Naipaul:
"Bằng cách nào tôi bỏ Phố Miguel"
Gửi
Sài Gòn, và quãng đời sa sẩy tuyệt vời của tôi.
NQT
Má
tôi bảo tôi:
-Mày sắp thành thằng ăn hại ở đây rồi đấy. Tao nghĩ đã đến
lúc mày phải đi thôi.
-Nhưng đi đâu mới được chứ hả má? Tới Venezuela?
-Không, không được. Vừa xuống tầu là họ tóm mày liền. Tao
quá rành mày, và tao cũng quá rành Venezuela.
Không, một nơi nào khác thì được.
-Được thôi, má cứ suy tính đi, rồi quyết định cho con.
-Pandi Ganesh là bạn của ông già mày, bà nói tiếp. Tao sẽ đi
gặp ông ấy. Mày phải bỏ nơi này. Chẳng mấy nỗi, sắp trở thành một thằng
vô tích
sự thực sự rồi đấy, bà lập lại.
Cứ cho là bà có lý đi, tôi nghĩ vậy. Cứ như ma đưa lối quỉ
dẫn đường, tôi sa chân lúc nào không hay. Tôi uống như hũ chìm, và làm
khá bộn
chuyện khác. Tôi làm quen ma men hồi làm nhà đoan. Thì cũng tại tịch
thu toàn
rượu ngon, lý do tịch thu lại càng không cần. Thoạt đầu, chỉ nội ngửi
mùi rượu
là đã muốn ói, nhưng tôi tự nhủ: "Mày phải chế ngự mày thôi. Hãy uống
thứ
thuốc này đi. Hãy nhắm mắt nhắm mũi mà uống." Cứ thế, tôi trở thành một
bợm nhậu thực thụ, và tôi bắt đầu đau, nỗi đau kiêu ngạo, của mấy thằng
ghiền.
Rồi thì Boyce và Errol giới thiệu tôi những ngõ ngách của
thành phố. Một tối, vừa mới tới sở làm một lát tụi nó đã kéo tới một
tiệm ở gần
Công trường Marine. Chúng tôi trèo lên lầu một, và lọt vào một căn
phòng chật
cứng người, dưới ánh đèn mầu xanh. Thứ mầu xanh đặc xệt, như đóng băng.
Có rất
nhiều gái. Họ chẳng làm gì hết, cứ đợi, và nhìn. Tôi đọc hàng chữ lớn,
viết
trên tấm biển: "Cấm gạ gẫm chuyện dơ dáy."
Chúng tôi làm một ly. Một thứ nước đặc, mùi dìu dịu.
Errol hỏi tôi:
-Mày chịu thứ nào?
Tôi hiểu liền, và cảm thấy lợm giọng. Tôi vọt ra khỏi căn
phòng, chạy thẳng về nhà, chuếnh choáng bịnh, chuếnh choáng sợ. Tôi tự
nhủ:
"Phải chấm dứt thôi, con ơi!"
Ngày
hôm sau, tôi lại mò tới. Rồi lại mò tới.
Chúng tôi làm một cuộc chơi, cả một bầy thuế quan. Thế là
đêm nào như đêm nấy, chúng tôi suốt đêm, hết rượu lại gái, tại bãi biển
Maracas.
-Ới con ơi là con, mày thành thằng bỏ đi rồi, má tôi than
thở.
Tôi chẳng thèm để ý, cho tới một tối say mèm, ói mửa liền
hai bữa. Khi ngóc đầu lên được, tôi thề không bao giờ hút, không bao
giờ uống
nữa.
Tôi nói với bà già:
-Thực sự không phải lỗi con. Đúng là tại thành phố Trinidad.
Làm gì được nếu không nhậu?
Chừng hai tháng sau đó, bà già bảo tôi:
-Tuần tới, mày đi đằng này với tao. Mẹ con mình tới thăm Nhà
Thông Thái (Pandit) Ganesh.
Đã
từ lâu, Pandit Ganesh từ bỏ cõi huyền hoặc, lao vào chính
trường, và rất thành công. Hiện là bộ trưởng gì đó trong chính quyền,
và nghe
đồn sắp sửa trở thành M.B.E. (Membre de l’Ordre de l’Empire britanique:
Thành
viên Hội Đế quốc Anh. Chú thích người dịch bản tiếng Pháp).
Hai má con tới căn nhà đẹp đẽ của ông thuộc khu phố St.
