*


VŨ BẰNG - Đi sâu vào tâm sự Vũ Hoàng Chương

(09/14/2011 05:55 PM)

Vũ Hoàng Chương và tôi là bạn với nhau từ thuở nhỏ. Cùng sinh trưởng một nơi (làng Phù Ủng, Hưng Yên), cùng học một trường, đến lúc ra đời lại cùng làm nghề văn bút một thời, chúng tôi lúc nào cũng e là nói đến nhau sẽ không được chiết trung.

Vì thế bài này không phải để khen hay chê Vũ Hoàng Chương. Khen thì các nhà văn, nhà báo trong nước và ngoại quốc (trong đó có hai cuốn UN DEMI SIECLE DE POÉSIE và INTRODUCTION À LA LITÉRATURE VIETNAMIENNE) nói tới rồi, mà chê lúc nào nước ta cũng sẵn sàng có những tay ngự sử trẻ tuổi điểm thơ văn của Chương một cách gắt gao, lẫm liệt, không kỳ thị.

Để góp phần vào số báo đặc biệt này, tôi gặp Vũ Hoàng Chương nói chuyện với tư cách bạn lâu ngày mới gặp nhau. Độc giả muốn liệt bài này vào loại gì cũng được, nhưng nếu cho là phỏng vấn thì tôi thiết nghĩ đây là một bài phỏng vấn tâm tình (interview sentimentale) chớ không phải là một bài phỏng vấn quảng cáo (interview publicitaire).

Tôi vừa ngồi xuống ghế thì Chương ngạc nhiên nheo mắt lại:

Chương. – Ồ, sao mà anh khác hẳn đi! Trước “đàng ấy” mặt tròn, sao bây giờ lại dài?

Tôi. – Chúng ta ai chẳng thay đổi. Ngày tháng, bịnh tật, chiến tranh… bao nhiêu thứ tàn phá và làm mòn mỏi chúng ta.

Chương. – Chết, thế tôi cũng thay đổi rồi ư? Ờ phải đấy nhỉ, ngót sáu mươi rồi… Năm nay tôi năm mươi nhăm, thế mà mình quên đi mất cứ tưởng là còn trẻ. Thôi chẳng nói đến giàvới trẻ làm gì. Có khá không?

Tôi. – Anh cứ nhìn anh, xem có thấy khá không thì biết tôi ra thế nào. Chúng ta cùng thuộc một giai cấp: anh là con nhà giàu ở Bến Thóc Nam Định, nhà rộng ngót tám trăm thước vuông, gạo chất như núi, lên học trường Albert Sarraut Hà Nội, tưởng cả đời ăn không hết của. Vì chiến tranh, chạy ra bưng hết sạch, đến lúc về Hà Nội, lần thứ nhất trong đời anh phải nghĩ đến chuyện làm ăn sinh sống. Tôi tự phụ hiểu nỗi buồn của anh hơn ai hết. Nhưng tôi hỏi thực, trong thâm tâm anh có lúc nào buồn không?

 

Chương. - Có chứ. Buồn vô cùng về cái chiến tranh này. Nếu không thì đâu cái thân mình phải ra thế này: lo từ cái rất nhỏ lo đi, tính từ cái rất ti tiểu mà tính lại. Bây giờ mỗi ngày phải dạy học ba tiếng đồng hồ để sinh sống. Nói thế thôi, chớ sinh sống cái nỡm gì?

Tôi. – Nhà thơ vẫn dạy toán phải không?

