*

Tribute
1
2
3


























 Tribute to PCL & VHNT

Thông báo của Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng
Sau 9 năm hoạt động trên internet (1995 - 2004), VHNT quyết định đình bản vì nhiều khó khăn trong việc điều hành và biên tập trong năm vừa qua. Thành thật cám ơn sự ủng hộ của bạn đọc, các thân hữu cộng tác trong thời gian qua.
Trân trọng
Nguồn


banner

stone face

new issue
VHNT #558 - September 19, 2003:
mùa lá chín

(VNI version)


Phụ trương vhnt #4: Hy vọng



V A N  H O C  N G H E  T H U A T
P.O. Box 452512
Garland, Texas
75045-2512  USA
Website:  http://demthu.lonestar.org/
Email:  vhnt@sevcom.com













How to read Unicode
This website uses Tahoma and Times New Roman UNICODE fonts
Best view with Netscape 4+ or IE 4+ at 800x600 screen resolution.
Copyright ©95-2001 by VHNT and authors. All rights reserved.
Website powered by saomai.org
Designed by Duc Thuan & Pham Chi Lan.

ĐÀ LẠT,
NHỮNG ĐOẠN GHI RỜI

Đinh Cường
Mùa hè Đà Lạt thường mưa buổi chiều, mưa liên tiếp ba buổi rồi tạnh. Mưa núi buồn hơn mưa thành phố. Có thể ngửa bàn tay hứng những hạt mưa đá li ti rồi tan ngay. Mây xám thấp, sà xuống sát núi. Chỉ chừa lại một loé sáng . Một màu mây nếu vẽ lên tranh sẽ thấy thật dữ dội. Những cây thông già mờ đi trong từng đám mây băng qua. Và gió se lạnh. Phải kéo cao cổ áo. Đến một thành phố khác, tìm mua một tờ báo từ Sài Gòn lên như gặp được người quen, và người quen thường đến chậm. Đọc báo ở địa phương cũng gặp những nét riêng, biết được những sinh hoạt sinh động mà âm thầm ...
Đã lâu lắm rồi không qua lại đèo Ngoạn Mục. Từ Trại Hầm, Trạm Mát đến Trạm Bò, Cầu Đất để về Xóm Rẫy ... Chuyến xe đò lại vòng xuống Đức Trọng để rẽ qua con đường về Nha Trang . Trên đoạn đường qua Đơn Dương, tôi như lặng đi với bao nhiêu xúc cảm của một thời trai trẻ, đã sống những ngày tháng nồng nàn , với những bức tranh đầy sinh lực, thơ mộng .
Những đêm trăng trên cánh rừng dương xĩ , tiếng vượn hú giữa khuya , và bước chân của người bạn nhạc sĩ đến thăm lâng lâng sương khói lúc chiều tà :
Nhớ không Sơn rượu chiều Đơn Dương
bạn cùng ta uống cạn ...

