VŨ HOÀNG
CHƯƠNG, LỊCH SỬ THƠ
VIÊN LINH
I.
Hình như do
cụ Vương Hồng Sển mà chúng tôi đã trải qua nửa ngày với nhau tại Phụng
Sơn Tự,
ngôi chùa cổ khoảng hai trăm năm, ngay tại cuối đường Trần Quốc Toản,
trong Chợ
Lớn. Đâu như năm 1970.
Có mặt hôm
đó, từ sáng tới chiều, ngoài cụ Vương, là các anh Nguyễn Vỹ, Vũ Hoàng
Chương,
và một hai người nữa lớp tuổi tôi, lớp tuổi mà nếu không sinh hoạt với
thơ văn,
tôi đã không thể gọi những người đó bằng anh, xưng tôi, như tôi đã gọi.
Cụ
Vương, anh Nguyễn, anh Vũ, nay đã không còn. Cái còn, trong nhí nhớ mờ
mịt nổi
trôi, là một ngày ngược về Lịch Sử, ngửa cổ nhìn những tàng cổ thụ bao
la cao
vút, thân mộc sần sùi nứt nẻ, lắng tai nghe một cánh Phượng Hoàng đáp
xuống nóc
chùa, và giọng tâm sự của anh Vũ Hoàng Chương.
Cụ Vương chỉ
mặt nước sau chùa, khuất lấp dưới những lùm cây, mặt nước biến Phụng
Sơn Tự
thành một hòn đảo đối với khoảnh đất phía bên kia, nói:
“Dáng chừng
là cái chỗ đó mà Nguyễn Ánh lội qua chớ còn chỗ nào cà?”
Cụ kể chúng
tôi nghe bước đường bôn tẩu của người sau này trở thành Thái tổ nhà
Nguyễn. Vua
Gia Long. Ông ta chạy qua ngôi chùa này, vượt con lạch kia, rồi chạy
tuốt luốt
xuống miền lục tỉnh.
“Hồi đó chùa
chưa có tên là Phụng Sơn Tự. Cũng chưa lớn như bây giờ. Những người
nhiều chuyện
thì nói rằng một hôm có con chim Phượng Hoàng nghỉ cánh đáp xuống nóc
chùa, nên
chùa mới có tên là Phụng Sơn Tự. Phụng là Phượng. Sơn Tự là ngôichùa
trên đỉnh
đồi này,” cụ Vương nói. “Nhưng mà theo tôi, Hoàng đế là con Phụng đó.
Người ta
đổi tên chùa là Phụng Sơn Tự để ghi nhớ rằng Vua Gia Long đã từng đặt
chân qua
đây, trên đường bôn tẩu.”
Ngửa cổ nghe
tiếng chim lảnh lót, trên cao là những tàng cây mênh mông. Những thân
cây cao
vút, thẳng băng. Chùa cất trên một đồi đất cao hơn mặt đường, tuy không
cao lắm,
để được gọi là Sơn. Ngay lúc đến chùa, tôi cứ lấy làm lạ lùng, là mình
sống
ngay bên một thắng cảnh lịch sử, thường ngồi xe qua trên mặt lộ kia, mà
sao chẳng
bao giờ nhận ra cái khác thường của nó. Nhưng thật sự nó có khác thường
không? Lịch
sử nào có gì khác với cuộc sống thường, phong cảnh thường, ngoài một khoảnh khắc làm biến đổi thời thế, đảo ngược
vai trò, và đôi khi thêm một tí lưu huyết, lụy tình?
Sự việc Nguyễn
Ánh và đám tùy tùng tất tưởi chạy qua đây có khác thường chăng? Hẳn
cũng phải
có. Nếu không, làm sao ngôi chùa này được đánh giá là một cổ tích thắng
cảnh, để
được hưởng tiền tu bổ hàng năm của Quĩ Bảo Tồn Văn Hóa do Liên Hiệp
Quốc tài trợ?
Chúng tôi
khi đi thăm chùa, không dự trù sẽ ở lại lâu. Thế mà mọi người đã chỉ ra
về sau
khoảng 5 tiếng đồng hồ. Phải chăng cũng vì sự khác thường của Lịch Sử ấy?
