*
 
Tạp Ghi

1
2
3


 


&

GCC trở thành công dân Canada
 cc 1997

*

Passport đầu tiên của Gấu

Cuốn sách quí giá nhất của tôi, là tờ thông hành.
Salman Rushdie 

Trước 30 tháng Tư, đi đâu, Gấu cũng phải thủ đủ ba bửu bối, là thẻ căn cước - tức giấy chứng nhận là công dân miền nam cộng hòa - giấy chứng nhận hợp lệ tình trạng quân dịch, và thẻ nhà báo quân đội.
Đúng vào ngày 30 tháng Tư - sau này, khi phải nhớ lại, Gấu như vẫn còn thấy trước mắt -  là hình ảnh một người lính VNCH ở ngay đầu ngõ, anh cởi vội bộ quân phục - Ôi, cái cảnh tụt cái quần nhà binh, 'nhổ' đánh phẹt vào cuộc chiến, sao mà nó sướng đến thế! Bạn cứ thử tưởng tượng, một anh chàng bị táo bón dài đằng đẵng,"ba mươi năm táo bón từng ngày", tới lúc đó, phẹt một cái - chỉ giữ lại cái quần xà lỏn, cái áo thun, và nhập vào đám người nhốn nháo trên đường phố Sài Gòn. Như một phản xạ rất ư là tự nhiên, Gấu bèn bắt chước, nghĩa là đốt bỏ ngay hai món đồ nguy hiểm, chỉ giữ lại tấm thẻ căn cước, như muốn "phân bua" với một ông VC vô hình nào đó: Trình mí ông, tui chỉ là một phó thường dân.

Sau ba ngày học tập cải tạo tại chỗ, nghĩa là tại ngay cơ quan Bưu Điện Sài Gòn, khi bước ra, Gấu không còn một tờ giấy tùy thân, và sống trong trình trạng bất hợp pháp như thế đó, cho đến ngày bỏ chạy quê hương.
Đúng ra, là, cho đến ngày nhận  những cuốn sách quí, thí dụ sau đây:

tha

Sau này, khi thi đậu quốc tịch, và được phát thẻ công dân Canada, Gấu gọi điện thoại về Sài Gòn báo tin cho Bà Trẻ, bà mừng quá, nói: Bây giờ, cháu lại là người rồi!.

Nhưng - đúng như Rushdie hùng dũng tuyên bố ở trên - giây phút  sung sướng nhất, hạnh phúc nhất và cũng quí giá nhất đối với Gấu, đó là lúc cầm tờ giấy thông hành, với cái mác công dân Canada, trình cho tay kiểm tra tại phi trường, trong chuyến đi thứ nhất trở lại quê hương Lào, xum họp cùng mấy đứa nhỏ. Đến lúc đó, mới thấm câu của Bà Trẻ của tui, bây giờ mi mới lại là người.

Câu nói của Rushdie, là trong bài viết "Hãy bước qua lằn ranh này". Ông nói thêm, như tất cả những lời tuyên bố hùng dũng [ông dùng chữ, trần trụi, bald], nó có vẻ cường điệu. Tờ thông hành, nói cho cùng, chỉ là một món đồ tiện dụng, lẽ dĩ nhiên, nó đòi hỏi một chút chăm sóc nào đó: Đừng để quá hạn, đừng làm hư hỏng...  A passeport is no big deal.... It's just ID. Một tấm giấy thông hành thì có ghê gớm chi đâu, chỉ là một thứ căn cước cá nhân.
Đúng rồi, nó chỉ là một tờ căn cước. Nhưng với Gấu tui, và có thể nói, với cả một miền đất, sau ngày 30 tháng Tư, chúng tôi đếch có thẻ căn cước, và được gọi chung bằng một từ, ngụy.

Cho tới khi Gấu tôi có được tấm thông hành Canada.

Nhân đây cũng xin được nói lời cảm tạ đất nước đã cưu mang Gấu tui trên mười năm trời, kể từ ngày lên máy bay, rời trại chuyển tiếp Panat Nikhom ở Thái Lan, với tờ giấy mầu vàng "landed immigrant" [di dân thường trú], vượt hai đại dương, tới thành phố Toronto, vào đúng một ngày bão tuyết, trận bão tuyết khủng khiếp nhất kể từ 40 năm, theo như báo chí địa phương lúc đó, 44 độ âm. Đó là ngày 23 tháng 11 năm 1994.

