Dẫn nhập

Hành vi chuyển tiếp


(...) Trong thời Cổ Đại, triết gia không phải là người viết các tác phẩm triết học, nhưng là người có một lối sống triết.
                Pierre Hadot, La Citadelle intérieure, Paris, Fayard, 1992, p.76

Tôi liên tục làm cho người ta thấy cái gì đúng dưới mắt tôi. Nói không được, tôi làm qua các hành động của tôi.
                        Socrate, in Xénophon, Mémorables, IV, 4, 5

Triết lý dạy làm chứ không dạy nói.
        Sénèque, Lettres, 20, 2


Chỉ cách đây vài năm, người ta còn coi các triết gia Cổ Đại chỉ là những nhà lý luận. Xem họ chỉ là những tác giả của hệ thống, của các khái niệm. Những người chuyên giảng thuyết, chỉ lo một việc duy nhất là lý luận và tranh luận. Các giáo sư, các quản thủ thư viện. Không có gì khác hơn. Rốt cùng, người ta giới thiệu các triết gia Cổ Đại theo mô hình của những đại học hiện đại: bình giải những tác phẩm của những người đi trước, thành lập các trường phái, nuôi dưỡng các cuộc luận chiến. Đương nhiên chuyện này không phải là không đúng, còn đúng hơn thế. Nhưng quan điểm này bây giờ xem như khiếm khuyết, người ta không định hướng đúng tính cách toàn bộ của nó.

Đúng vậy, người ta tái khám phá ra rằng triết lý còn bao gồm một lối sống đặc biệt. Nó bao gồm một vài cách ứng xử, thấm nhập vào những hành vi bình thường nhất của đời sống hàng ngày. Thuộc về trường phái này hay trường phái nọ, cố gắng để trở thành người khắc kỷ, người hưởng lạc hay người xy-níc không phải là chuyện giản đơn của việc đọc sách hay tri thức. Cả một phong cách sống ở đây: cách nuôi dưỡng, cách ăn mặc, cách sống dục tính, khuynh hướng chính trị, quan hệ với người khác và quan hệ với chính mình.

Như vậy, một phần rộng lớn của triết lý không nằm trong sách vở. Nó bao gồm một cố gắng liên tục để thích ứng, cố gắng thực tập mỗi ngày. Và như thế vết loang của nó loang rộng ra nhiều lúc không ngờ trước được, một lời đối đáp bất thình lình, một trạng huống bất ngờ, nơi góc đường. Thỉnh thoảng nó bung ra qua các hành vi thô bạo, các lời nói khiêu khích, các hành vi chuyển tiếp. Đối với triết gia, mọi phương tiện đều tốt để khai trí: cười, tư thế đứng ngồi, phỉ báng, cách giữ im lặng, trò đố chữ, cách ghép đôi, và ngay cả tự tử. Tùy theo từng trường hợp.

Những người đi tìm một lối sống khôn ngoan này không phải là những người ngồi văn phòng. Họ rong ruổi, họ đi từ chỗ này qua chỗ khác. Họ dừng lại nói chuyện nơi góc đường. Họ có thể ngủ bất cứ đâu, bị bán làm nô lệ hay phải đi khất thực. Có dịp là họ chia sẻ đời sống hàng ngày với mọi người. Hơn nữa: đa số không chịu được cái nhìn thụ động của người khác, họ tìm cách lôi cuốn người khác chú ý đến họ. Cách sống của họ nói lên điều họ muốn nói. Đó là phần người ta có thể thấy ngay lập tức và cũng có thể nói đó là tác phẩm thiết yếu của triết gia. Cái đập vào mắt người qua lại, người ngu dốt, người ngoài đường đầu tiên hết là cách sống của con người đi tìm lối sống minh triết này. Gương của họ, nét lạ kỳ của họ. Cảm động hay gàn dở, đó là cách họ cắt gọn với ước lệ nhàm chán của thói quen con người.

