CHÙA
SIKIEW Khu C
Bụi
Những người
từng ở Trại Cấm Sikiew, Thái Lan, chắc khó quên
được Giáng Sinh 1991.
"Đây có thể
sẽ là Giáng Sinh cuối cùng của các con tại
Sikiew...", Cha người Thái cai quản địa phận nói với đám người tị nạn.
Trại sẽ đóng cửa vào cuối năm tới theo như tin tức báo chí. Và ông cho
tiền làm
một lễ Giáng Sinh như ở ngoài đời tại nhà thờ ở khu C trong Trại.
Phía trước
nhà thờ là một khu đất trống với những mỏm đá.
Chiều chiều, dân tị nạn thường ra ngồi hóng mát. Bệnh viện "Y sĩ không
biên
giới" ở sát bên.
Gần cổng gác
phía trong, có một tảng đá, lởm chởm những chữ:
"Khu C không có vấn đề gì".
Sikiew gồm ba
khu, chia cách nhau, và chia cách với thế giới
bên ngoài bởi những hàng rào kẽm gai, những cổng gác, những tường cao.
Nhà tù ở
khoảng đất chũng, ngay dưới khu nhà dành cho nhân viên Bộ Nội Vụ Thái.
Trước có
những vòng kẽm gai bao quanh, sau được gỡ bỏ.
Em không nhớ
đâu, lần đầu chúng ta gặp, những ngày dài ở
Trại.
Đúng ra là
lần đầu anh nhìn thấy em.
Khi được biết
cơ quan ARC (American Refugee Committee) cần
một thiện nguyện viên cho chương trình Sức khoẻ Tâm thần, vì muốn kiểm
tra mớ
tiếng Anh còn sót lại, anh đến gặp ông K. Trưởng Toán. Em và mấy người
bạn ngồi
quanh một chiếc bàn dài gần bên. Chắc anh nói tiếng Anh quá dở vì anh
thấy em
bĩu môi, quay đi, mắt thờ thẫn nhìn ra phía bên ngoài cửa sổ.
Chẳng phải
cái bĩu môi, cái nhìn thờ thẫn, vẻ dửng dưng
chẳng chờ mong bất cứ điều gì, nhưng dung nhan tàn tạ ở em làm anh giật
mình.
Anh tự nhủ thầm, đây là một thiếu nữ ngày xưa chắc chắn xinh đẹp lắm.
Cái bĩu
môi kia ngày nào chúa láu lỉnh, bây giờ thêm một chút chua chát, chán
chường...
Đây cũng là một con người vừa thoát ra khỏi quá khứ và chắc chắn không
làm sao
quên nổi.
Viết như thế
chỉ là miêu tả?
Proust nói,
những gì đã sống đều mong được sống lại. Miêu tả
là làm sự vật sống lại, theo sự "sắp xếp" của người viết.
Như vậy
"cách" miêu tả rất quan trọng?
Đó là quan
niệm của Kafka, kỹ thuật chính là linh hồn của
văn chương.
Anh như nhìn
thấy chính anh.
Không, chẳng
bao giờ anh muốn coi anh, em và tất cả chúng ta
là những nạn nhân. Đó là niềm tự kiêu cuối cùng chúng ta còn giữ được
để sống
sót.
"Không phải
như vậy đâu. Cái chế độ đó chẳng làm gì nổi
em. Có khi em còn phải cám ơn nó, nhờ nó mà em gặp anh H. Ảnh trước là
cảnh sát
đặc biệt, sau 75 đi cải tạo, vợ bỏ. Rồi chúng em gặp nhau".
"Hồi nhỏ em
mong ước trở thành ca sĩ, nhưng căn bệnh
xóa sạch mọi ước mơ, kể cả ước mơ sẽ có người yêu, có chồng có con như
tất cả
những người đàn bà bình thường khác. Thầy biết không, anh H. có một đứa
con với
người vợ trước".
"Nhưng nếu
không vì dung nhan tàn tạ, chắc gì Thầy đã
nhận ra em?"