Trên mười năm trời, mới thỏ thẻ một lời cám ơn, liệu như vậy là quá trễ chăng?

Trong một câu chuyện mà Gấu tôi đọc từ hồi còn nhỏ, [hình như trong tập "Những Tâm Hồn Cao Thượng" do Hà Mai Anh dịch từ một tác giá Ý, De Amicis (?)], có một cô bé bị câm, được một bác sĩ chữa trị. Một đêm nọ, cô bé trong lúc cố tập nói, bất thình lình âm thanh phát ra. Thế là cô bé cứ âm thầm ngậm những âm thanh đầu tiên đó, đợi tới sáng, khi vị bác sĩ tới giường cô, bấy giờ cô mới thốt lên mấy âm thanh mà cô tập nói suốt trong đêm: Con cám ơn bác sĩ.

Trường hợp của Gấu tôi cũng tương tự như vậy, nhưng không phải những âm thanh đầu tiên, mà có thể, cuối cùng, của một người già cảm thấy sắp sửa đi hết cuộc đời của mình.

****
Cuốn sách quí trên, có được vào năm 1985. Nó cho phép vượt "biên giới" - những hàng rào kẽm gai nhà giam Bà Bèo, sau lần vượt biển thất bại tại bãi Vàm Láng, vào đúng đêm ông Táo về Trời. Tôi đã kể qua về chuyến đi bi hài này, trên một số báo Văn. Trong cơn giông bão thập tử nhất sinh, anh chàng thanh niên ngồi kế bên, cứ nhè tôi là người yêu đi cùng chuyến với anh, mà vò đầu, mà bứt tai, mà hôn, mà hít, mà lảm nhảm những lời nói hoảng loạn.
Cô gái là một trong những người rời trại Bà Bèo sớm nhất. Ba mẹ cô là cán bộ gộc. Tôi, là nhờ bên vợ. Nhờ Cậu Tư. Người vô trại đón tôi, sau đó chở Honda thẳng lên nhà tôi, ở Sài Gòn, là Hải, con trai cậu Tư. Một trong những đứa trẻ miền nam, trong những năm chiến tranh, vượt Trường Sơn ra bắc. Mấy người bạn tù bảo tôi: Trại này chưa từng có một trường hợp công an vào tận nơi rước về nhà!

-Anh Hai, anh có nhớ em không?
Hải,
mặt đỏ gay, từ trong một căn phòng ồn ào, bước ra, hỏi tôi.
Quen hồi nào đâu mà nhớ?
Tôi chỉ cười cười.
Anh công an tự giới thiệu:
-Em Hải, con ông Tư Long. Chị Hai biểu dzô rước anh về Sài Gòn.
À, con ông Tư. Lần thăm nuôi vừa rồi, bà xã đã cho biết sơ sơ về chuyện nhờ cậy ông cậu.
Sau này, tôi nghĩ, câu "Anh còn nhớ em không?", là Hải cố tình nói, nhắm vào đám công an coi trại.

Nhờ có chuyến đi 1985 mà có chuyến đi sau đó.
Tôi vẫn đinh ninh sẽ có ngày chạy thoát được quê hương. Tôi cũng vẫn đinh ninh, không thể nào vượt biển.
 
Gia đình tôi bị nước trù yểm. Ông già tôi bị giết, bị buộc đá, bỏ sông cho xác đừng nổi lên. Thằng em trai chết tại một khúc sông, khi là thiếu uý chủ lực quân biệt phái địa phương quân, bảo vệ vòng đai phi trường Sóc Trăng. Còn tôi, ăn hai trái mìn claymore nơi nhà hàng nổi Mỹ Cảnh tại bờ sông Sài Gòn. Nằm trong nhà thương Grall, vị bác sĩ  ngó vết thương, hỏi, có té xuống sông không, tôi lắc đầu, sau này vẫn thường nhớ lại, và vẫn thường tự hỏi, nếu té xuống sông, liệu có thể chết vì nhiễm độc?
Lần đầu tiên, bước ra ngoài, đi dạo với Bông Hồng Đen giữa những luống hoa trong nhà thương Grall, ngó bộ mặt méo xệch của tôi, cô an ủi, anh bị gãy xương, liền lại mấy hồi, mất khúc nào là mọc thêm khúc đó, không chết đâu, đừng lo!
Cô đang tính học, hoặc đang học y khoa, năm đó.