Phải nhớ trong đầu một sự kiện rất đơn giản: thường thường, điều lôi cuốn người này người kia về một trường phái này trường phái nọ trong thời Cổ Đại không phải là bài đọc hay các bài lý luận nhưng là sự gặp gỡ với một vị thầy. Cú choáng do cuộc gặp gỡ đem lại, sức hấp dẫn quyến rũ mà cuộc gặp gỡ này đem lại. Thường thường cái kinh ngạc qua cuộc gặp gỡ với nhà hiền triết tạo nên xung động tiên khởi, biến cố khởi động một tiến trình triết học.

Làm sao có thể có một người như vậy? Làm gì với tấm gương này? Theo họ, chống họ? Tìm cách để hiểu họ? Vai trò tác động của họ có nghĩa gì? Họ muốn dạy gì? Họ dùng cái gì để phá vỡ, họ đã nối lại, họ đã thiết lập cái gì, ở đâu để ứng xử như vậy? Vậy làm sao họ đi đến được như vậy? Nhân danh nguyên tắc nào, hy vọng nào, lô-gic nào? Và bằng con đường nào? Để có lợi ích gì?... Qua sự hiện diện sinh động và rối loạn của họ, có thể đó là những câu hỏi đầu tiên mà nhà hiền triết muốn gợi ra.

Các giai thoại

Những câu hỏi này nảy sinh ra trong đầu người khác. Của những người đi ngang qua, nhìn và nghe. Thường thường thì nhà hiền triết chỉ cần im lặng. Hoặc hành động. Chỉ nói vài chữ như phác họa một hành vi chứ không nói cả bài diễn văn. Quan trọng là kết quả. Gây bối rối, gây ngạc nhiên. Bất luận đầu óc xoay chiều như thế nào, họ nhớ, họ ngạc nhiên, họ mất định hướng, họ bị xáo trộn, họ mất thăng bằng, họ lo lắng, thậm chí họ hốt hoảng, sững sờ, bối rối, lạc hướng. Chỉ cần họ bối rối. Từ sự mất thăng bằng này sẽ nảy sinh ra kết quả, đối với người qua đường, có thể họ sẽ biết một chuyện khác hơn là chuyện họ vừa thấy. Trên đường đi gặp một nhà hiền triết, đó là gặp một con đường. Một con đường trước mặt mình chứ không phải con đường trước mặt nhà hiền triết.

Ngày xưa, trên con đường tìm hiểu triết học, chúng tôi cũng đã mơ tìm được một vài cú sốc, một vài bối rối ban đầu. Đương nhiên là một giấc mơ khó thực hiện. Đa số các cuộc đời này không để lại dấu vết. Không có gì ngoài một cái tên, một ngày tháng nào đó, một tựa đề tác phẩm nào đó. Rất hiếm khi còn lại bằng chữ viết, chỉ vài trích đoạn, nếu có nguyên tập thì cũng chỉ là những tập cuối cùng còn giữ lại, tuyệt vời hoặc không đáng kể, còn sót lại sau cuộc đắm tàu vào biển thẳm. Chúng ta còn lưu giữ chỉ một phần mười tổng số các tác phẩm cổ đại. Như chúng ta vừa thấy, điều thiết yếu không nhất thiết phải nằm trong các bài viết.

Dù vậy, cũng còn một chút bụi dẫn đường. Nhưng thường thường người ta không có thói quen để ý đến. Bởi vì những gì làm người ta quan tâm đến các triết gia Cổ Đại cũng như các thời kỳ khác, đó là tác phẩm của họ, những tác phẩm vĩ đại, toàn bộ, những khái niệm, những phần có thể trình bày và bình giải. Không ngần ngại, họ bỏ qua một bên những câu chuyện nho nhỏ, những đối thoại dí dỏm, những giai thoại, những màn kịch. Một số lớn chi tiết này bị bỏ xó, bởi vì họ không biết làm gì với chúng.