Ban mai kéo nhau ra soi mặt bên giòng suối trong ... Lạc Lâm I , Lạc Lâm II , KaĐô, Đơn Dương . Mà sao cứ nhớ mãi .
"... Mặt đất này chen chúc muôn loài hoa , mỗi loài hoa có riêng một ngôn ngữ nói với riêng tôi là đoá dã qùy bao nhiêu năm rồi ở Đơn Dương, ở Đa Thọ mặt đất này có bao nhiêu miền lạ mỗi một miền có riêng một linh hồn mà linh hồn tôi mãi ở Đơn Dương ..." (Nguyễn Đạt)
Nhìn một rừng hoa qùy vàng dại bên đường, thật xúc động, khi bên cạnh là đứa con trai, hình ảnh tôi thời mới lớn, mà nay cũng đã biết thắp lên khoảng không những lời mịt mùng :
"Tôi cầm lửa đi qua chiều
thắp lên khoảng không mầu nhiệm
trí nhớ thả đều những tiếng rơi khô
mặt trời đỏ trên vai núi ..."
(Đinh Trường Chinh)
Xe qua đèo Eo Gió lồng lộng ... Nhìn xuống lũng sâu, những đoạn đường ngoằn ngoèo dưới đó . Qua hết đèo là Sông Pha , một dải đồng bằng . Trên con đường hun hút , bỗng gặp hai hàng phượng đỏ rực. Chưa thấy hàng phượng nào đẹp như phượng Tháp Chàm. Thân cây thấp, tiếp nối theo nhau một đoạn đường dài, đều đặn ...
Và biển đã hiện ra phía bên phải. Một đoạn biển Cà Ná cũng đủ dựng lên một cảnh trí. Nói chi đến những đồng muối trắng, rồi những vườn xoài bạt ngàn ở Cam Hòa. Muối được vun lên thành núi , và xoài cũng vun lên thành núi. Đẹp quá một đoạn đường đầu hạ đi qua. Lên rừng xuống biển. Mới thở sương mai Đà Lạt, chiều đã ngâm mình dưới biển Nha Trang. Màu nước xanh huyền diệu. Một bờ cát chạy dài bên con đường ven biển lộng gió . Đêm ra phố, lại tìm mua vài tờ báo. Đọc được mấy bài thơ ngắn của Nguyễn Đình Thi , mà nay anh vừa mới mất. Có bài "Hoa Không Quên" mà anh đã chép tặng tôi trong cuốn sổ tay năm 1987, hôm anh ghé Sài Gòn :
"Tím hồng trên vách đá
một đóa hoa
bé nhỏ cười với núi mây lộng gió
Đóa hoa không tên
từ rất xa
từ rất lâu
một ngày bỗng nở
Đoá hoa không quên
từ rất lâu
từ rất xa ..."

Phải, đoá hoa không quên, từ rất lâu , từ rất xa ... của tôi là đoá hoa phong lữ thảo trên những bồn hoa bên cửa sổ những ngôi nhà Đà Lạt , ngày nào.
Căn phòng thuê ở đường Roses, suốt mùa là những cánh hoa mong manh ấy, đủ màu, chen dưới những đốm lá xanh tròn. Căn phòng có cánh cửa không khóa , có ngọn đèn cháy cả đêm. Cả đêm, tôi say sưa vẽ, và Đỗ Long Vân say sưa dí mắt cận vào sách. Từng đống vỏ Bastos xanh. Từng khuôn mặt bè bạn : Thiệp, Sơn, Mai, Christian, Tường, Sâm , ... Căn nhà nay là một công sở lớn. Màu ngói màu sơn chói chan. Gió ở đâu lùa về qua hai hàng thông cao còn đó, làm tôi rùng mình ...

