Tuổi Bụi
hay là
Nguồn gốc tiếng Việt, của một cụm từ tiếng Tây

Trên talawas có bài của Ngô Tự Lập, dịch một bài viết bằng tiếng Tây, của một ông Tây, viết về
Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu, của Nguyễn Huy Thiệp. Sách Việt bị Việt chê, Tây ôm lấy, in, rồi hít hà bằng tiếng Tây, rồi một ông Mít dịch ra tiếng Mít, cho dân Mít đọc, số phận của cuốn sách tuy long đong, nhưng cũng thật là ly kỳ.
Cũng thế, theo tôi, là tên bài viết, Vingt ans et des poussières, NTL dịch Tuổi hai mươi và những hạt bụi, thì cũng được thôi, nhưng Gấu sợ rằng, ông Tây này thuổng, từ Bụi Đời, hoặc Tuổi Bụi, hoặc Tuổi Đi Hoang...  của dân Mít, mà không xin  phép xin phiếc gì hết!
Cuốn của NHT này, Gấu là người đầu tiên lóc cóc type, từ một bản thảo hiếm quí từ trong nước chui ra, rồi post, được chương đầu thì thấy xuất hiện toàn bản văn ở trên lưới, bèn lôi về Tin Văn, và viết về nó. Trong khi thiên hạ la ỏm tỏi, Thiệp hết thời rồi, thì Gấu nói, khoan đã, đừng nóng.
Bài viết, một phần đã đăng trên talawas, trên Tin Văn, rồi ngưng.
Bây giờ, sách đã ra lò, bèn viết tiếp.

Emblème du renouveau littéraire des années 80, il cherche aujourd'hui un second souffle.
Biểu tượng của văn học đổi mới thập niên 1980, Nguyễn Huy Thiệp đang tìm kiếm một hơi thở thứ hai.
Từ renouveau ở đây, NTL dịch là đổi mới, là cố tình gán ghép, như nhà nước cố tình vơ vào, ra ý, hiện tượng NHT sở dĩ có được, đó là nhờ chính sách đổi mới của nhà nước Vi Xi.
Gấu nghĩ, không phải vậy.

Trong bài viết trước, khi viết về sự xuất hiện của những truyện ngắn, thay vì truyện dài, của một NHT, Gấu có nhắc tới trường hợp Solzhenitsyn và sự xuất hiện "Một Ngày trong Đời Ivan Denisovich", như một xuất hiện ở vào cuối một giai đoạn. Đây là sự cần thiết của chính văn học, khi nó bị đẩy vào đường cùng, và cùng tắc... biến.
Nên nhớ, Nước Nga Đỏ chưa hề vơ Một Ngày vào dòng chính, chưa từng hợp thức hoá cho nó. Nhà nước cần nó, không có nghĩa, nó thuộc vào dòng chính.
Nói rõ hơn, với NHT, không có "đổi mới", mà có sự lại làm mới văn học, renouveau, như là một thử thách, một rủi ro bắt buộc, nếu muốn thoát ra khỏi bế tắc, nếu nhà văn không muốn chết ngạt.

G. Steiner, khi điểm cuốn "Alexander Solzhenitsyn: A Century in His Life", của D. M. Thomas, (583 trang, New York, nhà xb St. Martin's Press 1998)  trên NY Times Book Review, March 1, 1998, cũng đã nhấn mạnh đến sự kiện này:

"Khi Khrushchev bật đèn xanh cho "Một Ngày trong Đời Ivan Denisovich", với ông ta, đây là một hành động mang tính chính trị giai đoạn: Anh tù Ivan là một nông dân, không phải một trí thức. (Khruschev cho rằng khẩu phần nhà tù như trong cuốn sách mô tả là vượt định mức). Nếu ông ta tiếp tục làm cho xong, việc tẩy uế chủ nghĩa Stalin, cuốn sách cũng chẳng thể kéo dài, và nhân lên mãi, niềm vinh quang ngây ngất của nó. Cùng với sự xuất hiện của "Một ngày", chỉ trong "một đêm", Solzhenitsyn trở thành nổi tiếng. Ông tới gặp Anna Akhmatova, nhà thơ vĩ đại nhất khi đó hiện còn sống của nước Nga. Bà hỏi: "Liệu anh chịu được lâu, vinh quang?... Pasternak chịu, thua. Thật khó kéo dài vinh quang, nhất là thứ đến muộn." Một lời cảnh cáo nóng bỏng"
[Một linh hồn lưu vong]

Bây giờ với Tuổi Bụi, NHT cũng làm một toan tính như vậy.
Không phải ăn theo, không phải kiệt cạn, như Đoàn Cầm Thi nhận định, như ông Tây trích dẫn trong bài viết.

