nqt 

Tác Giả Việt Nam

Phỏng vấn TXT














TIẾN SĨ MỸ GỐC VIỆT TRỊNH XUÂN THUẬN

Nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới

13:45' 30/06/2004 (GMT+7) 

 

Những thế giới đầy rẫy các hố hình miệng núi lửa. Ảnh do tàu Voyaer 1 chụp 1980 cho thấy 6 trong 18 mặt trăng đã biết của Thổ tinh. Do không có khí quyển bảo vệ nên bề mặt của vệ tinh này đầy những hố hình miệng núi lửa, bằng chứng câm lặng về sự tàn khốc của những va chạm trong quá khứ.

 

Giáo sư - Tiến sĩ người Mỹ gốc Việt - Trịnh Xuân Thuận là một nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới. Cả cuộc đời ông dành cho thiên văn học. Ông không chỉ nghiên cứu vũ trụ với tư cách một nhà thiên văn mà còn nghiên cứu nó ở góc độ triết học. Trịnh Xuân Thuận còn là một nhà văn nổi tiếng viết về vũ trụ. Những tác phẩm của ông chủ yếu nghiên cứu về thiên văn nhưng đẫm chất văn chương và triết học như: Giai điệu bí ẩn (1988); Số phận của vũ trụ, Big Bang và sau đó (1992); Hỗn độn và hài hòa (1998), Cái vô hạn trong lòng bàn tay (2000); Nguồn gốc và nỗi buồn (2003)... Ông hiện là giáo sư ĐH Virginia (Mỹ)

 

GS - TS Trịnh Xuân Thuận đối với giới khoa học Việt Nam hoàn toàn không xa lạ, bởi vì ông là nhà vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới. Còn với bạn đọc Việt Nam, đặc biệt trong giới nhà văn, nhà thơ, ông để lại nhiều ấn tượng qua tác phẩm nổi tiếng: Giai điệu bí ẩn. Đây là một tác phẩm phổ quát về thiên văn nhưng được viết bởi một cái nhìn giàu mỹ cảm của một nhà thơ. Nhà thơ Lê Đạt sau khi đọc tác phẩm này đã viết: "Tôi đinh ninh rằng tác giả của nó là một nhà thơ thứ thiệt". Đó cũng là lý do vì sao tác phẩm về thiên văn vũ trụ của ông được nhiều người đón nhận.

 

Trịnh Xuân Thuận là một nhà vật lý thiên văn đặc biệt. Cái nhìn của ông về vũ trụ đầy cảm hứng và sáng tạo. Tất cả đều có nguồn gốc của nó, bởi Trịnh Xuân Thuận được hấp thu một nền văn hóa phương Tây lẫn phương Đông một cách căn bản.

 

Thời thơ ấu và trưởng thành

 

 

Nhà vật lý thiên văn  Mỹ gốc Việt Trịnh Xuân Thuận

 

Trịnh Xuân Thuận là con của một quan chức làm việc trong chính quyền người Pháp ở VN, sau đó là chính quyền miền Nam. Sau ngày miền Nam được giải phóng, cha ông được đưa đi tập trung cải tạo. Chính Trịnh Xuân Thuận khi ấy biết cha mình sức khỏe kém nên từ Pháp ông viết một bức thư nhờ Thủ tướng Phạm Văn Đồng can thiệp để cha ông được tự do. Trong tác phẩm Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận ông tâm sự rằng không tin bức thư đó đến tay Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Nhưng nó đã đến và cha ông được tự do ngay sau đó.

