Trang Thiếu Nhi
|
Cléobouline,
nữ triết gia đầu tiên, vào khoảng 570 trước công nguyên, ở đảo
Lindos...
Một cô gái khó
hiểu
Ngồi trong vạt
tối, cô đếm ngón tay. Bóng nghiêng nghiêng in lên bức tường còn sót lại
ánh mặt trời ban ngày. Mũi thẳng, giống mũi cha cô. Trán cao. Chút vệt
sáng lờ mờ cho thấy đôi lông mày đen rậm và dài, cắp mặt mênh mông. Đôi
môi mọng nổi bật trên khuôn mặt. Dứt khoát, Cléobouline xứng đáng giống
cha, nhà hiền triết Cleoboulos. Nàng giống ông ở sức mạnh và sắc đẹp.
Và cả một nền giáo dục khác với tất cả các cô gái khác.
Đúng vậy, đối
với nhà hiền triết này, dạy dỗ cho trẻ con là bổn phận thiêng liêng.
Chính ông đã từng đi từ đảo Lindos đến Ai Cập để học những điều hay ho
nhất, để nghe những lời dạy dỗ thần thánh từ miệng các nhà giáo sĩ, ông
suy nghĩ đến những gì một người cha phải truyền dạy cho con cái của
mình. Trong số những điều ông truyền giao cho thế hệ sau, đương nhiên
ông chú trọng đến sự giàu có: căn nhà ông ở như định thự các vì vua. Kế
đến là thể lực, một thể lực được luyện tập công phu, không có thể lực
này thì người ta không thể hành động tốt được. Ngay từ khi còn nhỏ,
Cléobouline, cũng như các anh chị em của cô đã học cỡi ngựa, học chịu
đựng sức nóng cháy da mùa hè cũng như cái lạnh cắt da mùa đông, tập
chạy đường trường, tập tỉ thí với những người mạnh hơn mình. Qua việc
huấn luyện chiến đấu này, cô tỏ ra cho thấy cô rất mưu mẹo.
Cha của cô đã
dạy cho cô những gì cô có thể học được. Cléobouline giỏi toán và âm
nhạc, giỏi cỡi ngựa và đánh vật. Đúng là môi trường thuận lợi cho cô
thi thố hết khả năng thông minh. Cô say sưa với những ẩn ngữ. Dưới mắt
cô, đây là điều kỳ thú không gì sánh được. Cô không thích sưu tầm
chuyện, không thích học những gì người ta dạy. Cô thích phát minh ra ẩn
ngữ.
Đó là vì sao,
ngồi trong bóng tối, cô đếm các ngón tay. Các nữ tỳ của cô mệt mỏi vì
theo cô chơi banh sáng nay, họ ngủ. Cô chuẩn bị ẩn ngữ cho ngày hôm
nay. Thách thức của cô: không ngày nào là cô không sáng tác ra một ẩn
ngữ mới, mạch lạc, tuyệt hảo. Cô lặp lại từng câu từng vần để cho hòa
nhịp. Ý nghĩa có vừa mờ vừa rõ không?
Cléobouline
nhịp nhịp “Lúc nào cũng giống nhau, lúc nào cũng mới. Lúc rõ lúc mờ. Tự
mình kế tiếp mình. Không bao giờ ở một chỗ nhưng lúc nào cũng tái
sinh.” Quá dễ! Ai cũng đoán được! Hơn nữa ẩn ngữ này quá giống các ẩn
ngữ cha của cô đã đặt ra. Phải tìm ẩn ngữ khác, phải là cái đầu tiên
tìm ra!
Không có gì
làm cho Cléobouline vui bằng thấy cha không đoán ra ẩn ngữ của mình.
Trò chơi nào cũng chẳng bao giờ kéo dài mãi mãi nhưng những giây phút
này thì thật kỳ thú. Cô biết là ông biết nhưng ông không tìm ra. Ông dò
dẫm, ông mày mò, ông đi lạc, ông đần ra. Đó là những gì Cléobouline
thích trong trò chơi này: họ biết câu trả lời nhưng trò chơi quen thuộc
lại diễn ra dưới khía cạnh rối bùng bung. Dù vậy câu trả lời đã ẩn dấu
trong đám rối bùng bung này. Rực rỡ, trong sáng, không thể bác bỏ.
Người ta chỉ tìm ra khi người ta nhắm đúng hướng.
Cléobouline
lại tìm tòi. Cô không bao giờ bỏ cuộc, cô ngồi hàng giờ. Ngày, ngày,
ngày... Làm sao vừa mở vừa hé? Làm sao vừa che vừa lộ để người ta đoán
cho được? Một ý mới lé ra trong đầu: “Hắn là con của hắn. Nửa đen, nửa
trắng. Ngày nào cũng sinh ra, ngày nào cũng chết đi.” Cô đọc lui đọc
tới câu này cả chục lần. Đúng, câu văn rất rõ, chữ nghĩa có ngụ ý nhưng
câu trả lời thì khó tìm ra. Được rồi, đây là một ẩn ngữ lạ đây. Cô sẽ
đem ra thử. Trước hết với các nữ tỳ, các cô này đã quen vặn óc tìm ẩn
ngữ, có lúc tìm được lúc không, cô nào cũng lẩm nhẩm trong miệng không
ngừng, có lúc lại bật cười nghiêng ngả. Sau đó theo kết quả lượm được,
cô sẽ đem hỏi cha cô sau.
Cô gái thích
chí. Dù vậy cô cũng có vẻ đăm chiêu. Trò chơi mà cô để hết tâm trí để
suy nghĩ này đã mở đầu cho cuộc đời danh tiếng của cô, trò chơi này là
gì? Cô nghĩ đến tấm vải thẳng thớm trải ra. Trò chơi là làm tấm vải có
từng vếp gấp, gấp nếp này trên nếp kia. Hoặc là trò chơi trốn tìm với
chữ, giữa chữ. Cũng có thể là một trận đấu: đầu óc đấu với đầu óc. Nói
cho cùng, cô cũng không biết gì hơn.
Chúng ta cũng
vậy, bao nhiêu thế kỷ trôi qua, chúng ta cũng không biết gì hơn. Ngoại
trừ một điểm: trò chơi trí tuệ, đoán chữ, ẩn ngữ, nghịch lý và các ngón
nghề khéo léo khác như chúng ta biết, chúng góp phần vào cho điểm khởi
đầu của triết học.
Roger-Pol Droit
Vì sao ngôn
ngữ mà con người dùng để nói lại có thể làm khuất lấp con
người?
Nguồn gốc câu
chuyện kể:
Người ta nói
Cléoboulos có một người con gái, cô làm thơ đố chữ.
Diogène Laerce, chương I, 89
Tiểu sử:
Cléobouline
sinh ở thành Rhodes thế kỷ thứ VI trước công nguyên. Người ta không
biết rõ ràng về tiểu sử của bà nhưng theo thứ tự thời gian, đây là nữ
triết gia đầu tiên được biết đến. Con gái của Cléoboulos, một trong
Thất Hiền, bà nổi tiếng về các bài thơ đố chữ mà người ta còn gọi đó là
ẩn ngữ. Người ta tìm thấy những bài viết về bà trong Diogène Laerce,
Plutarque, Aristote và Clément thành Alexandrie. Nhà thi sĩ hí lộng
Cratinus có viết một tác phẩm lấy tên là Les Cléoboulines.
|
|