*

 









*


[Hình do NQT chụp,
tại nhà riêng, tại Hà Nội, 2001]

Hoàng Ngọc Hiến

Đọc Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 

Lời người giới thiệu: Nhân chuyến về Hà Nội, được gặp giáo sư Hoàng Ngọc Hiến và như để kỷ niệm buổi trưa hôm đó, ông tặng bài viết sau đây. Ông cho biết thêm, đây chỉ là bản sơ thảo.
Cám ơn tác giả, và xin trân trọng giới thiệu bạn đọc.
NQT

Tôi đọc văn học Việt Nam hải ngoại, không có thời gian để nghiên cứu. Có lần gặp nhà văn Tô Hoài, ông đưa tôi xem một cuốn sách và nói: "Tôi mới mượn được bộ tiểu thuyết này, lời giới thiệu rất hay". Lần sau gặp lại ông nói với tôi: "Hóa ra người viết bài giới thiệu chưa đọc tác phẩm". Như vậy nghiên cứu mất thì giờ hơn nhưng có khi dễ hơn đọc, vì có thể chưa đọc mà vẫn có thể viết được một bài "nghiên cứu" rất hay. Tôi làm công việc đọc những tác phẩm văn học hải ngoại, những bạn đồng nghiệp am hiểu mảng văn học này làm cho tôi bản danh sách tối thiểu, tôi đến thư viện Yên Kinh (Đại học Harvard) tìm sách đọc, đi California kiếm những cuốn thư viện không có, tuy vậy, vẫn còn thiếu… Từ những ấn tượng đọc tác phẩm nảy sinh nhiều vấn đề, tôi chọn những vấn đề đáng quan tâm nhất. Sau đây là những suy nghĩ của tôi về những vấn đề này.
Văn học Việt Nam hải ngoại trước hết là văn học.
Đánh giá một tác phẩm văn học hải ngoại, câu hỏi đầu tiên là giá trị văn học của nó (nó có đáng là một tác phẩm văn học không?), không mấy ai đặt câu hỏi về tính chất hải ngoại của nó, hoặc đó chỉ là câu hỏi phụ. "Văn học Việt Nam hải ngoại trước hết là văn học" có nghĩa là như vậy.
Đã có sự thảo luận về cách đặt tên: văn học di tản, văn học lưu vong, văn học ngoài nước… Nếu như văn học di tản trước hết là văn học, văn học lưu vong trước hết là văn học, văn học hải ngoại trước hết là văn học… thì sự khác biệt giữa những tên gọi không đến nỗi quan trọng như ta nghĩ. Trong văn học Việt Nam hải ngoại có mảng vẫn được gọi là "chống cộng" đối lập với mảng văn học vẫn được gọi là "thân cộng". Tưởng chừng như có một vực thẳm giữa hai mảng văn học này. Nhưng nếu như sự đối sánh được đặt ra trên quan niệm: văn học "chống cộng" cũng như văn học "thân cộng" trước hết là văn học, thì sự đối lập vẫn còn nhưng nó bị lu mờ bên cạnh sự thống nhất của phẩm giá "đáng gọi là văn học". Giữa một tác phẩm "thân cộng" hay và một tác phẩm "chống cộng" dở, độc giả "chống cộng" hẳn sẽ chọn tác phẩm "thân cộng" hay (để đọc cho mình). Ngược lại, trong thâm tâm độc giả "thân cộng" vẫn thích đọc một tác phẩm "chống cộng" hay hơn là một tác phẩm "thân cộng" dở. Đấy là nói một cách rạch ròi. Vấn đề ở đây thực ra phức tạp hơn rất nhiều. Đọc cũng như sáng tác văn học thuộc lĩnh vực mỹ học là đất của tâm xả (tôi mượn chữ nhà Phật), đó là tâm thế buông bỏ những thành kiến và cố chấp, những phân biệt cứng nhắc và giả tạo thiện/ác, xấu/đẹp, cấp tiến/bảo thủ…
Thế nào là có phẩm giá "đáng là văn học"?
Có thể nêu lên nhiều phẩm giá. Tôi chú ý đến tính nhân loại phổ biến của văn học (còn gọi là tính nhân bản đại đồng).
"Bây giờ còn quá sớm – Nguyễn Mộng Giác viết - để phân biệt đâu là những bài viết có tính cách tuyên truyền giai đoạn và đâu là những tác phẩm văn chương có giá trị lâu dài, nhưng theo kinh nghiệm xưa nay, những tác phẩm đấu tranh chính trị chỉ sống được lâu khi nào nó vượt qua những giới hạn giai đoạn, đề cập được những vấn đề chung muôn thuở của nhân sinh (1). "Đề cập những vấn đề chung muôn thuở của nhân sinh," đó là tính nhân loại phổ biến của văn học.
Nhận xét tác phẩm "Chuyện một người di cư [nhức đầu] vừa phải" của Nguyễn Bá Trạc, Nguyễn Mộng Giác viết:… "Chuyện của một người di cư [nhức đầu]….? Không. Đây là cuộc đời muôn thuở…. (2). Và đây là một lời đánh giá rất cao. Vì đụng đến cuộc đời muôn thuở, đó là tính phổ biến nhân loại của văn học. Giá trị văn học của tác phẩm này không chỉ ở những chuyện ngộ nghĩnh, lý thú về "người di cư nhức đầu vừa phải" mà chính là từ những "ngọt, bùi, đắng, cay" của nhân vật này, người đọc hiểu ra được những buồn, vui, khóc, cười thường tình của người đời và đời người.
Ngữ, một nhân vật yêu văn chương trong Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác, cảm thấy Natasa, Pier, Andrei… những nhân vật trong Chiến tranh và Hòa bình của Lev Tolxtoi gần gũi với mình hơn là những nhân vật trong tiểu thuyết Lê văn Trương (3). Natasa, Pier, Andrei… sống trong một thời đại cách xa thời của Ngữ gần hai thế kỷ, thuộc một đẳng cấp xã hội rất khác, ngôn ngữ, văn hoá, lối sống hoàn toàn khác…. Vậy thì cái gì khiến Ngữ cảm thấy họ gần gũi với mình? Đó là tính nhân loại phổ biến của văn học. Về bản sắc dân tộc, hẳn là những nhân vật trong tiểu thuyết Lê văn Trương gần với Ngữ hơn. Tuy vậy, như chúng ta đã biết…. Tôi không có ý làm giảm nhẹ ý nghĩa của bản sắc dân tộc trong văn học trong quan hệ mật thiết với tính nhân loại phổ biến – đó là điều tôi muốn nhấn mạnh. Tước bỏ tính nhân loại phổ biến là cách làm tốt nhất để xuyên tạc, biếm họa bản sắc dân tộc.
Cũng nhân vật Ngữ trong Mùa Biển Động, thời gian bị "đi đày" ở Bảo Chính, không cảm thấy cô đơn, nhờ hai tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du và Cao Bá Quát anh mang theo (4). Cái gì khiến Ngữ cảm thấy hai thi nhân thời xưa gần gũi với anh hơn người thời nay? Đó là tính nhân loại phổ biến của văn học.
Không sao kể hết những biểu hiện của mô-típ phổ quát và thường trực này trong văn học.
Cảm giác cái "vô nghĩa trong một sát na ngắn ngủi" (Hoàng Khởi Phong) là mô-típ ấy.
"Em không thấy rằng ta là tro bụi/Và sinh ra từ một ánh trăng suông" (Khế Iêm) cũng là mô-típ ấy.
"… tất cả tuồn tuột trôi đi, trôi đi… Nhiều lúc tôi có cảm tưởng mình như một giọt nước nhỏ sắp tan nhòa trong đại dương bao la cuộc sống" (Khánh Trường) vẫn là mô-típ ấy.
Gọi thế nào đây những tác giả viết văn ở ngoài nước: nhà văn di tản, nhà văn lưu vong, nhà văn hải ngoại… Không ít tác giả trong những người cầm bút ở hải ngoại tôi thấy gọi đơn giản bằng từ nhà văn như thế là đúng và đầy đủ, chẳng cần kèm theo bất cứ định ngữ nào. Nhà văn Nguyễn Bá Trạc sớm hiểu ra điều này. Trong thư của ông, gửi Phan Nhật Nam sắp rời Việt Nam sang Mỹ, có đoạn viết: "Nước Mỹ không phải là điểm đến. Nó là điểm khởi hành. Từ điểm này, người ta có thể bắt đầu những hành trình mới để nhìn thế giới một cách toàn bộ hơn. Nếu ông còn muốn tiếp tục viết thì cũng tốt lắm. Sau khi ổn định nên viết. Từ điểm khởi hành mới mẻ này, ông sẽ viết như một nhà văn, chứ không phải là nhà văn quân đội."(5)
 Nho giáo có câu: "Tính tương cận, tập tương viễn" (bản tính làm cho con người gần nhau, những tập quán làm cho con người xa nhau). Bản tính con người (hoặc tính nhân bản) làm cho con người ta gần nhau, đó là tính nhân loại phổ biến của văn học. Trong tập quán xã hội làm cho con người xa nhau, một số nhà văn hải ngoại mà tiêu biểu là Hoàng Khởi Phong đặc biệt chú ý đến những hệ tư tưởng "thống trị của thời đại" gieo rắc đủ thứ ngụy tín và ngụy lý, tạo ra ở chính ngay những đệ tử của nó trạng thái vô minh, nguồn gốc của không biết, của bao nhiêu hành động tai quái, mù quáng (xem Viết Lên Trời Xanh của Hoàng Khởi Phong). Có nhiều quan niệm về bản tính của con người. Tôi quan tâm đến quan niệm của nhà Phật xem bản tính con người là cái tâm của nó với những hạt giống tốt lành: từ, bi, hỉ, xả… Nếu như trong tâm địa của nó có những hạt giống xấu (sinh ra tham sân si…) mặc sức nảy nở thì tự nhiên những hạt giống tốt bị che khuất (vô minh), vùi lấp. Và tâm địa của nó trở thành đất hoành hành của những súc sinh và quỉ đói, chả mấy chốc chính nó thực sự hóa thành địa ngục, địa ngục trong đầu con người. Trong văn học Việt Nam hải ngoại có nhiều tác phẩm có giá trị nhân chứng, giá trị tố cáo cao, viết về những địa ngục ở bên ngoài: những trại cải tạo, những phòng biệt giam, cuộc sống sau ngày 30 tháng Tư của những người vô tội bị o ép, bị nhục mạ trong tình trạng bần cùng, khánh kiệt, những quãng đời trôi giạt, long đong, vô vọng nơi đất khách quê người…. Phải chăng ở đây có ảnh hưởng của truyền thống hướng ngoại của tâm tưởng phương Tây? Khi chỉ ra: "Địa ngục, đó là Tha nhân", Jean-Paul Sartre chứng tỏ rằng ông triết luận trong truyền thống hướng ngoại của tâm tưởng phương Tây. Ông phát hiện ra địa ngục ở tha nhân, tức là một địa ngục ở bên ngoài…