 

Trịnh Xuân Thuận sinh năm 1948, tại Hà Nội, từng sống tại Hà Nội, Đà Lạt, Sài Gòn... Học trung học tại Trường Jean Jacques Rousseu (nay là Trường PTTH Lê Quý Đôn - TPHCM). Thời kỳ học trung học tại Jean Jacques Rousseau để lại trong ông những kỷ niệm khó quên. Ông tâm sự rằng mình ham thích tất cả các môn học. Cả văn học và triết học cũng như vật lý, toán, cả lịch sử và địa lý nữa. Theo ông, đây là một thời kỳ đầy hứng khởi về trí tuệ: Cả một thế giới tri thức được mở ra rộng lớn. Ông từng viết về thời kỳ đó: "Nền giáo dục mà tôi tiếp thu ở Trường J.J. Rousseau là một nền giáo dục hạng nhất. Sau này khi theo học ở các trường ĐH của Thụy Sĩ và Hoa Kỳ, tôi không hề cảm thấy thua kém so với các sinh viên khác". Xong tú tài, năm 1966 ông du học Thụy Sĩ, sau đó được học bổng sang học tại Hoa Kỳ. Tốt nghiệp Học viện Công nghệ California (CALTECH), bảo vệ Luận văn Tiến sĩ tại Đại học Princeton. Trong lĩnh vực nghiên cứu thiên văn, Trịnh Xuân Thuận có nhiều đóng góp, trở thành nhà vật lý thiên văn nổi tiếng. Ông sống độc thân và dành cả cuộc đời để nghiên cứu thiên văn.

 

Một nhà khoa học, một nhà văn, một phật tử tự do

 

 

Trong giới khoa học, nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận quá nổi tiếng. Với bạn đọc rộng rãi ở VN, nhiều người biết ông qua 3 tác phẩm nổi tiếng đã được Phạm Văn Thiều dịch ra tiếng Việt, đó là cuốn Giai điệu bí ẩn (NXB Khoa học và Kỹ thuật), Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận (Tạp chí Tia Sáng - NXB Trẻ), Hỗn độn và hài hòa (NXB Khoa học và Kỹ thuật - Phạm Văn Thiều, Nguyễn Thanh Dương dịch).

Trịnh Xuân Thuận thấm nhuần văn hóa Pháp, là công dân và làm việc tại Hoa Kỳ, viết những công trình khoa học bằng tiếng Anh, nhưng viết những tác phẩm về vũ trụ lại bằng tiếng Pháp - thứ tiếng mà ông cho là mình tinh thông nhất. Điều đáng nói là ở những tác phẩm kể trên Trịnh Xuân Thuận viết về vũ trụ nhưng đọc dễ hiểu, được viết bởi một nhà khoa học giàu mỹ cảm, bằng tư duy lô-gích của một nhà khoa học, nhà triết học và trí tưởng tượng của một nhà thơ sành sỏi thiên văn. Chính kiến thức sâu rộng, đa dạng trên nhiều lĩnh vực của Trịnh Xuân Thuận, những khái niệm về thiên văn mà ông trình bày trở nên mềm mại, óng ả. Đó cũng là phương pháp của ông để đưa thiên văn học gần gũi với mọi người: "Tác phẩm này dành cho những chính nhân (honnête homme), những người không có một hành trang kỹ thuật, nhưng tò mò muốn biết không chỉ những điều kỳ lạ mới nhất của khoa học ở thế kỷ XX mà cả những hệ quả triết học và thần học của những thành tựu đó" (tựa tác phẩm Hỗn độn và hài hòa). Chính phương pháp đó cũng được sử dụng trong Giai điệu bí ẩn và đưa nó trở thành tác phẩm best - seller ở Pháp và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Có lẽ đó cũng là lý do đưa Trịnh Xuân Thuận, một công dân Mỹ lại có mặt chính thức trong phái đoàn của Tổng thống Mitterrand thăm VN năm 1993. 

 

GS-TS Trịnh Xuân Thuận là một phật tử tự do, ông bộc bạch: "Tôi theo đạo Phật, tôi chiêm nghiệm thế giới theo triết lý Phật giáo nhưng với cái nhìn của nhà khoa học. Ấn tượng toàn diện của tôi với thiên nhiên xuất phát từ nền văn hóa mà tôi hấp thụ, giúp tôi nắm vững toàn bộ kiến thức. Tôi nhìn thấy cả cánh rừng chứ không chỉ cây cối trong rừng".

