logo

2


Nên em buồn như mây chiều trôi?

Kẻ nào đắm đuối trong mộng, sẽ có ngày biến thành bóng của mình (1)

Câu thơ, trong trí tưởng của Gấu, là như vậy, mỗi lần nghe bản nhạc.
Mới đây đọc bài viết của NMT, hoá ra nó như vầy:

"Phố núi cao phố núi trời gần
Phố xá không xa nên phố tình thân
Ði dăm phút đã về chốn cũ
Một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa Ðông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Da em mềm như mây chiều trong...”
NMT: Pleiku, đóa quì vàng và những hồn thi sĩ

Nhưng thưa ông bạn NMT, ông có nhớ lộn không đấy?
Bởi vì câu thơ "Da em mềm như mây chiều trong..."  sao nó... lạ quá!

Mà cũng khỉ thật, đã có tí máu thơ, là thể nào cũng mắc cái tật ưa sửa thơ. Khốn khổ khốn nạn hơn: Viết về thơ!
Và, khốn kiếp hơn: Phê bình thơ!

Trước 1975, có một lần, ngu quá, và cũng cả nể, Gấu có viết một bài bình thơ, tập Chân Cầu Sóng Vỗ [?] của Hà Nguyên Thạch, mà Gấu còn nhớ một hình ảnh thật đẹp, về một chút tàn phai đọng ở chân cầu.
Con sóng đó, muôn đời vỗ mãi
Chút tàn phai đọng ở chân cầu
Đại khái vậy.

Lần thứ nhì, tính viết về Thơ Thanh Tâm Tuyền.
Trong khi hì hục viết, được vài hàng, nhớ đến câu hỏi đầy vẻ ngạc nhiên, "Cậu mà cũng mê... thơ hả?", và nụ cười đầy bí ẩn của ông, sau cái tặc lưỡi, như đành... chịu thua, "Ừ, thì viết đi", thế là cụt hứng!
Sau đó, cạch luôn.

Ấy vậy, mà sau này, ra ngoài này, "mới đây" [cũng đã mấy Thu rồi nhỉ, phải không... Thu?],  còn đẻ ra được một bài về "Thơ Trẻ Ở Trong Nước"
Về bài này, có hai cái mail, một khen một chê.
Chê trước.

Trên một diễn đàn trên lưới, mà Gấu tôi không tiện nói ra địa chỉ ở đây. Vả chăng, nó cũng ngỏm củ tỏi rồi. Chắc là của một độc giả miền bắc, vì xem ra chưa từng đọc Gấu, trước đó, mà mới đọc, lần đầu, đúng bài Thơ Trẻ, mà lại đọc ở trên talawas, tức là bản đã được biên tập, bỏ đi rất nhiều những chi tiết ở bên ngoài, chẳng liên can tới thơ, lại càng chẳng liên can tới thơ trẻ, và, nữ thi sĩ, trẻ, ở trong nước.
Tay độc giả nọ, trên diễn đàn đó, phán: Thằng cha NQT này, lý luận phê bình, kiến thức của nó chẳng khác gì giấy chùi đít!
Lạ, là cách so sánh. Lý luận, phê bình, kiến thức... làm sao lại "chẳng khác gì giấy chùi đít"?
Cũng như câu thơ trên, của Vũ Hữu Định: Nên em mềm như... mây chiều trong?
Khen, là từ ông bạn già ở trong nước [NN]: Viết được đấy, thú vị lắm.

Bài đăng trên talawas, được biên tập khá kỹ, hay hơn, gọn gàng hơn, [vậy mà vẫn còn bị chửi], có thể vì vậy, cuối bài có ghi chú, "... xin đọc toàn bài viết ở địa chỉ http:...".
Tuy nhiên, cái lý do có bài viết đó [cái mầm tạo nên bài viết đó, cái linh hồn của bài viết...], đã bị thiến mất.
Đau thương thật!
NQT
Và đây là cái hồn của bài viết:
Anh,
Trước hết em phải thành thật xin lỗi anh vì thời gian qua nhận rất nhiều mail của anh mà bất lịch sự không hồi âm nổi một dòng. Em đi làm phim xa nhà hàng tháng trời, nên không tiện liên lạc...
Anh có khỏe không. Có gì vui không? Anh vẫn thích nghe Kenny G. và Yanni?
Em gửi anh ba bài thơ mới nhất nhé, anh đọc và chia sẻ với em.
Thỉnh thoảng, em vẫn nghĩ tới anh, và nhớ là anh rất hóm và gần gũi.
*
Vả chăng, đã bị thiến mất hồn rồi, thì thành thứ gì gì, đọa đầy đời đời nơi 'hoả ngục', chứ đâu giản dị chỉ là...  "giấy chùi đít"?
*

