logo

Thiếu Nhi

 

Cái ngày mà tôi để lại tuổi thơ ở  Sài gòn

Chantal Goya – Paris Match số 2904 – 13-01-2005

Cha mẹ tôi gặp nhau ở Việt Nam, ông ngoại tôi là bác sĩ. Vào thời đó Sài gòn còn là Đông Dương. Cuộc sống ở đó thật hoang đường. Xứ sở này kỳ bí, huyền diệu và người dân ở đó cực kỳ dễ thương. Chưa tròn 18 tuổi thì mẹ tôi gặp cha tôi, ông hơn bà mười tuổi. Bà đang học trường trung học Pháp ở Sài gòn. Ra trường Khoa Học Chính Trị, cha tôi muốn qua Việt Nam để khai thác đồn điền cao su. Họ đám cưới ở nhà thờ chính tòa Sài gòn, một năm sau tôi ra đời. Ông ngoại tôi đỡ đẻ cho mẹ tôi trong một dưỡng đường ở phố tàu. 

Vì mẹ tôi phải tiếp tục học nên bà giao tôi cho Assam. Assam người tàu, gốc người Assam. Giống như rất nhiều phụ nữ thuộc bộ lạc vùng Assam, bà thề không lấy chồng, chỉ ở vậy để giữ trẻ con. 

Nhanh như chớp, tôi cảm thấy gần với bà, tôi còn nhớ bà có khuôn mặt tròn, đôi mắt có nếp vừa tươi cười vừa kỳ bí. Đó là một người kín đáo và đoan trang. Rất khó mà biết lúc nào bà buồn hay không. Assam rất trẻ nhưng khó đoán tuổi bà. Tôi nghỉ bà vào khoảng 28 tuổi. Bà thêu tay tất cả yếm cho tôi, may những cái áo nho nhỏ và kể chuyện cho tôi nghe. Tôi nghe một cách tín cẩn. Tôi mê bà. Mẹ tôi kể chỉ cần Assam vắng mặt một buổi trưa là tôi không chịu bú và nằm lăn ra đất khóc. Tôi chỉ muốn ở gần bà! Cái bí ẩn của bà lôi cuốn tôi. Tôi để ý trẻ con thường đến với những người mà nơi người đó có một cái gì chúng không thể nào thấy. 

Assam và tôi sống với nhau bốn năm. Trong thời kỳ này, không khí chính trị ở Đông Dương thay đổi. Người Pháp ở đây cảm thấy bị đe dọa mỗi ngày. Và cuộc chiến bắt đầu. Chúng tôi phải rời đồn điền và Đông Dương. Để không bị vấn đề khi về Sài gòn, gia đình tôi quyết định chia nhau đi. Không có chuyện tất cả mọi người lên cùng một xe. Mẹ tôi rời đồn điền với đứa em trai. Tôi được giao cho Assam. Chúng tôi trốn bên này bên kia nơi các nhà người Việt bạn ông ngoại tôi. Chỉ đi vài cây số mà phải mất cả mấy giờ, thường thường chúng tôi đi xe bò. Cuối cùng Assam và tôi cũng đến được sông Cữu Long. Chúng tôi lên một chiếc thuyền. Dù tôi có nhớ cha mẹ và em nhưng có Assam ở đó là tôi yên tâm. Bà dỗ tôi và nói cho tôi biết là sẽ đi “một chuyến đi lâu.” 

Trong mấy ngày này, chúng tôi chỉ ăn toàn cơm và đến bây giờ, cơm vẫn là món ăn căn bản của tôi. Assam đội cho tôi một cái nón kiểu tàu và với cách ăn mặc của tôi, ai cũng nghĩ tôi là một em bé Việt Nam. Tôi không biết phải mất bao nhiêu thời gian để đến cảng Sài gòn. Ở đó tôi gặp lại cha mẹ và em trai. Ba tôi lên cơn sốt rét cấp tính, ông nằm dài trên cái cáng dưới chân một chiếc tàu to lớn chuẩn bị chở người Pháp hồi hương. 

Phải hành động nhanh. Assam ấn tôi vào vòng tay mẹ tôi, rồi bà vạch đám đông chạy mất. Đó là tháng 6 năm 1948. Bà không nói một lời từ giã tôi. Assam là người không thích khóc. Trong đầu óc nhỏ bé của tôi, cuộc ra đi này tạo cho tôi một khoảng trống, một cú sốc. Trên tàu, tôi không để cho cha mẹ yên. Tôi không bao giờ gặp lại Assam. Có thể bà đã bị giết... Ngày hôm nay nhiều lúc tôi tự hỏi không biết cái lo lắng cho cô đơn của tôi có phải đi từ sự chia cắt này. 

Đến Toulon, tôi thấy mọi sự nhàm chán tẻ ngắt, chẳng có màu sắc gì. Sau đó chúng tôi về Paris, ở đây tôi cũng không thấy vui. Trời lạnh. Gia đình tôi có năm người. Ba tôi đau nặng, mẹ tôi cũng có vấn đề sức khỏe. Là chị cả, tôi trở thành Assam. Tôi lo cho các em như Assam đã lo cho tôi. Tôi nghĩ Assam truyền cho tôi bẩm tính thích gần trẻ con. Bà đã cho tôi những hành trang rất tốt để vào đời. Tôi múc năng lực nội tâm, loại năng lực vượt qua trở ngại, vượt qua khó khăn nơi bà. 

Các vấn đề sức khỏe, tiền bạc, công việc đến cùng một lúc, tôi phân tích từng vấn đề một rất nhanh chóng và tôi tìm ra giải pháp. Tôi không bao giờ nản chí. Tôi cũng phảt triển được tính hồn nhiên và khía cạnh tự nhiên của tôi. Giữa chúng tôi gần như có một thẩm thấu, một truyền thông mà tôi không giải thích được... Có thể tôi đã biết bà trong một kiếp trước! 

Tôi cũng đã thử đi tìm bà. Cùng với Clarisse là con gái tôi, tôi đăng hình bà trên mạng với lời nhắn như sau: “Cô bé sống ở đồn điền An Lộc từ 1944-1948 tìm Assam.”

Không ai trả lời. Có thể đơn giản bà không có máy vi tính. Bây giờ bà cũng vào khoảng 90 tuổi...

 Giờ đây tất cả đối với tôi như quá xa xăm, đôi khi tôi có cảm tưởng như tôi được nuôi dạy bởi một người đến từ hành tinh khác.

 
Chantal Goya sinh tại Đông Dương năm 1944. Năm 1964, Daniel Filipacchi mời bà làm cố vấn cho tờ báo “Mademoiselle âge tendre.” Sau khi đóng vài phim, từ năm 1972 bà hát những bài hát mà chồng là Jean-Jacques Debout sáng tác cho trẻ con. Năm 1984, bà nổi bật với vở nhạc kịch “Cuộc phiêu lưu kỳ bí với Marie-Rose.” Bà vừa xuất bản quyển “La niaque.”