Trang Thiếu Nhi
|
Pythagore, 530
năm trước công nguyên, một nơi nào đó miền Nam nước Ý...
Sống trong địa
ngục
“Cái dòng nước
này không giống như bất cứ một dòng nước nào. Đen, đen thui với những
phản ảnh lung linh của ánh mặt trăng dù không có bóng trăng lúc này.
Dòng nước lúc nào cũng lay động bởi nước, bởi đợt sóng dù không có một
ngọn gió nào. Dòng nước không một cọng rong, cọng tảo, không một con
cá. Không có sinh vật sống ở đây. Dòng nước tự luân chuyển, tự lóng
lánh, tự chao động với một nhịp điệu chậm rãi và chẳng lúc nào giống
lúc nào. Cứ mỗi chuyển động, từng ánh phản chiếu lân tinh xanh đen thấp
thoáng nhấp nhô trên bề mặt.
“Khi những
người chết đến, đầu tiên hết họ tập họp trên bờ. Sau đó người ta chia
họ làm thành hai bên. Một bên là nhóm tâm hồn méo mó dị dạng, huênh
hoang khoác lác, bệnh hoạn, tâm hồn của những người để đời mình cuốn
theo dục vọng, đã làm phạm tội ác, đã làm những chuyện bất công, đã bội
phản người thân.
“Những tâm hồn
này còn giữ một phần ký ức của họ. Họ quên tên họ, quên đời sống đã qua
của họ, quên luôn thế giới người sống. Nhưng ký ức về các tội ác họ
phạm thì vẫn còn hằn trong tâm tưởng của họ. Nó như cuốn phim cứ chiếu
lui chiếu tới các hình ảnh này trong đầu họ, chẳng thể nào thay đổi
cũng chẳng thể nào đi lui lại.
“Một bên khác
là nhóm tâm hồn trong sáng và quân bình. Họ được mang đến một hòn đảo ở
giữa, nơi các vị thần coi sóc họ và cho họ tấm lòng bình thản để họ
chiêm ngắm vũ trụ toàn hảo. Các tâm hồn công chính này thấy toàn bộ ký
ức của họ được xóa mờ. Họ không còn biết gì về những điều họ làm, họ
sống. Rất hiếm khi họ nhớ lại.
“Đó là ngoại
lệ của Tirésias. Như các bạn biết, ông được ưu tiên gìn giữ kỷ niệm của
thế giới người sống. Ông có thể nhận biết họ và phân biệt được trong
đám đông các tâm hồn đã chết ai là bạn cũ. Cặp mắt của tôi đã thấy tất
cả mọi hoạt cảnh mà người phàm không thể thấy ở Địa Ngục nên tôi có thể
nói cho bạn biết những gì Homère nói về Tirésias là đúng.
“Nhưng chính
nhà văn lớn lao Homère cũng không thể nào gần thần linh của các vị thần
để có được một hình ảnh về cuộc đời của tôi. Bởi vì tôi, Pythagore, con
của Hermès, giữa cõi âm này, tôi được ưu tiên giữ tất cả ký ức của tôi,
từ đời này qua đời kia, từ tất cả các kiếp sống nối tiếp nhau của tôi.
Vì thế tôi có thể nhớ rõ ràng như mới xảy ra ngày hôm qua khi tôi còn
là Aithalidès, con của vị thần Hermès. Tôi còn nhớ rõ khi tôi còn là
Euphorbe, rồi Hermotine, rồi Pyrraos, rồi Pythagore.
“Các kỷ niệm
về các đời sống này vẫn còn rõ nét như các kỷ niệm của những năm cuối
cùng cuộc đời hiện nay của tôi. Tôi thấy chính xác nơi nào, sự kiện
nào, người nào. Tôi còn thấy từng chi tiết những nơi tôi từng đi qua,
giữa hai cuộc sống trong thế giới đen thui của Hadès.”
Người nghe
sững sờ. Còn hơn một vị hiền triết! Còn hơn một vị thông suốt các bí ẩn
của những người Hy Lạp, một đồ đệ của các vị giáo sĩ ở Ai Cập, một
người thông hiểu các bí mật đầu tiên! Hơn xa tất cả các chuyện này,
đúng là ngang hàng với các vị thần! Những ai vừa nghe các lời này sẽ
hiểu vì sao Pythagore chỉ ló mặt cho đồ đệ thấy khi các đồ đệ kiên nhẫn
thinh lặng nghe tiếng ông giảng đàng sau tấm màn trong vòng năm năm
trời.
