II
Anh cựu chiến
sĩ lái đã từng được các tay "tẩm quất quốc tế " bên Campuchia
đấm bóp cho nhiều lần thời gian anh làm "nghĩa vụ" bên đó cho
nên anh biết hết các ngón nghề của "khoa" trị liệu. Về làng phế
binh găp lại nhau, anh ta bèn hành nghề tẩm quất mà người thường
xuyên
anh ta phục vụ là bà.
Về sau anh gá nghĩa
với một goá phụ trong
làng, chị trước đây là vợ của một phế binh chế độ cũ, nhưng chồng chị
đã không
sống nổi vì chế độ cũ sụp đổ mất hết trợ cấp sinh sống và thuốc
men, anh
qua đời để lại người vợ goá bụa cô đơn trong cái "xã hội xã hội chủ
nghĩa" rất lạ lẫm và hoang tưởng đối với chị.
Chị lần lượt bị đầy
ải ở các nông trường
trồng dứa ở Cầu Sáng, Đức Hòa, rồi sau bị điều lên đào kinh dẫn nước Củ
Chi. Ở
vùng đất phèn gai dứa đã ghim không biết cơ man nào vào hai bàn tay của
chị. Ở
vùng đất trắng sỏi đá Củ Chi hai bàn tay ấy lại một lần nữa chai cứng
bởi cuốc,
xẻng, quang, sọt... Nhưng rồi cuối cùng những hoang tưởng kinh tế của
nhà cầm
quyền mộng du cũng đến lúc phải rã ra, vùng đất phèn lại trở về hoang
phế, con
kinh dẫn nước bị cỏ lác lau sậy mọc lên che phủ. “Lãnh đạo” tứ tán khắp
nơi tìm
đến những chỗ hoang tưởng khác và những nô lệ được buông tha. Chị bèn
tìm về
chốn cũ sống lang thang vật vờ.
Khi
chị thấy anh mù quơ quơ cái gậy đi ngoài đường miệng rống lên rao
"tẩm quất đây" bèn hỏi chuyện, biết là phế binh mới, chị bèn
nảy ra ý định làm ăn chung, chị sẽ dẫn anh đi hành nghề . Anh lo phần
đấm bóp cho
khách, chị lo về phần sáng.
Hai kẻ
khốn cùng thành một công ty, một liên minh, một
hợp tác, một cộng đồng, một hoà hợp thách đố giữa cái xã hội loài người
nhiễu
nhương khốn khổ. Chị lại dọn về ở căn nhà trước kia của chồng chị bị
cách mạng
tiếp thu, mà nay là nhà của anh bộ đội mua được bằng tiền toa rập buôn
lậu gỗ
trầm.
Trong căn nhà một
gian lợp tôn vách gỗ cũ
kỹ trải qua bao nhiêu đổi thay điên đảo ở vùng ven đô, bây giờ đã có
một gia
đình mới. Hai người bàn với nhau muốn khá phải "tiến" về Saigon.
Chiều chiều
người ta thấy một người
đàn bà giắt một người đàn ông mù lên xe đò vào thành phố. Họ tìm đến
các khách
sạn có Việt kiều để xin được đấm bóp. Ngày đầu tiên anh thợ đấm bóp cứ
thành
thật khai ra với khách hàng từ nước ngoài về anh là thương binh bộ đội
cấp 3
tàn phế, thấy vẻ mặt ông khách có vẻ không hài lòng, người đàn bà sáng
mắt nhận
ra ngay tình thế bất thuận lợi bèn kéo anh ra một chỗ vắng "nhất trí"
với anh về lập trường chính trị mới cho phù hợp với công cuộc kinh
doanh kinh
tế thị trường.
Với những tay công an
và bảo vệ thì đưa
nhãn hiệu thương binh Cụ Hồ ra cho dễ bề ra vào khách sạn. Nhưng với
khách hàng
Việt kiều thì anh phải là cựu chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộng
Hòa, thương binh mức độ tàn phế 100%, anh hãy cứ ngậm miệng chăm chỉ
đấm
bóp xoa nắn, để cho chị lãnh trách nhiệm mô tả chân dung người thương
binh chế
độ cũ. "Mùa đông đã đến đây rồi, cùng nhau đan áo cho người chiến
binh...", "...Anh trở về trên chiếc băng ca, trên trực thăng
sơn mầu tang trắng... anh trở về bại tướng cụt chân", hay là "...Dạo
phố mùa xuân, bên người yêu tật nguyền chai đá..."