Chương. – Tản cư ở Bắc Việt một năm, hết tiền tôi bắt đầu dạy toán ở Thái Bình trong khi Đinh Hùng dạy Quốc văn và Pháp văn. Năm 1949, Mao Trạch Đông thành công ở lục địa. Bảo Đại và Bollaert ký một hiệp định ở vịnh Hạ Long, theo đó thì Pháp chịu trả độc lập cho nước Việt Nam. Thay vì trở về quê hương bản quán ở Nam Định, tôi lên Hà Nội. Nhà cửa ở Nam Định bị tàn phá, tôi phải tiếp tục dạy học – và vẫn dạy toán lý hóa – một thời gian rồi dạy Quốc văn cho trường Văn Lang của anh Ngô Duy Cầu. Hiện giờ, tôi chỉ còn dạy mười sáu giờ một tuần, buổi chiều tôi nghỉ. Tiền thù lao chẳng đi đến đâu hết, so với lúc trước tôi dạy bốn mươi tám tiếng mỗi tuần, nhưng mình cũng chẳng có cách gì làm khác được, vì mỗi tuổi mỗi yếu, dạy cả sáng cả chiều không có cách gì chịu nổi.

 

 

 

Lúc nãy anh có nói “ở bưng về, lần thứ nhất trong đời tôi phải nghĩ đến chuyện làm ăn”. Thực ra, không đúng. Trước khi tản cư, tôi có làm phụ tá kiểm soát viên tập sự (contrôleur adjoint à l’essai) cho công ty xe lửa Đông Dương. Theo lệ thì sau hai năm, người phụ tá được làm kiểm soát viên chính thức; nhưng được tin đậu chính thức rồi, tôi xin thôi việc.

Tôi. – Vì cớ gì?

Chương. – Tại vì tôi nhận làm contrôleur adjoint để có dịp đi “giang hồ vặt”. Tôi không muốn làm một nhân viên chính thức. Những cuộc xê dịch trong hai năm tập sự này ảnh hưởng rất nhiều đến nhãn quan và tâm tính tôi. Nhiều bài thơ “say” như Phương xa, Con tầu say… được tạo nên trong lúc này.

Tôi sống hoàn toàn theo ý thích của tôi vì lúc đó tôi không phải lo nghĩ gì về tiền nong. Ông thân tôi làm tri huyện nghèo, nhưng mẹ tôi buôn thóc gạo lúc nào cũng có đồng ra đồng vào nên mình chỉ ngao du ngày tháng, viết văn, làm thơ và hưởng lạc. Năm 1941, ông thân tôi mất. Năm 1946, Việt - Pháp đánh nhau, bà thân tôi, tôi và vợ tôi vào Nam. Và cũng từ đấy tôi phải trực tiếp lo cho sự sống của gia đình, thêm một con trai nhỏ là Vũ Hoàng Tuân (tôi đặt tên ấy vì tôi nhớ Nguyễn Tuân). Sao mà lại không buồn, hở anh? Mình đâu có phải là thứ người lý tưởng trong thơ “If” của Rudyard Kipling (1) “nếu anh trông thấy cơ nghiệp tan tành, nếu anh thấy lâu đài mộng đẹp đổ vỡ…” cho nên mình không thể phớt tỉnh được, mình cứ phải băn khoăn. Băn khoăn cho số kiếp mình rút lại chẳng làm tròn gì hết: không tròn bổn phận làm con, làm bố, làm chồng, làm dân, mà ngay đến cái nghiệp của mình theo là nghiệp văn bút cũng không ra gì.

Tôi. - Tính ra thì anh theo đuổi nghiệp thơ văn được bao nhiêu lâu rồi?

Chương. – Từ lúc mười sáu tuổi, lúc đó tôi còn đi học ở trường Saint Pierre. Bài thơ đầu tiên của tôi đăng trên tờ Ngọ Báo của Bùi Xuân Học mang tên Dòng suối.

Tôi. – Có nhiều người quả quyết với tôi rằng anh không có bút hiệu. Tôi không tin như thế. Nhân bây giờ chúng ta trò chuyện với nhau, anh có thể cho tôi biết thực hư không? Kẻo không về sau này, anh có “tịch” đi rồi thì không ai dựa vào đâu mà biết.

Chương. – Anh có nói, tôi mới nhớ. Tôi vẫn ký là Vũ Hoàng Chương, nhưng vì anh hỏi, tôi nhớ ra rồi: dưới những bài thơ đầu của tôi, tôi có ký bút hiệu là HC, Hiển Chi. Đó là bút hiệu ông thân tôi đặt cho tôi: Chương là văn chương, Chương là vẻ sáng, Hiển Chi là vẻ sáng tỏ rõ với đời.

