Viết Muớn
Chuyện kể của ông lão viết thư tình ở Bưu điện
Trung tâm Sài Gòn
21/01/2005 11:34:06 PM
GMT
“Viết thư cho người
ta mát tay, nhiều đám làm quen rồi thành, tìm về tận nhà cám ơn ổng. Có
người hẹn lấy nhà tui là nơi trao đổi thư từ, điện thoại luôn để nhờ
ổng dịch giùm. Nhưng ổng thì khô khan lắm. Chưa bao giờ viết thư cho
tui. Hồi xưa thương ổng nghèo mà chịu khó. Chớ thực ra ổng cũng không
giỏi hung đâu. Bây giờ người ta thương ổng cũng vì cái tính ổng kỹ, rất
trách nhiệm, thành ra ổng hay la mà người ta không giận, cứ tới tìm là
vậy”.
Bà Kim Anh nói vậy về bác Ngộ, chồng mình.
Bưu điện TPHCM sáng cuối năm. Vội vã, người ta đến-đi-giao-nhận...
Không khí Tết như đã gần lắm. Chỉ những nhóm khách nước ngoài chẳng can
hệ gì, vẫn nhẩn nha ngẩng cổ ngắm tòa kiến trúc xây từ 1886 hay thích
thú lật giở những bộ tem xưa. Và không bao giờ quên dừng bước trầm trồ
trước ông già nhỏ thó ngồi nơi góc sảnh chung, chuyên làm một công việc
lạ lùng và lãng mạn: Viết thư tình cho khách
Làm công việc lạ lùng ấy có đến hai
ông lão như thế, họ thay phiên nhau hằng tuần thứ hai - tư - sáu hoặc
ba - năm - bảy. Nhờ sự hiện diện của họ, 14 năm nay chiếc băng đỏ trên
cánh tay, tấm bảng nhỏ “Nơi chỉ dẫn và viết giúp” trước mặt, những
hướng dẫn viên du lịch có thêm nhiều điều hơn để nói về tòa bưu điện cổ
này, như thể nó trở nên có hồn, lãng mạn và bí ẩn hơn nhiều...
Sáng cuối năm với những lá thư tình.-
Người khách đầu tiên tìm đến bác Dương Văn Ngộ - năm nay 75 tuổi, một
trong hai ông lão viết thư thuê tại bưu điện này - sáng ấy là một phụ
nữ trên dưới 40. Rụt rè, chị nhờ viết giúp một lá thư làm quen. Anh là
người nước ngoài, hay đến mua hàng nơi quầy của chị. Biết nhau lâu rồi,
“tình trong như đã”..., nhưng không biết cách mở lời, vì anh không biết
tiếng Việt, còn tiếng Anh thì chị không rành lắm. Ông lão nghe xong,
thẳng thừng... từ chối: “Vậy thì cô phải tự viết. Vì chỉ cô mới biết
hai người đã có những kỷ niệm gì để nhắc và người đó ra sao để lựa
lời”... Thuyết phục một hồi, ông lão mới đồng ý chị sẽ viết bằng tiếng
Việt, ông chỉ dịch giùm sang tiếng Anh. Một lá thư tay ngắn, giản dị:
Bạn thân mến. Tôi là... Chúng ta quen nhau đã lâu nhưng không biết phải
nói với nhau cách nào, vậy từ nay tôi sẽ viết thư nhé. Nếu bạn đồng ý,
hãy trả lời bằng thư, tôi sẽ nhờ người dịch. Chờ hồi âm của bạn”. Ông
lão hỏi lại chị: Dùng đúng chữ “bạn” chứ? Chị cười, gật đầu, lấy tiền
ra trả. Ông lão lại lắc: Thôi lần này chưa có gì đáng, cô cứ giữ đó.
Lần sau nếu có gì đáng hơn tôi mới lấy tiền. Nhưng chị không chịu, nhất
định nhét lại tờ 5.000 đồng dưới đám giấy tờ của bác trước khi đứng
lên, giấu một ánh vui trong mắt...
“Viết thư cho người ta mát tay, nhiều
đám làm quen rồi thành, tìm về tận nhà cám ơn ổng. Có người hẹn lấy nhà
tui là nơi trao đổi thư từ, điện thoại luôn để nhờ ổng dịch giùm. Nhưng
ổng thì khô khan lắm. Chưa bao giờ viết thư cho tui. Hồi xưa thương ổng
nghèo mà chịu khó. Chớ thực ra ổng cũng không giỏi hung đâu. Bây giờ
người ta thương ổng cũng vì cái tính ổng kỹ, rất trách nhiệm, thành ra
ổng hay la mà người ta không giận, cứ tới tìm là vậy”.
