logo

Thiếu Nhi

 

Ba cái lăng nhăng
 

             Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được cái gì, hay cái nấy
Có chăng chừa rượu với chừa trà. 

Cứ mỗi lần đọc mấy vần thơ trên của Trấn Tế Xương, là tôi lại tủm tỉm cưới thầm, chỉ mấy câu thơ tâng vợ để xin tiền mua rượu, mua trà mà nói lên hết được tấn thảm kịch của người đàn ông: chừa cho được đàn bà! Ấy, không phải chừa đàn bà đâu, mà chừa bám dính vào đàn bà! Dính vào rượu làm sao rứt cho được? Ấy, mấy cái lăng nhăng của đàn ông rồi cũng chỉ quy về một. 

Thế mấy cái lăng nhăng của đàn bà? Chắc tỉ số dính vào rượu, vào trà của đàn bà không cao bằng đàn ông! Dính vào đàn ông? May thay cũng đến một số tuổi nào đó ông trời  làm công việc chấm dứt giùm cho họ. 

Thôi thì đàn ông, đàn bà chúng mình chừa được cái gì thì chừa. Chừa để không tái phạm: 

Nhớ ai như nhớ bà nhà,
Vừa chôn bà ấy xuống,
Lại vời bà khác lên. 

Tôi thích đọc Kinh Thánh để tìm trong đó một gương sống. Chẳng hạn, muốn chừa một tật xấu, phải dứt khoát từ bỏ nó, tôi lấy chuyện nàng Lốt trong Cựu Ước ra làm gương. Số là để trừng phạt một thành phố sống trong tội lỗi, Chúa gởi Thiên Thần xuống cứu với điều kiện tìm cho được một vài gia đình tốt trong thành phố, tìm mãi chỉ có một gia đình, Chúa đành phá hủy thành phố đó. Để cứu gia đình này, Thiên Thần đem họ ra khỏi thành phố và dặn tất cả mọi người trong gia đình khi đi ra khỏi thành phố, không vì cớ gì mà quay đầu nhìn lại. Vừa ra khỏi thành phố, nghe tiếng động ầm ầm sau lưng, nàng Lốt, con dâu của gia đình, quay đầu nhìn lại liền bị hóa muối chết tại chỗ. Thế, chỉ cần do dự, hoang mang một chút là đi trệch ra khỏi đạo! Nhưng, một khi bước cho được một bước đầu vượt thắng những yếu kém của mình, thì những bước sau cứ thế mà theo bước đầu, không đến nỗi khó khăn lắm!

 Những người nghiện rượu, nghiện thuốc lá, một giọt rượu cũng phải tránh xa, một làn khói cũng phải tránh ngửi. Thế thì đàn bà? Một làn hương cũng phải cố quên. Nhắc đến chữ quên, tôi nhớ đến chữ quên của Trang Tử trong chương 14- Thiên vận: "Làm con, kính trọng cha mẹ dễ hơn là thương yêu cha mẹ; thương yêu cha mẹ lại dễ hơn quên cha mẹ; quên cha mẹ lại dễ hơn làm sao cho cha mẹ quên mình; làm sao cho cha mẹ quên mình lại dễ hơn mình quên hết được thiên hạ, quên hết được thiên hạ lại dễ hơn là làm sao cho thiên hạ quên mình..."

Ấy, quên đàn bà thì dễ, nhưng làm sao để cho đàn bà quên mình mới là khó, mới là xứng là bậc anh hùng.

 "Yêu ai yêu cả cuộc đời"

 Khi người ca sĩ ngân đến chữ "đời," hình như họ muốn ngân dài đến vô tận. Tôi vẫn thầm nghĩ: "vẽ chuyện," chỉ có các nhà văn-thơ-nhạc khéo bịa. "Lụy ai lụy cả cuộc đời!" thì đúng hơn. Tôi thầm mong có một luật lệ nào đó cho phép, lấy ai, chỉ được phép lấy mười năm, sau đó muốn tiếp tục ở với nhau, khải ký giấy lại; khi đó, e mọi người thở phào! ... còn con cái? Chuyện hậu xét. Lấy ai lấy cả cuộc đời, họ tưởng còn dư thì giờ nhiều quá, họ sinh con đẻ cái bất kể giờ giấc, đến 50, 60, 70 vẫn còn sinh. Thế thì khi chỉ có mười năm để sống chung, họ sẽ cẩn thận hơn.