Ở đây, chúng ta cần phân biệt  một số thuật ngữ như "lại làm mới", "đổi mới", "cởi trói" và hoàn cảnh lịch sử khi chúng xuất hiện, và chúng ta nhận ra, có gì tương tự, giữa câu cảnh cáo của Akhmatova, và lời cầu chúc đừng thuận buồm xuôi gió của Hoàng Ngọc Hiến.

Sự xuất hiện của truyện ngắn NHT đúng là một cách ăn theo hiện tượng cởi trói trong văn học. Lợi dụng nhà nước ra lệnh, hãy cởi trói... sơ sơ cho tụi nó, nhờ đó xuất hiện những Cù Lao Tràm, Đứng Trước Biển, Ly Thân... , Nguyên Ngọc bèn nhét kèm thêm, cho ăn theo, một hai truyện ngắn của NHT.

Gấu tôi bỗng nhớ tới vị sư già ở Tàng Kinh Các, trong Lục Mạch Thần Kiếm của Kim Dung, thấy mấy thằng ngu chỉ say mê giết người, toàn lựa những sách dậy giết người để mà đọc, để mà học, bèn nhét xen vô những cuốn kinh Phật...

Một cách nào đó, phải đọc NHT theo tinh thần đó, tinh thần giải độc.
Câu cảnh cáo NHT, của HNH là phải hiểu theo cách đó:
Này đừng có thuận buồm xuôi gió, rồi lại trở thành một thứ Trần Mạnh Hảo, một thứ...

*

Le nouvelliste reste en effet le plus emblématique des écrivains de la littérature du Dôi Moi, ce vent de libéralisation de la fin des années 80 qui a accompagné l'ouverture économique du Vietnam.
Cây bút truyện ngắn này hiện vẫn là biểu tượng tiêu biểu nhất của văn học Đổi Mới, làn gió tự do hoá cuối thập niên 1980 xuất hiện cùng với sự mở cửa của Việt Nam về kinh tế.

Khi phải so sánh giữa hai ông khổng lồ, một về văn, và một về thơ, ở thời tận cùng của chủ nghĩa cộng sản ở Liên xô, thiên hạ nói, sự xuất hiện của Solzhenitsyn, là để tố cáo Lò Cải Tạo Nga, và đồng thời chấm dứt nó. Còn Brodsky, như Coetzee nhận xét, là người đánh cái dấu chấm hết to tổ chảng, cho cái gọi là văn học Xô Viết.
Gấu tôi nghĩ, với Việt Nam, có vẻ như cả hai, Bảo Ninh thì tố cáo và chấm dứt huyền thoại cuộc chiến và cùng với nó, huyền thoại Phù Đổng về người lính cụ Hồ, còn Nguyễn Huy Thiệp, chính là người đánh dấu chấm hết cho văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, của miền Bắc, thứ văn học đến liền sau thất bại của Tự Lực Văn Đoàn, chính nó mới là cái nền đẻ ra cuộc chiến, đẻ ra anh bộ đội cụ Hồ. Thiệp bị nhập nhằng, bị gán bậy vào đổi mới là vậy, theo nghĩa, văn học hiện thực miền bắc đưa đến chiến thắng miền nam, còn Thiệp là người, khi cái văn học hiện thực đó bị "lão hoá", bèn "đổi mới" nó!
Bởi vì rõ ràng là, thiếu một ông Thiệp, thì cả một đống những nhà văn của trào lưu đổi mới đó, đều là hàng giả, đồ cuội. Một cách nào đó, chính họ mới ăn theo NHT. Điều này giải thích, cả đám ôm lấy Thiệp, coi như là thần tượng của họ, nhưng khi thần tượng không chịu a dua, cá mè một lứa với họ, khi Thiệp cố gắng đổi mới thực sự, chính mình, thì cả bọn la lên, thằng này hết thời rồi!

[Trường hợp DTH, xin để riêng ra, như một số nhà văn nhà thơ khác, đã thực sự tin vào chủ nghhĩa CS, gia nhập cuộc chiến với lòng hăng say, sau vỡ mộng, bèn chống lại nó].

Thiệp không hề tin vào văn học hiện thực, càng không tin vào đổi mới. Nông dân, thứ thiệt, của miền đất đó, nhưng ông không bị hớp hồn bởi chủ nghĩa Cộng Sản, như một quỉ, hoặc như một cứu rỗi. Khác hẳn bất cứ mọi trường hợp khác. Ngay cả Pasternak, ngay cả Solzhenitsyn, suốt cả một thời trẻ trung của họ, đều đã từng tin tưởng, và chiến đấu cho chủ nghĩa đó.

