Cơn Sốt
Tôi
nhẹ nhàng bốc lên cao ra khỏi ông.
Tôi bay lơ lửng xung quanh căn phòng mổ nhìn xuống cái thân xác tô hô
trần
truồng một đống của ông. Vẫn thở đều
đặn. Vẫn còn gọi là sống nhưng ông chẳng thể biết gì. Cái ông xấu xí
nằm thản
nhiên không một ý thức, không một thái độ, không một lập trường, không
một cảm
xúc... Một xác sống giống một xác chết. Một xác sống không phải là
sống. Một
xác sống vô ích. Một cái xác... chưa chết. Vì ông không có tôi trong
ông. Tôi
và ông lúc này đây đã cách lìa nhau và chúng ta không thể được coi là
một con
người sống. Ông hữu hình nằm đó mọi người đều thấy nhưng ông không biết
gì. Tôi
vô hình bay lơ lửng chẳng ai thấy nhưng tôi biết hết. Chúng ta là hai
cái thiếu
nếu ở riêng. Chỉ khi nào hai ta gộp lại thì mới có thể thành ra một thứ
gì đó.
Một thứ gì đó có ý nghĩa. Chỉ mình ông thôi là vô ích. Chỉ mình tôi
thôi cũng
là vô ích nốt. Hóa cho nên cả hai phải nhập làm một. Không ai tự coi
mình là
độc lập. Không ai tự tách rời khỏi nhau. Không ai trong hai ta có thể
tự mình
làm nên cái này cái nọ. Cũng không ai
trong hai ta một mình mà có ý nghĩa. Chúng ta là thứ vô ích một mình.
Chúng ta
là thứ vô nghĩa một mình. Chúng ta là thứ thừa thãi một mình. Chúng ta
là đồ bỏ
nếu ta đòi độc lập. Cả hai ta chẳng có tự do hạnh phúc nếu mỗi bên đòi
độc lập.
Ông phải có tôi nhập vào và tôi cũng phải có ông làm nơi cư trú. Chúng
ta phải
bám víu lấy nhau. Chúng ta phải nương tựa nhau. Chúng ta phải lệ thuộc
nhau.
Không có cách nào khác. Đừng bao giờ tính kế mánh khóe riêng tư. Vô ích
phí
phạm lập tức.
Bây giờ ông nằm đó, đủ cả ba phần,
đầu, mình và tay chân, nhưng ông chẳng thể cục cựa. Ông có cái mồm
nhưng ông
chẳng thể nói năng nếu không có tôi nằm trong ông điều khiển cái lưỡi
cũng như
tôi có muốn nói cũng chẳng ra lời nếu không núp trong thân xác ông sử
dụng
miệng lưỡi ông. Mắt ông mở thao láo nhưng ông có nhìn thấy gì đâu.
Người nữ y
tá nghịch ngợm búng nhẹ vào cái sinh dục teo rụt đen đủi của ông mà đực
tính
trong ông có chút nào sinh động đâu, thậm chí khả năng bẽn lẽn mắc cỡ
thường
tình cũng không hề thấy. Thì đã bảo ông
như một kẻ đã chết. Nhịp tim đều đặn, hơi thở phì phò nhưng đâu có
nghĩa là ông
đang sống. Vô thức thì như là chết vậy. Ông phải có tôi ở trong ông.
Phải có tôi
ở trong ông thì mới biết được cô ý tá đã làm gì và chúng ta mới biết
cảm xúc.
Tôi đang thấy tất cả nhưng tôi không cảm xúc được.
Tôi thấy
căn phòng mổ rộng rãi hơn các
căn phòng khác. Phòng bệnh nhân nằm điều trị cũng như các căn phòng làm
việc
của nhân viên bệnh viện đều được xây dựng nhỏ bé, cái gì và chỗ nào
cũng chỉ
như vừa khít. Nhưng căn phòng mổ này thì rộng rãi thênh
thang, có lẽ để cho toán giải phẫu và
các sinh viên y khoa thực tập có chỗ bao quanh xoay sở. Cái bàn mổ nằm
ngay
giữa phòng. Phía trên là chùm đèn chiếu, loại đèn người ta gọi là không
hắt
bóng. Đầu bàn mổ cũng có một cây treo bình nước truyền thuốc. Một chiếc máy truyền hình sẽ soi buồng bụng
ông lên đó. Bác sĩ chưa đến, trong khi ấy các y tá sắp đặt các dụng cụ
phẫu
thuật sẵn sàng, để khi bác sĩ tới là có
thể khởi đầu ngay một cuộc phanh thây. Tôi sẽ bay quần quần trên này
để... xem,
như là ngày xưa ông bay trực thăng quần quần trên không theo dõi quân
lính của
ông đánh trận bên dưới.
Ngày
xưa ông trên cao điều khiển. Bây
giờ ông nằm một đống. Nhưng bao giờ ông cũng hữu hình bao giờ ông cũng
có mặt.
Tôi thì bao giờ cũng là vô hình, xưa cũng như nay bao giờ tôi cũng là
kẻ vắng
mặt. Vì ông hữu hình nên ông hứng nhận cả vinh quang lẫn khổ nhục. Ông
hưởng đủ
sung sướng cũng như đau khổ. Ông che đậy bằng quần áo đẹp còn tôi trong
suốt.
Ông ăn những của ngon vật lạ, sơn hào hải vị, còn tôi chỉ thưởng thức
chút
hương hoa lấy thảo. Ông ôm người đẹp cụ thể trong vòng tay
còn tôi thì chỉ bay lượn rạo rực, lãng mạn,
không tưởng. Không biết ông còn nhớ những bà Ph, bà Ch, bà Th, bà H, bà
K, bà
M, bà V, bà L... ối nhiều lắm, có thể ông chẳng nhớ hết nhưng tôi thì
còn nhớ
rõ mồn một từng người, dù rằng ông mới là kẻ thưởng thức chứ không phải
tôi. Có
thể ông đã quên, cũng có thể ông chỉ nhớ mang máng, nhưng tôi thì còn
nhớ rõ,
các bà ấy bây giờ đều đã là những bà lão sống rải rác khắp nơi trên thế
giới.
Bà thì đang sống vương giả với tài sản bên Tây, bà thì đang sống bằng
tiền
hưu bên Mỹ, cũng có bà đang sống trong
nhà già, có bà còn kẹt lại nơi quê nhà trong cảnh nghèo nàn cơ cực...
Ông có
còn nhớ bà nào không? Các bà ấy cũng có còn nhớ tới ông không? Có bà
nào giờ
này biết rằng ông đang nằm trên bàn mổ. Giờ này ông có nhớ đến họ hay
là họ có
nhớ đến ông thì cũng đều là vô ích với tư cách hữu hình. Họa may chỉ
còn có tôi
và linh hồn các bà ấy có thể liên hệ với nhau, dĩ nhiên cũng chỉ ở
trong cõi u
minh không thật. Những thân già của ông cũng như của quí bà ấy bây giờ
đều là
bất lực, là vô ích, là thừa thãi... Cứ nghĩ mà coi, này nhá, cái khối
da thịt
xương của ông bây giờ chứa đựng những gì bên trong ? Toàn là những thứ
khó
ngửi. Đầu tóc ông sinh ra gầu. Mắt ông
đùn ra ghèn. Mũi ông hỉ ra cứt mũi. Lỗ tai ông có ráy tai. Miệng ông
tiết ra
nước miếng và đờm. Da ông rịn mồ hôi. Bộ phận sinh dục tè ra nước tiểu
hoặc phun
ra tinh dịch. Hậu môn thải ra phân... Tất cả những thứ từ trong người
ông tiết ra đều là những thứ dơ dáy. Vậy
mà cái
thân xác ấy đã có những thời lãnh nhận vinh quang cao cả, quần là áo
lượt, cân
đai mũ mãng, son phấn rực rỡ, bằng cấp huân chương...làm thành ra cái
xã hội
muôn mầu muôn vẻ cũ kỹ từ tạo thiên lập địa cho đến bây giờ và sẽ còn
tiếp diễn
cho đến mãi mãi đời sau nếu không có đấng tạo hóa nào đó... chấm dứt nó
đi.
Nói
là nói thế thôi, ông cũng đừng để
tâm hay buồn phiền làm chi những cái vớ vẩn ấy của cuộc đời, bởi vì
khắp “bàn
dân thiên hạ” ai ai cũng đều thế cả. Cái thực chất, cái cốt lõi, cái cơ
bản…của
các sinh vật đều là thế cả. Nội dung chính yếu là thối tha. Vĩ nhân hay
mỹ
nhân, thánh sống cao cả hay phàm phu tục tử cũng đều phải ăn phải uống
và đương
nhiên là phải bài tiết. Ông không cô đơn làm kẻ thối tha. Các sinh vật
khác vì
chúng là hạ đẳng không có ý thức, không văn minh nên trời sinh ra sao
chúng cứ
sống in như vậy, con người các ông thuộc giống thượng đẳng, có ý thức,
dần dần
văn minh, biết tìm ra đủ mọi phương cách, chế ra đủ thứ mánh mung, để
che đậy
thối tha, giấu diếm cái xấu, tô đẹp bản thân, làm dáng bề ngoài. Nhưng
thực
chất bên trong thì vẫn vậy. Con chó ỉa xong không chùi đít. Con người
làm xong
cái phận sự ấy thì đã biết lau chùi tắm rửa, dùng hóa chất tẩy sạch mọi
thứ ô
uế bên ngoài, xức “nước hoa hảo hạng”, “dầu thơm đắt tiền”. Con người
còn biết
cải trang xấu thành đẹp. Hút mỡ bụng. Căng da mặt. Xâm chân mày. Cắt
mắt. Viền
môi. Độn mũi. Bơm ngực. Đắp mông. Cắt. Gội. Sấy. Chải. Nhuộm. Uốn…Toàn
thân
phủ lên những vải vóc màu sắc kiểu
cọ…Tất cả, vâng tất cả đều để che đậy cái thối tha bên trong mà thôi. Ở
trong
các trại giam của Cộng Sản, chúng tước đoạt hết tất cả các thứ của tù
nhân, ăn
cũng chỗ ấy, ngủ cũng chỗ ấy, ỉa đái cũng chỗ ấy, không nước rửa, không
giấy
lau, đói lả người ra thì chúng phát cho củ khoai củ sắn, thế là tất cả
mọi giá
trị của cuộc đời đều tụ vào cái thứ có khả năng làm cho người ta đỡ đói
ấy.
Danh dự, đạo đức, sang trọng, cao cả đều sàn sàn bằng nhau. Thơm tho
ngang
bằng với thối tha. Ông cụ ạ !
