*


Phỏng Vấn





*

Trong số báo Văn, GCC lục lọi tại nhà bạn Bạn, trên, có rất nhiều Gấu ở trong đó:
Bài phỏng vấn đầu tiên ở hải ngoại, do bạn quí thực hiện: Từ Sơ Dạ Hương tới Nguyễn Quốc Trụ: Nhà văn ở phút nói thật (1)

*

Truyện ngắn đầu tiên viết ở hải ngoại, và về Trại Tù Thái Lan: Bụi

Truyện ngắn này, thú vị hơn nữa, đã từng được 1 đài phát thanh của Mít ở thủ đô Bolsa đọc trên Đài, tình cờ làm sao GCC, ở Toronto nghe được. Gấu Cái phán, tụi này giỏi thật, cái truyện ngắn hay, mà cái thằng chọn nó để đọc cũng thật là bảnh.

Bạn quí đăng trên Văn, nhưng không để ý đến cách sắp trình bày, làm hỏng truyện nhiều quá.
Chán bạn quí quá, nhưng lần gặp này, thì lại quí bạn quí quá!

*

Phỏng vấn Nguyễn Quốc Trụ

Nguyễn Nam Anh (tạp chí Văn, Cali) thực hiện

Nhân dịp đến Cali thăm Quận Cam, và ra mắt cuốn Lần cuối, Sài-gòn (nhà xb Văn Mới 1998) giữa bạn bè tại nhà Khánh Trường, Nguyễn Quốc Trụ có nói chuyện với phóng viên tạp chí Văn. Sau đây là nội dung.

Có lẽ chúng ta nên bắt đầu bằng vài dòng tiểu sử...

Tôi sinh năm 1937 tại Bắc Việt. Vào Nam năm 1954. Bắt đầu viết văn năm 1965. Truyện ngắn đầu tay Những Ngày Ở Sài-gòn, bút hiệu Sơ Dạ Hương. 

Có gì liên hệ giữa Sơ Dạ Hương, và Nguyễn Quốc Trụ, người viết phê bình sau này?

Tôi vẫn nghĩ truyện ngắn, tiểu thuyết là hoàn toàn bịa đặt, như vậy, chỉ có một con người bịa đặt mới xứng đáng là tác giả của nó. Sau này, tôi dùng tên cúng cơm, vì phải đối diện với một thực tế: những người viết, và những tác phẩm của họ. Tôi không muốn họ nghĩ rằng, một kẻ nào đó, dưới một cái tên giả, bầy đặt những sự thực, hay dối trá, về tác phẩm của họ. Vả chăng, khi viết phê bình, tôi nhận ra, nó cũng chỉ là một hình thức khác của giả tưởng. Một bạn văn mới quen, nhân chuyến đi này, nhận xét về những truyện ngắn trong Lần Cuối của tôi: Chỉ có mỗi một truyện, viết đi viết lại, và là tự truyện. Tôi tự hỏi, chúng sẽ ra sao, với bút hiệu Sơ Dạ Hương?

Sơ Dạ Hương, tại sao?
Một cái tên mượn từ Lâu Đài Họ Hạ, truyện Hoffmann, Vũ Ngọc Phan dịch. Trong đó chỉ có một từ, là thực.

Nhân nhắc tới những nhận xét của người bạn mới quen, ông hãy nói thêm về Lần Cuối đi.

Nếu có điều cần nói, đó là khoảng cách giữa nó với Những Ngày Ở Sài-gòn: 1970-1998, hai mươi tám năm! Đúng là ba mươi năm, vui sao nước mắt lại trào! 

Sau 1975, ông ở lại, gần như mút mùa lệ thuỷ, hết mùa vượt biên mới bỏ đi. Nhân nói đến chuyện vui sao... xin ông cho biết về văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa ở trong nước.

Câu hỏi rộng, và căng quá. Theo tôi, cùng với sự kiện 1975, thoạt đầu, một số người viết Miền Bắc coi đây như là một đổi đời đối với họ. Hay một cơ hội để có được những tác phẩm hiện thực đúng nghĩa, tương xứng với sự kiện thống nhất đất nước, tiến lên xã hội chủ nghĩa. Chúng ta có thể nhận ra điều này trong tác phẩm, thí dụ của Nguyễn Khải (Thời gian của người, Vòng Sóng Đến Vô Cùng...), nhưng dần dần họ nhận ra, nếu cứ tiếp tục viết như vậy, những tác phẩm của họ chỉ là đồ dởm. Họ nhận ra, chỉ có thể nói về thất bại của chiến thắng, thay vì ca ngợi nó. Nhưng việc này họ không làm được, phải đợi những người viết khác, thí dụ như Nguyễn Huy Thiệp.

Ông không nghĩ sự kiện 1975 là một chiến thắng, và cùng với nó, thống nhất đất nước?

Xin cho tôi mượn những nhận định của nhà văn Đức, Gunter Grass, về chuyện thống nhất nước Đức. Ngài mai là ngày hôm qua, Grass nói như vậy, với phóng viên báo Đọc (Lire), nhân cuốn Tất cả câu chuyện của ông được dịch ra tiếng Pháp. Về câu hỏi quan trọng tại sao cuốn sách của ông bị chụp mũ chống thống nhất, ông trả lời: chuyện thống nhất đúng ra là đã có thể xẩy ra vào năm 1989 (xin đừng lộn với năm 1975). Chính vì vậy nên đây là một câu hỏi đau thương, nhức nhối. Thống nhất đã khả hữu mà không cần đến một tiếng súng. Tất cả ngon lành, rồi đùng một cái, mọi chuyện rối bung lên, hỏng bét. Đến lúc đó, tôi đưa ra lời giải thích, rằng chẳng có chi là tự nhiên, bình thường, khi Tây Đức tự coi như sức mạnh thực dân, chiếm cứ cả nước, rồi hè nhau nắm trọn cả đất nước... 

Liệu có một thống nhất khác? 

Cái tay phóng viên Lire cũng hỏi Grass một câu na ná. Grass trả lời, phải chấp nhận thực tế hiển nhiên, là chúng tôi đã gây chiến, phạm những tội ác, và phải trả giá... tổ quốc làm tôi đau, đau nhiều lắm. Theo nghĩa đó, tôi hiểu câu nói của Adorno: Sau Auschwitz mà còn làm thơ thì thật là dã man. Đây không phải chuyện ngăn cấm làm thơ, mà là một lời cảnh cáo. Vẫn phải tiếp tục viết, nhưng sau Auschwitz, người ta không làm thơ như trước nữa. Kẻ nào muốn thống nhất nước Đức, kẻ đó phải ôm riết lấy Auschwitz. Tất cả câu chuyện về Việt Nam hình như cũng tương tự như vậy. Mỗi người phải ôm riết lấy một cái gì đó. Thất bại của chiến thắng, trại tù... thí dụ vậy.

Nguyễn Nam Anh là 1 bút hiệu của NXH