Clair, và được diện kiến ông, không phải trong bộ "dhoti" và
"kaortah" mà là một bộ com-lê đắt tiền.
Ông đón tiếp bà già thật là nhiệt tình và nói:
-Tôi sẽ làm tất cả những gì mà tôi có thể.
Bà già bắt đầu sụt sịt.
Ganesh quay qua tôi:
-Cháu muốn ra nước ngoài học không?
-Cháu chẳng muốn học, bất cứ thứ gì. Cháu chỉ muốn đi.
Ganesh mỉm cười và trả lời:
-Nhà nước chưa cho ra thứ học bổng đó. Chỉ mấy ông bộ trưởng
mới được cái món mà cháu nói. Không được, cháu phải chọn một môn học.
Tôi trả lời:
-Cháu chưa từng nghĩ tới chuyện này. Cho cháu suy nghĩ một
chút.
-Được rồi. Cháu cứ nghĩ đi.
Bà già bắt đầu vừa sụt sịt vừa cám ơn.
-Cháu biết phải học cái gì rồi, tôi nói. Cơ khí.
Tôi nghĩ tới ông chú Bhakcu.
Ông Ganesh cười và hỏi:
-Cháu biết gì về cơ khí?
-Hiện giờ thì chưa. Nhưng cháu sẽ làm quen với nó.
-Tại sao con không học luật? Bà già hỏi tôi.
Tôi như nhìn thấy Chattaranjan và bộ đồ mầu xậm, và tôi la
lớn:
-Không, luật hả, không, không!
Ganesh nói tiếp:
-Chỉ còn một học bổng: dược.
-Nhưng cháu không muốn làm dược sĩ, tôi phản đối. Cháu không
muốn xỏ vô bộ đồ trắng, và bán son môi cho mấy ả.
Ganesh mỉm cười.
-Đừng thèm để ý đến nó, panđi, bà già nói. Nó sẽ học dược.
Và quay qua tôi: con có thể học bất cứ thứ gì, nếu con muốn.
Ganesh nói tiếp:
Hãy suy nghĩ đi. Học dược nghĩa là đi Luân Đôn. Ngắm tuyết,
sông Tamise và tòa nhà Quốc hội.
-Cháu chịu rồi, tôi nói. Cháu sẽ học dược.
-Tôi không biết làm sao cám ơn ngài panđi, má tôi rên rỉ.
Và, vẫn sụt sịt, bà đếm từng đồng, đủ hai trăm đô trao cho
Ganesh, nói:
-Tôi biết chẳng đáng là bao, panđi. Nhưng đây là tất cả của
nả tôi tằn tiện từ bao lâu nay.
Ganesh rầu rĩ cầm tiền và nói:
-Đừng để ý đến chuyện đó. Có vậy là được rồi.
Má
tôi vẫn sụt sịt, và sau cùng, chính Ganesh bật khóc.
Thấy
vậy, bà già chùi nước mắt và giải thích:
-Xin
panđi hiểu cho nỗi khổ tâm của tôi, tôi đã phải tặn
tiện, nay chạy đầu này mai chạy đầu kia, làm đủ thứ chuyện mới có được
món tiền
đó. Thời buổi này mà. Tôi cũng không biết làm sao tôi có nổi số tiền đó
nữa.
Ganesh
ngưng khóc liền lập tức. Bà già lại đổ nước mắt.
Và
như vậy tiếp tục chừng một lát, tới khi Ganesh đưa lại bà
già một trăm đô. Ông nức nở, run lẩy bẩy.
-Hãy
cầm lấy, ông nói, và mua vài bộ đồ cho thằng nhỏ.
-Panđi,
ông thật tốt, tôi nói.
Ông
ta hết sức cảm động và la lớn:
-Khi
cháu trở về với đủ thứ bằng cấp, trở nên một người lớn,
và một nhà dược sĩ lớn, tới lúc đó, ta sẽ tới đòi cái điều mà cháu
thiếu ta.
Tôi
kể cho Hat nghe là tôi sẽ ra đi.
-Đi
làm gì? Làm thợ hả?
-Nhà
nước cho tớ cái học bổng học dược.
-Cậu
xoay sở tất cả chuyện đó, hả?
-Không
phải tớ mà là bà già.