Trong truyện Em Điên Xõa Tóc của Kiệt Tấn, một nhân vật trí thức vượt biên rồi định cư ở Pháp tâm sự:
"…. Qua thư nhà, tôi thấy mình còn tốt phước hơn nhiều người. Như anh tôi, như bạn bè tôi đang học tập cải tạo, có thằng đã chết. Ở đó tù tội, hành xác, hành tinh thần, địa ngục triền miên. Vậy mà tôi không thấy sướng khi ở đây. Địa ngục Việt Nam tôi trốn được. Nhưng còn cái địa ngục tôi mang kè kè trong đầu, tôi biết trốn ở đâu. Mỗi chúng ta mang sẵn thiên đàng địa ngục trong tâm tưởng." (6)
Là một nhà văn am hiểu văn hóa và lối sống phương Tây, Kiệt Tấn lại hơn ai hết mang tâm thế hướng nội của triết luận phương Đông. Sartre thấy địa ngục ở tha nhân, theo cách nhìn của Kiệt Tấn, địa ngục ở ngay trong tâm tưởng mình. Hai nền văn hóa khác nhau. Nếu như Jean-Paul Sartre trước hết thấy địa ngục trong đầu của ông, hẳn là cách nhìn của ông về tha nhân sẽ khác đi, đây là cách nhìn của tôi về tương quan giữa hai nền văn hóa. Trong truyện Chỗ Trở Về (7) của Khánh Trường, nhân vật Kh. vượt biên, đến ngày thứ ba rơi vào tay hải tặc: "… tàn nhẫn, man rợ, thú vật…", "… tan hoang hồn phách, nhày nhụa xác thân…" (xem trang 62), bị "cột vào một can dầu thẩy xuống sông", "được vớt lên", "vực sống dậy", và "mang đến thiên đường mơ ước"…, ở đây dường như có tất cả những gì mà trước đây Kh. từng mơ ước ở quê nhà: "cũng nhà, cũng xe, cũng quần là, áo lượt. Kẻ đón, người đưa…", "Nhưng mà, nhưng mà…., có điều gì sai trật, rất mơ hồ, rất trừu tượng… Kh. cứ mãi nháo nhác không yên." Vì lý do gì vậy? Không phải vì "chia cách mẹ cha, anh em, họ hàng, bè bạn", không phải vì "dấu ấn đau thương kinh hoàng của mười ngày địa ngục", cũng không phải vì "ngày lại ngày công việc nhàm chán ở xưởng thợ" (xem trang 63)… Đây chỉ là những điều bên ngoài nhân vật Kh. Cuối cùng sau một cơn "sốc" tâm lý, Kh. nhận ra được nguyên nhân đích thực ở bên trong con người mình: đó là "những vọng động tối tăm ẩn tàng trong thẳm sâu con người" mình, đó là những thói xấu: thả mồi bắt bóng, tham lam, ích kỷ, đua đòi, cuối cùng chỉ bêu rếu chính mình", biến mình thành "đồ chơi cho lũ đàn ông cũng ích kỷ, tham lam, thả mồi bắt bóng" (xem trang 64), đây chính là "địa ngục" Kh. mang trong đầu mình (địa ngục không nhất thiết phải có vạc dầu, hỏa lò). Đồng thời Kh. nhận ra chân tướng mình: "một chân tướng trơn nhớt lầy nhầy như loài lươn trạch". Trong cách nhìn của Kiệt Tấn, của Khánh Trường, có ảnh hưởng sâu sắc của triết luận Phật giáo. Sau đây là một đoạn văn thiền giải Kinh A Di Đà: "Chúng ta ai cũng biết địa ngục nóng như thế nào rồi. Chúng ta đã từng ở địa ngục, đã từng bị lửa giận, lửa phiền não, lửa tuyệt vọng đốt cháy. Chúng ta cũng biết rằng tất cả những đau khổ của địa ngục đều từ trong tâm mình ra chứ không phải từ ngoài đi vào." (8) Văn học hải ngoại dầu sao ít ra cũng có đôi ba nhà văn thấy được "địa ngục ở trong đầu mình", văn học trong nước còn ít hơn nữa, thiếu hẳn đi chiều sâu của triết lý Đông phương. Dĩ nhiên trước sau rất cần những tiếng thét phẫn nộ, những lời tố cáo đanh thép đánh động công luận về sự ngang nhiên tồn tại những địa ngục bên ngoài, to và nhỏ. Tuy nhiên, chừng nào mỗi người trong chúng ta, từ những người thường dân cho đến người cầm quyền và lãnh đạo chưa biết ngó đến "cái địa ngục trong đầu mình" thì cuộc sống vẫn không khá lên được. Một trong ba tiêu chuẩn Lev Tolxtoi đề ra cho một tác phẩm văn học lớn là: phản ánh được một vài "đặc tính cốt yếu của nhân loại mà nhân loại chưa ý thức được". "Mang địa ngục kè kè trong đầu mình" là một đặc tính cốt yếu của nhân loại mà nhân loại chưa ý thức được.
Có thể xem xét tính nhân loại phổ biến từ góc độ cái "nhân loại trung bình", cái nhân loại "thường thường bậc trung", cái nhân loại của những con người bình thường, tầm thường được nhà văn Nguyễn Mộng Giác định nghĩa như sau: "con người bình thường là con người thụ động, ích kỷ, nhút nhát, rụt rè trước quyền lực, làm được cái gì cao cả cũng phải bị hoàn cảnh thúc đẩy đến chỗ không có lựa chọn nào khác, và khi ra khỏi hoàn cảnh đặc biệt ấy, lại trở về lối sống tầm thường cố hữu" (9). Cách nhìn của Nguyễn Mộng Giác là một cách nhìn thấu đáo về con người, không bi quan, không lạc quan. Vẫn có sự tin tưởng ở con người, mà đối với con người, sự tin tưởng có phần dè dặt thì cũng đúng thôi. Vả chăng, một sự chờ đợi với những mong muốn quá cao về con người, nhất là lại được nhân lên bằng những lời đại ngôn hoa mỹ, có khi càng làm ta sớm thất vọng ở con người.
Có thể hiểu tính nhân loại phổ biến từ quan niệm Mạnh Tử về con người: "con người chỉ hơn cầm thú một chút" (10), nhưng cái "chút" này có khả năng phát triển vô tận.
Nhiệm vụ của văn học là góp phần đưa cái "chút" hơn cầm thú ở con người phát triển vô tận, chí ít thì cũng giữ gìn cái "chút" đó. Cái "chút" đó, hết sức mong manh, đặc biệt dễ bị tiêu huỷ trong những ngọn lửa của tức giận và oán thù. Trong không ít tác phẩm văn học hải ngoại có những trang hoặc âm ỉ hoặc hừng hực bốc cháy lửa tức giận, hận thù. Lửa truyền sức mạnh cho sự tố cáo, sự lên án, nhất là khi hận thù có lý do chính đáng… Giận hờn và thù hận sẵn có ở những độc giả cùng cảnh ngộ với tác giả, được khơi dậy và bùng lên khi họ đọc những trang sách này. Tôi đặc biệt chú ý đến những tác phẩm trong đó tác giả tiếp cận chủ đề oán thù (và giận hờn) với cái tâm hoá giải oán thù (cái tâm này đôi khi bị chỉ trích gay gắt). Tiêu biểu cho loại tác phẩm này là truyện Cánh Cửa của Nhật Tiến. Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ thù hằn giữa Trường, một sĩ quan cải tạo và Sủng, một công an "mặt non choẹt" làm quản giáo ở trại. Vốn sẵn có thành kiến với "tất cả những thằng công an", "chúng nó không đáng làm người", "chúng nó chỉ sống theo bản năng và gần gũi với loài vật" (xem sách đã dẫn, trang 191); trước một cử chỉ hỗn láo của Sủng, Trường nổi giận và hận thù, anh "tức giận và khinh bỉ nó đến tột cùng". Cuối cùng hận thù và giận hờn được hóa giải. Không có sự "xóa bỏ hận thù". Không có sự "quên lãng hận thù". Có sự "hoá giải hận thù". Không có người đứng ra "hòa giải". Không có sự kêu gọi "lòng khoan dung" (càng ngày tôi càng nghi ngờ đức tính này). Sự hoá giải hận thù diễn ra ngay trong tâm trí của Trường. Đây là một quá trình trong đó những sự tiếp xúc gây ra những hiệu quả tâm lý nho nhỏ, nhưng hết sức quan trọng: Trường hiểu Sủng hơn, cảm thấy nó gần với mình hơn… Nhưng quá trình cơ bản là sự "quán tưởng" (contemplation) của Trường: anh tự vấn lương tâm, anh nhìn thẳng vào lòng mình để xem xét từng hành động, từng hành vi của mình, anh "vén những tấm màn che của thành kiến nông cạn" án ngự trong tâm trí anh, anh "đâm toạc bóng tối u mê của những nhận thức cực đoan, một chiều" luẩn quẩn trong lòng anh… " Sự quán tưởng ở Trường thường xuyên làm việc, kết quả là Trường tự hiểu mình hơn và cuối cùng thì anh có cảm giác tự mình "giải phóng chính mình" (xem trang 196). Như vậy hận thù và giận hờn ở Trường được hóa giải chủ yếu là do Trường tự giải phóng chính mình và Trường đã đạt được điều này bằng sự quán tưởng, dẫn đến sự tỉnh thức ngay trong thù hận của mình.
Trong trạng thái vô minh của hận thù, con người – bất kể người nào – bị "xổ toẹt" dễ dàng, huống chi kẻ thù, nó là súc vật, bị đối xử còn tệ hơn súc vật. Và không chỉ kẻ thù. Con dao được giơ lên, không chỉ để "chém cá" mà còn để "bầm thớt".
Sau đây là một cảnh trong tập hồi ký Đại học máu của Hà Thúc Sinh.
Một đám tù đương đứng tắm "chuổng cời" cạnh giếng. Bỗng nhiên quản giáo Dương xuất hiện, nhanh quá không ai kịp mặc quần áo. Những người nhanh chân nhẩy ngay đến những cái phuy đặt rải rác quanh giếng để giấu đi một phần thân thể. Bùi Vịnh, chậm chạp, khi ngó lại thì không còn cái phuy nào cả, anh đành đứng yên tại chỗ và giơ tay bụm lấy "chim".
 … Quản giáo Dương bỗng mỉm cười ác độc…."… hắn hét bảo Bùi Vịnh: Mày bỏ tay ra và giơ cao lên cho tao coi. Thân tù, Bùi Vịnh không thể nào làm được cái gì khác hơn là tuân lệnh. Anh đứng giữa sân, hai tay giơ cao, tồng ngồng như một con vượn. Tên Dương lừ một ánh mắt khinh bỉ rồi chửi: Mày có thấy mà dơ dáng dạng hình không? Mày phải nhớ rằng mày thua một con vật xét trên mặt tư cách. Vì con vật nó còn có cái đuôi, nó biết dùng cái đuôi để che giấu đi những cái không đáng khoe ra. Mày nhìn lại mày coi…"