Còn nhớ, đó
là mùa hè. Còn nhó gió thổi hiu hiu và chim ca trên cao. Còn nhớ sự
tĩnh mịch của
buổi trưa. Còn nhớ hình như có một chiếc võng ai mắc giữa hai thân cây
và anh
Vũ Hoàng Chương đã ngả mình nằm xuống, chân đưa nhè nhẹ. Tôi ngồi gần
anh, hay
tựa vào gốc tùng cạnh đó. Đó là lần đầu anh nói chuyện văn chương với
tôi, mà
không nói về
thơ. Chắc chắn không nói về thơ. Anh nói về Năm Xà Ích, một nhân vật
đánh xe ngựa
trên đường Ngã Tư Bảy Hiền, Khánh Hội của tôi.
“Này, làm
sao mà cậu lại viết cái truyện Mã Lộ? Trần Phong Giao cho tôi cuốn
sách, tôi đọc
hai lần đấy.”
Cặp mắt anh
hấp hay, dường như cái nắng lấp loáng xuyên qua những cành thông nhọn
chiếu xuống
có hơi sắc cạnh. Trời xanh trắng mây, mặt nước con lạch đôi khi bất ngờ
làm tưởng
một mảnh gương vỡ. Mặt sàn gỗ mà anh “nghiêng đôi vai, lướt đôi chân”
thuở trai
trẻ chắc cũng chỉ làm chóng mặt như thế này, khi ta tình cờ chạm mắt
vào những
cái kim tua tủa của ngàn thông trên đầu. Và anh giờ nhỏ thó, áo nâu
sồng, chân
đi dép, mỏng mảnh như một thầy tu ép xác, có khác chăng với thầy tu là
ở chỗ
anh rất hân hoan nhẹ nhàng.
Tôi muốn nói
chuyện với anh về Thơ. Anh hỏi tôi về Chị Ba bán hoa và Năm Xích Long,
cặp nhân
tình người Nam trong truyện của tôi.
“Cái chuyện
đó thật hả? Làm sao cậu viết giọng Nam kỳ như thế?”
Tôi nói với
anh, tôi lớn lên tại Sài Gòn. Điều ấy hình như không giải nghĩa được
gì, vì anh
còn hỏi tới. Anh hỏi tôi chuyện vợ con,
Bắc hay Nam. Tôi nói tôi vừa lấy vợ, nhưng vốn có hai người yêu đầu đời
khắng
khít, một quê ở Gò Dầu Thượng, một ở Rạch Giá, mỗi khi có người giận
dỗi bỏ về
quê, tôi lại khăn gói nhắm Tây Ninh trực chỉ, còn không thì cũng hướng
lòng về
Núi Bà Đen, về Ba Động mà làm thơ, hay ca vài câu vọng cổ u sầu...
Mai về Ba Động
cùng anh
“Bõ công cha
mẹ sinh thành ra em”
Đó là hai
câu tôi còn nhớ được, một nửa câu đã mượn của Ca Dao, trong bài Mai Về
Ba Động
đăng trên Văn Nghệ Tiền Phong từ năm 1958. Kỳ nữ Kim Cương thuộc bài
thơ này của
tôi, từng nhận tôi là chỗ đồng hương ngay từ khi bài thơ vừa đăng báo.
Tuổi trẻ
của tôi thiếu một Kinh Đô...Tôi không phải một chàng công tử Thiếu
Lăng, ở chốn
Tràng An xe ngựa dập dìu như Anh...
II.
Cung cách
anh Chương khác hẳn cung cách những nhà văn nhà thơ tôi hằng giao tiếp,
kể từ
khi bước chân vào làng văn. Đúng hơn là làng báo. Anh nói năng nhỏ nhẹ,
cẩn mật.
Những câu anh nói khúc chiết, có những hàm ý rõ ràng. Đinh Hùng cởi mở
hơn, và
đuôi mắt dài hơn. Anh Chương nói, như tôi còn có thể hình dung được,
dường như có
bố cục, và có phong cảnh màu sắc âm điệu phía sau.
Trong làng
văn, có ít ra là hai phái riêng rẽ, một phái viết văn, làm thơ thuần
nhất, nếu
có phải làm thêm một nghề nữa để sống, thì nghề đó thường là nghề dậy
học, như
anh Chương. Ở ngoài đường, cái dáng anh cũng cách biệt. Hình bóng tôi
nhớ nhất
nơi anh là lúc anh ngồi trên chiếc xe xích lô đạp tới trường Văn Lang,
lúc trường
này ở đâu mạn Nguyễn Cư Trinh, Cống Quỳnh gì đó, khoảng năm 1956. Anh
ăn mặc chải
chuốt trong bộ đồ lớn màu sáng, nếu không là màu trắng, cả áo lẫn quần
đồng bộ,
thì cũng là màu sữa nhạt. Cà vạt cũng nhạt, có đốm hoa. Mái tóc anh
bóng, chải
ngược trên đầu gọn ghẽ.
