gau
Nguyễn Quốc Trụ
phụ trách

CHUYỂN NGỮ

Nguyên bản tiếng Anh




Tiểu Thuyết Chưa Chết

Salman Rushdie 

Mới đây, tại Hội Những Nhà Xuất Bản Anh, Giáo sư Steiner xổ ra một miệng chữ: "Chúng ta ngày càng chán tiểu thuyết... Những thể loại văn học lên, rồi xuống, nào hùng ca, nào sử thi, nào bi kịch. Những đỉnh cao một thời, rồi sau đó, tàn lụi. Người ta vẫn còn viết tiểu thuyết, còn lâu mới thôi viết nó, nhưng, ngày càng là một cuộc tìm kiếm những hình thức lấp lửng, nửa đực nửa cái, điều mà chúng ta giản dị gọi là thực tại/giả tưởng...Tiểu thuyết làm gì được, vào những ngày như thế này, khi nó phải đọ sức với những thể loại mạnh khỏe hơn, thí dụ một bài phóng sự hảo hạng, hay cả một dòng triều dâng cao là thứ viết trực tiếp, nhảy xổ vào thực tại?...”
”Pindar có lẽ là người đầu tiên trong lịch sử, nói, Bài thơ này sẽ còn được cất lên khi mà thành phố mà nó ca ngợi đã mất tăm mất tích, không còn hiện hữu.” “Thách đố mới cao ngạo làm sao, như nhổ thẳng vào mặt Thần Chết. Ngày nay, ngay cả một thi sĩ lớn lao nhất cũng tỏ ra bối rối, khi đành phải đanh đá: Thơ của... tui không dành cho bạn!“
”Thì cũng chỉ là vô thường mà thôi, nhưng cái vô thường cổ điển kia mới cao ngạo làm sao: " Ta còn mạnh hơn cả cái chết. Ta có thể xoa đầu nó, ở trong thơ của ta, bi kịch của ta, tiểu thuyết của ta, bởi vì ta đã chiến thắng nó, bởi vì ta, ít nhiều chi, thì cũng thường hằng, permanent".
”Nào đâu, những cao ngạo như thế, vào giờ này?"

 Thế là một lần nữa, bằng một giọng rổn rảng nhất, lời ai điếu lại đuợc cất lên. Thì cũng vẫn bản kẽm cũ, lời ca... xưa rồi Diễm ơi, về một Cái Chết Của Tiểu Thuyết. Cộng thêm vào cái chết của tiểu thuyết, Giáo sư Steiner kèm thêm cái chết [nếu không phải cái chết, thì là sự biển đổi triệt để] của Người Đọc, biến thành đứa con hoang đàng của máy điện toán, một thứ khùng điên, vô dụng; và cái chết, [hay ít ra, sự biến đổi triệt để thành một dạng điện tử] của Cuốn Sách, chính nó.
Cái chết của Tác Giả được thông báo cách đây nhiều năm, tại Pháp - và Cái chết của Bi Kịch thì được chính Giáo sư Steiner thông báo trước đó, bằng một lời ai điếu hết sức thê lương, để lại trên sàn diễn xác chết, nhiều hơn cả màn vãn tuồng Hamlet.
Sừng sững, uy nghi, và cũng trơ cu lơ, ở trên sàn diễn, giữa một đống tử thi, là me-sừ Fortinbras (1), chính luỷ, và trước lủy, tất cả chúng ta, những người viết của những bản văn không có tác giả, những người đọc của thời kỳ hậu-văn chương, Căn Nhà Usher tức kỹ nghệ in ấn, xuất bản - vương quốc Đan Mạch với một cái gì hư ruỗng ở trong nó - và luôn cả những cuốn sách, tất cả đều ngả đầu, trước... Nhà Phê Bình, chính luỷ!

Chú thích: (1). Fortinbras: nhân vật trong Hamlet, kịch Shakespeare, cháu gọi vua Na Uy bằng chú, trong khi Hamlet là con trai vua Đan Mạch. Fortinbras được coi là con người của hành động, còn Hamlet, của suy tư. Sau khi H. chết, F. tin rằng, H. mới xứng đáng là vua, nhưng điều này đâu có ngăn cản chuyện F. đoạt lấy ngai vàng Đan Mạch.

