Note: Bữa
trước GCC có nhắc tới NMG và bài viết, đồng hồ ngưng chạy kể từ 30
Tháng Tư
1975, đối với đám Chống Cộng Điên Cuồng. Không hẳn như vậy. GCC mới đọc
1 mẩu bài
viết của ông, về vụ này, đăng trên Hợp Lưu net:
Đồng hồ dừng
lại từ 30 tháng 4-1975
(Thứ Sáu,
18 Tháng Tư-2014) (Xem: 1177)
Tác giả :
NGUYỄN MỘNG GIÁC
Trong cuốn
tiểu thuyết tư liệu lịch sử Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hoà,
của Trần
Mai Hạnh (đăng nhiều kỳ trên tuần báo Văn Nghệ từ số 12
ra ngày 18.3.2000), tác giả tưởng tượng ra cuộc
đối thoại như sau giữa Trung tướng Ngô Quang Trưởng Tư lệnh Quân đoàn 1
và viên
Tổng lãnh sự Mỹ tại Đà nẵng:
“An
Phran-xít xộc vào giữa lúc Trưởng đang hối thúc đám tay chân thân tín
tiêu hủy
tài liệu. Thấy An Phran-xít, Trưởng không trịnh trọng bước tới bắt tay
như mọi
khi mà chỉ cất tiếng chào:
- Xin chào
Ngài Tổng lãnh sự! Tôi tưởng Ngài đã ra đi.
- Sân bay hỗn
loạn. Không một máy bay nào lên xuống được. Người của tôi đi chưa hết.
Không một
ai giúp tôi. Tôi phải can thiệp và tụi lính của ngài đã xông vào hành
hung tôi.
- Bây giờ
tôi có thể giúp được điều gì, thưa Ngài Tổng Lãnh sự?
- Ông hãy ra
ngay phi trường với tôi, ông trung tướng. Nếu không máy bay Bô-inh và
máy bay vận
tải không thể hạ cánh. Phó đại sứ Lê-man vừa điện nói Nhà Trắng lệnh
trong vòng
12 giờ tới việc di tản người Mỹ và những người cần thiết khỏi Đà nẵng
phải hoàn
tất!
Trưởng giơ cả
hai tay lên trời, lắc đầu:
- Không được
đâu, Ngài Tổng Lãnh sự. Phi trường và cả thành phố này đã hỗn loạn.
Không còn
chỉ huy được nữa. Ngài có muốn bỏ mạng thì hãy ra đấy.” {Tuần báo Văn
Nghệ, số
14, thứ Bảy 1.4.2000}
Người viết
đoạn đối thoại trên đây không phải là một cây bút mới chập chững vào
nghề. Ông
là phóng viên mặt trận của Thông tấn xã VN (Hà nội) tại chiến trường
Bắc Quảng
Nam-Đà Nẵng những năm 1968-1970, sau đó là đặc phái viên của Thông tấn
xã VN
trong chiến dịch tấn công Sài Gòn tháng Tư 1975. Trần Mai Hạnh là Phó
chủ tịch
kiêm Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, nghĩa là một ký giả “có thẩm
quyền”.
Tờ báo đăng
đoạn đối thoại trên, cũng là một tờ báo “có thẩm quyền”. Tuần báo Văn
Nghệ là
cơ quan ngôn luận chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam, một Hội có trên
700 hội
viên, và được gia nhập hội không phải là dễ dàng.
Hai cái “thẩm
quyền” lớn lao gặp nhau, rồi đẻ ra đoạn đối thoại mà một độc giả bình
thường gốc
Miền Nam đọc xong cũng cảm thấy có cái gì bất ổn, cái gì rất chối tai!
Phải! Rất chối
tai, là cách xưng hô của viên Tổng Lãnh sự Mỹ và Trung tướng Tư lệnh
Quân đoàn
1 Ngô Quang Trưởng, qua óc tưởng tượng của Trần Mai Hạnh. Tổng lãnh sự
Mỹ có một
lần gọi Ngô Quang Trưởng là “ngài” (không viết hoa), còn những lúc khác
trong
tiểu thuyết đều gọi vị Tư lệnh Quân đoàn 1 bằng tiếng “ông”. Còn Ngô
Quang Trưởng
thì lúc nào cũng gọi viên Tổng lãnh sự bằng tiếng “Ngài” (viết hoa).