"Níu vai phố rộng xin về
Với cây gió trút với hè nắng rung "
(Bùi Giáng)
Có ai ngờ, một ngày, Bùi Giáng đã được mời lên Đà Lạt để quay một cảnh trong phim ...
Buổi chiều, như ngày xưa, thường ngồi ở Shanghai với Phạm Công Thiện, thời Thiện ở dưới căn phòng đường Yagut, say sưa viết về Saroyan, Henri Miller, ... Nay tôi lẳng lặng ngồi một mình một góc trên chiếc băng ghế da dài ở café Tùng. Ông Tùng mất đã hai năm nay. Còn bà Tùng và con trai cả tiếp tục trông coi quán . Café Tùng cũng như café Lâm ở Hà Nội, lâu năm nhất, một góc thân thuộc như linh hồn của phố, và của cả nghệ thuật ...
Vách bên trái vẫn còn treo bức Thiếu Nữ Xanh của tôi, đã 40 năm, từ hôm ông mua ở phòng triễn lãm tại Alliance Francaise Đalat, 1965 . Vách bên phải là bức Người Chơi Đàn Guitar, đầu cúi xuống, khổ lớn, màu nâu ấm, của Vị Ý . Phòng trong vẫn còn bức chân dung thiếu nữ với chiếc bandeau màu hồng nhạt của Cù Nguyễn.
Nhìn lại tranh xưa , qua thời gian tàn phai, qua hoàn cảnh đổi thay – ông phải giấu đi một thời gian dài mới đem ra treo lại – lần gặp tôi về thăm đầu tiên, ông nói vậy. Không biết bộ báo Bách Khoa đóng bìa da mà ông sưu tập đầy đủ, có còn không ...
Và nhà thờ Con Gà Đà Lạt, in dấu vào bao nhiêu tranh thiếu nữ của tôi đến ngày nay. Có lẽ ám ảnh từ thời "Les Dimanches de Ville d’Avray", phim đen trắng và cô bé Cybelle làm tôi cảm động ... "Chuyện phim kể về anh chàng đánh giặc về hơi khật khùng, thường đến đón một cô gái nhỏ bị bỏ rơi ở trường học ngày cuối tuần. Cô gái tên Cybelle (Si belle ?) . Một đêm lễ anh khật khùng leo lên đỉnh tháp chuông, gỡ con gà bằng đồng trên đó về cho cô gái để làm quà tặng. Người trong làng nghi ngờ anh ta bắt cóc cô gái và có tà ý . Anh ta bị bắn từ trên tháp chuông rớt xuống đất chết tốt , không kịp trối trăn ... " (Kiệt Tấn – Nụ Cười Tre Trúc – nxb Văn Nghệ, trang 140).
Khi qua Paris, tôi đã tìm đến thăm ngôi nhà thờ Con Gà ở thành phố nhỏ Avray, kề cận Paris, cũng vì để tìm lại bóng dáng nhà thờ Con Gà Đà Lạt một thời sương khói. Sương khói như trong "Một Chủ Nhật Khác" của Thanh Tâm Tuyền. Tập truyện được viết trong không khí của mùa hè nóng bỏng chiến tranh, trên thành phố cao rực rỡ rét mướt, một truyện tình lãng mạn, chứa chất những đam mê vô vọng.
Có đoạn làm nhớ khung cảnh L’eau Vive, quán ăn ấm cúng dưới một con dốc của các dì xơ, những muỗng, nĩa bạc, khăn bàn trắng, nến lung linh, bình hoa hồng sẫm...
Một Chủ Nhật Khác đã in xong đúng tháng 4, 1975 , thất tán. May Ngọc Dũng năm 75 trong hành lý xách tay mang theo, lại chỉ có quyển truyện này. Sau đưa cho cơ sở xuất bản Văn của Mai Thảo in lại bên này ...
Đà Lạt và đêm. Những đêm sương toả ngát trời, đứng bên đồi Lữ Quán Thanh Niên nhìn qua Domaine de Marie, ánh đèn lấp loá dưới xa như những ngọn hải đăng. Những đêm hoang vu nhất như người đi hái hoa phù dung ... mà trong bức tranh cũ : "Người Hái Hoa Đầu Địa Đàng" tôi đã ghi dấu. Đó là một đồi thông, ngựa và thiếu nữ, khăn voile bay, vầng trăng bạc ...
May là Đà Lạt vẫn còn thông ... "Thông với thơ là một. Trong núi thơ có đồi thông. Trong đồi thông có núi thơ. Núi thơ là đồi thông. Đồi thông là núi thơ ... " (Nguyễn Đức Sơn).
Tôi còn tìm được cho riêng mình cái mùi hăng hắc của nhựa thông, khi đêm lạnh về bên ánh lửa tàn, trước sân căn nhà nhỏ dưới con dốc sâu đường Trần Hưng Đạo của Thân Trọng Minh. Bạn đã đón tôi về, với ngụm trà thơm ngát ban mai, nhìn ra những bụi mimosa vàng.
Tôi còn giữ mãi hình ảnh Đà Lạt với màu mây dữ dội.
Virginia, 9.03
ĐINH CƯỜNG
Một Chủ Nhật Khác đã in xong đúng tháng 4, 1975 , thất tán. May Ngọc Dũng năm 75 trong hành lý xách tay mang theo, lại chỉ có quyển truyện này. Sau đưa cho cơ sở xuất bản Văn của Mai Thảo in lại bên này ..
DC
Tuyệt: Chi tiết là Thượng Đế trong văn chương, và còn trong "đời thực", như thế này, mới khiếp chứ!
Ui chao, Gấu lại nhớ ấn bản của Gấu, được nhà thơ đích tay thân tặng, một vài ngày, chắc cỡ đó, sau 30 Tháng Tư, 1975, Gấu vừa ra khỏi một "rehap", tại một con hẻm Sài Gòn, lấy cái vespa ghé thăm ông, hai anh em ra một quán cà phê gần nhà ông, khu Xóm Gà.
Và cũng chỉ ít tháng sau đó, chắc cỡ đó, Gấu Cái xé từng trang, sau khi đọc lần chót, rồi đưa vô bếp, thay cho củi...
Bài viết của DC có khá nhiều chi tiết là Thượng Đế trong đời thường.
Mấy bài thơ NDT.
"C
ả đêm, tôi say sưa vẽ, và Đỗ Long Vân say sưa dí mắt cận vào sách"
"Tôi còn tìm được cho riêng mình cái mùi hăng hắc của nhựa thông."
*
Hay, cũng DC:
Đêm trên phố khuya ấy là một kỷ niệm đẹp. Trong chúng ta, ai mà không có những góc phố kỷ niệm :
Níu vai phố rộng xin về
Với cây gió trút với hè nắng rưng