Chị cám ơn các vị
nhạc sĩ đã giúp
cho chị lõm bõm hát những câu ca nổi tiếng một thời.
Không còn gì, không
còn gì là trợ
cấp tử tuất, không còn gì là trợ cấp thương phế binh cô nhi quả phụ,
không còn
gì là niềm hy vọng, không còn gì là niềm tin chế độ, không còn gì
và
không còn chỗ nào cho chị nương tựa, chỉ còn lõm bõm những câu hát để
lợi dụng
làm kế sinh nhai. Xin cám ơn, chị xin cám ơn các vị nhạc sĩ mà chị
chẳng biết
ai với ai.
Chị cũng lõm bõm tí
hiểu biết về Quân Lực
Việt Nam Cộng Hòa, từ các binh chủng, các đại đơn vị, các Quân y viện,
đến các
sinh hoạt biến chuyển chiến sự trong vùng chồng cũ của chị đánh giặc,
bị thương
và những năm tháng cuối cùng trước khi... mất nước. Anh là bộ đội
thì anh
lo đối phó với quân đội và công an nhân dân. Chị là gia đình binh
sĩ Cộng Hòa thì để chị liên đới với Việt kiều về thăm quê hương...
Mục đích cao nhất của
chung hai người là
kiếm được càng nhiều tiền Mỹ càng tốt. Cuộc làm ăn dựa trên cơ sở "đầu
vào" của lợi nhuận. Cứ như thế chiều chiều dắt nhau tiến về Saigòn, nửa
đêm hai kẻ hiệp thương lại dắt nhau lui về căn cứ ở ngoại ô với một túi
tiền và
thức ăn, hàng hóa lặt vặt mang nhãn hiệu nước ngoài của những vị khách
tốt
bụng. Hai người ăn uống no nê, tắm rửa rồi ôm nhau ngủ cho đến trưa
ngày hôm
sau mới trở dậy để sửa soạn một ngày mới.
Căn nhà lợp tôn một
gian được ngăn ra làm
hai, phần ngoài có cái bàn và bốn ghế gỗ gọi là phòng khách, phần trong
kê
chiếc giường gỗ trải chiếu gọi là phòng ngủ. Phía sau nhà cách
một ô sân
nhỏ đến gian bếp một mái. Ô sân nhỏ có thùng chứa nước để tắm rửa.
Ngày xưa mỗi
lần tắm chị phải đóng
cửa ngăn cách với nhà trên vì chị e thẹn với chồng, bây giờ chị
có thể để
ngỏ cái cửa ấy khi tắm vì chị biết người chồng mới không nhìn thấy chị.
Chị thoải mái khỏa thân xối nước mà không hề cảm thấy bị nhìn ngắm. Chị
tự do,
ôi chao, tự do sao mà giản dị và dễ dàng thế. Chỉ cần đứng trước người
mù.
Nhưng chị lại thấy
tiếc thương cho người
chồng đã qua đời, có sao đâu mà ngày ấy chị phải e thẹn với anh, chị đã
không
cho anh nhìn chị khi tắm. Cũng tại một lần anh cười chúm chín khi thấy
chị cởi
áo, chỉ có thế thôi mà chị đã phải trốn tránh nụ cười của anh. Bây giờ
nếu anh
còn sống chị có thể cho anh nhìn mãn nhãn. Nhưng mọi sự đã qua
rồi. Không
còn có thể lấy lại cái đã mất. Với người chồng hiện tại, chị có cởi hết
đứng
trước mặt anh thì anh cũng dửng dưng không biết gì. Anh có
thể
"thấy" bằng tay anh nhưng anh chẳng thể "nhìn" bằng mắt để
mà cười chúm chím. Có lần anh đứng ngay cửa xuống bếp, tai anh hơi vểnh
lên
nghe ngóng tiếng nước xối trên thân thể chị. Chị thấy anh đang "nghe"
chị khỏa thân.
Anh phế binh mù có
lần hỏi:
- Em trắng bóc, vàng
vàng, hay ngăm
ngăm...?
- Anh cần gì phải
biết ?
- Tôi muốn được biết.
Tôi có thể hình dung
ra cơ thể của em nhờ hai bàn tay xoa bóp rành nghề này, nhưng tôi chịu
thua
chẳng thể hình dung ra em nhan sắc thế nào.
- Biết cũng chẳng ích
lợi gì. Có những
điều thà đừng biết lại tốt hơn là biết rõ.
