logo

Thiếu Nhi

 

Những người đàn ông của tôi

"Khô dương sinh hoa, lão phụ đắc kì sỉ phu vô cữu, vô dự.
Khô dương sinh đề, lão phu đắc kì mỉ thê vô bất lợi."

Cây dương khô ra hoa, bà cụ già có người bạn trẻ, không chê không khen.
Cây dương khô đâm rễ mới, cụ ông lấy được cô gái trẻ, không phải là không lợi.
                                                                                    Kinh Dịch, quẻ 28

 
À toutes les filles que j'ai aimées avant qui sont devenues femmes maintenant,

...

Je suis resté adolescent.

 
Tất cả những cô gái tôi yêu ngày xưa,

Những cô gái từ lớp mẫu giáo đến các nữ sinh trung học, đại học

Nay các nàng đã trở thành các bà,

Tôi vẫn còn là chú bé tuổi mười hai, mười ba ...

Các nàng đã nhảy, đã hát để tình yêu được say nồng hơn.

Các nàng đã nói tình yêu là "cả đời sống của hai chúng mình."

Các nàng đã khóc vùi khi yêu say đắm,

Các nàng đã sống những đam mê chia lìa,

Các nàng là mặt trời, là bãi biển,

Và rồi,

Các nàng từ bỏ cuộc chơi,

Tôi vẫn còn là chú bé tuổi mới lớn.

Trong sâu thẳm đại dương ánh mắt các nàng, các nàng đã biết ...

Còn tôi, muôn thuở vẫn là chú bé tuổi mười ba, mười bốn.

 Đó là lời của bài hát “À toutes les filles” của Félix Gray và Didier Barbelivien, đứng hàng đầu trong danh sách các bài hát được ưa thích của các nước nói tiếng Pháp, trong các thập niên 80, 90. Tôi nghe trên đài thu thanh quá nhiều, đến mức, tùy theo cảm xúc của tôi lúc đó, tôi có thể phì cười hay cũng có thể lệ rưng trào khóe mắt. Và có thể, trên bước đường phiêu lưu đâu đó sau này, nếu tình cờ nghe lại bài hát này, chắc tôi sẽ nhớ thành phố Montréal quặn ruột, nhớ từng góc phố, từng làn sóng điện tôi đã nghe bài hát này:

Tất cả những cô gái ngày xưa tôi đã yêu, các nàng đã trở thành mẹ, thành bà, tôi vẫn còn là chú bé mới lớn!

Có thật thế không?

Có những câu hỏi thật khó hiểu đối với tôi, mà câu trả lời chỉ có thể chứng nghiệm bằng kinh nghiệm sống! Nếu chưa chứng nghiệm bằng kinh nghiệm, thì e mình chỉ là khách vãng lai quá bộ xuống trấn gian dạo chơi ... Một trong những câu hỏi khó trả lời đối với tôi, là vì sao đàn ông già lại ưa chơi trống bõi?

 Tôi còn nhớ, hồi đầu những năm 90, lúc cộng đồng người Việt tại thành phố Montréal còn tổ chức thi hoa hậu. Tôi có con gái tuổi mới lớn, có các bạn đi dự thi, nên chúng tôi được dịp đi xem, thường là phải mua vé trước, đến ngày trình diễn lại phải đi sớm để được chỗ tốt, vì chúng tôi không mua loại vé đặc biệt, đắt tiền để ngồi gần sân khấu. Sân khấu được làm trên một bục cao, người ngồi gần phải ngẩng cổ lên nhìn.

Và thế là ... dù đã ngồi bàn đầu, cả một đạo binh máy ảnh, máy quay phim, ống nhòm làm việc ráo riết, không khí sôi nổi, cháy bỏng lúc các nàng trình diễn trong bộ y phục áo tắm.

Điện cao thế hoạt động tối đa, cổ ngẩng lên, hơi thở nín lại.

Xong màn trình diễn này, bầu không khí hội trường bỗng dịu hẳn xuống, các ông dịu dàng quay qua nói chuyện với người bên cạnh.

Mà nào có ai xa lạ đi thi đâu, toàn là con cái bà con, con cái bạn bè đi thi cả đấy mà!

