Lê Lựu đại náo Huê Kỳ (1)
Người đã đi
Mỹ hai lần
Biết rồi
khổ lắm nói mãi
Xuân Sách:
Chân Dung Lê Lựu
(1) Mượn Hồ Hữu Tường
"Nhà thơ nhà
nước"
(poète d'état) Yevtushenko - trong một cuộc họp báo ở Mỹ, khi được hỏi,
tại sao
ở Nga có hiện tượng "làm vua suốt đời" như Stalin, trong khi ở Mỹ cứ
bốn năm là phải bầu lại tổng thống - đã trả lời, đại khái: Nga là một
nước cổ,
lâu đời, "vợ chồng" lấy nhau một lần và chẳng nghĩ đến chuyện li dị,
trong khi Mỹ là một nước mới lập, cứ thay đổi người tình xoành xoạch!
Đọc Chân Dung và Đối Thoại,
đoạn họ Trần kể lại cách ứng xử của Lê Lựu khi được mời qua Mỹ, bỗng
nhiên tôi
nhớ tới câu trả lời thật "thông minh, dí dỏm" và cũng thật "khôn
ngoan, láu cá" của nhà thơ đàn anh của ông.
"Khi hỏi cảm giác của
anh tới Liên Xô và Mỹ, anh cười: 'Tôi rất ngạc nhiên. Ngạc nhiên đến
kinh ngạc.
Ở Liên Xô tôi lại tưởng Liên Xô là Mỹ, và khi ở Mỹ thì tôi cứ nghĩ Mỹ
là Liên
Xô. Còn hỏi về chuyến đi Mỹ của anh thì anh cười hề hề: 'Chẳng có gì to
tát, và
nghiêm trọng cả. Mình với Mỹ như hai anh láng giềng, có một thời xích
mích, gây
ra cãi cọ, dẫn tới choảng nhau, rồi thì rào kín cổng ngõ, không thèm
nhìn mặt.
Bây giờ cơn nóng giận đã qua rồi, cả hai đều muốn ngồi lại với nhau,
nhưng anh
nào cũng sĩ diện, không muốn làm lành trước, đành nghĩ ra cái mẹo, là
xua chó gà
sang nhà nhau, rồi lấy cớ ấy mà hỏi qua hàng rào: 'Này bác ơi, bác có
thấy con
gà, con chó nhà tôi chạy qua bên đó không?' Ấy thế rồi nói chuyện được
với nhau
đấy. Tôi sang Mỹ là cũng để làm con gà con chó thôi. Có gì ghê gớm đâu
cơ
chứ".
Nhưng chi tiết sau đây mới
thật "tuyệt", theo tôi:
"Có một lần Lê Lựu đến
dự cuộc gặp gỡ, trao đổi với các nhà văn cựu chiến binh, trong một biệt
thự
sang trọng. Anh ăn mặc lịch sự như một chính khách. Cuộc gặp gỡ được
hai bên
chuẩn bị chu đáo, nhưng Lê Lựu vẫn băn khoăn, vẫn thấy có một cái gì đó
chưa
thật ổn thỏa. Anh vội bí mật nhìn trước nhìn sau, xem có ai tò mò để ý
đến mình
không rồi thì thật bất ngờ, anh vắt cả cái chân còn nguyên tất lên mũi
và...
ngửi. (Không biết ông có bị "ảnh hưởng" bởi Khrushchev, khi tháo giầy
đập lên bàn hội nghị Liên Hiệp Quốc, và ông vua kinh dị Hitchcock đã
nhìn thấy
tất của ngài Bí thư có lỗ thủng to tổ bố...? NQT). Cử chỉ lạ lùng, quái
đản này
không lọt qua được mắt các nhà văn Mỹ, đã từng là lính trinh sát trong
cuộc
chiến tranh ở Việt Nam,
họ 'mết’ Lê Lựu ngay từ cái cử chỉ dị mọ rất... Lê Lựu này. Cử chỉ ấy,
nếu ở
người khác, có thể gây nên sự khó chịu, nhưng ở Lê Lựu, người ta lại
thấy đáng
yêu, vì nó xuề xòa, tự nhiên và hợp lý như sự sắp đặt của Chúa..."
