logo

Thiếu Nhi

 

Viết trong tù

Claire Braz-Valentine

Hồi đó tôi được mời để hướng dẫn viết văn trong nhà tù Susanville, gần Nevada Sierre miền Nam Cali. Đa số những người giam ở đây là những người nghiện ma túy. Họ ngủ trên giường chồng, trong những phòng ngủ to khổng lồ. Họ không có đời sống riêng tư, không có nơi chốn để ở một mình, để suy tư một mình. Tôi rất sợ khi đi trong nhà tù. Tôi đã dạy viết trong nhiều nhà tù ở Cali nhưng những nhà tù này có những căn phòng nhỏ. Dù trong phòng nhỏ này có khi họ phải sống chung với người khác, nhưng ít nhất họ cũng có một chút thì giờ riêng tư để viết. Chắc chắn những người ở nhà tù Susanville này không quan tâm đến công việc tôi làm cho họ.

Tôi quyết định dùng hai ngày để mở lớp độc thoại. Tôi muốn những người này có cơ hội viết và sau đó có thể quay phim họ. Tôi muốn họ thấy họ trên màn hình sau hai ngày tôi ở đây. Tôi nghĩ rằng đời sống nhà tù có thể đã làm cho họ mất một phần lớn bản sắc của họ, viết lách và nghệ thuật diễn tả có thể giúp họ phục hồi con người thật của họ, tìm hiểu con người thật của mình hay tìm được con đường mình sắp đi.

Tôi hài lòng vì có hai mươi người ghi tên học. Đây là con số tối đa cho một lớp. Tôi dành giờ đầu tiên để mô tả thế nào là người cầm viết. Tôi nói cho họ biết đó là niềm vui và tự do của mình khi mình dùng chữ để diễn tả. Dù họ phải bị bắt buộc ở với nhau, mặc giống nhau, ăn cùng thức ăn giống nhau, sinh hoạt cùng giờ với nhau nhưng trong viết lách, họ có thể khác nhau. Khác ra sao cũng được. Tôi nói với họ, viết có thể là một nghệ thuật giải phóng được con người nhiều nhất trong các nghệ thuật. Mình tự do dùng chữ của mình. Không có giới hạn. Tôi nói với họ mỗi lần tôi cầm cây viết, ngồi trước máy đánh chữ hay trước máy vi tính, tôi có cảm tưởng như tôi về nhà, về căn nhà nghệ thuật của tôi, với các chữ của tôi mà không một ai có thể lấy đi mất. Nghệ thuật viết đã nâng đỡ tôi suốt đời.

Họ chăm chú nghe tôi nói và sau khi được chỉ dẫn, họ viết được, họ chăm chỉ viết. Chỉ trừ một người không viết được, anh còn trẻ, tóc vàng, đẹp trai, người mà tôi lo lắng nhất. Ngày đầu tiên học về độc thoại, anh ít chia sẻ. Các bạn khác đọc lui đọc tới, viết lui viết tới nhưng anh thì ngồi yên lặng, xóa rồi viết rồi xóa. Mỗi lần tôi đến gần anh, anh đều lấy tay che trang giấy. Tôi hỏi: “Tôi xem được không?” “Tôi ngại lắm, cô đừng xem.” Anh trả lời với một nụ cười e ấp. Tôi hình dung được cái ngại ngùng của anh. Dù anh không chia sẻ điều anh viết với cả lớp nhưng anh cũng có viết. Anh muốn ngồi cả ngày trong căn phòng nóng bức ngột ngạt này để viết cái gọi là độc thoại. Có thể sáng nay anh chưa hiểu hết ý độc thoại là gì. Điều này có thể làm tôi sung sướng, nhưng không hẳn vậy. Tôi quan tâm đến nhu cầu có một đời sống riêng tư của anh, đến cái khó khăn khi phải chia sẻ của anh, đến việc anh biết anh không thể nào viết suông sẻ được.

Tôi đã làm việc nhiều năm trong nhà tù, tôi ngạc nhiên về tính tụt rè của anh. Tôi biết rất nhiều người ở tù đã được dạy từ khi còn nhỏ là họ chẳng làm được gì nên thân. Họ bị lạm dụng, bị đánh đập, họ không còn tự tin. Dù tôi có khen ngợi các bạn tù khác đến đâu thì cũng không làm cho anh vững tin. Chiều nay anh về phòng ngủ với bài viết còn để trong túi. Các bạn khác đã viết xong, họ để trên bàn. Anh thì không. Tôi không có cơ may nào để đọc bài của anh sau khi anh ra đi. Hiển nhiên là anh có quyền làm như vậy. Tôi tiếc là không đi thẳng đến bàn của anh khi anh đứng dậy ra cửa. Anh đã đoán được.

Ngày thứ hai mọi người trở lại lớp, cả anh tóc vàng cũng trở lại. Tôi rất hài lòng. Hôm nay là ngày đọc và thâu băng. Tôi ngạc nhiên khi thấy thái độ của anh học sinh rụt rè nhút nhát. Mái tóc vàng, dài chải cẩn thận, áo sơ-mi ủi đàng hoàng. Có thể anh nghĩ mình sẽ được quay phim và muốn mình đẹp trên màn hình chăng? Tôi nghĩ bụng rồi mình cũng sẽ được đọc những gì anh viết.