(Bùi Giáng)
Với Sơn thì :
Về trên phố cao nguyên ngồi
Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi

như còn nghe rõ "ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì" của chúng tôi trên phố Blao, Đơn Dương, Đà Lạt ...
Nguồn

*
Tin Văn  @ VHNT n. 558
19.9.2003

Không dễ gì mà làm một người CS, và càng không dễ, làm một nhà văn CS.
TCS: Theo tôi, nhạc TCS có tới hai "đỉnh cao".
Đỉnh cao thứ nhất: Nó tiên đoán Mậu Thân, khi bắt đầu bằng những câu hát cho thấy sự bình an của hang ổ Mỹ Ngụy chỉ là giả tạo.
Đại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi đứng nghe.
Đỉnh cao thứ hai của nó: Người chết hai lần
Một lần cho cuộc chiến
Và một lần cho biển cả.

Ta`n tro trong gio'
Saturday, September 26, 2009 12:57 PM
From: "LVTA"
To:
Cha`o O^ng  Nguye^~n Quo^'c Tru.
Ba^'t ngo+` vo+'i tin Chi Lan tre^n calitoday & ho^m nay la^`n da^`u xem trang ta^n vie^n ne^n bie^'t O^ng va^~n cha(m so'c tin va(n tha^.t chu da'o va` co`n giu+~ la.i ca? va`i trang VHNTLM cu~ trong tra(m nga`n lo+'p a?o lie^n ma.ng cu+' tu+o+?ng ta^'t ca? da~ theo gio' cuo^'n hu't va`o hu+ kho^ng, nhu+ kho^ng!
Tin Ca^?n
LVTA, Canada
Phúc đáp:  Mấy số VHNT cũ, nhờ Alexa lưu giữ dùm.
Tks.
Lâu quá mới nghe tin LVTA.
Take care.
NQT


... Cũng nhân tiện thông báo, Lan nghỉ làm tờ VHNT, vì lúc này có nhiều websites tiếng Việt, tác giả tự làm, tự phổ biến.
Vả lại, Lan cũng bận rộn không có nhiều thì giờ như trước. PCL
Trong kỳ tới Gấu tôi sẽ đi một đường hồi tưởng những ngày làm quen diễn đàn này. Cũng thú vị lắm.
Nhật Ký Tin Văn