Bà Kim Anh nói vậy về bác Ngộ, chồng
mình
Một phụ nữ ngoài 50 nhờ ông viết giùm
địa chỉ để gửi thư cho chị gái ở nước ngoài, “gửi thế nào thư đến tận
nhà, không phải ra bưu điện lãnh vì chị ấy bận lắm”. Một phụ nữ khác
gửi thiệp cảm ơn cha xứ bên Đức đã gửi tiền về đóng góp xây nhà thờ của
giáo xứ mình. Địa chỉ của lá thư dường như thiếu số nhà và tên đường,
ông lão kiên quyết không nhận: Ghi thế này, thư bị trả về tội tôi lớn
quá. Nằn nì mãi, người phụ nữ đành ra photocopy địa chỉ có sẵn dán vào
chỗ “người nhận”, rồi nhờ ông lão viết lại lần nữa bằng chữ cho chắc
ăn. Hai vợ chồng - vợ Việt, chồng Mỹ-ghé đến gửi thư, người vợ rạng rỡ
chỉ ông lão, giới thiệu với chồng: Người vẫn giúp em gửi thư cho anh
đấy...
Giữa buổi, một phụ nữ tên V. tuổi
chừng ngoài 30 còn xuân sắc, tóc dài, vẻ băn khoăn, mang đến cho ông
lão một lá thư tiếng Anh nhờ đọc giúp. “V. thân yêu. Tôi đã bị những
người thân của em kết tội, nhưng hãy tin rằng tôi không phải là người
xấu. Cũng có thể em đã quyết định xa tôi, nhưng tôi thì không bao giờ
muốn rời bỏ em. Những người bạn cũng có thể làm điều tốt cho nhau, vậy
tôi vẫn muốn được giúp em nếu em còn đồng ý”. Nghe đọc thư xong, V. xin
một tờ giấy trắng ra góc khác viết thư hồi âm. Lúc chị quay lưng lại,
tôi nhìn thấy hai khóe mắt đỏ hoe...
Những lá thư đặc biệt.- 14 năm ngồi
viết thư cho khách, bác Ngộ là cả một pho tư liệu ly kỳ về mọi cung bậc
tình cảm của con người. Ông giữ lại một đoạn email nhận dịch (không tên
tuổi địa chỉ để giữ bí mật cho khách hàng), có nội dung đại ý thế này:
“Ngày lại ngày, năm lại năm, tóc mẹ thêm sợi bạc, nhưng nụ cười của mẹ
vẫn là sức mạnh giúp chúng con đi tiếp trên đường đời. Con cảm ơn mẹ đã
cho con được là con của mẹ, được ở gần bên mẹ. Gửi người mẹ yêu kính
nhất của chúng con!”. Tưởng của một đứa con nào đó dành cho mẹ, ai ngờ
dưới những dòng chữ in đậm này là lời nhắn của một phụ nữ trẻ với em
gái: Em thấy viết vậy được chưa? Nhờ người - nhớ phải là “cao thủ” -
dịch gấp giùm để chị viết thiệp gửi cho mẹ chồng. Năm ngoái cũng gửi
một tấm, bà cảm động lắm. Có những chuyện mình nghĩ trong đầu nhưng nói
ra không suôn câu, viết nó hay hơn”.
Có rất nhiều lá thư đặc biệt, như thế.
Vài năm trước, ông được bưu điện đưa cho một lá thư từ Anh Quốc mà phần
địa chỉ người nhận là... tấm hình của chính ông đang ngồi làm việc tại
bưu điện, kèm theo mấy dòng: Letter writer/ Translator. Central Post
Office - Sài Gòn -Việt Nam
(gửi người viết - dịch thư, Bưu điện Trung tâm Sài Gòn - Việt Nam).
