Viết Mướn ở Bưu Điện
3
Bài viết về người viết thư tình mướn
tại Bưu Điện, trên báo Người Lao Động, đúng là một giọt rượu làm tràn
ly cảm xúc vốn lúc nào cũng quá đầy của Gấu tôi.
14 năm ngồi viết thư cho khách, bác Ngộ là cả một pho tư liệu ly kỳ về
mọi cung bậc tình cảm của con người”.
Theo bài viết trên tờ Người Lao Động, và là nguồn cảm xúc "về mọi cung
bậc tình cảm con người" khiến có thêm những dòng này, bác năm nay 75
tuổi, như vậy bác khởi sự công việc sáng vác ô ra vỉa hè BĐ, Sài gòn
vào năm 1991, khi bác 61 tuổi. Tuổi đó, khởi nghiệp viết mướn năm đó,
là phải coi Gấu này, nếu không là sư phụ, thì "đại ca", tức thuộc lớp
đàn anh, và theo như bài viết, với cái băng đỏ ở cánh tay, bác Ngộ đúng
là thuộc môn phái quốc doanh, khác hẳn đám nguỵ là Gấu và đồng bọn, khi
đó, vừa viết thư, vừa phải canh, vừa bảo vệ, vừa công an đồn Bưu Điện
trụ sở nằm trên đường Nguyễn Hậu, chỉ là một khúc phố từ Hai Bà Trưng
qua Nhà Thờ Đức Bà, phía bên hông tòa nhà Bưu Điện. Khu Nguyễn Hậu này
dành cho những hộp thư lưu trữ. Hàng me, cây nào hình như cũng lâu đời
như tòa nhà. Hông bên kia, khúc đường Nguyễn Du, là khu để xe của nhân
viên. Quá chút nữa, băng qua đầu đường Tự Do, là bạn có thể xà xuống
bất cứ một bàn cà phê nào, của Cà Phê Lá Me Bưu Điện. Nếu đi về phía
đường Hai bà Trưng, bạn có thể kiếm một chỗ ngồi như thế, nhưng vắng
vẻ, dễ chịu hơn, là khu cà phê đường Gia Long, gần Thư Viện Pháp, nhà
thương Grall. Đây là nơi Gấu thường ngồi với ông bạn nhà thơ Joseph
Huỳnh Văn, những ngày mới làm tờ Tập San Văn Chương.
Ngay phía bên trên đồn CA, là văn phòng Gấu ngày nào. Những lúc buồn
buồn ngó, hoặc thò tay ra ngoài, ngắt một đám lá me, vò vò, còn tay kia
thì bận với điếu thuốc…
Khoảng thập niên 1980, khi làn sóng
vượt biển lên cao, đám viết mướn không chỉ có khách hàng có bà con vượt
biên, đã ở trại tị nạn, hay đã định cư nơi đệ tam quốc gia, mà còn cựu
nhân viên hãng sở Tây, những người đi lính cho Pháp. Họ cũng ra nhờ đám
viết mướn, hoặc làm đơn xin đi Tây, hoặc đòi tiền trợ cấp, tiền ráp
ben…. Chính vì vậy mà đám nguỵ viết muớn trở thành một cái gai, và do
đó xuất hiện những người viết quốc doanh, hợp pháp, có băng đỏ ở cánh
tay, không ngồi vỉa hè mà ngay bên trong Bưu Điện.
Lần trở về SGN, tôi có ra Bưu Điện,
nhưng cảnh cũ người xưa, chẳng còn. Bưu Điện vắng hoe.
Do chính sách mở những bưu cục nhỏ, ngay tại từng khu vực, phố xá đông
đúc, Bưu Điện chính Sài Gòn đã không còn nhộn nhịp như xưa. Tôi không
bước vào bên trong, nên không gặp những đồng nghiệp có băng đỏ trên
cánh tay.
Nhưng nếu nói về sư phụ đệ tử đại
ca... vị sư phụ và cũng là đồng nghiệp của tôi, phải tới Thái Lan tôi
mới gặp được, và gặp tại thư viện nhỏ của trường dậy tiếng Pháp, trong
trại Panat Nikhom, tức trại chuyển tiếp, trong khi chờ phái đoàn các
nước tới phỏng vấn và nhận người. Đó là nơi tôi được chuyền từ trại cấm
Sikiew, sau khi được Bộ Nội Vụ Thái thanh lọc, và được công nhận là
thuộc diện tị nạn chính trị.