Trong suốt thời gian viết cho VHNT - thời kỳ đầu, đóng góp bài vở, ngoài bài đầu tiên ra mắt, bị từ chối, vì viết về một nhân vật controversial, [chữ của PCL để chỉ HPNT] (1), và đề nghị thay bằng một bài khác, cho đỡ xui cái duyên gặp gỡ, thời kỳ thứ nhì, dành riêng cho một góc, mỗi tuần PCL mất công upload bài vở một lần, sau dành riêng cho một account, tha hồ tự tung tự tác - chỉ có một trường hợp độc nhất, một bài viết của Gấu bị từ chối, mà quyết định từ chối đăng bài, không phải là do PCL, mà là của Ban Biên Tập diễn đàn.
PCL cho biết, rất muốn đăng bài, nhưng đây là quyết định của tất cả anh em trong BBT, Lan đành phải theo ý của tập thể! (2)
(1) Bài viết về HPNT: Mùa Xuân nói chuyện Mậu Thân
(2) 30 Tháng Tư đọc Hồ Như: Kẻ Lạ
Về HN, theo như PCL cho biết, đây là một cựu thành viên của nhóm, nhưng hai bên có chuyện nên tách ra.
*
Về hiệu đính bài vở: Cũng chỉ một lần độc nhất. Gấu mail, hỏi, PCL trả lời, Lan không hề bao giờ sửa bài của cộng tác viên, và cho biết, đó là lỗi, khi chuyển từ vni qua unicode.

Riêng Gấu, tha hồ sửa, ngay cả khi bài đã post.
Bài viết về HPNT thật... xui. Ông bạn quí hồi đó làm tờ Người Việt, order cho số Xuân, đếch thèm đăng. Gấu cũng đâu để ý, đăng hay không, vì chùa. Sau, nghe một tay văn hữu đàn em ở Cali cho biết, bài đăng số báo thường, sau Tết.
Có thể vì bài viết, mà HPNT lên tiếng sau đó, trên đài của em TK, thanh minh, tao đâu có ở Huế lúc đó mà mày đổ tội cho tao, đại khái thế. Nhưng, bài viết của Gấu không hề tố cáo HPNT tay nhuốm máu dân Huế, mà là, anh ta, một cách nào đó, là tinh thần, nếu không muốn nói, là "mastermind" của cú Mậu Thân!
Nói rõ hơn, bởi vì đám VC nằm vùng như anh, mà Yankee mũi tẹt chắc mẩm, chỉ cần một trận công kích, nổi dậy "tự phát", là cướp được Miền Nam.
Ui chao tuy không phải dân Huế, Gấu, ở  mãi tít Sài Gòn mà còn nghe danh người hùng Mậu Thân, những ngày chưa xẩy ra Mậu Thân!

VHNT là nơi đăng thư ngỏ gửi Gunter Grass, yêu cầu ông lên tiếng về trường hợp hai nhà văn Việt Nam xin định cư tại Đức. (1) Toàn bộ ban biên tập cùng tham gia, góp ý kiến về bản tiếng Anh của lá thư. Gấu, khi đó, tiếng Anh cũng đồ dởm, đọc, dịch thì OK, nhưng viết bằng tiếng Anh thì coi bộ còn tệ hơn cái thời ở trại tị nạn, mù tịt không còn biết động từ nào đi với giới từ nào!

Một việc làm hoàn toàn mang tính nhân đạo như vậy, chưa nói đến chính trị chính em, giao lưu hòa giải, vậy mà Gấu nhờ cậy vài ba nơi khác, đều lắc đầu, trong số đó, có tờ Báo Mít Của Mẽo do ông bạn quí làm tổng thư ký, có cả nhà biên khảo số 1 hải ngoại, có một ông bạn thân của Gấu, chủ nhà sách VK, ông này thì lo cho Gấu nhiều hơn, khuyên Gấu mày làm nhà văn đủ rồi, đừng dính tới chính trị. Có cả ông SM, trùm một tờ báo bằng tiếng Anh trên net.
Vụ này chấn động cả ở trong nước, như Gấu được biết, khi trở về lại thăm Đất Bắc.
Đây có lẽ là cử chỉ thân ái đầu tiên giữa hai miền, giữa trong và ngoài nước, giữa những nhà văn nhà thơ, được thể hiện.
(1) Thư gửi Mr. G, đã được đăng trên một số báo trên lưới, như Việt Báo online, Thông Luận online, và sau đó trên VHNT online, của PCL. Báo giấy độc nhất đăng lá thư là một tờ ở Washington D.C, của me-xừ Nữu (?), báo Tân Phong (?), download từ trên net (?). Thay mặt những người trong cuộc, xin được gửi những lời tri ân tới tất cả. NQT