 "Trong khi quản giáo Dương đang chửi mắng… thậm tệ thì quản giáo Hồng… từ nhà 2 bước ra phiá giếng, không cần để ý đến sự có mặt của Dương, hắn hét mấy thằng tù đang lâm nạn:
 -Mặc quần áo đi vào trong nhà, tôi nói chuyện.
 Quản giáo Dương nhìn Hồng uất ức ra mặt, nhưng có lẽ đã quá rõ tính Hồng nóng nảy, lại mang quân hàm trung uý trong khi hắn chỉ là chuẩn uý, hắn đành hậm hực bỏ đi một nước. Khi thấy Dương bỏ đi, Hồng quay lại đám tù cười cười nói nói một câu không ai ngờ:
 -Muốn tắm nữa thì cứ tắm đi. Nhưng đừng tắm truồng trước mặt nó. Thằng ấy nó mất vợ về tay ngụy các anh đấy. Cứ giơ b… ra trước mặt nó, nó thấy lẫm liệt, nó lại liên tưởng đến chuyện xưa và đâm uất lên." (Đại học máu, xb năm 1985, tr. 443-444). Đây là một trong những trang thê thảm nhất của văn học Việt Nam.
 Trong văn học ở trong nước cũng như ở ngoài nước, về chủ đề oán thù và giận hờn, có hai loại sách: một loại sách vô tình hay cố ý loan truyền oán thù, một loại sách thiên về sự hóa giải hận thù (không phải bằng những lời kêu gọi suông: nào đoàn kết, nào hòa giải, nào bỏ qua quá khứ…) mà bằng cách kiên trì vun trồng ở độc giả những nề nếp quán tưởng tạo ra sự tỉnh thức. Loại sau thuộc về tương lai. Chúng ta đương bước vào thế kỷ 21. Và "Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của sự quán tưởng hoặc sẽ không có thế kỷ 21." (André Malraux).
 Michele Janette, bạn đồng nghiệp Mỹ cùng với tôi tham gia Đề án nghiên cứu Cộng đồng người Việt hải ngoại của William Joiner Center, trong một bài phê bình cuốn tiểu thuyết Monkey Bridge (Cầu Khỉ) của Cao Lan, có phê phán cách đọc của những độc giả thiên về "hiểu tác phẩm cốt để xác nhận những gì họ cho là đúng, là phải", và dĩ nhiên, bỏ qua "những gì ngược lại, cãi lại" (11). Giá trị của tác phẩm có khi lại là ở những gì thách thức những thành kiến, thị hiếu của độc giả. Những tri thức tác phẩm đem đến cho họ thường lại là "những điều quen thuộc" mà họ "chờ đợi". Mà nếu như chỉ có vậy thì giá trị khai sáng của tác phẩm văn học là ở đây vậy? Đến đây có thể phân biệt hai loại chủ đề (và hai loại giá trị) thường thấy trong những tác phẩm văn học: chủ đề có tính chất thời sự (đặc biệt là thời sự chính trị) và chủ đề có tính nhân loại phổ biến. Những người tìm đến tác phẩm văn học, lấy nó để xác nhận những quan điểm chính trị của mình, thường quan tâm đến chủ đề thời sự.
 Đọc truyện Ngôi Nhà Sau Lưng Văn Miếu (12) của Trần Vũ, chủ đề thời sự được chốt lại trong câu nói của Mợ nhiếc móc đứa con gái nuôi là Nhài ở cuối truyện:
 -Tôi không có con gái nên nhận lầm đứa con nuôi phản phúc! Bộ chị tôi quên đi những bất hạnh chị đem đến cho gia đình này à? Tôi làm sao quên chị đã tố khổ gia đình này, đã sui người ta tra tấn cụ Cố đến tê liệt nửa thân người, đã tra điện chồng tôi đến mất trí? (13)
 Nhấn mạnh chủ đề này thì truyện của Trần Vũ chỉ là một lời tố cáo: tố cáo chế độ đấu tố trong xã hội miền Bắc trước đây. Thực ra, cảm hứng chủ đạo của truyện là ở chủ đề khác, một chủ đề có ý nghĩa nhân loại phổ biến: chuỗi nhân quả hận thù tiếp nối, hậu quả khôn lường của hận thù, sức mạnh khủng khiếp của sự tích hận… Trong truyện, chuỗi nhân quả hận thù tiếp nối ngay trong cõi đời này (không phải chờ đến kiếp sau): Cố và Thầy đánh đập Nhàn tàn nhẫn (ở đây, ngoài sự khắt khe của đạo Khổng còn có chăng động cơ sex tiềm ẩn ở hai người đàn ông), Nhàn rắp tâm trả thù: Thầy và Cố bị đấu tố và tra tấn, cùng đường Nhàn trở về nhà, bị đuổi đi, mất chốn nương thân… Sức mạnh của sự "tích hận" được miêu tả rất giỏi. Cụ Cố bị bán thân bất toại hai chục năm, chuyện cũ đấu tố cũng qua đi hai chục năm… vậy mà nhác thấy Nhàn, ở cụ già thân tàn ma dại này máu uất nổi dậy, mãnh liệt, kinh khủng: "… trời ơi – đôi mắt Cố mới toé lửa dữ dội làm sao khi Cố xoay được đầu, đăm đăm nhìn trừng về hướng tôi. Cố giương cặp mắt lớn quá khổ trên khuôn mặt xọm khô nhão nhoẹt. Đôi con ngươi muốn vỡ ra ở hai hố mắt đầy tròng trắng, lăn tăn, lia tia nhiều gân máu. Ánh mắt nhìn trắng dã mà hai mươi năm tôi trốn tránh, lúc này hiển hiện phừng phừng lửa giận trong gian nhà. Cố bị bán thân bất toại nên hai chân và nửa người dưới bất động, song nửa người trên với mười lóng tay co giật cào cấu, chụp bắt liên hồi như muốn dựng dậy cái thân xác đã tàn phế…". Về hậu quả của hận thù, Trần Vũ thiên về việc miêu tả những thương tích mà người mang hận gây ra cho kẻ bị mình trả thù. Nhưng hận thù còn gây ra những thương tích trong tâm hồn và ngay cả trên cơ thể của chính người mang hận thù. Trong truyện, Thầy bị mất trí, hoá ngây dại vì bị "tra tấn", Cố bị liệt vì bị "tra điện". Thật ra, hận thù da diết họ đau đáu mang trong lòng, ngày đêm và suốt đời, thừa sức làm cho người này bị mất trí, người kia bị bại liệt. Cách nhìn của Trần Vũ về hận thù là cách nhìn hướng ngoại.
 Trong bài thơ "Nguyễn Bính" của Nguyễn Bá Chung, hai câu thơ: "Nửa đời mới biết công danh hão/Giày cỏ, gươm cùn đến trắng tay", có thể hiểu với ý nghĩa thời sự, là tác giả mượn thân phận của nhà thơ giang hồ họ Nguyễn để cảm khái tâm trạng vỡ mộng của mình và những chàng trai cùng thế hệ hiện đương long đong nơi đất khách quê người. Có thể điểm xuất phát là tâm trạng tức cảnh này. Nhưng qua sự sáng tạo nghệ thuật, nó mang ý nghĩa nhân loại phổ biến. Hình như ở thời nào và ở bất cứ vĩ tuyến nào cũng có những kẻ làm trai "gắng hời" "chút công danh" để rồi "nửa đời" mới tỉnh ra điều này.
 Trong truyện Tật Nguyền, của Nguyễn Ý Thuần (16), sau năm năm ở Mỹ, nhân vật xưng "tôi" có cảm tưởng chung về trạng thái nhân thế trong cộng đồng người Việt ở Mỹ như sau:
 "Năm năm ở Mỹ, vật lộn với đủ thứ nghề và lang thang trên những vùng đất xa lạ, tôi đâm ra ngán ngẩm sau khi tiếp xúc với một số cộng đồng tị nạn. Hầu hết đều khoác lên người một thứ gì đó – như lớp quần áo giấy – để sống, để khỏi khuất lẫn vào đám đông. Bằng quá khứ cũng có, bằng chức vụ hay bằng cấp…. Nhưng tựu trung, chỉ nằm trong vòng thỏa mãn tự ái cá nhân hay khỏa lấp mặc cảm. Nói cho cùng, tôi vẫn gặp một số người sống bằng cả tấm lòng. Ở thiểu số này, ranh giới giữa suy nghĩ riêng tư và cuộc sống ở đây hoàn toàn cách biệt. Họ âm thầm thực hiện hoài bão. Như những đốm lửa lạc loài trong đêm văn minh quá mức. Với họ – những đốm lửa nhỏ nhoi đó – điểm ra đi là nơi trở về…" (17)
 Thế nào là "mặc quần áo giấy"? Có thể lấy nhân vật Vũ làm ví dụ: một con người có…, có…, có…, gì cũng có. Có job, có học vị, có gia đình, có nhiều chức vụ… lại có tên trên nhiều tờ báo…"… Thơ có, truyện có, phê bình có, quan điểm có… Vũ viết đủ loại… Tất cả những bài viết đều thòng theo một chức vụ trước cái tên. Khi thì học giả, lúc thì giáo sư, lúc thì nhà văn… kỹ sư… Và đau lòng hơn nữa là những điều viết ra đều trái ngược với chức vụ thòng theo. Rõ ràng hai thứ chẳng ăn nhậu gì với nhau cả. Bỏ một bài phê bình sách được ký tên bởi một ông Vũ kỹ sư xuống, tôi lại cầm lên đúng bài khảo cứu khoa học của ông Vũ nhà văn. Tôi thở dài quay sang Vũ, bộ quần áo đang mặc trên người nó tự nhiên giống hệt bộ quần áo giấy…" (18).
 Tác giả truyện Tật Nguyền đã nêu được một đặc biệt quan trọng trong lối sống, trong thế thái nhân tình của một số "cộng đồng tị nạn". Nhưng không chỉ có vậy. Nếu chỉ có vậy, tác giả chỉ là người quan sát giỏi sinh hoạt và lối sống những cộng đồng tị nạn của mình. Và bước thêm một bước nữa, triền miên với những nét dị biệt của những cộng đồng này, tác giả có cơ trở thành nhà văn của ghetto. Nhưng trong truyện Tật Nguyền, còn một chủ đề khác có ý nghĩa nhân loại phổ biến: đó là chủ đề "hội chợ phù hoa"; tên này lấy từ nhan đề một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thế giới của nhà văn Anh Thackeray: Vanity Fair (Hội Chợ Phù Hoa). Chốn đô hội nào mà chả có phương diện hội chợ của nó. Hội chợ nào mà chả đông người mặc áo giấy. Ở đâu không biết, ở Hà Nội, Sài Gòn, tôi thấy đám người mặc áo giấy đông nhung nhúc. Gọi Nguyễn Ý Thuần là "nhà văn cộng đồng tị nạn Việt Nam hải ngoại" thì có đúng không?
 Hoàng Ngọc Hiến