 Ở cuối thế kỷ 20, khi nhu cầu nào cũng được xem là tối khẩn thiết thì chuyện "yêu ai yêu cả cuộc đời," nghe như chuyện cỗ tích "cô bé quàng khăn đỏ," chẳng còn ai buồn nghe. Nhu cầu tối khẩn thiết: nhu cầu ăn. Chẳng ai để người qua đường đói nằm bên lề đường mà không cho ăn. Nhu cầu tối khẩn thiết: nhu cầu yêu. Chẳng ai lên án người yêu điên cuồng, yêu đến độ  đổi cả mạng sống của mình để thỏa mãn nhu cầu yêu thương chốc lát, người ta chỉ tỏ lòng thương xót, và cả xã hội ra tay cứu chữa họ. Chẳng còn ai đặt câu hỏi vì sao. Thế thì hôm nay tôi kể bạn nghe chuyện "yêu ai yêu cả cuộc đời,"  bạn còn kiên nhẫn để nghe?

 Chắc là không. tôi đoán trước mà! Bạn sẽ thích:

 Roméo và Juliette.

Carmen.

Bà Butterfly.

Trà hoa nữ.

 

Yêu đi, rồi chết, có gì đâu mà phải sợ! Bạn đâu có muốn ở trong chùa gặm nhắm mối tình thiên thu, trong lăng tẩm khóc quân vương suốt đời. Nhưng giả dụ không chết được, bạn có muốn có một người để thương để nhớ? Và đố bạn, khả năng yêu của giới nào mạnh hơn, chung tình hơn?

 Đối với bạn, câu hỏi này dễ quá nhỉ? Tôi cũng sẽ trả lời như bạn: "Của đàn ông."

 Đàn ông chung tình? Đúng! Họ chung tình, họ kiên trì, họ không bỏ cuộc; chứ đàn bà, rồi ra đến một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, họ sẽ bỏ cuộïc.

 Khả năng yêu của đàn ông mạnh hơn? Điều đó không chối cãi: Con người là tạo vật tổng hợp gồm thân xác, tinh thần và ý chí, mọi cảm xúc đều phải được thân xác chuyên chở. Mà kích thích tố nam vẫn là một kích thích tố mạnh mẽ và quyết định. sức yêu của đàn ông là sức sáng tạo của thế giới, sức biến hóa của cuộc đời, và cũng là sức hủy diệt của cuộc đời. Còn sức yêu của đàn bà chỉ là sức tiếp nhận, nhiều lúc lại là thụ động ... và rốt cùng, thu gọn vào nhiệm vụ chuyên chở ...  Ồ! Tôi không kéo bạn đi xa trong cuộc tranh luận này.

 Yêu mộng mơ, yêu tha thiết, yêu mặn nồng ... chỉ có đàn ông mới có khả năng yêu như vậy. Tôi vẫn bảo tạo hóa khéo bất công: khi cho đàn bà lên thiên chức làm mẹ, tạo hóa đã tước mất khả năng yêu của họ. Yêu thương giờ đây là yêu vờ, yêu vỉnh; mọi tình yêu họ đã dồn qua cho đứa con, để đứa con có khả năng làm tiếp công việc tạo hóa trao cho: khả năng yêu!

 Tôi biết bạn đang thầm nghĩ tôi kỳ thị nam nữ, có mặc cảm tự ti. Vâng, tôi biết, bôn ba cũng không qua cách con tạo xoay vần! Chuyện gì người xưa cũng đã từng nói, này nhé, bạn mở quyển kinh dịch ra, ở quẻ thứ 28. Người xưa đã nói:

 "Khô dương sinh hoa, lão phụ đắc kì sỉ phu vô cữu, vô dự.

Khô dương sinh đề, lão phu đắc kì mỉ thê vô bất lợi."

 Cây dương khô ra hoa, bà cụ già có người bạn trẻ, không chê không khen.

Cây dương khô đâm rễ mới, cụ ông lấy được cô gái trẻ, không phải là không lợi.

 
Cây ra hoa cuối mùa làm sao bằng cây đâm rễ mới! Bạn đã thấy những nụ hoa cuối mùa trong khu vườn đã tàn úa chờ những ngọn gió đông, buồn biết chừng nào! Bạn cũng đã thấy cây đâm rễ mới vào mùa xuân, có gì ngăn được sức sống của nó!

 Trên thế giới này, có bao nhiêu cặp "khô dương sinh hoa," tôi chỉ biết vài cặp lừng danh:

 Edith Piaff và Sarapo.

Marguerite Duras và Yann Andréùa.

Colette và Bertrand de Jouvenel.

Bà Simone và Alain Fournier.

 Còn "khô dương sinh đề," thì e là một danh sách bất tận, bắt đầu có lẽ là người ở bên cạnh bạn! Chẳng thế mà ngạn ngữ do-thái có câu: "Cám ơn Thượng đế đã cho tôi sinh ra là đàn ông."

 Có thế, mới có thể "yêu ai, yêu cả cuộc đời," yêu mặn nồng, yêu tha thiết.

 Bây giờ, mời bạn, định nghĩa chữ "ai" giùm cho tôi.

                                                                                     Lan Nguyễn

                                                                                      1995