Phái thứ hai
xô bồ, phần lớn là những nhà văn nhà thơ sống bằng nghề viết báo. Đây
là phái
trong đó có tôi. Lớp này ăn nói xuề xòa, cười đùa nghịch ngợm pha giọng
phóng sự.
Một cách nào đó, đây là phái bình dân, nhiều người biết rất nhiều nhưng
hiểu
không hiểu trọn, dùng chữ nghĩa bỏ lửng, và viết lách nhiều giai thoại
hơn là
điển tích. Có những người rất thâm trầm, hơn hẳn phái trước, song cũng
có vô số
lục bình trôi nổi táp vào mép bờ của một giòng cuồng lưu phăng phăng.
Anh Nguyễn
Vỹ phát biểu rằng những người làm thơ viết văn sống trong nghề báo loại
này rất
dễ bị đánh giá sai lầm, chính vì sự ô hợp ấy.
Vũ Hoàng
Chương ở một thế giới khác; thế giới văn nhân “lỏng buông tay khấu”.
Anh là
nhân vật của thời tiền chiến còn sót lại trong một Sài Gòn tứ chiếng,
một chàng
trai Hà Nội hào hoa mang tâm thức mùa thu trong nắng lửa hải cảng Miền
Nam. Một
Lý Bạch tái sinh vào Giao Chỉ Bộ Nhật Nam Quận, chọn khói thay cho men.
Thế
nhưng anh Chương, nếu không làm Thơ, sẽ là người như thế nào? Con người
ấy
không thường. Đọc tiểu sử anh, thấy anh có tất cả, và xa rời tất cả, để
chỉ cất
bước ra đi vì một niềm riêng chỉ một người biết, ngay từ đầu tới chung
cuộc,
mãi mãi:
Mãi mãi chỉ
riêng Nàng được biết
Từ đầu những
chuyến Gã ra đi.
(Vũ Hoàng
Chương, Lòng Đá).
Gã chắc chắn
là Anh, nhưng Nàng là ai thì chưa chắc ai đã biết. Và chưa chắc ai đã
biết những
chuyến ra đi ấy là những chuyến ra đi nào. Và hơn nữa, Nàng có phải là
một con
người? Hay Nàng là một Tượng Thần Vĩnh Cửu? Một Ý Niệm Một Khói Sương
Một Bia
Đá Một Hồn Ma?
III.
Thơ Mới, kể
từ ngày xuất hiện tháng ba 1932, cho tới cuối thập niên '70, không lúc
nào vắng
bóng Vũ Hoàng Chương. Không những chỉ ở Miền Nam, mà có xóa bỏ đi lằn
ranh Bến
Hải của 1954 để gồm làm một, một Thi Ca Việt Nam cho cả hai miền, ông
vẫn là
người duy nhất đã tung hoành trong vần điệu, thể cách, trường phái, cổ
điển và
hiện đại, Đông và Tây, sáng tác và dịch thuật trong suốt 40 năm. Duy
nhất.
Vũ Hoàng
Chương, từ Thơ Say 1940 tới Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau 1974, đã đẩy
Thi Ca từ
Lãng mạn Đô thị thuộc địa “bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân” tới
cõi Tần
Sở chia lìa “nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi.” Từ cõi hư ảo “gặp gỡ
chừng như
chuyện Liễu Trai” tới vùng không gian xẹt lửa của những tinh cầu vũ trụ
“ta vượt
ngàn năm đường ánh sáng, Tự ngoài Vô tận tới nơi đây.” Khởi từ những
cuộc tình
cô Thắm “lúa thì con gái mượt như tơ”, ông cũng yêu được những vẻ đẹp
Isabelle
“cặp mắt nàng xanh đến não người.”