Chúng
ta đang dang nhau ra. Không biết
tạm thời hay vĩnh viễn. Có trời mà biết được. Khi nào thì tôi và ông
lại nhập
vào nhau. Con người họ cậy là biết tất cả, các nhà khoa học đều đã biết
hết và
có thể điểu chỉnh cho hai ta dang nhau lâu mau rồi cho nhập lại. Họ có
thể bắt
ông hôn mê bao lâu đủ thời giờ để làm công việc “phanh thây”, xong mới cho ông “tỉnh” lại. Nghĩa là họ có thể
định cho chúng ta xa nhau bao lâu rồi
cho tôi nhập vào với ông để chúng ta lại trở nên như một. Tất cả chỉ là
vấn đề
liều lượng của thứ thuốc mê nhân tạo. Họ làm được hết. Thế nhưng thử
hỏi nếu
như tôi mải mê bay đi mà quên mất đường về, mê gái chẳng hạn..., ừ, nếu
như tôi
không tìm ra lối nhập trở lại với ông... thì sẽ ra sao. Thuốc mê tan
hết nhưng
ông không “tỉnh” lại được thì sẽ ra sao ?
Tôi với ông tuy hai nhưng phải là một. Rời nhau là
chết ngắc. Con người
cho chúng ta rời nhau dễ dàng rồi lại cho chúng ta gộp lại
cũng rất dễ dàng, nhưng cũng là tại hai ta,
nếu như một trong hai ta phản đối, đúng ra lỗi tại tôi, ông chẳng can
dự gì,
thì đã bảo thân xác ông chỉ biết ăn, ngủ, đ..., ị.., lui cui làm hoài
không cần
phải có sáng kiến lãnh đạo gì cả..., ừ, nếu như tôi đình công phản đối
thầy
thuốc, không chịu thuần phục khoa học của con người, tôi chần chờ không
trở lại
chốn cũ... thì kể như hóa kiếp chúng ta. Ông sẽ thối xác, còn tôi thì
đi làm
một kiếp ma đói lang thang vất vưởng biết tìm đâu ra một cõi khác dung
thân.
Ông
nằm đó. Tôi bay lượn trên cao.
Theo chương trình giải phẫu thì ông sẽ mê hai giờ đồng hồ. Trong đó
dành từ 45
phút đến một tiếng để các bác sĩ làm việc. Một phần thời gian trước đó
cho các
chuyên viên chuẩn bị và một phần để ông nằm nghỉ ngơi chờ hồi tỉnh.
Trong hai
tiếng đồng hồ con người định cho ông mê đi để khỏi đau đớn trong mổ xẻ
là thời
gian tôi được giải phóng, tôi thoát ra khỏi ông, tôi tự do bay bổng.
Hai giờ
đồng hồ trần gian ấy của ông, đối với tôi có thể là hai thiên niên kỷ,
hai ngàn
năm qua đi, bởi vì tôi có thể biến hóa khôn lường, tôi chợt đến rồi
chợt đi,
chợt ở nơi này chợt ở chỗ khác, chợt bây giờ và có thể chợt lộn về quá
khứ xa
xưa. Tôi có thể đi cùng trời cuối đất. Tôi có thể có mặt ở khắp các
thời đại.
Ông là xác phàm. Tôi là hư vô. Ông nằm đấy cho người ta mày mò, mân mê,
cắt
xẻo... Tôi sẽ lang thang khắp thiên đàng, địa ngục, cũng như nơi trần
thế. Tôi
muốn đi đâu thì đi. Tôi muốn ở đâu tùy ý. Hai giờ đồng hồ của ông sẽ là
hai
ngàn năm của tôi. Tôi tự do. Tôi rộng chân rộng cẳng. Tôi phiêu bồng,
lang thang
khắp chốn. Tôi muốn làm gì thì làm. Tôi muốn đi đâu thì đi. Tôi hét lên
thật
lớn. Ta tự do. Ta hoàn toàn tự do. Ta sẽ hành động. Ta sẽ xử. Ta sẽ
giải quyết.
Ta sẽ khởi đầu và ta cũng sẽ kết thúc.
Cho mà biết...
*****
Tự
nhiên ông ôm bụng kêu đau. Lúc đầu
còn đau hơi hơi, ông ráng chịu được, sau mỗi lúc mỗi đau hơn, chịu hết
nổi, ông
phải buông cái máy điện toán, ông phải rời bỏ cái màn hình, lọm khọm đi
ra cửa
sau gọi bà lão ngoài vườn vào... cứu. Nếu không bị cơn bệnh nó hành thì
ông đâu
có nhớ tới bà. Suốt ngày ông mải theo mê cung những chuyện trên trời
dưới đất,
mặc cho bà lão tự do cũng đang mải mê cùng hoa lá cành nơi thửa vườn
của bà.
Lúc đầu nghe ông gọi bà lão vẫn tỉnh bơ ư hừ, việc ai người ấy làm,
việc ông
ông lo, trò chơi của bà bà theo đuổi, không có kêu réo gì cả. Sau nghe
ông rên
rỉ thảm thiết, lại còn nghe ông xẵng giọng nổi nóng “Đau quá! “, bà lão
chột
dạ, quăng cái cào cỏ, đi vào nhà thì thấy ông chồng yêu quí của mình
nằm lăn
quay nơi cửa sau. Bà hoảng hốt đỡ ông vào giường rồi gọi điện thoại cho
các
con. Anh này được tin mẹ báo xong gọi cho anh khác, chỉ trong một lát,
đàn con
đông đảo của ông bà rải rác khắp nơi đều biết tin Bố bị bịnh phải đưa
đi cấp
cứu. Người đến trước bèn chở bố đi bệnh viện. Ở phòng cấp cứu một lát
thì đàn
con cũng kéo tới đông đủ. Họ thì thầm hỏi nhau. Ông được chích thuốc
giảm đau
cho nên ông nằm yên được và các biện pháp xét nghiệm tiến hành: Đo
nhiệt độ, đo
áp huyết, thử máu, thử nước tiểu, chụp quang tuyến lồng bụng ông... Đến
tối thì
bác sĩ đã có thể kết luận là túi mật của ông có ba cục sạn nó làm cho
mật sưng
lên, phải mổ gấp cắt bỏ nó đi.
Từ xưa nay
ông là kẻ nhát gan, rất sợ
mổ xẻ, nghe nói đến mổ là ông phát khiếp. Nhưng sợ hãi cũng phải chịu,
càng sợ
càng phải chịu. Hồi chiến tranh Việt Nam
ông đã bị mổ bụng lấy ba mảnh đạn ra, bây giờ còn để lại nơi bụng ông
một vết
sẹo to và dài suốt từ trên xuống dưới hình chân rết, trông như bụng ông có gắn cái khóa zipper. Hồi đó ông
cũng đâu có quyền chịu hay chẳng chịu. Ông bị đạn ngoài chiến trường,
người ta
tản thương chở ông về Tổng Y viện Cộng
hòa, bác sĩ khám xét xong đẩy ngay vào phòng giải phẫu, các “tay đao”
chuyên
nghiệp cừ khôi của Quân Y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ra tay. Nhanh.
Gọn. Nhẹ.
Lập tức. Cấp kỳ. Chẳng cần hỏi ý kiến ông,
mà ông cũng có biết gì
nữa đâu mà
phát biểu ý kiến. Khi ông tỉnh ra thì mọi chuyện đã xong xuôi, cuộc
giải phẫu
hoàn thành mỹ mãn, ông thoát chết, may phước chứ còn sợ hãi với chịu
hay chẳng
chịu gì nữa.
Nhân đây,
phải nhiệt liệt vinh
danh các vị Bác sĩ quân y QLVNCH, là
những thầy thuốc được đào tạo trong
cuộc chiến Việt Nam
và đã trưởng thành nghề nghiệp trong cuộc chiến ấy. Nhiều lắm, nhưng
tôi giúp
ông nhắc tới vài vị đã có liên hệ đẹp với ông để ông nhớ làm kỷ niệm.
Ông đốc
Nguyễn đình Văn. Ông đốc Tôn thất Sang. Ông đốc Phạm gia Cổn…Họ trưởng
thành
trong gian nguy, trong máu lửa, mà không có ngành y khoa nào trên thế
giới có
cơ hội như họ. Phải nhìn nhận rằng cuộc chiến Việt Nam
đã làm đui chột đi nhiều giá trị, nhưng cuộc chiến ấy cũng đã rèn luyện
được
những nhân tài và làm giầu thêm những giá trị khác, trong đó có trình
độ y khoa
điều trị ngoại thương. Chiến tranh khốc liệt từng giây, từng phút, từng
giờ,
từng ngày, từng tháng, từng năm…đã tấp nập đem về các trạm xá, các quân
y viện,
lớn, nhỏ, khắp các quân khu, những thương binh đủ loại, cho các quân y
sĩ… thực
tập. Chắc cũng có những oan uổng rủi ro, nhưng những rủi ro oan uổng đó
cũng đã
góp công đào tạo! Này ông, tôi nói như thế, về phần thân xác ông, ông
thấy thế
nào ? Ông có góp phần không ?
Một người
nằm cho một người khác xắn
tay áo, cầm dao, quơ quơ, rồi mổ đánh xoẹt banh bụng mình ra gắp những
mảnh đạn
chiến tranh vứt vào thùng rác, cứu mạng mình, thì ai là kẻ đóng góp.
Vết
sẹo hình con rết to tướng nằm dài
trên bụng ông đã khiến các nhà y khoa trẻ tuổi tài ba của nước Mỹ ngạc
nhiên.
Họ không hiểu được tại sao trước kia lại phải mổ banh bụng to đến thế.
Bởi vì y
khoa ngày nay mà họ được dạy dỗ đã có những tiện nghi máy móc tân kỳ và
những
phương pháp điều trị mới lạ. Bác sĩ không còn cần phải mổ banh bụng
bệnh nhân
ra mới có thể cắt bỏ hay khâu vá những gì trong đó. Bây giờ người ta
chỉ cần
khoét vài ba cái lỗ, nhét vào trong đó những dụng cụ, rồi các bác sĩ
dùng remote
control điều khiển các dụng cụ cắt, hút, bắn phá, khâu vá, hàn gắn…theo
hiện
trường trên màn hình TV. Giải phẫu xong bệnh nhân không có con rết nào
ở bụng,
nhưng có thể có thêm vài ba cái rốn nữa. Ông thì đã có một con rết to
tướng ở
bụng kỷ niêm cuộc chiến đã qua, lần này
ông chỉ thêm rốn cho đủ dấu ấn của các thời đại. Những chàng trai trẻ
râu xồm
tài ba sẽ làm cho ông những cái rốn mới nhưng họ lại rất ngạc nhiên
trước con
rết không cần thiết, vì thế họ gọi nhau đến xem, cũng là nghiên cứu học
tập mà
thôi.