Những người
lớn lên ở Miền Nam đều biết rõ trong ngôn ngữ giao tế hằng ngày, từ vĩ
tuyến 17
trở vào, không ai dùng tiếng “Ngài” đầy khúm núm để thưa gửi trước
những chức
quyền cao hơn mình. Không phải người Miền Nam không sợ cấp trên, hoặc ở
Miền
Nam trước 1975 không hề có những bọn xu nịnh. Nhưng tiếng “Ngài” là một
tiếng
Việt đã lỗi thời, từ lâu không ai còn dùng nữa. Có nhiều cách nịnh nọt
cho bề
trên vừa lòng, nhưng tuyệt nhiên người Miền Nam không chọn cách dùng
một cách
xưng hô cổ lỗ chỉ làm cho bề trên khó chịu nhíu mày.
Không ai
trách Trần Mai Hạnh viết đoạn đối thoại trên đây nếu ông viết như thế
vào những
tháng sau ngày 30.4.75. Trong chiến tranh, những người ở khác chiến
tuyến khó
lòng hiểu rõ kẻ thù. Nhưng Trần Mai Hạnh cài vào miệng Trung tướng Ngô
Quang
Trưởng tiếng “Ngài” đầy tự ti khúm núm, hai mươi lăm năm sau khi chiến
tranh chấm
dứt. Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, người chiến thắng tự kiêu tự mãn
nhất cũng
có thời gian sống chung với đám đông chiến bại để thấy họ cũng có những
ưu tư,
lo nghĩ, vui buồn giống mình. Một ký giả hạng xoàng cũng ghi nhận được
những
năm đói kém lầm than sau chiến thắng tháng Tư, những hoang mang lo âu
khi khối
Liên xô và Đông Âu tan rã, cuộc di dân thầm lặng để tìm đất sống xáo
trộn Bắc
Nam để những ranh giới địa phương ngày càng mờ nhạt, phong trào vượt
biển ào ạt
kèm theo những thảm trạng trên biển Đông suốt thập niên 80...Rõ ràng
đối với Trần
Mai Hạnh, kim đồng hồ đã dừng lại từ ngày 30.4.75. Những gì đã định
hình trong
đầu óc ông trước ngày ông vào Sài Gòn đã bám chặt lấy ông, không cho
ông thay đổi
theo những thay đổi loại “trời long đất lở” trong suốt một phần tư thế
kỷ. Những
cái định hình qua tiếng “Ngài” ông gán cho Trung tướng Ngô Quang Trưởng
là gì?
Là tinh thần tự ti mặc cảm trước người da trắng của chính ông, rồi ông
truyền
cái bệnh ấy lên những nhân vật mà ông xếp vào hàng kẻ thù. Đọc báo chí
trong nước,
điều đáng buồn là những lời lẽ như lời lẽ của Trần Mai Hạnh không phải
hiếm.
Ngược lại, nhan nhản. Căn bệnh không phải của một người, mà của cả một
thế hệ.
Đồng hồ cũng
dừng lại đối với những người phải bỏ nước ra đi, sau khi ông Trần Mai
Hạnh và bạn
bè của ông vào Sài Gòn. Họ ra đi từng đợt: đợt di tản, đợt thuyền nhân,
đợt
đoàn tụ gia đình, đợt H.Ọ Mỗi đợt ra đi mang theo một loại quê hương,
và trong
hoài niệm, không ai muốn thay đổi hình ảnh thân yêu ấy. Bạn bè, nhà
cửa, phố
xá, tên đường tên đất, cả đến ngôn ngữ trao đổi thường ngày...giống như
một cuốn
phim đột ngột bị đứt, ngưng lại, thành tĩnh vật. Sửa đổi một chi tiết
nhỏ trong
bức tranh tĩnh vật ấy là xâm phạm lên cái gì thiêng liêng nhất của
người lưu
vong. Kho từ ngữ đóng cửa khóa kín, không cho phép những từ mới lọt
vào. Tên phố
chỉ gợi xúc động khi người đối diện nhắc đến cái tên cũ trước đây hai
mươi lăm
năm. Một tâm lý thông thường trong thế hệ người già ở hải ngoại: cái gì
cũ đều
quí giá, nhất là những cái cũ liên quan đến một thời vàng son của đời
mình. Cho
nên, mới có những ca khúc được tiếp tục ái mộ không phải vì giá trị tự
thân của
nó, mà chỉ vì nó là một thành phần không thể thiếu của bức tranh tĩnh
vật quê
hương. Rõ ràng đồng hồ đã đứng lại, và nhiều người không muốn biết
những gì đã
xảy ra trên quê hương. Họ đã có sẵn một hình ảnh quê hương, và không
muốn biết,
không muốn tìm hiểu một thứ quê hương nào khác.
