gau

Tác Giả Nước Ngoài


Phỏng vấn 2










Taslima Nasreen:

Phải chỉ trích hồi giáo.
Với tôn giáo này, phụ nữ bị coi là nô lệ, và là những món đồ thỏa mãn tình dục.


Lời người giới thiệu:

Taslima Rasreen, nữ văn sĩ Bangladesh, năm nay 40 tuổi, là một người tranh đấu cho nữ quyền, hiện đang sống lưu vong, kể từ khi nhà cầm quyền nước này kết án cuốn sách đầu tiên của bà, Lajja, (được dịch ra Pháp ngữ với cái tên "Sự Tủi Hổ" (La Honte, nhà xb Stock, 1994). Cuốn sách mới nhất của bà: Utal Hawa (Rafale de vent: Cuồng phong). Sau đây là trả lời phỏng vấn của bà,
Francois Armanet thực hiện - t bản tiếng Anh - cho tạp chí tiếng Pháp, Người Quan Sát Mới số đề ngày 19 tới 25 tháng Chín 2002.

Vâng đúng như thế đấy, nhà cầm quyền Bangladesh đã cấm cuốn Utal Hawa, tập thứ nhì của bộ tự truyện của tôi, tiếp theo cuốn đầu có tên là "Tuổi thơ nữ". Cấm in, cấm bán, cấm phát hành, cấm sở hữu tại xứ sở này. Họ đã cấm ba cuốn sách của tôi. Để viết được ba cuốn đó, tôi đã phải chứng kiến những cuốn khác, cũng của tôi, bị đốt, bản thân tôi bị đưa ra tòa nhiều lần, khi thì bởi nhà cầm quyền, khi thì bởi những tổ chức chính thống. Theo họ, tôi đã làm thương tổn tới tình cảm tôn giáo của dân tộc. Cuốn sách mới của tôi bị cấm, với lý do là có chứa đựng những tình cảm bài hồi giáo, có thể làm bùng nổ những xung đột tôn giáo, và làm mất sự hài hòa về chính trị cũng như là về xã hội.

Nói trắng ra là như thế này: làm gì có cái gọi là sự hài hòa về chính trị và xã hội tại quê hương tôi. Nếu có, thì cái đám khủng bố chính trị cũng như tôn giáo đã bị khu trục từ đời nảo đời nào rồi. Những tội ác, sát nhân cứ thế mà sinh sôi nẩy nở, những phụ nữ cứ mãi bị hãm hiếp, có những người phải tự tử sau đó. Hàng ngàn ngàn, trong số họ, bị đánh đập, bị ném đá cho tới chết. Từ khi tôn giáo trở thành sức mạnh cơ bản, không có không được, để xây dựng quốc gia, sự tra tấn cứ thế phát triển lên mãi. Đám chính thống đã thiêu hủy tới tận cùng điều gọi là tình tự giữa người và người. Nếu chẳng có ai lên tiếng chỉ trích, sợ sẽ chẳng còn ai có được điều gọi là thiên lương, nghĩa là chẳng còn ai dám cho rằng, mình suy nghĩ đúng. Những tình cảm tôn giáo như thế đó sẽ làm cho đất nước chúng tôi sống lùi lại trong nhiều năm, về tất cả mọi mặt.
Tôi không coi là văn minh, một xứ sở, nơi mà tự do ngôn luận không được tôn trọng. Cái gọi là dân chủ ở Bangladesh chỉ là một trò hề, và chẳng dính dáng gì tới dân chủ. Những chính trị gia được bầu lên xử sự như là những tên độc tài. Nhưng đây là chuyện xưa rồi, và cứ thế tiếp tục, ở cái xứ đó, kể từ khi nó được độc lập vào năm 1971. Những đảng phái chính trị sử dụng tôn giáo như là con tốt để kiếm phiếu. Tôn giáo là món đồ tốt nhất để đánh lừa những người vô học, ngu ngốc, và những kẻ nghèo đói.

Phải chỉ trích hồi giáo, nhất là tại những xứ sở theo đạo hồi. Đây là một hành động hữu ích cho những người dân sống tại đây. Dưới đạo hồi, chẳng có dân chủ, chẳng có quyền đàn ông, quyền đàn bà, chẳng có tự do ngôn luận: chúng làm sao sống nổi ở đó.