Thi Ca Tiền
Chiến, từ Vũ Hoàng Chương, đã từ ngũ cung “Xừ Xang Xế Xự Xang Hồ” mà đi
một
vòng luân vũ “Điệu kèn biếc quay cuồng.” Đã từ cổ phong, Hát mưỡu hát
nói “Hoa
xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo” mà sang Tự do
“Đi chuyến
ấy giòng đời ta tự xóa”. Đã chuyển Nguyễn Trãi Yên Sơn sơn thượng tối
cao
phong; và phổ
Thôi Hiệu Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản thành những cao tuyệt mãi
mãi Trèo
lên tuyệt đỉnh núi Yên chơi, Vàng tung cánh hạc đi đi mất.
Từ Bài Ca
Sông Dịch tới Trả Ta Sông Núi, Vũ Hoàng Chương làm cho Anh hùng Ca thêm
phần lẫm
liệt. “Không đòi, ai trả núi sông ta?” Từ Giờ Đã Điểm tới Lửa Từ Bi,
tiếng thơ
Vũ Hoàng Chương nằm trong vận động Lịch Sử của một miền đất nước Tự do
không ngừng
biến động, nơi ông đã chọn lựa, soi sáng từ những trao đổi với cụ Phan
Khôi thuở từ
Việt Bắc vọng về: Sao Lại Thế Được? Câu phản kháng tự hỏi, tự phát, từ
ý thức của
một trí thức thi sĩ, không từ một lập trường đảng phái nào: “Biết gửi
vào đâu
cái 'chính mình'?” Đó là khi cụ Phan Khôi gửi cho ông một thông điệp có
tính
cách mật mã, mật hiệu, lúc hai người còn đang sống dưới ảnh hưởng của
Việt
Minh: Ngừng tim, lặng óc, bặt giòng tình. Tai mắt như không phải của
mình. Sống
không tự do, viết không tự do. Và Vũ Hoàng Chương đã thảng thốt: Sao
Lại Thế Được?
Vũ Hoàng Chương đã dời Đô. Kinh đô Văn nghệ ông ở ngôi Vua.
Từ Tiền Chiến,
bỏ Hậu phương, tại Miền Nam qua hai chính thể trước và sau 1975, ông
vẫn làm
thơ cho cái Chính Mình. Trước khi bị bắt, trong Lễ Phật Đản 1976, ông
đứng ở giảng
đường Vạn Hạnh ngâm sang sảng bài Lửa Từ Bi. Sáng ngày 13 tháng 4,
khoảng 20
tên công an đã xầm xập xông vào Gác Bút ở phường Cây Bàng bắt ông (1).
Nếu đêm
hôm trước ông không ngâm bài thơ ấy, những người Cộng Sản hôm sau đã
không phải
biểu dương võ lực đến như vậy. Họ muốn cuộc vây bắt thi sĩ phải được
đồn đại khắp
nơi, họ muốn Văn nghệ Miền Nam hiểu rõ -qua vụ Vũ Hoàng Chương-thế
nào là không
khí khủng bố. Chọn Vũ Hoàng Chương làm một biểu tượng, những người chỉ
huy văn
nghệ ở Miền Bắc biết rõ họ không thể làm khác với tác giả Bài Ca Sông
Dịch.
Kẻ đốt sách
xưa, Tần Thủy Hoàng, cũng đã không thể làm khác với Kinh Kha. Ta có thể
hình
dung sự giận dữ của vua Tần, cũng như nỗi hốt hoảng của bạo chúa, trước
hùng
tâm của một kẻ sĩ. Dù Kinh Kha hay Vũ Hoàng Chương.
Ai tráng sĩ
bao năm mài gươm dưới nguyệt
Còn tưởng
nghe hồn thép múa sông sâu.
Kinh Kha hề
Kinh Kha!
Vinh cho
ngươi hề ba nghìn tân khách
Tiễn ngươi
đi, tiếng trúc nhịp lời ca.
Biên thùy trống
giục,
Nẻo Tần
sương sa,
Gió thê
lương quằn quại khói chiêu hà.
Tám phương
trời khói lửa,
Một mũi dao
sang Tần...
(Vũ Hoàng
Chương, Bài Ca Sông Dịch).
Có ai đau nỗi
đau trời đất
Buồn nỗi buồn
riêng của núi sông?
Ta nhớ
thương hồn hoa cỏ mất
Theo làn mây
nhẹ ánh trăng trong.
Núi phía Nam
hề sông phía Bắc!
Trời phương
Đông hỡi, đất phương Tây!
Mặc cho những
kẻ mài gươm sắc
Ta chỉ mài
riêng ngọn bút này...