Eddoes
nói:
-Bà
già xoay tài thật. Tớ biết một tay dược sĩ, bao nhiêu
năm nay tớ chỉ lo dọn cứt đái thằng chả. Thằng chả bộn của. Bồ tèo ơi,
thằng
chả nằm trên đống vàng.
Tin
tức tới tai Elias, và anh ta chịu không nổi. Một bữa anh
ta tới đằng trước sân nhà và la lớn:
-Đồ
hối lộ! Thứ mày chỉ làm được như vậy. Đồ hối lộ!
Má
tôi trả đũa:
-Những
thứ chửi người khác hối lộ là toàn dân khố rách áo
ôm, lấy đâu ra tiền mà lo hối lộ!
Cũng
mất chừng tháng trời sửa soạn mới tới ngày ra đi. Nhà
cầm quyền Trinidad viết cho tòa Lãnh sự Anh ở Nữu Ước. Tòa Lãnh sự Anh
cho điều
tra về tôi. Người Mỹ cho tôi nhập cảnh sau khi bắt tôi thề không được
dùng khí
giới lật đổ chính quyền của họ.
Sáng
sớm hôm sau tôi đi, buổi tối hôm trước má tôi làm bữa
tiệc nhỏ mà chẳng khác chi đám tang. Người nào tới mặt cũng buồn xo, và
nói,
rồi tôi sẽ nhớ họ biết là chừng nào; rồi thì họ quên luôn tôi, bắt qua
chuyện
quan trọng: ăn nhậu.
Laura
ôm hôn tôi, và tặng cái mề đay thánh Christophe. Nàng
nói tôi đeo ở cổ. Tôi hứa sẽ làm, và bỏ vào túi. Tôi không biết rồi
nàng sẽ ra
sao. Bà vợ Bhakcu cho tôi đồng sáu "pence" đã được làm phép, và tôi
nghĩ, khó mà không tiêu đồng tiền làm phép đó. Titus tha thứ cho tôi
mọi chuyện
và tặng tôi tập hai bộ "Tennyson", trong tủ sách "Thư viện cho
tất cả mọi người". Eddoes mang cho tôi một cái bóp, anh thề, gần như
mới
toanh. Boyce và Errol chẳng cho tôi gì cả. Hat đưa tôi một hộp đựng
thuốc lá và
nói:
-Tớ
biết cậu nói cậu sẽ không hút thuốc nữa. Nhưng cứ cầm
lấy, trong trường hợp cậu đổi ý kiến.
Kết
quả là, tôi hút thuốc trở lại.
Chú
Bhakcu mất cả một buổi lo sửa soạn xe đưa tôi ra phi
trường. Lâu lâu, tôi lại chạy qua chỗ ông, nói, đừng mất công như vậy.
Ông chú
trả lời, ông nghĩ là cái các-bua-ra-tưa mắc khùng.
Sáng
hôm sau, ngay từ sáng sớm, ông chú đã mò ra chiếc xe.
Chúng tôi tính tám giờ khởi hành, mà mười giờ ông chú vẫn còn loay hoay
với nó.
Má tôi quýnh quáng, còn bà vợ Bhakcu bắt đầu tỏ vẻ hết còn chịu nổi.
Ông
chú nằm bên dưới xe, huýt sáo một đoạn bài
"Ramayana". Ông chui ra vừa cười vừa nói:
-Thằng
cháu của tôi lo són đái rồi, phải không?
Sau
cùng cũng xong. Ông chú không phải tháo mô tơ, nó vẫn
còn chạy được. Hành lý của tôi đã sẵn sàng ở trên xe, và tôi chỉ còn
việc bước
qua ngưỡng cửa nhà lần cuối cùng.
Má
tôi nói: "Thủng thẳng", và đem một bình sữa để
ngay giữa lối đi dẫn vào sân nhà.
Cho
tới bây giờ, tôi vẫn không làm sao giải thích nổi, cái
cổng rộng như thế, tôi đã cố hết sức né sang một bên, vậy mà vẫn đụng
đổ bình
sữa.
Mặt
má tôi nặng chĩu.
-Điềm
xấu hả má?
Bà
không nói gì.
Bhakcu
bấm còi
Chúng
tôi lên xe, đi xuống Phố Miguel theo hướng Wrightson,
về phía South Quay. Tôi không nhìn ra bên ngoài.
Má
tôi khóc sướt mướt, và run lẩy bẩy.
-Má
biết sẽ chẳng bao giờ gặp lại con ở Phố Miguel.
