*


PHỎNG VẤN

Phan Huyền Thư trả lời

Báo Tiền Phong
Kiều Mỹ Hương
Báo Sinh Viên Việt Nam



 

Phan Huyền Thư, trả lời phỏng vấn, nhân Ngày Hội Thơ 

1- Biết chị không thích cứ bị phân biệt nhà thơ trẻ, nhà thơ già, nhưng hình như điều đó, trong đời sống thơ ca, nhất là trong các ngày Hội Thơ như Rằm tháng Giêng này lại luôn được thể hiện rõ?

Trả lời:
          Tôi không thích nói chuyện trẻ già có nghĩa là tôi đã tự thấy mình không còn sức để trẻ nữa, không còn ưu thế nữa. Nhưng mà không nhầm thì ưu thế tuyệt đối của thi sĩ là tài năng thì phải. Tôi rất "rợn" khi phải nghe ai nói: cuộc đời là một cuộc chơi, càng "rợn" khi nó là một cuộc thi đấu. Ngày Hội là của chung mọi người, nó cũng là dịp tốt để chúng ta thấy lại sự trẻ của những người không còn trẻ, sự trưởng thành của những người chưa đủ lớn, sự tiếc nuối của những người sắp già và sự cảm thông từ những người đang sung sức. Tôi hy vọng sẽ được gặp một đồng nghiệp trẻ một cách đáng kinh ngạc là nhà thơ Lê Đạt và chắc là không tránh phải thấy một người già 24 tuổi trong Hội thơ là "cụ bà" Vi Thuỳ Linh. 

2.- Trên chiếu thơ trẻ, tạm phân biệt vậy, chị có nghĩ rằng cần một sân chơi mới, độc lập riêng, không chỉ theo kiểu mon men đến xem các cụ trống rong cờ mở? Nếu cho chị chủ động với sân chơi ấy, chị sẽ làm gì?

Trả lời:
          Chúng tôi có sân chơi từ lâu rồi. Chính sự độc lập, riêng biệt là sân chơi chung của những người viết mới trong hoàn cảnh "thoáng mát" như hiện nay của văn đàn. Tiếc là chưa "đứa" nào làm được trò trống gì cho ra hồn cả. Nhưng tôi tin vào thế hệ mình, tin vào các đồng nghiệp,  các "thi ấu" của mình. Nếu có ai đó hiểu chúng tôi thì có lẽ đấy là nhận xét của nhà thơ Lê Đạt, chúng tôi "đặt cược với tương lai" chứ không phải hiện tại.  Nếu được quyền chủ động (mà thực ra cái quyền ấy luôn có mà không có) tôi sẽ mở rộng hết biên độ cho thơ, dang rộng cánh để bay cùng với các loại hình nghệ thuật khác. Thực ra, thơ luôn có mặt khắp mọi nơi, mọi lúc với những ai luôn nhìn thấy nó. Trong một cuốn sách một người bạn tặng tôi có câu đề từ: "Trí tưởng tượng không chỉ là một chức năng thẩm mỹ mà còn là chức năng đạo đức" và theo tôi đấy cũng là tư duy thơ. Thầy Đào Duy Hiệp, thầy giáo của tôi đã cho tôi biết một câu nói rất hay của Paul Valéry: "Chơi với từ không phải để đi đến một lạc thú vớ vẩn mà là cả một  hội hè của trí tuệ. Bởi vì có ngôn ngữ mới ta có tri thức mới". 

3.-Thế hệ trẻ, “Thế hệ @”, như cách gọi của chị, với thần tượng là Bill Gates, liệu có trong mình một thần tượng thơ ca, hay thơ cũng chiếm một vị trí đáng kể nào đó đối với họ không? Theo chị, bao nhiêu phần trăm, tính một cách tương đối, lớp trẻ hào hứng với Ngày thơ VN?

Trả lời:
    Tôi không phải là nhà xã hội học cũng như không có tư duy thống kê. Và, sự thực là tôi bắt đầu cảm thấy bị "tra tấn" với các cụm từ liên quan đến "trẻ". Ai mà chẳng đến lúc phải già. Có nhiều cái già hay và không ít cái trẻ dở. Phải tự điều chỉnh và chọn lựa lấy cách trẻ và cách già của mình thôi. Trẻ kiêu hãnh hay là già tự trọng là phạm trù đạo đức. Nếu Thơ cũng có phạm trù đó thì chắc chắn nó sẽ luôn "chắc chân" trong đời sống tinh thần của thế hệ @.

4.-Chị thấy gì trong tinh thần lớp trẻ ở Hội thơ lần thứ II?...Ngày thơ có ý nghĩa như thế nào đối với những người làm thơ trẻ như chị? Lớp trẻ đến vì yêu thơ, tò mò, hay vì thiếu một nơi tụ hội của người làm thơ, đọc thơ... 

Trả lời:
    Tôi nghĩ, có một điều mà đến nay chúng ta vẫn  thiếu (thực ra, các thế hệ nhà thơ Việt Nam đều thiếu) là: tin vào nhau. Nhưng rồi ai cũng phải học cách tin vào cuộc đời, tin vào thơ, tin vào mình. Bạn thử nghĩ xem: yêu thơ, tò mò, thiếu nơi tụ hội để đọc thơ...chừng ấy lý do đã tự thân phản ánh trung thực vai trò của thơ với chúng ta. Chừng nào không có một ông"Tần Thuỷ Hoàng" ra lệnh "dựa cột" cho tất cả các nhà thơ, chừng nào người ta không mang các tập thơ đi chôn và rải vôi như chôn gà cúm như mấy ngày qua và chừng nào còn có người  đến Văn Miếu để xem  chuyện gì xảy ra... ( thậm chí là để về chửi bới vung vít hay ngoa ngoắt trên báo) chừng đó, thơ còn có tiếng nói với cuộc đời và người ta vẫn còn trông đợi vào câu trả lời của thơ ở ngày mai. Tôi xin hoài bão cho mình : được sống có tên mà  không có tuổi với thơ. Cảm ơn bạn cùng những ai đã quan tâm đến thơ.