(Vũ Hoàng
Chương, Đuốc Thơ)
Thơ Mới, hai
chữ do cụ Phan Khôi đặt ra trên báo Phụ Nữ Tân Văn số 122, xuất bản
ngày 10 Mars
1932 tại Sài Gòn là số báo có bài “Một Lối Thơ Mới Trình Chánh Giữa
Làng Thơ” của
cụ, kèm theo bài Tình Già “Hai mươi bốn năm xưa, một đêm vừa gió lại
vừa
mưa...” “Người hưởng ứng thứ nhất (gửi thơ đăng trên Phụ Nữ Tân Văn) là
ô Lưu
Trọng Lư,” theo Hoài Thanh Hoài Chân viết trong Thi Nhân Việt Nam.
Tháng 9 năm
1932, tờ Phong Hóa của nhóm Tự Lực Văn Đoàn ngoài Hà Nội tán thành lời
kêu gọi
của cụ Phan Khôi, với những bài của Thế Lữ, Vũ Đình Liên...Những gì sau
đó đã
đi vào Văn học sử. Văn học sử ghi Thơ Say của Vũ Hoàng Chương ra đời
năm 1940.
Vũ Hoàng
Chương sau đó liên tục làm thơ, chỉ làm thơ. Ông làm thơ từ Bắc vào
Nam, từ khi
là sinh viên ở Hà Nội tới lúc vào tù ở Sài Gòn, và chết năm 1976, tổng
cộng
trong khoảng 36 năm. Đó là nói trong khuôn khổ các thời điểm. Nói cho
đúng hơn,
trước khi có thơ in thành sách, ông hẳn đã làm thơ nhiều năm trước. Có
thể nói
ông đã làm thơ
trong 40 năm.
Những người
cùng thời với ông, như Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư ngưng
sáng tạo
trong thơ trước họ Vũ cả chục năm. Có thể họ còn làm dăm bài sau cả
1976 là năm
nhà thơ họ Vũ từ trần nữa, song những
bài thơ đó tội nghiệp lắm, so với thơ tác giả Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn
Nhau,
thi phẩm cuối cùng của Vũ Hoàng Chương do Rừng Trúc in ở Ba Lê vào năm
1974.
Những bài
thơ cuối cùng của những người kia tôi có trong tay là những bài thơ
được họ tự
ý chọn góp vào Tuyển Tập THƠ, 1980-1985, do Tác Phẩm Mới của Hội Nhà
Văn Việt
Nam xuất bản. (Trong Lời Nhà Xuất Bản, trang 6, Tác Phẩm Mới viết:
“Từng tác giả
đã chọn những bài thơ hay nhất trong số những bài thơ mình làm trong
năm năm.”)
Sau đó Hội Nhà Văn chọn lại một lần nữa, “lấy được 168 bài” cho 168 tác
giả, mỗi
người còn một bài.
Đây là một
đoạn trong bài thơ hay nhất của Huy Cận làm giữa 1980-1985:
Lòng ta rộn
rã tựa chim non
Cổ ngửa trời
xanh bỗng hát dồn
Như mạch nước
ngầm khơi giếng vụt
Đất yên đất
cũng thấy bồn chồn.
(Huy Cận, Có
Những Ban Mai..., trang 41).
Đoạn thơ hay
nhất của Thơ Mới Huy Cận, mang tâm trạng đất thi đua với nước, trong
tôn chỉ
“người người thi đua, nhà nhà thi đua”, đất cũng muốn thi đua với nước,
nhưng
nước vụt ra được thành giếng, không biết đất vụt đi đâu. Vì đất không
vụt được,
nên “Đất yên đất cũng thấy bồn chồn.”
Bài thơ hay
nhất của Xuân Diệu đóng góp trong Tuyển Tập Thơ 1980-1985 có đoạn như
sau:
Một tháng
anh đau nằm bệnh viện
Mỗi chiều em
lại đến thăm anh
Anh ra đứng
đợi bên rào sắt
Thấy bóng em
xa, đã giật mình.
(Xuân Diệu,
Anh Nằm Bệnh Viện, trang 60).
Thơ như thế
đóng góp vào Tuyển Tập Thơ Hay Ngũ Niên của quốc gia, thì giật mình
cũng phải.
Mỗi chiều em đều đến thăm anh, mà chiều nào anh cũng giật mình, thì
người thơ
thật giàu cảm súc cảnh giác với người yêu lắm.