Trong khi mọi người trình diễn, anh chẳng nói gì. Tôi đã nói cho họ các chỉ dẫn cần phải làm trong bài độc thoại. Tôi cũng nhắc cho họ nhớ tôi muốn nghe đặc tính của các nhân vật, những gì họ mong muốn thật sự, những gì người khác không hiểu về họ và tại sao họ cần phải nói ra. Anh ngồi yên lặng quan sát các bạn. Người thì viết bài độc thoại cho Chúa, người thì đóng vai Abraham Lincoln, người thì Martin Luther King. Một vài bài độc thoại rất buồn cười, một vài bài nghiêm túc. Dù họ không có thì giờ để viết lại những gì họ sống trong vài hàng nhưng một khi họ cầm bài viết trong tay, khi họ bắt đầu đọc thì tôi rất xúc động về bài viết của họ. Cuối cùng anh là người chưa đọc bài của mình. Khi mọi người đã đọc xong, tôi hỏi anh: “Bây giờ anh sẵn sàng chưa?” Anh nhỏ nhẹ trả lời: “Thưa chưa.” Và thế là các bạn vây chung quanh anh: “Này, tôi làm được thì bạn cũng làm được. Thử đi. Bạn sẽ thích cho xem. Lên đây, đừng nhút nhát nữa. Ở đây không ai chỉ trích bạn đâu.”

Và anh đứng dậy, cầm bài viết ra đứng trước máy quay phim.  Anh coi rất trẻ, nhìn thẳng vào ống kính và bắt đầu đọc. “Tôi tên là Bruce. Tôi 21 tuổi và tôi đã chết. Tôi đã chết vì tôi phải sống trong ngục tù do nghiện ma túy nhưng tôi bất cần. Tôi không lo cho tôi. Mỗi đêm nằm ngủ tôi đếm từng ngày để được ra và sẽ vô tù lại. Tôi sẽ giết người để vô tù lại. Tôi sẽ giết người để vô tù lại.”

Anh kể lại cuộc đời của anh, lớn lên trong cơ cực, cha mẹ nghiện rượu, anh bị đánh đập, bỏ đói, trôi dạt từ gia đình nuôi dưỡng này đến gia đình nuôi dưỡng nọ, anh không có một đời sống thật sự. Trong lúc đọc, anh đưa cho thấy các vết sẹo trên thân hình, vết sẹo do người cha say rượu dí tàn thuốc vào cánh tay, vết cứa trên cổ tay sau mấy lần định tự tử. Tôi không chịu đựng được. Nước mắt đau đớn nóng hổi trào ra. Chúa ơi, tại sao tôi đòi anh phải chia sẻ những điều đau đớn khủng khiếp này? Và anh kết thúc câu chuyện. 

“Dù tôi muốn chết trong tù nhưng tôi muốn nói với các bạn một chuyện. Tôi muốn nói đến cái lý do tôi cần nói với các bạn hôm nay. Tôi đã sống lại, như Kinh Thánh nói. Tôi được tái sinh. Có một ngày, có một bà vào nhà tù, bàø nói tôi viết đi. Trước đây tôi chưa bao giờ viết, nhưng tôi cứ viết. Tôi ngồi tám tiếng trên ghế, tôi chưa bao giờ tập trung tư tưởng như thế. Tôi chưa bao giờ ngồi lâu như thế! Tôi viết cuộc đời xấu xa của tôi và cuối cùng tôi cảm thấy có một cái gì đó. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho tôi. Không ai khác có thể cảm thấy điều đó như tôi cảm thấy. Và tôi cảm thấy có một cái gì khác nữa. Tôi cảm thấy hân hoan. Tôi viết được và tôi viết hay. Tôi là người cầm bút! Tôi sẽ đi đến với mọi người trong lớp này và tôi sẽ nói...” Nói đến đây anh đưa bản thảo của anh lên: “Cái này quan trọng đối với tôi hơn bất cứ thuốc ma túy nào. Cái tôi muốn nói với các bạn là tôi đã chết vì ma túy nay tôi sống lại với ngòi viết.” 

Tất cả chúng tôi ngồi đó bàng hoàng, máy quay phim vẫn quay, anh kính cẩn chào rồi nhẹ nhàng nói: “Cám ơn.” Sau đó mọi người đồng loạt vỗ tay. Anh tiến đến bắt tay tôi. Luật cấm can phạm không được chạm đến thầy giáo nhưng tôi vẫn để anh bắt tay. Anh nói: “Cô đã cho tôi một cái gì, một cái gì mà ma túy không thể nào cho tôi được, đó là lòng tự trọng.”
Tôi thường hay nghĩ đến anh. Tôi cầu cho anh tiếp tục tìm được lòng tự trọng của anh qua những gì anh viết. Dù sao, tôi biết, giờ phút này, trong căn phòng này có một người cầm bút vừa ra đời.
Sau một cuộc hành trình dài và vất vả, một tâm hồn đã đi về nhà, về căn nhà của chữ nghĩa.

 Claire Braz-Valentine - from Chicken Soup for the Writer’s Soul

Quỳnh Anh dịch