[Khi tôi đang viết những dòng này, Bông Hồng Đen đang phải nhập viện trị chứng ung thư  -phương pháp hóa trị liệu gì đó - và không được ra khỏi phòng chữa trị trong một tháng. Nghe nói, thời gian của cô không còn nhiều. Tôi bỗng nghĩ đến những ngày nằm tại salle hậu giải phẫu tại bệnh viện Grall, và chỉ mong được "phóng thích" để gặp cô...]


Rushdie, trong bài viết đã dẫn, kể lại, lần đầu đọc cuốn Among the Believers, Giữa Những Tín Đồ, của V.S. Naipaul, viết về những chuyến du lịch trong thế giới hồi giáo, đoạn một người tài xế trẻ tuổi dẫn ông đi lòng vòng tại Pakistan, anh này nói với ông nhà văn, anh ta không có giấy thông hành, và thật muốn đi ra nước ngoài, và thèm biết bao nếu có được nó. Ông nhà văn tỏ ra buồn phiền, pha chút châm biếm, thật là xấu hổ, tại sao tự do độc nhất anh mong có được, là rời khỏi đất nước. Rushdie nghĩ, giá mà có ông Naipaul ở trước mặt, thì ông sẽ sạc cho ông này một trận. Tôi tin rằng, bất cứ một người Việt Nam nào cũng biết, mà ngay cả ông Naipaul cũng biết, tại sao lại phải "sạc"! 
Bởi vì, luôn cả chuyện ông viết văn bằng tiếng Anh thay vì một thứ tiếng bản xứ, là cũng thoát thai từ một giấc mơ rất đỗi tuyệt vời, rời khỏi đất nước.
Như sau đó, Rushdie giải thích, từ kinh nghiệm bản thân: Sinh ra trong một thứ tiếng, Urdu, tôi làm nên cuộc đời của tôi, tác phẩm của tôi bằng một ngôn ngữ khác. Bất cứ một người nào đã từng làm như tôi, điều hiểu rất rõ, rằng một cuộc vượt biên giới ngôn ngữ như thế là một sự chuyển ngã, chuyển dịch chính mình [shape-shifting, or self-translation]. Thay đổi ngôn ngữ là thay đổi chúng ta [The change of language changes us].
Trong những chuyển ngã như thế đó, có nghi lễ tẩy trần, tẩy rửa cả thể xác lẫn linh hồn, trước khi được đón nhận vào đất mới.

Đất nước Canada đã cưu mang Gấu tôi cho tới nay, là trên mười năm trời. Và người đại diện đất nước Canada nói, đất nước chúng tao sẽ cưu mang mày, là ông trưởng phái đoàn Canada tại Cao Uỷ Tị Nạn ở Thái Lan.

Cái tay này thật là tuyệt vời.

Trong thuật ngữ của "tị nạn học", có từ đệ tam quốc gia. Đệ nhất, là quê hương mà bạn bỏ chạy. Đệ nhị, nước tạm dung. Đệ tam, nước đón nhận. Khi ở trại tị nạn Thái Lan, sau khi được nhà nước đất tạm dung, qua chương trình thanh lọc, công nhận là tị nạn chính trị, tụi này được ra khỏi trại cấm, đưa tới trại chuyển tiếp, transit camp, chờ gặp phái đoàn các nước nhận người, phỏng vấn, để được "tái định cư".
Tị nạn Việt, sau khi được coi là tị nạn chính trị, thường chọn Mẽo. Và Mẽo là nước ưu tiên số một, trong việc nhận người. Và luôn cả, không nhận người. Tôi muốn nói, một hồ sơ nào mà Mẽo dính vô, chỉ trừ khi Mẽo, nói ,tao bỏ thằng này, thì các nước khác mới có quyền nhận hồ sơ đó, để phỏng vấn. Thời gian Mẽo lôi từ ngăn kéo ra một hồ sơ, cho phép gặp để "năn nỉ",  và sau đó quyết định "treo", [pending], là một cực hình đối với đám tị nạn.
Treo thường kéo dài, tệ lắm trên một niên.
Treo nghĩa là có vấn đề, cả ở hai phía, kẻ xin cũng như người nhận.
***

How many languages do you know?
(Anh biết mấy ngôn ngữ?)