Em ở bên C,
anh bên A. Khu A gần hàng rào. Phía ngoài là
trại tù giam giữ người Việt ở Thái nhưng không chịu sinh sống tại những
địa
phương do chính quyền chỉ định. Tuy là tù nhưng họ được tự do, thong
thả hơn so
với đám người tị nạn trong trại cấm. Nhờ vậy mà có chuyện mua đồ hàng
rào.
Trong ném tiền ra, ngoài ném đồ vô. Những vật dụng cho đời sống hàng
ngày. Và
rượu. Ma túy.
Anh còn nhớ
có lần em nhờ anh mua giùm một đôi guốc. Mua
được rồi, anh nhét kỹ trong người, đi qua trạm gác phân chia hai khu
vực.
Bây giờ ở
đây, khi gió, tuyết, và nỗi cô đơn lạnh cứng
người, anh vẫn cảm thấy chút ấm áp của đôi guốc ngày nào. Và anh thèm
sống lại
cảm giác hoang mang, lo sợ khi đi ngang trạm gác.
Rồi những lần
bên ngoài thương tình ném trái cây vào trong
trại.
Có một truyền
thuyết được truyền tụng bằng "kỹ
thuật" rỉ tai giữa đám người tị nạn ở Sikiew. Vào những đêm trước khi
xổ
thanh lọc, những linh hồn người chết lang thang trên những mỏm đá phía
trước
giáo đường, nơi được dùng để công bố kết quả. Có người nói đó là linh
hồn cô
gái treo cổ tự tử sau khi rớt thanh lọc. Và cũng giống như những kẻ sát
nhân
không thể quên nơi xảy ra án mạng, cô vẫn quanh quẩn nơi chốn xưa, chờ
đón
những hồn ma mới. Một số khác dựa vào khoa học, coi đó là hồn ma của
chính họ,
ngày đêm bị tù túng, bèn tìm cách xuất khỏi xác.
"Thôi mà...",
một người ra vẻ hiểu biết, "chỉ
là mấy ông mãnh vô công rồi nghề, đêm mò ra kẽ đá bắt dế, ngày xúm nhau
chơi
trò con nít, thay vì ôm cái máy điện tử bấm liên hồi..."
Sau cùng có
hai tay rủ nhau thức suốt đêm. Câu chuyện họ kể
lại nghe cũng có lý...
"Hình như cái
số của em là cứ bị mấy ông thầy thương.
Anh H. cũng là thầy dậy em học đờn. Em đã chọn anh H., chính em chọn" .
Vậy mà đã
trên ba năm trời. Điều anh lo lắng nhất vẫn là căn
bệnh của em. Những ngày cuối cùng ở Trại Cấm, chờ đợi kết quả thanh
lọc, có mấy
ai chắc chắn qua được, đó là những ngày anh thấy em bệnh nhất. Và cũng
thấy em
đẹp nhất. Cơn đau làm má em ửng đỏ, làm em đẹp một cách lười biếng,
không thèm
che đậy, buông thả trong cách ngồi, cách lơ đãng nhìn bài học, nhìn ông
thầy.
Khi em nghĩ, có thể em đang làm phiền bạn đồng học, hoặc cơn đau làm em
hết
chịu đựng nổi, em bỏ ra ngoài. Hình như anh thương em từ ngày đó.
Thương theo
nghĩa muốn chia sẻ cùng em một chút cơn đau. Khi em rời Trại Cấm, lên
khu
chuyển tiếp, chờ gặp phái đoàn, chờ ngày đi định cư, chỉ tới phút đó,
anh mới
nhìn rõ tình cảm của mình. Anh mừng thầm, vì chẳng bao giờ em biết
được, và khi
anh chạy theo em, chắc chắn là em đã đi rồi. Anh mặc cả cùng số mệnh,
nếu anh qua
được, em còn ở đó, anh sẽ nói...
