|
Cõi
Khác
1969
(1)
Những
đêm trực ở Đài, hoặc ngủ ngay sau khi đọc vớ vẩn một
mẩu báo, một trang tiểu thuyết, nghe lơ đãng một điệu nhạc, một giọng
hát, chập
chờn theo khói thuốc rồi ngủ lúc nào không hay. Có khi ngủ luôn tới
sáng. Đó là
những đêm thành phố may mắn không bị pháo kích, tình hình chiến sự
tương đối
yên tĩnh. Nhưng hầu như đêm nào cũng bị dựng dậy. Khi thì nhân viên
viễn ký hai
hãng AP, UPI yêu cầu chỉnh lại tín hiệu. Hoặc đồng nghiệp trực Đài phát
tín Phú
Thọ nhắc đến giờ thay đổi tần số liên lạc. Có khi một đồng nghiệp Phi
Luật Tân
ở mãi Manila réo chuông máy viễn ký liên hồi, chỉ để hỏi thăm thời tiết
Sài-gòn, tình trạng vợ con gia đình, hay nhờ dịch giùm một message bằng
tiếng
Pháp của hãng SITA than phiền nhân viên RCA Manila làm ăn cẩu thả. Một
lần ngủ
quá say dù đã cẩn thận để điện thoại ngay kế bên, và chỉ giật mình thức
giấc
khi nghe tiếng đập cửa ầm ầm: Anh chàng Mẽo trưởng phòng tin tức AP và
nhân
viên viễn ký, cũng đồng nghiệp Bưu Điện làm ngoài giờ cho hãng thông
tấn ngoại
quốc, một đỏ gay tức giận, một lắc đầu ái ngại, hình như vào lúc đó hai
ông
Thiệu Kỳ đang gặp tổng thống Johnson tại đảo Midway. Hôm sau bị ông
Tổng Giám
Đốc, cũng may còn là thầy dậy cũ khi học trường Quốc Gia Bưu Điện, gọi
lên văn
phòng giũa cho một trận. Bị nặng nhất là trong Mậu Thân đợt hai. Khoảng
gần nửa
đêm, UPI vớ được hình đặc biệt, bằng mọi giá phải chuyển ngay đi Tokyo:
Chừng
trên dưới một chục ký giả, phóng viên ngoại quốc, ngồi xe díp lùn có
gắn bảng
báo chí, Press, ở kính trước, không may bị Việt Cộng tóm được tại khu
chợ
Thiếc. Sau cùng là thảm sát. Người gục chết trên vô lăng, kẻ vắt nửa
khúc đầu
trên sàn xe, nửa khúc đuôi trên mặt lộ. Sau này, khi cuộc chiến nghiêng
về phía
Miền Bắc, dư luận thế giới hình như chỉ còn nhớ cảnh tướng
Loan xử bắn tù binh ngay trên đường phố. Hôm sau,
Horst Fass, trưởng phòng hình ảnh AP, thay vì gọi điện thoại than phiền
với
Trưởng Đài Vô Tuyến Điện Thoại, anh viết văn thư tố cáo gã chuyên viên
trẻ,
Jeune Technicien, nhân viên Bưu Điện làm cho UPI, đã gửi hình trong giờ
giới
nghiêm. Sau cùng mọi chuyện cũng ổn thỏa, vì ngay những ngày đầu biến
cố Mậu
Thân, khi hai bên đang tranh giành từng viên gạch, hoặc đánh cuộc xem
tao Dù
hay mày Biệt Động Thành, ai chết trước tại Đài Phát Thanh Sài-gòn ngay
kế bên,
khi đám quân cảnh Mỹ đang vật lộn tay đôi với Việt Cộng tại Tòa Đại Sứ
Hoa Kỳ
cách đó cũng không xa, gã chuyên viên trẻ do nhà ở cạnh Đài, lại đúng
đêm trực
nên đã một mình "tử thủ", sau thêm tay phóng viên AP được đám lính
Dù, lính chiến xa mở vòng kẽm gai cho vào bên trong phòng tuyến. Gã
chuyên viên
trẻ đã chuyển hình cho AP, giùm ông bạn già trước cũng nhân viên Bưu
Điện nhưng
bị An Ninh Quân Đội cho đi nằm ấp một thời gian dài, khi được thả bị
Bưu Điện
cho về hưu non, do có kẻ tố cáo ông là Việt Cộng nằm vùng ngay từ hồi
còn ông
Diệm. Sự thực ông bị một đồng nghiệp mưu hại chỉ vì nhất định không vào
đảng
Cần Lao hay tham gia phong trào Cách Mạng Quốc Gia. Những ngày đầu
tháng Tư, AP
đề nghị cho cả gia đình ông đi Mỹ, nhưng ông từ chối.
Bao
nhiêu năm, quãng đời vẫn bám cứng. Những giây phút tuy
chết chóc, tuy kinh hoàng nhưng sao vẫn có vẻ chi quyến rũ, chi kỳ cục.
Cảm
giác của một người tuy biết rằng có thể chết bất cứ lúc nào nhưng vẫn
loay
hoay, cựa quậy: Gã chuyên viên trẻ lui cui chỉnh tín hiệu máy chuyển
hình, như
đây là tấm cuối cùng, đặc biệt nhất, chất lượng nhất. Gã phóng viên
người Mẽo
cao như cây sào, chẳng biết một chút gì về máy móc, kỹ thuật, nhưng
cũng chăm
chú theo dõi, như để nhắc nhở nếu có gì sai sót, và không quên lom
khom, cố thu
gọn cái thân xác kềnh càng sao cho bằng gã chuyên viên người Việt, ý
như vậy là
đồng đều nếu chẳng may có một viên đạn bất ngờ. Cả hai cùng lúc nhoài
người
xuống sàn nhà, có khi còn trước cả một tiếng nổ lớn ngay phía dưới chân
building, hay ở Đài Phát Thanh liền bên. Những lúc tiếng súng tạm
ngưng, trong
khi chờ Tokyo xác nhận chất lượng buổi chuyển hình, và quyết định tấm
nào cần
lập lại, cả hai chăm chú theo dõi biến động trên bản tin AP, UPI qua
máy viễn
ký, có cảm giác vừa ở bên trong vừa bên ngoài những giây phút nóng
bỏng, và
chiến tranh cho đến lúc này, vẫn còn thuộc về những kẻ kém may mắn hơn
mình.