Những
chàng trai trẻ tài ba thay phiên
nhau từng thế hệ làm việc xây dựng nên một cường quốc hàng đầu thế
giới. Họ
sinh ra trong một xã hội có truyền thống tự do vững vàng, họ tự do học
hành, họ
tự do phát biểu, họ tự do hành động, họ tự do sống... cho nên vào cái
thời kỳ
ông cùng với những đồng minh tham chiến chống chủ nghĩa cộng sản tại
chiến
trường Việt Nam, vào cái lúc ông nằm trên bàn mổ ở Tổng Y Viện Cộng Hòa
cho các
bác sĩ quân y mổ bụng, thì ở Nữu Ước
cũng có những chàng trai trẻ biểu lộ sự chống đối cuộc chiến đó bằng
khẩu hiệu
“Make love, not war”. Nằm trong quân y viện đọc báo thấy hình ảnh những
anh
biểu tình, ông bèn mỉm cười gọi họ bằng hai chữ
“Cu Tý” thân ái. Phải rồi ai mà nỡ lòng bắt những
thanh niên đẹp đẽ mà
chúng ta thường trông thấy họ ở các trường đại học, trước các rạp hát,
ngoài
bãi biển... trông họ dễ thương sung sướng thế ấy, đưa họ đến những bãi
lầy,
những cánh rừng rậm, những rẻo núi cao, những bãi cát sa mạc... để họ
đổ mồ hôi
rồi hứng những phát đạn tươm máu... Phải rồi, nhìn những chàng thanh
niên đang
sung sướng ấy, ai mà nỡ lòng dứt họ ra khỏi cuộc tình để đẩy họ vào tầm
sát hại
của thần chết. Họ đòi ‘make love not war’ là đúng. Có phải thế không hả
ông… Lê
Tất Điều? Tội lắm! Ai đang tâm... đòi kẻ khác phải từ bỏ sung sướng lao
vào
chốn khổ ải.
Bây
giờ những chàng trai trẻ chống
chiến tranh ngày ấy có người đã trở thành những nhà lãnh đạo, họ trưởng
thành
hơn, họ chín chắn hơn, nhưng dĩ nhiên họ
cũng vẫn còn phong độ để “yêu” rất chăm
chỉ, họ đắn đo trong quyết định tham chiến ở Đông Timor, thế là các cựu
chiến
binh, nay đã là các bác già nhớ lại chuyện cũ, bèn cầm biểu ngữ ra
đường nhắc
nhở “Bill, make war not love”. Ông cũng lại đang nằm nhà thương cho
người ta mổ
bụng, cầm tờ báo thấy hình chiến hữu già vác biểu ngữ, khoái quá ông
gật gù tìm
thấy kẻ đồng điệu. Ngày xưa trong chiến tranh ông thông cảm với các Cu
Tý, ngày
nay trong hòa bình ông cũng vẫn yêu các Cu Tý. Những
Cu Tý của thời đại.
Nhìn “con rết”
trên bụng ông nhớ lại
hồi đó sao tôi khờ quá, tôi thoát ra khỏi thân xác ông cũng khá lâu,
lần ấy
không chỉ hai giờ đồng hồ mà là gần một ngày ông hôn mê đi, tôi có bằng
ấy thời
gian tự do song chẳng biết làm gì cứ ngu
ngơ quanh quẩn bên giường bệnh với ông để chờ tới lúc đoàn tụ. Khi khôn
ra thì
cơ hội lại rất hiếm và rất ngắn. Thời thế mỗi lúc mỗi khó khăn. Lúc trẻ
cứ bám
lấy nhau chẳng dám xông pha vùng dậy. Bây giờ già khú đế cả lũ mới tỉnh
ra thì
đã muộn. Đừng huênh hoang nói rằng không bao giờ là muộn. Sắp hết thế
kỷ, lại
cũng sắp hết cả thiên niên kỷ, không muộn thì cũng chẳng còn như cũ. Sẽ xảy ra những gì? Ai mà biết được?
Cơ hội đến nhưng tình thế lại đã khác. Không có cái nào giống cái nào.
Không có
cái dại nào giống cái dại nào. Ở đó mà nói mạnh “không muộn”. Nghĩ lại
hồi đó
mà tôi biết thừa cơ lâu dài bay tuốt lên thiên cung, không chừng bây
giờ đã có
cơ ngơi trên ấy. Hồi đó mà tôi dám bỏ ông tôi đi thì nay tôi không bị
mắc mứu
cuộc đời trần tục thê thảm này với ông...
Trước
khi người ta mổ cho ông người ta
cũng phải xin phép hãng bảo hiểm sức khoẻ xem có bằng lòng trả tiền
không đã
rồi mới làm, không rồi ai chịu đài thọ đây. Trong khi chờ quyết định
của hãng
bảo hiểm, ông ráng chịu đau, ở xứ sở này nó là như vậy. Cái gì cũng
phải tính
thành tiền, và phải có người, có nơi, chịu trách nhiệm trả.
Khi
ông sang tị nạn tại Hoa kỳ thì các
con ông cũng đã phải ký nhận đủ thứ trách nhiệm về ông kể cả đóng tiền
làm hồ
sơ và mua vé máy bay chở ông đi. Sự thể đâu có giản dị như
ông tưởng tượng khi nằm trong nhà tù cộng
sản. Hồi đó ông chỉ hiểu rất ngây ngô về chủ nghĩa thực dụng, tôi có
lưu ý mà
ông không nghe. Bây giờ ông mới vỡ lẽ ra rằng... chủ nghĩa thực dụng
là... cụ
thể. Củ khoai là củ khoai. Ông sang đây chẳng có cái “minh ước” nào
giúp đỡ ông
lúc đầu cũng như lúc cuối. Các con ông chúng phải lo cho Bố thay vì
đáng lẽ Bố
phải lo cho con.
Khi
bệnh viện được phép của hãng bảo
hiểm, cô y tá đẩy chiếc bàn nằm vào phòng, cô kiểm soát lại tên tuổi
ông theo
hồ sơ bệnh lý, xong cột vào cổ tay ông
một cái vòng có bấm mã số của ông, ông lão nghĩ cái
vòng này để... nhà
xác đối chiếu với hồ sơ khi tẩm liệm và di chuyển ở nhà quàn để khỏi
lầm lẫn
với những xác chết khác.
Cô
cởi hết áo quần cho ông rồi
quàng vào người ông một chiếc áo choàng nhà thương. Tháo nhẫn, đồng hồ
của ông
trao cho cô con gái giữ. Ông lão mủi lòng thấy là giờ... biệt ly đã
tới. Con
gái cưng đi theo xe Bố ra hành lang, vào thang máy, lên lầu 3, nơi có
phòng mổ.
Cô cầm tay Bố nói:
- Không sao đâu. Bố đừng...sợ!
Ông lão nghẹn ngào:
- Má đâu?
- Sắp tới.
Lúc đó tôi chưa ra khỏi ông. Tôi thấy
ông làm phiền cuộc đời quá. Cái thân xác ông làm phiền cuộc đời quá.
Ông phải ăn.
Ông phải uống. Ông phải mặc. Lại còn muốn ăn ngon mặc đẹp. Với bao
nhiêu nhu
cầu tiện nghi phục vụ cho cuộc sống. Nào bảo hiểm sức khỏe, nào lỗ đất
chôn.
Rồi lại đau lại ốm, phải cấp cứu thuốc thang, bao nhiêu giấy tờ thủ tục
phép
tắc tốn kém tiền bạc... trăm dâu đổ đầu tằm...
Tôi
nè, tôi nhẹ tênh, tôi chẳng làm
phiền ai, tôi chẳng gây tốn kém gì. Tôi thênh thang trên... vạn nẻo
đường đời
!
*****
Trên
lối đi dích dắc qua các hành
lang rồi chui vào thang máy lên phòng mổ lầu 3, ông hỏi con gái ông “Má
đâu?”,
xong ông lại hỏi “Con bé đâu ?” Làm như giờ phút lâm chung, trước khi
qua bên
kia thế giới, ông chỉ nhớ tới có hai người đó để trối trăn, còn bao
nhiêu người
khác, các con trai con gái ông, các bà bạn gái của ông, và tôi nữa, tôi
nè,
chẳng thấy ông hỏi han ngó ngàng gì tới.
Ông
chỉ gọi tên vợ, tên con, tên cháu
ông... lúc ông sợ chết. Ông là kẻ bạc tình. Qua cơn đau ốm, đến hồi
khoẻ mạnh,
ông sẽ lại chạy theo tiếng gọi của những người tình. Có thể không ai
biết.
Nhưng tôi biết. Ông giấu diếm được người đời nhưng ông không che mắt
tôi được.
Tôi không che khuất núi non và núi non
cũng không che mắt được tôi.
Tôi
nhắc cho ông nhớ rằng tôi là một
nửa của chúng ta, ông đừng quên rằng cái nửa tôi vô hình mới là chính,
làm nên
tất cả; cái nửa vật chất hiện hữu của ông chẳng qua chỉ là để đứng ra
làm “bảng
hiệu, bằng khoán”, là căn cứ cho tôi xuất chinh. Ông phải nhớ ra rằng
có tôi
trong ông chứ, giờ phút sắp “vượt biên” mà ông lại quên tôi, ông chỉ
hỏi tới bà
lão của ông, ông chỉ hỏi tới con bé cháu nội của ông. Là ông bạc. Tôi mà đi luôn là ông “tắt bếp”.
Ngày
hôm qua khi ông còn nằm chờ xét
nghiệm, con bé nó vào thăm ông, từ trên tay bố nó xà xuống với ông thân
thiết
như là hai người bạn thâm giao. Mỗi tối thứ sáu hàng tuần nó được ngủ
lại với
nội để sáng thứ bảy nội cho nó đến nhà thờ. Con bé thấy người ta làm gì
nó bắt
chước làm theo, giáo dân chắp tay nó cũng chắp tay, người ta cúi đầu nó
cũng
cúi đầu. Khi ông nội bế cháu lên rước lễ, vị linh mục đặt miếng bánh
vào lưỡi
ông cho ông nuốt và làm phép dấu thánh giá trên trán nó, con trẻ thấy
ông nội
được ăn mà nó thì không bèn ngạc nhiên lắm. Nó nhìn miệng ông nội nhai
nhóp
nhép, đưa tay cậy miệng ông đòi móc bánh ra. Nội phải nuốt chửng kẻo sợ
cháu
móc mất. Nội bấm miệng thật chặt, cháu cố sức moi ra. Cuộc giành giật
diễn ra
trong yên ổn từ trên bàn thờ xuống tới cuối nhà thờ. Ông được ăn. Tất
cả mọi
người đều được ăn. Cháu thì không. Con bé ngơ ngác. Bà nội phê phán:
-
Hai ông cháu làm toàn những sự
không phải. Thiếu nghiêm trang.
Về
tới nhà ông mới cãi:
-
Ông cũng đúng mà cháu cũng
đúng. Mỗi người đều mỗi đúng theo cách của mình.
Đến
lúc ngồi ăn sáng ở tiệm phở
trên đường Bolsa, nhìn ông xúc phở cho con bé ăn, bà nội lại nói:
-
Ông cháu đi nhà thờ mà như đi
chơi, rước lễ mà như ăn bánh, theo đạo
mà như theo đời. Thiếu nghiêm chỉnh.
Ông nội nói với con bé:
-
Ông cháu mình là chính thống.
Bà chỉ là nghi lễ. Chúng ta cứ phải chính thống một cách tự nhiên.
Con
bé thấy ông bà nói nó cũng é lên
góp chuyện. Bà để ngón tay trên miệng suỵt khẽ:
-
Không được ồn ào trong tiệm ăn.
Ông phải dạy cháu như thế.
Ông
lại cãi:
-
Để cho con trẻ sống tự
nhiên.
Bà
nói:
-
No.
Con
bé lè từ miệng ra tay sợi bánh phở
đưa cho ông, ông há miệng nhận, bà lắc
đầu:
-
Khiếp. Bẩn.
