logo

Thiếu Nhi

 

Cái ngày mà tôi trao trả Hongkong

Chris Patten – Paris Match số 2730 – 20-09-2001

Trước cờ nước Anh gấp lại, tôi đã khóc.

 
Đối với nước Anh, đó là đoạn kết lịch sử đế quốc Anh. Đối với tôi, đó là đoạn kết của cả một cuộc đời, thay đổi cuộc sống, thay đổi công việc, gia đình xáo trộn, một đoạn đường bị bật tận gốc rễ. Ngày 30 tháng 6 năm 1997, ngày cuối cùng của tôi ở Hongkong, một ngày lẫn lộn các cảm xúc đơn giản của con người với những buổi lễ chính trị ngoại thường. 

Sáng hôm đó vừa ra khỏi giường là tôi đã phải trả lời phỏng vấn cho các kênh truyền hình CNN, BBC, CBS, NBC... Tất cả ký giả của tất cả các đài truyền hình gần như đều có mặt. Tôi chỉ là người chuyển giao trong giây phút đau xót này. Sau bữa ăên sáng, chúng tôi phải vĩnh viễn rời xa ngôi nhà thuộc địa mà chúng tôi ở từ năm năm nay. Va-li đã sắp sẵn, đồ đạc đã đóng thùng. Chúng tôi từ giã nhân viên, ai cũng khóc, có chừng khoảng 40 đến 50 nhân viên mặc lễ phục đứng sắp hàng. Khi họ ra đi, các con tôi Alice, Laura và Kate chầm chậm đi ra theo. Đi bên cạnh nhà tôi, Lavender, chúng tôi là người cuối cùng ra khỏi nhà.

Một dàn nhạc thổi kèn tù và đi theo đội binh cảnh sát hoàng gia Hongkong đi sau chúng tôi. Trời đổ mưa: cờ nước Anh được kéo xuống khỏi biệt thự riêng của quan toàn quyền. Ban nhạc trình diễn lần chót bài “Last Post”, sau đó là bài hát ưa thích của tôi “Highland Cathedral”. Một vài giọt nước mắt lăn trên má tôi. Chúng tôi lên chiếc Rolls-Royce để ra du thuyền hoàng gia “Britanica”. 

Trong vùng vịnh, trên chiếc tàu này, tôi đã uống chén trà cuối cùng với hoàng tử Charles. Sau đó là buổi lễ từ biệt. Tôi đọc diễn văn, hoàng tử Charles cũng đọc một diễn văn. Dưới cơn mưa tầm tã, ban nhạc quân đội đánh trống và đàn cymbale. Chúng tôi trở về tàu “Britanica” để cho lễ phục khô trước khi tiến hành buổi lễ trao trả bán đảo mà thủ tục đòi hỏi cả mấy tuần thương thuyết. Người Trung hoa nói vị tổng thống của họ có vai vế cao hơn hoàng tử Charles. Chúng tôi trả lời cho đến khuya ngày trao trả, Hongkong vẫn còn là lãnh thổ của nước Anh nên vị tổng thống của họ phải đến trước chúng tôi. Sau bảy, tám buổi họp mới có sự đồng ý là hai bên cùng đi vào phòng lễ một lúc. 

Sau bữa tiệc khoản đãi chính thức nhưng tầm thường, chúng tôi vào phòng họp, về phía Trung Hoa có Chủ Tịch Giang Trạch Dân theo sau là thủ tướng Lý Bằng, tiếp đó là bộ trưởng bộ Quốc Phòng Trung hoa, trưởng phòng nhân viên bộ Quốc Phòng và vị thống đốc tương lai của Hongkong. Về phía chúng tôi có hoàng tử Charles, thủ tướng Tony Blair, bộ trưởng bộ Ngoại Giao, Robin Cook, trưởng phòng nhân viên bộ Quốc Phòng và tôi. 

Chúng tôi cùng ngồi xuống – mỗi bên năm người. Thái tử Charles đọc một bài diễn văn. Chủ Tịch Giang Trạch Dân lấy một miếng giấy nhỏ từ trong túi ra đọc vài hàng về sự quan trọng của ngày hôm nay đối dân tộc Trung Hoa. Tony Blair ứng khẩu đọc một diễn văn ngắn nhắc lại phải tôn trọng các lời hứa chung. Đến lượt Lý Bằng đọc hai ba lời. Tất cả diễn tiến trong vòng bảy phút.

“Vậy là xong!” chủ tịch Giang Trạch Dân nói ngắn gọn như thế để kết thúc buổi lễ. Chúng tôi đã phải thương thuyết mấy tuần để chỉ có buổi họp mặt trống rỗng và vô ích như vậy!

 Đến giờ chiếc tàu “Britanica” khởi hành. Bạn bè thân quen đến trên bờ chào chúng tôi, các bạn chơi tennis, các cọng sự viên và thêm một lần nửa, nhân viên giúp việc trong nhà, các người làm vườn, làm bếp. Ban nhạc trình diễn bài “Land of Hope and Glory.”

 Trên chuyến đi cuối cùng, dưới tràng pháo bông, con tàu dần dần xa bến. Rời hải cảng để ra biển khơi, theo sau là một đoàn tàu nhỏ và bốn hải hạm quân đội hộ tống, chúng tôi còn nghe đám đông chào lần cuối.

 Thế là hết. Sáng hôm sau, nước Trung Hoa đã ở sau lưng. Người ta dọn cho chúng tôi bữa ăn sáng theo kiểu Anh trong phòng khách chính: trứng và thịt khói, cà chua và xúc-xích... Vẫn còn xúc động, các con tôi đứng trên boong tàu, chúng chưa quen...

 Tàu đi hai ngày rưỡi thì đến Manille, Phi Luật Tân. Gia đình chúng tôi lên phi cơ thương mại về phi trường Heathrow, cổng số 3. Ở đó, chúng tôi đứng sắp hàng chờ taxi đi về nhà.

 Chờ taxi ở phi trường Heathrow: đối với tôi đó là đoạn kết của Đế Quốc Anh.

 Vài ngày sau, lưu về căn nhà thôn dã ở Tarn, nước Pháp, nhà tôi và tôi dắt mấy con chó đi dạo buổi chiều. Trên con đường nhỏ, chúng tôi thấy một ông già đội mũ bê-rê trên đầu, ông mặc một chiếc áo măng-tô hai lớp để chống lạnh sương chiều. Gặp chúng tôi, ông ngừng lại và hỏi chúng tôi từ đâu đến. Chúng tôi trả lời là chúng tôi ở cách đây hai thung lũng. Với vẻ trầm ngâm, ông nói: “Ông có biết cái ông vừa mới đến đó ở không? Ông ta là một nhân vật rất nổi tiếng. Ông đã sống ở Á châu nhiều năm. Hồi xưa ông là quan toàn quyền ở Sài gòn...”

 Quận công Christopher Francis Patten sinh ngày 12 tháng 5 năm 1944. Ông là vị toàn quyền Hongkong từ năm 1992 đến 1997. Lúc đó ông 54 tuổi. Hiện nay ông là Ủy viên nghị viện Âu Châu đặc trách Ngoại Giao. Là nhà ngoại giao uy tín, với tài ăn nói trực tính trở thành huyền thoại, ông đi khắp thế giới để giới thiệu  “chiều kích”Âu châu. Ông xuất bản quyển sách về Trung Hoa “Từ Đông sang Tây, những buổi sáng hôm sau của thế giới – D’Est en D’Ouest, les lendemains du monde – Michel Lafon”, quyển sách mà nhà tư bản sách Rupert Murdoch muốn chận phát hành mà không được.