 

Những tác phẩm tiêu biểu của Trịnh Xuân Thuận

 

 

Giai điệu bí ẩn: Vũ trụ bí ẩn? Từ ngày xưa con người cảm giác như vậy và tìm cách chinh phục, khám phá nó. Ánh trăng huyền hoặc, những vì sao lấp lánh, dãy ngân hà bí ẩn hấp dẫn các nhà thơ bởi nó... bí ẩn! Với Trịnh Xuân Thuận, cũng với niềm hứng khởi ấy nhưng ông muốn sờ mó được vũ trụ bao la và ông dắt ta vào cuộc phiêu lưu vĩ đại của khoa học. Đây là cuốn sách dành cho "những người nghiêm túc" (chữ dùng của Trịnh Xuân Thuận), phác thảo chi tiết lịch sử của vũ trụ, có quá khứ, tương lai và cả vũ trụ hiện tại - vũ trụ Big Bang - khám phá quan trọng nhất của thiên văn học hiện đại. Với ông: "Tự nhiên không hoàn toàn câm lặng. Giống như một dàn nhạc ở xa, nó thường trêu ngươi hé lộ với chúng ta những nốt hoặc những đoạn nhạc rời rạc. Tuy nhiên không bao giờ nó cho chúng ta biết tổng hòa của những nốt nhạc đó và cũng không tiết lộ cho chúng ta bí mật về giai điệu của chúng. Bằng cách nào đó chúng ta cần khám phá ra bí mật của cái giai điệu bí ẩn ấy đặng nghe được trọn vẹn bản nhạc với tất cả vẻ đẹp hoàn mỹ của nó". Người đọc sẽ rất thú vị khi đọc những vấn đề tác giả đặt ra như: Vũ trụ có luân hồi không? Mặt trời sẽ tắt, Proton bất tử hay sẽ chết... Đặc biệt chương Chúa và Big Bang với những vấn đề lý thú: Chúa và thời gian, Chúa và quá trình phức tạp hóa, Chúa và sự sống, Chúa và ý thức... Phong cách, tư duy, "ngôn ngữ vũ trụ" của Trịnh Xuân Thuận trong tác phẩm này khiến các nhà thơ, nhà văn, nhà ngôn ngữ học phải suy nghĩ.

 

Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận: Đây là cuộc đối thoại giữa nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận với nhà báo Pháp Jacques Vauthier, cả những tự sự của Trịnh Xuân Thuận về cuộc đời, sự sống, ý thức... Một cuộc đối thoại lý thú. Trong Giai điệu bí ẩn, Trịnh Xuân Thuận đề cập đến sự sống, trong đó có đề cập đến vai trò của Chúa. Còn trong cuộc đối thoại này ông đề cập đến những ý niệm của đạo Phật trên nền tảng tư duy của nhà thiên văn học và là một phật tử tự do. Người đọc có cảm giác rằng những bài toán phức tạp của không gian, những triết thuyết Phật giáo có sự gặp nhau. Đó là cái chết của các vì sao xa trái đất hàng tỉ tỉ năm ánh sáng, thậm chí chính cái chết sẽ đến với mặt trời - sự sống. Nó có liên quan đến những khái niệm nhà Phật như "nghiệp", "luân hồi", "niết bàn" và cả đạo nhà - đạo thờ cúng ông bà của người VN.