Bao
nhiêu năm vẫn còn giữ nguyên cảm giác rụng rời, trong
đêm khuya vì mệt mỏi quá thiếp đi, khi giật mình thức giấc, thản nhiên
bật đèn,
thò đầu ra bên ngoài cửa sổ, thấy từng mũi súng trên tháp chiến xa giận
dữ ngó
thẳng khuôn mặt trắng bệch, tách bạch từng sợi tóc đang dựng đứng...
Có
đêm, khoảng ba giờ sáng, chợt thức giấc, mở cửa căn phòng
nhỏ có gắn máy lạnh và được ngăn tiếng động, ban ngày dùng làm studio
cho đám phóng
viên các hãng thông tấn truyền hình đọc tin về hãng chính và cùng lúc
cho cả
thế giới. Khi chiến tranh leo thang, nhất là sau vụ nổ tại nhà hàng Mỹ
Cảnh
khiến gã chuyên viên và ông Trưởng Đài suýt mất mạng nếu không có sự
thông cảm
của số mệnh, vào phút chót đã kiếm giùm hai người thế mạng, Bưu Điện
cho thành
lập Trung Tâm Báo Chí, Press Centre tại khu Thương Xá Rex và Trung Tâm
USO ở
đường Nguyễn Huệ cho đám quân nhân Mỹ, khi đó cuộc sống tại đỉnh cồn
mới trở
lại bình thường, và bớt mùi nơm nớp sợ sệt. Buổi sáng sớm không còn
cảnh mở cửa
ra cầu thang thấy một anh GI nằm ngủ ngon lành, chờ làm người khách
hàng đầu
tiên nói chuyện với vợ con gia đình. Hoặc cảnh một cô điện thoại viên
dẫn anh
chàng ngoại nhân vào phòng studio, khi trở ra anh khóc ròng: Giờ này đã
nửa đêm
gần sáng, vậy mà vợ anh không có nhà. Thời gian đầu, Bưu Điện chỉ có
một mạch
vô tuyến điện thoại trực tiếp với Oakland, California qua hệ thống cao
tần HF,
máy móc sử dụng do người Pháp để lại nên ba trật bốn vuột, và chỉ trao
đổi điện
đàm cao lắm là hai hoặc ba tiếng đồng hồ. Rồi cuộc chiến bắt đầu thực
hiện
những điều cam kết tàn khốc. Ông Diệm chết. Người Mỹ đổ quân xuống bãi
biển Đà
Nẵng, hy vọng mở ra một Normandie thứ hai tại Á Châu, lập lại lịch sử,
lần
trước là Phát-xít, Quốc Xã, lần này biết đâu là Cộng Sản. Đám diều hâu
kên kên
ký giả, phóng viên, đánh mùi xác chết, thèm mùi danh vọng, biết đâu một
"Chuông Gọi Hồn Ai", một "Mặt Trận Miền Tây..." tái xuất
hiện nơi đầm lầy nhiệt đới này. Đám tài phiệt ATT ở Mỹ, RCA Manila,
Cable/Wireless
Hongkong... ngửi mùi tiền, đổ xô vào Việt Nam.
Sốt
sắng nhất là RCA Manila. Được lời mời của Bưu Điện, họ
phái ngay hai chuyên viên Phi Luật Tân qua Sài-gòn giúp thành lập mạch
viễn ký,
đường điện thoại viễn liên Sàigòn-Manila (vô tuyến điện), Manila-New
York (cáp
ngầm dưới biển). Trong bữa tiệc chia tay tại nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, số
phận run
rủi xui khiến gã chuyên viên nẩy ý định tốt, nhường hai ông bạn mới
quen chỗ
ngồi phía trong, nhìn ra mặt sông, ngắm cảnh Thủ Thiêm, những con đò
đưa khách
qua lại hoặc mua vui trên sông, những ánh đèn rực rỡ từ những con tàu
đùa giỡn
cùng sóng nước. Như đã được chỉ định làm vật tế thần, hai ông bạn Phi
vừa mới
chân ướt chân ráo tới Sài-gòn, chưa được thưởng thức gái đẹp, đồ ăn
ngon, phong
cảnh hữu tình, đã hứng giùm hầu hết những mảnh mìn Claymore từ phía bờ
sông
thổi xuống. Một bị mảnh mìn cưa ngang cổ họng chết tại chỗ. Một bị
thương nặng,
được chở cấp tốc về căn cứ Clark Phi luật Tân, vài ngày sau chết vì
xuất huyết
nội sau khi giải phẫu. Gã chuyên viên trẻ suýt cụt một cánh tay, nếu
không nhờ
tài giải phẫu của Bác Sĩ Daney, người Pháp, làm việc tại nhà thương
Grall. Vậy
mà anh ta cũng không làm sao từ bỏ được cái tật khuỳnh tay lên thành
ghế.
Có
khi vào khoảng hai ba giờ sáng, như người khách tuy không
được Cõi Âm mời gọi nhưng vẫn cố tình mò tới, như bị người chết, những
gã phóng
viên, nhiếp ảnh viên người Mỹ, người Nhật... dựng dậy, gã chuyên viên
trẻ mở
cửa căn phòng nhỏ, bước ra ngoài nhìn đám máy móc quen thuộc. Ra bao
lơn nhìn
ngang tầm thành phố. Ngọn đèn đỏ lập lòe trên tháp Đài Truyền Hình,
trên tháp
Đài Viba Bưu Điện. Những hàng cây đen sẫm trong đêm. Những ngọn đèn
đường lạnh.