Lẽ dĩ nhiên, chúng ta nhìn ra
"chính chúng ta" - người Việt xấu xí - ở trong đó: Láu cá vặt. Như
những chuyện tiếu lâm về Trạng Quỳnh, Bà Thị Điểm... đối đáp với xứ
Tầu. Chuyện
ông Trạng xé bỏ bức tranh, vì lầm chim trong tranh là thật: Sẻ làm sao
đậu trên
cành trúc? Kẻ tiểu nhân làm sao đứng bên người quân tử? Chuyện chọi
trâu...
Cũng có thể dựa vào
"hiện thực", để bắt bẻ: Cuộc chiến Việt Nam không đơn giản chỉ là
chuyện
hai ông láng giềng cãi cọ. Bởi vì muốn tránh né nó, hoặc không dám đối
đầu, (vì
dốt nát, mặc cảm tự ti...?).
Hãy nói qua về phương pháp
phê bình (vẽ chân dung) một tác giả, của Trần Đăng Khoa. Họ Trần thường
đưa một
người lên, trong khi hạ một người khác xuống. Phê bình Nguyễn Tuân, có
ngay một
Vũ Bằng. Cũng vậy với Lê Lựu: có ngay một Nguyễn Mạnh Tuấn. Theo tôi,
là như
thế này: Vấn đề đặt ra trong Cù Lao Tràm là có thực: nhu cầu đổi mới
trong văn
chương, trong đời sống, trong đạo đức, trong quan hệ giữa người và
người. Nhưng
Nguyễn Mạnh Tuấn chỉ mới khua động nó lên. Ngoài ra còn tài năng, can
đảm của
người viết. Với họ Nguyễn: cuốn sách vẫn được viết dưới ánh sáng của
Đảng, của
chủ nghĩa hiện thực vào thời điểm "đọa đầy" nhất của nó, báo trước sự
xuất hiện Chuyện Thằng Cuội, một tác phẩm cũng của Lê Lựu, mà theo như
dư luận,
và Trần Đăng Khoa đánh giá: "Hỏng! Một cuốn sách phản động. Bôi nhọ xã
hội. Thật bậy bạ quá mức... Không ngờ lão (Lê Lựu) đổ đốn thế... Ấy là
lối viết
tự nhiên chủ nghĩa, nhiều chỗ tuột khỏi văn chương, trượt sang phạm trù
mất vệ
sinh, khiến người đọc cảm thấy ghê sợ vì nó cứ bẩn bẩn thế nào..."
Trong Thời Xa Vắng, người đọc
chỉ có thể mường tượng ra, chân dung một tác phẩm lớn: một cá nhân -
một anh
chàng nông dân Bắc Kỳ, trước hai cuộc đổi đời vĩ đại: chống Mỹ cứu
nước, thống
nhất hai miền thoát khỏi ngoại bang, và thoát khỏi... cô vợ: cái cùm do
Đảng đè
lên đầu lên cổ anh. (Đảng ở đây, còn mang tính truyền thống, dân tộc:
ngày xưa
cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy, bây giờ Đảng bắt lấy ai, phải chịu phép!)
Bởi
vậy, Trần Đăng Khoa đã không hiểu được thái độ của Lê Lựu là vậy:
"Thằng
Sài ghét vợ nó đã đành, vì nó lấy phải người nó không yêu, nó quẫn nên
mới đâm
lẩn thẩn, tàn nhẫn như thế, chứ còn bác thì có gì mà bác cũng căm thù
vợ Sài
đến như vậy? Cô ấy có tội tình gì?"
Hận thù ở đây không mang tính
cá nhân, vợ chồng.
Hiểu theo một nghĩa nào đó,
cô vợ còn là một điểm chỉ viên, của Đảng.