Ông
cãi:
-
Cho con bé nó thích.
Bà
phê:
-
Chiều quá nó sẽ hư.
Ông
phán :
-
Cháu nếu hư tại bà.
Ngưng.
Rồi tiếp:
-
Nhưng con bé đâu có hư. Nó rất
ngoan. Cháu ngoan cũng tại bà.
Lát
sau:
-
Chẳng qua là nó tự nhiên. Con trẻ tự
nhiên là tốt, cứ để cho nó phát triển tự nhiên, bà đừng can thiệp nhiều
quá.
Bà nói:
-
Trăm dâu đổ đầu tầm, hư cũng tại bà,
ngoan cũng tại bà.
Ông
gật đầu:
- Có
nghĩa là mẹ và bà có ảnh hưởng
hơn hết tới con cháu. Vì thế bà và mẹ phải luôn gương mẫu.
-
Biết rồi. Ai cần dạy.
-
Không nhắc sẽ quên.
Lúc
y tá chuyển ông lên phòng mổ không
có bà mà cũng chẳng có cháu. Cả hai đều phải về nhà ngủ, khi tới nơi
thì ông đã
mê đi không còn biết gì nữa. Chỉ còn có tôi bay lượn thấy hai bà cháu
ngồi chờ
ở phòng đợi bên ngoài cùng với cả gia đình. Con bé nhảy choi choi trên
lòng bà,
bà thẩy nó sang cho bố nó:
-
Ông nội chiều nó quen rồi, phá phách
quá bà chịu gì nổi. Ông làm khổ rồi đến cháu cũng lại làm khổ.
Khi
con bé ôm cổ bà hôn thì bà
lại khen:
- Nó
giống ông nội. Cầu xin cho ông
nội được chóng lành bệnh.
Ông
nằm một đống bình an vô sự trong
khi tất cả nhà, vợ con và cháu ông nữa bỏ hết công việc làm ăn sinh
sống để đến
đây ngồi lo âu, chờ đợi. Họ chẳng nhìn thấy tôi, họ chẳng biết tới tôi,
vợ con
và cháu ông chẳng ai biết rằng tôi nè, tôi mới chính là thực chứ không
phải cái
thân xác xấu xí nằm thoi thóp bất lực trong phòng mổ mà họ ra công ra
sức lo âu
cúc cung tận tụy phụng dưỡng. Cái thân xác xấu xí hiện diện trước cuộc
đời đã
chẳng làm nên sự nghiệp gì cho bản thân và gia đình, lại còn là một
trong những
kẻ bại trận lưu vong, để lại nơi quê hương xứ sở thảm cảnh cho những
người đã
trót cậy trông vào chế độ. Kẻ chiến bại bây giờ nằm đây, nằm một...
đống ở đây,
cho bao nhiêu người ngoài kia liên lụy. Nếu như chẳng may ông không qua
khỏi
con trăng này, thì cũng lại chính ông được ma chay lễ nghi an táng, với
những
cáo phó phân ưu chia buồn cảm tạ, hoa, đèn, phúng điếu...“Vô cùng xúc
động !”
Người ta làm những cái đó cho ông chứ không phải cho tôi. Nhưng rồi sau
rốt
thân xác ấy cũng nằm sâu trong lòng đất trong khi tôi sẽ bay bổng.
Chẳng ai
biết tôi nhưng chẳng lẽ tôi lại cũng chẳng biết ai. Không, tôi phải
biết chứ.
Tôi phải biết ông là ai và tôi là ai chứ.
Đành
rằng làm thân xác thì có ăn có
chịu. Xuất hiện để lãnh vinh quang cũng như nhận nhục nhằn, trong khi
kẻ nép
mình trong hư không chẳng phải chịu một hình phạt cũng như khen thưởng
nào cả.
Núp trong hậu trường có cái thân phận của kẻ vắng mặt. Ánh đèn mầu chỉ
chiếu ở
nơi sân khấu. Khán giả cũng chỉ xem thấy những gì ở sân khấu. Thế cho
nên người
ta phúng điếu ông là chuyện thường tình ở huyện. Và chẳng ai nói gì đến
tôi
cũng là chuyện thường tình ở xã. Nhưng tôi vẫn cứ không yên lòng khi
thấy vợ,
con, cháu chắt ông chỉ chăm lo cho cái thân xác xấu xí của ông mà chẳng
đoái
hoài gì tới tôi lơ lửng quanh đây. Ai thích bị bỏ rơi. Ai chẳng thích
được
hưởng mà không phải chịu trách nhiệm. Ai chẳng khoái “bất chiến tự
nhiên thành”.
Ai chẳng muốn “chỉ trỏ” là công đầu. Tôi “đánh giặc” ông nhận huy
chương. Tôi
“lãnh đạo” ông nhận thù lao. Chẳng qua là vì ông “mặt nổi”, tôi “chìm”
cho nên
sự thể nó mới ra như thế. Chẳng qua là cờ không tới tay. Nhưng “được
tiếng” để
làm gì cơ chứ .
Giờ
đây ông nằm một...đống. Còn tôi
thênh thang. Và không biết sẽ còn những gì nữa xẩy ra. Khi mà người bác
sĩ giải
phẫu vào phòng bắt đầu công việc của ông ta.
*****
Ông
dẫn bà lão đi thăm người cháu bịnh
ung thư gan. Anh ta mới hơn bốn mươi tuổi đời mà đã gặp nạn. Khi khám
phá ra
trong cơ thể có nan y thì y khoa đã bất lực. Sau ba lần giải phẫu thầy
thuốc lắc
đầu, bảo hiểm y tế không chịu trả chi phí thêm nữa, bệnh viện đưa về
nằm chờ
tại gia, anh ta thiêm thiếp hôn mê, thân xác gầy gò da bọc xương, hơi
thở thoi
thóp, mắt nhắm lại đôi khi mở ra thì chỉ lờ đờ. Cô chú ghé lại gần gọi
tên
cháu, mắt cháu hé mở và chợt từ trong âm u nghe tiếng cháu thều thào
hai tiếng
“Thưa cô !” Bà cô bật khóc. Ông chú nghĩ ngay tới một lúc nào đó mình
cũng sẽ
như thế. Sẽ kiệt sức và tuyệt vọng đi
dần tới chỗ giã từ. Nhưng liệu mình có
thanh thản ra đi như thế được không ? Liệu có sẵn sàng chấp nhận sự
chấm dứt
bình thản ?
“Lá vàng
còn ở trên cây, lá xanh rụng
xuống trời ơi là trời...” Lá xanh bay theo gió còn cái lá vàng là ông
vẫn bám
được vào cành cây... Mấy hôm sau tới nhà xác thăm cháu, thấy anh ta
được đặt
nằm trên cái giường đẩy, quần áo chỉnh tề, tóc tai cắt tỉa chải rẽ gọn
gàng,
hai tay chắp trên bụng lần chuỗi tràng hạt của bố cho, khuôn mặt thản
nhiên yên
nghỉ, ông chú lại nghĩ liệu mình tới phiên có “tỉnh táo” được như thế
không.
Căn phòng để xác cháu mát lạnh, ánh đèn
vàng dịu, bức tranh trang trí trên tường vẽ cây cối hoa lá và mấy con
chim vành
khuyên bay nhảy... tạo cho ông chú một cảm giác êm ái bình an. Bà cô
thì lại
khóc, ông lão vỗ về nhè nhẹ vai bà, có lẽ bà chẳng thể quên được cái
giây phút
đứa cháu, mà bà đã coi sóc hồi nhỏ, trước khi bước sang thế giới bên
kia lại
còn nói được với bà lời cuối: “Thưa cô”.
*****
Cô y tá
mang bao tay nylon trong và
mỏng vào tay cho ông bác sỉ, một cô khác mang khẩu trang cho ông. Mọi
sự diễn
ra thuần thục và nhanh chóng. Xong, mọi người bước tới đứng bao quanh
chiếc bàn
mổ. Bệnh nhân nằm đó. Ông nằm đó. Vẫn một đống. Tô hô. Bất động. Tôi
vẫn đánh
đu trên chùm đèn nhìn xuống. Hình như tôi hồi hộp. Lạ thế. Đáng lẽ kẻ
hồi hộp
là ông. Tôi ăn nhập gì mà phải lo lắng nhỉ. Sinh mạng của ông đang đặt
trên bàn
mổ mà ông tỉnh bơ.
Người
ta sắp bắt đầu một cuộc mổ xẻ
thân xác ông, họ chẳng thể đụng tới tôi, vậy mà tôi run rẩy, còn ông
coi như
...pha. Nếu có mệnh hệ nào thì người ta đem ông đi chôn, còn tôi, tôi
sẽ bay
bổng, thế thì việc gì mà tôi phải sợ. Hay là giữa chúng ta còn có cái
gì liên
hệ ràng buộc. Phải chăng chúng ta còn có tình có nghĩa với nhau ? Hơn
thế nữa
chúng ta không phải hai mà chỉ là một ? Nếu thế thì tại sao kẻ mê người
tỉnh ?
Ông
bác sĩ quan sát khắp lượt, những
chuyên viên và những máy móc dụng cụ, ông nhìn kiểm soát và những người
trong
phòng mổ cũng nhìn lại ông để trả lời, tất cả những cái nhìn qua lại
đều rất
quen thuộc, nghề nghiệp. Chỉ bằng những cái nhìn đó phòng giải phẫu đã
được
thẩm định.
Rồi
ông bác sĩ nhìn những tín hiệu
trên các máy theo dõi áp huyết, nhịp tim, nhịp thở, trong khi một
chuyên viên
làm sạch vùng bụng ông bằng cái bình xịt và khăn lau giống như người ta
xịt và
lau tấm gương trong phòng tắm. Da bụng ông đã sạch và đã sát trùng. Ở
cái vùng
bụng này, xưa kia các bà ấy đã gối đầu lên mà hít hà. Ông bác sĩ cầm
lấy cổ tay
ông nghe mạch, xong bóp bóp xoa xoa vùng bụng bệnh nhân, tất cả những
cử động
ấy diễn ra bài bản thói quen. Và giờ phán xét đã điểm. Tôi thương ông
quá. Khi
ông bác sĩ cầm lấy con dao mỏng nhọn và bén rạch hình chữ thập sát bên
lỗ rốn
ông thì tôi suýt bật khóc, tay ông ta thoăn thoắt lưỡi dao, rạch rạch
nhiều
lần, mở sâu thêm cái lỗ xuyên qua lớp da mỡ và thịt bụng ông, ôi máu
ông chảy
ra...Y tá lau lớp máu trong cơ thể ông tươm nơi bụng, họ dùng khăn thấm
chậm
chậm nhè nhẹ, vết mổ cầm máu. Tôi “nín thở”. Ngày xưa máu nơi này cũng
đã đổ ra
vì sự nghiệp tham chiến chống cộng sản, nhưng nay thì ông không nhân
danh một
cái gì cả cho những giọt máu đào này. Lần trước ông đổ máu để gắp những
mảnh
đạn trong bụng cho khỏi chết. Lần này ông đổ máu cũng để khỏi chết
nhưng không
bởi kẻ thù mà là vì chính cái cơ thể ông sinh chuyện. Không mổ cắt cái
mật sưng
vất đi thì ông cũng sẽ chết. Có cái chết tử đạo thì cũng có những cái
chết tử
nạn. Lần trước ông đổ máu vì chính nghĩa sao tôi không biết nghĩ ngợi,
lần này
nhìn máu ông tươm ra tôi lại hồi hộp lo âu. Người ta đối xử với nhau
thân thiết
hay hận thù đâu có phải chỉ vì chủ nghĩa mà có khi bởi giằng co dây mơ
rễ mái
tình cảm thầm kín nào đó.