Bãi đất trống bên dưới chân Đài. Những vòng kẽm gai quấn quanh tòa nhà.
Những
người lính gác trong những công sự cá nhân quanh quất đâu đó... Chính
vào những
lúc cô đơn như thế, vẫn thường tự hỏi đã yêu thương cô bạn, kể từ lúc
nào...
Khi
chưa gặp nhưng đã tưởng tượng ra một hình bóng, một dáng
dấp tuy mảnh mai yếu ớt, nhưng cũng thật bướng bỉnh cứng cỏi, tuy sẵn
sàng chịu
đựng, sẵn sàng tha thứ cho lỗi lầm của kẻ khác, kể cả lỗi lầm của định
mệnh,
nhưng không thể nào cho phép cuộc chiến, cuộc đời, hoàn cảnh sống và
nhất là
những người khác làm xấu đi, hủy hoại, hoặc tiêu diệt. Một hình ảnh kết
tụ của
khí hậu, đất đai, mùa màng, cây cối... thay thế những nuối tiếc chắt
chiu,
những khô cằn, khắc nghiệt, mặc cảm côi cút, bất hạnh: Tất cả đã chết,
lần thất
thểu dưới mưa, chạy theo một cô bé con với một ý tưởng thật ngây ngô
tức cười,
nhưng cũng thật cảm động: "Anh yêu em bởi vì anh yêu Hà-nội."
Hay
ngay khi gặp lần đầu nhưng tất cả đều đã muộn, đã không
thể sửa chữa được, và đó là ý nghĩa của thảm kịch, thần thánh cũng phải
cúi đầu
khuất phục.
Hay
những lần gặp sau đó, những buổi tối ngồi trò chuyện ở
phòng khách trong khi mấy đứa em, mấy cô bạn ở chung nhà đã lui vào
phía trong.
Kể cô nghe những chuyện lặt vặt ở sở, cuốn phim vừa coi, cuốn sách vừa
đọc, xứ
Bắc Kỳ xa xôi, và Hà-nội. Nghe cô kể những năm học trường quận lỵ,
trung học Mỹ
Tho, đại học Đà Lạt. Nghe cô giảng giải về một miền đất không hoàn toàn
giản
dị. Phải nhạy cảm lắm mới nhận ra chút dấu hiệu thật mơ hồ, mong manh:
Mối tình
lúc đầu giống như chớm thay đổi thời tiết. Tự nhủ thầm cô bạn chắc
không nhận
ra, và sẽ chẳng bao giờ dám thú nhận. Sau này nhớ lại, đã thực sự yêu
thương,
không phải lần vì quá cô đơn, lén viết lên trang tiểu thuyết Tô Hoài cô
đang
đọc, trong lúc cô lui vào trong, Je vous aime, nhưng khi tới báo tin
đứa em
trai tử trận, không gặp, đành nhờ một cô bạn ở chung nhà nói giùm, tin
chắc cô
sẽ hiểu.
Và
trong những đêm ngồi canh xác đứa em tại nhà Hội thị xã
Sóc Trăng, chờ máy bay đưa về nghĩa trang quân đội Gò Vấp mai táng,
trong lúc
loay hoay thắp từng cây nến trên quan tài bị gió thổi tắt, hay nhặt
nhạnh từng
mẩu nến, đốt lên ngọn lửa ngồi xúm quanh, chia nhau chút hơi ấm, hơi
lạnh của
người đã chết, nghe những người lính, viên sĩ quan cùng đơn vị nói về
những
ngày đầu chuẩn uý tới nhậm chức, những giờ phút cuối... Trong những giờ
phút
thê lương vẫn nghĩ rằng một ngày nào sẽ kể lại tất cả.
Sau
cùng phải cảm ơn cô bạn đã cho có đủ thời giờ kể hết mối
tình. Con chó dại trong một phút cô đơn, tỉnh táo không còn sợ hãi cái
bóng của
chính nó. Những lần từ biệt cô trên đường trở về, thành phố những đêm
run rẩy
chờ đợi những đợt pháo kích bất thần giáng xuống. Những ngã tư đường
chằng chịt
những vòng kẽm gai. Có những khoảng đường phải xuống xe dẫn bộ. Đôi khi
đi lầm
vào một quãng đường cấm phải đi ngược trở lại. Trong bóng đêm nhợt nhạt
của
những ngọn đèn đường, nhìn thấy những mũi súng đen sâu thăm thẳm chứa
đầy ngờ
vực đe dọa. Nhìn thấy hết mọi nỗi bi thương, nếu chẳng may sinh ra mà
không
được gặp cô bạn, nếu chẳng may bị cô hất hủi, nói không, nói không thể
yêu,
không thể hiểu được tình yêu là gì. Nhiều lần tới nhà khi đã quá khuya,
trong
nhà đèn đã tắt, tất cả chắc đã yên ngủ từ lâu: Hoặc hết sức muốn gặp.
Muốn nhìn
thấy bóng dáng. Nghe tiếng chân di động. Tiếng lách cách mở cửa. Rồi
tiếng nói,
tiếng nói... Muốn liều lĩnh đập cửa ầm ầm. Bắt buộc cô hốt hoảng trở
dậy, vội
vã bật đèn, vội vã mở cửa. Bắt buộc cô phải nghe, phải nói, phải gật
đầu ưng
thuận, trong khi không có thì giờ để phân vân, cân nhắc...
Hoặc
không hề có ý định gặp. Không hề trông mong cô sẽ giúp
đỡ, thông cảm... Đứng yên lặng trước mái hiên hàng giờ, nghe tiếng
chuột chạy
trên đám lá khô, tiếng mèo kêu thảm thiết trên mái ngói, chờ cơn cuồng
nộ vô
ích tàn lụi dần rồi thất thểu rời con ngõ. Một lần xe hết xăng, đứng xớ
rớ ngay
giữa mặt lộ, mơ hồ hy vọng một tên khùng, một thằng say, hay một người
lính ban
cho một cái chết lãng nhách, nhưng ít ra còn có thể giải thích như một
tai nạn.