Bởi vì Demon, và Savior, chỉ là một. Trước 1975, là Savior. Sau 1975, biến thành Demon. Vẫn chỉ là một thứ.
Nên nhớ, không phải Dos là người đầu tiên nhắc tới Demon, Quỉ. Quỉ của Pushkin - viết năm 1830, một trăm năm trước cơn phẫn nộ của Stalin, giáng xuống đầu nông dân Nga - mô tả một chiếc xe ngựa bị bão tuyết làm mất phương hướng, mấy con ngựa kéo xe bị quỉ xúi giục và cứ thế lao vào địa ngục. Tới thời Dos, Những Con Quỉ [thường được dịch là Lũ Người Quỉ Ám, 1871], Quỉ biến thành Kẻ Cứu Rỗi, Vị Cứu Tinh. Hãy tưởng tượng, 1921, ông Hồ đói rét, run lẩy bẩy ở Paris, đọc Lênin, và sảng khoái la lên, cứu tinh đây rồi, đây là tri âm tri kỷ, kẻ đồng điệu, người đồng hành... (1)

Bởi vì tầng lớp trí thức miền bắc đã đón nhận quỉ sứ như kẻ cứu rỗi, như thế đó. Họ thực sự tin rằng chủ nghĩa Cộng Sản sẽ là cơ may, cơ hội đổi đời. Chính niềm tin này là nền tảng của, thí dụ, "Đường Ra Trận Mùa Này Đẹp Lắm", của những cảnh tượng thật bi hùng, bi tráng, bi thương, trai tráng làng, người người trích máu tay, làm đơn tình nguyện xin đi chiến trường miền nam.
Nhưng 1975, tất cả đều chưng hửng. Đều vỡ mộng. Hãy tưởng tượng tâm trạng của DTH lúc đó.

Như một nhà tiên tri, Kafka đã nhìn ra từ bao lâu cảnh này, trong Y sĩ đồng quê. Độc giả Việt, đọc ông, mà cứ nghe ra giọng của DHT, vào đúng cái ngày cay đắng nhục nhã đó:
"Ta đã bị bội phản! Bội phản!"  (a)

Savior, Vị Cứu Tinh, là tên ở trong chuồng ngựa [với Tướng về Hưu, là chuồng heo], và cũng là Demon, Con Quỉ, như cô gái Rose trong truyện đã than thở: Ngưòi ta không biết trong nhà mình có gì.
Điều này giải thích sự băng hoại sau 1975 của miền bắc, rồi ảnh hưởng đến cả nước. Nó là lật ngược của niềm tin trước đó.
*

(a) Bản tiếng Anh thì dịch là "bội phản". Bản tiếng Tây, "bị lừa". Mỗi bản dịch, như thế, hoá ra lại có riêng những độc giả của nó. Bội phản, là dành cho DTH, và những người như bà. Bị lừa, là dành cho một miền đất, khác.

*

Truyện Y Sĩ Đồng Quê, Gấu đã từng đọc, từ những ngày còn trẻ, hăm he làm nhà văn, và chẳng hiểu gì hết. Và cũng đã từng nghe Nguyễn Mạnh Côn than, khi dịch truyện này cho tờ Văn, trong một số đặc biệt về Kafka, dịch thì dịch, chứ chẳng hiểu tác giả nói gì.
Mãi cho đến khi đọc Oz. Ông nhà văn Do Thái này phải ăn ở đời đời kiếp kiếp với nỗi đau lưu vong, vô gia cư, vô địa táng của dân tộc ông, mới đọc ra được Kafka.
Còn Gấu, phải bị đánh văng ra khỏi đất bắc, đất nam, phải qua đến xứ người, rồi đọc Oz, mới vỡ ra được cái ngu!

Không phải là Gấu thậm xưng, cương ẩu về NHT.
Ngay ông Tây cũng nhận ra điều này, và NTL cố tình vờ đi, khi "dịch thoáng" câu văn trên. Câu của ông Tây: Tay viết truyện ngắn này đúng là thứ thiệt, của những nhà văn của văn học đổi mới, ngọn gió mở trói cuối thập niên 1980 đi kèm với mở trói kinh tế của Việt Nam.

Những từ của ông Tây, là có ẩn ý hết: libéralisation, cởi trói, mở rộng tự do, ouverture, mở ra, le plus emblématique, khuôn mặt biểu tượng nhất, hay nói huỵch toẹt ra ở đây: Thứ thiệt trong những đồ dởm...

Cuộc chiến Việt Nam, nó giống như một thai đố, mà những mật hiệu, clues, cho thấy, nó "bắt buộc" phải như vậy. Bất thình lình, ngày 30 tháng Tư cho thấy, nó không phải như vậy.

