Phỏng vấn giáo sư Trịnh Xuân Thuận.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận người
Hà Nội, Việt Nam. Sau khi học trung học [trường Pháp] tại Sài Gòn, ông
tiếp tục học tại Caltech và Princeton, Hoa Kỳ. Giáo sư thiên văn tại
đại học Virginie, còn là tác giả Giai điệu bí ẩn, La Mélodie secrète,
[tủ sách Folio/tiểu luận], được rất nhiều người đọc.
[Trích lời
giới thiệu Hỗn Mang và Hài Hòa; Sự cấu tạo Cái Thực, Le Chaos et L'
Harmonie: La Fabrication du Réel, tác giả Trịnh Xuân Thuận, nhà xb
Gallimard, tủ sách Folio/Essais]
"Cuối thế kỷ
20 là một đảo lộn thực sự quan niệm của chúng ta về thế
giới. Sau khi thống trị tư tưởng Tây Phương 300 năm, viễn quan Newton
về một vũ trụ gẫy đoạn, mang tính cơ học, và do định mệnh mà có, đã
nhường chỗ cho cái nhìn về một thế giới toàn cục [holistique, trái với
fragmenté, gẫy đoạn, của Newton], bất định [trái với định mệnh thuyết
của Newton, và sau này, của Einstein], và đầy rẫy, xum xuê tính sáng
tạo...."
Trịnh Xuân
Thuận
Paris, Tháng
Tám, 1997
[Trích Lời Nói
Đầu cuốn Hỗn Mang và Hài Hòa]
Tin Văn
Giáo sư Trịnh
Xuân Thuận: "Cần giàu có cả về trí thức"
TTCN
- Đầu tháng 5-2004, nhân chuyến thăm Paris của giáo sư Trịnh Xuân
Thuận, Vietsciences đã tiến hành một cuộc phỏng vấn ông. Giáo sư Trịnh
Xuân Thuận bảo vệ luận án tiến sĩ vật lý thiên văn tại Đại học
Princeton năm 1974, hiện giảng dạy tại Đại học Virginia.
Ông
là chuyên gia hàng đầu về dải Ngân hà,
đã viết gần 200 bài tiểu luận về sự hình thành các yếu tố trong Big
Bang và thiên hà cùng với sự tiến triển của chúng. Giáo sư còn là tác
giả của bảy quyển sách bán chạy nhất, đã được dịch ra 15 thứ tiếng,
trong đó ba quyển đã được dịch sang tiếng Việt là Nói chuyện với Trịnh
Xuân Thuận; Giai điệu bí ẩn... và con người đã tạo ra vũ trụ; Hỗn độn
và hài hòa. Vietsciences gửi bài phỏng vấn này cho TTCN.
*
Thưa giáo sư, giáo sư có gặp những
khó khăn mà một người Việt Nam có thể gặp phải khi bước vào lĩnh vực
nghiên cứu khoa học nói chung và ngành vật lý thiên văn nói riêng? Xin
giáo sư cho những lời khuyên mà theo giáo sư là quan trọng đối với
người bắt đầu nghiên cứu khoa học.
-
Tốt nhất, sinh viên VN muốn theo ngành
khoa học thì nên học giỏi ngoại ngữ để có thể đọc các bài tiểu luận
khoa học, để đi dự hội nghị, bàn luận với đồng nghiệp, trình bày ý nghĩ
của mình và công việc nghiên cứu của mình cho các đồng nghiệp. Cụ thể
phải giỏi tiếng Anh là ngôn ngữ mà bất kỳ ai làm công việc nghiên cứu
khoa học đều phải biết.
Người
theo đuổi ngành vật lý thiên văn
phải giỏi môn toán vì ngôn ngữ vũ trụ là ngôn ngữ toán học. Khi tôi học
để lấy cử nhân vật lý ở Caltech, và sau đó lấy tiến sĩ môn vật lý thiên
văn ở Princeton, tôi phải lấy song song các bài giáo khoa về toán.
Nên
tìm trường thật tốt, có thật nhiều
thầy giáo giỏi. Tôi đã chọn trường nổi tiếng nhất tại Mỹ là Đại học
Princeton - nơi Einstein đã dạy, và Viện Kỹ thuật Caltech - nơi có
những thầy giáo giỏi nhất thế giới và nhiều vị đã đoạt giải Nobel. Các
nhà bác học tại Caltech đều là người đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu
của họ và họ đã dạy tôi cách suy nghĩ để tìm ra những điều mới mẻ. Tôi
may mắn được học các thầy giáo nổi tiếng như Richard Feynman, Murray
Gell-Mann, William Fowler, Lyman Spitzer... và được các thầy trực tiếp
dạy cho chúng tôi những kinh nghiệm của chính họ.
*
Theo giáo sư, làm thế nào để có thể
truyền đạt sự hiểu biết hay thu nạp kiến thức nhiều hơn và nhanh hơn
trong lĩnh vực khoa học?
-
Tôi không thích lối học thuộc lòng như
con vẹt. Thầy cô giáo phải dạy cho sinh viên hiểu cách nào để gặp một
vấn đề thì biết cách giải các vấn đề mới khác. Giáo dục cần nhất là
phải hiểu và biết cách nghĩ để giải quyết bất cứ vấn đề nào. Điều đó
cần nhất. Phải khuyến khích óc sáng tạo của học trò thay vì buộc các em
học thuộc lòng.
Đừng
nghĩ thầy giáo lúc nào cũng đúng.
Tôi thích nhất là nếu có được những người học trò có thể giúp tôi hiểu
biết thêm, vượt qua tôi càng tốt. Nếu thầy giáo nhầm, học trò, tuy vẫn
tôn trọng thầy giáo, song phải nói ra điều đó với thầy giáo. Một nền
giáo dục tốt khi đào tạo những người không bao giờ sợ. Đừng bao giờ sợ
nói sai. Những suy nghĩ tốt cần phải được nói ra chứ đừng im lặng.
