Trang Thiếu Nhi
|
Xénophon,
khoảng năm 360 trước công nguyên, ở Corinthe.
Tất cả trẻ con
đều phải chết
Nhân viên chăm
chú làm công việc của họ. Họ chùi dọn bàn thờ sạch sẽ đúng như lệnh ban
ra. Bàn đá chùi nhẵn, sạch không còn một vết dơ. Cái máng để máu chảy
xuống đã được cào sạch. Nó trơn nhẵn. Dĩ nhiên là có sậm màu nhưng
thông suốt, không có cái gì làm kẹt. Còn lò sưởi? Tro bụi đã được dọn
sạch, củi mới đã được chất thêm, đã đốt lên từ sớm: than hồng đang cháy
rừng rực. Con dao to nhất, bén nhất, con dao mà thân phụ ông đã dùng và
có lẽ cả thân phụ của thân phụ ông cũng đã dùng, vừa mới mài xong, đang
để trên bàn thờ.
Xénophon cẩn
thận nhìn lại bàn thờ tế lễ. Ông thích mọi chuyện trong nhà phải ngăn
nắp thứ tự đâu vào đó. Giống như cách đây không lâu, thời ông còn điều
khiển quân lính. Người nào việc đó, việc nào giờ đó, đối với ông đó là
điều quan trọng. Thời bình cũng như thời chiến. Xem xét xong, ông hài
lòng. Mọi chuyện đã được làm xong. Lòng ông cảm thấy vui thật sự. Nhà
quý tộc này không phải là một người để tâm giận lâu. Ông không phải là
người vạch lá tìm sâu để khi tìm ra con sâu thì thích thú với cơn giận
của mình. Không, chắc chắn không. Đây là một buổi lễ tế đẹp đẻ, giống
như những lễ tế ông đã từng làm. Thần Apollon hẳn phải hài lòng.
Thêm nữa con
vật hiến tế lại rất đẹp. một con cừu có trán rộng, mập béo, con vật
trong bầy cừu tốt nhất của ông, bầy cừu ở phía bắc. Từ mấy tuần nay,
mấy mục đồng đã chọn nó, chăm bón đặc biệt cho nó hơn các con khác. Mấy
ngày hôm nay, sau khi được dẫn đến đây, họ để cho nó nghỉ ngơi. Họ tắm
cho nó, chải lông cho nó. Xénophon bằng lòng công việc của các gia
nhân, đúng hẹn, đàng hoàng.
Đó là lối sống
ông muốn lưu giữ. Nếu không người Hy Lạp sẽ bị suy tàn. Sẽ chẳng còn gì
tồn tại, chiến sĩ sẽ thành quân đánh thuê, thành bọn hôi của, thành dân
chạy chọt. Không phải vì thích thú mà Xénophon soạn thảo một văn bản về
nghệ thuật giữ gìn nhà cửa, về việc nuôi dạy ngựa. Nghe Socrate giảng
dạy là một chuyện thiết yếu nhưng chưa đủ. Còn phải điều khiển gia
nhân, bảo tồn nhà cửa.
Cái vương miện
được dệt rất khéo, được để chỗ trang trọng. Sắp đến gần giờ lễ. Gia
nhân sẽ đi tìm con vật. Xénophon đội vương miện trên đầu, mái tóc ông
ngày càng thưa. Con cừu được cột lại năm nghiêng.
Và kia, người
đưa tin chạy đến, mệt nhoài, mặt mày lấm bụi đường xa. Vẻ mặt nghiêm
trọng. Nhìn bộ đồ lính của anh, Xénophon đã hiểu.
Ông tiến đến
gần người kỵ sĩ vừa xuống ngựa.
-
Con tôi? Ông nói.
-
Dạ, thưa ông. Người lính cúi đầu trả lời, giọng hạ xuống.
Thế là vị
tướng già cổi vương miện ra, ông đang có tang và như thế thì không được
thanh khiết, ông để đầu trần tiến lên bàn thờ. Không nói một câu, ông
cắt cổ con cừu, để máu chảy ra, ông cẩn thận cắt thịt, cắt các mạch
máu. Bỗng, ông để con vật cắt nửa chừng qua một bên. Ông quay lại gần
người lính.
