấy cũng chín mươi chín phần trăm.

        - Là sao?

        - Ấy là tôi nói theo cách nói của chú ấy.

        - Vẫn là sao? Vẫn không hiểu. Vẫn chỉ là chú ấy, chú ấy…

        - Ông có biết vì sao mà chú tôi không đi với tôi tới đây được không? Là vì chú tôi bây giờ… thích một người khác. Ông cứ ngồi yên mà trầm mình, tôi sẽ kể cho ông nghe. 

        Tôi nổi giận trước một tình thế mà tôi cho là người đàn bà kia đã nín nhịn. Tôi dằn giọng:

        - Một kẻ bạc tình như vậy cớ sao bà còn “chú ấy, chú tôi…”

        - Không đâu thưa ông, chú ấy không phải là kẻ bạc tình, chú tôi không bao giờ là kẻ bạc tình. Chú tôi rất thương cô tôi và rất có lòng với tôi. Mãi mãi là như thế. Tôi nghĩ chú ấy rất đáng thương, tôi sẽ mãi mãi thích chú ấy như cô tôi cũng đã mãi mãi yêu chú ấy. Yêu cho đến tận ngày cuối cùng.

        - Tại vì cô cháu nhà bà khờ dại, cả tin ở những lời ngon ngọt của kẻ bạc tình, nên bị anh ta xí gạt.

        - Xin ông cẩn trọng lời nói, ông không được xúc phạm đến người yêu của cô cháu tôi.

        Thật hết nói, chẳng lẽ đôi co với một kẻ không còn tỉnh táo như bà ta. Tôi giận quá nói:

        - Xin lỗi, nếu tay này có ở đây tôi sẽ rút kiếm ra chiêu, thế thiên hành đạo.

        - Thôi đi, hiệp sĩ. Yêu cầu ông không được thô bạo với người của tôi.

        - Người như thế bà bảo vệ làm gì? Chẳng qua là tôi chỉ vì bà.

        - Sao ông phải vì tôi?

        - Tôi muốn bà phải được tôn trọng.

        - Có chắc không?

        - Sao không chắc.

        - Tôi sợ rằng cả ông nữa, ở đây nói vậy chứ ở bên miền đông, gặp người đàn bà mà chú tôi thích, ông cũng sẽ như chú tôi, cũng sẽ thích liền bà ta. Chú tôi là kẻ biết nhìn người, chú thích ai thì đúng là người ấy đáng thích. Chú tôi có con mắt biết nhìn người và một tâm hồn rất nhạy cảm, đã thấy thích là thích ngay và nói ra ngay là mình thích. Chú không đừng được. Một ông hoàng đế trong phim bộ Đại hàn bồng đứa con quí phi mới đẻ bèn dạy thái tử đạo làm vua biết tuân thủ phép nước, mà nguyên tắc chính phải nhớ là “đừng tìm cách có được người mình yêu, đừng ở bên cạnh người mình không thích; không có được người mình yêu sẽ rất khổ sở mà phải ở cạnh người mình không thích còn khổ sở hơn”. Baby vua khóc oe oe, hoàng đế nhìn vu vơ lên mây xanh cười xa xôi, quí phi mở to mắt ngơ ngác không hiểu gì, cả ba hình như chưa chắc đã sung sướng. Chú tôi là người sung sướng, chú tôi là kẻ đáng thương, chú tôi  hễ thích là thích.                 

        - Tôi nghĩ, bờ biển Thái bình dương và bờ biển Đại tây dương chỉ cách nhau có lục địa Bắc Mỹ, bà nên gọi phone cho chú của bà bay sang đây với bà. B747 năm giờ đồng hồ tới Atlanta, Cessna bay hơn một giờ tới Savannah, lái xe hơn một giờ nữa tới đảo, đạp xe năm phút từ nhà sàn trong rừng sang tơi đây… Hà cớ chi để mất người mình thích.

        - Không được đâu, chú tôi rất thích bà ấy, qua điện thoại chú tôi đã nói như vậy. Chú tôi đã từng là vua của cô tôi, đã là vua của tôi và tôi cũng mong chú là vua của bà ấy nữa. Một ông vua không cần phải có sơn hà xã tắc, không có phép nước, không có đạo làm vua, cho nên không phải tuân thủ điều gì. Chỉ có vua và ba vương phi.