 

 

Bìa tác phẩm Hỗn độn và hài hòa

 

Hỗn độn và hài hòa: Quan niệm của Newton về vũ trụ rời rạc ngự trị trong suốt 300 năm. Giờ thì khác, các định luật vật lý cũng đã mất đi tính cứng nhắc. Sự ra đời của cơ học lượng tử, cái ngẫu nhiên đã ồ ạt bước vào thế giới nội nguyên tử. Trong cái hỗn độn bao la của vũ trụ là sự hài hòa. Tự nhiên đã sử dụng những nguyên lý vật lý tinh vi để áp đặt cho thế giới vật lý một sự thống nhất và hài hòa sâu sắc. Trịnh Xuân Thuận muốn rũ bỏ sự kiềm tỏa của quyết định luận (determinisme) để tự do sáng tạo, dẫn đến một thế giới quan mới mẻ. Trên suy nghĩ sáng tạo đó, chương Chân lý và cái đẹp, Trịnh Xuân Thuận luận về một vấn đề mỹ học muôn thuở: cái đẹp. Một tác phẩm rất lý thú cho những ai muốn tìm hiểu về vũ trụ.

 

 

 Sự hỗn độn của các quỹ đạo sao

 

Nguồn gốc, nỗi buồn: Báo Le Monde số ra ngày 06.12.2003 giới thiệu cuốn sách này như sau: "Cho đến nay, chưa có cuốn sách phổ biến khoa học nào có được cái nhìn độc đáo như vậy. Nhưng nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận theo đạo Phật còn đi xa hơn. Với ông, lịch sử vũ trụ vĩ đại chỉ là sự gắn kết các sự việc, những thảm họa vô tình làm nảy sinh ý thức hệ. Ngược lại, những quy luật tự nhiên, tổ chức vật chất có liên quan làm hạn chế phạm vi cái có thể. Tóm lại, theo Trịnh Xuân Thuận, vũ trụ có giác quan". Tác phẩm có 7 chương, ông dành 6 chương đầu viết về sự tiến triển của vũ trụ từ Big Bang cho đến khi xuất hiện ý thức hệ; giai đoạn hình thành các giải ngân hà, các vì sao, các hành tinh... cho đến sự sống. Chương 7, chương đặc biệt, ông đặt câu hỏi cho tương lai của chúng ta: "Tôi không muốn che giấu nỗi buồn. Trí thông minh như con dao hai lưỡi. Con người có thể lên mặt trăng nhưng cũng có thể chơi trò phù thủy để phá hỏng cả hành tinh chúng ta". Ông chỉ ra những vấn đề đang tàn phá trái đất như nạn phá rừng, ô nhiễm, hiệu ứng nhà kính, biến đổi gien, sinh sản vô tính...

 

 

Cái vô hạn trong lòng bàn tay: Tác phẩm viết chung với Matthieu Ricard, mà báo chí Pháp gọi đây là cuộc đối thoại giữa một nhà khoa học trở thành Phật tử (tức tiến sĩ sinh học Matthieu Ricard) và một phật tử trở thành nhà khoa học (Trịnh Xuân Thuận). Tác phẩm này xuất bản ở Pháp (NXB Nil-Fayard 2000) và ngay lập tức nó được dịch ra 12 thứ tiếng. Bản dịch ở Hoa Kỳ có tên là Lượng tử và hoa sen. Hiện dịch giả Phạm Văn Thiều đang dịch tác phẩm này ra tiếng Việt, dự kiến sẽ ấn hành ở VN cuối năm 2004. Theo Phạm Văn Thiều, nếu bạn cầm cuốn này trên tay, bạn không thể bỏ xuống được, bởi đó là cuộc đối thoại rất lý thú xung quanh các vấn đề của vũ trụ, sự sống, ý thức hệ... xen lẫn với các triết thuyết nhà Phật.

 

Đọc những tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận cũng là một cách về nguồn lý thú, như nhà thơ Lê Đạt đã viết: "Vật lý thiên văn là một phương thức về nguồn rộng lớn và sâu xa nhất, vì con người vốn là một bộ phận của vũ trụ. Hay nói như các nhà thiên văn học: "Một hạt bụi của những vì sao". (Trích lời tựa của Lê Đạt cho tác phẩm Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận - bản dịch tiếng Việt).

 

XUÂN HẠO

[Nguồn: Người Viễn Xứ]