*






*


NHÀ THƠ LINH PHƯƠNG- NHẠC SĨ PHẠM DUY : BÀI THƠ VÀ CA KHÚC KỶ VẬT CHO EM.

April 2, 2014 at 8:28am

- Nhà văn Nguyễn Thị Thu Hiền  -
( Hà Nội )
Hơn 30 năm trôi qua, bài thơ và ca khúc “ Kỷ Vật Cho Em” nổi tiếng trước năm 1975 tưởng đã đi vào quá khứ cùng với cuộc chiến tranh kết thúc. Nhưng cho đến bây giờ, với ngần ấy thời gian, lớp người lớn tuổi trong và ngoài nước vẫn không quên từng lời thơ, từng ca từ và những huyền thoại quanh bài thơ – ca khúc đó.
1-Những năm đầu thập niên 70, người tốn khá nhiều giấy mực của các ký giả là nhà thơ Linh Phương khi anh cho ra đời bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “ vào ngày 20/02/1970, và ngay sau đó đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Hầu hết báo chí Sài Gòn đều lên tiếng quanh sự kiện tác quyền bài thơ, tạo nên những huyền thoại.Như ký giả Thiện Một Lan đã viết trên tờ nhật báo Đuốc Nhà Nam : “ Tên tuổi của người thơ lớn thêm song song với sứ ăn khách của nhạc phẩm, khiến bây giờ mỗi lần nhắc đến Linh Phương, giới ái mộ thơ nhạc đã đặt cho Phương biệt danh là “nhà thơ Kỷ vật cho em “. Thưởng thức nhạc phẩm “ Kỷ Vật Cho Em “, người ta chỉ biết phần nào về nhà thơ Linh Phương ít nhiều tâm sự gói ghém trong đó. Nhạc bản được phổ biến sâu rộng trong đại chúng nên từ chỗ “ văn kỳ thinh “ nhưng “ bất kiến kỳ hình “ đã tạo ra nhiều huyền thoại về nhà thơ trẻ này…”.
           Linh Phương trầm tĩnh giữa bạn bè. Gặp anh ngày Kiên Giang biển động, tôi không dừng được, khẽ thì thầm :Người thơ. Mấy người – bình - thường chúng tôi đều gật gù : Người thơ. Phẩm chất thi sĩ của anh lồ lộ, dẫu Đuốc Nhà Nam xưa đã đăng 1 trong 4 cái títqua 4 kỳ báo ( * ) : “ Linh Phương thích làm thơ nhưng không mang danh thi sĩ “.
Quanh bàn trà, chúng tôi phải gợi rất nhiều Linh Phương mới nói. Anh đăng “ Kỷ Vật Cho Em “ trên nhật báo Độc Lập vào năm 1970, với tưa “ Để trả lời một câu hỏi “ đề tặng một người con gái tên Hương. Bài thơ rồi nhạc phẩm ra đời lúc chiến tranh đang trở nên dữ dội. Linh Phương trầm giọng :- Kỷ Vật Cho Em nói lên cái định mệnh của tuổi trẻ lớn lên đi vào cuộc chiến bằng những tâm hồn ướt át với tấm lòng đầy nhân bản như trong Hồi ký nhạc sĩ Phạm Duy đã viết. “ Kỷ Vật Cho Em “ đã đánh động từ sâu thẳm tâm hồn của những bà mẹ, những người vợ, người yêu của những người mà vì hoàn cảnh lịch sử phải cầm súng trở thành quân nhân… Đã có nguồn tin Linh Phương nằm lại vùng Hạ Lào, và nhật báo Sóng Thần đã đăng bài viết vế cái chết của anh, các báo khác thì phân ưu, chia buồn…Khó chấp nhận nguồn tin khai tử này, ký giả Thiện Mộc Lan cố công tìm sự thật về cái chết của Linh Phương…
Giờ , anh ngồi đây- sau ba chìm bảy nổi, giữa bạn bè, giữa rất nhiều người vẫn yêu và nhớ “ Kỷ Vật Cho Em “. Một chị bạn anh đã kể với tôi rằng : Mỗi lần Linh Phương từ Kiên Giang lên Sài Gòn chơi, các anh chị lại đón anh bằng bài thơ trong ca khúc . Linh Phương chiều lòng tôi, kiểu một người anh lớn chiều cô em gái nhỏ cách rất xa thế hệ, mở điện thoại cho tôi nghe thu âm ca khúc ngày nào. Mai xa, tôi mãi mong anh thỉnh thoảng lại thả vào điện thoại của tôi những câu thơ mới. Đẹp như Kỷ Vật Cho Em.