 Một nhà văn thế giá cũng vừa mới tuyên bố về sự từ biệt cõi đời của một thể loại văn học mà ông ta là một trong những kẻ thực tập nổi tiếng. Ông V.S. Naipaul không những ngưng viết tiểu thuyết, mà còn bị dị ứng bởi chính cái từ tiểu thuyết: bây giờ, cứ mỗi lần nghe ai nhắc đến nó là ông cảm thấy bịnh. Cũng như Giáo sư Steiner, tác giả Một Căn Nhà Cho Ông Biswas cảm thấy rằng, tiểu thuyết đã sống quá dai, vượt quá hoàn cảnh, thời điểm lịch sử của nó, không còn có ích, và cũng chẳng còn nhiệm vụ nào dành cho nó nữa: Mi nên chết đi là vừa. Để cho kẻ khác thế chỗ mi, đó là cách viết sự kiện [factual writing]. Sẽ chẳng có ai ngạc nhiên, rằng, ông Naipaul như vậy là đang ở đúng bước ngoặt của lịch sử, và là người tiên phong, mở ra một thể loại  tân kỳ: Trường phái văn học tân hình thức thời kỳ hậu giả tưởng

Chú thích:  Ông Naipaul, và bây giờ là Ngài Vidia, mới cho xuất bản một cuốn tiểu thuyết, Nửa Đời Người, Half a Life, năm năm sau lời tuyên bố kể trên. Chúng ta phải cám ơn Ngài là đã mang cái thây ma trở lại với đời sống.

 Một nhà văn lớn lao khác, cũng người Anh, đã từng phán:
"Rõ ràng là vào lúc này, thế giá của tiểu thuyết xuống quá thấp. Thấp đến nỗi câu "Tớ đếch thèm đọc tiểu thuyết", trước đây người ta còn nói nho nhỏ, và có tí ti ra vẻ xin lỗi, cảm phiền ở trong đó, bi giờ người ta la vỡ làng vỡ xóm, và rất ư hãnh diện. Nếu không có những đầu óc kha khá sấn tay vô, sợ rằng tiểu thuyết sẽ trở nên nhạt phèo, chẳng bõ đọc, trở thành một thứ dị dạng, giống mấy tấm bia mộ hiện đại."

Geoge Orwell đã viết những dòng trên, vào năm 1936. Người ta nói - và như Giáo sư Steiner xác nhận - tiểu thuyết chẳng hề có tương lai. Ngay cả những tác phẩm như Iliad và Odyssey, khi vừa mới ra lò đã bị mấy ông điểm sách chê lên chê xuống. Những thứ viết tốt luôn luôn bị tấn công, luôn luôn là bởi những nhà văn tốt. Cứ nhìn lại lịch sử văn học là thấy rõ, không có đại tác phẩm nào mà không bị tấn công khi vừa mới xuất hiện. Và [lẽ dĩ nhiên], chẳng có nhà văn nào mà yên thân với những đồng nghiệp của mình, một khi tiếng tăm của anh ta /chị ta có vẻ lên giá. [Gấu tôi lại nhớ tới lời mắng mỏ NHT, về tí tỉ tì ti danh tiếng quốc tế của ông: mới nho nhoe  một tí mà đã...].
Aristophanes đã từng gọi Euripides 'tuyển tập gia những bản kẽm cũ mèm"; Samuel Pepys coi Giấc Mộng Đêm Hè [của Shakespeare] là 'nhạt thếch và ngu xuẩn'; Charlotte Bronte ném tác phẩm của Jane Austen vào thùng rác; Zola coi Ác Hoa của Baudelaire là đồ bỏ; Henry James coi rác rưởi, những tác phẩm Middlemarch, Đỉnh Gió Hú, Người Bạn Chung Của Chúng Ta. Và tất cả mọi người đều nhếch mép khinh khi Săn Cá Voi Trắng [Moby Dick ]. Tờ Le Figaro thông báo, khi Bà Bovary vừa được xuất bản, tác giả của nó, "Ông Gustave Flaubert không phải là một nhà văn". Virginia Woolf gọi Ulysses là "thứ đồ tầm bậy, vô học"; tờ Thư Tín Odessa viết về cuốn Anna Karenina, "một Marie Sến [sentimental rubbish].... (1). Hãy chỉ cho tôi một trang có một mẩu tư duy ở trong đó."
[Chú thích: (1) Xin lỗi, đùa nhả một tí. NQT]