Đó là thư của bà M. Admans, một y tá ở Oxford,
Anh Quốc. Sau khi được ông viết giúp một lá thư bằng tiếng Việt và nhất
định không nhận tiền, dù không biết tên tuổi địa chỉ, bà đã cảm động
viết thư cảm ơn, kể về bản thân, gia đình, con cái mình, về cảm giác
tuyệt vời đã nhận được từ chuyến đi Việt Nam, từ con người Việt Nam mà
ông là một đại diện, về cái nghề đặc biệt, cái cách dùng tiếng Anh rất
chuẩn của ông... và gửi... đại. Thế mà lá thư đã đến, mang cho ông một
niềm vui trong vô vàn niềm vui được là người kết nối mọi người...
Thật ra bác Ngộ - và cả người đồng
nghiệp của bác - không khuôn cho mình cái việc chỉ viết thư tình. Mọi
loại tình cảm đều có thể tìm đến họ. Có thể cả thư gửi kèm theo hồ sơ.
Nhưng riêng bác Ngộ thì đơn từ dứt khoát không nhận. Chữ tôi xấu, thời
buổi vi tính, máy móc làm đơn, chính xác và đẹp hơn nhiều. Và không
phải thư nào ông cũng viết. Nhiều trường hợp thích viết thư xin tiền
hay chỉ giả vờ yêu thương để lợi dụng người “ở bển”, ông bực bội từ
chối thẳng thừng. Có những bà sồn sồn đeo vàng đỏ tay hách dịch lắm.
Nhưng cũng có những người thợ, buôn thúng bán bưng không biết chữ tới
nhờ viết cái địa chỉ, lâu lâu mới dành dụm gửi được cho gia đình ở quê
300.000 đồng, 400.000 đồng. Trong số họ có cô gái bán rau, cứ gọi ông
là “thầy” và không dám ngồi ngang hàng ông trên ghế. Những trường hợp
đó ông lão không lấy tiền.
Không máy móc điện tử nào thay thế
được.- Sáng ấy trong bưu điện có một chàng sinh viên cặm cụi ngồi viết
thư, kèm theo thiệp Noel. Hỏi: Vì sao bạn không mail? Anh chàng cười:
Khi muốn gửi cái gì nhanh, tôi dùng mail. Nhưng khi muốn gửi đi một cái
gì thật tình cảm, tôi viết tay. Bác Ngộ bảo, mùa Noel và Tết này đã
viết giùm rất nhiều thiệp. Có ngày tới 37 tấm thiệp tiếng Anh, Pháp gửi
đi khắp thế giới. Có nhà báo tới hỏi có biết vì sao người ta không gửi
thiệp bằng mail vừa đủ màu sắc, vừa sẵn, vừa nhanh lại phải nhờ bác
viết thiệp, biết chắc gửi sẽ rất lâu không, tui nói thiệp điện tử đẹp
và nhanh thiệt, nhưng lời chúc có sẵn, giống nhau, đâm ra ít có hồn.
Thiệp viết tay kèm theo những lời nhắn riêng biệt, có khi chỉ hai người
hiểu với nhau, nó tình cảm hơn nhiều.
Bác Ngộ đặc biệt tôn trọng những chi
tiết riêng tư, cho nên không bao giờ nhận “bịa” thư tình. Tức là ai đó
phải tự viết, bằng cảm xúc, tình cảm của mình, mang tới bác chỉ dịch,
cho dù với vốn sống 75 năm trên đời, chắc chắn bác thừa sức... Có những
điều không thể “công nghiệp”, càng không thể “bịa”. Thí dụ khi người
viết thư nhắc “bộ phim mà chúng ta đã xem chung chủ nhật trước đó, em
vừa xem lại và em thấy nhớ anh” thì kỷ niệm đó chỉ riêng tư giữa hai
người, làm sao bịa, làm gì có mẫu nào in sẵn? Cho đến khi nào con người
ta còn trao gởi tình thương cho nhau, họ sẽ còn cần đến những người như
chúng tôi . Ông lão 75 tuổi nói giản dị về cái nghề của mình, hoàn toàn
tin chắc rằng điện tử, công nghệ không thể thay thế hay xóa sổ những
điều thiêng liêng đó.
Gần xế trưa, chị V. cầm lại chỗ bác
Ngộ lá thư mà có lẽ chị đã đắn đo từng chữ. Một lá thư làm lành. Có lẽ
một ngày giáp Tết, cánh thư sẽ gõ vào một cánh cửa băng giá bên kia địa
cầu. Người đàn ông nào đó mà tôi không biết tên, chưa biết mặt chắc sẽ
cảm thấy tràn trề nguồn vui sống mới...
Bài và ảnh: Hoài Hương
[Trích Người Lao Động online]