http://vanhocnghethuat.org
Số báo chót, chưa kịp lên lưới thì PCL ngã bịnh

Tin Văn VHNT 5.5.04
Kỳ Tin Văn chót, trong số VHNT chót.

Vào những thập niên cuối thế kỷ 20, văn chương thế giới, đúng ra là văn chương Tây Phương, giầu có hẳn lên, do đóng góp của những nhà văn, trí thức đã từng sống dưới chế độ Cộng Sản, như Czeslaw Milosz, Milan Kundera, Joseph Brodsky.
Trường hợp văn học hải ngoại Việt Nam có hơi khác. Trước tiên nó bắt đầu bằng một biến cố không thể ngờ: cuộc bỏ nước ra đi sau khi đất nước được thống nhất. Và đây là một dòng văn chương có khá nhiều bắt đầu, như thể nó cứ phải bắt buộc tiến về phía trước.
Bắt đầu đầu tiên: Khi biến cố 30 tháng Tư 1975 xẩy ra, có một số người Miền Nam không phải chứng kiến nó. Họ đã ở hải ngoại từ trước, hoặc may mắn thoát ra được ngay giờ phút chót. Trong đó có nhà văn. Thoạt đầu, họ có thể đã nghĩ rằng, dòng văn chương Miền Nam chấm dứt, như một Miền Nam đã mất để chỉ còn một Việt Nam.
Theo tôi, cuốn Văn Học Tổng Quan và Văn Học Miền Nam của Võ Phiến đã được viết ra theo ý nghĩa đó: cố gắng bảo tồn một nền văn chương đã bị bức tử. Thành công, và thất bại của nó ở do thời điểm quyết định này, và quan điểm của người viết (về thời điểm đó).
Nhưng cùng với sự bỏ nước ra đi, một nền văn chương hải ngoại có một khởi đầu thứ nhì. Khởi đầu thứ nhì này là một khẳng định: văn chương Miền Nam không thể bị bức tử, hay nói theo nhà văn và triết gia Pháp, Jean-Paul Sartre: nó bắt đầu cùng với 'cuộc nhân sinh bắt đầu từ phía bên kia của tuyệt vọng' (La vie humaine commence de l'autre côté du désespoir). Nó bắt đầu từ phút xuống cá bé, ra cá lớn, đối đầu với biển cả, bão tố, hải tặc, và nếu may mắn, tới được trại tị nạn, và sau cùng tại một đệ tam quốc gia, tức quê hương thứ nhì của người Việt hải ngoại.
Khởi đầu thứ ba, và đây chính là khởi đầu thứ nhất, của một nền văn chương thực sự của hai miền đất nước, tại hải ngoại, có thể nói đây mới thực sự được gọi là Văn Học Việt Nam Hải Ngoại: sự gia nhập của những người viết ra đi từ Miền Bắc.
Khởi đầu thứ tư: sự gia nhập của một nền văn học hải ngoại trên không gian ảo, đa số là những người viết còn trẻ, cố gắng vượt thoát để không còn bị vướng mắc vào những 'lỗi lầm', hoặc những 'băn khoăn' không liên quan gì tới văn chương, hoặc Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa, Miền Nam Cộng Hòa, Cuộc Chiến Không Kẻ Thắng Người Bại.

Nghệ sĩ nào cũng muốn tóm bắt chuyển động, nghĩa là cuộc sống, bằng những thủ thuật, và nắm cứng nó, sao cho hàng trăm năm sau, khi một người lạ nhìn vô, nó lại chuyển động, lại là cuộc sống.
Faulkner
Trả lời phỏng vấn do Jean Stein thực hiện, in trong 'Sư tử ở trong vườn', trang 253.)