Ông
bác sĩ đưa một vật gì đó như một
cái que xuyên qua cái lỗ mới khoét cạnh
rốn, bác sĩ ấn sâu vào, ông ta vặn qua quẹo lại “cái que” rồi bấm nút,
lập tức
trên màn ảnh TV hiện ra những bộ phận trong bụng ông. Ruột, gan, phèo,
phổi,
tim, mật... và đủ thứ
bạc nhạc, bầy nhầy. Ông bác sĩ lùng sục tìm
tòi cái mà ông đã thấy trên phim X ray, cái mà ông ta sẽ cắt bỏ. Nhìn
rõ ruột
gan ông phơi trên màn hình tôi kinh hoàng bỏ chạy. Tôi không thể tiếp
tục đánh
đu trên cái đèn chùm để phải nhìn mãi vào cơ thể ông. Tôi không muốn
phải nhìn
cái cảnh tượng mà tôi không thể chịu được là người ta có thể soi rọi
vào tận
ngõ ngách ruột gan cơ thể ông, mày mò tìm kiếm, rồi cắt xẻo những gì
trong đó.
Giờ phút này tôi thương ông quá. Nhìn thấy máu ông đổ ra rồi lại nhìn
thấy ruột
gan ông phơi ra tôi không chịu nổi. Tôi và ông là hai cái khác nhau
nhưng sao
lúc này tôi thấy... tôi khổ như ông, như tôi là ông vậy. Kỳ quá từ hồi
nào tới
giờ tôi vẫn coi ông là “hàng xóm” mà bây giờ tôi lại chẳng thể bàng
quan.
Ông
nằm đó, chưa biết sẽ ra sao, bà
lão nhà ông ngồi đợi ngoài kia cùng với con bé cháu nội, bà có vẻ bồn
chồn cũng
như ông cũng đã bồn chồn khi họ bắt đầu chuyển ông tới phòng mổ, nhưng
giờ này
thì ông chẳng còn một tí gì ý thức cho nên ông nằm yên. Khi người ta vô
hồn thì
người ta vô tư, ông đang vô hồn nên ông vô tư. Tôi là hồn nhưng chẳng
thể vô tư thờ ơ với ông trước cái giờ phút
có thể có
nhiều bất trắc này. Vĩnh biệt chứ chẳng phải tạm biệt. Ly tán có thể
xảy ra nếu
như hai ta chẳng xáp lại một. Tan nát như ...chơi, chẳng bỡn. Tôi bỏ
chạy…
*****
Chớp
mắt một cái là đã gặp lại anh ba
của ông, dĩ nhiên cũng là anh ba của tôi. Phiền
phức thế, của ông của tôi chi cho rắc rối, cũng tại
bày đặt chia cách
đôi nơi đôi ngả. Tuần trước ông ...và tôi đã gặp chị ba, chị em ăn một
bữa cơm
với nhau ở Saigon. Khi ăn chị nói:
-Mười
bảy năm nay chị mới lại ăn một
bữa cơm ngon và lại được ngồi ăn với chú. Cứ tưởng chị em chẳng bao giờ
được
gặp lại nhau. Ai ngờ. Chú được về anh mừng lắm, nhưng anh bây giờ già
yếu quá
rồi, không thể lên Saigon thăm em được.
Một tuần
lễ sau chưa kịp lên rẫy thăm
anh thì nghe tin chị đột ngột qua đời, vội đánh đu chiếc xe đò chạy
bằng than
lên nhà anh. Xác bà chị còn đặt nằm trên giường chưa liệm, anh ba ngồi
trên
chiếc ghế gỗ bên xác chị, tay anh cầm chiết quạt nan phẩy phẩy đuổi
những con
ruồi bay xà quần muốn bu vào mặt mũi chị, thấy em trai lên tơí, ông vất
cái
quạt xuống giừơng nhào ra cửa ôm chầm lấy em khóc nức nở. Anh ba ôm
cứng lấy
người em, rất lâu không chịu buông ra,
miệng ông mếu máo :”Em tôi, em tôi còn sống về đây !” Hồi sau mấy đứa
cháu gái
đứng bao quanh cùng với những đứa bé con của chúng phải can thiệp:
-Thầy
buông chú ra chứ cứ ôm chặt cứng
thế làm sao chú chịu được.
Nhưng
khi ông buông người em ra
thì đến phiên mấy mẹ con chúng nó nhào vào ôm lấy chú:
- Mẹ
cháu chết rồi chú ơi...
Ông...và
tôi lúc đó mới nhìn đến xác
bà chị nằm trên giường. Những con ruồi xanh bay quần quần vo ve rồi đáp
xuống
bu trên mặt chị. Ông vội vàng chụp lấy
cái quạt nan của anh ba quạt lia lịa xua đuổi những con bọ bay đó. Anh
ba lại
ôm ông em và lại khóc. Mấy đứa cháu gái nói:
-Ba cháu
không khóc mẹ cháu chết mà
khóc chú ở tù về. Từ đêm qua tới giờ ba cháu không hề khóc, chỉ ngồi
đuổi ruồi
và nói “Thế là bà đã đi trước tôi!”
Mười bảy
năm anh em xa cách, nay gặp
lại chỉ kịp ăn với chị bữa cơm ngon rồi dự đám tang chị cho anh ba vừa
khóc mừng
em cùng với nỗi đau góa vợ. Ông trùm xứ đạo với mấy người trong xóm
đuổi anh em
ông ra đứng ngoài sân để cho họ tẩm
liệm. Đứa con gái lớn lục trong cái bị quần áo của mẹ lôi ra được một
bộ quần
áo mới đưa cho họ mặc cho mẹ. Nó nói bộ quần áo này mẹ nó may từ lâu
lắm rồi
nhưng chưa mặc bao giờ. Suốt đời bà chỉ mặc quần áo rách vá đụp. Chỉ
đến khi
chết mới mặc quần áo mới để đem đi chôn. Đứng ngoài sân mấy đứa cháu
gái gọi
chồng con chúng đến chào chú và ông trẻ. Khi ông…và tôi đi tù thì chúng
còn
nhỏ, nay ngày trở về cả 3 đứa đều đã có chồng con. Bốn bố con dành nhau
thương
ông mặc cho mấy đứa anh trai và hàng xóm lo việc hậu sự trong nhà. Anh
ba sờ
đầu sờ tóc ông em, mấy đứa cháu gái cầm tay chú lên ngửi. Đầu tóc và
cái thân
hình tàn tạ của ông đã vừa trải qua mười bảy năm giãi dầu đầy ải trong
các trại
tù nơi rừng thiêng nước độc, hai bàn tay ông đã phải cuốc đất đào
mương, đã bốc
cứt trâu cứt bò cứt người cứt heo trải trên các luống cây rau cây đậu…
Cũng như những bàn tay của anh ba ông, của
những đứa
cháu gái ông vừa mới sờ mó vào xác chết trong nhà... Những bàn tay ruột
thịt,
những con người ruột thịt, đã trải qua một cơn biến động nghiệt ngã dài
ngày
của đời người trong chớp mắt của lịch sử, nay gặp lại nhau trước sân
nhà, dưới
tàng cây vú sữa, chuyên trò hỏi han, ôm ấp vỗ về, trước một đám tang
một người
cũng ruột thịt !
Mộ
phần chị ba nằm ở bìa rừng, nơi đây
bắt đầu hình thành một cái nghĩa trang cho những người dân “khu kinh tế
mới”.
Lúc hạ huyệt ông đứng cạnh anh ba nhìn đàn cháu, nhìn dân chòm xóm,
nhìn về khu
nhà ở, thấy nó giống in như một “trại tập trung cải tạo”.
*****
Tôi sực nhớ đã đi quá
xa bèn quay ngoắt
trở về phòng mổ, lúc này ông bác sĩ đã mở thêm một lỗ nữa nơi bụng ông
để nhét
vào đó một cái que khều, cái que cũng hiện ra trên màn hình, bác sĩ
điều khiển
cái que bới móc lật qua lật lại tìm tòi giữa đám ruột gan phèo phổi bạc
nhạc
trong bụng ông. Thỉnh thoảng ông ta lại ngừng xáo trộn để chỉ dẫn giảng
giải
cho mấy người sinh viên y khoa đứng bao quanh thực tập. Này ông ạ, ông
có giá
trị cao hơn những con chuột thí nghiệm và những tử thi y khoa trong
công cuộc
truyền giảng kiến thức đào tào, tuy nhiên ông lúc này cũng có cùng một
sứ mệnh
trợ huấn cụ như những thứ đó. Tôi vui
rồi vì trong cơn xẹt ngang quay về với ông tôi đã thấy ra một điều đau
ốm cũng
không phải là vô ích mà có khi khoẻ mạnh mới chính là vô dụng! Thậm chí có những trường hợp chết đi rồi mới
nên sự nghiệp, lúc sống lại chỉ báo hại cuộc đời !
*****
Một
tuần sau con trai lớn ông từ bên
Mỹ về thăm bố, ông... và tôi dẫn anh ta lên khu kinh tế mới thăm bác ba
trai và
viếng mộ bác ba gái. Có bà chị gái ông từ Nam
Định vào thăm cũng đi cùng. Đứng trước ngôi mộ mới, bác ba lại nói “Thế
là bà
đã đi trước tôi.” còn bà chị gái Nam Định thì đọc kinh cầu hồn và sau
đó chị
hát vang lên bài hát lễ mồ của các nhà thờ Thiên Chúa giáo. Bác ba vẫn
nói lảm
nhảm, ông và anh con trai từ Mỹ về thì đứng yên nghe, anh ta không
thuộc kinh
không thuộc hát đã đành, còn ông, ông cũng không đọc không hát theo
được, gần
hai mươi năm đi tù khổ sai tẩy não ông đã quên hết những kinh sách đó
rồi sao.
Buổi thăm mộ đọc kinh cầu hồn nơi bìa rừng của bốn người anh em và cháu
diễn ra
trong nắng ấm ban trưa và gió mát dưới những tàng cây óng ả. Anh con
trai ở Mỹ
về thắc mắc:
-
Tại sao bác ba không về Saigon
ở với anh con trai bác mà lại chịu ở nơi rừng thiêng nước độc này ?
-
Con trai bác ở Saigon,
nhưng hai bác đem con gái đi định cư ở khu kinh tế mới nên phải ở lại
đây vì hộ
khẩu ở đây.
- Bác gái
mất rồi. Bác trai thì đã già
yếu, nên đưa bác về ở với anh con trai cho có người trông coi bác. Ở
đây chắc
không có Nursing home ? Bố mẹ già yếu ở với con cả là tốt nhất. Đâu cần
gì cái
gọi là “hộ khẩu”.