Cũng thế, nếu nói về mặt văn học: Văn học xã hội của miền bắc. Nó y hệt như chủ nghĩa Cộng Sản, là cái nền khổng lồ mà nó dựa vào đó. Nó khổng lồ như là chủ nghĩa CS khổng lồ. Đùng một cái, ngày 30 tháng Tư, nó đụng vào một bức tường mềm, là cuộc sống thực của miền nam, nó gặp "kẻ thù" của nó, là nền văn học chẳng ai thắng ai, nó gặp "văn hữu" của nó, những nhà thơ chỉ nói chuyện chuồn chuồn châu chấu, những nhà văn suốt đời chỉ mơ được làm một phó thường dân. Nhân vật tiểu thuyết, những Sài những Mía, những Núp... đột nhiên nhận ra, mình có những phần giông giống họ, tôi muốn nói, giống những nhân vật ở trong Ngoại Ô Dĩ An Và Linh Hồn Tôi, Dọc Đường, Em Yêu Anh Không...  nhưng cứ cố tình vờ đi, để viết... dưới ánh sáng của Đảng.
[Nếu đi hết biển 3]

Qua bài viết của ông Tây, kèm bài dịch của ông Việt ["anh bạn" Ngô Tự Lập] - đăng trên diễn đàn talawas nhân dịp cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn chuyên viết truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, được xuất bản bằng tiếng Pháp, trong khi bản tiếng Việt không những bị trong nước chê, mà còn bị nhà nước cấm – tôi sợ rằng ông Tây cũng không nhận ra đề tài chính của Tuổi Bụi. 

Theo tôi, Tuổi Bụi bắt đầu - đúng hơn, tuổi bụi chấm dứt, và tuổi hai muơi yêu dấu bắt đầu - bằng cái chết của Ông Bố.

Đây là Hâm Liệt. Hay nói theo kiểu của ban tuyên huấn trung ương, "bản áp dụng một cách sáng tạo và thiên tài kịch Hamlet, của Shakespeare, người Anh, vào văn học Việt Nam"! 

Bởi vì, ở cái xứ sở đời đời gia trưởng trị, [thì CS cũng là một thứ gia trưởng trị, nhưng khắc nghiệt hơn nhiều, tức Đảng Trị], mà NHT mô tả, qua ánh mắt của thằng con nghiền, qua diễn tả của ông Tây, "Như vậy cuốn tiểu thuyết nửa là một bức chân dung tự họa đẹp đẽ (người cha "không hề toan tính gì" cũng là "một nhà văn nổi tiếng, người mới đây thôi còn là thần tượng của giới trẻ. Một người liêm khiết chưa từng biết luồn cúi một ai. Tôi không ít tự hào về và biết ơn ông về điều đó") nửa lại là một bức bích hoạ ảm đạm về lớp trẻ Việt Nam, cá nhân chủ nghĩa, thực dụng, hoang mang trong một xã hội mà các giá trị truyền thống bị đảo lộn dữ dội", cả hai nửa đó, chỉ chấm dứt, và hợp thành một, là cuộc đời đích thực của ông con trai, khi cậu ta đọc trên báo, tin ông bố nổi tiếng đã ngỏm củ tỏi. 

"Tôi đã sững sờ vì một lần lên bờ cắt tóc, soi trong gương tôi nhận ra đầu mình bạc trắng! Tôi không tin được là tôi có thể biến đổi đến như ngần ấy. Trong tiệm cắt tóc có một tập báo cũ, vô tình tôi vớ lên xem. Tôi lặng người đi khi đọc báo thấy tin bố tôi vừa mất! Nước mắt tôi trào ra. Những dòng chữ nhảy nhót, nhòa đi trước mắt tôi. Tôi gục xuống như bị một đòn trời giáng, run rẩy hết cả chân tay. Mọi người chạy lại đỡ tôi nhưng tôi gạt đi rồi chạy ra ngoài, vừa chạy vừa khóc nức nở. Trời đất như sụp đổ trước mặt tôi. Bố!"
[Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu. Chương chót. NHT]

 Hoặc nói một cách khác, Tuổi Bụi chính là ouverture, cho một xứ sở không còn tuổi bụi nữa, một khi mà Ông Bố ngỏm củ tỏi.