*
"Tất cả những nhà văn
sáng suốt (đều) diễn tả một trận đánh, và công thức của Kafka - 'Thượng
Đế
không muốn tôi viết, nhưng tôi, tôi phải (viết)' - có thể dùng làm khẩu
hiệu của
họ. (Tous les écrivains lucides décrivent un combat, et la formule de
Kafka: 'Dieu ne veut pas que j'écrive, mais moi je dois', pourrait leur
servir
de devise. Philippe Sollers: L'écriture
au combat, bài giới thiệu một tập gồm
những truyện chưa từng in ấn của Hemingway).
Trong Thời Xa
Vắng có một trận đánh, nhưng
không phải cuộc chiến mà chúng ta nghĩ: xâm lăng Miền Nam.
Vì không
có trong tay văn bản, lại đọc nó từ một thuở xa xưa nào ở quê hương,
người viết
không thể có một cái nhìn thật chính xác về tác phẩm này. Nhưng qua tóm
tắt của
Trần Đăng Khoa:
"Lại còn một lớp phụ nữa
không kém phần rôm rả, thú vị. Ấy là cảnh chiến tranh, ồn ào khói lửa,
súng
ống. Người đọc được sống lại những năm tháng hào hùng sôi động. Những
năm ấy,
người ta có thể xé bỏ giấy triệu tập đi học nước ngoài, lấy máu viết
đơn (xin)
ra mặt trận. Đó là một giai đoạn lãng mạn có thật mà Thời Xa Vắng đã đề
cập đến
một cách khách quan. Nhưng tất cả những ngón trò ấy chỉ là những lớp
phụ".
Cuộc chiến mà Lê Lựu diễn tả
- đúng như quan niệm của P. Sollers khi định nghĩa văn chương và nhà
văn
"sáng suốt" - nằm ngay trong cái tên truyện Thời Xa Vắng theo Trần
Đăng Khoa:
"Thì Lê Lựu đã nói thẳng
ra thế, nói ngay ở ngoài bìa sách. Đây là một chuyện của một thời mà Lê
Lựu gọi
nó là "Thời Xa Vắng". Xa mà không xa. Nó vẫn ngự trị, vẫn treo lơ
lửng đâu đó ở trên đầu mỗi người như một bóng ma. Nó là nỗi ám ảnh kỳ
quái
nhưng lại có sức mạnh thần linh. Và vì nó tồn tại vô hình, nên người ta
mới sợ.
Sài sợ... Cả ông Hà bí thư, người lãnh đạo cao nhất trong Thời Xa Vắng
cũng sợ
nốt. Ở cái xứ sở kỳ quái ấy, con người dường như chỉ tồn tại mà không
được
sống, không được làm người. Sài đã chiến đấu quyết liệt để giành lại
cho mình
cái quyền làm người, nhưng anh đã thất bại thê thảm."
Đó mới là cuộc chiến đích
thực của "Cu Sài". Cuộc chiến chống lại một Thời Xa Vắng, - nói theo
nhà văn nữ người Nga, T. Tolstaya - nằm đâu đó bên dưới những tầng sâu
hoang vắng
của lịch sử Nga, từ đó nhô lên bông hoa độc: chủ nghĩa toàn trị.
*
Cái vụ ngửi tất, Gấu cũng đã từng hồi vừa mới
qua xứ lạnh. Ở xứ nóng, nhất là ở Miền Nam, gần như
suốt đời Gấu không phải sử dụng đến đôi tất, những ngày trước 1975,
hình như có
đôi ba lần, còn sau tuyệt. Sang đến xứ lạnh, tất nhiên
phải đi tất, đi giầy, không phải thứ giầy thường.
Và còn phải đi học tiếng Anh,
những lớp ESL, dành cho người mới tới.
Thế rồi, một bữa đang học,
người nó nhìn người kia, và cuối cùng, có vẻ như mọi cái nhìn đều chiếu
về phía
Gấu, trong khi Gấu chẳng để ý đến, vì bận ngửi, và rồi cũng nhận ra cái
mùi
khó chịu, là từ đôi chân Gấu mà ra.
Thế là tháo giầy, tháo tất,
và chẳng cần đưa lên mũi ngửi.
Được cái, cả lớp, sau khi kiếm
ra thủ phạm, thì đều quay đi. Đành chịu cái mùi khó chịu suốt buổi học.