Sau đó, viết thơ trong thời loạn (1950, lúc ở hậu phương cũng như khi trở về Hà Nội) tôi ký là Loạn trung bút. Dưới những bài thơ ngâm vịnh, tôi ký là Phù Giang (người làng Phù Ủng, quê ông Phạm Ngũ Lão).

Bài thơ tràng thiên mà tôi bắc ghế lên trên bàn, đứng ngâm trên gác nhà hàng Anh Mỹ – anh có nói tới trong cuốn Bốn mươi năm nói láo – đã trước tác lúc tôi ký bút hiệu Loạn trung bút. Tôi nhớ hôm ấy là ngày 2 tháng 9 dương lịch. Chúng ta chờ đạo quân Việt Nam ở Lạng Sơn kéo về. Anh em uống rượu vui nhộn với nhau trong khi một rừng cờ bay phấp phới ở tám cửa ô Hà Nội.

Tôi. – Bài thơ anh ngâm lúc ấy có đăng tải đâu không?

Chương. – Không. Tôi còn nhớ mấy câu, xin đọc anh nghe:

Hai cuộc tang thương tủi đọa đầy,

Núi sông còn có buổi hôm nay.

Kinh kỳ tám mặt reo đoàn kết,

Sóng đỏ gầm quanh ngọn bút này!

 

 

 

Tôi. – Từ đó đến nay, anh em ít gặp nhau. Vào đây, tôi nhớ chỉ có một lần ngồi nói chuyện với anh ở vườn hoa Tao Đàn. Hai thằng cùng buồn, vào ngồi ở Tao Đàn một mình tình cờ gặp nhau. Sau đó lại cách nhau biền biệt. Anh có thể cho biết vào đây anh xuất bản thêm được mấy tập thơ nữa?

Chương. – Năm 1954, in tập Rừng phong – sự thực, tập này viết xong từ 1942. Năm 1962, in Trời một phương, cuốn này viết xong từ năm 1952. Gần đây, hồi năm ngoái (1968), một nhà xuất bản ở đây in tập Cành mai trắng mộng, in kiểu bình dân, bán ba, bốn chục đồng một cuốn.

Tôi. – Rút lại, thơ anh có biến đổi với thời cuộc hay không?

Chương. – Có chứ: tư tưởng biến đổi, thơ cũng đổi thay theo thời cuộc. Thoạt đầu, thơ tôi chỉ là thơ thương nhớ, đượm chút tình yêu, nghiêng về lục bát, song thất lục bát. Thơ và văn Tương Phố ảnh hưởng tới tôi trong thời gian này.

Từ 1936, tôi bắt đầu chuyển hướng. Trong thời gian này có mười thi tập ra đời, kịch thơ gồm bảy cuốn… Hầu hết là thơ mới.

Tôi. – Trong mười thi tập, anh thích riêng tập nào?

Chương. – Thích tập Mây, còn kịch thơ thì thích Vân Muội. Trong thời kỳ này, Baudelaire (1) ảnh hưởng đến tôi, nhưng dù sao cũng không sâu xa bằng Mallarmé (2), Baudelaire, ảnh hưởng đến Đinh Hùng. Là vì thế này: tôi học chữ Nho từ năm tuổi, thơ phú chữ Nho ảnh hưởng rất mạnh đến đầu óc tôi. Đến mười hai tuổi, tôi mới học chữ Pháp cho nên văn chương, văn hóa Pháp chỉ ảnh hưởng hời hợt ở trên, chớ không sâu xa như chữ Nho. Hiện giờ, tôi vẫn đọc và viết chữ Nho và tinh thần tiết ra trong những vần thơ vẫn bàng bạc triết học Đông phương nhiều hơn là Tây phương.