Thế là bác
ba được về ở Saigon.
Anh em có dịp gặp nhau thường xuyên, nhưng chỉ mấy tháng sau, trước khi
người
em xuất cảnh sang Mỹ đoàn tụ với vợ con thì anh ba cũng đột ngột qua
đời vì
bịnh tim. Sáng hôm đó ông em mua một gói bánh đi xích lô xuống nhà anh,
vừa tới
cửa thì người cháu dâu ở trong nhà chạy
túa ra ôm lấy chú:
-
Thầy cháu...chết rồi chú ơi !
Ông
chẳng hiểu được tại sao sự thể
lại như thế. Gia đình người cháu nói sáng thức dậy thầy cháu bị cơn
xuyễn nghẹt
không thở được, chạy đi kêu y tá trong xóm tới thì thầy cháu hết thở !
Nhìn xác
anh nằm trên giường người em nghĩ sống thì khó mà chết sao dễ quá vậy.
Gói bánh
ngọt mua cho anh vẫn cầm trên tay.
...Tôi
lại phải biến vội về phòng mổ
xem ông ra sao. Tôi vừa nghe ông nói sống khó mà chết dễ nên tôi cũng
sợ! Tại
sao lại không là sống dễ chết khó cho đỡ khổ cuộc đời !
*****
Bây
giờ thì họ đã tìm ra cái túi mật
sưng tấy lên trong bụng ông. Người bác sĩ đang chỉ cho các sinh viên y
khoa xem
mục tiêu, cái mà ông ta nói là nguyên nhân của sự đau đớn nơi bệnh nhân
những
ngày vừa qua. Ông nói bây giờ chỉ việc dùng cái dụng cụ cắt và hút nó
ra ngoài
là xong. Dễ ợt. Xem đi. Xem xét cho kỹ để mà nhớ, nếu cần hãy lật qua
lật lại,
lật lên lật xuống mà xem cho chán, tất cả các anh các chị hãy nhìn tỏ
tường cho
thật rõ bài học này, nhưng cũng phải cẩn thận nhé, đừng làm mạnh quá nó
vỡ ra,
nước mật chảy tràn ra buồng bụng thì bệnh nhân cũng vẫn có thể chết
được mặc dù
bệnh này là bệnh không chết, một loại giải phẫu dễ ợt, như người ta
thiến gà
thiến heo.
Ông
bác sĩ nghỉ tay để cho các thực
tập viên dùng các dụng cụ xuyên qua lớp bọc bụng ông mà lật qua lật
lại... xem
cho tỏ tường. Bây giờ thì có tới 4 thứ dụng cụ xuyên vào bụng ông kể cả
cái đầu
từ camera truyền hình lên màn ảnh TV. Nghĩa là ông sẽ có thêm 4 cái lỗ,
tổng
cộng là năm rốn trên bụng ông sau này. Ông vẫn ngoan ngoãn nằm yên cho
đám sinh
viên y khoa cào bới. Ông bác sĩ nói chuyện với các phụ tá của ông nhưng
thỉnh
thoảng ông cũng ngó lên màn hình và để ý xem chừng đám học trò nghịch
mgợm...
Nghĩ
cũng tội nghiệp cho ông, một đời
gian nan vất vả, bây giờ hết thời, cái thân già nằm đó, làm nhiệm vụ
giúp ích
cho đời bằng cách nằm phơi ra đó cho đám trai trẻ mầy mò tìm tòi học
hỏi. Đóng
góp cuối đời, cống hiến cuối đời, “xả thân” cuối đời...
Để
cho học trò xem xét chán chê rồi
ông bác sĩ bắt tay vào công việc, ông cầm các dụng cụ điều khiển, mắt
nhìn vào
màn hình, làm đến đâu ông dẫn giải đến đó, hình ảnh chiếu rõ ràng cái
túi mật
bị cắt ra rồi chui tọt vào cái ống ra khỏi bụng ông. Sự việc chỉ diễn
ra trong
chốc lát, nhanh như thoáng qua vậy. Ông bác sĩ bươi những tảng bạc
nhạc, thấy
lá gan có chỗ hơi khác lạ ông bèn nhìn kỹ và rồi ông cắt một mẩu nhỏ
chỗ nghi
ngờ đó hút nó ra ngoài. Người y tá đón lấy mẩu gan vừa cắt, cô gắp mẩu
gan đó
bỏ vào ống nghiệm dán giấy ghi mã số rồi cất vào tủ lạnh. Ông bác sĩ
còn nhân
tiện cắt bỏ bớt một số bày nhày “rác rưởi” trong lồng bụng ông tống nó
ra ngoài
luôn. Ông giải thích với các sinh viên y khoa rằng đó là các việc làm
thêm
không tính... tiền vì đằng nào cũng một công banh bụng người ta ra mà
xem xét
mổ xẻ... Không ai bắt làm cũng như không
có trong chương trình cuộc phẫu thuật, chỉ là làm thêm, chỉ là bonus,
chỉ là
mua hai tặng một, quảng cáo, free. Ông bác sĩ còn nói là ông giúp cho
bệnh nhân
loại trừ bớt những mô mỡ thừa thãi trong bụng cho thân hình thon gọn
hơn một
chút. Ông bác sĩ còn nói rằng thấy việc thì làm, chẳng ai khiến, có khi
còn
bị người ta “ăn vạ” nhưng ông không lo
vì ông tự tin ở việc mình làm. Ông cũng khuyên các thầy thuốc trẻ tương lai đứng xúm quanh đừng nên bắt
chước ông ta, làm ơn có khi mắc oán...
Tôi
đánh đu trên chùm đèn nhìn việc
làm của ông bác sĩ và tôi yêu ông ta liền. Sẵn dịp giải phẫu túi mật
lại cắt tí
gan nghi ngờ để xét nghiệm và “hốt rác” luôn trong cơ thể giúp cho bệnh
nhân
khỏi bị trải qua những lần mổ xẻ sau đó, không phải nói dại chứ nếu có
vì thế
mà bịnh tình ông biến chứng thì cũng chớ có la làng ăn vạ cái lòng tốt
thiện
chí của người ta. Ông còn lạ gì nữa cái cơ thể ông trải qua bao năm ăn
uống tầm
bậy thiếu vệ sinh: cóc nhái rắn rết sống sít, khoai sắn không bóc vỏ,
rau rừng
chưa luộc chín, uống nước vũng chân trâu... thì cái gan ông nó còn tốt
sao
đặng, cái bụng ông biến thành thùng rác là cái chắc, ông bác sĩ xa lạ giúp cho, dọn dẹp bớt cho, thì tốt chứ
còn gì thắc mắc đắn đo.
Bây giờ ở
nước Mỹ, vợ con ông lo cho
ông ăn toàn thứ thực phẩm đúng tiêu chuẩn kiểm nhận của Bộ y tế, nhưng
chẳng
may những thứ tốt lành đó rồi cũng chui vào ở chung trong cái thùng rác
lưu cữu
bao năm không biết nó có bị lây lan lẫn lộn với rác rưởi trong đó
không. Xưa
ông hút thuốc lào thuốc lá liên miên suốt ngày, có khi không thuốc còn
hút lá
sắn khô thay thuốc, bây giờ cái phổi đó cai thuốc lá vì sợ bị ung thư,
hy vọng
may ra ông thoát nạn.
Cuộc
giải phẫu nhanh chóng xong xuôi,
cũng chỉ nhấp nháy ông bác sĩ rút các dụng cụ phẫu thuật ra khỏi bụng
bệnh nhân
rồi bấm chỉ khâu mấy cái lỗ lủng lại. Người ta đắp chăn cho ông để nằm
một mình
đó. Ông bác sĩ tháo bao tay, cởi khẩu trang đi ra phòng đợi. Ông nói
mấy lời
báo tin cho thân nhân biết cuộc giải phẫu đã xong và rất tốt đẹp. Mười
lăm phút
nữa y tá sẽ đưa bệnh nhân ra phòng hồi
sinh và nửa giờ sau bệnh nhân sẽ tỉnh lại, tối đó hoặc ngày mai có thể
về nhà
được. Bà lão mừng rỡ, các con ông mừng rỡ cám ơn ông bác sĩ, con bé
cháu nội
thì chẳng biết mừng rỡ là gì, nó vẫn nhảy choi choi trên tay bố nó và
nhìn ông
bác sĩ như một người lạ. Bà nôn nóng chờ đến lúc được vào phòng hồi
sinh thăm
ông để chờ ông tỉnh dậy.
Ông
bác sĩ về phòng riêng của ông, ông
nhìn tờ chương trình, không có ca mổ nào tiếp theo. Ông bấm máy nói hẹn
người
tình của ông tới. Cúp máy nói xong ông vào phòng tắm rửa. Ông tắm xong
thì
người đàn bà tình nhân của ông cũng mở cửa bước vào. Hai người nhào tới
ôm nhau
hôn. Họ nhanh chóng cởi áo cởi quần và làm tình trên cái giường nhà
thương có
độ nhúng rất nẩy. Ông bác sĩ thường có thói quen làm tình ngay sau mỗi
ca mổ
như là một cách giải lao hồi sức vậy. Hồi năm ngoái ông cặp với một
người đàn
bà gốc Nam Mỹ, nhưng hai người chỉ yêu nhau được một thời gian ngắn thì
tan rã
vì ông không thích nghi được với kiểu cách giao hoan của bà ta. Ông
không thích
thú nổi mỗi khi nhập cuộc là bà ta giẫy dụa kêu rống la hét lên. Ông có
ý kiến thì
người đàn bà nói rằng chỉ rống lên như thế và phải như thế thì bà ta
mới đạt
được sự sung sướng. Ông bác sĩ cũng nín
nhịn cho qua vì ông rất thích cái thân hình tròn lẳn chắc nịch ấy.
Nhưng rồi
ông cũng phải giang ra vì sự ồn ào không thuận tiện ở môi trường bệnh
viện cần
sự yên tĩnh. “Chú ý: Bệnh viện. Không bấm còi” ngày xưa ở Việt nam có
cái bảng
hiệu giao thông như thế. Mà ông thì thường phải làm tình ngay ở phòng
của ông
nơi bệnh viện sau mỗi ca mổ cho tiện với nghiệp vụ. Tính bác sĩ vốn
điềm đạm,
ông thích cái êm ái dịu dàng vắng lặng. Ông không thích nổ.
Ông
sống độc thân, người đàn bà tình
nhân hiện nay của ông cũng sống độc thân. Hai người hợp đồng giúp nhau
trong
cách giải quyết sinh lý, họ thường liên lạc với nhau bằng điện thoại để
sắp xếp
giờ giấc và nơi chốn gặp gỡ. Cả hai đều là những người có hấp thụ một
thứ văn
hóa sòng phẳng thực tế và ngay thẳng. Họ tôn trọng nhau và tìm cách sao
cho cả
hai đều sung sướng hạnh phúc. Họ đối xử với nhau thân tình và lịch sự.