*
Hiện giáo sư có đang phát triển tiếp
những lý thuyết hay công trình nào mới?
-
Công việc tôi đang làm là nghiên cứu
các thiên hà đang thành hình như thế nào. Mấy tuần trước tôi có viết
bài tiểu luận về đề tài này. Số đông các thiên hà hình thành 1 tỉ năm
sau Big Bang, nghĩa là cách ta 13 tỉ năm ánh sáng, nên rất xa, ánh sáng
rất yếu, rất khó khảo cứu; còn những thiên hà trẻ thì rất hiếm. Bởi vậy
một trong những công việc tôi đang làm là phát hiện các thiên hà trẻ và
nhỏ (blue compact dwarf galaxy). Tôi đang khảo sát thiên hà I Zwicky 18
chỉ cách Trái đất 50 triệu năm ánh sáng. Đối với vũ trụ có bán kính là
14 tỉ năm ánh sáng, khoảng cách đó rất là nhỏ.
I
Zwicky 18 đã được nhà thiên văn học
lỗi lạc người Thụy Sĩ Fritz Zwicky (1898-1974) khám phá vào năm 1966.
Đây là một thiên hà bất bình thường không có dạng đĩa phẳng, rất giàu
khí hydrogen và có rất ít các nguyên tố nặng. Điều đó có nghĩa là không
có nhiều ngôi sao sinh ra trong quá khứ của I Zwicky 18. Tôi đã dùng
kính thiên văn Hubble của NASA để chụp ảnh I Zwicky 18 và đã khám phá
rằng tuổi các ngôi sao già nhất trong I Zwicky 18 không quá 500 triệu
năm. Đối với tuổi của vũ trụ là 14 tỉ năm, 500 triệu năm chỉ là một
“chớp nhoáng”. Vậy I Zwicky 18 là một thiên hà trẻ con đang thành hình.
*
Tháng tư vừa qua, NASA cho phóng phi
thuyền Gravity Probe B nhằm kiểm nghiệm lý thuyết Tương đối rộng của
Einstein. Theo giáo sư, sự kiện này có ý nghĩa gì đối với nền thiên văn
học?
-
Trước đây 40 năm, khi ba giáo sư vật
lý ở Đại học Stanford đề nghị phóng phi thuyền Gravity Probe B, thì
điều đó hết sức cần thiết cho hiểu biết của con người về vũ trụ. Đáng
tiếc là mãi 40 năm sau các chuyến bay của Gravity Probe B mới bắt đầu.
Khoa học đã tiến bộ quá nhanh so với cách đây 40 năm. Mục đích của
Gravity Probe B là thí nghiệm kiểm chứng thuyết Tương đối rộng của
Einstein.
Nhưng
trong 40 năm qua, lý thuyết
Einstein đã được kiểm chứng rất nhiều lần rồi. Lý thuyết Einstein nói
rằng hai sao neutron do trọng lực rất mạnh sẽ phát xạ sóng trọng trường
và mất năng lượng, và sẽ rơi vào nhau. Quĩ đạo của hai sao neutron
chung quanh nhau càng ngày càng nhỏ đi, vì hai sao neutron mất năng
lượng nên chúng quay càng ngày càng bớt nhanh. Những quan sát thiên văn
cho chúng ta thấy sự quay chậm dần của sao neutron đúng y như thuyết
Tương đối tổng quát của Einstein đã tiên đoán.
Như
vậy, tôi nghĩ rằng Gravity Probe B
cũng sẽ hoàn toàn xác nhận lý thuyết Einstein, sẽ không đem lại điều gì
mới lạ lắm. Đối với tôi, kính thiên văn không gian Hubble mang lại lợi
ích hơn nhiều. Thật đáng tiếc là sau khi tàu con thoi Columbia bị nổ
tung vào tháng 2-2003, NASA đã hủy bỏ các dịch vụ cho Hubble. Nếu không
có các dịch vụ này thì trong 2-4 năm nữa sẽ không thể dùng Hubble được
nữa. Đó sẽ là một mất mát lớn cho các nhà thiên văn trên thế giới.
*
Theo giáo sư, trong điều kiện của VN
hiện nay, ngành học về thiên văn và vũ trụ có thể phát triển trong các
trường học và các cơ quan nghiên cứu hay không? Giáo sư có dự định như
thế nào để giúp đỡ các thế hệ đi sau?
-
Theo tôi, VN nên bắt đầu nghĩ đến
ngành thiên văn. Bắt đầu bằng những kính thiên văn nhỏ cho sinh viên
quan sát những hành tinh xa hơn Trái đất như sao Mộc, sao Thổ...
Hè
này tôi về VN một tháng để gặp các vị
hiệu trưởng những trường đại học ở Hà Nội và TP.HCM. Tôi sẽ nói về việc
trao đổi giữa các đại học VN và Mỹ. Cần có những sinh viên qua các đại
học Mỹ học rồi trở về phát triển ngành thiên văn. Đó là chuyện lâu dài
nhưng phải bắt đầu gieo mầm để một ngày kia sẽ thành cây.
Vật
lý thiên văn là khoa học thuần túy
không có áp dụng thực tế. Dù nước mình còn nghèo nhưng cũng phải nghĩ
đến kiến thức, phải có căn bản hiểu biết thì mới có thể trao đổi, bàn
luận với các nước khác. Tôi nghĩ mình cũng cần giàu có cả kiến thức chứ
không nên chỉ nghĩ đến cái giàu vật chất.
[Trích Tuổi Trẻ Online]
|