Em nhớ lần
đầu anh xin hôn em? Bữa đó, em đang ngồi ăn. Anh
H. xong trước, bỏ ra ngoài tụ tập với đám bạn bè cũng lính tráng, sĩ
quan ngày
xưa. Em vừa ăn, vừa cười, vừa nói... Môi em bóng nhẫy, anh không thể
dằn được,
hỏi xin. Em láu lỉnh trả lời:
Trời đánh còn
tránh bữa ăn!
Chính cái
tính tình thông minh, cái bĩu môi đầy gợi cảm, cái
lối nói như buộc lấy nhau đó làm anh khốn khổ, khốn nạn vì em.
Ngay cả lá
thư đầu em viết, anh cũng không thể ngờ được. Bữa
đó, anh qua nhà, em nghiêm trang nói: "Thầy ngồi xuống đây, sửa giùm em
bài tiếng Anh". Đâu có ngờ đó là những tình cảm, sự hối hận, cơn hoảng
sợ
vì trò đùa biến thành sự thật:
What we are
doing is not good... Cái điều chúng ta đang làm
không tốt. Thầy đừng qua nhà em nhiều. Khi em đi rồi Thầy sẽ khổ. Em
cũng nhớ
Thầy vậy.
Họ nói, họ
thấy hai ông tiên, râu tóc bạc trắng, mỗi ông cầm
một cuốn sổ, ngồi đối diện trên hai mỏm đá. Bên dưới là những hồn ma,
kẻ khóc
lóc, kẻ năn nỉ... "Sự thật" nổ bùng ra, như thuốc súng. Mọi người đổ
xô ra mân mê, khẩn cầu hai mỏm đá vô tri. Có thể vì quá bực mình, hoặc
ái ngại,
hoặc muốn cho cuộc phán xét tử sinh được công tâm, hai vị tiên đã cho
xây những
bức tường cao, che kín mọi bí ẩn.
Bây giờ nếu
bạn không tin, xin mời tới Sikiew. Những bức
tường giờ này vẫn còn, và được dùng vào việc giam tù, đóng dấu ấn Địa
Ngục.
Trong những
điều được nói về Sikiew, tất cả chỉ là bịa đặt,
hoặc tô điểm. Duy có điều này: Nó thực sự là một địa ngục.
-Nước mắt
cũng có hạn. Nơi này đổ ra nhiều thì nơi khác dè
xẻn lại.
-Bạn muốn
nói, đừng lạm dụng cảm xúc?
-Người ta chỉ
đọc khi xúc động. Nhưng chớ bao giờ lạm dụng
cảm xúc của độc giả cũng như của chính mình.
12 giờ đêm.
Không ai ngủ
được. Có chăng chỉ là vật vờ, khắc khoải. Cứ
như áy náy, xót xa một điều gì. Trời không nóng. Sikiew vào độ cuối năm
thường
se lạnh về đêm. Một số người ngày thường vốn dễ ngủ, vậy mà đêm nay
cũng làm
như bực mình vô cớ. Họ kéo nhau ra sau căn lều bầy một bàn trà, nhỏ to
trò
chuyện. Đám an ninh, vốn rất nghiêm với những vụ vi phạm 48 điều nội
qui, đêm
nay sao cũng như chùng xuống. Trong căn lều đèn đã tắt. Đám người quanh
bàn trà
thỉnh thoảng khum tay che ngọn đèn cầy chập choạng trước gió. Ngoài kia
trăng
lưỡi liềm treo chếch, ngược ngạo một bên trời, sau rặng cây. Trong căn
lều có
ai đó la ú ớ. Mọi người giật mình. Không phải. Báo động hoảng.
1 giờ sáng
Luồng gió
lạnh tẩm đầy thứ sương sớm ẩm độc của miền núi
theo nhau ùa xuống thung lũng Sikiew. Bóng đen sẫm của khối núi phía
sau Trại
đè nặng lên mớ lều lùn tịt. Ánh trăng mầu huyết dụ rùng mình giữa đám
lá cây.
Một con cú từ họng núi xa, nhắm căn lều vỗ cánh loạn xạ. Tiếng đập cánh
làm một
con chó hoang rướn cổ tru dài. Con cú đảo một vòng quanh lều, rúc lên
một hồi.