Chúng tôi thử gom nhặt các mẩu chuyện bỏ xó mà người ta xếp trong thùng rác tiểu sử này. Có rất nhiều chuyện hơn người ta nghỉ. Chỉ trong tác phẩm Đời sống và các học thuyết của các triết gia danh tiếng của Diogène Laerce là đã có cả một rừng tài liệu chính gốc, có cả trăm câu chuyện trong đó. Những chuyện dài nhất trải dài cả chương, đa số thì chỉ nói đến vài ba hàng. Mới đầu, chúng tôi không biết làm sao đề cập đến. Bởi vì đa số đoạn này tách rời đoạn kia, không tạo thành một tác phẩm liên tục, đồng nhất, một câu chuyện kể có tình tiết. Đó chỉ là những hành vi, những sự kiện, những lời nói, những hành động mà tác giả thấy đáng ghi chú và truyền tụng từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.

Để khơi dậy, chúng tôi đã phải dùng trí tưởng tượng. Chúng tôi lấy điểm tựa có khi chỉ một chút ký ức, chúng tôi dàn cảnh, dựa trên các hoàn cảnh được kể về các nhà chuyên môn đi tìm kiếm minh triết này. Như thế những gì các bạn sắp đọc chỉ là chuyện giả tưởng. Nếu chúng tôi lựa chọn cách này là vì chúng tôi không tìm được cách nào để diễn đạt các hành vi triết lý này, phong cách đơn giản của tư tưởng thể hiện qua hành động.

Và như thế chúng tôi bắt đầu với những chỉ dẫn này, thường thường rất ngắn gọn bắt nguồn từ các bài tiếng hy lạp hay la tinh. Bạn đọc sẽ tìm ở phần phụ lục những trích đoạn nguyên bản để có thể cùng nếm với chúng tôi những gì câu chuyện mang lại và những gì do trí tưởng tượng của chúng tôi thêm vào. Trên bộ xương thô sơ của các giai thoại, chúng tôi không ngần ngại cho thêm da thịt vào để câu chuyện thêm ý nhị. Hậu trường, phong cảnh, ánh sáng, tất cả đều phải thêm vào. Đôi khi phải thêm các mẩu đối thoại, các câu độc thoại. Có nhiều lúc để bổ túc vào cảnh này, cảnh kia, chúng tôi thấy cần phải thêm một bài học luân lý hay triết học vào cho rõ nét.

Và lẽ dĩ nhiên đó là những nhà hiền triết của chúng tôi mà bạn đọc sắp gặp, những nhà hiền triết mà chúng tôi đã mơ và đã dựng lên câu chuyện. Nếu cho rằng những trang sau đây xảy ra ở Milet, Éphèse, Athènes hay Rome thì chưa chắc đúng. Chúng tôi không dám cho rằng đó là sự thật khách quan của câu chuyện. Chúng tôi thích thú khi dàn dựng theo trí tưởng tượng hình ảnh những nhà hiền triết này, dựng lại con người của họ, làm cho họ cười, họ nói. Chúng tôi hy vọng khi đọc những trang này bạn đọc cũng cảm thấy thích thú như vậy. Như thế là đủ.

Dù vậy, tốt hơn vẫn là kiểm chứng lại một vài chi tiết. Trước hết để tránh kể chuyện một cách quyết đoán và sai niên đại, chúng tôi cố hết sức để tránh các sai lầm này, chúng tôi nhờ các chuyên gia, có khi họ giúp đỡ, có khi họ cho lời khuyên. Ngược lại, đối với những giới hạn khách quan của câu chuyện, với bối cảnh bài học minh triết, chúng tôi rút ra một ý nghĩa để mang lại cho trường hợp này. Có cần nhắc lại, trong lịch sử của nền tư tưởng âu châu, mỗi thời đại đều rèn hình ảnh của mình theo người Hy Lạp không? Thời Trung Cổ, thời Cách Mạng Pháp hay thời Đế Chế đệ nhị ít có những điểm chung.

