*


 

Thánh Daniel ẩn sĩ 

Ẩn sĩ Daniel sinh năm 409, chết năm 493, thọ 84 tuổi. Mới đầu ông là tu sĩ trong tu viện Syropalestinien. Cảm kích vì lối sống ẩn tu của thánh Syméon thành Antioche, ông bắt chước ông này và ba mươi năm cuối đời ông sống trên đỉnh một cái cột, gần thành Constantinople. Người ta gọi ông là tọa trụ khổ tu. 

 Chỉ có tình yêu mới là lý do sống

Khi ẩn sĩ Daniel tám mươi tuổi, một ông nhà giàu kêu ông lại hỏi : 

-         Này nhà vô địch ngồi ba mươi năm trên cột kia, ông có lời nào khuyên tôi không? 

-         Ông nên yêu thương người anh em của mình, nhất là người nghèo. Cho tới bây giờ, ông mới chỉ thương ông. Sự thật thì cũng chẳng có bao nhiêu chuyện! 

Paroles des saints – Éd Brepols 2è édition 1999


Thalès – triết gia hy lạp sinh khoảng 580 năm trước công nguyên, trong vùng Milet                       

Giàu chỉ một vụ mùa
 
“Ông nhìn trăng sao nhưng ông chẳng biết chuyện gì xảy ra trên mặt đất!

-          Đúng thế! Lúc nào cũng bất động, đầu trên mây, người ta tự hỏi không biết ông thấy cái gì hay ho trên cao kia...

-          Đứng cả đêm, không thể nào sống như vậy được! Cứ đứng nhìn trời hàng giờ! Rồi mà xem, cứ không chịu nhìn xuống đất xem hai chân mình đứng đâu thì có ngày té... Té bất cứ đâu! Trong cái hố, trong cái giếng...

-          Đúng rồi, mấy người đó họ không bình thường, họ không biết sống. Thay vì lo làm lụng thì lúc nào cũng chúi mắt chúi mũi ngó trời!

-          Đầu thì đầy, bụng thì đói!

-          Lúc nào cũng tính toán, cũng vẽ trên cát hết vòng tròn, đến hình tam giác, đến đường thẳng, chẳng bao giờ ngưng nghỉ...

        -          Họ không cần đếm xem họ có bao nhiêu tiền! Người ta nói họ cũng chẳng có đến cái áo lạnh mùa đông!” 

Mấy chuyện xoi mói này, Thalès không còn muốn nghe nữa. Từ lâu, ông tưởng ông có thể thờ ơ với nó. Những câu nói hành, nói sau lưng, những câu chuyện của mấy bà giúp việc này có đem lại lợi ích gì cho ông không? Có phải ông là nhà hiền triết, nhà toán học, nhà chiêm tinh chuyên khoa các loại khoa học cao cấp sao? Có phải ông là một trong những người duy nhất có thể hiểu được chuyển động của các thiên hà không? Khoảng cách xa thẳm giữa những câu nói thô tục của họ và tầm nhìn cao rộng của ông không đáng cho ông trả lời. Vô ích để quan tâm đến nó. Ông đi con đường của ông. Cứ để lửa rơm tàn dần. Ngu dốt không biết gì, bình phẩm của những người khùng. Tất cả rồi sẽ qua đi. Đúng, ông đã nói như vậy. 

Chẳng có gì trôi qua. Mà còn ngược lại. Ông còn nghe thêm lời chế nhạo, sự không hiểu biết càng tăng thêm. Ngay cả bây giờ bọn trẻ con khi thấy ông đi qua cũng cười ông. Phải chấm dứt chuyện này. Đây không phải vì kiêu ngạo hay vi phạm nhân cách. Điều thuyết phục  Thalès làm cho ông phải dứt khoát chấm dứt mấy lời nói ngu xuẩn này là ông muốn mọi người phải biết kính trọng sự hiểu biết và những người bảo vệ sự hiểu biết. 

Các tên ngu dốt có thể ở trong cái mù quáng và ngu dốt của họ. Nhưng họ không được làm nguy hại đến sự hiểu biết. Phải dập tắt cái sự khinh bỉ thô lậu này, dẹp tắt một lần cho xong. 

Nhưng bằng cách nào? 

Tối hôm đó, khi leo lên ngọn đồi mà hằng đêm ông vẫn leo, lần đầu tiên, Thalès không suy nghĩ đến đường đi của các ngôi sao cũng không nghĩ tới cách sắp xếp của vũ trụ. Vừa đi ông vừa hoạch định chương trình. Trước hết, ông phải quan sát vài chuyện, tính toán vài con số. Cũng sẽ mau chứ không lâu bao nhiêu. 