-
Như thế nào? Xénophon hỏi.
-
Thưa ông, ngoài chiến trường, lúc bắt đầu trận chiến, anh là người xung
phong đầu tiên, một lưỡi gươm chém ngay mặt.”
Lúc đó, người
cha lấy vương miện đội lên lại và tiếp tục cuộc lễ tế. Con trai của ông
chết vinh dự.
Ông Hermion,
người gia nhân lớn tuổi và trung thành nhất không cầm được nước mắt.
Ông biết Polos, người con trai đầu khi còn ẵm ngửa trong lòng mẹ. Ông
đã dạy cho nó cách nuôi ngựa, cách chùi gươm dao, cách cỡi ngựa thuần
thục như một kỵ sĩ nhà nghề ngày xưa. Hermion không tin chàng trai trẻ
đầy tự hào này lại có thể chết. Anh ta rất khéo léo né tránh, rất chăm
chú theo dõi từng phản ứng của đối phương. Và làm sao mà Xénophon lại
bình thản như thế? Một người cha chăm sóc con, yêu thương con, dạy dỗ
con, không ngừng lo lắng cho việc giáo dục và tương lai của con, vì sao
ông không nhỏ một giọt nước mắt?
Hermion biết
chủ của mình bao nhiêu năm nay!
Họ cùng già
với nhau, biết ngọn nguồn đời sống quân ngủ, biết từng mối lo quân
trường. Hermion cũng đã từng với chủ đi nghe Socrate giảng dạy, cái
thời mà họ chỉ sống vì triết lý, vì minh triết và vì công chính. Dứt
khoát, ông chẳng hiểu gì. Ông phải hỏi chủ, không một ai ở đây dám hỏi.
Nhưng ông thì không thể không hỏi. Ông không yên dạ.
Buổi lễ tế
chấm dứt. Gia nhân được chia một đùi cừu béo. Bộ lòng, phần thịt nướng
chia cho dân làng và mục đồng. Xénophon đứng riêng một góc, đầu cúi
xuống. Ông không ăn. Ông đứng bất động nhìn cánh đồng phía dưới, mắt
ráo hoảnh. Hermion đến bên cạnh.
“Thưa thầy tha
cho con tội cả gan, ông nói giọng thổn thức. Con biết ông rất thương
Polos. Làm sao ông cầm được nước mắt như vậy? Đối với con, làm như vậy
là quá sức con người. Vì những năm con trung thành phục vụ ông, con xin
ông giải thích chuyện khó hiểu này.”
Xénophon không
trả lời ngay lập tức. Ông đang nghĩ đến triết gia Socrate, đến những vị
hiền triết, đến danh dự. Ông đang tìm cách nén lại tiếng hét đang như
muốn bùng ra trong họng. Ông tìm một câu nào đơn giản đó để trả lời cho
Hermion hiểu.
“Tôi biết khi
sinh một con người ra là sinh một con người phải chết,” ông nói.
Nguồn gốc câu
chuyện:
Người ta kể
lúc đó Xénophon đang chuẩn bị một cuộc lễ tế hy sinh, đầu đội vương
miện. Khi người ta báo cho ông biết con trai ông vừa chết, ông cởi
vương miện ra. Nhưng sau đó khi nghe con mình chết một cách cao đẹp,
ông đội vương miện lại. Không ai thấy ông nhỏ một giọt nước mắt. “Tôi
biết khi sinh một con người ra là sinh một con người phải chết,” ông
nói.
Tiểu sử
Xénophon:
Sinh ở Athènes
vào khoảng năm 426, chết ở Corinthe vào khoảng năm 355 trước công
nguyên, Xénophon là một nhà quý tộc có một đời sống phiêu lưu và ở
trong quân đội. Học trò của Socrate, ngoài những tác phẩm viết về kỹ
thuật và những câu chuyện kể xuất quân trong quân đội, ông còn viết một
loạt bài làm chứng nhân cho nhân cách và phong cách của Socrate. Theo
Platon, tầm quan trọng của những tác phẩm này cần được xem lại.
|