Trận làm
tình cũng rất thân tình và lịch sự. Khắng khít. Xong. Thì cả hai nằm
quay lơ
mắt lim dim như ngủ. Hai mươi phút sau
ông bác sĩ giật mình thức giấc, người đàn bà thì đã ngồi tựa lưng đầu
giường
nhìn ông chăm chú, thấy ông mở mắt, bà ta mỉm cười thân mến. Ông kéo bà
xuống
hôn. Xong bà nằm úp mặt trên tấm ngực lông xồm. Bàn tay bà mân mê ông.
Một lát
bà thấy ông lại đã cương lên bèn hỏi:
- Anh có
muốn nữa không ?
Ông bác sĩ
ghì chặt lấy thân hình người
đàn bà:
- Có. Có muốn
nữa.
-
Thì nữa đi. Nhân thể.
Lần này
hai người vừa nhẩn nha vừa nói
chuyện:
-
Sẵn một lần cởi quần áo cho tiện, đỡ tốn công cởi ra
mặc vô.
-
Bonus.
-
Một tặng một.
- Em cũng
chưa tới giờ đi đón con
- Anh cũng
rảnh, không có việc gì làm
tiếp.
-
Đằng nào cũng một công tắm rửa.
Đến đây
thì tôi chán quá. Cuộc đời
chẳng có gì mới mẻ. Chuyện cũ rích nhưng con người cứ phải làm hoài.
Tôi bỏ mặc
cặp tình nhân. Tôi bỏ mặc ông nằm trong phòng hồi sức. Tôi bỏ mặc tất
cả. Tôi
vù bay ra ngoài, ra khỏi bệnh viện. Tôi bay ra phố. Ở một dãy phố tôi
nhìn thấy
một bên có chữ lớn “Nhật Báo Người
Việt”, phía bên kia đường “Việt Báo Kinh Tế”. Tôi bay dọc theo dòng xe
cộ nối
đuôi nhau dài hun hút, đến một chỗ giống như một khu rừng, cây cối um
tùm xanh
mướt, gió thổ vi vu, nhìn kỹ tôi thấy bên dưới toàn những ngôi mộ chôn
người
ta. Thì ra là nghĩa trang Westminster.
Đang có một đám tang lớn, nhiều vòng hoa quá trời. Nhưng cũng rất nhiều
ngôi mộ
bỏ hoang không khói nhang hoa lá... Tôi hoảng hốt nhớ tới ông. Bèn biến
ngay
trở về phòng hồi sinh ở bệnh viện.
Ngoài
cửa sổ lầu cao, trên ngọn cây
cọ, mấy tay quỉ sứ ma vương mặt sắt đen sì hầm hầm dữ dằn ôm bồ cào, mã
tấu,
ngồi vắt vẻo chờ đợi. Chúng có nhiệm vụ bắt hồn về điạ ngục cho Diêm
Vương
trừng trị ngay khi nào tim ông ngưng đập. Dưới vườn hoa cây cảnh thì
lại có các
thiên thần đẹp đẽ hiền từ, tay cầm kèn, tay cầm cành ô liu, cũng chờ
sẵn để đón
hồn về thiên đàng tọa hưởng lạc cảnh... Cả hai phe đều chỉ chờ đợi cái
giây
phút ông tắt thở là chụp lấy tôi. Nơi trần thế này ông là chỗ ở của
tôi, là nơi
cho tôi tá túc, là chốn cho tôi nương thân, là “miền đất” cho tôi sinh
hoạt, là
cái “hang” cho tôi ẩn núp... Nếu chẳng may ông không còn nữa, lập tức
“họ” điệu
tôi đi ngay, chỉ có hai ngả, không thiên đàng thì địa ngục, chớ có lối
thứ ba,
và tôi cũng không có quyền lựa chọn đường kia lối nọ. Từ trong căn
phòng mát mẻ
tôi nhìn qua khung cửa, nhìn ngọn cây cọ rồi lại nhìn khu vườn hoa,
“họ” đang ở
đó, “họ” cũng đang nhìn ông và nhìn tôi, “họ” chờ ông ngừng thở là sẽ
thi hành
sứ mạng “trên giao”.
Tôi
bèn nảy ra ý muốn đi “xem
nhà”. Cả hai đều sẵn sàng chiều ý khách ngay lập tức. Cũng là hợp lý
thôi. Thời
buổi “người khôn của khó”, chiều khách là phương châm trước nhất của
các tay làm
nghề tiếp thị. Vui lòng khách đến vừa lòng khách đi là ưu tiên hàng đầu
của bổn
hãng. Sẵn sàng open house cho quí khách vào xem. Xin mời. Nếu cần có xe
đưa
đón.
Trong
cuộc cạnh tranh cũng vẫn có tính
lịch lãm văn minh. Bầy quỉ trên cây cọ nhường cho các vị thiên thần nơi
vườn
hoa giới thiệu nước thiên đàng trước. “Con cái ma quỉ khôn ngoan hơn
con cái sự
sáng” , thế mà chúng nó lại nhường, sáng tạo tài tình là ở chỗ đó, trí
tuệ là ở
chỗ đó. Các vị thiên thần thì tốt lành, dễ tính và thẳng thắn, nghe nói
có con
chiên muốn đi xem tận mắt cõi sung sướng vĩnh hằng bèn thuận ngay, dùng
phép lạ
biến một cái, tôi đã đứng trước ngưỡng cửa thiên đàng. Vị thiên thần
thuyết
trình tại chỗ cho tôi biết về những nhà cao cửa rộng, vườn tược xanh
tươi, hoa
lá cành xum xuê, âm nhạc réo rắt vui tươi, ánh sáng rực rỡ muôn mầu
muôn vẻ,
trong đó tất cả các linh hồn đều không phải làm lụng vất vả, tha hồ
hưởng thụ
những hồng ân của thượng đế. Nơi đó chỉ có sung sướng. Nơi đó không ai
biết đau
khổ là gì. Nơi đó vào rồi sẽ mãi mãi ở lại, không phải lo lắng cho một
tương
lai bất trắc nào cả.
Nơi
đó...Tôi được dẫn bay vòng
vòng xem hết các chốn hoan lạc, mọi người rong chơi hoặc nhảy múa hoặc
ca hát,
dung nhan ai ai cũng đều hớn hở. Vị thiên thần hỏi tôi có thích được
vào đó
sống đời đời không, tôi gật đầu thì
người bảo “Hãy về sống cuộc sống đạo đức, làm những việc tốt và tránh
những sự
dữ” .
Ngay sau
chuyến tham quan nước thiên
đàng xong, quỉ sứ bèn cũng ngoắc một cái, tôi cưỡi sao chổi tới trước
cửa địa
ngục... Tay quỉ cầm bồ cào cũng bắt đầu cất cao
giọng
thuyết minh về những nét đặc sắc nơi hành tội. Lửa nóng quá, vâng trước
hết là
lửa nóng quá. Nhớ cụ quản giáo dạy bổn hồi nhỏ ở quê nhà đã ví lửa địa
ngục
nóng như lửa bếp thì lửa bếp chỉ như
lửa... vẽ trên giấy. Cụ quản nói đúng quá, ngày ấy
cụ bảo lũ học trò
chúng con không được chửi tục, chửi tục là phạm tội trọng, chết xuống
hỏa ngục,
quỉ dữ sẽ thiêu đốt bằng thứ lửa nóng ghê gớm ấy. Con không nghe, bây
giờ mới
thấy cái thứ lửa điạ ngục ghê gớm này. Quỉ dữ cũng sang sảng nói rằng
kẻ nào
vào đây cũng sẽ ở lại vĩnh viễn, đời đời kiếp kiếp chịu khổ hình bất
tận. Hỏa
ngục có đường vào nhưng không có lối ra. Ở đó mà chịu sự hành hạ của
quỉ theo
luật cũng của thượng đế. Ai muốn vào thì tình nguyện, tùy ý, quỉ sứ ma
vương
không hề bắt ép, chỉ tiếp nhận những kẻ đủ tiêu chuẩn, hãy làm những
việc thiên
đàng cấm, không làm những việc thiên đàng khuyên. Nghĩa là phải phạm
tội, phạm
càng nhiều trọng tội càng tốt, càng vinh quang. Phải ác một cách toàn
diện và
triệt để, đừng có lửng lơ sơ sài mà vướng vào cửa luyện ngục một thời
gian, cụ
quản giáo dạy bổn cũng đã nói thế, giống như cái mưu kế “học tập cải
tạo” của
chế độ cộng sản ngày nay, phải dứt khóat, hoặc lên thiên đàng thẳng
băng với
các thiên thần hoặc vù xuống tận cùng điạ ngục cùng các quỉ sa-tan. Đã
chơi thì
chơi cho bảnh... Con quỉ răng hô, miệng rộng, mắt ốc nhồi, cầm bồ cào,
hỏi tôi
có muốn xuống địa ngục không, tôi gật đầu thì nó nói: “Hãy về làm thật
nhiều
điều ác rồi chờ ngày giờ nó đón, nó sẽ giúp đỡ những kẻ đã biết đến
nó”.
Tôi có
điều thắc mắc là tại sao lại nói
“lên thiên đàng” và “xuống hoả ngục”. Đâu là trên, đâu là dưới, phía
nào gọi là
trên và hướng nào gọi là dưới. Và tại sao nơi này được gọi là lên, nơi
kia bị
gọi là xuống. Tại sao lại bị và được và tại sao lại lên và xuống. Tại
sao không
nói là bị xuống thiên đàng và đưọc lên địa ngục... hỡi các thiên thần
và quỉ sứ
?
Tôi
không rõ nếu cái thân xác ông
ngừng lại thì tôi sẽ thuộc vào ai, trong vòng tay thiên thần hay ác quỉ? Và rồi tôi sẽ ra sao ? Phần ông đã yên phận
một bề, chôn cất hay thiêu đốt thì cũng trở về làm bùn đất. Lên núi hay
ra biển
thì cũng thế mà thôi. Có gì mà phải di chúc. Ôi, xác phàm thế mà lại ít
gian
truân không như phần hồn cho đến giờ
phút này cũng vẫn chưa biết được mình sẽ phiêu bạt đến chốn nào.
Tôi
ân hận vì đã coi thường cái cốt
phàm phu của ông, bây giờ mới thấy rằng bấy lâu nay, nhờ có ông mà tôi
mới được
ung dung tự tại, có một chỗ để cư trú.
*****
Nhưng có một điều rất oái
oăm là những khi tôi với ông xáp lại với nhau, những khi hai ta là một,
những
khi chúng ta chung chạ, vâng chính những khi hiệp nhất ấy lại là thời
gian
chúng ta làm những điều xấu xa nhiều hơn cả. Lạ thế, xúm nhau lại không
làm
điều tốt mà chỉ đầu chúng đầu đảng làm toàn chuyện tầm bậy. Cả ông lẫn
tôi, kẻ
nào cũng có thói quen ưa làm chuyện xấu hơn là thích làm chuyện tốt,
cho nên
cộng đồng lại bi thảm hơn lẻ loi, ông ạ.