        Một lát sau bà tiếp:

        - Chú vua của tôi làm nghề đánh chữ ở nhà in. Ngày xưa ở trong nước nhà in có thợ sắp chữ, bây giờ thời computer không còn nghề sắp chữ bằng tay nữa mà sắp chữ bằng máy. Chú tôi đánh chữ những sách của khách hàng. Nhà văn nhà thơ bịa ra những tác phẩm, muốn in thành sách để đời thì bỏ tiền ra thuê in. Chú tôi sinh nhai bằng cái nghề đánh chữ mướn cho các văn thi sĩ ấy. Nghề bắt buộc phải tôn trọng nguyên bản, chữ viết ra sao phải đánh đúng như thế cho khách hàng. Phải tôn trọng sự thật, sự thật sai, sự thật dở cũng phải đánh đúng từng chữ. Thơ văn mình không cảm được cũng phải đọc và đánh đúng từng chữ. Ông nghĩ có khổ không. Nhưng mà chú tôi còn định lập ra một hội những người đánh chữ để tương tế lẫn nhau. Than ôi! Nghề mô mà cực thân chi rứa, thấy sai không dám sửa, thấy dở không dám chê. Tôi thấy hình như ông cứ thậm thụt gì đó với cái laptop, hay là ông cũng làm thơ viết văn, ông nên chế ra một ít bài thơ bài văn thật dở ẹt, rồi gửi đi in, để hành hạ chú tôi cho thỏa lòng ghen ghét. Việc gì ông phải rút kiếm, ra chiêu, với một người yếu đuối như chú tôi.

        Tôi ngồi lặng thinh nhấm nháp những lời trách mắng cay nghiệt của bà đồng hương vừa xối dội trên đầu mình.

        Im lặng hồi lâu, bà đồng hương chợt lại nói:

        - Chẳng qua chỉ vì sự sợ hãi, chỉ vì chú tôi là kẻ sợ hãi, chú tôi luôn sợ cô tôi, chú là kẻ đệ nhất hạng sợ vợ.

        - Phải chi chú tôi bớt sợ cô tôi một chút, chỉ bớt sợ một chút thôi cũng đã có thể hợp thức hóa sự việc.

        - Bà nói gì tôi tôi không hiểu.

        - Thì ông cứ ngồi yên mà nghe tôi nói thôi tức sẽ hiểu. Này nhá, nếu chú tôi lựa một lúc thuận tiện nào đó, lấy hết can đảm thú thiệt với cô tôi, khai ra tất cả sự tình với cô tôi, tôi tin là cô tôi sau một thoáng đau nhói sẽ bình tĩnh mà hợp thức hoá tội lỗi của chú cháu tôi. Tôi tin như vậy vì tôi nghĩ bà ấy khi đau ốm biết mình sắp về bên kia thế giới chỉ sợ có hai điều, một là sợ chồng ở dương thế sẽ bị một người đàn bà nào đó hành hạ làm khổ.  

        - Hai là gì?

        -Từ từ một chút ông, hai là sợ chồng… đói! Suốt đời cô tôi chỉ sợ chồng bị đói. Mà ông trời cũng ác, bắt chú tôi giao cho cộng sản giam tù bỏ đói triền miên suốt mười bảy năm trường, may mà có tôi đi cứu đói được phần nào. Vì thế nếu cô tôi biết rằng chú cháu tôi đã thích nhau bà ấy sẽ thở dài mà nhờ tôi lo cho chồng quãng đời còn lại. Cô tôi sẽ nhờ tôi nuôi chú và bảo vệ chú không để kẻ khác làm khổ trên cõi đời này. Vì chú tôi nhát không gíam nói nên cô tôi không biết nên không giao việc cho tôi mà thôi. 

        - Và nếu chú tôi cũng bớt sợ vợ đi thêm chút nữa, không dám thú thật chuyện với tôi, nhưng khi cô tôi hỏi thiệt lòng “bố có thích con bé không”, nghĩa là có thích cái người đàn bà mà chú tôi đang thích bây giờ ấy, bà vợ biết tỏng lòng chồng, nên bà em đến thăm vừa ra về là cô hỏi liền, nhìn mắt hai ngươi tình nhìn nhau là biết ngay, rằng “bố có thích con bé không”, hỏi như bưng mỡ để trước miệng mèo như thế mà nhát không dám thú nhận, nhát chi mà nhát dễ sợ, sợ vợ chi mà sợ dễ thương, chú tôi nghe hỏi hết hồn, nói lảng, đẩy mỡ cho kẻ khác, thế nên cô tôi tuy rất bằng lòng cũng không dám nhờ bà em ấy lo cho chồng mình. Thế có khổ không, vợ tính toán sắp xếp cho không dám, để bây giờ thân cô thế cô, ăn thì bữa đói bữa no…

        - Thế bây giờ cái người mà chú của bà thích có thích lại ông ấy không?

        - Tôi đâu biết, chú ấy không nói mà tôi cũng không hỏi, chú tôi chỉ lo mỗi một mặt là thích người ta, còn người ta có thích mình không thì chú chẳng biết làm cách nào để có được. Hình như chú tôi bị ảnh hưởng đâu đó phim bộ Đại Hàn, “đừng tìm cách…” Chuyện của tôi và chú tôi ở bệnh viện Phan Thiết nếu không có tôi chủ động có lẽ cũng chẳng đi đến đâu.