Điều mà những xứ sở theo đạo hồi cần nhất, đó là đưa vào đó một chủ nghĩa thế tục, nghĩa là tách biệt hẳn tôn giáo ra khỏi chính quyền, nhà nước là nhà nước, tôn giáo là tôn giáo, không được dính dấp vào nhau. Và khẩn trương bãi bỏ những luật lệ hồi giáo, để cứu những phụ nữ. Dưới hồi giáo, phụ nữ chỉ được coi như là nô lệ, và là những món đồ chơi, phục vụ tình dục, chẳng có một người nữ nào có được cái quyền sống, như là một con người. Nếu bạn thực tình mong muốn làm một điều tốt cho những sứ sở hồi giáo, bạn phải chống lại hồi giáo. Có một vài xứ sở Tây Phương, nhân danh tự do, đã làm lành, vuốt ve, xin lỗi, bầy tỏ thiện cảm với hồi giáo, và hơn thế, còn hỗ trợ đám tự coi họ là chính thống hồi giáo. Họ còn hỗ trợ cái đám khốn kiếp, nghĩa là hỗ trợ những trò nhục mạ, hành hạ, đàn áp phụ nữ của đám này, nhân danh cái gọi là chủ nghĩa đa văn hóa. Chính đám đó mới là những kẻ thù đích thưc tại những xứ sở hồi giáo.

Cứ nói thẳng ra ở đây, chẳng có chi là khác biệt giữa hồi giáo và chủ nghĩa chính thống hồi giáo. Đám chính thống áp dụng đúng cái gọi là hồi giáo thực sự. Những xứ hồi coi tôn giáo này như là sức mạnh cơ bản nhằm đưa đất nước tiến lên, sẽ tụt hậu thê thảm, trước lịch sử hiện đại.

Chúng ta đã được nghe quá nhiều, về điều gọi là sự đụng độ giữa Tây Phương và Hồi Giáo. Tôi không chia sẻ cái quan niệm này. Thực thế là, có một sự đụng độ giữa thế tục và [đám tự coi là] chính thống, giữa hiện đại và chống hiện đại, giữa đổi mới và truyền thống, giữa tinh thần suy tính đâu ra đó (esprit logique rationnel) và niềm tin mù quáng bất cần tới lý lẽ, giữa quá khứ và tương lai. Có sự xung đột, giữa những người yêu tự do và những người không yêu. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao giải quyết? Bằng bom đạn ư? Không, tôi không tin vào những trái bom. Muốn tống xuất chủ nghĩa chính thống ra khỏi xã hội, khí giới tuyệt vời nhất, đó là học vấn, là giáo dục, nhất là một nền giáo dục mang tính thế tục như trên tôi đã nói tới, tách bạch hẳn tôn giáo ra khỏi nhà nước. Phải làm sao cho văn minh bay lên, với đôi cánh của nó là chủ nghĩa thế tục và chủ nghĩa nhân bản. Nên nhớ chủ nghĩa khủng bố mang tính quốc gia thật rất nguy hiểm, so với chủ nghĩa khủng bố cá nhân hay đoàn, nhóm. Cầu sao cho chúng ta đừng cho nó một cơ hội mỏng manh nào nhằm hủy diệt giống người.

Trong cuốn sách của tôi, tôi thuật lại cuộc đời của mình, được nuôi nấng trong một gia đình tín ngưỡng, trước khi trở nên nghi ngờ và sau cùng, trở thành vô tín ngưỡng. Tôi thường nói tới cuộc đời tệ hại, tai tiếng (scandaleux) của nhà tiên tri Mahomet, được coi là vị thánh đối với những tín đồ của ông, và những người này sẵn sàng chết để theo chân ông ta. Tôi phải đối đầu với những bạn bè y sĩ của tôi, tại đại học y khoa cũng như tại bệnh viện; họ tiếp tục tới giáo đường để cầu nguyện. Là những người nghiên cứu khoa học, làm sao hiểu nổi, họ có thể tin tưởng một câu chuyện tôn giáo quái đản, phi lý đến như thế cơ chứ? Lẽ dĩ nhiên, sự cấm đoán cuốn sách của tôi là do quyết định nhà cầm quyền, nhưng tôi ngạc nhiên tự hỏi, liệu có một người, chỉ một người nào đó, tại xứ sở của tôi, thốt nên lời, rằng: "Tôi không ưa những ý nghĩ của bạn, nhưng tôi có thể chết, để cho bạn có quyền diễn tả những ý nghĩ đó." Tôi đâu dám mơ tưởng một Voltaire tại xứ sở tôi, nhưng ít ra cũng có lấy một mẩu nói, một đoạn văn, của một người nào đó, khiêm tốn, chân thành thôi, vậy là quá hãn hữu rồi! Mặc dù hồi giáo bịt miệng tất cả lời nói, cầm tù tất cả suy nghĩ, nhưng phải tìm ra, chỉ một dấu hiệu, như vậy.

Francois Armanet thực hiện

Jennifer Tran chuyển ngữ