 Chú thích của tác giả:
 Văn Học[Cali], số 109, năm 1995, trang 21.
 Nguyễn Bá Trạc: Chuyện một người di cư nhức đầu vừa phải (nhà xb Văn Nghệ, Cali, 1993, trang 214)
 Xem Nguyễn Mộng Giác: Mùa Biển Động, Văn Nghệ, 1989, bộ I, trang 48.
 Xem Mùa Biển Động, bộ III, trang 1780.
 Nguyễn Bá Trạc: Ngọn Cỏ Bồng, 1995, trang 419.
 Kiệt Tấn: Nụ Cười Tre Trúc, Văn Nghệ, 1987; trang 120.
 Đăng trong tập truyện Khánh Trường: Có Yêu Em Không? Tân Thư, 1997.
 Nhất Hạnh: Thiết Lập Tịnh Độ (Kinh A Di Đà thiền giải). Lá Bối, 2000, trang 119.
 Xem bài "Nhìn lại những trang viết cũ" của Nguyễn Mộng Giác, Việt số 5, năm 2000, trang 164.
 Nhân chi sở dĩ dị ư cầm thú giả, ky ky. Xem Mạnh Tử (tập hạ), bản dịch Đoàn Trung Còn, nhà xb Thuận Hoá, Huế, 1996, trang 48.
 Dẫn từ bài "Guerilla Irony in Lan Cao’s Monkey Bridge", của Michele Janette (sẽ công bố trên tạp chí Mỹ Contemporary Literature [Văn học đương thời].
 Đăng trong tập truyện Ngôi Nhà Sau Lưng Miếu, Thời Văn, 1990.
 Sách đã dẫn, trang 253.
 Sách đã dẫn, trang 239.
 Nguyễn Bá Chung: Tuổi ngàn năm đến từ tuổi sơ sinh. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 1999, trang 49.
 Đăng trong Nguyễn Ý Thuần: Tối tháng Năm tại quán ăn đường Fifth.Văn Nghệ, 1989.
 Sách đã dẫn trang 189
 Sách đã dẫn trang 195.
 