- Cái bà "nữ hoàng
trầm hương"
tôi đã biết từ ngày tôi chưa bị mù, cho nên sau này tẩm quất cho
bà ấy
tôi đều như đã thuộc lòng tất cả. Còn với em, tôi cố gắng hết sức mình
cũng vẫn
thấy chưa bao giờ nhập được vào trong em và cũng chưa bao giờ cảm thấy
được là
em đã chìm vào trong tôi.
Người đàn bà thấy cần
phải khuyến bảo anh
ta một điều:
- Đừng bao giờ đem
chuyện ấy với người này
kể cho một người khác nghe. Nếu anh đem chuyện bà ta ra nói cho người
khác nghe
là anh đã mắc sai lầm trầm trọng. Đó là cung cách của những người tồi.
Người thợ tẩm quất
ngồi thừ ra một lát mới
nói nên lời:
- Tôi xin lỗi em. Tôi
tồi thật. Nhưng tôi
phải thú nhận rằng tôi bồn chồn quá. Tôi bây giờ có ăn no, có tiền xài,
lại có
em trong đời, nhưng tôi thấy rõ ràng là tôi như kẻ chẳng có gì
hết vì tôi
chẳng nhìn thấy em như thế nào.
Người đàn bà an ủi
anh ta:
- Tôi hiểu và tôi
thông cảm với anh. Anh
là người thứ hai trong đời tôi. Kể từ ngày chồng tôi bị thương chứ
không phải
từ ngày anh ấy mất, tôi đã không biết tới chuyện như thế này, bây giờ
với anh,
tôi nhớ lại , và tôi công nhận là anh đã làm đầy đủ phần việc của anh,
cho dù anh không thấy đường.
- Tôi mang ơn em,
không có em tôi sẽ
chẳng biết lối nào mà lần mò.
- Anh đừng nói thế,
anh còn có chính sách
lo cho anh, chứ tôi đây này, chế độ sụp đổ, nhà cấp bị tiếp thu, chồng
chết, tứ
cố vô thân, không còn chỗ nào để nương tựa...
- Thôi, em đừng nói thế, em
cũng đừng nhắc tới chính
sách, tất cả chỉ là số không trống rỗng, không có chính sách nào cho
chúng ta
tiền bạc và thức ăn, không có chính sách nào đêm đêm ôm ấp chúng ta
trong giấc
ngủ. Chính em là "chính sách" cho tôi. Nghĩ cho cùng thì không
có chế độ nào cung cấp được vợ cho một người đàn ông, chồng cho một
người đàn
bà.
Một lần nữa chị thấy
lại cần phải nói lại
với anh cho rõ:
- Khoan nói đến tình
nghĩa vợ chồng. Hãy
cứ hợp tác cái đã. Coi đây như sống chung hòa bình. Người cộng sản các
anh có
câu nói "góp gạo nấu cơm chung", phải thế không? Đêm đêm ôm
nhau ngủ cũng là một cách "góp gạo nấu cơm chung" mà thôi.
Anh thợ tẩm quất khóc
rống lên:
- Thế là sẽ có ngày
em bỏ tôi. Em sáng mắt
đi đâu cũng được, sẽ có ngày em bỏ tôi mà đi. Có phải thế không? Còn
tôi, một
kẻ thông manh, không còn có thể nhìn thấy gì nữa của cuộc đời, tôi
không thể bỏ
em để đi đâu được nữa. Tôi cần em trong tất cả mọi việc, kể cả cái việc
người
ta lần mò trong đêm tối cũng xong, nhưng tôi không thể làm được
việc đó
nếu không có em nằm bên. Sau mỗi lần nhảy đực với em xong tôi sung
sướng vô
ngần, em có biết thế không. Em mà bỏ tôi em đi là tôi tuyệt vọng
đến tận
cùng. Cái thằng Bác Hồ mà trước kia tôi vẫn rêu rao muôn vàn kính yêu
cũng
chẳng giúp gì được cho tôi cả. Chỉ có em. Chỉ còn có em. Em hiện
xuống
đời tôi như ánh chớp, tôi bất chợt có được em, nay nếu em biến đi thì
tôi sẽ ra
sao ? Tôi sẽ ra sao đây hở trời ?
- Chưa có gì trầm
trọng cả. Chưa nên nói
đến những tiếng "bỏ đi". Anh sao quá nông nổi. Đã có gì
đâu mà anh phải khóc òa lên như thế. Chúng ta không còn con nít để lãng
mạn.