Sau cùng một người đi đường đã thương tình kéo về tận đỉnh cồn. Nơi làm
việc là
tầng lầu trên cùng của một building, bất động sản của người Pháp. Những
đêm
trực thường lợi dụng những lúc rảnh rỗi giao Đài cho người phụ ca, lấy
xe chạy
vòng vòng. Ghé quán cà phê khu Đa Kao, nơi đứa em từng ngồi dán lưng vô
tường
chờ Thần Chết dựng dậy. Quán cà phê túi, hủ tíu Tầu khu ngã Sáu
Sài-gòn, hồi
tưởng những ngày còn đi học, cuốn sách trên tay, ly hồng xà trước mặt
và cứ thế
ngồi suốt buổi. Ghé sạp thuốc lá, mua từng điếu lẻ, một thói quen từ
hồi còn đi
học, sống bằng sự yêu thương đùm bọc của Bà Trẻ trong căn nhà ở cuối
hẻm Đội
Có, Phú Nhuận. Ghé sạp báo mua một tờ có đăng truyện chưởng Kim Dung.
Lướt qua
những hàng chữ lớn nơi trang nhất. Một lần đọc thấy tin quận lỵ quê cô
bạn bị
pháo kích, sáng sớm hôm sau vội ghé nhà rồi cả hai ra bến xe đón những
chuyến
đầu tiên từ lục tỉnh lên. Khi biết cuộc pháo kích không gây thiệt hại
nghiêm
trọng, đã đánh bạo rủ cô ra Sài-gòn. Đó có lẽ là lần du ngoạn đầu tiên.
Một
lần trên đường về, khi chạy xe đến gần khu chợ Bến
Thành, từ xa đã nhìn thấy một gói đồ nằm giữa mặt lộ, đường Trần Hưng
Đạo, dưới
ánh đèn chói lòa. Có tiếng súng nhỏ rồi tiếng còi xe Quân Cảnh thổi dạt
xe cộ,
người đi đường qua hai bên. Khi cơn báo động hoảng đã qua đi, trong một
thoáng
bỗng nhận ra vẻ tiều tụy của thành phố. Của mối tình. Ngay cả những
giây phút
êm đềm ngồi quây quần bên mấy đứa em, mấy cô bạn, vẫn cảm thấy cực kỳ
cô đơn,
có cảm giác như không còn thương yêu nổi ai, đã tự lừa dối khi nghĩ
rằng đã yêu
thương cô bạn. Đã lấy mức độ pháo kích làm thước đo tình yêu, đã lầm
tiếng hỏa
tiễn là tiếng reo hò đắc thắng của mối tình: Nhiều khi quẩn trí còn
mong mỏi
thành phố bị pháo kích hoài hoài để được sống mãi mãi những giờ phút
thê thảm
nhất của mối tình. Những ngày Mậu Thân căng thẳng, Đại Học đóng cửa, cô
bạn về
quê, nỗi nhớ bám riết vào da thịt thay cho cơn bàng hoàng khi cận kề
cái chết
theo từng cơn hấp hối của thành phố cùng với tiếng hỏa tiễn réo ngang
đầu.
Trong những giờ phút lặng câm nhìn bóng mình run rẩy cùng với những
thảm bom
B52 rải chung quanh thành phố, trong lúc cảm thấy còn sống sót, vẫn
thường tự
hỏi, phải yêu thương cô bạn một cách bình thường, giản dị như thế nào
cho cân
xứng với cuộc sống thảm thương như vậy...
1969
(2)
Mối
tình tưởng tượng nhưng luôn có cảm tưởng cuộc chiến coi
nó như kẻ thù, luôn soi mói rình rập, khi nhắn nhủ khi đe dọa, phải chi
mi đừng
tưởng tượng ra một cô bạn tuyệt vời như vậy, phải chi mi bớt yêu thương
cô bạn
đi một chút, số phận không phải của riêng mi mà biết đâu của cả dân tộc
sẽ bớt
chút thê thảm. Khi cô bạn tìm được người bạn đời, mi không còn trông
cậy vào
đâu để chạy trốn nỗi cô đơn, đành trốn chui trốn nhũi vào trong mớ sách
vở, và
khi hết còn chịu đựng nổi, đã tàn phá đời mi thay vì chịu thua... Đó
những ngày
trên khuôn mặt người dân Sài-gòn khi ra đường còn nguyên vẻ hốc hác mất
ngủ,
xen đôi nét mừng rỡ vì đêm qua Việt Cộng tha không pháo kích vô thành
phố. Hằng
đêm, họ không còn được nghe lời ân cần chúc đồng bào ngủ ngon, xin đồng
bào vặn
nhỏ chiếc la-dô để khỏi làm phiền bà con lối xóm. Thay vào đó là một
giọng nói
đã được gột bỏ mọi rào đón: Tên những người phải trình diện theo lệnh
Tổng Động
Viên, nghe như đã thuộc tài nguyên của một thế giới khác, những con số
kèm theo
tên mỗi người ít ra còn chút ý nghĩa vì chúng cho biết sắp tới lượt ai
được
Thần Chết coi giò coi cẳng...