Cuối cùng và nhất là vấn đề thực tế và tưởng tượng đã làm chảy khá nhiều mực để không cần phải nói đến những chống đối đơn giản quá mức của hai lãnh vực. Có lúc tưởng tượng không những là hình ảnh thật mà đương nhiên, trong một vài trường hợp, nó còn đi vào thực tế mà không có một con đường nào khác có thể đi vào được.

Những nhà thử nghiệm

Còn một điểm làm chúng tôi kinh ngạc nơi những người đi tìm minh triết này là đôi khi chúng tôi tưởng như chúng tôi gặp họ. Họ có một phương cách quá đơn giản để khám phá các giới hạn, bất chấp mọi khó khăn, họ dò tìm cho bằng được, điều mà người thường không có thói quen làm. Ấy vậy mà con đường này lại dẫn họ đến minh triết, đối nghịch với những gì chúng ta tưởng tượng một cách ngây thơ. Và thường thường, minh triết tạo cho họ một tấm lòng bình thản không lay chuyển, một loại vô cảm tưởng như nhàm chán. Khôn ngoan ư? Người mà chẳng có gì làm cho họ bối rối. Vượt qua các xúc cảm bình thường như chúng ta, họ đạt đến một trạng thái mà người ta không biết họ còn mang tính người hay không.

Với mẩu người không lay chuyển này, các chuyên gia đi tìm minh triết của chúng ta rất khác nhau. Họ dò tìm, họ mạo hiểm, họ không cần người khác. Họ lao mình, họ bị lầm, họ bực tức. Ngược lại với hình ảnh một nhà hiền triết tin ở chính mình, một người nắm giữ các sự thật không chối cải, một người đi đến cùng con đường của mình, đôi khi chúng ta thấy họ nghi ngờ chính họ, nghi ngờ luôn cả minh triết. Rồi thì có khi họ tỏ ra thật đáng thương, thật buồn cười. Gần như lố bịch. Thật là người. Tuy nhiên họ lại tiếp tục phê phán thân phận làm người quá nhàm chán, họ lại tìm cách cải tiến, lại tìm cách vượt bờ và đẩy các khả năng của họ ngày càng đi xa hơn.

Các triết gia này xứng với tên được chỉ định : người đi tìm minh triết. Đó là phao cuối cùng nếu không thì chính triết gia cũng đắm tàu. Xuất phát từ tiếng hy lạp là sophia, có nguồn gốc từ chữ sophos, chỉ có một ý nghĩa duy nhất : người hiểu biết, người uyên bác. Chúng ta đã quên rằng đối với người Hy Lạp, hiểu biết và khôn ngoan là cùng một chữ, hai mặt không tách rời nhau của một thực tế. Dưới mắt họ, người uyên bác và người hiền triết không khác nhau : họ chỉ có một chữ để nói về hai týp này : sophos. Ngoài ra, cuộc tìm kiếm con đường hiểu biết-khôn ngoan xuất hiện rất sớm trong cuộc đời của họ, đó là một tiến trình bất tận, một tình mến và một tình bạn đối với hiểu biết-khôn ngoan không bao giờ dứt. Philô – triết – tiếng hy lạp có nghĩa là “tôi thương,” một tình thương không nhất thiết phải là tình thương xác thịt, một tình thương mà người ta tìm đối tượng mình thương như một người bạn. Triết gia, người nghệ sĩ nghiệp dư, người nghiên cứu hiểu biết-khôn ngoan sẽ không bao giờ trở thành nhà bác học-hiền triết. Họ phải theo đuổi con đường này không ngừng.

Sau khi đọc các câu chuyện liên quan đến các tư tưởng gia Cổ Đại, chúng tôi giữ lại hai hoặc ba điều xác quyết đơn giản nhưng cũng có thể không phải là những xác quyết được đồng nhất chấp nhận.