II.

 "Cái đẹp hoàn hảo lơ lửng tỏa ra từ lối sống của cộng đồng".

 Trong sự "chập chờn cơn tỉnh cơn mê" những ngày tháng cuối đời, triết gia Trần Đức Thảo có đưa ra được một ý tưởng sáng sủa về cái đẹp: "… ý thức trong lời kêu gọi chính nó đặt ra sự đòi hỏi… cái đẹp trong sự hoàn thiện những quá trình nghiệm sinh" (achèvement des processus vécus) (1). Trong khi có những tác giả, trong cơn tuyệt vọng, muốn nôn mửa trên bàn nhậu cũng như trên trang giấy thì những nỗ lực của những nhà văn đưa cái đẹp vào, nhằm "hoàn thiện những quá trình nghiệm sinh" của độc giả riêng tôi hết sức quí trọng. Cái đẹp "ở đâu cũng có vấn đề là mình có nhìn thấy và biết chia sẻ hay không?" (Nguyễn Xuân Hoàng). Để nhìn thấy cái đẹp phải có tài và có tình, để chia sẻ cái đẹp phải có tài nghệ, phải thực sự có tài năng nghệ thuật mới làm cho độc giả cảm nhận được cái đẹp một cách tự nhiên, một cách tự do và cũng chỉ từ sự cảm nhận tự do này mới có sự "hoàn thiện những quá trình nghiệm sinh". Trong sự náo động các trường phái hiện đại, hậu hiện đại cạnh tranh bác bỏ nhau, biết đâu ý tưởng của Trần Đức Thảo lại là tiền đề cho một sự đổi mới sâu sắc về mỹ học. Từ ý tưởng của Trần Đức Thảo, tôi liên tưởng đến một quan niệm về nghệ thuật của đạo diễn Trần Anh Hùng mà tôi cảm thấy như có sự gần gũi, sự tương đồng. Anh cảm nhận nhiệm vụ cốt yếu và cuối cùng của người làm phim là nắm bắt cái chất hoàn hảo lơ lửng tỏa ra từ lối sống của cộng đồng, tìm đúng "cái cách đưa người xem vào cảm giác về cái hoàn hảo đó." Theo tôi hiểu, cái "hoàn hảo lơ lửng" không phải là lý tưởng, càng không phải là cái lý tưởng được suy ra, vẽ ra từ một chủ thuyết, hoặc từ những "tổng lộ tuyến"… Bị ám, bị khống chế bởi loại lý tưởng này, người sáng tác thành vô cảm trước "cái hoàn hảo lơ lửng tỏa ra từ lối sống của cộng đồng". Theo tôi hiểu, cái "hoàn hảo" ở đây sở dĩ hoàn hảo vì nó là sự tổng hợp "chân, thiện, mỹ" bản thân nó có thể có nhiều thiếu sót. Cái hoàn hảo lơ lửng là cái khó nắm bắt: nó vừa mong manh vừa bền vững, khi ẩn khi hiện, vừa cao vừa thấp, bà già thất học hiểu ta được nhưng bậc đại trí có khi suốt đời không với tới, khó nhất là nó thường pha trộn với nhiều thứ "không hoàn hảo" và bất hảo.
 Bài "Những mảnh đời và những con đường" của Vũ Huy Quang (3) chỉ là một bài ký bình thường. Tôi biết anh Vũ Huy Quang, nhân vật xưng "tôi" trong đó chính là tác giả bài viết. Điều khiến tôi chú ý đến bài ký trước tiên là ngôn ngữ những nhân vật trong đó, cũng như của chính tác giả "khác hẳn" cái "ngôn ngữ… trong tiểu thuyết". Chính vì vậy, đọc bài ký thấy "văn" của nó không "hay" bằng nhiều truyện trong văn học hải ngoại được viết bằng một thứ ngôn ngữ rất "tìểu thuyết". Nhưng chính vì vậy tôi thấy nó đáng tin cậy hơn. Bài ký viết về một toán thợ ráp nối điện tử cùng phiên làm với tác giả, khoảng hai chục người, quá bán là nữ. Họ chỉ là những con người hết sức bình thường: trình độ lớp 7, lớp 8 ở Việt Nam, "ít đọc báo địa phương tiếng Mỹ", cũng có những sự va chạm, ghen ghét; ngôn ngữ "bặm trợn", đôi khi suồng sã, "những câu nói đùa tàn nhẫn, sống sượng"; những nỗi lo thường tình: lo ế chồng… và bao trùm lên tất cả một nỗi lo lớn hơn, mơ hồ hơn về toàn bộ cuộc sống của họ trước sau chỉ có đi làm, đi làm, đi làm… Và một nguy cơ lớn đe dọa họ: quá trình "nguyên tử hóa" những cá thể trong cộng đồng. "Rất nhiều khi – Vũ Huy Quang viết – âm thầm tôi thấy cách xa họ, y như cách xa các bạn đồng tuế với tôi, những người bạn mỗi người một nghề, những người bạn chỉ còn đi làm, không biết gì khác hơn ngoài công vịêc, họp hành Hội Ái Hữu, và lâu lâu lại nghe một bạn hữu lìa đời. Các thế hệ các nhau, gần nhau, chung một quá khứ hay không… nhưng vẫn thấy các xa bao nhiêu. "Cứ như mỗi người một mạch điện riêng. Một mảnh đời, một con đường" (chữ in đậm do Hoàng Ngọc Hiến) (4). Cho nên, mặc dù theo lời tác giả, "các cháu tôi đều ăn trắng mặc trơn, đều tươi mát vui vẻ, da dẻ hồng hào, kiếm ra tiền…", ông vẫn hồ nghi "không biết họ có thật tốt số, mà nếu có tình cờ gặp lại ngoài đường, tôi không biết cười nói gì với họ…", "họ may mắn hay hẩm hiu?" "May mắn sao có những buổi có đứa ngồi bãi đậu xe một mình, nét mặt buồn rầu kêu nhớ Tết Việt Nam. Có đứa bảo đi làm về thì chỉ biết ngủ, cuối tuần nếu không làm giờ phụ trội chỉ biết đi lễ." (tr.18). Trong câu chuyện về nhuũng nguuời thợ ráp nối, có một điểm sáng: tác giả là một ngưoòi có lòng. Ông chân thành vui mừng khi thấy sự "thông sáng" ở những người thợ Việt. "Không ai học xong trung học, vậy mà việc khó khăn đến đâu… họ vẫn làm xong." (tr.19). "Những ngón tay thoăn thoaát sử dụng dụng cụ điễn tử tử, những trí khôn tính toán theo trực giác, vì không đọc được chữ Mỹ, nhưng cái gì họ cũng làm trọng…". Tôi không phản đối việc trưng bầy "người Việt xấu xí", nhưng riêng tôi rất xúc động thấy anh Vũ Huy Quang chân thành vui mừng nêu lên một ưu điểm của những người Việt. Càng cảm động khi anh ca ngợi tinh thần đoàn kết tương trợ trong cái tập thể bé nhỏ những người thợ "vô danh tiểu tốt" của anh.
 "Trong sở, có những người Phi, người Mễ, người Tàu. Nhưng chỉ những người thợ Việt Nam này thông sáng, đùm bọc và năng suất cao nhất." (tr.19). Anh có lần đi làm ở một hãng điện tử khác, và anh so sánh: "Toán làm việc, toàn gốc Ấn, nhưng họ không nói tiếng Hindu với nhau, mà bằng tiếng Anh. Không khí làm việc không thân ái đoàn kết bằng. Hiệu năng cũng không bằng, vì không khí không tươi vui, tương trợ…" (tr.19). Phải chăng ở đây, Vũ Huy Quang nắm bắt được "cái hoàn hảo lơ lửng tỏa ra từ lối sống" của "cộng đồng" nhỏ bé những người thợ ráp nối của anh? Phải chăng ông có quyền hy vọng tìm ra được một đối trọng cho quá trình nguyên tử hóa đương diễn ra không sao cưỡng lại được trong cộng đồng người Việt hải ngoại? Dẫu sao, thì trong khi tình trạng đấu đá bấu chí nhau, "tranh giành quyền lãnh đạo lẫn nhau… đổ tội lẫn cho nhau… chống lẫn nhau" (5) là tình trạng khá phổ biến, hơn một nhà văn đã phải nổi khùng, thì ít ỏi tinh thần đoàn kết thân ái còn lại trong toán thợ lắp ráp được nhà văn Vũ Huy Quang chắt chiu trân trọng, quả là điều quí hóa.
 "Cái hoàn hảo lơ lửng" toát ra từ truyện Chớp Mắt Ngoái Lại (6), của Song Thao, là tình bạn giữa ba người Nghĩa, Vũ và Tước. Họ quen nhau từ "những năm tháng ngây ngô" tiểu học, đến tuổi lớn khôn trở thành những người bạn chí cốt, sau 1975 thì tan tác, mỗi người một ngả. Mười năm sau Nghĩa mới gặp lại Tước bấy giờ làm linh mục, hơn hai mươi năm sau Nghĩa mới gặp lại Vũ trên đất Canada. Trong tình hình rối ren 1975, Nghĩa làm lễ cưới kết hôn với Diệu, hai người bạn chí cốt không đến dự được. Hai mươi lăm năm sau, Nghĩa và Diệu làm lễ cưới bạc, "Tước ở xa không đến được, Vũ còn xa hơn nữa (tức bên kia thế giới)". "Chớp mắt đã cưới bạc rồi." Chớp mắt hai mươi lăm năm. Bao biến động, gian truân trong mỗi cuộc đời: trại cải tạo, vượt biên, định cư… Tất cả chỉ là trong một chớp mắt. Duy chỉ còn lại một cái bền lâu hơn một cái chớp mắt, đó là tình bạn. Đúng hơn, đó là tình nghĩa giữa ba người bạn. Tình là tình thương, nghĩa là tinh thần nghĩa vụm trách nhiệm, chăm lo… Tình thương thể hiện ở tinh thần trách nhiệm, chăm lo tới người mình thương. Lần gặp nhau sau mười năm, Tước lo cho tương lai những đứa con của Nghĩa và anh đã giới thiệu gia đình Nghĩa với một đường dây "êm ả và hữu hiệu" do "một bổn đạo thân tín của anh tổ chức". Gặp lại Nghĩa trên đất Canada, Vũ chăm lo giup1 gia đình bạn như một "thiên thần hộ mệnh". Lời trăn trối cuối cùng của Vũ nói với Nghĩa: "Nhớ thương yêu Diệu suốt đời nghe!" (7). Dường như Nghĩa đã linh cảm trước lời trăn trối này và trước đó, mỗi lần điện thoại, Nghĩa vẫn đẻ Diệu nói ít câu với bạn (8). Có "cái hoàn hảo lơ lửng" tỏa ra từ lối sống của cộng đồng và cũng co "cái hoàn hảo lơ lửng" tỏa ra từ tình nghĩa giữa ba người bạn.
 Trong truyện "Auld Lang Syne" (9) của Song Thao, qua hai nhân vật Loan và Ngạn, một kiểu nhân cách người Việt hải ngoại được khắc họa khá tinh tế và hấp dẫn. Loan và Ngoạn đã trải qua những cơn lốc: cơn lốc "30 tháng Tư", cơn lốc di tản… Tới xứ định cư họ cùng chung số phận: "…. Chạy ra khỏi nước trong cơn hồng thủy táp tới gót chân, kiếm được việc làm mừng muốn chết… chẳng màng đến việc đi tìm việc khác tốt hơn." Hai mươi năm sau họ cùng làm việc ở một nhà máy. Và ngày mai thì… nhà máy đóng cửa. Nguy cơ trước mắt: mất việc. Một thử thách mới đối với họ. Mất "job" cũng là một cơn lốc: họ đứng trước "một đổi thay khắc nghiệt" và khác với tâm trạng cơn lốc 30 tháng Tư, lúc này họ cảm thấy "trống trải", vì chung quanh họ "giờ đây toàn là những khuôn mặt da không vàng, mũi không tẹt" (trong xưởng chỉ có họ là người Việt, còn lại là Pháp, Mỹ, Ý, Hy Lạp…). Thái độ của hai người Việt này trước cơn lốc? Một sự điềm tĩnh lạ thường. Đây là những lới nói cuối cùng của họ khi chia tay:
 Loan nước mắt doanh tròng đưa tay cho Ngạn nắm:
 -Chúc anh may mắn! Mọi sự rồi sẽ qua. Nhớ lúc mình mới tới đây, lạ nước lạ cái, chẳng biết sẽ sống ra sao. Vậy mà cũng chẳng chết! Giờ này thì nhằm nhò gì…
 Ngạn rộng miệng cười không thành tiếng:
 -Ờ nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ. Giữ cho cân cứng đá mềm nghe Loan!"
 Ngay trong tâm trạng "cười không thành tiếng" Ngoạn vẫn rỡn trong lời nói.
 Sự điềm tĩnh của họ là sự điềm tĩnh của những người đã từng trải qua sóng gió, đã "bao lần chông chênh những di chuyển, những cắt đứt phũ phàng", đã sống trong cơn lốc kinh hoàng, và hôm nay, lâm nạn trong cơn lốc này, họ chép miệng, "xá chi một vết xước tay cỏn con" (11). Trong những xã hội phương Tây mà sự phát triển hiện đại trong thế kỷ vừa qua dữ dội và ồ ạt như những cơn lốc, những người "dầy dạn với những cơn lốc", những người "sống trong cơn lốc như trong nhà của mình", thường có sự điềm tĩnh này. Và đây là đặc tính quan trọng nhất của con người hiện đại. Ở Loan và Ngạn, sự điềm tĩnh còn có một gốc nguồn tư tưởng: hình như họ có ngộ ra được đôi ba điều từ những tư tưởng triết lý phương Đông. Họ "thấm thía lẽ xuất xử": "Biết được mệnh trời, nương theo thiên mệnh mà sống, con người dễ tránh được sự bẽ bàng" (12); họ coi trọng việc "ngộ được lẽ suy vong trong lúc thịnh thời", việc "ngộ được cả lẽ thua", không chỉ "nếm lẽ thắng", họ "uốn mình vào trái tim trước khi say lợi lộc bên ngoài" (13) (tôi dẫn câu này để lấy ý, cách diễn đạt của tác giả tôi cảm thấy chưa ổn)…
 Nhân cách của Loan và Ngạn biểu lộ khá rõ trong cuộc liên hoan tạm biệt ngẫu hứng, đặc biệt được thể hiện trong cách ứng xử của họ với những người thợ Tây ác, với ông chủ người Mỹ và trong quan hệ của hai người với nhau. 
Họ không giống như những người ngụ cư rụt rè, khép nép ngồi lủi sang một bên, trong khi đám quan viên làng tự do ăn nói. Loan đã xóa bỏ được hàng rào ngôn ngữ, không có mặc cảm, mỉm cười thoải mái với những người bạn Tây, sẵn sàng đùa rỡn, đối đáp… Một tác phong rất Tây, theo nghĩa tốt đẹp của từ này. Diễn đạt một cách triết học, thì đây là "cá tính tự do". Một nét đẹp của nhân cách con người trong xã hội dân chủ. Cũng như những người thợ khác, Loan và Ngạn hiểu rất rõ ông chủ là người như thế nào. Có lẽ nét duy nhất có thể thương được ở ông là ham mê công việc, ông "say mê nhà máy hơn vợ con"… Ngoài ra, ông là người "có tính kỹ càng với đồng tiền", tính toán so kè… và cũng như mọi ông chủ, ông sẵn sàng đối xử tàn nhẫn để khẳng định quyền uy của mình. Trong những giờ phút hấp hối cuối cùng của nhà máy, khi ông chủ xuất hiện với bộ mặt thảm hại, dáng bộ tiều tụy", thì, "đối diện với ông chủ là những bộ mặt trơ ra bất cần". Riêng Loan có sự ái ngại. Và đến khi thấy Giulio làm trò hề riễu cợt" (14) thì Loan xua tay, tỏ thái độ không tán thành. Đến cuối truyện, khi ngoái lại nhìn nhà máy một lần nữa, Loan thấy "ông chủ run rảy từng bước đi, tay rờ rẫm từng chiếc máy im lìm dưới những tấm bạt phủ như những chiếc khăn liệm", "nàng bất giác quẹt nước mắt." Tình thương cho ông già khốn khổ mà cũng là sự thông cảm chung cho "cái thua muôn thuở của tuổi già lụn bại". Giọt nước mắt của Loan có ý nghĩa nhân loại phổ biến. Ngôn ngữ của Loan giúp độc giả hình dung đầy đủ hơn con người của Loan. "Nói vô duyên chứ – Loan nói – nếu tôi là con gái ổng, tôi sẽ bằng mọi cách tiếp tục hãng hoạt động để ông vui lòng"… Đây là một câu nói có ý tứ: cảm thấy lời sắp nói gây ấn tượng vô duyên, nên rào trước đỡ sau bằng câu: "nói vô duyên chứ". Đây là ngôn ngữ của một người có giáo dục. Tôi nhận thấy ngày nay, những vị phụ huynh quan tâm đến việc giáo dục cho con em có ý tứ như vậy trong lời nói càng ít đi, có khi chỉ còn vài ba phần trăm. Chính vài ba phần trăm này là đại diện cho bản sắc dân tộc Việt.
 Trong truyện, Loan và Ngạn là hai nhân vật chính, một nữ, một nam. Thông thường, độc giả chờ đợi một câu chuyện tình. Họ không phải là những người tình. Lúc từ biệt, họ nắm tay nhau:
"Chúc anh may mắn! Mọi sự sẽ trôi qua…"
 "… Giữ cho chân cứng đá mềm nghe Loan!"
 Đây là lời giã từ của những người bạn. Những người bạn mà đường đời cùng trải qua những "đổi thay khắc nghiệt", những "cắt đứt phũ phàng". Và ở mỗi người luôn thường trực nối nhạy cảm "sót" cho bạn mình. Trong cuộc liên hoan Loan nói tếu, chọc Peter, không ngờ bị Peter đốp chát lại, vô phương chống cự, "Ngoạn thấy nhột dưới gáy" (15), và anh kịp thời đối đáp, cứu bãn mình. Không thể nói quan hệ giữa Loan và Ngạn là phong cách Tây hay phong cách ta; chắc chắn đó là phong cách văn hóa cao.
 Một bạn đọc nói với tôi: "Trong thực tại không có người nào hoàn hảo như Loan! Loan chỉ là mơ ước, trăm lần mơ ước của Song Thao". Cứ cho là trong thực tại không có người hoàn hảo như Loan, tại sao Song Thao không có quyền mơ ước một người như vậy. Cái "hoàn hảo lơ lửng" vừa là thực tại vừa là mơ ước; đây là cái lơ lửng thơ mộng. Trong thực tại, cái hoàn hảo của nhân vật Loan tản mạn ở nhiều người, có nét ở người này, có nét ở người kia, đậm nhạt khác nhau lại tùy ở từng người, người mang vẻ này, người mang vẻ nọ, cũng tùy từng người mà sắc thái khác nhau. Đây là cách hiểu của tôi về sự "lơ lửng" trong ý niệm "cái hoàn hảo lơ lửng" của Trần Anh Hùng.
 Hoàng Ngọc Hiến.
 Chú thích của tác giả:
 Xem Phan Huy Đường: Penser librement, Chronique sociale [Suy tưởng tự tại, Ký sự xã hội], 2000, tr. 53.
 Xem Thế giới điện ảnh số 2, tháng 7, 2000, tr. 55.
 Đăng trong Diễn Đàn [Pháp], số 88 (tháng 9 năm 1999).
Như trên, tr. 19.
Xem Hoàng Khởi Phong: Ngày N+, nhà xb Văn Nghệ [Cali], 1988, tr. 260.
 Đăng trong tập truyện Chân Mang Giầy số 6, của Song Thao, nhà xb Văn Mới [Cali], 1999.
 Sách đã dẫn, tr. 166.
 Sách đã dẫn, tr. 165.
 Đăng trong tập truyện Chân Mang Giầy số 6. Auld Lang Syne là tên một bài hát khi tạm biệt khá phổ biến ở nhiều nước phương Tây. Truyện ngắn này mang tên bài ca tạm biệt vì trong truyện có buổi liên hoan tạm biệt của một toán công nhân, trong buổi làm việc cuối cùng trước ngày nhà máy đóng cửa.
 Xem sách đã dẫn, tr.78.
 Như trên, tr. 79
 Như trên, tr. 72.
 Như trên, tr. 74.
 Như trên, tr. 75.
 Như trên, tr.77