Tôi. – Tôi có một nhận xét, không biết đúng hay sai, nhưng anh em với nhau, cứ nói thực. Tôi thấy anh ưa nói về mây. Tập thơ mà anh thích là Mây. Kịch thơ anh ưa là Vân Muội. Mây có sức mạnh gì ám ảnh anh như thế?

Chương. – Hỏi vớ vẩn quá. Đấy là chuyện riêng. Nhưng thôi, cánh mình đã nói thật với nhau thì phải nói cho hết câu nói thật. Đúng là tôi hay nói về mây. Là vì mây là cả một tâm sự của tôi.

 

Tôi. - Hình như tôi cũng hơi biết về tâm sự ấy, nhưng chưa biết kỹ. Hôm nay, nhân trời mưa gió cầm chân khách ngồi đây, anh có thể nói cho tôi biết điều gì kỹ hơn về “mây” không?

Chương. – (cười, cúi đầu xuống suy nghĩ một giây). Mây ấy tên là Tố Vân.

Tôi. – Đúng rồi. Đọc thơ anh, có nhiều bài tôi vẫn thấy anh viết: “Tố của Hoàng ơi, Tố của anh”, “Tố của Hoàng, nay Tố của Ai”. Có phải Tố đây là Tố Vân không!

Chương. – Đúng. Tố Vân. Tố Vân, Tố Vân, tự là Kiều Thu.

Tôi. – Phần nhiều các thi nhân, văn sĩ vẫn có một đối tượng để thương yêu. Đối tượng ấy là nhân loại thu hẹp lại. Tôi không lạ. Nhưng tôi tò mò muốn biết đối tượng thương yêu của anh là người thế nào? Nỗi vui buồn của cuộc tình duyên ấy ra sao?

Chương. – Tôi biết Tố Vân từ lúc nàng còn đi học ở trường Hàng Cót (Brieux). Nàng là con gái một nhà khá giả, đậu bằng Cơ thủy, hỏng Tú tài phần nhất. Tình yêu giữa Tố Vân và tôi có ghi trong thơ Mười hai tháng sáu in trong cuốn Mây.

Tôi. – Đọc nhan đề thơ, tôi không hay 12 tháng 6 là gì. Anh có thể cho tôi biết rõ hơn không?

Chương. – Mười hai tháng Sáu âm lịch năm Tân Tỵ (tức là 1941 dương lịch) là ngày Tố Vân lấy chồng. Nói theo Vũ Trọng Phụng, đó là “bởi không duyên kiếp”. Tố Vân lấy chồng. Bài thơ đầu “khóc” nàng như sau:

Trăng của nhà ai, trăng một phương,

Nơi đây rượu đắng, mưa đêm trường;

Ở đêm tháng sáu, mười hai nhỉ,

Tố của Hoàng ơi, hỡi nhớ thương.

 

Là thế, là thôi, là thế đó,

Một năm thôi thế mộng tan tành.

Mười năm trăng cũ ai nguyền ước,

Tố của Hoàng ơi, Tố của Anh.

 

Men khói đêm nay sầu dựng mộ,

Bia đề tháng sáu ghi mười hai,

Tình ta ta tiếc, cuồng ta khóc,

Tố của Hoàng, nay Tố của Ai?

Năm Nhâm Ngọ (1942) tôi lại viết một bài thơ khác, Bài ca hoài Tố, in trong tập Rừng Phong đến 1954 mới xuất bản:

Tuổi thiêng rung cánh thiên thần,

Ôi thôi! Còn chi? Em là ai?

Giọt lệ chiều nay đẫm máu,

Gọi hồn em ngày – chưa – tháng – sáu – mười – hai.

Ta đã mất em rồi Kiều Thu ngày xưa,

Hào quang đã phai rồi, tóc mun dòng thơ

Đã hết tìm em dù chỉ tìm trong mơ

Thuở trước tinh anh, mà thể phách bây giờ.

Mười năm rụng ước phai thề

Ôi hoa đầu tiên, mộng đầu tiên,

Lòng ấy sông bồi núi lở,

Tháng sáu, mười hai rồi, em nhớ hay quên?