 Bây giờ, khi giới phê bình Đức tấn công Gunter Grass, khi, như tiểu thuyết gia và phê bình gia người Pháp, Guy Scarpetta cho chúng ta biết, giới văn học Ý "ngạc nhiên" về chuyện thế giới đánh giá cao hai nhà văn Italio Calvino và Leonardo Scascia , khi, những khẩu cà nông đều chĩa họng vào Saul Bellow, bắn ra những viên đại bác có tên là chính trị phải đạo, khi Anthony Burgess "coi nhẹ" Graham Greene, liền tức thì sau khi ông này mất, khi, Giáo sư Steiner, vẫn luôn luôn đầy tham vọng như là ngài vẫn là, bắt giò bắt gân, không chỉ vài nhà văn, mà trọn gói văn học Âu Châu sau khi thoát ra khỏi cuộc chiến, chúng ta hiểu rằng họ đều đau, nỗi đau hoài nhớ một thời đại hoàng kim văn hóa, trong đó có tiểu thuyết, rằng đây là một hoài nhớ lập đi lập lại, giống như chu kỳ của một thứ bịnh hoàng đởm, về một quá khứ văn học, mà vào lúc đỉnh cao của nó, chưa chắc đã tới mắt cá chân, hay đầu gối của nền văn học bi giờ.
Giáo sư Steiner nói, "Gần như là một định đề, rằng bi giờ, thứ tiểu thuyết loại gộc đến từ vùng biên cương xa vời, từ Ấn Độ, từ vùng biển Caribbean, từ Mỹ Châu La Tinh,", và một vài người  sẽ cho rằng, tôi là một thằng khùng khi phản đối một tầm nhìn xa trông rộng, về một trung tâm tiểu thuyết đã cạn kiệt và một miền ven biên tràn trề sức sống. Nhưng nếu tôi có tỏ ra khùng khùng man man, một phần là do tiếng than van tiếc nuối cho một "Trung Nguyên" Âu Châu, của một dòng giống Hán tộc nào đó, nói rõ hơn, chỉ một tay trí thức Tây Âu mới thốt lên một lời ai điếu thê lương như vậy, cho cả một nền nghệ thuật, dựa trên căn bản, rằng, những nền văn chương, thí dụ như của Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha không còn là những nền nhất đẳng văn chương ở trên trái đất này, [người ta không hiểu, Giáo sư Steiner coi Mỹ Châu là trung tâm, hay là ven biên, thành thử, một tầm nhìn xa trông rộng theo kiểu bằng bằng, chim bay là là, ở trên mặt trái đất, như của Giáo sư, thì thật khó mà theo cho nổi. Nhìn từ chỗ mà tôi đang ngồi, nền văn học Mẽo có vẻ đẹp dáng ra phết].

Vả chăng, mắc mớ gì tiểu thuyết loại gộc đến từ đâu, một khi mà chúng vưỡn tới? Và trái đất phèn phẹt nào vậy, nơi vị giáo sư tốt [the good professor] sống, với những người La Mã chán chường ở "Trung Nguyên" [ở trung tâm], và những người Hottentots [một giống dân Nam Phi], và những giống dân ăn thịt người, có tài một cách đáng sợ, ở mãi tít ven biên? Cái bản đồ mà Giáo sư Steiner có ở trong đầu, là một bản đồ hoàng gia, và những đế quốc Âu Châu, thì đã tuyệt chủng từ đời tám hoánh nào rồi. Cả một nửa thế kỷ, mà những sản phẩm văn học của nó đã chứng tỏ, cho hai vị Steiner và Naipaul, sự suy thoái của tiểu thuyết cũng là nửa đầu thế kỷ thời kỳ hậu-thuộc địa. Đâu có chi là khó hiểu, sự kiện, một trường phái tân tiểu thuyết đang nở rộ, một thứ tiểu thuyết hậu-thuộc địa, "đếch cần" một thánh địa "Trung Nguyên", [không qui tâm, de-centered], xuyên-quốc gia, transnational,  liên-ngôn ngữ, inter-lingual, "giao lưu hòa hợp hòa giải" văn hóa, cross-cultural; và trong trật tự mới này, hay hỗn loạn, hổ lốn thì cũng được, chúng ta tìm thấy một lời giải thích tuyệt hơn, thú vị hơn, về một vóc dáng mạnh khoẻ, đỏ da thắm thịt của tiểu thuyết hiện đại, hơn là quan niệm thoát thai từ Hegel, và ra cái điều bố già, [không có Âu Châu thì lấy đâu ra tiểu thuyết], của Giáo sư Steiner, rằng, sáng tạo có ở miền "ven biên", là do, đây là những khu vực "ở vào giai đoạn sớm sủa của văn hóa trưởng giả, thuộc một thể loại hoang sơ hơn, thô lỗ hơn, và cũng  nhiêu khê hơn".
Nói cho cùng, từ thập niên này tới thập niên kia, chính quyền Franco đã thành công trong việc bóp nghẹt dòng văn chương [viết bằng tiếng] Tây Ban Nha, chính vì vậy mà mọi cặp mắt đều nhắm về những nhà văn tuyệt vời vùng Mỹ Châu La Tinh. Cái gọi là trăm hoa đua nở ở khu vực này, là hậu quả sự ung thúi thế giới trưởng giả cũ, cũng như sự sáng tạo hoang sơ cái mới. Và, thật kỳ cục, khi miêu tả  văn hóa cổ xưa, phức tạp và tế nhị [sophisticated] của Ấn Độ, là như sống trong một thời "xa xưa hơn, hoang dại hơn", so với Tây Phương. Với những giai cấp thương mại lớn lao, hệ thống thư lại tỏa rộng ra mãi, sự bùng nổ kinh tế, Ấn Độ sở hữu một trong những nền trưởng giả rộng lớn nhất, đầy tiềm năng nhất trên thế giới, và nó là như vậy, bền lâu, vững chãi, chẳng thua gì Âu Châu. Một nền văn học lớn lao, khổng lồ, một giai cấp độc giả có học, là chẳng có chi là mới lạ đối với đất nước này. Cái mới, cái lạ, là, sự trồi lên, ló đầu, nở rộ, của một thế hệ tài năng những nhà văn Ấn Độ, viết bằng tiếng Anh (working in English). Cái mới, cái lạ, là 'Trung Nguyên' đã phải để ý tới một "miền ven biên"; miền ven biên này bắt đầu nói, trong hằng hà sa số những ấn bản, một thứ ngôn ngữ mà Tây Phương ngày càng dễ hiểu.
Còn cái chân dung mà Giáo sư Steiner vẽ ra, về một Âu Châu cạn kiệt, theo như suy nghĩ của tôi, là nhảm, thật nhảm. Và cũng thật dễ dàng chứng minh, rằng nó nhảm, thật nhảm. Năm chục năm gần đây nhất của nó đã cho chúng ta, chỉ kể một vài trong muôn vàn, những tác phẩm của Albert Camus, Graham Greene, Doris Lessing, Samuel Beckett, Italo Calvino, Elsa Morante, Vladimir Nabokov, Gunter Grass, Aleksandr Solzhenitsyn, Milan Kundera, Danilo Kis, Thomas Bernhard, Marguerite Yourcenar. Bạn có thể làm một danh sách của riêng bạn. Nếu tiện tay, bạn thêm vào đó những nhà văn vượt quá biên giới Âu Châu, thế là bạn có cả một mùa gặt giầu có như chưa từng giầu có như vậy, những nhà văn lớn đang sống và đang làm việc cùng một lúc - rằng cái sự bi quan dễ dãi của Steiner-Naipaul không chỉ làm cho chúng ta chán ngán, mà còn thật khó tin. Nếu Ngài Naipaul chẳng còn ao ước, và không thể viết tiểu thuyết nữa, chắc chắn đây là một tổn thất lớn lao cho chúng ta. Thôi đành vậy, chúng ta bèn tự nhủ thầm, nhưng nghệ thuật tiểu thuyết, không nghi ngờ chi, [sẽ bĩu dài cái môi, rằng vắng em thì chợ vưỡn cứ đông, rằng đường ta cứ đi, ruộng ta cứ cầy, tiểu thuyết ta cứ viết], vẫn sống nhăn răng, đếch cần tới ông ta.

