*
 




Kinh nghiệm Nguyễn Đình Thi 

Hãy để chủ nghĩa duy vật lịch sử hiện ra trước mắt anh, như một cột lửa trong đêm trường tư bản....
George Steiner: Tuyệt Bi (Absolute Tragedy)


 
Tôi đọc Nguyễn Đình Thi cùng với Henri Lefèbvre tại nhà thương hải quân Pháp tại Sài Gòn (nhà thương Grall), vào năm 1965, thời gian tôi được hưởng cả hai trái mìn claymore tại nhà hàng nổi Mỹ Cảnh, để chào mừng người Mỹ vừa đổ bộ xuống bãi biển Đà Nẵng.

Một cách nào đó, ông là một trong những ông thầy của tôi, cả về việc viết, việc đọc, lẫn việc dịch thuật. 

Nói là đọc tại nhà thương Grall cho giản tiện sự việc. Thật sự tôi đọc Nguyễn Đình Tthi tại nơi làm việc, Đài Liên Lạc Vô Tuyến Điện thoại quốc tế, một đỉnh cồn trên tầng lầu trên cùng một building của người Pháp, ngay kế bên Đài Phát Thanh Sài Gòn. Đọc giữa hai lần giải phẫu. Lần thứ nhất, ngay sau vụ nổ, và một lần sau đó mấy tháng, để ‘cấy, ghép xương’ (làm greffe). 

Cuốn sách của Nguyễn Đình Thi, đúng như cái tên của nó (Triết học nhập môn), là một cuốn sách vỡ lòng. Do đọc cùng lúc với cuốn của Henri Lefèbvre (hình như cuốn duy vật biện chứng pháp, le matérialisme dialectique), tôi đã có ý nghĩ, ông Ta đâu có thua gì ông Tây nổi tiếng đó; bởi vì nếu ông Tây đặt nặng ý niệm, rằng, trên đường rong ruổi, cái gọi là lý thuyết và cái gọi là thực hành (praxis), hai cái quyện vào nhau, triệt tiêu lẫn nhau để có được con người hoàn toàn, l’homme total, theo Marx; Nguyễn Đình Thi coi động/tĩnh là hai yếu tố quan trọng của duy vật biện chứng. Tĩnh là phần lý thuyết, động là phần thực hành.

Cuốn của Nguyễn Đình Thi hồi đó, được các giáo sư tại Đại Học Văn Khoa sử dụng như là sách giáo khoa, cho sinh viên năm dự bị, hay năm đầu cử nhân triết. Không hiểu, ở ngoài ấy, hồi đó, ông có được như vậy không, và liệu có thể coi, cuốn sách của ông thuộc loại "giao lưu hòa giải, xóa lằn ranh quốc-cộng"?
Nói tóm lại kinh nghiệm đầu "đọc" [hay... "độc"] Mác xít của tôi, là do hai ông thầy kể trên.

Cùng lúc đọc, viết. Truyện ngắn đầu tay của tôi, Những Ngày Ở Sài Gòn, thai nghén tại nhà thương sau khi đọc một bài thơ của một người bạn, thi sĩ Cao Thoại Châu, trên báo Văn, tiền thân tờ Văn bây giờ, của Nguyễn Xuân Hoàng. Viết tại đỉnh cồn, một tay bị băng bột, phải tựa lên thành ghế, một tay viết. Ban đêm ngủ phải nằm sát tường, để có chỗ dựa cho cánh tay băng bột. [Vậy mà cũng vác cánh tay đi chơi với ‘Cô Bé’. Thấy mọi người chăm chú nhìn, cô cười nói, họ nhầm anh với một anh lính chiến!] 

Xong, gửi báo tuần báo Nghệ Thuật. Truyện được đăng, sau đó được tòa soạn nhắn xuống lấy tiền nhuận bút. Nhân thế, quen Viên Linh, liền sau đó thay Thanh Nam làm tổng thư ký. Anh xúi tôi viết tiểu luận, phê bình, điểm sách, điểm phim! [Mới đây, gặp lại, anh chìa cho tôi xem, một trong những bài điểm sách đầu tiên của tôi, là cuốn Thị Trấn Miền Tây, của Viên Linh, đăng trên báo Văn Học Sài Gòn, không phải tờ Văn Học Cali bây giờ] 

Tôi nói với ông anh. Ông bảo sợ gì chuyện đó. Thì cứ viết, bằng cách giới thiệu những trào lưu văn học thế giới. Thấy tôi ngần ngại, ông bảo, Nguyễn Đình Thi cũng viết cuốn Triết Học Nhập Môn theo kiểu đó, vừa đọc, vừa dịch, vừa giới thiệu, vừa sáng tác. Đừng sợ sai, sai thì sửa. Không làm như vậy, chẳng bao giờ có tác phẩm. 