Nhà
cô bạn lúc này đã dời vô Chợ Lớn. Căn nhà cũ, khu chung
cư Nguyễn Thiện Thuật, tuy không bị thiêu rụi trong biến cố Mậu Thân
nhưng cũng
không còn có thể ở được. Phần hồn của nó đã chết theo cả khu, còn chút
nào cô
gái đem theo cùng với cô về cuộc đời mới, một buổi tối làm như tình cờ
ghé qua,
thấy tất cả đều lạ mặt. Cảnh vật, con người còn tỏ vẻ giận dữ, như thể
mi là
nguồn cơn của mọi tai họa, tại mi mà cô ta rời khỏi chỗ này... Vậy mà
khi đến
lượt trình diện, thời tiết Miền Nam những ngày cận Tết, lần đầu tiên
nằm giường
sắt Quang Trung, tự nhủ thầm đứa em trai cũng có thể đã từng nằm đúng
trên
chiếc giường sắt lạnh lẽo này... Khi đã bớt bi thương, vẫn khuôn mặt cô
bạn từ
trong căn nhà đứng nhìn ra, vẫn mũi súng đen ngòm ngó sâu vô mắt, đêm
nào từ
nhà cô bạn về đã quá giờ giới nghiêm, một người lính từ đáy sâu thành
phố đột
nhiên xuất hiện. Anh chàng như bực tức vì đã phải chờ đợi giây phút này
từ đời
kiếp nào, như hả hê vì bắt được quả tang, mũi súng đen ngòm đầy hăm dọa
tra
hỏi, nhưng cũng đầy đau thương trắc ẩn: "Có phải mi yêu thương cô
bạn?", và cứ thế khăng khăng chối miết :"Không, Không!"... Ba
mươi năm sau, tưởng vết thương đã lành, tưởng không chỉ mọi người mà
ngay cả
chính mi cũng đã quên đi, Thần Chết cũng bỏ qua, hoặc chính nó cũng bị
đánh
lừa, hả hê trong nỗi chiến thắng, như vậy mi không hề chịu thua định
mệnh, đúng
vào lúc đó, mọi chuyện lại bắt đầu, còn thê thảm hơn ngày nào, bởi vì
bây giờ
đâu còn chiến tranh để mà ăn vạ. Không những vậy, bây giờ mi còn một
người vợ
mà mi chưa từng nói được một lời yêu thương an ủi, còn mấy đứa nhỏ đã
trưởng
thành, hoàn toàn do người vợ đau khổ của mi nuôi nấng, dậy dỗ...
Đột
nhiên nhớ những ngày ở Trung Tâm Ba Tuyển Mộ Nhập Ngũ.
Nhớ cái chết của anh chàng thanh niên tuy cách xa chừng chục tuổi nhưng
cùng
trình diện một đợt. Bởi vì đối với mi, nếu không có biến cố Mậu Thân và
sau đó
là lệnh Tổng Động Viên, chắc gì đã có dịp được nằm giường sắt Quang
Trung. Mấy
ngày đầu bỡ ngỡ, suốt ngày ngồi câu lạc bộ, hoặc bên ly cà phê, hoặc
bận rộn
với mấy trái bida, đêm nằm co quắp trên chiếc giường sắt. Đúng vào thời
điểm
này, bài Tình Nhớ của Trịnh Công Sơn vừa được tung ra. Khoảng nửa đêm,
một tay
nào chắc nhớ nhà, nhớ bồ, hay chính nỗi cô đơn của mi cứ thế huýt sáo
mãi điệu
nhạc... Bây giờ mỗi khi tình cờ, hoặc cố tình nghe lại, có cảm tưởng
bài nhạc
vẫn cất giữ giùm nỗi chia xa Sài-gòn trong khi cuộc chiến, trước mắt là
những ngày
tháng gian khổ nơi quân trường đang chờ đợi, nỗi nôn nóng mong được gặp
lại cô
bạn nếu mai kia có dịp trở lại Sài-gòn. Nhưng kỳ diệu, không, phải nói
thê
thảm, bài nhạc vẽ rõ bộ mặt, tuy non nớt tuy thẫn thờ ngơ ngác, còn
nguyên nét
học trò lần đầu tiên xa mái trường, lìa gấu áo mẹ, nhưng vẫn toát ra vẻ
bướng
bỉnh, liều lĩnh của một con bạc dốc hết túi làm cú đánh cuối cùng: Để
phản đối
chiến tranh, thay vì trốn tránh, cưỡng lại lệnh trình diện nhập ngũ,
cậu thanh
niên chờ chiếc xe GMC đang chạy hết ga, từ bên lề đường ngay phía bên
ngoài câu
lạc bộ, lao ra hứng trọn...
Đợt
trình diện đó có đủ mặt "anh hào". Thì vẫn đám
bạn bè từng ngồi chung bàn ở quán Cái Chùa, cùng ngửi mùi mực in quán
Văn đường
Phạm Ngũ Lão. Quán có ông chủ già rất lịch lãm, và ưu ái anh em văn
nghệ, chẳng
bù cho ông thư ký tòa soạn Trần Phong Giao, bảo hoàng hơn vua, lúc nào
cũng
nhăn nhó trong cách tính trang, tính tiền nhuận bút, và nhất là trong
việc giúp
đỡ những người chưa thành danh muốn nhờ bảng hiệu nhà xuất bản Nguyễn
Đình Vượng.
Cậu thanh niên hình như chưa từng bỏ sót một số báo Văn, "văn kỳ
thanh" nào Nguyễn Xuân Hoàng, nào Huỳnh Phan Anh... lần này gần như gặp
đủ
mặt. Sau khi cậu ta tự tử chỉ hùi hụi tiếc một điều, nếu biết trước đã
kéo cả
bọn tới trình diện. Bởi vì Huỳnh Phan Anh, bị ám ảnh bởi những ngày "đổ
mồ
hôi nơi quân trường thay vì đổ máu nơi trận địa", cộng thêm những lời
hù
dọa của những anh chàng ra vẻ hiểu biết những trò "huấn nhục" sắp
tới, khiến căn bệnh bao tử đột nhiên lên cơn, đêm nào cũng dùng cái
thùng nước
lèo của mi làm chiếc gối; còn Nguyễn Xuân Hoàng vốn bô trai nên lúc nào
cũng
quanh quẩn bên mấy nữ tiếp viên câu lạc bộ; cuối cùng chỉ có còn mi, để
quên đi
nỗi nhớ, để đỡ bồn chồn chờ ngày nghỉ phép cuối tuần gặp lại Sài-gòn,
gặp lại
cô bạn, đã thân cận người bạn nhỏ mê văn chương và có thể còn mê làm
cách mạng,
còn mong mỏi cái chết của mình có thể sẽ có ích, nếu không gây một
tiếng vang
nào đó thì ít ra cái mạng sống này cũng do ta quyết định. Nhưng những
người
Quân Cảnh đã mau chóng xóa sạch dấu vết, nếu còn chăng, đối với mi, là
khuôn
mặt trẻ thơ không chút dấu hiệu cho biết đây là người được Thần Chết
tuyển
chọn, không thông qua cuộc chiến...
