Trang Thiếu Nhi
|
Héraclite, 500
năm trước công nguyên, ở Éphèse
Không một lời
Cuối cùng rồi
Héraclite cũng quay lưng với đồng loại của ông. Một cái lưng đầy những
châm chích. Người ta sợ những câu trả lời tát vào mặt, những lời nhận
xét sắc bén nghiệt ngã và nhất là các đường nét sấm sét của ông bởi vì
tư tưởng không mệt mỏi và phong phú của ông có một cái gì giống như
lửa. Dưới mắt ông, đám cư dân thành thị này đắm mình sống bầy nhầy với
cuộc đời buông thả. Họ có hỏi ông cũng không nói cho họ biết các định
luật ông vừa khám phá. “Các ông nên treo cổ và để lại Thành Thị này cho
giới trẻ.” Quá khinh thường thế giới người lớn, Héraclite thích đánh
bạn với trẻ con. Ông bỏ ra một ngày để đến ngôi đền Artémis chơi đánh
cừu với trẻ con.
Cuối cùng cư
dân thành Éphèse không còn để ý đến các lời khiển trách của ông. Nhờ có
một lối sống hiền triết, chắc chắn triết gia có lý khi ông tìm cách giữ
gìn ngọn lửa tâm hồn của ông. Chắc chắn ông cũng không ngu gì khi
khuyến khích các cư dân của ông trau dồi đạo đức.
Dù vậy khi
người Ba Tư chiếm đóng Thành Thị, người ta bắt đầu mường tượng đến
những hạn chế sắp áp đặt. Một vài người nhớ lại những lời nói đã bị
lãng quên của nhà hiền triết từ lâu đã im bặt. Không có gì thay đổi. Cư
dân thành Éphèse vẫn chiều theo thói quen, theo tính dễ dãi của họ.
Chiến tranh quá ghê sợ nên họ không muốn thêm vào những luật lệ cấm
đoán vô ích.
Nhưng những
người Ba Tư không để yên cho họ. Cuộc chiếm đóng kéo dài, gần như vô
tận. Thức ăn dự trữ cạn kiệt. Phải có một giải pháp, các người có trách
nhiệm lo cho Thành Thị từng người lên diễn đàn. Bài diễn văn ngạo nghễ
của họ muốn vạch mặt người có tội. Những người hồi đó cai trị Thành Thị
đã không làm gì. Nhân danh xã hội phải trừng phạt những người này. Thật
là hổ nhục đã đưa Thành Thị vào con đường không lối thoát này!
Từ những tranh
luận liên tu bất tận này, không có một giải pháp nào được đề ra. Từ đám
đông, một người cao lớn có bờ vai vuông, hiên ngang tiến lên diễn đàn
với bước chân của con gấu. Một vài người biết tư tưởng đen tối của ông,
đó là Héraclite. Những người trẻ, những người chưa bao giờ nghe ông la
ó thấy nơi ông một sức mạnh sống động của một thời.
Chờ cho cử tọa
nén cơn xúc động, Héraclite đặt trước cử tọa một ly nước lạnh đầy và
ném vào đó một nắm bột lúa mạch. Lôi một cái que nhỏ từ túi áo khoác,
ông bắt đầu khuấy bột. Tại sao ông dàn dựng một hoạt cảnh thô tục như
thế?
Vứt cái que
khuấy qua một bên, bây giờ ông dùng tay. Thỉnh thoảng ông liếc mắt nhìn
cử tọa đang nín thở theo dõi. Im lặng, họ nghĩ ông đang thóa mạ họ. Khi
ông đã khuấy xong bột, ông đem tô bột lên miệng và dùng ngón tay để ăn,
đó là bữa ăn ông làm ra. Một lát sau, một nụ cười rạng rỡ lóe trên
khuôn mặt khắc khổ. Chén rửa sạch, tay liếm sạch, vị triết gia ra về.
Đó là vụ can thiệp chính trị cuối cùng của Héraclite.
Với những ai
ngạc nhiên về bài học không lời của vị triết gia, với những ai hỏi vì
sao ông im lặng, ông trả lời: “Thì để cho quý vị nói.”
Jean-Philippe de Tonnac
Hành động có đi ngược với lời nói?
Ngược theo hướng nào? Với điều
kiện nào?
Nguồn gốc câu
chuyện kể:
Những ai diễn
tả những gì họ muốn nói bằng cử chỉ tượng trưng mà không dùng lời há
không đáng được người khác khen ngợi và thán phục một cách đặc biệt
chăng? Và đó là Héraclite, ông được cư dân mời ra nói chuyện để đem lại
hòa khí cho thành phố, ông lên diễn đàn, cầm một ly nước lạnh, bỏ bột
vào, dùng một cành rau thơm để khuấy, ông uống và đi ra khỏi hội đồng.
Qua hành vi này, ông cho họ thấy nếu bằng lòng với những gì thiên nhiên
cho mình và biết chế ngự xa hoa thì sẽ làm cho thành phố sống trong hòa
bình và hòa hợp với nhau.
Theo Nói Quá
Nhiều của Plutarque
Cư dân thành
Éphèse quen sống trong xa hoa và lạc thú nhưng khi chiến tranh bùng nổ,
thành phố bị bao vây và bị quân Ba Tư chiếm đóng. Nhưng người dân vẫn
không bỏ lối sống cũ. Càng ngày đồ ăn càng hiếm. Và khi nạn đói đe dọa,
dân chúng họp lại để cùng nhau bàn xem làm sao giải quyết vấn đề thực
phẩm; nhưng chẳng ai dám nói lên lời khuyên nên bớt xa hoa lại. Vì mọi
người đều tụ họp để nói về chuyện này, có một người tên là Héraclite
cầm một chén bột, đổ nước vào, ngồi xuống đất ăn. Đó là bài học thinh
lặng cho mọi người.
Theo Về Đức
Hạnh của Thémistius
Khi mọi người
hỏi vì sao ông im lặng, ông trả lời: “Thì để cho quý vị nói.”
Diogène Laerce, chương IX, 12
Tiểu sử
Héraclite :
Sinh ở Éphèse
vào khoảng năm 545 trước công nguyên, chết vào khoảng năm 480.
Héraclite, Parménide và Empédocle là một trong những triết gia quan
trọng nhất thời « tiền Socrate. » Tư tưởng của ông để lại chỉ vào
khoảng sáu mươi trích đoạn dài ngắn không đồng đề nhưng khó để bình
giải và thường gây tranh luận. Có bốn điểm chính : sự quan trọng của
lửa, đó là yếu tố đầu tiên và nguyên tắc vận hành mọi sự; sự biến dịch
vô cùng của thế giới, « mọi sự đều trôi đi », thuyết vũ trụ biến dịch
này ngược với thuyết của Parménide và Zénon; sự kết hợp của những điều
trái ngược nhau (đi lên đi xuống cùng một con đường); sự hiện diện của
lý trí nơi tất cả mọi con người.
|
|