Chịu đựng cho được. Khóc cho được.
Hơn một tháng nay
Công, em tôi bị bệnh, một thứ bệnh cực kỳ
lạ: viêm não tủy lan tỏa cấp tính, nguyên cái tên của nó đã làm cho
người
thường: không hiểu bệnh gì; bác sĩ: không biết tầm tác hại của nó sẽ
như thế nào
và tới đâu.
Khởi đầu chỉ là cơn
mệt mỏi sổ mũi tưởng là cảm cúm. Ngày
thứ năm đi làm cảm thấy mệt nên về nhà nghỉ. Ngủ một hôm thấy khỏe, thứ
sáu đi
làm lại. Ngày thứ bảy thấy mệt và yếu nhiều, đi khám bác sĩ, ói tại
phòng mạch
bác sĩ, bác sĩ đề nghị vào bệnh viện. Ngày chúa nhật bị liệt nửa người:
tay
trái, chân trái tê liệt, miệng bị méo, không nói dễ dàng được.
Từ đó em tôi đi trong
ác mộng.
Hết thử nghiệm này đến thử nghiệm
khác. Cứ mỗi lần bác sĩ
hội chẩn để nói kết quả thử nghiệm, em tôi như phạm nhân chờ án xử.
Xử một lần cho xong!
Không!
Bệnh hiếm, tìm không ra nguyên do.
Nghi bị tai biến mạch máu não: không.
Em mới 45 tuổi. Dưới
55 tuổi con người chưa bị loại bệnh này.
Ung thư tủy sống: chưa chắc chắn.
Viêm não tủy lan cấp tính: do một lý
do nào đó chưa biết, tủy
bị sưng, khối sưng đè lên dây thần kinh nào thì liệt cơ quan liên hệ.
Sau một tuần, hai mắt
bị rối loạn, nhìn một thành hai, phải
che một mắt.
Tôi ví cơn bệnh của
em như trận tsumani càn quét một vùng
đất.
Trời trong, biển lặng, chẳng có dấu
hiệu gì.
Bỗng cơn cuồng phong kéo đến, lạnh
lùng, bình thản quét
những gì trên đường đi của nó.
Quét xong, lạnh lùng ra đi như chẳng
phải mình là nguyên
nhân.
Giờ đây là công việc của con người:
thu dọn tìm lại những gì
đã mất, xây dựng lại cơ ngơi, than khóc hay chấp nhận, khổ sở hay cười
cợt.
Giờ đây là công việc của em tôi: tập
lại từng động tác, đi
đứng nằm ngồi ăn uống cầm nắm nhìn nói. Nhúc nhích cho được cánh tay
trái, nhấc
cho được chân trái, ngủ cho được từng giờ, đại tiện cho được mỗi ngày.
Cả tháng nay tôi như
bị tê liệt theo cơn bệnh của em tôi.
Trên thế giới giờ này có biết bao nhiêu vạn sinh linh đang đau khổ bệnh
tật?,
vì sao tôi lại khổ sở thế này?
Tôi thương em tôi?
Em tôi đi trong ác
mộng. Mai, vợ em tôi cũng đi trong ác
mộng. Mai thật can đảm, tận tâm. Can đảm và tận tâm không nói lên đủ
tấm lòng
của Mai. Mai không bỏ em tôi một giây phút nào, không dám khóc trước
mặt em
tôi. Những ngày đầu khi muốn khóc, Mai đi ra khỏi phòng, khóc sướt mướt
trong
hành lang, y tá, nhân viên bệnh viện thấy Mai khóc đều hỏi: “Tôi có thể
giúp gì
được bà.” Mai chỉ trả lời: “Quý vị không giúp gì được tôi hết, xin quý
vị cầu
nguyện cho tôi.”
Những ngày đầu khi
bác sĩ nghi bị ung thư tủy sống – ung thư
tủy sống có nghĩa là chết – Công rất bình tỉnh, Công gọi Mai vào dặn dò
nơi cất
các giấy tờ tiền bạc, dặn sau khi Công chết, Mai đem các con về ở gần
ngoại để
ngoại và các cậu giúp đỡ. Công không khóc.
