*






*

*

Viết tệ như thế, ai đọc?

Tháng Chạp năm rồi, một người bạn gửi cho tôi tấm hình trên, kèm một câu, thử viết một cái gì đường được cho nó, nếu có thể. Bức hình nằm trên bàn cả mấy tuần, cứ mỗi lần nhìn nó, là mỗi lần có cảm giác, hình như nó muốn tránh né tôi, cho tới lúc, lời yêu cầu của người bạn, thực sự mà nói, cũng chẳng quá quan trọng, khẩn thiết, trở thành nhức nhối. Thế rồi, một ngày đẹp trời Tháng Giêng, ơ kìa, nhìn kìa, không còn bức hình nữa!
Thời gian trôi đi, tôi chẳng còn nhớ gì về bức hình, cho đến một bữa, chẳng chờ mong, và thật là bất ngờ, nó trở lại, lần này cũng kèm theo một lá thư, từ Bonifacio, của Bà Séraphine Aquavia, một người mà tôi có trao đổi, liên lạc từ mùa hè trước. Trong thư, bà biểu, bà muốn biết tại làm sao lại gửi tấm hình cho bà mà chẳng viết một tí gì về nó, trong thư đề ngày 27 Tháng Giêng của tôi.
Bà cho biết, đó là tấm hình chụp sân trường cũ ở Porto Vecchio bà đã từng theo học vào thập niên 1930. Vào thời kỳ đó, bà viết tiếp, Porto Vecchio gần như là một thành phố chết, ngày này qua tháng nọ bị dịch sốt rét hành hạ, và bao quanh bởi những đầm lầy nước mặn, những bụi còi xanh rậm đến nỗi không thể nào lách qua. Nhiều nhất là một tháng một lần, một cái tầu rỉ sét từ Leghorn tới, chất gỗ sồi lên boong tầu, ngoài bến đò. Ngoài ra, chẳng còn gì, trừ chuyện này: mọi thứ, mọi điều, mọi chuyện cứ thế mà ruỗng nát, hư thối, rỉ sét mãi ra, như đã từng, từ bao đời bao kiếp.
Luôn luôn có một sự im lặng lạ kỳ dọc theo các con phố, kể từ nửa dân cư ở đây chui rúc trong nhà, ban ngày ban mặt, run rẩy vì sốt rét, hay ngồi ở bậu cửa, hay ở hành lang, người vàng ủng, má hóp lại. Chúng tôi, bà Aquavia viết, những học sinh, cũng chẳng có gì để làm, và, lẽ dĩ nhiên, chẳng có một ý nghĩ nào, về sự vô tích sự của những cuộc sống của chúng tôi, ở trong một thành phố gần như bị bệnh sốt rét làm cho không còn có thể ở được nữa.
Như những đứa trẻ của những thành phố khác may mắn hơn, chúng tôi cũng được dậy toán, dậy viết, và được nghe kể giai thoại về sự lên ngôi và xuống ngôi của Hoàng Đế Nã Phá Luân. Thỉnh thoảng, chúng tôi đưa mắt nhìn qua những cửa sổ, vượt qua bức tường bao sân trường, qua màn mầu trắng ở ven đầm nước mặn, quá nữa, tới vùng sáng run rẩy, lấp lánh ở bên trên vùng trời biển Tyrrenian Sea.
Ngoài ra, bà Aquavia kết luận lá thư, chẳng còn kỷ niệm gì về những ngày đi học ở đó, ngoại trừ, điều này, về ông thầy dậy học của chúng tôi, tên là Toussaint Benedetti. Mỗi lần cúi xuống nhìn bài viết của tôi, là, y như rằng, ông nói:
"Ce que tu écris mal, Séraphine! Comment veux-tu qu’on puisse te lire?"
[How badly you write, Séraphine! How do you expect anyone to read it?] (1)

W.G. Sebald: La cour de l'ancienne école [Sân trường cũ].
[Trong  Campo Santo]

(1) Phỏng dịch: Hai Lúa viết sao tệ thế! Làm sao độc giả Tin Văn đọc được?
*

Bạn đọc thân mến,
Thêm vào lời chúc mừng Giáng Sinh, và Năm Mới, là bản dịch bài viết của Sebald.
"Hãy viết cho đường được", có thể đó là lời nhắn nhủ lại của ông, qua bài viết thật ngắn này.