-Sao
vậy hả má? Chắc là do con đánh đổ bình sữa?
Bà
không trả lời, tiếp tục khóc bình sữa đổ.
Tôi
chỉ nhìn ra ngoài khi ra khỏi Port de Spain, và khu
ngoại thành. Trời trong và nóng. Đàn ông đàn bà làm dưới ruộng. Mấy đứa
con nít
tắm nơi ống nước bên đường.
Tới
phi trường Piarco kịp giờ, và bỗng nhiên ngay lúc đó,
tôi mong mỏi giá mà đừng được học bổng. Phòng đợi làm tôi ớn. Mấy bà Mỹ
to con
mang kiếng mát thấy ghê, mỗi lần nói là như hét lên. Họ như dư tiền,
mặc sức
thoải mái.
Rồi
người ta ra thông báo, bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban
Nha, chuyến bay 206 trễ sáu tiếng đồng hồ.
Tôi
nói với bà già:
-Bà
con mình trở lại Port de Spain.
Trở
lại Phố Miguel, người đầu tiên tôi gặp là Hat. Anh ta
lững thững từ quán cà phê đi ra, tay cặp tờ nhựt trình. Tôi khuơ tay,
và chào
khi đi ngang.
Anh
buông câu cộc lốc:
-Tớ
tưởng cậu chuồn mất tiêu rồi.
Tôi
thấy chới với. Không phải chỉ vì thái độ lạnh nhạt của
Hat. Chới với, mặc dù tôi đã quyết định và coi như số phần của mình,
tốt hơn
hết, là từ bỏ nơi này. Tôi cảm thấy bẽ bàng vì vẻ bên ngoài của sự vật:
tất cả
y như trước đó. Chẳng có gì ra dấu, về sự vắng mặt, của thằng bé là tôi.
Tôi
nhìn về phía bình sữa bị hất đổ nơi bực thềm, và nói với
bà già:
-Điềm
triệu gì đâu! Chẳng bao giờ trở lại?
Bà
già cười, coi bộ sung sướng.
Vậy
là tôi làm bữa ăn trưa cuối cùng với má tôi, ông chú
Bhakcu, bà thím. Sau đó, chúng tôi tôi làm lại cuộc hành trình, trên
con đường
nóng bỏng tới Piarco, nơi máy bay đang đợi. Tôi nhận ra một nhân viên
thuế
quan, và anh ta vờ luôn hành lý của tôi không kiểm tra.
Chuyến
bay được thông báo bằng một giọng lạnh lùng, thanh
thản.
Tôi
ôm hôn bà già.
Tôi
nói với ông chú
-Chú
Bhakcu, lúc nãy cháu không dám nói ra, nhưng cháu nghĩ
là cái xú báp bị đụng.
Cặp
mắt ông sáng ngời.
Tôi
rời đám bà con và đi vội ra phi cơ, không nhìn lại phía
sau, chỉ nhìn cái bóng của mình ở phía trước mặt, giống như một chú lùn
nhẩy cà
tưng trên bãi đáp.
V.S.Naipaul
Ghi
chú: Trên đây là chuyển ngữ chương chót, cuốn tiểu
thuyết "Phố Miguel", của Naipaul, Nobel văn chương 2001, từ ấn bản
tiếng Pháp, dịch giả Pauline Verdun (nhà xb Gallimard, tủ sách
L’Imaginaire).
Đối
với một người lạ, quá giang thành phố trên xe hơi, Phố
Miguel chỉ là hình ảnh nhớp nhúa của một trong vô vàn khu phố nghèo
đói, khốn khổ
của Port de Spain, thuộc đảo Trinidad, giữa những năm 1939 và 1947.
Nhưng
với những con người sống ở đó, đây là một thế giới
muôn mầu muôn vẻ, thiên hình vạn trạng, và là độc nhất. Một vũ trụ, nơi
mọi
chuyện đều có thể, dù cực đoan, cường điệu tới đâu.
Vẻ
kỳ lạ của những nhân vật, nỗi buồn, cơn điên, cách hành
xử tức cười, những nỗi không may của họ, tất cả được kể bằng một giọng
têu tếu,
và đây là cái thiên lương lạ lùng của tác giả, dấy lên từ những sự kiện
vặt
vãnh.
Nguyễn Quốc Trụ
chuyển ngữ và
giới thiệu.
|