 Nhân đây, Gấu xin tặng "bạn ta, người ở Thọ Xuân" một nhận xét  - của ông vua tiểu thuyết gián điệp, ngưòi Anh, John Le Carré, trong lời tựa cuốn tiểu thuyết của ông - áp dụng cho Tuổi Hai Mươi Yêu Dấu sao lại quá hợp:

"Nhưng ở đây, qua cuốn tiểu thuyết, giai đoạn Lịch Sử chỉ là cái nền, cho câu chuyện một đấng con trai, bị ám ảnh bởi một ông bố, và khi thấy mình đủ sức dám đối diện với cái bóng của ông ta, bèn khám phá ra rằng, cái con quỉ hành hạ anh ta suốt đời đó, sau cùng hoá ra là một người đàn ông nhỏ thó, buồn bã, và trống rỗng."
Lời Tựa cuốn Single & Single [ở đây, Gấu sử dụng bản dịch tiếng Tây, tủ sách Points, loại bỏ túi]

 Gấu bỗng nhớ lần gặp thứ nhì, do một tay xe ôm, đi theo lời chỉ dẫn của Thiệp, vậy mà cũng ba trật bốn vuột mới tới được "ngoại vi". Chỉ cần tới ngoại vi, nghĩa là khu phố, hoặc đầu ngõ, hỏi, là ai cũng gật đầu, biết, làm sao không biết... Anh xe ôm đã đi theo một người lối xóm như vậy, tới tận cổng nhà Thiệp.

Sau khi chào hỏi, mời anh xe ôm vô nhà, uống một ly bia, rồi nói, ông để ông bạn của tôi ở đây, về trước mà đón khách tiếp, lát nữa, có ông xe ôm cây nhà lá vườn, sẽ đưa ông tới tận nhà [ở khu Phố Cổ Hà Nội] đàng hoàng.

 Bữa hôm sau, gặp lại anh xe ôm, anh ta vẫn chưa hết nét sửng sốt. Vậy là ông quen cái ông Thiệp đó hả? Ối giời ơi là giời, nhờ ông mà tôi được bắt tay ông ta, được uống với ông ta một ly bia. Đúng là ngàn năm một thuở, mà phải nhờ một ông ở tận nước người, mới có được!

 Chính cái chi tiết người nhỏ thó, ở trên, làm tôi nhớ lại lần gặp Thiệp, và cái cảm giác sững sờ của anh chàng xe ôm. Nó còn làm cho tôi nhớ lại, cũng một nhận xét của ông vua tiểu thuyết điệp viên người Anh nói trên, trong cuốn Tay Điệp Viên Tuyệt Hảo, The Perfect Spy, bản tiếng Tây dịch là Tay Điệp Viên Nhà Nòi, hoặc Ròng, Un Pur Espion, ông đưa ra nhận xét sau đây:

Như rất nhiều những tay độc tài, Miss D. thì thật là nhỏ thó!

 *

 Le Carré là một trong những ông thầy của Gấu, từ những ngày tập tành viết.

Trong cuộc chiến Việt Nam, vì quá sợ nó, tôi tìm đủ mọi cách để chạy trốn. Một trong những chỗ ẩn núp "tương đối" an toàn, là sách vở. (Ngoài sách vở ra, còn một mê cung khác, an toàn hơn, bởi vì thê thảm hơn, tôi đã tưởng hết lối ra, may nhờ… nhưng thôi để dịp khác…)

Trong sách vở, có truyện trinh thám. Những cuốn tiểu thuyết đen, série noire, với những tác giả như James Hadley Chase, Georges Simenon… và John Le Carré, được coi là "ông vua" của tiểu thuyết gián điệp, với bối cảnh là Cuộc Chiến Lạnh.

Tôi tình cờ khám phá ra ông, nhân bữa ghé tiệm sách Xuân Thu, ở đường Tự Do Sài Gòn, thấy cuốn Gián Điệp Từ Miền Lạnh, bản tiếng Pháp (L’Espion qui venait du froid). Mấy chữ "venait du froid" đập ngay vào mắt. Như thể sợ, mà vẫn tò mò muốn biết, muốn thử! Y hệt nỗi sợ cuộc chiến! Biết chắc chạy trời không khỏi nắng, nhưng vẫn tìm đủ mọi cách để kéo dài thời gian "hoãn dịch". Một cái sợ tiềm ẩn, ma quái, đâu đó từ góc sâu quá khứ… Trong một thoáng, giữa không khí ấm áp của Sài Gòn, tôi như sống lại nỗi buốt giá của một miền đất, của một tuổi thơ, trong khi cuộc chiến đang rình rập, ngay… bên ngoài lề đường!

Chả là, tôi người Bắc, bố mất sớm, mẹ còn trẻ, một nách bốn con, cứ phải gửi hết đứa này đứa nọ ăn nhờ ở đậu nơi bà con bên nội bên ngoại… những chi tiết chẳng liên quan gì tới Gián Điệp Từ Miền Lạnh, nhưng chính là cánh cửa mở vào tiểu thuyết của Le Carré.