Theo tôi, chẳng có khủng hoảng ở nghệ thuật tiểu thuyết. Tiểu thuyết, chính là dị dạng chân trong chân ngoài, nửa đực nửa cái [hybrid] mà Giáo sư Steiner than thở đó. Trong nó, có phần tra hỏi xã hội, có tính truyền kỳ mạn lục, hồn ma bóng quế, liêu trai chí dị, và có luôn cả cái phần thú tội theo kiểu kể trong đêm khuya, hồi ký viết dưới hầm, lời thú tội của một tên sát nhân... Như thế, tiểu thuyết luôn luôn vượt đường ranh, về tri thức cũng như về phong thổ. Tuy nhiên, ngài giáo sư đúng, khi cho rằng, rất nhiều nhà văn tốt đã làm mù mờ những đường ranh giữa sự kiện và giả tưởng. Cuốn tiểu thuyết tuyệt vời về Haile Selassie, The Emperor, của Ryszard Kapuscinski, là một thí dụ đầy tính sáng tạo, làm sao mù mù ảo ảo giữa hai miền thực và mộng. Cái gọi là thể Tân Báo Chí được phát triển ở Mỹ, bởi Tom Wolfe và những người khác, đúng là một toan tính thẳng thừng trấn lột quần áo của cô tiểu thư có tên là tiểu thuyết. Và trong trường hợp cuốn Radical Chic & Mau-Mauing the Flak Catchers, hay The Right Stuff, của chính Wolfe, toan tính trấn lột này đã thành công một cách thật là thuyết phục. Kiểu vừa đi đường vừa kể chuyện [xin lỗi đã chôm từ này của "Cụ Hồ"], "travel writing", đã bung ra và ôm luôn những tác phẩm nặng tính suy tư văn hóa, Danube của Claudio Magris, thí dụ vậy, hay Biển Đen của Neal Ascherson. (1) 

(1): Nếu nói về nặng tính suy tư văn hóa, Rushdie quên không kể, cuốn vừa đi đường vừa kể chuyện của Claude Lévi-Strauss: Tristes Tropiques, Nhiệt Đới Buồn Hiu. Nhan đề này cũng gây nhiều tranh luận, khi cuốn sách được dịch qua tiếng Anh, do chẳng có một từ tiếng Anh nào dịch nổi "Buồn Thiu", hay "Buồn Hiu", như trong ghi chú của người dịch, John and Doreen Weightman, nhà xb Penguin, 1992.