Hiện tượng
tái hiện những kiểu mẫu cũ của đời sống Miền Nam hoặc sinh hoạt của Sài
Gòn
trong đời sống mới nơi xứ người cũng là biểu hiện của tâm lý trì níu
quá khứ ấy.
Nhiều khiêu vũ trường ở Bắc Mỹ hay Úc châu vẫn trương bảng hiệu Tour d’
Ivoire,
Queen Bee, Maxim’s. Tiệm phở thì Tàu
Bay, Hiền vương, Xe Lửa, Quyền, Công Lý. Tạp chí thì Văn, Khởi Hành,
Văn Học...
Các hội ái hữu cựu học sinh trường này trường nọ ra đời, từ trường qua
đến lớp,
đến niên khóa. Một tập kỷ yếu cựu học sinh có nội dung bài vở, hình ảnh
tùy thuộc
vào thế hệ chủ trương biên tập của tập đặc san ấy, như một lát cắt từ
khối kỷ
niệm lớn. Những cựu học sinh khác thế hệ đọc tập kỷ yếu thấy như người
vào lầm
nhà lạ: thầy khác, bạn khác, những trò tinh nghịch cũng khác.
Cùng một
hoài niệm về quê hương, nhưng hình ảnh quê hương mang theo trên đường
ly hương
khác nhau, nên cộng đồng người Việt hải ngoại sống và sinh hoạt theo
từng nhóm,
các nhóm ấy càng ngày càng thu hẹp lại. Không phải ngẫu nhiên mà hai
người Việt
xa lạ gặp nhau lần đầu, câu hỏi làm quen trước tiên là hỏi năm rời quê
hương.
Đó là một cách định vị để dễ dàng tìm lời thích hợp mà trao đổi về sau.
Không
cùng chia nhau một thứ quê hương, khó ăn khó nói lắm!
Những tranh
luận, đả kích, chống đối, thậm chí chửi bới nhau thậm tệ trên báo chí,
đài phát
thanh, Internet...trong cộng đồng người Việt, phần lớn là do không nhìn
về cùng
một thứ quê hương, nên khác nhau trong cách tìm kiếm một giải pháp, một
đường lối.
Họ ngồi với nhau trong cùng một phòng, nhưng đồng hồ trên cổ tay họ đã
ngưng chạy
ở những thời điểm khác nhau, thì đồng ý làm sao được về một “lịch trình
hành động”!
Có cái gì bi thảm, như cuộc tranh luận hào hứng và sôi nổi giữa hai
người điếc!
Cùng đeo đồng
hồ đã ngưng chạy từ lâu, nhưng giữa ông Trần Mai Hạnh và những nạn nhân
của ông
có điểm khác nhau: những người Việt ly hương bất đắc dĩ đáng được thông
cảm,
còn ông Trần Mai Hạnh và bạn bè của ông thì đáng giận, đáng trách. Vì
quê hương
đang ở trong tầm tay của ông. Đám đông thấp cổ bé miệng mong mỏi được
những nhà
báo, nhà văn “có thẩm quyền” như ông hiểu rõ hoàn cảnh của họ, ước vọng
của họ
hôm nay, tháng Tư năm 2000. Nhưng ông suy nghĩ, viết lách như một người
sống
hai mươi lăm năm về trước. Ông không thông cảm nổi với những người đã
từng chống
ông trong chiến tranh, đấy là quyền của ông. Nhưng hình như ông cũng
không
thông cảm được với lớp trẻ tuổi trên dưới ba mươi hiện nay, là một nửa
đám đông
đang ở dưới quyền sinh sát của bạn bè ông. Trong lúc thế giới thay đổi
từng
ngày nhờ tiến bộ chưa từng có của khoa học kỹ thuật, quê hương Việt Nam
lại “được”
những người mang đồng hồ đã ngưng chạy từ một phần tư thế kỷ lãnh đạo.
Bi kịch thực
sự của dân tộc là ở chỗ đó!
NGUYỄN MỘNG
GIÁC
Viết vào
tháng Tư năm 2000,
trích
“Nghĩ về Văn học Hải ngoại”, nxb Văn Mới 2004