Mỗi lần nghĩ tới Công
tôi đều liên tưởng đến triết gia
Diogène với cách nói khiêu khích bất cần đời của ông.
A! sự thật là sự thật!
Sự thật không giấu diếm!
Công không sợ nói sự thật!
Có những người sống
rất âm thầm, nhắc đến họ người ta khó
tìm ra được một vài giai thoại, nhưng với Công thì chị em chúng tôi có
cả một
rừng giai thoại.
Năm 75, tám chị em đi
di tản qua Canada.
Cuộc sống còn khó khăn. Đôi
giầy Công đã há mõm. Sáng hôm đó chị Nga đưa Công đi phố mua giày. Vừa
thấy chị
Nga xuất hiện trên thang lầu đi xuống với bộ áo đầm điệu, đội mũ có
lông chim
như công nương Diana, Công tuyên bố: “Công thà đi giầy rách còn hơn là
ra đường
với khỉ sở thú!”
Cũng vào những năm
này, Quyên có một căn hộ rất nhỏ, Hạc dẫn
bảy chị em đến nhà Quyên. Lúc đó Quyên đang chờ ông thợ điện đến sửa
bỗng nghe
có tiếng gì như tiếng sóng rào rạt, hóa ra đó là tiếng sóng trong bồn
tắm nhỏ
xíu mà Công đang thoái mái nằm!
Cũng những năm này,
căn nhà buồn hiu, trong nhà có bể cá
nuôi mấy con rùa con con. Mỗi ngày Công mở tầng đá cào cáo chút thịt
bầm, rồi
thả vào hồ nhìn rùa ăn. Ngày Quyên lên đường về Thụy Sĩ, Công đứng trên
lầu
nhìn xuống chào: “Thôi ha, đi!”
Vì sao Diogène?
Vì Diogène ngắn gọn, không lý thuyết
dài dòng. Ông sống đạo
đức bằng con đường trực tiếp và hành động cụ thể. Sống theo tự nhiên,
gạt ra
ngoài các ước muốn và sợ hãi giả tạo. Nhìn thẳng vấn đề.
Nghèo, ông không làm
sao sinh sống được ở Athènes, ông lo
lắng, ông loay hoay. Một ngày nọ, ông quan sát cách sống của con chuột.
Ông
thấy nó chạy liên tục, chẳng một phút ngơi nghĩ. Không nhà, không cửa,
cứ ngắm
đàng trước mà chạy. Nó chỉ sống, tiến bước trên con đường sống, một
cách can
đảm và cứng đầu, không biểu lộ một mục đích nào đặc biệt. Chính khi
quan sát
con chuột, ông hiểu con đường đi tới không ngừng là con đường sống duy
nhất.
Phải sống như thế. Phải theo luật lệ của tự nhiên. Sẽ rất khó. Phải cần
thời
gian, cần thực tập, cần khổ chế với chính mình. Dần dần rủ bỏ hết, từ
phù phiếm
bên ngoài đến những chuyện vô bổ. Rủ bỏ tất cả. Không ngần ngại chịu
đau khổ,
sỉ nhục, phỉ báng. Đúng, chắc chắn con đường sẽ rất dài. Con đường dốc
đứng.
Nhưng một khi đã leo được lên con đường này, đã dễ dàng đi theo thì sẽ
có
được tự do thuần túy và tưới rói của con
chuột.
Là nô lệ, ông tự rao
hàng để bán mình vì có ai biết mình hơn
mình: “Mua tôi đi, tôi rất đáng giá!”
Diogène gạt ra ngoài
các phù phiếm chốn đô hội, ông thích
sống theo luật tự nhiên. Ông luyện tập để chịu đựng cái tệ hại nhất,
chịu cái
lạnh cắt da, chịu cái nóng cháy da, chịu đói chịu khát, chịu nghèo khổ.
Liên
tục tôi luyện, nhẫn nhục chịu đựng để tiến đến tình trạng vô cảm mà
trong hoàn
cảnh đó, một người bình thường phải đau khổ. Ông dám khinh những gì
thuộc về
thần thánh, ai làm được như ông?