Kể từ khi cuốn này lần đầu tiên được dịch qua tiếng Anh vào năm 1955, nó đã nổi tiếng toàn thế giới qua cái tên bằng tiếng Tây của nó - và do yêu cầu của M. Lévi-Strauss- chúng tôi đã giữ nguyên tên tiếng Tây cho lần in này. Những cái tít có thể có bằng tiếng Anh, như "Sad Tropics", hay "The Sadness of the Tropics", hay, "Tragic Tropics"... không hoàn toàn chuyển hết nghĩa, hoặc hàm ý của "Nhiệt Đới Buồn Hiu", vì từ này ôm trong nó tính hài, tính thơ... và còn vì lời than, "Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu", của một con hổ nhớ rừng! ["Alas for the Tropics"].
Và trước một "tour de force" [một tác phẩm người viết phải đánh vật với nó], thông minh, sáng chói, như Cuộc hôn nhân của Cadmus và Harmony, của Roberto Calasso, trong đó việc tái thẩm định những huyền thoại Hy lạp đã đẩy độc giả tới đỉnh cao của sự căng thẳng và niềm hoan lạc, mà chỉ những cuốn tiểu thuyết bảnh nhất mới có thể làm nổi, và người đó, hoặc vỗ đùi bành bạch, hoặc nghiêng đầu chào đón sự ra đời của một thể loại mới, một cách viết, tuy "hình thức" thì có vẻ như một thứ tiểu luận, nhưng "nội dung" thì tràn trề tưởng tượng [a new kind of imaginative essay writing], hay đúng hơn, sự trở về của lối viết vui nhộn mà lại mang tính bách khoa của Diderot, hay của Montaigne. Tiểu thuyết có thể chào mừng những phát triển như vậy, mà chẳng hề lo sợ, bị đe dọa, hoặc lấn đất giành dân, hoặc đành phải chấp nhận một cuộc ngưng chiến da beo! Có chỗ cho tất cả chúng ta, nào chống cộng cực đoan, nào hận thù nam bắc, nào giao lưu hòa giải, hoà hợp dân tộc!

Cách đây ít năm, tiểu thuyết gia người Anh, Will Self cho ra lò một cái truyện ngắn tếu "Lý Thuyết Lượng Tử Về Khùng Điên", trong đó giả dụ, con số khỏe mạnh của nhân loại đã được ấn định, hoặc có thể là một hằng số; nếu như vậy, toan tính chữa bịnh khùng cho loài người là vô ích, bởi vì một anh này ở Việt Nam, thí dụ vậy, được chữa khỏi, thì một ả kia ở Mẽo chẳng hạn, dính trấu. Cứ thử tưởng tượng tất cả chúng ta cùng ngủ chung một giường, chỉ có một cái mền, và cái mền này - tức sự khỏe mạnh -  nhỏ quá, không đủ che cho tất cả. Một người kéo chiếc mền, lập tức mấy ngón chân một người khác ló ra. Đúng là quá tức cười, nhưng lạ lùng thay, nó làm chúng ta liên tưởng tới lập luận "cà chớn" [zaniest] của Giáo sư Steiner, nhưng thay vì cà chớn thì giáo sư trình bầy bằng một giọng rất ư là nghiêm túc: rằng, tại bất cứ một thời điểm nào đã cho, đều hiện hữu một tổng số xác định những tài năng sáng tạo, và vào lúc này, mấy thằng chả kia , tôi muốn nói, ba cái trò điện ảnh, truyền hình, và ngay cả quảng cáo, kéo cái mền về phiá chúng nó, thế là cô tiểu thư tiểu thuyết bị hở banh ra, nằm co ro run rẩy trong cái lạnh khủng khiếp của mùa đông văn hóa của chúng ta [our cultural winter].
Khổ một nỗi, lý thuyết trên đây "nhảm" ở chỗ, nó giả dụ mọi tài năng sáng tạo thì giống nhau y chang, nghĩa là cùng một loại. Áp dụng ý niệm trên vào môn điền kinh là thấy ngay sự phi lý tổ bố của nó. Con số những cao thủ marathon không hề giảm đi, một khi môn thể thao này phổ thông mãi ra. Phẩm chất  vận động viên nhảy cao không mắc mớ gì tới con số cao thủ nhảy sào.
Có vẻ như sự xuất hiện những thể loại, những hình thức mới mẻ của nghệ thuật đã cho phép nhiều nhóm người mới mẻ nhập vào cuộc chơi sáng tạo. Tôi biết rất ít, những đạo diễn bậc thầy kiêm luôn tiểu thuyết gia bậc thầy: Satyajit Ray, Ingmar Bergman, Woody Allen, Jean Renoir, và chỉ có thế. Nụ hôn tuyệt vời mà ông tài tử lừng danh gốc Hy Lạp dành cho nàng Lara ở trong phim Vĩnh Biệt Tình Em, theo bạn, liệu thay thể nổi [và đích xác là] mấy trang, Bác sĩ  Zhivago? (1). Những cao thủ viết kịch bản phim, họ là những cao thủ, chắc chắn rồi, nhưng họ không suy nghĩ theo kiểu văn chương mà theo kiểu điện ảnh.
Nói ngắn gọn, sự đe dọa của những môn chơi đòi hỏi kỹ thuật cao không làm tôi lo âu nhiều, so với Giáo sư Steiner. Có lẽ chính sự kiện quá đơn giản, nếu nói về kỹ thuật viết [chỉ cần cây viết mẩu giấy], chính cái đó, đã làm cho văn chương sống sót, và cứ sống sót hoài. Những phương tiện biểu tỏ nghệ thuật đòi hỏi con số lớn lao nguồn tài chánh, kỹ thuật tân kỳ, rắc rối, tinh vi - tôi  muốn nói,  những trò chơi như điện ảnh, kịch, diã - chính vì chúng như thế, nên bị tuỳ thuộc, và do đó, bị kiềm chế, kiểm duyệt, trong khi, làm sao nhà nước toàn trị  có thể huỷ diệt đuợc điều mà nhà văn lặng lẽ làm, trong cô đơn của một gian phòng? 