Trở lại với vấn đề [kiến thức, lý luận...] " như", "chẳng khác gì" [giấy chùi đít]. [Da em mềm] "như" [mây chiều trong]. Cái từ quan trọng nhất ở đây, là từ "như". Nó đề nghị một nối kết. Với thơ, chính nó, tạo nên một ẩn dụ. Người ta đã chẳng từng định nghĩa, thi sĩ là kẻ nhìn ra những nối kết, những tương tự, ở những sự vật chẳng có gì giống nhau, không thể có " như" ở giữa chúng. Và, văn chương bắt đầu, khi xuất hiện chữ "như" đó. Nói "như" Michel Foucault, trong Chữ Và Vật, văn chương bắt đầu bằng cơn điên cuồng gọi tên sự vật, với sự tiếp tay của con quỉ tương tự [le démon de l'analogie. Con quỉ tương tự tức con quỉ "Như".

Em như  cục cứt trôi sông
Anh như  chó đói chạy rông trên bờ.

Chàng như mây mùa thu
Thiếp như khói trong lò

Không có "như", mà chỉ có "là", là bỏ mẹ.
Thí dụ: Yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội.

Chính vì vậy, mà Gấu đã từng nghe một nhà văn ở trong nuớc tâm đắc với câu thơ của một thi sĩ miền nam, câu thơ mà tôi nhớ đại khái, "Sáng nay Nga buồn như con mèo ốm". Làm thơ như thế thì còn quá phản động! (2)

Borges, khi khuyên những người trẻ, nếu mê thơ, và mê làm thơ, thì nên bắt đầu bằng thơ vần, là cũng theo ý đó.

'Tôi nghĩ những nhà thơ trẻ thích bắt đầu bằng một điều cực kỳ khó khăn - thơ tự do. Và đây là một lỗi lầm lớn. Nếu bạn tính làm một bài sonnet, thí dụ vậy, bạn có ảo tưởng, thực sự đã có một cái gì đó: cái khung của bài thơ. Cái khung có trước, cho dù dòng thơ đầu tiên chưa được viết ra. Rồi bạn chỉ việc kiếm từ có vần có điệu. Chúng làm mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn. Nói như vậy, không có nghĩa là tôi thích một bài sonnet, hơn là một bài thơ tự do. Nếu bạn lấy một vài trang đẹp nhất, trong Lá Cỏ của Whitman, rồi hỏi tôi, liệu chúng có hơn, một bài sonnet của Shakespeare, hay Keats, hoặc Yeats, tôi cho một câu hỏi như vậy, là vô nghĩa. Tôi thích cả hai. Tại sao lại phải bỏ một, nếu có thể giữ cả ? Nhưng sự khác biệt là như thế này: Nếu bạn làm một bài thơ vần, bạn đã có sẵn một vóc dáng, và người đọc có thể tham dự vào vóc dáng đó; trong lúc nếu bạn làm thơ tự do, mọi chuyện là do bạn. Kỹ năng của bạn phải cao. Lẽ dĩ nhiên, nếu bạn là Walt Whitman, nội lực thâm hậu chỉ muốn bật ra thôi, bạn cứ làm thơ tự do, và đây là một điều đáng làm. Chuyện này đâu xẩy ra cho nhiều người trong số chúng ta. Tôi đã gặp phải lỗi lầm này, khi in tập thơ đầu. Tôi đọc Whitman, và tưởng chuyện dễ. Bởi vậy lời khuyên của tôi đối với những nhà thơ trẻ, là hãy bắt đầu bằng những thể thơ cổ điển; chỉ sau đó, mới trở thành cách mạng được. Tôi nhớ một nhận xét của Oscar Wilde - một nhận xét đầy chất tiên tri. Ông nói: "Nếu không có thơ vần, chúng ta đều trở thành thiên tài". Đây là chuyện đang xẩy ra ngày hôm nay, ít ra là tại xứ tôi. Hầu như ngày nào tôi cũng nhận được những cuốn thơ của những thiên tài hoặc mấp mí thiên tài: nghĩa là những cuốn thơ hình như chẳng có một chút ý nghĩa nào đối với tôi. Ngay cả những ẩn dụ ở trong đó, tôi không thể nào nhận ra được. Ẩn dụ đề nghị một nối kết, giữa hai sự vật. Nhưng trong những cuốn thơ đó, tôi chẳng nhìn thấy bất cứ một nối kết nào. Tôi đã phạm vào lầm lẫn thiên tài như vậy, trong tập đầu, tập hai cũng vậy, và có lẽ ngay cả tập ba; và rồi tôi khám phá ra, có một điều gì thực sự huyền ảo, và không thể nào cắt nghĩa được, về một bài sonnet: Nó có thể đẻ ra đủ thứ, đủ loại thơ, khác nhau.
[Borges: Nói về thơ] 