Một
thiên thần cao lớn đẹp đẽ, đầu đội
chiếc nón triều thiên, mình mặc áo giáp của thời thánh chiến La Mã, một
tay cầm
khiên, một tay cầm giáo dài, cưỡi trên lưng bạch mã cũng cao lớn đẹp
đẽ, phi
nước kiệu từ đồi cao xuống, ông từ trong nhà khoác vội chiếc áo dài
chạy ra cúi
chào nghênh đón. Thiên thần hỏi tên tuổi ông xong bèn dùng mũi giáo
nhọn xiên
một mảnh giấy ở trong túi ngựa đưa tới trước mặt ông mà phán: “Hãy nhận
lấy và
chấp hành cho đúng.” Ông rụt rè đỡ mảnh giấy. Thiên thần quay ngựa
phóng đi chỉ
chốc lát đã khuất sau phía bên kia đỉnh đồi. Còn một mình đứng bần thần
trước
cửa nhà, mãi một lát sau ông mới mở tấm giấy ra thấy ghi chữ “Hỏa ngục”!
Ông hốt hoảng đi tìm vị quan thầy là thánh Giu se
xin cứu giúp. Thánh
Giu se nói:
-
Tao làm gì có cái gì mà mày xin,
sang bên bả mà năn nỉ.
Ông
quýnh quáng chạy sang bàn thờ Đức
Mẹ, ở đây đèn nến sáng choang, hương hoa thơm lừng, ông quì lạy xin ban
ơn, Đức
Mẹ nói:
-
Nhà ngươi chậm chạp quá, có bao
nhiêu mấy mụ ngoan đạo kia họ xin hết từ sáng sớm rồi, sang bên ổng xem
còn cái
gì không…
Lại
quýnh, sợ hết giờ, ông vù tới bàn
thờ thánh quan thầy, quì rập đầu lạy như tế sao:
-
Bẩm thầy, thầy mà không cứu là em
chết…
Thánh
Giu Se ái ngại:
-
Chắc nhà ngươi phạm tội trọng nên
phải lãnh án xuống hỏa ngục, còn kêu ca nỗi gì nữa.
Ông
trình bày:
-
Bẩm thầy, em không hề cướp của giết
người, em đi lễ hàng ngày ở nhà thờ mỗi buổi sáng, nay đầy em xuống hỏa
ngục
thì tội em quá.
Thánh
Giu Se nói:
- Mi
có chắc là mi vô tội không, để ta
coi lại sổ sách.
Rồi
thánh gọi thiên thần giữ sổ sách
đến hỏi, vị thiên thần lật sổ ra trình:
-
Bẩm, tên này có đến nhà thờ mỗi buổi
sáng nhưng không đọc kinh, lại đem theo mấy đứa cháu nhỏ để chúng gây
ồn ào làm
mất sự yên tĩnh của các giáo dân, gây trở ngại cho việc thờ phượng. Tội
rất
lớn. Không cho vào thiên đàng được, e ngại y sẽ gây náo loạn nước trời.
Ông
cãi:
-
Bẩm thầy, em không thuộc kinh tiếng
Việt, lại càng không biết đọc kinh tiếng Mỹ, nên em chỉ biết ngồi nghe
người ta
đọc. Còn lũ trẻ thơ thì em phải tôn trọng sự hồn nhiên của chúng. Bẩm
thầy, em
không được vào chốn thiên đàng vì em không lập được ơn phúc, nhưng em
có làm gì
nên tội đâu mà trừng trị em ở chốn địa ngục. Bẩm thầy em sợ lửa địa
ngục đốt
cháy nóng lắm, xin thầy cứu em, em lấy tên thánh là Giu Se là em đã
nhận thầy
đỡ đầu, thầy nỡ bỏ em sao. Em còn tính đi học làm thợ mộc giống thầy
nữa cơ…
Thánh
giảng giải:
-
Phải làm điều lành, tránh điều ác,
thì mới được phúc. Kể ra cũng tội nghiệp nhà ngươi.
Ông
khai thiệt tình:
-
Bẩm thầy, em không làm được điều gì
tốt lành, em lại còn phạm vào những điều xấu, em xin thành thật khai
báo để
thầy khoan hồng cho em. Chẳng là một tuần bẩy ngày đi lễ nhưng mất năm
ngày
mang theo trẻ con làm ồn nhà thờ phiền hà mấy ông mấy bà ngoan đạo hiền
lành
phúc đức, chỉ có một sáng thứ bảy bố mẹ chúng nó nghỉ sở làm ở nhà giữ
con, em
mới được nên lễ nghiêm trang đúng thánh ý Chúa.
Thánh
hỏi:
-
Thế còn ngày chủ nhật, ngày lễ buộc,
nhà ngươi làm gì?
- Em
cũng đi lễ nhà thờ, nhưng…
-
Nhưng làm sao?
Ông
lại khai thiệt:
-
Chính ngày lễ buộc chủ nhật là ngày
em… phạm tội trọng.
-
Nhà ngươi nói rõ ta nghe.
-
Thưa thầy, chủ nhật em mắc tội… đi
sớm tranh giành giữ chỗ cho vợ chồng đứa con đến trễ vì chúng lu bu con
mọn. Bà
vợ yêu quí của em nó bảo hãy ngồi dang rộng ra, khuỳnh tay, xoạc cẳng,
để mũ
nón, ô dù, sách kinh hai bên mình cho người khác không chen vào ngồi
mất chỗ
của con. Em biết như thế là lỗi phép công bằng. Em biết như thế là bon
chen
phạm vào cái lẽ tự nhiên thoải mái của chốn thờ phượng. Em biết như thế
là
không đẹp lòng Chúa. Đẹp sao được khi mình giữ chỗ trống trong khi có
người
khác phải đứng bên lề. Nhưng em… thương vợ thương con thương cháu cho
nên cứ lỗi phép
như thế đều đều các
ngày chủ nhật
lễ trọng. Thầy ơi, một tuần lễ bảy ngày thì đã mất sáu ngày lỗi đạo,
chỉ còn
một ngày rảnh rang không biết em có giữ được không, hay là… Thầy ơi, em sợ lửa hỏa ngục lắm,
xin thầy…
cứu em.
Thánh
Giu Se nhíu mày, lát sau Thánh
nói:
-
Nhà ngươi không lập được đủ phúc đức
để có giấy phép vào thiên đàng, nhưng nhà ngươi cũng không làm gì nên
tội để
phải bị đầy ải xuống hỏa ngục chịu sự trừng trị, nhưng từ nay đừng
tranh giành
cái gì nữa cả, chỗ ngồi à, cứ… kệ mẹ
chúng nó, các con ngươi chúng sẽ tự lo liệu lấy cho nhau, nhà ngươi
khỏi cần
bao đồng. Thương vợ, thương con, thương cháu, tốt, nhưng cũng phải biết
thương
người nữa. Không lên thiên đàng cũng chẳng xuống hỏa ngục, vậy ta cho
nhà ngươi
được ở cổng trời này, chỉ ở ngoài không được bước vô trong, ngươi phải
làm việc
để tự rèn luyện bản thân, ta giao cho ngươi công việc gác cổng, đây
chiếc chìa
khóa ngươi giữ lấy, kẻ nào có giấy phép thì ngươi mở cổng cho vào xong
khoá lại
như cũ, kẻ nào không có phép thì nhà ngươi phải cương quyết từ chối.
Cũng không
bao giờ mở cổng cho kẻ nào bên trong xin ra. Được vào trong ấy là phải
sung
sướng suốt đời ở trong ấy. Không ra. Nghe không.
Nghe
Thánh Giu Se phán ông mừng quýnh,
vừa thoát cảnh điạ ngục lại vừa có job ngon. Ông lạy tạ thánh quan thầy.
Ông chạy đi tìm bà lão để khoe, rồi nói:
-
Bây giờ bố ngon rồi, và em cũng
không còn phải lo gì nữa, em muốn vào muốn ra lúc nào bố cũng chiều em
được
hết, nhưng có một số con mẹ trong hội cầu kinh với em bố sẽ … không mở
cổng
thiên đàng cho vào.
Bà
lão nói:
-
Nếu người ta có giấy phép vào thì bố
phải mở cổng chứ…
Ông cãi:
- Có
giấy phép bố cũng không cho vào,
thử xem làm gì nhau, phép vua thua lệ làng, bố không thích mấy con mẹ
ấy là bố
không mở cổng, ai bảo khi baby cháu mình nó ó é có một tí là mấy mẹ ấy
nhìn ông
cháu tôi rồi nhăn mặt lườm nguýt, khiến có nhiều bữa tôi phải ẵm cháu
tôi chui
vô gầm cầu thang cuối nhà thờ để tránh làm kinh động người ta, ông cháu
từ gầm
cầu thang chỉ nhìn thấy Chúa qua lớp kính ngăn cách tiếng động. Không biết thương baby là không đáng vào
thiên đàng, chính đấng Jesus Christ đã vẫy bố đem mấy đứa con nít đến
cho Chúa.
Thiệt đó em à, đúng bàn tay Chúa vẫy vẫy bố, bố nhìn rất rõ không thể
lầm được
vì lòng bàn tay Chúa có lỗ sẹo đóng đinh. Mấy con mẹ leo lẻo cái miệng
kinh
sách nhưng cái đầu họ chỉ nghĩ đến những điều đố kỵ hoặc những chuyện
lời lãi
thế gian, phỏng được ích gì. “Kính mừng Maria đầy ơn phúc (tắt giùm cái
bếp nồi
cá kho chút), Đức Chúa Trời ở cùng bà…”. Đi casino đánh bạc thua cả
ngàn đô la
nín khe, đến nhà thờ lần chuỗi được năm chục đã khoe khoang kể lể rộn
ràng. Trời ơi là trời, thánh cả Giu Se
ơi, xin thày cứu con!
Bà
lão lắc đầu:
- Bố
rối đạo rồi!
Ông
nói:
-
Nhưng có người bố sẽ mở rộng cửa cho
vào ngay mà không cần xét giấy tờ lâu lắt, đó là cái bà hiền lành phúc
đức xinh
xắn, vẫn nhìn bố mỉm cười khi tới giờ chúc bình an.
- Có
phải con mẹ bố khen… dễ thương
chứ gì?
-
Đúng rồi, người như thế vào thiên
đàng là đương nhiên.
Bà
lão lại lắc đầu ngao ngán:
-
Đúng thật là bố rối đạo quá lắm rồi
!
*****
Ông
mở mắt nhìn quanh. Bà lão và cô
con gái ông đứng ngay đầu giừơng. Họ cầm tay ông, sờ trán ông, mỉm cười
với
ông. Ông ngơ ngác nhưng cũng mỉm cười được với họ, ông
đưa mắt nhìn quanh tìm đứa cháu nội, nhưng
con bé không được vào phòng hồi sinh, nó ở ngoài phòng đợi với bố chờ
ông.
Tôi
hú hồn trở về kịp, nhào tới nhập
vào với ông, tránh xa ngọn cây cọ gai góc và khu vườn hoa rực rỡ thơm
tho, để
tự giam mình vào cái thân xác một đống xấu xí của ông!
Tôi sẽ còn phải tốn thời gian cùng với ông
nơi trần thế này, lựa chọn cách sống, làm điều thiện hay làm việc ác,
để đi về
phía những nơi chốn open house mà tôi đã có dịp đến tận nơi, nhìn tận
mắt.
Không biết đến bao giờ ?
(Fountain
Valley 8/99)
Thảo Trường