(1) Nguyên văn: Bạn có thể đọc bao nhiêu trang sách đầy những chất liệu nóng bỏng của Quentin Tarenrino, bao nhiêu lần những tên găng tơ của ông ta nói chuyện đợp Big Macs tại Paris, hay là thay vì đọc, hãy nhờ mấy tay tài tử Samuel Jackson hay John Travolta nói giùm cho những trang sách đó?

Tôi  "chịu"  Giáo sư Steiner, khi ông ca ngợi khoa học hiện đại, 'nơi nào có vui chơi hưởng thụ, ăn nhậu đớp hít,  là nơi đó có hy vọng, có nhiệt tình, có ý nghĩa lớn lao về một thế giới cứ thế mà nối vòng tay lớn mí nhau', nhưng sự bùng nổ sáng tạo mang tính khoa học này, tức cười thay, là một cú đá giò lái cho "lượng thuyết sáng tạo" [quantity theory of creativity] của ông. Ý tưởng những nhà văn lớn đầy tiềm năng sáng tạo bị mất đi, nhường chỗ cho sự nghiên cứu khoa học tiềm-nguyên tử [sub-atomic], cho lỗ đen, là một chuyện khó tin, và nếu bạn có nghĩ ngược lại, thì cũng khó tin chẳng kém. Chẳng lẽ những tác giả nổi tiếng, thí dụ như Jane Austen, James Joyce, thay vì viết văn, lại chọn một "thiên hướng" khác, thế là có một Newton, hay một Einstein, của thời họ?
Trong khi tra hỏi luợng tính sáng tạo trong tiểu thuyết hiện đại, Giáo sư Steiner đã chỉ lộn hướng cho chúng ta. Nếu có cái gọi là khủng hoảng tiểu thuyết ở trong văn chương những ngày như thế này, thì nó thuộc vào một dạng khác, không như giáo sư la hoảng.

 Tiểu thuyết gia Paul Auster mới đây có nói với tôi, tất cả những nhà văn Mẽo đều nghĩ rằng, cái việc viết lách của họ đó chẳng qua là nhảm nhí, chẳng đi đến đâu, ở cái đất nước Mẽo của họ, nó giống như đá banh, người Mẽo không thích môn chơi thể thao đại chúng, ít tốn tiền, dành cho nhà nghèo này. Nhận xét này giống như một hồi âm cho nhận xét của Milan Kundera, trong tác phẩm tiểu luận mới nhất của ông, Những Di Chúc Bị Phản Bội,  trong đó, ông phàn nàn, "Âu Châu đã bất lực trong việc chống đỡ và giải thích [giải thích một cách kiên trì cho chính nó và cho những người khác], rằng đệ nhất đẳng nghệ thuật của Âu Châu, là nghệ thuật tiểu thuyết; nói một cách khác, Âu Châu đã bất lực trong việc bảo vệ và giải thích, văn hóa của chính nó. "Những đứa con của tiểu thuyết đã bỏ mặc nghệ thuật tạo nên hình dáng của họ. Âu Châu, xã hội của tiểu thuyết, đã bỏ rơi cái tôi của chính nó".

 Auster đang nói tới cái chết, nghĩa là sự hững hờ của người Mẽo, đối với việc đọc tiểu thuyết; còn Kundera, cảm quan về một cái chết , nghĩa là sự cắt đứt liên hệ văn hóa giữa người đọc Âu Châu, với sản phẩm văn hóa - ở đây,  là tiểu thuyết. Cộng thêm vào đây, đứa trẻ ngày mai của ngài Steiner, một đứa trẻ mù chữ, mê máy điện toán đến phát khùng, thế là chúng ta có thể có được cái chết của việc đọc, chính nó.

 Mà có lẽ, không phải như vậy. Bởi vì văn chương, nhất là thứ bảnh, thứ hảo hạng, không phải là món hàng ai ai cũng quan tâm, ai ai cũng vồ vập. Quan trọng văn hóa của nó không phải ở chuyện đánh đấm xếp hạng, mà là, nó bảo cho chúng ta biết, về chính chúng ta, và chúng ta không thể kiếm thấy những lời chỉ bảo đó, ở những môn nghệ thuật khác. Và thiểu số - thiểu số những con người được sửa soạn và sẵn sàng bỏ tiền ra mua sách tốt để đọc - thiểu số này lạ lùng sao, chưa từng nhiều như vậy, so với trước đây. Vấn đề phải quan tâm, là vấn đề này. Đừng lo lắng đến cái chết của độc giả, mà hãy để ý đến sự hoang mang, sững sờ của họ.