“Ngay cả ẩn dụ ở trong đó, tôi không thể nào nhận ra được. Ẩn dụ đề nghị một nối kết giữa hai sự vật”.

Gấu đã không nhận ra được sự nối kết giữa lý luận, kiến thức… [của Gấu], và tờ giấy chùi đít. Không nhận ra, nối kết, liên tưởng, giữa “da em mềm” của cô gái với “mây chiều trong”.
Và Gấu tin rằng, ban biên tập talawas cũng không thể nhận ra được, cả bài viết lảm nhảm, "bố nếu bố náo" [đây là cụm từ của Gấu cái, mỗi lần không hài lòng, về một bài, thí dụ "như" bài này], bá láp của Gấu về thơ, là chỉ cố làm sao bật ra được, cái âm điệu thật gần gũi, thật thân quen, và cũng thật bùi ngùi, của một bức mail ngắn ngủi.
[Nhưng cái bĩu môi, đành chịu thua!]

Cả bài viết, là một "âm điệu tủi thân", chỉ để làm sao trả lời một câu hỏi, chẳng liên quan gì đến thơ, “Anh vẫn thường nghe Kenny G? Yanni?”.

Cả bài viết, là chỉ để mong cái hạnh phúc mà bài viết sẽ được hưởng, là thay người gửi, ở kế bên người đẹp.

“Anh đừng gửi dạng Zip, vì em không biết mở, hơn nữa đi xa nhà nên không tiện. Em mong anh gửi bài dạng text.doc để em in luôn ra và đọc được một cách dễ dàng hơn, em rất mong như vậy…”
“Thỉnh thoảng, em cũng nhớ đến anh…”
NQT
tanvien.net

(1) Mô phỏng câu đề từ Con Đường Vương Giả của Malraux: Kẻ nào nhìn quá lâu vào trong những giấc mộng [les songes], sẽ trở thành giống như cái bóng của người đó.
Câu này, theo Christiane Moatti, khi biên tập La Voie Royale, mô phỏng [ông dùng chữ "cùng vần", "rimer"], câu châm ngôn Malabar [có thể là một giống dân da đỏ, ở bờ biển Malabar]: Kẻ nào nhìn quá lâu những con khỉ [les singes] thì sẽ trở thành giống như cái bóng của người đó.
Moatti, trích dẫn một câu từ Royaume-Farfelu, xb cùng năm với Voie Royale, "Tôi viết để chiếm hữu những giấc mộng của tôi", giải thích, những nhân vật, như những tay phiêu lưu, của Con Đường Vương Giả, giống như tác giả của nó, không bằng lòng với việc, chỉ mơ mộng. Họ muốn cụ thể hoá, concrétiser, chúng.
(2) Người viết đã từng nghe "hơn một nhà văn" ở trong nước chê Nguyễn Tuân. "Những tùy bút sau này của ông dở quá! Thua xa Võ Phiến!", một nhà văn ở trong nước đã nói với tôi như vậy. Anh kể, kỷ niệm lần đầu đụng đầu với văn chương miền nam trước 1975, "Tôi đọc câu thơ của Nguyên Sa, hình như là thế này, ‘Sáng hôm nay Nga buồn như một con mèo ốm…’, và sướng điên lên. Làm sao ở miền bắc lại có một câu thơ ngu ngơ dại khờ tuyệt vời đến như vậy! Làm thơ như thế thì còn quá phản động!"
Lẫm liệt một thời