 

 

 

Hình ảnh của Tố Vân đầy rẫy trong thơ tôi. Mười năm sau, tôi vẫn còn nhớ người em gái kiều diễm ấy và tôi có ghi trong Giấc mơ tái tạo, gồm hai mươi bài bát cú, trong đó có những câu như:

Đôi lứa uyên ương một thuở nào,

Đi về say đắm biết là bao,

Tóc vương mùi lá xoan thơm phức,

Má sánh màu hoa phượng ửng đào.

Nhịp gót cuồng si hoa rún rẩy,

Ghẹo lòng trinh bạch lá xôn xao.

Cả hai cùng… thẹn ơi là thẹn,

Mong mỏi thư mà chẳng dám trao.

Thư viết nào ai dám viết gì!

Xưng tên còn ngượng chết người đi,

Nở theo mỗi nét mùi hương lạ,

Cháy khắp từng trang ngọn lửa si.

Rằng: đã tin xuân vào lớp học

Rằng: chưa nắng hạ nhắc mùa thi

Nhớ thương chẳng nói mà thương nhớ

Trời hỡi, cần chi phải nói chi!

 

Tôi. – Tôi có thể biết hiện giờ Tố Vân ra sao không?

Chương. – Ở Hà Nội. Trước khi vào Nam, tôi có gặp nàng lần chót. Bà cụ thân ra nàng sang Pháp, còn nàng và gia đình ở lại. Cũng như trong những truyện cổ tích Âu Tây, lúc tôi từ giã nàng, nàng sống sung sướng và có nhiều con. Nhưng mười lăm năm nay rồi, tuyệt mù tin tức, không biết còn sống hay đã mất.

Tôi. – Tôi cảm ơn anh. Nhờ câu chuyện hôm nay, tôi đã giải một điều hiểu lầm của một số người cho rằng Mây của anh hàm một ý đồ khác để nói lên một thế giới thần tiên khác. Vậy, coi việc này như xong rồi. Bây giờ ta lại quay trở lại chuyện của ta. Anh có cảm thấy mệt mỏi không?

Chương. -  Có chứ! Mệt lắm. Ăn chẳng buồn ăn, nói cũng không buồn nói, kể gì làm thơ giải khuây cho đời. Vừa đây, tôi có nói với anh thâm tâm tôi buồn. Nói như thế là nói thật đấy, anh. Buồn quá vì mình thấy cái đời thật và cái đời mình tạo nên đều đổ vỡ. Bây giờ, những đêm không ngủ, tôi băn khoăn nhất một điều là mình cứ như thế này và héo hắt mãi đi, một ngày kia “quỵ” xuống thì rồi sẽ ra sao? Tôi cứ tự hỏi có thật có một ông Trời không và nếu thực có một ông Trời thì có phải cái luật của Trời là đày ải những văn nhân, thi sĩ lúc sống chưa đủ, lại còn đày ải cả khi chết nữa?

Tôi. – Hình như thế. Này, có phải anh đã viết mấy vần sau đây trong một vở kịch thơ nào đó:

Đấy, con xem, mọi việc ở trên đời,

Như vậy hết. Có chi là “tận mỹ”?

Đấng Tạo hóa chẳng bao giờ thiên vị,

Riêng một ai mà cho được hoàn toàn…

Chương. – Đúng. Ông Tể tướng khuyên con trong kịch Trương Chi…

Này con ạ, từ xưa nòi nghệ sĩ,

Trời trao cho riêng chỉ cái Tài thôi.

Càng tài cao như Nghệ Thuật tót vời

Càng thua thiệt với đời, thua mọi thứ.

Giàu tài nghệ ắt lợi danh nghèo chứ

Đẹp linh hồn, nên dung mạo xấu xa,

Luật “Thừa Trừ” vẫn thế!

*

Mưa bên ngoài đỡ nặng hột.

 

Tôi bắt tay Chương, đi trên ngõ hẹp sình lầy. 

Chương quay vào căn nhà nhỏ âm u, đóng cửa, cài then lại.

Sài Gòn, 10-11-1969