Ấy, các cha, các chú, các ông bình phẩm cứ như các nàng được trả lương của các tạp chí chuyên nghiệp không bằng! Vì sao vậy nhỉ?

 Những cô gái tôi đã từng yêu,

Các nàng đã từ bỏ cuộc chơi ...

Tôi vẫn còn là chú bé mới lớn, tuổi mười ba, mười bốn ...

 
À toutes les filles que j’ai aimées avant,

...

Elles s’ennuient de plaisir,

Je suis resté adolescent.

 

             Vừa rồi, nước Pháp khóc Tổng thống Mittérand. Hình ảnh vợ con, cháu chắt, người tình, con người tình đứng bên linh cữu người quá cố nói lên hết tấn bi kịch của câu hỏi: “Vì sao đàn ông già rồi còn thích chơi trống bỏi?” Ông có con với bà Anne Pingeot vào năm 1974 khi ông đã 58 tuổi, cô bé Mazarine mới 21 tuổi! Thật sự tôi không nghĩ họ chơi trống bõi, họ đã chọn cuộc đời của họ.         

 Ấy, những nhà văn, nhà đạo diễn, nhà diễn xuất, các ca sĩ ... tôi còn chưa dám nghĩ họ chơi trống bõi, những Henry Miller, Polanski, Anthony Quynn, Luciano Pavarotti, Yves Montand, Nguyễn công Trứ, ai dám nghĩ họ chơi trống bõi ở tuổi 60-70-80, họ biết họ sắp chết mà!            

 Vậy mà những nhà chính trị gia, đi ván bài cả chục nước trước, bày binh bố trận cả trăm ngã, cầm vận mệnh cẳ trăm triệu con dân trong tay lại có bạn đường ở tuổi ngoài 60-70, thì những tổng thống tuổi trẻ tài cao, họ cũng chỉ là những chú bé tuổi mới lớn!

 Trong sâu thẳm tâm hồn đàn bà của những người đàn ông này, họ đã muốn: “Thà một phút tựa mạn thuyền rồng!”

 Dứt khoát, họ chẳng muốn: "Thân em như tấm lụa đào!”

            Ôi! Từ sâu thẳm đại dương tâm hồn, các nàng đã biết ... còn tôi vẫn chỉ là một chú bé tuổi mới lớn! 

         

Elles savaient l’océan au fond des yeux,

             Je suis resté adolescent.

 

             Phần tôi, tôi chỉ hiểu thêm được một chút câu hỏi, ngày tôi có đứa con thứ nhì là một chú bé. Ở tuổi lên sáu, lên bảy, buổi sáng thức dậy đưa chú đi học đúng giờ là cả một vấn đề.

 
Tôi thương dùng phương pháp thông cảm để may ra được cảm thông:

 
-         Này con, con tưởng tượng mai này con lớn, con phải đi làm nuôi vợ con. Con phải đến sở đúng giờ... mà con của con cứ mè nheo không chịu đi học thì con phải làm như thế nào?

 -         Thì con giao con của con cho vợ con lo.

 -         Ngộ nhỡ vợ con mất kiên nhẫn, la đánh con của con thì sao?

 -         Thì con nhào vô phụ vợ một tay đánh nhầu nó!

 -         Con!

 -         Mẹ, mà sao lúc nào mẹ cũng ưa hỏi vào những chi tiết.

 Lúc nào chú cũng có một câu trả lời chung chung, với một điệu bộ đếch cần, hai tay giơ lên trời, nhún vai, bỏ chạy đi chơi tiếp.

  -         Ơ, ơ, con không chịu trách nhiệm mấy việc này đâu, đó là lỗi của trời đất!

 Đúng thật, đó là lỗi của trời đất. Từ đáy sâu thẳm tâm hồn các nàng, các nàng đã biết điều đó.

 Hỡi những người đàn ông của tôi, các bạn vẫn còn là những chú bé tuổi mười ba, mười bốn. Ngày tôi biết cầm kim chỉ lần đầu tiên, tôi đã bắt đầu may những chiếc áo trẻ sơ sinh.

Lan Nguyễn

Montréal, 2-2-96