Do đến trại tị nạn sau “tử điểm”, tức là sau thời hạn được “tự động” coi là tị nạn chính trị, những người như tôi phải trải qua một cuộc thanh lọc, qua đó nhà chức trách nước tạm dung sẽ quyết định coi đủ tư cách tị nạn chính trị, hay chỉ là di dân kinh tế.

Thời gian chờ đợi thanh lọc thường trên dưới một năm. Với chúng tôi, nó còn là thời gian “chạy thuốc”: liên lạc thân nhân ở nước ngoài, nếu có, hoặc bạn bè, cơ quan, đơn vị cũ… để xin tiếp tế và lo giấy tờ xác nhận, hoặc làm hồ sơ bảo lãnh.
Nhân đọc một số báo (hình như của lực lượng kháng chiến Hoàng Cơ Minh) ở trong trại, thấy tên nhà văn Trùng Dương, tôi viết thư tới bà, qua địa chỉ toà soạn.

“Thư của bạn tới tôi sau khi đã đi gần hết nửa vòng trái đất,” bà viết thư trả lời, từ một địa chỉ Hồng Kông, do đang được học bổng nghiên cứu về Trung Hoa lục địa. Bà than giùm, “Bạn qua trễ quá!”
Kèm, là thư của Nguyễn Ngọc Ngạn (khi đó là chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại), gửi cho Trùng Dương, chứ không phải cho tôi, “Bạn nhờ tôi can thiệp cho một ông bạn nào đó, nhưng lại quên không cho địa chỉ…”.
Tôi liên lạc. Anh trả lời, gửi tặng sách (cuốn Ý Trời, nguyên tác tiếng Anh, anh là tác giả, The Will of Heaven, chắc là muốn dặn dò khéo: hãy cố lo học tiếng Anh!).
Kèm giấy xác nhận. Là hội viên Văn Bút Việt Nam từ trước 1975.
Sau này gặp, anh cho biết, đã phải nhờ một  tờ báo địa phương lo in giùm, chỉ bốn giấy chứng nhận, với tiêu đề Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại thật tuyệt. Bốn tờ xác nhận, cho bốn người, lúc đó đang ở trại tị nạn vùng Đông Nam Á. Ở Thái Lan, có ký giả Hồ Ông và tôi.
Có thể, việc xác nhận là “bổn phận” của anh, với tư cách đương kim chủ tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, nhưng cứ nghĩ đến cảnh anh loay hoay nhờ cậy người này người nọ “vẽ” giùm cho một “tác phẩm” đẹp tuyệt vời như trên, thật là đáng quí.
Thật sự, nếu gặp một người khác, không phải anh, có thể mọi chuyện không đơn giản như vậy.
Chả là, trước 1975, do viết ba thứ phê bình điểm sách, khi tuổi còn trẻ, ngựa non háu đá, như các cụ nói,  Gấu tui gây không ít ân oán giang hồ. Cứ nghĩ, nếu gặp một ông, hay một bà, đã từng bị Gấu tui phạng, chưa chắc người đó đã xử sự như Nguyễn Ngọc Ngạn.
Hơn nữa, tôi còn nhớ, đúng thời gian đó, một số nhà văn hải ngoại đang vận động ký tên danh sách yêu cầu nhà nước Việt Nam thả nhà văn Dương Thu Hương [thời gian 1990 -1992, hình như vậy]. Trên tờ Làng Văn, có bài viết về trường hợp này, của Nguyễn Ngọc Ngạn. Anh cho rằng, cái việc khóc người hàng xóm, trong khi bà con thân nhân của mình đang bị kẹt ở trại tị nạn, và có nhiều nguy cơ bị trả về cho ông nhà nước xi-xi, là một việc làm cần xét lại.