Các triết gia phái
khắc kỷ ngày xưa không khóc. Họ luyện họ
thành đá. Épictète là người nô lệ, thân phận nô lệ làm Épictète suốt
đời phải
suy nghĩ cách nào để các yếu tố bên ngoài không tác động trên con người
của
mình, ông rèn luyện ý chí để sống theo tôn chỉ này.
Musonius Rufus dạy ông rằng con người chỉ khổ
vì hành động do mình làm ra chứ không do người khác làm trên mình. Chủ
của
Épictète là Épaphrodite nghe Épictète luyện được ý chí nên tìm cách tra
tấn
bằng cách bẻ gãy chân ông. Không sợ, Épictète còn cười và nói: “Coi
chừng ông
làm gãy chân tôi.” Khi cái chân gãy thiệt, ông nói: “Đó thấy chưa, tôi
nói
trước rồi mà ông không nghe.”. Épictète phân biệt rất rõ ràng những gì
tùy
thuộc vào mình (ý chí từ đó mới tạo được bình thản cho tâm hồn) và
những gì
không tùy thuộc vào mình (thân xác, sắc đẹp, sức khỏe, của cải, danh
dự.)
Những ngày đầu tiên
Công không khóc.
Nhưng bây giờ Công bắt đầu khóc.
Khi đang tập đi với
cô chuyên viên trị liệu, nhớ tới giờ này
tháng trước mình còn đi chơi hockey, bỗng nước mắt tự nhiên rơi xuống.
Khi đang ngồi ăn cơm, bỗng nhớ lại lời
đứa con lên bốn: “Ba,
sao ba không dắt con đi chơi?” Công òa lên khóc.
Khi nghĩ đến mạ già mà mình chưa có
dịp ở gần săn sóc, không
chừng mình lại chết trước mạ, Công bật khóc.
Khi anh Châu vào thăm, mười tám năm
trước đây, anh Châu bị
ung thư não, vừa thấy anh Châu, Công bật khóc: “Công xui quá!”
Mai cho hay lấy nhau
mười năm chưa bao giờ thấy Công khóc.
Lần đầu tiên Công khóc là lần hạ huyệt ba.
Và bây giờ...
Công cho hay khóc
được thì Công ngủ ngon hơn.
Tôi chưa khóc, nước
mắt thì khô cạn mà lòng thì héo hon.
Cuộc đời chẳng còn một hương vị mặn mà
nào đối với tôi.
Những ngày buồn thảm
tột cùng, tôi chẳng biết làm gì để giết
thì giờ, tôi nghĩ mình phải tìm một loại bài đọc nào nói lên hết cái
tuyệt
vọng, cái đau khổ của con người. Tôi tìm các bài của Imre Kertesz viết
về trại
tập trung người Do Thái thời Đức Quốc Xã để dịch. Năm nay Kertesz 75
tuổi, ông
bị bệnh Parkinson, ông dửng dưng nhìn bàn tay rung rung của mình như đó
không
phải là bàn tay của mình.
Buồn bã, thấm thía mà
rồi dòng thời gian vẫn lạnh lùng trôi.
Có ai thấu chăng cái
đau đớn cùng cực của người không biết
mình sẽ mất thêm cái gì, mình sống như thế nào, con cái mình sẽ lớn lên
như thế
nào.
Giờ đây biết bao
nhiêu người trên thế giới đang sống trong
hoàn cảnh này?
Tôi vừa nghe tin một người bà con bên
ngoại ở Huế vừa bị xe
tông bể sọ, lòi ruột, gãy chân.
Thật, cuộc đời chẳng
còn một hương vị mặn mà nào đối với
tôi.
Hôm nay đứa con trai
tôi trở về Montréal sau gần ba tuần ở
chăm sóc cậu Công. Cậu khen con trai tôi có tinh thần phục vụ của người
phục vụ
cho khách thượng hạng trên máy bay! Bình thường lời khen này sẽ đưa tôi
lên
chín tầng mây!
Thật, cuộc đời chẳng
còn một hương vị mặn mà nào đối với
tôi. Tôi phải chịu đựng cho được và tôi mong tôi khóc cho được.
Oanh
Nguyễn
26-01-2006