Đêm,
vẫn đêm đêm, như hồn ma cố tìm cách nhập xác, như tên
trộm muốn đánh cắp thời gian đã mất, mi một mình trở lại Sài-gòn, quán
Cái
Chùa. Những buổi sáng ghé 19 Ngô Đức Kế, nếu không có Radiophoto cần
chuyển,
thay vì như người ta trở về nhà chở vợ đi ăn sáng rồi đưa tới sở làm,
mi chạy
xe dọc đường Tự Do, ngó con phố bắt đầu một ngày rồi ghé quán Cái Chùa
làm
người khách thứ nhất, chẳng cần ra dấu, người bồi bàn tự động mang tới
ly cà
phê sữa, chiếc bánh croissant, và mi ngồi trầm ngâm tưởng tượng cô bạn
chắc giờ
nầy đang ngó xuống trang sách, cuốn tập tại giảng đường Văn Khoa khi đó
đã
chuyển về đường Cường Để, cũng gần nơi làm việc, tự nhủ thầm buổi trưa
có nên
giả đò ghé qua, tuy vẫn ghi danh chứng chỉ Triết Học Tây Phương nhưng
gặp ông
thầy quá hắc ám đành chẳng bao giờ tới Đại Học, nếu có chăng thì cũng
chỉ lảng
vảng ở khu chứng chỉ Việt Hán. Rồi lũ bạn rảnh rỗi cũng dần dần tới
đủ... Lại
vẫn những lời châm chọc, khích bác lẫn nhau, đó cũng là một cách che
giấu nỗi
sợ, nếu đủ tay thì lại kéo tới nhà Nguyễn Đình Toàn làm canh xì.
Nhà
Toàn ở ngay dưới chân building nơi hàng ngày làm việc,
số 7 Phan Đình Phùng, Đài Phát Thanh Sài-gòn số 5, Trung Ương Cơ Xưởng
Vô Tuyến
Điện số 11: nhiệm sở đầu tiên sau khi ra trường. Một nửa tòa nhà sau bị
phá bỏ
lấy chỗ xây cất Trường Quốc Gia Bưu Điện, thay vì học nhờ trường Quốc
Gia
Thương Mại ngay đầu đường Phạm Đăng Hưng đối diện nhà thờ Phan-xi-cô.
Hai năm
trời làm công việc sửa chữa máy móc từ các đài địa phương gửi về, lâu
lâu vì
nhu cầu công vụ, lại một thầy, một đệ tử, thường là một chú nhỏ học
việc, một
chiếc công xa đã được chuyển bảng xe thành số dân sự, phòng ngừa dọc
đường gặp
mấy ông du kích giải phóng, hai thầy trò làm một chuyến viễn du tới một
đài địa
phương, thời gian yên tĩnh trước cơn bão tố, trước khi gặp cô bạn...
Quen
tác giả Chị Em Hải một bữa tình cờ cùng ăn sáng tại
quán phở 44 đối diện Đài Phát Thanh Sài-gòn. Ông chủ quán cùng làm Bưu
Điện giữ
việc tháng tháng phát tiền. Toàn tới làm quen, tự giới thiệu và đề nghị
viết
cho Văn. Vợ Toàn là một trong những người đầu tiên đọc bản thảo truyện
ngắn
"Thời Gian". Khi Toàn đưa đến nhà giới thiệu, Bà tuyên bố một câu
xanh rờn :"Anh đúng là văn sĩ mê gái!". Không ngờ câu nói trở thành
định mệnh. Y hệt Bà biết rất rõ, cái cảnh thất thểu chạy theo một cô bé
con nơi
cổng trưởng Đại Học Khoa Học, đại lộ Cộng Hòa, không phải tận cùng mà
là bắt
đầu. Y hệt Bà biết rất rõ cô bạn tuy hai người chẳng hề gặp nhau. Sau
truyện
ngắn là lần gặp gỡ Nguyễn Đình Vượng và Trần Phong Giao ở quán Cái
Chùa. Ông
già rất trịnh trọng, đúng tác phong protocole. Tiền nhuận bút để trong
phong
bì. Ba trăm đồng, thời ông Diệm mới bị giết là một món tiền đủ cho một
buổi gặp
gỡ tại quán Ngân Đình, ngay cột cờ Thủ Ngữ ngó qua Thủ Thiêm, nơi mi
suýt đi
theo ông Diệm.
Bởi
vì nếu ông Diệm còn sống, có thể không có vụ người Mỹ đổ
quân tại Đà Nẵng, và sau đó là cả một đám kên kên, diều hâu, ký giả,
phóng viên
ngoại quốc đổ xô vào Việt Nam. Mi đâu có dịp kết bạn cùng hai chuyên
viên Phi
Luật Tân làm cho hãng RCA Manila. Theo lời mời của Bưu Điện, họ sang
Sài-gòn
giúp thành lập mạch viễn ký dành cho báo chí ngoại quốc, cuối cùng bỏ
mạng tại
nhà hàng nổi Mỹ Cảnh trong vụ Việt Cộng đặt hai trái mìn dàn chào đám
quân nhân
Mỹ mới tới, xác được mang về Manila, những nạn nhân đầu tiên của mạch
thông tin
liên lục địa qua cáp ngầm dưới đáy bể. Nhưng ký giả đầu tiên hy sinh
tại chiến
trường Việt Nam là Huỳnh Thành Mỹ, nhiếp ảnh viên hãng thông tấn AP...