 Tại Mẽo, trong năm 1999, hơn năm ngàn tiểu thuyết mới đã được xuất bản. Năm ngàn! Chỉ cần năm trăm cuốn tiểu thuyết có thể xuất bản được, và được viết ra trong một năm, như vậy đã là một phép lạ! Phép lạ biến thành "phép lạ của phép lạ", nếu trong số năm trăm cuốn có thể xuất bản được đó, có năm chục cuốn thuộc loại tốt. Và cả nhân loại chúng ta sẽ mừng rú lên, nếu trong số năm chục cuốn tốt đó, có một cuốn, một và chỉ một mà thôi, là "một" đại tác phẩm!

 Đám xuất bản, nhà nào nhà nấy, in sách ào ào, là bởi vì những biên tập viên tốt bị cho về vườn và không cần người thay thế, và ám ảnh về con số doanh thu khiến không còn phân biệt nổi tác phẩm xấu và tốt. Hãy để cho thị trường sách vở quyết định, hình như đa số các nhà xuất bản đều nghĩ như vậy. Cứ  tống hàng ra, thế nào cũng có cuốn dính! Thế là năm ngàn cuốn bầy ê hề trên quầy, và sau đó, từ trên quầy rớt xuống "lò thiêu", bao thứ lửa quảng cáo cũng chẳng làm sao cứu nổi. Đúng là một cuộc hành trình tự huỷ. Như Orwell đã nói từ năm 1936 - Bạn thấy đấy, làm có gì mới ở dưới ánh mặt trời - 'quảng cáo giết tiểu thuyết' [nguyên văn: the novel is being shouted out of existence: Tiểu thuyết đang được la lối đến nỗi ngỏm củ tỏi]. Độc giả, thất lạc giữa khu rừng nhiệt đới, gồm toàn là những tiểu thuyết rác rưởi, và thấy mình trở thành thô bỉ, vì thứ ngôn ngữ quảng cáo ngoa dụ chẳng còn có chút giá trị mà cuốn nào cuốn nấy tự khoác cho nó,  bèn dơ cả hai tay lên trời than, tớ chịu thua, tớ bỏ cuộc! Mỗi năm, tớ mua chừng vài cuốn được giải này giải nọ, có thể, một hai cuốn của những tác giả mà tớ biết tên, và sau đó, tớ bỏ chạy! In ào ào, và ngoa dụ quảng cáo khiến người đọc đếch thèm đọc sách nữa! Vấn đề không phải là, quá nhiều những cuốn tiểu thuyết  câu một số quá ít độc giả, mà là, quá nhiều cuốn tiểu thuyết xua đuổi một số quá ít đọc giả chạy vãi linh hồn [1] ra quần!

Chú thích: Chữ "vãi linh hồn" này, mượn của nữ văn sĩ Phạm Hải Anh.

 Nếu in một cuốn tiểu thuyết đầu tay là "đánh bạc chống lại thực tại", như Giáo sư Steiner đề nghị, thì vấn đề này phần lớn là do in ào ào, cứ nhắm mắt in cầu may, mà ra. Vào những ngày này, người ta nói tới một tinh thần làm ăn mới, tàn nhẫn về tiền bạc trong xuất bản. Nhưng cái mà người ta cần, là một sự tàn nhẫn trong biên tập, thứ tuyệt hảo. Chúng ta cần một cái nhìn khác, một cái nhìn trở lại, trong nhận định, đánh giá.

 Và còn một thứ nguy hiểm khác nữa mà vị Giáo sư Steiner này quên không nhắc tới, đó là, sự tấn công vào tự do trí thức, chính nó; tự do trí thức, không có nó, không có văn chương. Vả chăng, đây đâu phải là nguy hiểm mới. Một lần nữa,George Orwell, vào năm 1945, đã dâng tặng cho chúng ta một lời khuyên thật khôn ngoan, rất ư là có giá trị đương thời, và xin bạn tha lỗi cho tôi, về câu trích dẫn hơi dài dòng, sau đây:

 "Vào thời đại của chúng ta, tư tưởng tự do trí thức bị tấn công ở cả hai phiá. Một phiá, là những kẻ thù lý thuyết, nhũng tên ca tụng chế độ toàn trị, [hay, những tên cuồng tín, nói như vậy hợp thời hơn, vào những ngày như thế này],; và ở phiá kia, những kẻ thù sờ sờ, đó là quốc doanh, độc quyền và thư lại. Trong quá khứ [.....], những ý niệm về nổi loạn và sự vẹn toàn về trí thức, chúng trùng khớp với nhau, có thể nói, là một. Một tay dị giáo, theo tà thuyết - về chính trị, đạo đức, tôn giáo, hay về cái đẹp - là một con người nào đó, người này từ chối hiếp đáp, chính luơng tâm của mình, từ chối vứt lương tâm của mình vào thùng rác.