Trong ba tháng nằm tại nhà tù quốc tế Bangkok, giữa đủ thứ thành phần (trộm cướp, buôn lậu ma túy, giấy thông hành hết hạn, kháng chiến quân chống nhà cầm quyền Miến Điện, chống nhà nước Cộng Sản Việt Nam…); đủ thứ sắc dân (Anh, Pháp, Ấn Độ, Miến, Mã Lai, Campuchia…), tôi gặp lại Call For The Dead của Le Carré trong mớ đồ lỉnh kỉnh của một anh bạn Mã Lai nằm kế bên. Cuốn sách mỏng, chỉ trên trăm trang, ghi chú tùm lum, nào số điện thoại, nào những con chữ lằng ngoằng…
Tôi đã đọc bản tiếng Pháp, L’appel du mort, nhưng không bắt được cái mạch của nó.
Lần này, cuốn sách bắt được mạch của tôi.
Đúng hơn, lần này thành phố đã…
 *

Như trên đã nói, tôi đọc Le Carré qua bản dịch tiếng Pháp. Lần đọc đầu, tôi chỉ để ý đến cốt truyện, đến cuộc đấu trí giữa hai phe "chính tà’ qua hai nhân vật ở trong đó.

Đây là câu chuyện một nhân viên ngoại giao tự tử, sau khi bị sở cho người điều tra, vì nghi là "thân cộng". Để lại thư tố cáo. Người lãnh đạn, là Smiley, nhân viên được sở cử đi điều tra. "Anh điều cha điều bố thế nào để cho con người ta cảm thấy nhục nhã, mất danh dự đến nỗi phải tự tử để minh oan?"

Trước mắt, ngay sáng sớm hôm sau, Smiley phải tới gặp bà vợ, để thay mặt sở chia buồn. Đang nói chuyện, có điện thoại. Tưởng của Sếp, anh nhắc nghe, nhưng của nữ điện thoại viên bưu điện, do người đã chết tối hôm qua đã dặn, "tám giờ sáng, nhớ đánh thức tôi nhé!"

Smiley tự hỏi: làm sao một người sửa soạn từ giã cõi đời, lại nhờ người đánh thức?

Hoá ra là bà vợ mới là gián điệp nằm vùng. Bồ của bà, một điệp viên Đông Đức. Trong thời gian chiến tranh, anh này là nhân viên của Smiley. Một tay cộng sản thứ thiệt, theo nghĩa, rất tin tưởng chủ nghĩa cộng sản sẽ đưa thiên hạ tới "thái bường"!

Smiley vẫn còn nhớ, cách anh này hẹn gặp nhân viên dưới quyền. Anh thử làm theo, và thành công.

Anh cho hai người gặp nhau tại một rạp hát. Khi nhân viên dưới quyền xin lệnh bắt, Smiley lắc đầu, không có chứng cớ, bắt cũng phải thả ra thôi. Nhưng anh ra lệnh: cứ để yên, sẽ có biến động. Hãy để cô cậu cuống cuồng, thất kinh… quýnh quá thể nào cũng làm một điều gì đó. (Let them bolt, panic, anything… so long as they do ‘something’). Bởi vì theo anh, Dieter, nhân viên cũ của anh, khi gặp cô bồ, khám phá ra bị lừa, sẽ nghĩ rằng phản gián Anh đã biết tất cả.

Vấn đề là: anh ta sẽ hành động như thế nào?

The Last Act, màn chót của vở hát và cũng là màn chót của cuộc đấu trí, Dieter xiết cổ cô bồ, làm như đang ngủ, và rời rạp hát cùng với khán thính giả.

Dieter và Smiley đụng độ tại một cây cầu, giữa sương mù dầy đặc, trên sông Thames. Nhớ lại những năm tháng cùng chống Quốc Xã, Dieter tha chết cho tên bạn đế quốc, và chịu chết thay vì đầu hàng.

Những đoạn đối đáp giữa bà vợ và Smiley, giữa Similey và Mendel, người bạn làm nghề cảnh sát… là những trang đẹp nhất trong truyện:

(Mendel hỏi Smiley):

-Bà ta có phải là cộng sản không?

-Tôi không tin bà ta thích những nhãn hiệu. Tôi tin rằng, bà muốn xây dựng một thế giới có thể sống mà không có tranh chấp… Hoà bình là một từ dơ dáy, hiện nay, có phải không? Tôi nghĩ, bà muốn hoà bình.

(I don’t think she liked labels. I think she wanted to help build one society which could live without conflict. Peace is a dirty word now, isn’t it? I think she wanted peace.)