Trong vài tiếng đồng hồ, ông đi lui đi tới vườn cây ô-liu mà hàng ngày ông đi bắt mòn gót, ông nhẩm đi nhẩm lại mưu kế của mình. Mấy cái tên ngu dốt kia tưởng tôi không biết cách nào lượm tiền chăng? Chúng tưởng cái hiểu biết không có giá trị gì, không thể làm gì, không mang lại gì sao? Phải cho họ thấy một bằng chứng xác thực, một thành công rực rỡ? Ấy, để mà coi! 

Mùa đông sắp chấm dứt. Gió miền bắc còn thổi. Đất còn đông đá. Các nông dân tưởng mùa ô-liu sẽ không được dồi dào. Ít trái, trái khô, trái nhỏ, mấy năm qua đều như vậy. Làm sao ép dầu đây! Ồ, dầu thơm phức, bóng lưỡng, ngọt dịu; đó là cái chắc, nhưng chỉ dành cho ai gặp may, có nghĩa là không phải mọi người. Thành Athène đừng quên dân Milet! 

Thalès quyết định thuê một cái máy ép cho mùa sau. Ai biết chuyện đều cười. Nhưng họ im lặng vì họ không hiểu gì. Thalès sẽ làm gì với cái máy ép? Bí mật không được tiết lộ. Nhà thông thái lại càng kín đáo, càng tin chắc. Với người này ông nói để làm cho bà dì vui, với người kia ông nói để giúp cho cái bao tử hay ợ chua của ông. Ông thuê một, hai, ba, năm, mười cái máy ép trong vùng. Thuê giá rẻ. Mới đầu mùa xuân, ai cũng nghĩ sẽ còn vai ba vụ thất mùa ô-liu. 

Thalès gởi con cháu về các làng lân cận và ngay cả những làng xa nhất. Mùa xuân chưa hết mà trong vùng chẳng còn cái máy ép nào mà ông không đặt thuê. Bốn ngày lừa quanh vùng Milet, ông cho con cháu đi đặt mướn máy ép hết! Chẳng tốn bao nhiêu. Chẳng ai tiên đoán được gì. Thời tiết tốt sẽ đến sau. 

Thời tiết thật tuyệt, khi nào cần nắng thì nắng, cần dịu thì dịu, cần ẩm thì ẩm, một thời tiết lý tưởng cho mùa ô-liu! Cây oằn trái! Trái nào trái đó mọng nước. Thời tiết chẳng có gì phải sợ. Khi mùa thu qua đi, mùa gặt đến, một mùa gặt mà các vị thần phải mỉm cười! Xe bò chất nặng. Ngày ngắn làm không hết việc. Người ta đứng sắp hàng ở các máy ép. 

À, bây giờ Thalès rao giá. “Ông có muốn mất vụ gặt màu mỡ này không?.. Ông sẽ có dầu dùng cho cả mấy năm... Được, ông có thể trả góp... Không, tôi chỉ nhận tiền bằng vàng hay bằng bạc... A! Làm sao tôi làm được như thế? Đương nhiên là nhờ hiểu biết! Nhờ các ngôi sao, nhờ các con tính! Phần còn lại là bí mật của tôi.” 

Roger-Pol Droit                                                           

Nếu những người hiểu biết ngày hôm nay cũng như ngày xưa không kiếm được nhiều tiền là vì họ không có khả năng hay họ không thích?  

 

Nguồn gốc câu chuyện kể: 

Hiéronymos thành Rhodes kể trong quyển sách thứ nhì Ký Ức Phân Tán là triết gia Thalès muốn tỏ cho mọi người biết làm giàu cũng không khó gì. Ông tiên đoán được vụ hái ô-liu sắp tới sẽ rất được mùa, ông đi thuê trước tất cả máy ép dầu trong làng và thế là ông làm giàu chỉ trong một vụ mùa.

                                                                        Diogène Laerce, chương I, 26           

Tiểu sử: 

Thalès thành Milet sinh vào khoảng cuối thế kỷ VIIø, chết đầu thế kỷ VI trước công nguyên. Thalès là một trong bảy triết gia được vào danh sách Thất Hiền và được người Hy Lạp xem là nhà sáng lập hình thức tư tưởng và cách cai trị quốc gia của họ. Ông là người đầu tiên giải thích  hợp lý cấu trúc vật lý của thế giới, dưới mắt ông, nước là nguyên tắc của mọi sự. Người ta cũng nói ông có năng khiếu về chính trị, thiên văn và quân sự. Không có một bài viết nào của Thalès còn lưu lại ngoại trừ định đề con mang tên ông.
 

Fous comme des sages

Roger-Pol Droit et Jean-Philippe de Tonnac – Seuil 2002