 [Vào những ngày như thế này], có một đề nghị rất ư là nguy hiểm [đó là], tự do là thứ đếch xài được, chẳng ai thèm [undesirable] , rằng, lương thiện trí thức là một hình thức ích kỷ chống lại xã hội, anti-social selfishness. Những kẻ thù của tự do trí thức luôn luôn cố làm cho người ta tin rằng, nếu chúng chống tự do trí thức, vì đây là một điều rất cần làm, một thứ kỷ luật đề ra, vì đám đông, vì tập thể, một cá nhân là cái thống chế gì, so với nhân dân! Nhà văn nào mà từ chối bán ngòi bút của mình, chúng bèn gán cho họ là những tên vị kỷ, thứ đồ chỉ biết có mình nó, đâu cần biết đến người khác. Nhà văn như thế, bị buộc tội, hoặc là, tự nhốt mình vào trong tháp ngà, hoặc, coi mình như là một nơi trình diễn, của chính cá nhân mình, hoặc một kẻ đi ngược lại trào lưu của đất nước, ngược lại  ba ngọn trào cách mạng, chỉ để nhằm bấu víu, bảo vệ những đặc quyền không làm sao biện minh được nữa của giới viết lách. [Nhưng], muốn viết không cần luồn lách, là phải suy nghĩ không sợ hãi, và nếu người nào suy nghĩ không sợ hãi, thì người đó không thể nào chấp nhận một đường lối chính trị chính thống."

 Sức ép của quốc doanh độc quyền và của chế độ thư lại, chủ nghĩa tổ hợp cá lớn nuốt cá bé, bảo thủ, hạn chế và thu hẹp phạm vi và phẩm chất của xuất bản, những chuyện đó, bất cứ một nhà văn hiện đang viết, đều biết. Về sức ép của điều không thể chấp nhận được, và của kiểm duyệt , bản thân tôi, mấy năm gần đây, được biết khá nhiều, phải nói là bội thu hiểu biết. Có rất nhiều những cuộc chiến đấu như thế đang xẩy ra trên thế giới: Tại Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Nigeria, những nhà văn bị kiểm duyệt, phiền nhiễu, làm khó dễ, bỏ tù, và bị giết nữa. Ngay cả ở Âu Châu, ở Hoa Kỳ, những "đội quân dông bão" [ám chỉ những những tên Nazi], những tên "biệt kích" [commandos] , của đủ thứ máu nóng, lạnh, đủ thứ "cảm tính", chúng tìm cách hạn chế tự do ăn nói của chúng ta. Chưa bao giờ quan trọng bằng lúc này, tiếp tục bảo vệ những giá trị nhờ chúng mà có nghệ thuật tiểu thuyết . Cái chết của tiểu thuyết thì có thể còn xa, nhưng cái chết dữ dội của nhiều tiểu thuyết gia đương thời, than ôi, là một sự kiện không làm sao tránh được. Mặc dù vậy, tôi không tin rằng những nhà văn lại từ bỏ giấc đại mộng, tác phẩm của ta sẽ trường tồn cùng với hậu thế, sau khi ta đã ngỏm củ tỏi rồi. Điều mà George Steiner gọi một cách thật đáng yêu "vô thường thôi, nhưng thật là cao ngạo", của văn chương, vẫn luôn luôn nóng bỏng ở trong chúng ta, cho dù, như ngài giáo sư nói, chúng ta tỏ ra bối rối, khi phải nói ra công khai.

[Trong mỗi chúng ta đều có một Sài Gòn âm ỉ cháy. Tôi đốt lên ngọn nến của tôi, để cho Sài Gòn của bạn sáng ngời.
NQT: Lần Cuối Sài Gòn].

Nhà thơ Ovide đã đánh dấu chấm hết cho tác phẩm Metamorphoses của ông bằng những vần thơ đầy tin tưởng:

 Nhưng, với tất cả tinh hoa ở trong tôi
Tôi sẽ chiếm được địa vị cao vời vợi, tuyệt vời hơn cả muôn sao
Tên của tôi sẽ không thể xóa nhòa và sẽ còn mãi mãi.

 Tôi chắc chắn, ở trong trái tim của từng nhà văn, đều có cùng một tham vọng như vầy: người đời còn nhắc nhở đến tôi, trong những ngày sẽ tới, cùng cái điều mà nhà thơ Rilke nghĩ về Orpheus:

Orpheus sẽ đời đời là thiên sứ
Đi qua địa ngục
Mang cho đời hoa trái ngời ngời. 

Tháng Năm 2000

Salman Rushdie

Nguyên tác: In Defense of the Novel, Yet Again. In trong Step Across this line, Hãy bước qua lằn ranh này, tuyển tập tiểu luận 1992-2002

Nguyễn Quốc Trụ dịch