-Còn Dieter?

-Trời biết Dieter muốn gì. Thanh danh, tôi nghĩ vậy. Và một thế giới xã hội chủ nghĩa. Smiley nhún vai. "Họ mơ tưởng hoà bình và tự do. Và bây giờ, họ là những tên sát nhân, những tên gián điệp."

-Trời đất!

Smiley im lặng một lát:

-Tôi không hy vọng bạn hiểu. Bạn chỉ nhìn thấy tận cùng của anh ta. Tôi đã nhìn thấy khởi đầu. Anh ta là một trong những người xây dựng thế giới. Những người tưởng là xây dựng, nhưng thật ra là hủy diệt. 

Lần đọc đầu, tôi chỉ để ý đến những màn giật gân, những câu đối đáp nẩy lửa như trên.
Lần thứ nhì, một chi tiết, đúng ra là một "cụm từ", trong một câu văn, đập thẳng vào mắt tôi.
Bạn không thể tưởng tượng, khi nằm tại nhà tù quốc tế Bangkok, tôi đã nhớ Sài Gòn tới mức nào. Và cái cụm từ ở trên, nó "liên quan" tới… Sài Gòn!
Câu văn ở chương hai. Chương này tả cảnh tượng Smiley đang đêm bị sếp dựng dậy, bắt phải tới sở trình diện. Ngồi trên xe tắc xi, anh cứ nghĩ, mình vẫn còn đang ngủ trên giường nệm ấm áp, đây chỉ là hồn ma của mình đang run rẩy giữa thành phố London:
"Trong tắc xi ông cảm thấy an toàn. An toàn và ấm áp. Cái ấm là món hàng chui, tuồn từ chiếc giường, được tích trữ nhằm chống lại đêm tháng Giêng ẩm ướt. An toàn, vì không thực: đây là hồn ma của mình đang lang thang trên đường phố Luân Đôn…"
(He felt safe in the taxi. Safe and warm. The warmth was contraband, smuggled from his bed and hoarded against the wet January night. Safe because unreal: it was his ghost that ranged the London streets….)
Những từ safe, unreal…như từ cuộc chạy trốn quê hương trỗi dậy, gây trạng thái chập chờn nửa thức nửa ngủ. An toàn ở trong một nhà tù, cách xa nhà tù quê hương. Không thực, vì chung quanh là cả một khối hỗn độn người ngợm lạ hoắc… cứ thế, một đoạn văn ở trong tôi lập đi lập lại, theo cùng với những con chữ: Trong những đêm chập chờn mất ngủ… hồn ma… his ghost, không, không, đây là hồn ma của chính mình đang lang thang ở Sài Gòn… không, không, không phải hồn ma của mình, mà là… hồn thiêng, hồn thiêng của thành phố đang trỗi dậy… thế là tôi ráp lại: "Trong những đêm chập chờn mất ngủ, hồn thiêng của thành phố thức giấc ở trong tôi, tôi lại tưởng hồn ma của chính mình đang lang thang trên những đường phố cũ…". Tới đó tịt luôn.

Phải tới khi ra nhà tù, vào trại tị nạn, mãi mãi sau đó, tôi mới kết thúc nổi câu văn:

 "Trong những đêm chập chờn mất ngủ, hồn thiêng của thành phố thức giấc ở trong tôi, tôi lại tưởng đây là hồn ma của chính mình đang lang thang trên những nẻo đường xưa cũ, sống lại cái phần đời đã chết theo cùng với Sài Gòn, bởi cái phần đời đó mới đáng kể."
Một thành phố mà tôi đã chết ở trong, nay sống lại, chỉ để kể về nó…
[Hồn thiêng thành phố thức giấc ở trong tôi]

*

 (1) Nhân viết những ngày ông Hồ đói rét ở Paris ngày nào, Gấu sực nghĩ đến huyền thoại về viên gạch đã từng mang lại chút ấm áp cho Bác. Tình cờ, và thú vị làm sao, Gấu được đọc một mẩu chát trên một diễn đàn, liên quan với vụ việc này. Xin post lại, có bỏ đi một số chi tiết cá nhân.

 -Bạn... ơi, bạn sang Pháp lâu chưa, hay bạn đang ở nước nào thế? Mình chưa được đến thăm nhà Bác Hồ ở Paris, nhưng cô giáo tiếng Pháp của mình bảo rằng tên phố Bác ở ngày xưa là Compoint cơ, thế có đúng không hả bạn?
 -Thế bạn TT có biết sự tích viên gạch sưởi ở ngõ Công - Poăng không? Hay cực!
 -Mình chỉ biết Bác Hồ dùng gạch để sưởi ấm mùa đông thôi, mình không biết sự tích hòn gạch ấy thế nào bạn ạ. Bạn có thể kể cho mình được không?
  -Khéo bác...  lại kể chuyện bác mang hòn gạch đấy từ cái lò gạch sinh ra Chí Phèo sang Pháp cũng nên.
 -Ừ, vậy tớ kể chuyện viên gạch ngõ Công Poăng cho  các bạn nghe nhá.