Tôi gặp Hồ Ông tại trại cấm Sikiew, do anh tới trại trước, và đã trải qua thanh lọc. Anh dặn tôi, khi đi thanh lọc, phải nổ. Và nổ thật dữ. Đừng khiêm tốn. Không được quyền khiêm tốn!
Anh lấy thí dụ, tay thanh lọc đã hỏi anh:
-Ông có nghĩ, ông là một ký giả nổi tiếng, chống Cộng, và rất nguy hiểm cho chế độ hiện thời ở Việt Nam?
Hồ Ông trả lời:
-Đúng như vậy. Riêng về trường hợp nổi tiếng, tôi có thể chứng minh liền lập tức. Khi thuyền tị nạn chúng tôi tới bờ biển Thái Lan, đài truyền hình địa phương đã cho phóng viên tới gặp, và phỏng vấn tôi.

Ngoài tờ giấy xác nhận của Văn Bút, tôi có thêm được một tài liệu quí giá cũng chẳng kém: cuốn "Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam", còn có tên thật nổ là "Những Truyện Ngắn Hay Nhất Của Quê Hương Chúng Ta", do Nguyễn Đông Ngạc xuất bản. Trong, có hình tôi, và vài dòng tiểu sử. Cuốn này tôi cũng tình cờ gặp được ở trong trại. Chủ nhân cuốn sách, một học trò học tiếng Anh của tôi, đã tặng luôn cho thầy, làm tài liệu thanh lọc.

Phỏng vấn thanh lọc, thường do một sinh viên luật Thái Lan đảm trách, với một thông dịch viên,thưòng là một người Việt ở Thái Lan. Như đa số ở đây, họ đều có cảm tình với miền bắc. Nhà thường có treo hình ông Hồ. Nhưng cảm tình hay không cảm tình, nói chung, họ cố dịch trung thực những gì họ nghe, và hiểu được.

Trong cuộc phỏng vấn thanh lọc, có mấy chi tiết thật lý thú liên quan tới “văn chương” có lẽ cũng nên viết ra ở đây, để bạn đọc cùng thưởng thức.

Nói chung, thường rất khó mà hiểu được, người phỏng vấn tin hay không tin, những câu trả lời. Và thường ra, họ giữ một bộ mặt hết sức khách quan, phải nói là dửng dưng, lạnh lẽo, suốt buổi hỏi cung. Riêng trường hợp của tôi, khi nghe tôi nói là nhà văn, anh sinh viên luật nhìn phần lý lịch ghi trên tờ phiếu cá nhân trong hồ sơ Cao Uỷ Tị Nạn, và không qua thông dịch viên, hỏi thẳng bằng tiếng Anh:
-Anh nói anh là nhà văn, nhưng anh viết thứ gì?
Nhớ lời dặn của Hồ Ông, tôi cho tới luôn:
-Tôi viết truyện ngắn, và phê bình văn học.
Anh nhìn lại tờ lý lịch và nói:
-Tôi cho anh nói lại. Ở đây, thấy ghi anh học hết trung học, có một văn bằng đại học. Anh nói anh làm thơ, viết truyện ngắn, tôi tin. Nhưng phê bình văn học, tôi không tin. Tôi cho anh nói lại.
-Tôi mê văn chương từ hồi nhỏ, lại may mắn biết chút ngoại ngữ, nên có đọc văn chương thế giới, và có chút khiếu về phê bình văn học.
-Anh học tiếng Anh ở đâu, bao nhiêu năm?
-Tôi học hồi trung học, và sau đó có làm cho một cơ quan thông tấn nước ngoài.
-Anh nói, anh có chút hiểu biết về ngoại ngữ, anh biết mấy thứ tiếng?
-Tôi biết ba thứ tiếng.
-Trong này chỉ ghi tiếng Anh?
-Tôi biết tiếng Pháp nữa.
-Như vậy mới có hai, làm sao anh nói ba?
Tới lúc đó, tôi cũng hết còn bình tĩnh, và hỏi lại:
-Ông quên tiếng mẹ đẻ của tôi ư?
Anh ta chợt mỉm cười.
Tôi nghĩ, trong số những người bị phỏng vấn, có lẽ tôi là người độc nhất được hưởng một nụ cười như vậy!

[Sách Quí 2]