Trong
số những ký giả, phóng viên chiến trường chết tại Việt
Nam, Huỳnh Thành Mỹ là người đầu tiên, và được nhắc nhở nhiều nhất, ít
ra cũng
giữa đám đồng nghiệp tại hãng AP. Cuộc chiến khi đó tương đối còn sớm
sủa, nếu
chỉ tính về con số tử vong. Thần Chết còn mải thăm dò con mồi, chưa lựa
chọn
nạn nhân giữa đám người lăng xăng với cái máy chụp hình, cái camera,
cuốn sổ
tay, như thể ba thứ đồ linh tinh, cộng thêm mớ dây nhợ lằng nhằng, kể
luôn cả
hai chữ báo chí, Press, gắn trước ngực, là những bùa trừ tà, súng đạn
phải
tránh né.
Những
buổi sáng, nếu có Radiophoto, khi xong việc, hoặc ở
lại sở phụ giúp một đồng nghiệp làm ca sáng, chờ tới trưa coi UPI có
hình cần
chuyển, hoặc theo ông Hưng, đồng nghiệp làm cho hãng AP tới văn phòng
hãng này,
ở tầng lầu phía bên trên passage Eden, nhìn bức hình Huỳnh Thành Mỹ
phóng lớn
treo trên tường, uống ly cà phê kiểu Mỹ, nói dăm ba câu tiếng Tây với
Horst
Fass, trưởng phòng hình ảnh, rồi cùng ông Hưng đi kiếm mấy cuốn truyện
"série noire" của một tay bán sách dạo ở một con hẻm chật cứng giữa
hai bức tường gần bên tiệm thuốc tây trên đường Tự Do. Trường hợp không
có
Radiophoto, thường ngồi trơ cu lơ một mình trong lúc chờ bạn bè tại một
bàn tại
góc quán Cái Chùa, mơ màng tự hỏi không biết sáng nay cô bạn có giờ học
tại Văn
Khoa hay không, mơ màng tưởng tượng chiến tranh rồi sẽ qua đi, cô bạn
rồi sẽ
gặp một người chắc chắn hơn hẳn mi: Một người hoặc không nợ nần gì cuộc
chiến
nên không bị nó hành hạ đến trở thành khật khùng, hoặc thừa thông minh,
thừa
khôn ngoan để cùng cô thoát ra khỏi, cho dù người đó có yêu thương cô
hay không
thì mọi chuyện cũng chẳng liên can chi tới mi.
Buổi
tối hôm đó khi ở nhà cô bạn ra về đã quá giờ giới
nghiêm, mi bị một người lính bất thần chặn lại, lúc đó mi như nhìn thấy
nỗi
chết hiện ra qua mũi súng đen ngòm ngó sâu vô mắt, mi như sống lại
những kỷ
niệm, cảm giác, lần đầu tiên xuống xe đò, Cai Lậy đã xế chiều và đang
tan chợ.
Mi ngu ngơ lạ hoắc giữa phố thị đang trong cơn hối hả thu dọn. Khi đi
ngang qua
cây cầu gỗ, bất thình lình đại bác từ chi khu bắn đi. Ầm một tiếng.
Không gian
chao đảo. Cây cầu gỗ run lẩy bẩy. Mặt nước sông nhăn nhó... Giây phút
đó mi mới
nhận ra một điều thật tầm thường là chiến tranh có thực, và những gì mi
tưởng
tượng ra về một cô bạn chưa từng gặp, tất cả đều có thực, ba mươi năm
sau, mi
mới hiểu ra, đó chỉ là một nửa ý nghĩa của thảm kịch...
Hoặc
ba hoa trò chuyện chán chê với đám bạn bè cho tới khi
không còn kiếm ra một câu nói thật độc địa, thật cay đắng về nhau, về
một cuốn
sách vừa được xuất bản, một bài thơ, một truyện ngắn vừa được đăng báo,
tựu
chung cũng chỉ để quên đi một chốc một lát, hoặc may lắm một nửa buổi
không nhớ
tới cô bạn. Rồi cũng tàn câu chuyện, đám bè bạn từng đứa bỏ ra về.
Huỳnh Phan
Anh có thể đã đến giờ lên lớp, có thể bực mình vì thằng bạn Bắc Kỳ đổi
tên cuốn
truyện, Thất Lạc thành Thật Lạt, nhại cách nói của dân miền Nam. Còn
Nguyễn
Xuân Hoàng có lần bỏ quán Cái Chùa đến cả tuần lễ, chỉ vì cũng vẫn
thằng bạn
khốn nạn bầy đặt viết bài phê bình, giới thiệu cuốn sách mới ra lò của
anh,
Sinh Nhật, bị đổi thành Sinh Nhạt, và bài phê bình mang tên Đi Tìm Một
Chiếc Mũ
Đã Mất, nhại theo Proust. Bao nhiêu năm trời nhớ lại mới thấy càng thù
ghét cái
phần thâm căn cố đế, cái bản chất thâm độc nơi đáy sâu thân thể, bao
nhiêu năm
tháng, mưa gió, khí hậu, con người, vùng đất hiền hòa không sao gột rửa
nổi. Ba
mươi năm sau mới thấy nhớ, thấy thương bạn bè, đứa còn đứa mất, chẳng
đứa nào
được may mắn với cõi sống, cõi viết. Nguyễn Đình Toàn ở Việt Nam, nghe
nói mắt
cũng đã mờ. Huỳnh Phan Anh vợ con vượt biển không được may mắn. Còn
Nguyễn Xuân
Hoàng bây giờ lại ôm lấy tờ Văn, chẳng biết có nên cơm cháo gì hay
không...