 III.

 Tinh thần hiện đại và bản sắc dân tộc.

 Số đông người Việt hải ngoại sống ở những nước công nghiệp phát triển. Công nghiệp phát triển càng cao thì xã hội càng hiện đại. Tinh thần hiện đại trước hết thể hiện ở tính cách và tác phong con người. Có nhiều mẫu người hiện đại trong văn học Việt Nam hải ngoại. Tôi chú ý đến nhân vật "cậu út" trong truyện ngắn mang tên nhân vật này (1) của Nguyễn Ý Thuần.
 Sự phát triển mạnh mẽ, ồ ạt, tăng tốc của cuộc sống hiện đại tạo ra những "cơn lốc" trong môi trường đô thị đích thực của nó. Cho nên người nhà quê ra thành phố cảm thấy chóng mặt, người ở lục tỉnh lên Sài Gòn có khi bị choáng ngợp và người Sài Gòn đến New York không tránh khỏi bị choáng váng. Trong những tính cách của người hiện đại, tôi chú ý đến nét được nêu lên trong nhận xét của nhà nhân học Hoa Kỳ Marshall Bergman: "… ‘người hiện đại’, dạn dầy với những ‘cơn lốc’, ‘sống trong cơn lốc như sống trong nhà mình’ "(2). Bergman nói đến những "cơn lốc xã hội: trong môi trường thành phố. Bầu khí quyển của môi trường những cơn lốc được miêu tả chứa chất kịch tính. Đó là "bầu khí quyển của sự nhộn nhạo và hỗn độn, của sự chếnh choáng và ngây ngất trong tâm thần, của sự bành trướng những khả năng kinh nghiệm và sự huỷ bỏ những ranh giới đạo đức và những ràng buộc cá nhân, của sự mở rộng và xáo trộn cái tôi, của những bóng ma ngoài đường phố cũng như trong tâm hồn – trong một bầu khí quyển như vậy tính nhậy cảm hiện đại đã ra đời." Môi trường của những cơn lốc được tác giả dựng lên bằng những cảnh tượng lẫm liệt của sự phát triển và sức năng động mạnh mẽ. Đó là cảnh tượng của "máy hơi nước, nhà máy tự động, đường sắt, những vùng công nghiệp mới rộng lớn". Đó là "cảnh tượng của những thành phố chen chúc mọc lên sau một đêm, thường kéo theo những hậu quả nhân sinh kinh khiếp."; đó là "nhật báo, điện tín, điện thoại, và những phương tiện truyền thông đại chúng khác, quy mô truyền thống ngày càng lớn"; đó là "một thị trường thế giới thường xuyên bành trướng, ôm lấy tất cả, có khả năng tăng trưởng một cách hùng vĩ, có khả năng gây lãng phí, và tàn phá khủng khiếp; có khả năng làm tất cả ngoại trừ sự vững chắc và sự ổn định". Và như để trả lời câu hỏi, "thế nào là tinh thần hiện đại trong xã hội những cơn lốc", tác giả viết: "Những bộ mặt lớn của chủ nghĩa hiện đại thế kỷ 19 tất cả đều máu tấn công môi trường này và họ ra sức giật đổ nó hoặc làm nổ tung nó từ bên trong; vậy mà họ tất cả đều cảm thấy một cách xuất sắc mình ở trong môi trường đó như trong nhà của mình, họ hiểu rõ những khả năng của nó, họ có tinh thần khẳng định ngay ở trong những sự phủ nhận triệt để, họ vẫn bông đùa, cười cợt, mỉa mai ngay trong những lúc nghiêm trọng nhất, đụng đến chiều sâu, chẳng có gì đáng đùa." (Hoàng Ngọc Hiến tô đậm).
 Không phải người nào sống trong cơn lốc cũng trở nên dầy dạn, có những người bị cuốn vào những cơn lốc trở nên khiếp nhược. Út có cá tính riêng, thích hợp với cuộc sống trong những cơn lốc, tức là cuộc sống hiện đại. Nét cá tính được tác giả nhấn đi nhấn lại, là lòng tự tín: "thoải mái và tự tín", "tự tín và kỷ luật", "đôi mắt đầy tự tin"… Vì "tin vào chính việc mình làm",… nên anh "thản nhiên trong mọi việc", "thản nhiên đánh đấm", "thản nhiên chơi bời", ngay vào trận đánh ác liệt cũng tham gia một cách thản nhiên. Anh kể chuyện mình một cách thản nhiên, "không lộ vẻ cảm xúc nào", ngay khi kể về những sự việc đáng ghi nhớ. Đến đây tôi xin mở ngoặc: Văn phong của Nguyễn Ý Thuần có chỗ gần gũi với tác phong và cách kể chuyện của Út. Tác giả có cách kể thản nhiên, "khách quan", "không lộ vẻ cảm xúc nào". Về mặt này, so với Đinh Linh, Nguyễn Quí Đức là những tác giả hải ngoại trẻ có sở trường viết truyện bằng tiếng Anh thì chưa điêu luyện bằng, nhưng so với nhiều tác giả viết truyện bằng tiếng Việt ở trong nước và ngoài nước thì họ có một bước tiến rõ rệt thoát ra khỏi "văn chương tình cảm nỉ non", bắt kịp văn xuôi hiện đại thế giới. (Đóng dấu ngoặc). Út tin ở chính việc mình làm, vì anh biết mình là ai, đang ở đâu, đi đâu và phải làm gì để đi tới…, anh không có sự chàng màng của những người loay hoay trong cảnh làm ăn manh mún (cuộc sống công nghiệp không cho phép con người chàng màng). Từ bấy nhiêu nét trong tính cách riêng của Út, từ sự từng trải dầy dạn của tính cách này trải qua những cơn lốc có thể hiểu được sự điềm tĩnh lạ thường của Út trong những cơn lốc. Trong cơn lốc trên phi trường Phú Cát bị pháo kích dữ dội – "phi trường vắng hoe… hầu hết ở trong hầm" – mặc "đạn réo ngang đầu, mặc từng chớp lửa xa gần," Út vẫn đi đi lại lại trước hàng xác đồng đội cuộn poncho. Có thể nói sự gan dạ của Út do tinh thần đồng đội. Nhưng đến khi vị chỉ huy nài Út xuống hầm và Út trả lời: "Có gì thì nằm chung với nah em ngoài kia cũng đỡ buồn" (3), thì đó là sự điềm tĩnh của tinh thần hiện đại. Cơn lốc trên trận địa tại sông Ba một buổi chiều tháng ba năm 1975 còn khủng khiếp hơn nhiều. "…. Đạn pháo đủ loại vẫn rót, trực thăng vận tải người qua sông với chùm người bám trên hai càng sắt như đàn kiến bám trên hai sợi chỉ mỏng manh. Những cái đạp chân của đồng đội trên những bàn tay đồng đội đang tìm sự sống. Những con người đong đưa, tay duỗi căng đang chờ phiên mình bị đạp để bắt đầu cái chết. Những hố đạn pháo vung vít thịt xương…" (4). Trong cảnh tượng hỗn loạn và kinh khủng như vậy, người chỉ huy cũng cảm thấy hoảng loạn, "hôn mê", vậy mà Út vẫn giữ thái độ điềm tĩnh (5). Người điềm tĩnh trong cơn lốc chính là người "sống trong cơn lốc như trong nhà của mình", điều này được Bergman nêu lên như một nét cốt yếu trong nhân cách con người hiện đại. Ở nét cốt yếu này, Út của Nguyễn Ý Thuần gần gũi với Loan của Song Thao. Ở nhân vật Loan, tuy vậy, như đã phân tích ở phần II, đằng sau dáng dấp và phong thái hiện đại có thấy ảnh hưởng của những tư tưởng triết lý phương Đông. Còn ở nhân vật Út? Trong tác phẩm Le moine et le philosophe (Tăng sĩ và triết gia), đánh giá trên tổng thể thái độ của phương Tây đối với sinh tồn, tăng sĩ Matthieu Ricard nhận xét: phương Tây coi trọng "có" (l’avoir) hơn "là" (l’être), thái độ này xem ra không lành mạnh lắm, trong khi đó, Phật giáo thiên về sự thay đổi tương quan này, coi trọng "là" hơn "có" (7). Tương quan giữa "có" và "là" là một vấn đề triết học lớn. "Có" thuộc phạm trù "sở hữu", "là" thuộc phạm trù "thực thể". Sự nhầm lẫn hai phạm trù này hết sức tai hại, vậy mà lẽ sống không ít người dựa trên sự nhầm lẫn này. Có thể "có" học vị nhưng không phải "là" người trí thức; có thể "có" học hàm nhưng không phải "là" người thầy; có thể "có" quyền, "có" chức, nhưng không xứng đáng "là" người lãnh đạo; có thể "có" vợ nhưng không xứng đáng "là" người chồng; có thể "có" đầy kiến thức nhưng không phải "là" cái đầu biết nghĩ (từ của Montaigne: une tête bien faite); có thể "có tất cả" nhưng không "là gì cả"…. Và điều mỉa mai là ngay quá khứ vẻ vang của một số người đã từng chứng tỏ họ "là" người thì cuối cùng trở thành "sở hữu": họ bo bo giữ lấy cho mình và con cháu mình, một khi họ không còn "là" họ nữa.
 Như đã giới thiệu ở phần I, nhân vật Vũ trong truyện Tật Nguyền của Nguyễn Ý Thuần thuộc loại nguuoòi có, có, có, gì cũng có: có job đàng hoàng, có học vị, có gia đình, có nhiều chức vụ, lại có tên trên nhiều tờ báo. Nhưng Vũ "là" gì, ngoài "bộ quần áo giấy" anh mang trên người anh? Ngược lại, nhân vật Út hầu như "không có gì cả", ngay job anh đang làm cũng chỉ là tạm bợ. Nhưng anh "là" môät con người, trước đây, tại trận địa "bóng in trên nền trời ngập nắng sừng sững như một pho tượng đang sống" (hình ảnh anh trong ấn tượng người chỉ huy) và giờ đây trên đất Mỹ, cũng trong ấn tượng người chỉ huy ấy, "con người cậu út vẫn không thay đổi", "thoải mái, tự nhiên hành động như ngày xưa chiến đấu và phá phách", "tin vào chính việc mình làm", mắt sáng, nhìn thẳng (9)…
 Bergman nói đến sự điềm tĩnh của những người dầy dạn trong những cơn lốc của cuộc sống hiện đại. Trong văn học Việt Nam hải ngoại còn có một sự điềm tĩnh khác có cơ sở triết học phương Đông. Đó là sự điềm tĩnh của những người "giữ được tâm an nhiên lặng lẽ giữa cuộc sống bụi bặm xô bồ này" (10). Đó là sự điềm tĩnh của những người hiểu ra được "giữa những cơn bão cuốn, luôn luôn có đâu đó những điểm bình yên thanh tịnh lạ lùng… nằm an nhiên ngay giữa cái xô bồ, hối hả, nhầy nhụa vây quanh…" và họ tìm ra được "chỗ thanh tịnh ấy bên ngoài và cả ngay trong mình" (11). Trong Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác có một trường hợp sự yên tĩnh hết sức lạ lùng, nằm ngoài những giải thích quen thuộc bằng học thuật giản đơn, trường hợp này khiến chúng ta nghĩ đến một cội nguồn sâu xa trong tâm thức người Việt, ở người có học thức thường bị che lấp, ở người bình dân thôn dã thường hay bộc lộ hơn, cội nguồn đó là gì là một vấn đề hoàn toàn mới mẻ, sẽ vội vã nếu đem lược quy nó vào những hệ tư tưởng truyền thống như vẫn được trình bầy rành mạch, khúc chiết trong sách giáo khoa.
 Bạn của Ngữ (một nhân vật chính trong Mùa Biển Động) là bác sĩ sẽ đứng bàn mổ cưa chân cho Thành, một lính địa phương quân. Anh gặp bà mẹ của Thành, một bà cụ lam lũ đứng chờ ở hành lang bên ngoài phòng mổ… Thấy bà mẹ tay ôm một bao ni lông, anh đâm thắc mắc…
 -Mệ dùng cái bao này làm gì?
 -Mệ đem theo để đem cái chân thằng Thành về.
 Nghe bà cụ đáp như vậy, người bạn của Ngữ đột nhiên cảm thấy lạnh cả xương sống. Mặc dù đã quá quen thuộc với cảnh máu me chết chóc, cảnh những người bị bom đạn rên la quằn quại, những vết thương bầy nhầy hôi tanh… nhưng mỗi lần phải đẩy chiếc xe lăn chở những bộ phận thân thể con người bị cắt, cưa ra khỏi thể xác còn lại, anh không thể dằn được cảm giác buồn nôn ngầy ngật… Cho nên anh trố mắt nhìn bà mẹ quê, cố tìm xem lúc đáp câu anh hỏi, bà cụ có cảm giác sợ hãi nhờm tởm nào đối với khúc chân bị cưa của đứa con không. Bạn Ngữ thấy bà cụ có nét mặt hoàn toàn thản nhiên, miệng tiếp tục nhóp nhép nhai trầu. Anh thêm tò mò nên hỏi:
 -Mệ đem cái chân về làm gì?
 Bà cụ đáp, giọng phân trần như sợ bị từ chối:
 -Cậu làm ơn nói giúp cho mệ. Mệ nghe nói nhà thương không cho phép, nhưng cậu tính coi, không xin cho được cái chân đem về chôn, lỡ một mai con nó chết, thân thể không đủ chân đủ tay, tội nghiệp nó. Cậu gắng thưa với bác sĩ cho mệ.