Một đoạn thơ
hay khác trong một bài dài:
Ta đang đi bỗng
bị ngã gãy tay
Gãy tay phải,
phải viết bằng tay trái
Gãy cả hai
tay, phải tập viết bằng chân...
Ta có đôi
chân đi bốn bể
Nếu gãy một
ta phải nhờ chiếc gậy
Gãy cả hai
ta phải nhờ xe đẩy...
(Tế Hanh,
Bài Ca Sự Sống, trang 90-91).
Chúng ta
đang bàn về Thơ mới làm của các nhà thơ nổi tiếng từ thời Tiền chiến ở
ngoài Hà
Nội. Riêng Lưu Trọng Lư thì dáng chừng trong khoảng năm năm chỉ định
không có một
bài nào hay, nên góp mặt bằng bài thơ làm từ năm 1979, trong có đoạn:
Đêm biên giới
Tiếng tắc kè
Tiếng pháo
giặc
Lời Anh rung
chuyển những chiến hào
Những trái
tim con trai, con gái
Và những đầu
bạc ấy.
(Lưu Trọng
Lư, Nghe Lời Anh Nói, trang 164).
Đây là
lời
Fidel Castro. Bối cảnh là cuộc chiến giữa Trung Cộng và Việt Nam Cộng
Sản năm
1979. Một bài hùng thi của Miền Bắc.
Vũ Hoàng
Chương như một cánh phượng hoàng bay bổng. Thơ làm ở giai đoạn sau,
hùng thi có
Lửa Từ Bi, chống ngay độc tài của Miền Nam. Và nhận thức thì chuyển hóa
trong
nhiều lãnh vực: từ nghệ thuật đi vào cuộc sống; từ cuộc sống đi vào Đạo
và vào
cả sự tiến hóa.
Đã nhiều đêm
rồi,
Nó tra hỏi từng
khúc quanh trong lòng Lịch Sử,
Từng nép
nhăn ngoài mặt Địa Cầu,
Luồng run
trên mình nguyên tử.
Vắt cạn Đức
Tin, vặn nát Hoài Nghi.
(Vũ Hoàng
Chương, Thản Nhiên).
Sáu ngả Luân
Hồi đâu đó
Mang mang
cùng nín thở,
Tiếng nấc
lên ngừng nhịp bánh xe quay.
Không khí vặn
mình theo
Khóc òa lên
nổi gió;
Người siêu
thăng
Giông bão lắng
từ đây.
Bóng người
vượt chín tầng mây
Nhân gian
mát rợi bóng cây Bồ Đề.
(Vũ Hoàng
Chương, Lửa Từ Bi).
Vũ Hoàng
Chương, từ lúc khai bút đên khi gác bút, là hiển lộng duy nhất của Thơ
Mới, vượt
Thơ Mới, vượt tất cả những tài năng thời Thơ Mới, cả Bắc lẫn Nam, khai
triển
thêm các kích thước khác, trở thành thi bá của thế kỷ XX của Việt Nam.
Những gì
Vũ Ngọc Phan viết về Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư trong Thi Nhân
Việt Nam,
xuất bản năm 1941 và tái bản năm 1942, xét ra không cần viết thêm nữa.
Những
người đó đã lên tới đỉnh từ trước đó. Từ đó về sau, họ không hay hơn,
nếu không
là ngược lại.
Vũ Hoàng
Chương không như vậy. Ông cũng đã lên tới đỉnh, như mấy người kia, với
Thơ Say,
Mây, như Vũ Ngọc Phan viết trong cùng cuốn sách. Từ đỉnh ấy, ngay từ Hà
Nội năm
1954, ông xuất bản Rừng Phong, là một đỉnh khác. Thế rồi “con chim bằng
cất
cánh bay về Nam Minh”, Vũ Hoàng Chương lên cao hơn Mây: Hoa Đăng, lên
cao nữa: Nhị
Thập Bát Tú. Thơ ông trong hai thập niên '60, '70 trở thành ngọc trác
kim khôi
về phương diện nghệ thuật. Ông bỏ xa những người đồng thời ở phương
Bắc, đang cục
mịch đi vào chủ nghĩa hiện thực, hăng hái khám phá đường lối tự nhiên,
lại là tự
nhiên tô hồng, tự nhiên phê phán, không phải thứ tự nhiên trung thực.