Nhưng dù vậy
có một người đang cười thầm. Đương nhiên người này khá táo bạo, trắng
trợn. Một người gièm pha, hoài nghi, hay nghĩ chuyện xấu! Hắn nhớ một
câu chuyện người ta đã kể cho hắn nghe. Khi mới đến nước Ý, Pythagore
cho xây một căn nhà kín đáo, dưới đất, không ai biết. Trừ mẹ ông, bà
lúc nào cũng là đồng minh của ông. Qua các lời sấm trích dẫn ông loan
báo cho các đồ đệ biết, ông sẽ nghe theo lời yêu cầu của cha ông - là
một vị thần - ông sẽ đi xuống các tầng Địa Ngục. Rồi Pythagore biến
mất. Một thời gian rất lâu.
Bà mẹ giữ
nhiệm vụ viết một vài hàng những gì quan trọng xảy ra trong thành phố
và để tờ giấy vào một nơi kín đáo mà chỉ hai mẹ con biết. Từ hang động
bí mật này, Pythagore có thể bố trí công việc của ông. Và đến một ngày,
người ta thấy ông từ Địa Ngục trở về, ốm yếu, hai mắt yếu đi vì ánh
sáng, mí mắt khép lại, từ tuần này qua tuần khác, ông đọc thuộc lòng
những sự kiện đáng kể đã xảy ra trong vùng.
Người hoài
nghi bỏ thôi không nhắc đến chuyện này. Ông biết các đồ đệ của
Pythagore không thấy đây chỉ là một chuyện bịa đặt.
Roger-Pol Droit
Một ao ước
thật mãnh liệt thúc đẩy chúng ta tin những chuyện bịa đặt khi những
chuyện này làm chúng ta ngạc nhiên, đúng không?
Nguồn gốc câu
chuyện kể:
Hermippe kể
lại một giai thoại khác về Pythagore. Ông kể Pythagore cho xây một chỗ
trú dưới lòng đất và nhờ mẹ để trên một cái bàn nhỏ các ghi chú những
sự kiện và ngày tháng xảy ra rồi gởi xuống chỗ trú cho ông. Bà mẹ làm
theo. Sau một thời gian, Pythagore đi lên khỏi chỗ trú, người gầy gò
chỉ còn bộ xương. Khi ra Hội Đồng, ông nói ông vừa ở Hadès trở về và
ông nhắc lại cho họ biết những sự kiện đã xảy ra. Xúc động vì những
điều vừa nghe, họ khóc lóc, rên xiết và tin Pythagore là một vị thần
đến độ họ nhờ ông dạy các giáo điều của ông cho vợ họ nghe. Và đó là
các nữ học giả trường phái pythagore. Đó là những gì Hermippe kể.
Diogène Laerce, chương VIII, 41
Tiểu sử:
Sinh ở Samos
khoảng 570 trước công nguyên, chết ở Métaponte năm 490. Khoảng năm 530,
ở Crotone nước Hy Lạp, Pythagore thiết lập một trường học nhưng trường
này giống như một tà phái. Nên biết là cách dạy của ông thật sự không
nghiêm túc. Đa số phải vào hội mới được truyền dạy. Mặt khác, những bài
viết được gán cho là của Pythagore nêu đến những vấn đề của các thời
rất về sau. Một điểm chắc chắn người ta biết từ ông là ông cho rằng sự
thanh lọc tâm hồn từ đời này qua đời khác là nhờ một đời sống thanh đạm
và một hiểu biết dựa trên các con số.
Chuyện ngày
nay:
Cái chết đau
thương của bà Terri Schiavo sau mười lăm năm hôn mê đã làm sống lại một
sự kiện thời sự ở Ý về cuộc đời của ông Beniamino Andreatta. Từng làm
bộ trưởng nhiều bộ, Năm 1999 “Nino” Andreatta bị nhồi máu cơ tim, từ đó
ông bị hôn mê, nằm trong bệnh viện và sống nhờ ống nuôi thức ăn. Giáo
sư xuất sắc về kinh tế, Andreatta là vị thầy của cả một thế hệ lãnh đạo
mà các người này vẫn còn trung thành với ông. Romano Prodi, cựu bộ
trưởng Gianni Letta, Chủ tịch Nhị Viện Pier Ferdinando Casini hay giám
đốc ngân hàng Giovanni Bazoli thay phiên nhau ở bên đầu giường của ông
để kể cho ông nghe các thay đổi ở nước Ý hiện nay, chính trị, sách vở
và nghị luận. Bà vợ của Andreatta nói: “Tôi không biết việc đồng hành
trao đổi này có một ý nghĩa nào đối với chồng tôi nhưng nó có một ý
nghĩa đối với những người làm việc này. Và không có ai có quyền làm
ngưng nhịp đồng hành này.” Thật xứng đáng.
Dominique
Dunglas (Rome) Le Point No 1669 – 4-4-2005
|
|