 Nghe bạn kể tới đó, chính Ngữ cũng cảm thấy lạnh cả xương sống Không phải cái lạnh vì ác cảm nhờm tởm, mà lạnh vì đột ngột đối diện với cái gì vĩ đại bao la quá, đến nỗi cả chân đế nội tâm Ngữ tưởng vững chãi, bỗng thoáng chốc hoàn toàn tan tành sụp đổ.
 Người mẹ quê đã được đào luyện thế nào để có thể can đảm chấp nhận sự rủi ro một cách điềm tĩnh như thế. Lòng thương con không thôi, chưa đủ. Có khi lòng thương con còn khiến cho người mẹ dễ dàng ngã gục trước những tai ương xảy đến cho con cái. Phải thêm một cái gì đó, cái gì vững chắc lắm để đủ bình tĩnh chấp nhận một sự thật đau lòng: là biết trươc thế nào đứa con trai thân yêu cũng lìa đời trước mình, và phải chuẩn bị chôn cất thi hài của nó ngay từ bây giờ. Cái chân "đi trước" thì lo trước cái chân. Phải xin cho được "nó" về, đặt vào một cái quách gỗ tạp, chôn "nó" bên nấm mồ của người chồng quá cố, thắp cho "nó" vài nén hương, và điều quan trọng nhất là đánh dấu thật kỹ phương hướng để khi lên nhà xác lãnh về phần thân thể đứa con còn lại, bà cụ có thể ráp đúng một thân xác nguyên vẹn đầy đủ (12).
 Rất tiếc, những công trình nghiên cứu về bản sắc dân tộc người Việt chẳng giúp ích gì cho chúng ta hiểu cốt cách bản sắc đằng sau hành vi và phong thái lạ lùng của bà già quê mùa này. Trong văn học Việt Nam hải ngoại có những nhân vật bà già truyền thống, những biểu hiệu bản sắc ở họ, là cứ liệu lý thú để xác định bản sắc dân tộc. Bà Bếp Luông trong Lớp Sóng Phế Hưng của Hồ Trường An là "một bà già hiện thân Đức Quan Âm cứu khổ, cứu nạn, dù Đức Quan Âm này chửi con cái và kẻ thù địch ‘giòn hơn báng tráng nướng và trơn hơn mỡ’. Bà chửi con ra rả nhưng "trong thâm tâm bà thương yêu đứa nào cũng như đứa đó", bà nói những lời độc địa để nhiếc móc thím Bảy, nhưng khi kẻ thù của bà trúng gió bị nguy bà sẵn lòng giúp đỡ. Từ nguồn cơn và phong cách chửi của bà Bếp Luông, nhà phê bình Bùi Vĩnh Phúc đã có những nhận xét hết sức lý thú: "… những lời rủa sả chửi bới thô lỗ, ngọt ngào, có vần có điệu, có cung có giọng… Người ta chửi nhau để thương nhau. Lời lẽ thoạt nghe thì thô lỗ nhưng nghe sâu vào mới thấy ngọt ngào. Những người dân quê ở vùng Hóc Hoả, quận Hoả Lựu, tỉnh Rạch Giá nếu một ngày không có dịp chửi bới nhiếc móc một cách yêu dấu những người mình thương thì họ ăn cơm không ngon miệng. Tiếng chửi bới, rủa sả cứ thế vang vang bay đầy trên những kinh, những rạch, những bông hoa "quau", những khóm "húng lủi", những chùm "dấp cá, tía tô"… và rơi tận vào lòng người. (13). Tôi vẫn nghĩ văn hóa "chửi" của người Việt có thể hiện nào đó của bản sắc dân tộc Việt. Cứ cho rằng cách thói chửi là một nét xấu xí. Việc tìm hiểu những nét xấu xí của người Việt đâu có đơn giản.
 Bà má trong truyện Nụ Cười Tre Trúc (14) của Kiệt Tấn là sự hiện thân của tình thương và đạo lý sơ yếu nhất trong bản sắc dân tộc. Sau đây là một số biểu hiện.
 "Hồi đó thỉnh thoảng tôi lén vít một cục vôi nhỏ trong ô trầu của má tôi gắn lên đầu cọng lạt dừa, đưa lên vách run run nhử mấy trự thằn lằn. Có con khờ khạo… nhào tới đớp liền. Cắn nhằm cục vôi tá hoả, anh chàng lúc lắc cái đầu như múa lân rồi say men vôi nồng, rớt bịch xuống đất….
 -Đừng con! Tội chết. Con thằn lằn nó hiền thấy mồ. Nó còn ăn bớt muỗi trong nhà sao con hại nó làm chi…?"
 "…Đó, đại loại má tôi hành xử như vậy đó, rất là Cổ Học Tinh Hoa… dù má tôi không hề đặt chân tới trường. Vì vậy, khi ra trường đời, má tôi lấy làm tiếc lắm… Không phải tiếc vì không thi đỗ Trạng Nguyên… mà tiếc vì không đọc được kinh Phật. (15)."
 "Má tôi hiền lành như vậy đó, nhưng lúc nào cần ‘động thủ’ là bà cũng thẳng tay trừ gian diệt bạo như hiệp khách khi tình thế đòi hỏi: những lúc bà lôi tôi ra sân tắm rửa kỳ cọ! Tôi mà dẫy dụa không để yên cho bà láng cạo hờm là má tôi không ngần ngại khỏ gáo dừa khô lên đầu tôi, mặc tình cho tôi dẫy khóc… Tắm xong, bà cho tôi cái bánh men để dỗ yên bá tánh" (tôi tô đậm, HNH) (16).
 "… Bà quê mùa, trái tim bà cũng rung động một cách quê mùa và bà cũng khóc một cách hết sức quê mùa, tất tự nhiên, không màu mè. Thế nhưng có điều lạ là tôi có cảm tưởng là má tôi không phải vì đau khổ mà khóc. Má tôi khóc vì xúc động. Nếu ngọc trai là ngọc của sò biển, nếu gạo thóc là ngọc của trời, thì nước mắt là ngọc của má tôi. Cả đời, má tôi buông nhả loại ngọc đó rất nhiều, cho bất cứ gì, cho bất cứ ai vô tình hay cố ý đến gõ cửa trái tim bà" (17).
 "… Đôi khi bà xin đâu được muỗng nước cá kho đem về chan lên chén cơm khô cho tôi ăn đỡ thèm, bà ngồi nhai nhóp nhép nắm cơm nguội với muối hột mỉm cười ngó tôi sung sướng. Và nụ cười tre trúc lại khua bóng rì rào… Bà ngó tôi vét tới hột cơm cuối cùng mà còn liếm muỗng cho sạch nước cá kho trên đó. Chắc bà sung sướng dữ lắm. Sung sướng vì thấy tôi ăn ngon chứ không phải vì thấy mình hy sinh cho con. Sự hy sinh nào cũng kèm theo ít nhiều đau khổ. Còn nghĩ rằng mình hy sinh là ý nghĩ đó còn lẫn lộn ích kỷ, chưa quên được mình. Khi mỉm cười, má tôi vui sướng thật tình chứ chẳng phải vì hy sinh hiến mình ráo trọi. Tiếng hy sinh không có trong ngôn ngữ của má. Má tôi quê mùa lắm, đâu biết gì mấy cái tiếng lắt léo mắc dịch đó! Cả đời tôi chưa hề nghe tiếng’hy sinh’ thốt ra từ cửa miệng của bà…"
"Tôi được cái may mắn sinh ra trong một gia đình nghèo khó nên trải qua lắm đoạn trường khiến cho phần tình cảm của tôi được phát triển đầy đủ hơn những người không được cái may mắn đó. Điều đó kết nhụy ở tôi thành một thứ ‘trực giác’ mở cho tôi cái nhìn thấu đáo thẳng tiếp với sự vật, không phải qua lối mòn đầy chướng ngại của ‘lý trí’ (18)."
Trong tác phẩm của Kiệt Tấn, cùng với "bà má" có những "bà già-quê hương" mà hình ảnh khái quát được tác giả phác họa như sau:
"Đã có bao nhiêu ‘bà già-quê hương’ tôi đã gặp trong đời? Năm người? Mười người? Hay một trăm người? Hay nhiều hơn nữa? Có lẽ vậy. Không sao đếm hết. Những bà già đó nhan nhản đầu làng, cuối xóm ở quê mình. Chỉ cần chú ý một chút là bạn sẽ thấy. Họ sờ sờ đó, lúc nào cũng hiện diện, nhưng đồng thời rất âm thầm. Họ không có nhiều lời nói, chỉ có cái nhìn độ lượng, ánh mắt từ bi, nụ cười móm. Và đôi khi họ khóc. Cũng như bạn. Khi đau khổ quá, bạn khóc." (19).
 Từ những ‘bà già-quê hương’ này, tác giả nhìn thấy hình ảnh quê hương, đất nước và cội nguồn nhân bản ở mình:
 "Những bà già đó tượng trưng cho quê hương. Không! Những bà già đó là quê hương. Những bà già có làn da nhăn thơm mùi đất, có nụ cười rì rào tre trúc, có bàn chân nứt nẻ phù sa, có trái tim từ bi vô lượng, trái tim đó đã bơm máu vào rún tôi từ bụng mẹ, từ lúc tôi còn nhỏ xíu lớn chưa bằng đầu ngón tay. Trời ơi! Sao thương quá sức! Ai nỡ cắt ruột cho tôi đành? Tôi thèm thương. Tôi thèm khóc. Tôi thèm quê hương. Thèm quá đỗi! Tết lại đến rồi đó…" (20).
 Từ những suy nghĩ của nhà văn Kiệt Tấn có thể thấy những lỗ hổng không ít những công trình nghiên cứu về bản sắc dân tộc.
 Trong tác phẩm văn học, bản sắc dân tộc thể hiện trước tiên ở tài năng sử dụng ngôn ngữ văn học dân tộc của tác giả. Tổng kết những đóng góp của những nhà văn hải ngoại cho sự phát triển của ngôn ngữ văn học Việt Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của đề tài chúng tôi quan tâm. Trong bài của Nguyễn Ngọc Bích giới thiệu tác phẩm Lớp Sóng Phế Hưng (21), của Hồ Trường An, có đoạn viết:
 "… đọc bất cứ một đoạn văn nào của anh, ta thấy tiếng Việt có thể phong phú đến độ nào: từ các tên cây, tên cỏ, đến cả đồ nữ trang, kiểu trang sức (mà anh như là thống khoái mô tả trong Phấn Bớm), cho đến các món ăn ở miền Nam (ôi tuyệt diệu!), và đến cả ngôn ngữ của triết học, chính trị, không có cái gì mà Hồ Trường An cho rằng tiếng Việt ngày hôm nay không thể nói đến được, - mà còn nói một cách bóng bẩy, điêu luyện, tinh vi…(22).
 Rất tiếc là trong phê bình văn học hiện nay không mấy tác giả có sự may mắn như Hồ Trường An được nhà phê bình về mặt tài hoa ngôn ngữ (dĩ nhiên, có những tác giả không được bình về mặt này lại là may!). Trong lời Giới Thiệu, Nguyễn Ngọc Bích không chỉ có lòng mến mộ của nhà phê bình trước ngôn ngữ phong phú và điêu luyện của nhà văn, ở đây còn bộc lộ sự rạo rực tình yêu và tự hào của nhà phê bình đối với những khả năng to lớn của tiếng Việt.
 Gặp được những từ sáng tạo tài tình, những cách dùng từ mới mẻ… là một niềm vui của thú đọc sách. Nhà văn Tạ Chí Đại Trường có nói đến một cái tính của mình là tính "ơ hờ thành thói" (23). Trong thực tế, tôi đã gặp những người có tính như vậy nhưng lúng túng không biết đó là tính gì? Nay có một nhà văn đặt tên cho nó, chắc là từ nay nhiều độc giả cũng như tôi sẽ nhận ra những biểu hiện của nó ở người đời dễ dàng hơn, rõ nét hơn.
 "Ta thấy hình ta những miếu đền" (24) là một bài thơ hay của Mai Thảo. Thần tình của bài thơ là hai từ "sao không" được lập lại trong suốt các khổ của bài thơ. "Sao không" là sự rút gọn "khẩu ngữ" của mệnh đề-phó từ "sao chẳng không là vậy". Mệnh đề-phó từ này được rút gọn thành phó từ "sao không" trở nên gọn nhẹ, lại có hơi hướng "khẩu ngữ", lại xen vào liên tiếp như là "câu hỏi"… tất cả làm cho toàn bộ bài thơ hoạt hẳn lên. "Sao không" vừa là câu hỏi, vừa là tâm thế xác quyết, một cách xác quyết thi sĩ, không giáo điều, không áp đặt. Phó từ "sao không" được sáng tạo, lần đầu tiên xuất hiện trong bài "Ta thấy hình ta những miếu đền" của Mai Thảo.
 Đọc văn học Việt Nam hải ngoại tôi gặp những từ được sử dụng rộng rãi, nhưng trong văn học trong nước, nhất là văn học miền Bắc hầu như không thấy dùng, mà những từ này tuy lạ nhưng có thể đoán ra nghĩa và thấy hay hay.
 Trong Đại từ điển tiếng Việt, từ "lý" chỉ được tường giải như là danh từ. Trong truyện Auld Lang Syne của Song Thao, từ "lý" được dùng hai lần như là động từ:
 -Công vịệc của họ quá bận rộn, tiền vô như nước, họ đâu lý tới cái hãng lộn xộn nhếch nhác của ông bố (tr. 74).
 -Lý gì tới tôi, bà ơi! Dù có cả một hồ nước mắt, tôi cũng chẳng phí phạm một giọt cho những mất mát của một anh già chẳng ăn nhậu gì tới tôi cả…(tr.75).
 Trong Đại từ điển tiếng Việt, từ "khơi khơi" chỉ được tường giải hai nghĩa. Trong Mùa Biển Động của Nguyễn Mộng Giác, từ này được sử dụng vài chục lần, ít ra với năm nghĩa khác nhau, Một nghiên cứu đầy đủ từ vựng trong ngôn ngữ văn học Việt Nam hải ngoại chắc chắn sẽ đem lại những sự bổ sung quan trọng cho các bộ từ điển tiếng Việt.