Xác quyết thứ nhất là phân biệt “hiền triết” và “triết gia.” Sự phân biệt này rõ ràng là minh bạch trong đầu óc của người bây giờ: hiền triết là chuyển biến tận căn cuộc sống của mình, triết gia là nghiên cứu lý thuyết, đương nhiên cuộc nghiên cứu này không có ảnh hưởng trên đời sống riêng của ông ta. Triết gia đeo đuổi cuộc nghiên cứu tri thức vô tận, nhà hiền triết thì ngược lại, một khi họ tìm được lối sống minh triết, họ giữ nó suốt cuộc đời. Có những nét khác đối ngược nhau, nhưng những đối ngược nhau này là để cùng chia sẻ với nhau.

Các biên giới khác

Đối với chúng ta, sự phân biệt này thật hiển nhiên nhưng vào thời Cổ Đại thì nó mơ hồ hơn nhiều. Thường thường người Hy Lạp dùng hai từ này lẫn lộn với nhau. Thường họ không phân biệt cái biên giới mà chúng tôi có khuynh hướng đặt cho hai phía. Khi Pythagore sáng chế ra chữ “triết gia”, ông nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa người nắm được minh triết và người đi tìm triết lý. Trong ý tưởng thì cũng không hẳn cắt dứt với minh triết! Ngược lại là đàng khác, vì quá tôn trọng, vì quá khiêm tốn. Lý tưởng minh triết không ngừng sinh động nơi các triết gia thời Cổ Đại, lúc nào lý tưởng này cũng làm họ lay động và xúc động. Đương nhiên, triết học của họ không những khác chúng ta mà còn rộng lớn hơn chúng ta.

Điều xác quyết thứ hai của chúng tôi liên hệ trực tiếp đến ghi nhận này. Những gì chúng tôi gọi là “triết lý” ở thời buổi này là do sự hình thành một cách chính yếu của các đại học, các viện giảng dạy các chuyên đề. Sự chuyển biến này đi song song với sự biến đổi triết gia thành giáo sư hay thành viên chức. Người thời Cổ Đại hiểu một cách khác hẳn ý nghĩa và nội dung của từ “triết lý.” Nếu các khái niệm của họ tái xuất hiện ở thời buổi này là bởi vì chúng ta ý thức sự kiện triết lý có thể và phải đề cập đến những lãnh vực khác, phải thực hành qua các phong thái khác hơn là phong thái giới hạn hiện nay. Như vậy bây giờ vương quốc của các triết gia trải rộng và có nhiều tiết mục hơn là những gì chúng ta nghĩ gần đây.

Tóm lại, đó là những gì chúng tôi học được qua cuộc thám hiểm kỳ thú này, qua tiếng cười, qua những chuyện ngông cuồng, những hành vi không hợp thời hợp lúc của họ, chắc chắn là chúng tôi, cũng như mọi người, đã biết các chuyện này. Biết là những nhà hiền triết chân chính, những người thuần túy, những người hoàn hảo không thể nào có thật. Biết là không bao giờ có một hiền triết nào là động lực chính để đẩy họ kiên trì đi theo con đường tiến đến cái không với tới được này.

Xác quyết cuối cùng của chúng tôi là, chúng ta không chững hửng khi tiếp xúc gần gũi quen thuộc với các bậc vĩ nhân. Mỗi chúng ta, ai cũng đã từng nghe đến tên Thalès, Socrate, Platon, Aristote và những triết gia khác. Tuy nhiên đây là một kinh nghiệm đặc biệt để khám phá họ một cách bất ngờ qua khúc quanh của câu chuyện, mưu mẹo hay ngượng ngùng, ngây dại hay ghen tương, mài miệt hay ngông đùa. Lại một lần nữa, họ là những con người. Con người trong những chuyện kỳ cục và trong hành vi chuyển tiếp của họ.

Như thế để nói, các câu chuyện ngày xưa này có thể gặp lại.
                    Roger-Pol Droit