Một con mèo đen, từ một xó xỉnh nào, bỗng nhẩy xổ lên mặt bàn. Mấy
chiếc ly
giật mình kêu loảng xoảng. Ngọn đèn cầy chao nghiêng, rỏ xuống mặt bàn
mấy giọt
nến làm dấu.
Đột nhiên
nhận ra sự hiện diện của đám người ngồi quanh bàn,
con cú đảo về phía núi, đầu ngoái lại như tiếc rẻ. Câu chuyện đang từ
đề tài
muôn thuở, thanh lọc, bỗng chuyển qua điềm triệu. Một anh chàng trung
niên, cựu
sĩ quan, quả quyết chính mắt nhìn thấy một con cú khổng lồ trên nóc
dinh Độc
Lập, đúng đêm 30 tháng Tư năm nọ. Nó cứ rúc lên từng hồi. Mọi người
rướn dài
cổ, há hốc mồm... "Hỡi các anh em binh sĩ, sĩ quan, hãy buông súng đầu
hàng!"
2 giờ sáng
Sương xuống
nhiều hơn. Trời đất mù mù, ảo ảo, nhuộm mầu máu
bầm của lưỡi trăng ma quái móc một nửa vào mái bệnh viện. Con cú trở
lại. Sợ đám
người, nó lựa một cành cây chết ngay bên dưới lưỡi trăng, rúc lên từng
hồi. Đám
người không ai bảo ai, lượm đá ném tới tấp. Không thèm để ý đến việc
làm vô
ích, con cú chờ đám người hết lăng xăng, một lúc sau mới rời cành cây,
theo
hướng núi bỏ đi.
3 giờ sáng
Anh chàng
thanh niên chợt thức giấc, ngó lên căn lều, ngạc
nhiên lẩm bẩm: "Quần áo ai treo lủng lẳng...". Bỗng anh giật bắn
người, tỉnh hẳn.
Xác cô gái
được gỡ xuống, đem cho mấy ông Y Sĩ Không Biên
Giới.
Yêu tức là
cầu chúc quên được nhau
Sikiew nổi
tiếng trong đám người tị nạn vì bụi của nó.
Ngay những
giấc mơ của họ cũng đầy bụi.
Chúng mình
chỉ là hai hạt bụi lỡ thương nhau.
Người xưa
thèm nắm áo đề thơ. Có lần anh mơ thấy em. Và sau
đây là bài thơ nắm áo:
Chiều ngu
ngơ
phố thị...
(Khi chuyện
cô gái treo cổ tự tử xẩy ra, anh và em đã rời
Sikiew. Chắc em còn nhớ Dũng, học trò Pháp văn, bạn cờ, và cũng là
người giúp
đỡ anh rất nhiều trong những ngày ở Trại Cấm. Dũng đã ghi lại, gửi lên
trại
Transit cho anh, nhờ sửa rồi gửi cho các báo hải ngoại, hy vọng có chút
tài
liệu khi tái thanh lọc. Dũng rất mê văn chương, rất phục Garcia
Marquez. Chi
tiết con cú đậu trên nóc dinh Độc Lập là của Dũng. Cũng vậy, những đoạn
tả cảnh
địa ngục trong lúc chờ đón linh hồn nạn nhân. Anh chỉ sửa lời văn, thêm
thắt
một vài chi tiết. Chính chi tiết lý thú đặc chất Garcia Marquez về con
cú đã
gợi hứng cho anh, và anh đã viết thành một truyện ngắn, tác giả Nguyễn
Anh
Dũng, gởi đăng ở một tờ báo ở Úc, và một ở Canada. Hồi ở trại Transit,
hình như
em đã có đọc.
Lâu
lắm, anh không còn nhận được tin của Dũng. Anh viết lại
câu chuyện trên, thêm phần của anh và của em, như một kỷ niệm những
ngày ở
Trại. Anh mong một ngày nào em sẽ đọc, Dũng sẽ đọc, và biết rằng, chính
anh ta,
và bây giờ có em, là tác giả truyện ngắn này).
Nguyễn Quốc Trụ