 

        Nước nóng vẫn lùng sục cuồn cuộn trong hồ, quần thảo từ bên này sang bên kia, từ bên kia sang bên này. Và hơi nóng đang bốc lên. Tôi trầm mình xuống thấp hơn nữa, nước lên tới cằm, tôi nhìn trên mặt nước lăn tăn, phía bên kia cũng một cái đầu thò lên, cái đầu bên kia có ánh mắt, có nụ cười. Tôi ngụp xuống sâu thêm chút nữa, chỉ còn hai con mắt, miệng cười của tôi đã giấu chìm dưới nước. Người bên kia khẽ tạt nước sang bên này, tôi phải nhắm mắt lại, nước tạt thêm nhiều hơn, tôi ngụp lặn luôn cả đầu. Trong nước ấm tôi thấy một vòng tay ôm lấy đầu tôi và hai cánh tay tôi cũng ôm vòng một tấm lưng trần. Khi hai chúng tôi đứng lên giữa hồ nước, đầu tôi vẫn còn gục trên ngực người đàn bà. 

 

                                               

        Tối hôm đó, theo hẹn trước, tôi mặc quần áo đẹp, lái chiếc Land Rover tới khách sạn đón bà đồng hương đi ăn tối. Bà đồng hương cũng mặc đẹp, khi ngồi lên xe tôi, bà ấy cũng phàn nàn là xe này cao quá, tôi nói:

        - Y hệt. Từ từ để tôi hạ thấp nó xuống rồi bà ngồi lên, khi xe chạy bà sẽ cảm thấy không bất tiện nữa.

        - Ông vừa nói “y hệt” là sao?

        - Y hệt bà vợ tôi, hồi đó bà ấy cũng càm ràm xe cao quá, nhưng sau lại thích ngồi xe tôi, nói như ngồi trên kiệu bát cống.

        Bà bạn đồng hương cười mỉm nhìn ra rừng phía ngòai tối đen. Ngày mai chúng tôi chia tay nhau nên tối đó chúng tôi ăn bữa cơm kỷ niệm thân mật. Chúng tôi đến nhà hàng dưới chân light house, ăn món thịt bầm viên bự với mì sợi lớn sốt cà chua, có salad, có bánh mì tỏi và nước táo. Chúng tôi không cãi qua cãi lại nhau nữa. Suốt buổi tối vui vẻ. Khi đưa bà bạn về khách sạn, tôi không xuống xe tiễn vì tôi e ngại hai người sẽ ôm hôn nhau theo kiểu Mỹ. Bà vợ tôi xưa kia dặn tôi rất kỹ sau khi ăn đừng ôm hôn ai cả vì mùi thức ăn còn đọng trên người. Muốn ôm hôn phải đi tắm rồi mới được hôn. Tôi giữ như thế miết rồi quen. Giữ gìn như tuân thủ phép nước. Đến nỗi một lần đi đám cưới về có việc chui vào phòng riêng gõ máy chữ, lâu sau bà vợ tôi thò đầu vào hỏi “bố đi tắm chưa?” Đến khổ vì phép nước.

        Bà bạn nói:

        - Ngày mai tôi đi rồi. Tôi vào nhá.  

        - Thưa bà đi đâu?

        - Tôi về lại EU.

        - Bà bỏ USA? 

- USA không phải chỗ của tôi.

        - Quê hương thì đã mất, ở đâu mới là chỗ của bà?

        - Tôi cũng không biết nữa, có lẽ chẳng có “nơi nao là chốn quê nhà”.

        - Thì đành chiếm đóng nơi nào có người mình thích làm chỗ dung thân, bà nên chiếm lấy nước Mỹ, chiếm bằng “chính sách thực dân kiểu mới” hoặc bằng phương pháp “diễn biến hòa bình”. Và hãy đô hộ nó, hãy coi nó làm “chốn đi về” vì nó đang có ông chú của bà.

        - Ông đừng làm tôi phải bật khóc. Thôi chào ông nhá. 

        - Vâng, chào bà.

        Tôi vẫn ngồi ì trên xe, bà bạn mở cửa xe bước xuống:

        - Ông có hỏi gì nữa không? 

        - Thưa không, à quên, có, tôi muốn hỏi bà một lần nữa xem tôi có điểm nào giống ông chú của bà không, hỏi chỉ để hỏi thế thôi.

        - Vẫn chỉ là chín mươi chín giống và chín mươi chín không giống. Ông không giống chú tôi ở chỗ ông không nhát như chú ấy. Chúc ngủ ngon.

        - Chúc bà bình yên.

        Thế là chia tay. Tôi vẫn ở lại đảo. Một hải đảo có ba mươi ngàn người cư ngụ, không kể du khách tới lui. Có thể từ nơi này tôi sẽ chế ra ít bài thơ bài văn để in, để tặng, người đàn bà cùng quê hương Nam định, người đàn bà nuôi tù, một người tôi đã gặp, đã rất thích không biết từ lúc nào. Và biết đâu, cũng có thể sẽ hành hạ được một ai đó, như tôi vẫn thường hành hạ chính tôi!

(RT. 5/2009)

                                                                                                 Thảo Trường