Kinh nghiệm của Nguyễn Đình Thi, qua ông anh, đã theo tôi suốt bao năm mê mải với mớ chữ. Tôi cứ thế giới thiệu, nào trào lưu hiện sinh [Tôi còn nhớ tên loạt bài viết cho Nghệ Tthuật: Thế nào là văn chương dấn thân?], tới những tác giả tiếp theo trào lưu hiện sinh như Roland Barthes, Gérard Genette... Tôi giới thiệu Beckett vào năm 1965 - 1966, trước khi ông được Nobel vào năm 1969. Ra hải ngoại, vẫn ‘mửng’ đó, tôi giới thiệu Borges, Steiner, Naipaul, Said... nghĩa là vừa đọc, vừa [tập] dịch [tiếng Anh]. 

Kinh nghiệm Nguyễn Đình Thi, qua ông anh, thật là quá quí đối với tôi, một học sinh trường Việt, vốn liếng ngoại ngữ chẳng là bao, cứ thế vừa đọc, vừa học. Nay viết ra đây, hy vọng có chút ích cho những người lớp sau. 

Và tôi tự hỏi, nếu không bị ánh sáng của Đảng làm chóa mắt, biết đâu, chính Nguyễn Đình Thi mới là người ‘sáng tạo’ ra cái gọi là thơ tự do, ở Việt Nam? 

... Và cái bung xung cho lời chỉ trích là thơ Nguyễn Đình Thi, mà Xuân Diệu chê là đầu Ngô mình Sở, Lưu Trọng Lư đòi " tống cổ ra khỏi nền văn học mới, nền văn học kháng chiến và cách mạng ". Nhưng nặng nề, dứt khoát và thẩm quyền hơn ai hết là Tố Hữu - mặc dù và sau khi Nguyễn Đình Thi đã nhận kiểm điểm: "Nghe anh Thi tự phê bình thơ anh, anh chị em nghĩ : tại sao biết mình như vậy, mà cứ làm như vậy (...). Lúc thấy cần làm việc, tôi thấy ghét những bài thơ ấy, và tôi thù ghét cái cá nhân chủ nghĩa nó lại trở về với tôi (...) Những bài thơ anh Thi, tôi cho là không hay vì chưa nói lên được nỗi niềm của quần chúng. Đó là nội dung. 

Tôi đồng ý thái độ tự phê bình của anh Thi, một thái độ đúng đắn. Còn một điều cần thiết nữa là anh phải kiểm tra lại cái tư tưởng, cái rung cảm của mình trong quần chúng ".
 Như vậy là tàn đời Nguyễn Đình Thi.
(Đặng Tiến viết về NĐT, trên báo Diễn Đàn Forum)

Đó là thời gian lưu truyền bản án...
(Phạm Xuân Nguyên: Ông Thi) 

Để xẩy ra vụ án như vậy, là thua rồi!
Kafka:Vụ Án
(Bản tiếng Pháp: Avoir un pareil procès, c’est déjà l’avoir perdu: Có bản án như vậy là thua rồi)

L’homme [....] essayant de souder son clair et son obcur.
Con người.... cố gắng hàn cái sáng và cái tối của hắn ta.
Henri Michaux 

Áp dụng vào trường hợp Nguyễn Đình Thi, liệu có thể nói, phần sáng suốt của ông là văn chương, phần u tối mụ người, là cố bám chút đỉnh chung? Và ông đã cố ‘souder’ cả hai lại với nhau?
Chúng ta chỉ phỏng đoán, bởi vì thật khó mà đưa ra một lời chê bai, hoặc kết luận. Thí dụ như trường hợp Xuân Diệu, mọi người thường cho rằng, ông ham... ăn. Đi đâu, tới đâu, là đặt điều kiện trước. Mới đây, trong hồi ký, ông cho biết, bởi vì ông bực thái độ xun xoe trước một thứ trưởng văn hóa (nhà thơ Huy Cận), chẳng hạn,nên ông làm vậy cho bõ ghét.
Liệu với Nguyễn Đình Thi, việc ông ngồi lỳ ở chức Tổng Thư Ký Hội Nhà Văn, là do bực bội: chúng mày không hiểu thơ tao, thì tao ngồi lên đầu lên cổ... cho bõ ghét!
NQT