2- Linh Phương bảo tôi : Nhiều người nói anh là Linh Phương giả, làm gì có khả năng làm một bài thơ hay như thế, còn Linh Phương “ thứ thiệt “ hoặc đã chết như tin đồn ngày nào, hoặc đã đi ra nước ngoài khi giải phóng. Anh cười. Nhạc sĩ Phạm Duy đã trở về định cư Việt Nam,đó là một nhân chứng sống xung quanh những tin đồn.
Nhạc sĩ Phạm Duy và nhà thơ Linh Phương đã có sự thông cảm với nhau về chuyện tác quyền. Tại phòng trà Queen-Bee, nhạc sĩ đã giới thiệu nhà thơ trướccông chúng. Sau đó, Phạm Duy mời Linh Phương tới tư gia dùng bữa cơm thân mật và ký hợp đồng tác quyền. Trong bản hợp đồng, tiền tác quyền là 30.000 đồng, nhưng theo Linh Phương, thực tế nhạc sĩ đã trả cho anh 50.000 đồng(**).
Khi ký giả Thiện Mộc Lan tìm đến Phạm Duy hỏi thăm tin tức về Linh Phương, ông đã sửng sốt : “  Linh Phương mới thăm tôi cách đây nửa tháng mà. Lẽ nào…như vậy được. Ôi dzồi ! Tôi nghĩ rằng anh ấy chưa chết đâu…”.Và lần theo địa chỉ một người bạn thân của Linh Phương ở Sài Gòn do nhạc sĩ cung cấp, ký giả đã có được hàng loạt bài báo xua tan những tin đồn thất thiệt.
Lần đầu phổ nhạc, Phạm Duy để nguyên văn bài thơ “ Kỷ Vật Cho Em “ của Linh Phương, gây nên hiện tượng xáo trộn mà chính quyền Sài Gòn cho rằng “ đã làm băng hoại hàng ngũ quân đội” nên sau đó có những câu được sửa khác đi, chẳng hạn:“ …Anh trở về có khi là hòm gỗ cài hoa. Anh trở về bằng chiếc băng ca. Trên trực thăng sơn màu tang trắng…” thành “ Anh trở về có khi là một chiếc vòng hoa. Anh trở về bằng khúc hoan ca. Trên trực thăng vang trời thanh vắng…” hoặc “ Anh trở về bại tướng cụt chân “ thành “ Anh trở về người đã bị thương “ để làm nhẹ đi tính khốc liệt, bi thảm của chiến tranh. Song khi ca khúc “ Kỷ Vật Cho Em “ được hát là khi người dân đang phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã của cuộc chiến tranh nên càng dấy thêm tinh thần phản chiến. Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy đã dành chưng 22 viết về “ Kỷ Vật Cho Em “ : “…Tôi hát bài trước tiên tại phòng trà Rizt của Jo Marcel với ban nhạc Dreamers, rồi hầu hết các ca sĩ từ Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly qua Thanh Lan, Nhật Trường đều thu thanh vào băng nhạc. Bài hát trở thành một hiện tượng lớn của thời đó. Ở phòng trà, khi ca sĩ hát bài đó lên bao giờ cũng có sự náo động nơi khán thính giả. Nếu là thường dân thì phản ứng vừa phải. Nhưng vì hồi đó dân nhà binh ở bốn vùng chiến thuật về Sài Gòn là đi phòng trà, và khi trong đám khán thính giả có một sĩ quan đi nghỉ phép hay một thương phế binh là có sự phản ứng ghê hồn nơi người nghe. Có thể nói bài này gây
một không khí phản chiến, nhưng có một cái gì cao hơn chính trị…”.
( 2005 )
-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
(*) 4 tít 4 kỳ báo của nhật báo Đuốc Nhà Nam :
1.     -Nhà thơ có nhiều huyền thoại,
tác giả “ Kỷ Vật Cho Em “ Linh Phương còn sống hay đã vĩnh viễn ra đi.
2.    Liên lạc khắp nơi ĐNN- VN mới tìm ra tông tích tác giả “ Kỷ Vật Cho Em “.
3.    Linh Phương đã nói gì với ĐNN- VN ?
4.    Linh Phương thích làm thơ nhưng không mang danh thi sĩ.
(**) – 50.000 đồng bằng 5 lượng vàng.