Vũ Hoàng
Chương đi vào ngôn ngữ. Đi vào Thiền. Vũ Hoàng Chương ca ngợi khoa học,
không
ngược chiều về Quá khứ, mà bay vào không gian vị lai.
Đêm đêm ta
dõi mấy tầng cao
Tìm một
không gian mới lạ nào.
Lấp lánh Quê
Trời, Thơ hẹn bến
Giam mình
Quê Đất mãi hay sao?
(Vũ Hoàng
Chương, Đăng Trình).
Cuộc tiến
hóa trong cuộc sống mở ra những cánh cửa. Cái chết mở ra chiều thứ tư:
Người thơ nằm
xuống đó hiên ngang
Như một câu
thơ trắng thẳng hàng
Đẩy mãi bàn
chân tìm đất đứng
Ngoài ba chiều
cũ đã tan hoang.
(Vũ Hoàng
Chương, Thi Hào Đã Khuất).
Bài này
có
thể để khóc người bạn thân kính của ông: cụ Phan Khôi. Có thể để thấy
cái
'chính mình'. Bốn câu, 28 chữ, nhị thập bát tú, đưa thơ ông từ điêu
luyện tới
giản dị.
Mười lăm năm
trước gặp nhau rồi
Chẳng gặp
bao giờ nữa cũng thôi
Khuya sớm
mây in hình Biển Bắc
Vẫn là anh
chị vẫn là tôi.
(Vũ Hoàng
Chương, Mây Trên Biển Bắc).
Lối thơ này
của Vũ Hoàng Chương đã có ngay một người tháp tùng tài ba: Mai Thảo với
Ta Thấy
Hình Ta Giữa Miếu Đền. Tương tự Hài Cú của Basho, đây là loại thơ đi
gần với
“bài minh” ở các bia mộ, hay lời kệ của các Thiền Sư. Đặc tính của loại
thơ này
rất giản dị, và đặc tính đó chỉ hợp, và phải có, cho một bài thơ ngắn.
Nhưng để
trở thành nhị
thập bát tú, 28 chữ là 28 vì sao như thơ của Bạch Vương -một bút hiệu
Vũ Hoàng
Chương chỉ dùng một hai lần, trên báo Thế Sự năm 1946- là một chuyện
khác.
Không có một Bạch Vương.
III.
Anh thay đổi
thể cách, -đặc biệt có một thể của anh là thơ 6 chân- như trong bài làm
cho Tuyết
Khanh và làm cho Thục Oanh- một là làm mới ngữ vựng, để theo cảm xúc
của mình,
và hai là để trở thành mình: hai mà một, chỉ để trở về cái 'chính
mình', cái chỉ
có một và không thể thay. “Pour lui, le pòete d'aujourd'hui doit
renouveler son
inspiration et son vocabulaire, tout en demeurant fidèle à son “moi”,
lequel
est unique et
inchangeable.” (Pierre-Luis Flouquet, Un Demi Siecle de Poésie, ed. La
Maison
du Poète, Bỉ, 1963), phần viết về Vũ Hoàng Chương. Và như thế anh luôn
luôn là
một thi sĩ hiện đại.
IV.
Đuốc kim cổ,
đây lòng ta thành kính,
Hội trầm
luân cùng ý thức Huyền Vi.
Mà sáu nẻo
hôn mê còn chửa định,
Ta về đâu?
Kìa Ngươi đến làm chi?
(Vũ Hoàng
Chương, Bài Ca Siêu Thoát).
Một trong những
nét đặc thù của thơ Vũ Hoàng Chương là tính huyền vi. Thơ ông bốc như
lửa vàng,
nổi như mây trắng, bay như khói xanh. Từ một chiếu nằm, thơ ấy trở
thành tấm thảm
thần. Ông hô “Khai đăng”- lời hô trong đêm tái ngộ tác giả Thần Hổ,
Tchya Đái Đức
Tuấn, ở Ba Lê- không có nghĩa là đốt đèn, mà có nghĩa là soi đường.
Ngọn đèn dầu
lạc ấy đôi khi cũng là đèn khiển tướng, ra binh; dù là âm binh, cũng
thì binh vậy.
Vũ Hoàng Chương, như bất cứ một nhà thơ lớn nào, có tài tiên tri, viễn
kiến, nhắm
mắt định thần mà đoán chuyện nhân sinh.