Hiểu theo cách đó, 'sống lùi thời đại', ở đây, có nghĩa là: làm cho một Miền Nam đã bị nắm cứng bởi biến cố 1975, lại chuyển động.

Between grief and nothing I will take grief.
Giữa khổ đau và vô thường, tôi sẽ chọn khổ đau.
Faulkner, Những cây sồi dại

Trên báo Partisan Review số Mùa Hạ 2000, Adam Michnik, khi viết về Jan Kott, một nhà văn Ba lan đào thoát qua Tây phương, đã nhắc tới bài 'Về Nọc Độc' (On Venom, 1982), qua đó, Kott ghi nhận:
'Rắn cắn làm hư cái đầu. Bên trong cái vòng tròn huyền hoặc, cái đầu luẩn quẩn trong một thế giới ảo. Cái đầu tin vào những lời dối trá, và không thể phân biệt thực với ảo.'
(A snake bite disables the mind. Inside a magic circle, the mind moves in a fictitious world, believes in lies, and cannot distinguish reality from illusion).
Ông cho rằng, những mắc míu của tầng lớp trí thức với chủ nghĩa cộng sản, gia nhập rồi rời bỏ trong chán chường và vỡ mộng: 'thời điểm vỡ mộng có lẽ là quan trọng nhất' ('the moment of disullusion is perhaps the most important').
Adam Michnik, tác giả bài viết đôi lúc nghĩ rằng, những người 'đòi cái đầu' của Jan Kott có lý của họ: Jan Kott là Không nghi ngờ chi, ông là một người Cộng Sản. Và là một tay Cộng Sản thông minh. Và cái nọc độc làm hư cái đầu của những người như ông, là từ Hegel mà ra (Hegelian venom).
Bài viết của Kott, là để tưởng niệm Adam Wazyk, nhưng Wazyk không hề nhắc tới Hegel. Ông dùng từ 'bệnh viện tâm thần' (a lunatic asylum).
Trong Cầm Tưởng (hay Cái Đầu Bị Tù, Bị Đeo Vòng Kim Cô, The Captive Mind ), nhà thơ Ba lan, Nobel văn chương, Czelaw Milosz đã từng tự hỏi: Liệu có thể kiếm thấy sự thực, trong những tư tưởng về 'nọc độc Hegelian'?

Người viết tự hỏi, trong cuộc trốn chạy đất bắc vào năm 1954 của gần một triệu đồng bào, trong số đó, có những nhà văn nhà thơ: Liệu gần triệu con người, trong đó có một dúm nhà văn, là do bị 'dị ứng' với chủ nghĩa Cộng sản?
Dúm nhà văn sau quây quần thành từng nhóm xoay quanh một tờ báo như là chủ trương, tiếng nói của họ, như nhật báo Tự Do, tạp chí Sáng Tạo, tạp chí Bách Khoa, nhóm Quan Điểm, 'lò' Nguyễn Đức Quỳnh, họ đều dị ứng với chủ nghĩa Cộng Sản, hay là đã nhận ra hiểm họa, về một nọc độc Hegelian, hay bóng ma của một bệnh viện tâm thần?
Sở dĩ đặt vấn đề dị ứng, là nhân một bài viết của Đặng Tiến, [đăng trên Việt Mercury] về bộ sách Tổng Quan Văn Học của Võ Phiến, tác giả đã cho rằng một số nhà văn như Doãn Quốc Sĩ, thuộc nhóm Sáng Tạo, chống Cộng là do "dị ứng".
Cũng trong bài viết, ông cho rằng Võ Phiến mới là nhà văn chống Cộng, bởi vì chính Cộng Sản cũng đã coi Võ Phiến như vậy.
Đặt vấn đề chống Cộng hay không chống Cộng, khi phải nhận định một nhà văn, theo tôi, một cách nào đó, là 'miệt thị' văn chương của chính người đó, và văn chương nói chung....