 Hoàng Ngọc Hiến

 Chú thích:
 Đăng trong tập truyện "Tối tháng năm tại quán ăn đường Fifth" của Nguyễn Ý Thuần, sách đã dẫn.
 Xem Marshall Berman [có khi được viết Bergman ở trong bài viết]: All that is Solid melt into Air. Penguin Books, 1988, pp. 17, 18, 19.
 Sách đã dẫn, tr. 100
 Như trên, tr.100.
 Xem như trên, tr.102.
 Jean-Francois Revel, Mathieu [trong bài viết Matthieu] Ricard: Le moine et le philosophe. Nil Editions, 1999.
 Xem sách đã dẫn, tr.283,284.
 Sách đã dẫn, tr.100.
 Sách đã dẫn, tr.106.
 Xem Nguyễn Mộng Giác: Mùa Biển Động, Văn Nghệ, 1988 bộ I, tr.260,261.
 Xem như trên, bộ II, tr.1005.
 Như trên, bộ I, tr.197,19.
 Hồ Trường An: Lớp Sóng Phế Hưng, Tủ sách Cành Nam, 1988.
 Sách đã dẫn, bài Giới Thiệu.
 Sách đã dẫn, tr.10,11.
 Sách đã dẫn, tr.11.
 Sách đã dẫn, tr.20.
 Sách đã dẫn, tr.20,21.
 Sách đã dẫn, tr.155,156.
 Sách đã dẫn, tr.152.
 Hồ Trường An: Lớp Sóng Phế Hưng, Tủ sách Cành Nam, 1988.
 Sách đã dẫn, bài Giới Thiệu, tr.5.
 Xem Tạ Chí Đại Trường: Một khoảnh Việt Nam Cộng Hoà nối dài, Thanh Văn, 1993, tr.218.
 Đăng trong tập thơ Ta thấy hình ta những miếu đền, Văn Khoa xb, 1989, tr. 13,14,15.

 ***

 Thay lời Kết luận

 Thay lời kết luận là những ấn tượng sự đa dạng phong cách trong văn học hải ngoại Việt Nam để lại ở người viết bài tiểu luận này. Cùng viết về nông thôn miền Nam, Hồ Trường An thiên về "miêu tả phong tục": cách cạo gió, ngày hội kỳ hương, cách trải tóc ba bảy rồi búi lại, lối chửi bới có vần có điệu ‘giòn hơn bánh tráng, trơn hơn mỡ’… còn trong tác phẩm của Kiệt Tấn mối quan tâm hàng đầu là "mở ra kho tàng vô giá đạo đức và văn hóa truyền thống trong tấm lòng" những người dân thường thôn dã. "Ánh Sáng và Bóng Tối" (1) của Hoàng Liên và "Đại học máu" của Hà Thúc Sinh đều là hồi ký về trại cải tạo, trong tác phẩm của Hoàng Liên, dòng hồi tưởng lúc nào cũng như lúc nào, điềm tĩnh và từ tốn; còn trong tác phẩm của Hà Thúc Sinh giọng văn thường sôi nổi, có khi quyết liệt. Sông Côn Mùa Lũ (2) của Nguyễn Mộng Giác và Gió Lửa (3) của Nam Dao là hai tác phẩm gần gũi về thể loại (tiểu thuyết lịch sử) và đề tài (thời đại Quang Trung) nhưng rất khác về phong cách. Chỉ riêng nói về một điểm: trong Sông Côn Mùa Lũ, "nghị luận" (còn gọi là "yếu tố chính luận") chỉ là nửa trang hay nhiều lắm là một trang xen vào truyện; trong Gió Lửa "nghị luận" tham gia tích cực vào sự hình thành nội dung và cốt truyện… Sự đa dạng phong cách thể hiện rõ nhất trong sáng tác của những nhà văn nữ: Nguyễn thị Hoàng Bắc, Trần thị Kim Lan, Phan thị Trọng Tuyến, Trần Diệu Hằng, Ngọc Nhung, Trần Mộng Tú, Lê thị Thấm Vân, Nguyễn thị Thanh Bình, Lê thị Huệ, Nguyễn thị Xuân Sương…
 Đã có những nhận xét xác đáng về văn phong từng tác giả, đem gom lại chúng ta sẽ có một bó hoa đẹp, màu sắc phong phú. Tôi nêu lên ở đây những nhận xét tình cờ tôi ghi được.
 Về văn phong Trần thị Kim Lan:
 "… Trần thị Kim Lan đơn giản, vắn tắt, nhanh gọn, nhưng cái gì cũng đến nơi đến chốn. Với vài nét phác họa, chị đã vẽ nên một chị tài xế da đen, một hoàng tử Phi Châu, một lớp học của trẻ di dân… vừa thực vừa linh động… Và chị tinh nhậy sắc bén lạ thường: mọi diễn biến tâm lý cỏn con nơi cô bạn Dianet (Hành trình vào đời), mọi thay đổi vô ý thức nơi giọng nói và cử chỉ của nhà hùng biện Juan Santiago (Ánh mặt trời bất tận) đều không thoát nổi mắt chị. Chị trông thấy cả, chị bắt gặp đúng lúc, chị mỉm cười chút xíu, nhưng không ác ý. Và các đối thoại trong truyện lúc nào cũng thông minh, ý vị" (Võ Phiến) (4).
 Về phong cách của Nguyễn thị Hoàng Bắc:
 Những truyện ngắn của Nguyễn thị Hoàng Bắc "không có chuyện hiểu theo nghĩa thông thường, nghĩa là có gặp gỡ, trắc trở, và hạ hồi kết cuộc. Đời sống của cả một dân tộc lẫn tác giả có quá nhiều bất trắc, chông chênh để văn chương Nguyễn thị Hoàng Bắc là những mẩu đời tròn trịa, hợp lý. Truyện Nguyễn thị Hoàng Bắc là những mảnh đời mong manh bắt đầu bằng những kỷ niệm, trải dài qua thăng trầm của thời thế, và thường không biết kết thúc ở đâu. Nhiều truyện chấm dứt ở chỗ lửng lơ. Nhiều truyện khác chấm dứt ở tiếng thở dài. Giọng văn tinh nghịch linh hoạt của "Long lanh hạt bụi" thuở đầu, qua "Bên lở bên bồi" trở thành trầm lắng hơn, bùi ngùi hơn; tiếng cười chưa tắt nhưng đã nhuốm đôi chút cay đắng, hoang mang". Hoàng [Nguyễn?] Mộng Giác (5).
 Sau đây là phong cách đa dạng của Miêng (bút danh của Nguyễn thị Xuân Sương):
 "… Từ không khí ngột ngạt, đặc quánh của Cu Bợm, ta bước vào xốn xang, lo âu, của Song Sinh, rồi thoát đến cái nhí nhảnh hồn nhiên trong Ỡm Ờ, chất thơ của Hải Nữ. Ta bỡ ngỡ tự hỏi tất cả chừng ấy là cùng do một người viết? Miêng có cái khéo léo cuốn ta đi gần đến cuối truyện để kết luận một cách đột ngột, phần lớn trái với dự tưởng của người đọc…. Đâu đây, ta như thấy chị nheo mắt cười vì đã đưa thêm một độc giả vào tròng". Nguyễn Nam Trân (6).
 Cái thần của văn phong Phan thị Trọng Tuyến thể hiện ở nụ cười của tác giả:
 "…. Người ta có thể ưu tư mà không hề rầu rĩ… Phan thị Trọng Tuyến gần như luôn luôn có một nụ cười….
 Cái cười cho là của Hồ Xuân Hương nghe khiêu khích cợt nhả, cái cười của Linh Bảo lại chua chát đắng cay. Ở Phan thị Trọng Tuyến nụ cười vốn giản dị. Cười như nghịch ngợm hồn nhiên, như nét tinh quái thường ánh lên trên các gương mặt thông minh.
 Ở đây, ta bắt gặp người phụ nữ Việt Nam trong một không khí tinh thần mới: tự do, khoáng đạt, cởi mở." Võ Phiến (7).

 ******

 Còn thiếu rất nhiều bông hoa. Tôi lại không biết trình bày, sắp bó vụng về. Mong sự lượng thứ của quí vị độc giả và tác giả.

 Chú thích:
 Hoàng Liên: Ánh Sáng và Bóng Tối, Văn Nghệ, 1990.
 Nguyễn Mộng Giác: Sông Côn Mùa Lũ, Văn Nghệ.
 Nam Dao: Gió Lửa, nhà xb Thi Văn, 1999.
 Xem Trần thị Kim Lan: Gió Đêm. Văn Nghệ. Tr. xviii.
 Xem Nguyễn thị Hoàng Bắc: Bên lở bên bồi. An Tiêm 1992, bìa bốn.
 Xem Miêng, tập truyện, Văn Mới xb 1999, tr.12.
 Xem Phan thị Trọng Tuyến: Mùa hè ở nơi khác. Văn Nghệ, 1986.

 Hoàng Ngọc Hiến