Chúng ta đã trưởng thành, riêng tôi đã gặp quá nhiều nghiệt ngã, đã mất
tất cả,
cho nên tôi bình thản để sống, tôi biết phải biết quấy với cuộc đời cho
dù cuộc
đời có tàn nhẫn với tôi, tôi không chơi xấu với ai, tôi không bỏ ai nếu
như họ
không bỏ tôi...
- Tôi đâu dại gì mà
bỏ em...
- Ở đây không phải là
chuyện khôn dại. Ở
đây là chuyện đúng sai. Khi nào người ta thấy sai sẽ tìm cách thay đổi.
Biết
đâu một ngày nào đó có người chợt thấy mình sai lầm.
- Tôi sẽ không bao
giờ nghĩ là mình
đã sai lầm. Tôi biết rõ ràng là mình mù mắt. Tôi đã lê lết khắp đó đây
nhưng
nào có ai đưa tay ra giắt. Chỉ khi gặp em. Chỉ có em đưa tay ra giắt
tôi, không
phải một lần , mà là đã nhiều ngày qua. Em đã giắt tôi ở nhà, ngoài
đường, lên
xe, giắt đi, giắt về. Em đã giắt tôi ban ngày, em cũng giắt tôi ban
đêm, em
giắt tôi trong phòng tắm, em giắt tay tôi trên giường. Còn gì nữa mà
đòi hỏi,
em đã giắt tay tôi đi trong cuộc đời, em là người tổ chức mọi thắng
lợi...
- Chính vì thế, chính
vì tôi tận tình làm
hết mọi công việc, ngay cả ở trên giường tôi cũng thường giúp một tay
cho anh
lắp ráp, tôi sẵn sàng làm hết, ngoại trừ việc đấm bóp cho khách
hàng...
mà có thể một lúc nào đó anh sẽ nhận ra rằng tôi đã bám vào anh để
sống, thấy
anh là cái kho tiền nên tôi vồ lấy khai thác. Có thể nghi ngờ như thế
chứ ?
Biết đâu đấy. Dù sao thì anh cũng là phe thắng trận. Dù sao thì
tôi cũng
là phe bại trận. Có đúng không nào. Thế thì biết đâu đấy con người
thắng trận
bất chợt nổi dậy dành quyền làm chủ. Và cũng có thể biết đâu đấy con
người bại
trận bất chợt mủi lòng tìm cách rút lui ẩn danh. Anh sẽ nhận ra khi ăn
nằm với
nhau tôi cũng đã rướn người lên hùa với anh, tôi cũng đã hưởng được
khoái cảm,
tôi đã nhờ có anh mà được sung sướng. Không cần mắt nhìn, chỉ với hai
bàn tay
và cơ thể cường tráng, anh đã là một người đàn ông cực kỳ sung
mãn. Anh
tung hoành trên thân thể tôi với những thao tác tuyệt vời. Anh đã đưa
đẩy
tôi đi, anh đã dẫn dắt tôi đến, những khi ấy lại chính người mù dẫn dắt
kẻ
sáng, anh đã nhiều lần đem tôi đến tận cùng trời cuối đất. Và anh sẽ
thấy rằng
tuy mù nhưng anh vẫn là kẻ có thế, anh vẫn là kẻ cho đi chứ không phải
chỉ là
kẻ nhận về. Rồi sao. Rồi sự gì sẽ xảy ra. Ai mà biết được. Cho nên tôi
mới nói
, hãy chỉ là những kẻ hợp tác, hãy chỉ là những kẻ hùn hạp, nói theo
thời
thượng chúng ta hãy chỉ là những kẻ sống chung hòa bình với nhau. Cái
đã. Rồi
thời gian sẽ đưa ta đi. Đừng vội. Hỡi anh thương binh yêu quí và tội
nghiệp.
Người mù khóc lóc mùi
mẫn như trẻ thơ, anh
ta rúc vào cổ vào ngực vào bụng người đàn bà. Chị cũng ôm chặt lấy đầu
người
đàn ông mà vỗ về. Chị nói:
- Hãy khóc đi, khóc
cho thật sung sướng,
không có ai giúp chúng ta được gì đâu, không có chính thể nào giúp
chúng ta
được gì đâu. Ta cười, ta khóc, cũng do ta và cho ta mà thôi. Tôi rất
tiếc là
mình không còn khóc được nữa, để mà cùng hưởng với nhau niềm vui khủng
khiếp và
nỗi khổ êm đềm này.