*
 
Tạp Ghi

1


 

Cuốn sách quí giá nhất của tôi, là tờ thông hành.
Salman Rushdie

II

Trên con đường "bôn ba" không phải để lo cứu nước, mà là lo chạy trốn quê hương, tôi may mắn gặp được những con người phải nói là tuyệt vời, và những cuộc gặp gỡ như thế, phải nói là kỳ ngộ, ánh sáng nơi cuối đường hầm, cùng tắc biến, rủi quá hoá may...
Lần gặp ông cha người Pháp, ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, tôi đã kể lại, trong bài viết Hồn Thiêng Thành Phố thức giấc ở nơi tôi, và tôi cũng đã post lên Tin Văn, bức thư của Cha, gửi cho tôi - lẽ dĩ nhiên là kèm theo tiền - khi biết tin "hai đứa tui" được đậu thanh lọc.
Rồi lần "đối đầu" với anh sinh viên luật Thái Lan, trong cuộc phỏng vấn thanh lọc, và nụ cười khép lại hồ sơ của anh, như trong bài này.
Ngoài ra, còn vài quí nhân, còn vài kỳ ngộ khác nữa.
Như tay đại tá Tây, trưởng phái đoàn Tây thuộc Cao Uỷ Tị Nạn Thái Lan.

Sau khi đậu thanh lọc, được coi là tị nạn chính trị, tụi này được xe hơi Cao Uỷ rước ra khỏi trại cấm Sikiew, chuyển lên trại chuyển tiếp Panat Nikhom, chờ gặp phái đoàn các nước, theo lịch trình, ghé trại, phỏng vấn, nhận người.
Trong khi chờ đợi, vốn có chút tiếng Tây dằn bụng, Gấu mon men làm quen mấy cô giáo dậy tiếng Tây thuộc phái đoàn Pháp. Trưởng đoàn là một vị đại tá về hưu.

Mấy cô xúi, sao không xin đi Tây.
Bèn viết đơn, nhờ mấy cô chuyển giùm.
Viên đại tá bèn cho Gấu được gặp riêng.
Ông phán:
-Tôi đã coi hồ sơ của anh. Anh dễ dàng được các nước khác chấp nhận. Tôi đề nghị, anh đã từng làm bồi Mẽo, thì tốt nhất, là, lại xin đi làm bồi Mẽo, ở ngay nước Mẽo. Nhưng nếu anh không thích Mẽo, mà có lẽ tôi đoán đúng như vậy, thì nên đi Canada. Ở đó có vùng Quebec, Montreal, nói tiếng Tây.
Thấy tôi tiu ngỉu, ông giải thích thêm:
-Không phải là tui chê anh. Nhưng như anh biết đấy, Pháp là nơi dành cho những người bị mọi nơi chê, không thèm. Bản thân tôi, tôi chỉ mong giúp đỡ được một phần nào, những con người không một nơi nào chấp nhận đó. Tui cũng "khoái" anh đấy, nhưng nếu lấy anh, là mất một suất dành cho mấy người kia.

Sau này, đọc Sự Bất Hạnh Của Những Người Khác, Le Malheur Des Autres, của một ông Tây, Bernard Kouchner, hội trưởng hội Y Sĩ Không Biên Giới, ông cho biết, đây là chính sách, policy, của nước Pháp, khi làn sóng tị nạn Việt dâng cao, vào thập niên 1980: Chỉ nhận những người tị nạn bị mọi nơi chê, những người tìm nơi nương náu [... ceux dont personne ne voulait, les candidats à l' asile en France].

Có thể, theo Gấu tui, chính sách này đã được "gợi hứng" từ Nỗi Đau Vàng, Le Mal Jaune, tên một tác phẩm của một ông Tây, nói lên hội chứng Hậu-Điện Biên, của mấy ông Tây sau khi bị Mẽo tống ra khỏi đất nước này. Hoặc là một cách biến câu nói của Malraux trở thành hiện thực: Người Pháp ra đi, nhưng nước Pháp ở lại [Việt Nam].

Một cách nào đó, Gấu tui đã được Canada nhận, là qua tinh thần nhân bản trên, không chỉ của người Tây, mà còn của người Canada.
Bởi vì sau khi thấm đòn của viên đại tá Tây, ngay khi phái đoàn Canada vô trại, Gấu tui bèn nạp đơn liền, xin được phỏng vấn.

Tay trưởng đoàn, lật lật mấy trang hồ sơ Cao Uỷ Tị Nạn, và khi nghe Gấu tui nói, đã từng viết văn, và bị tù, rồi phải bỏ chạy quê hương, "một phần là do nó đấy", bèn gấp ngay lại, gật gù phán:
-Thôi được. Nghe đây: Chương trình lấy người tị nạn vào nước Canada của chúng tao, có tên là Nhân Lực, Man Power. Nước chúng tao đang cần người làm cu li, làm thợ, làm nhân công, chứ không cần nhà văn, nhất là thứ nhà văn viết tiếng Vịt  như mày. Tao ngó mày, thấy già quá rồi, hết xí oát, không thuộc diện Nhân Lực. Nhưng thôi, chỉ cần nghe mày nói, mày là nhà văn, và đã từng đi tì  vì nó, là tao nhận. Dù rước về, chỉ để nuôi báo cô!

Ấy là Gấu tôi diễn theo ý nghĩ Việt Nam, của một thằng Bắc Kỳ đã từng bỏ chạy đất bắc năm 1954, và bỏ chạy đất nam, năm 1989, những lời nói thật đơn giản của ông Canada già thật nhân hậu này:
-Thôi, mày nói vậy, là tao hiểu rồi. Tuy đây là chương trình Nhân Lực, nhưng lâu lâu, nhận một người như mày, cũng không sao.

Sách Quí 3