 *

Viên gạch của Bác Hồ

 Đầu những năm 70' của thế kỷ XX, sau khi Người đã qua đời được vài năm, một tổ công tác chính trị được thành lập. Đa số các thành viên của tổ là các khoa học gia về bảo tồn, bảo tàng, lịch sử và khảo cổ học. Đó là tiền thân của Bảo tàng HCM sau này.
 Nhiệm vụ của tổ công tác là đi khắp đất nước, và một số địa điểm ngoại quốc để sưu tầm tư liệu, vật dụng hàng ngày... của Người trong thời gian Người bôn ba hải ngoại để tìm đường cứu nước. Một nhóm công tác đặc biệt được cử sang Pháp cũng không ngoài mục đích đó.
 Một nhiệm vụ cụ thể của nhóm công tác là tìm hiểu về sự thực chuyện viên gạch Người dùng để sưởi ấm mùa đông khi Người đang là anh thanh niên 25 tuổi đẹp trai nhưng nghèo khổ ở Paris, sống ở nhà số 9 ngõ Công Poăng. Nhà số 9 Công poăng tầng dưới là quán cà phê, tầng trên Người thuê ở, người làm nghề rửa ảnh. Phòng kê vừa một cái giường, hai cái ghế một cái bàn con.
 Nhóm công tác đã phỏng vấn nhiều người dân sống trong khu vực này cùng thời với sự kiện viên gạch, và kết quả là không có người dân nào biết về sự kiện này.
 Đến ngày cuối cùng trong thời gian làm việc. Nhóm công tác tình cờ gặp một bà cụ già 70-80 tuổi nhăn nheo móm mém nhưng vẫn còn giữ lại một chút nhan sắc thời trẻ sống tại nhà số 11 ngõ Công Poăng. Khi được hỏi về sự kiện viên gạch Người dùng sưởi ấm trong mùa đông giá rét ở Paris, bà cụ già công nhận là có biết chuyện này. Nhóm công tác mừng rỡ và đề nghị bà cụ giúp đỡ để tìm lại viên gạch để mang về Việt Nam, bà cụ gật đầu mỉm cười duyên dáng và nói:
 "Viên gạch đó chính là tôi đây!"

*

Đã vài lần, tôi thử tìm cách giải thích Tướng Về Hưu của NHT, [như Sartre đã từng giải thích Kẻ Xa lạ của Camus: Một thứ truyện cổ điển], thí dụ như:

1. Áp dụng nhận xét của Lukacs đối với Một Ngày của Solzhenitsyn.
2. Coi như một sản phẩm phát sinh từ cú đụng độ giữa hai nền văn minh.

*

Không hiểu ông Hồ có la lên - như Archimedes, hay như Kertesz, "Nó đây rồi, Ta đã kiếm ra nó, Ơ Rơ Ka, Ơrakìa", khi ông ở Paris hay là không - và sau đó, áp dụng một cách thông minh, thiên tài và sáng tạo tư tưởng của Lênin vào thực tế Việt Nam, nhưng giấc mộng lớn của ông cũng chính là của những người Bôn sê vích, như một bạn tù của Solzhenitsyn, diễn tả, về nước Nga: "Một xứ sở bao la, rộng lớn, tín ngưỡng cơ bản là Cơ đốc giáo... sẽ biến thành lò cừ, hay cái nôi, nuôi dưỡng giống người mới, a new breed of men, dưới những điều kiện của hung bạo, ghê rợn, khủng khiếp, và vô thần, trên một bình diện rộng lớn... Nhà nước Cộng Sản non trẻ sẽ tiến hành cuộc tàn phá, huỷ diệt mọi chống đối, hoặc dân giả, hoặc thiêng liêng...  để chôn sâu cuộc sống con người dưới những điều độc ác, ghê rợn..."
Solzhenitsyn kể lại cảnh ông gặp người bạn trên, sau biến thành khuôn mẫu cho nhân vật Sologdin, trong Tầng Đầu Địa Ngục: "Tôi đi xuống cầu thang và đụng một khuôn mặt lạ, làm tôi nhớ liền tới đấng Giê Xù...."

[còn tiếp]

Nguyễn Quốc Trụ

tanvien.net