Khi
đã gần trưa, gã chuyên viên trẻ bèn ghé hãng, không biết
làm gì xoay qua đổ xí ngầu với Tư Râu, người chuyên mang hình lên Đài
để chuyển
đi. Rồi cuộc chiến ăn sâu tới tận xương tận tuỷ Miền Nam. Có những lần
Tư Râu
phải chạy lên chạy xuống hàng chục bận, từ 19 Ngô Đức Kế - con phố nhỏ
gần bờ
sông, đâm ra Công Trường Mê Linh, có tượng Đức Trần Hưng Đạo tay chỉ
hướng sông
hướng biển khuyên con cháu sau này lấy "nước" mà dựng
"đất", do vậy mà có dân tộc "Boat People"- tới Đài Liên Lạc
Vô Tuyến Điện Thoại Quốc Tế, số 7 Phan Đình Phùng. Mỗi bận như vậy, có
khi chỉ
để mang một tấm hình vừa mới rửa xong, từng tấm một vì không thể chờ
đợi, những
tấm kia còn đang trong phòng tối, hoặc còn tươi mùi thịt sống, còn khét
mùi bom
đạn đang được cấp tốc từ chiến trường gửi về. Một lần trong khi chạy
xe, anh
may mắn chụp được hình, đúng ra là tử thi viên Bộ Trưởng Giáo Dục Lê
Minh Trí,
bị hai tay đi xe gắn máy thả một trái lựu đạn vô xe trên đường Nguyễn
Du.
Huỳnh
Thành Mỹ là nhiếp ảnh viên hãng AP đầu tiên bỏ mạng
trong khi UPI, người đầu tiên bị cuộc chiến làm cho sống dở chết dở là
Nguyễn
Thành Tài. Anh là người giới thiệu gã chuyên viên trẻ cho UPI, ngay sau
khi AP
có mạch vô tuyến viễn ảnh. Một lần, vì quá đói hình, anh mò lên, nghe
đâu khu
Long Thành, gạ một người lính làm "người mẫu" cho anh chụp một série
hình, cảnh một anh lính trúng đạn Việt Cộng, buông rơi súng rồi từ từ
khuỵ
xuống. Đối với một chuyên viên sử dụng camera, chuyện này quá thường,
nhưng với
một nhiếp ảnh viên, đây là một hành động đòi hỏi sự gan dạ, bình tĩnh,
làm chủ
bản thân, làm chủ tình hình... Bạn cứ thử tưởng tượng trong lúc súng nổ
đạn bay
mà cứ bình chân như vại, căn từng chút ánh sáng, lấy từng góc độ cho
không phải
một, mà năm, bẩy tấm hình nghệ thuật, chụp một người trúng đạn đang từ
từ... từ
giã cõi đời.
Hình
đem về hãng, rửa ra, gây chấn động trong đám phóng
viên, nhiếp ảnh viên UPI. Viên trưởng phòng hình ảnh tuyên bố, kể từ
chiến
tranh Algérie đến nay mới lại có một série hình độc đáo như vậy. Trước
mắt, Tài
được thưởng "Nhiếp ảnh viên số một trong tháng". Câu chuyện đúng ra
không ngừng ở con số một đó, vì tiếp theo vinh quang, tiền bạc của ngày
hôm
nay, còn giải thưởng Pulitzer của ngày mai. Nhưng không ngờ khi hình
được đăng
lại trên báo chí Việt Nam, đám cảnh sát Tổng Nha ngửi thấy mùi là lạ
qua cái
tên Việt Nam, Nguyễn Thành Tài. Giá tên một nhiếp ảnh viên người Nhật,
người Mỹ
thì lại không sao. Họ bèn liên lạc với tiểu khu, nơi có trận đánh xẩy
ra. Sau
khi được xác nhận không có một trận đụng độ, chạm súng nào trong thời
gian đó,
họ sau cùng kiếm ra anh lính đã tử trận nhưng vẫn còn sống. Tài bị kết
tội
"phá hoại tinh thần chiến đấu của quân đội Việt Nam Cộng Hòa." Sau vụ
đó, anh hết còn được UPI tin tưởng. Trong một lần theo hành quân, anh
bị mảnh
mìn muỗi cài giữa đám lá cây xớt qua mang tai, không may chạm dây thần
kinh,
trở thành ngớ ngẩn, sau cùng bị UPI cho thôi việc.
1996
"J'écris
depuis que tu me lis
Les mots sont en retard sur nos vies"
Christian Bodin (L'inespérée)
(Tôi viết kể từ khi em đọc
Chữ sao muộn màng so với đời sống của chúng ta)
Đau
khổ nhất là những ngày cô bạn đi lấy chồng. Vẫn những
ngày tháng ngây ngô bên mớ máy móc, nghe tiếng người nói xôn xao từ
những thành
phố xa lạ phía bên ngoài địa ngục, qua đường dây điện thoại viễn liên,
mơ màng
tưởng tượng chiến tranh rồi sẽ qua đi, cô bạn rồi sẽ hạnh phúc, hạnh
phúc...
Hết còn nỗi ngây thơ tưởng mình ở trên cao, trên tận đỉnh cồn, thấy
hết, hiểu
hết. Vẫn những đêm dài điên cuồng đuổi theo bóng mình sợ hãi trốn sâu
dưới đáy
địa ngục, trong những hang cùng ngõ hẻm thành phố, chạy hoài, chạy
hoài, không
còn nơi để ghé, không còn chỗ để ngừng... Chỉ mong gặp lại những hồn ma
quen,
những gã phóng viên người Nhật, người Mỹ, hai gã chuyên viên Phi Luật
Tân, để
hỏi coi họ có còn luyến tiếc đất nước này hay không, chỉ muốn la lớn,
tôi yêu
em, tôi yêu em, cho cả thế giới, cả loài người đều nghe...
Cho
người chết gật đầu thông cảm.
Nguyễn
Quốc Trụ
Chú
Thích: Cõi Khác, phần đầu [1969 (1)], là một ấn bản -
version - "khác", của Kiếp Khác, đã đăng trong Những Ngày Ở Sài Gòn ,
tập truyện, nhà xb Đêm Trắng, Sài Gòn, 1970. Phần sau được viết tại hải
ngoại,
đã đăng trên một tờ báo địa phương ở Canada,
sau trên Văn Học (Cali).
Không nhớ
rõ số mấy, ngày mấy.
|