Thi Ca Việt
Nam có Kệ Vạn Hạnh ở Chùa Lục Tổ, Sấm Trạng Trình ở Bạch Vân Am, Thơ
Bói Kiều ở
Núi Hồng Lĩnh, Cơ Bút Liễu Hạnh ở Phủ Giầy, Quẻ Tản Đà ở Sài Sơn, gần
nhất là
Tân Thi của Vũ Hoàng Chương ở Gác Khói. Đời sau đoán Sấm Trạng, Bói
Kiều, Cầu
Cơ Thánh Mẫu, đặt quẻ Thiên Lương, tất cũng ngẫm thơ Gác Khói.
Sau 1975, lạc
loài ở Hải Ngoại, dân di tản đã phục Vũ Hoàng Chương:
Lũ chúng ta
lạc loài dăm bảy đứa
Bị Quê Hương
ruồng bỏ, giống nòi khinh.
Bể vô tận xá
gì phương hướng nữa
Thuyền ơi
thuyền, theo gió hãy lênh đênh.
(Vũ Hoàng
Chương, Phương Xa).
Hồi 1975,
76, tôi đọc bài Phương Xa nhiều lần. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng có cùng tâm
trạng,
anh gửi tôi bản nhạc phổ từ bài thơ này của họ Vũ, tôi đã đăng trên tờ
Thời Tập
số 1, ra vào tháng 5.1979 tại Hoa Thịnh Đốn.
Ở trong nước,
Mai Thảo cho biết, anh em, và đồng bào, cũng đọc “sấm ký Vũ Hoàng
Chương”:
Lũ chúng ta
đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người
u uất nỗi chơ vơ
(như trên).
Vũ Hoàng
Chương còn nhiều câu thơ đoán điềm giải mộng rất hợp thời.
Ba kiếp lang
thang ngồi chụm lại
Chúng ta mất
hết chỉ còn nhau.
(Vũ Hoàng
Chương, Ba Kiếp Lang Thang).
Đây là điềm
người Việt sẽ phải lưu vong tới thế hệ thứ ba mới khôi phục lại được cố
quốc.
Không những mất nhà, mất Quê hương, mà còn mất hết. Còn lại nhau hình
như là
không còn gì. Hay còn lại nhau: tình yêu, là còn tất cả?
Bình sinh mộng
đã hoàng hôn
Bông, tre, vải,
cói...mồ chôn cuộc đời.
(Vũ Hoàng Chương,
Tâm Sự Một Người)
Hai câu đó
trong tập Đời Vắng Em Rồi, hẳn nói về tâm trạng và hoàn cảnh người tù
cải tạo
sau này. Do đâu mà tự nhiên lại nói đến toàn những thứ khố rách áo ôm
đó, nếu
không do một mặc khải nào?
Hài cốt
vầng
trăng hề rơi chìm đáy sông
Dằng dặc
bóng đêm hề máu vàng mênh mông.
Hồn ma đại hội
cung Hằng vỡ
Tiếng khóc
trôi về lạnh bể Đông.
(Vũ Hoàng
Chương, Bài Ca Trâm Gãy).
Đúng là cảnh
thuyền nhân da vàng ngoài Nam Hải những năm sau 1975. Ông còn tiên tri
tới cả vầng
trăng cũng chết, chứ không những là con người. Hài cốt con người và hài
cốt vầng
trăng đều chìm xuống bể Đông một loạt.
Tôi vội bói
anh Chương, giống như thỉnh thoảng bói Kiều. Cầm tập thơ anh trên tay,
tôi khấn
thầm, và lật ra một trang, xem anh đoán mối tình xưa của tôi với người
bạn gái ở
Gò Dầu Thượng sau này có hy vọng tái hợp chăng?
Hồn đơn lắng
bước chân chiều,
Đâu đây nỗi
nhớ niềm yêu bời bời.
Mong manh
tình đã rụng rời
Tơ vương còn
thắt tim người chia ly.
Áo thêu chăn
gấm ngày đi
Lều không
quán bỏ, hồn si chợ tàn!
(Vũ Hoàng
Chương, Thơ Say).
Có lẽ tôi
không khấn rõ, nên anh nói còn mơ hồ lắm. Tâm sự này chưa chắc là tâm
sự tôi,
mà là tâm sự người bỏ đi. Có lẽ người bỏ đi cũng hoang mang đây. Tôi
xin bói lại.
Duyên kiếp
gì đâu hề Ta có chờ Ai,
Hương một sớm
đã tan hề Hoa đã phai.
Đời họ bỏ ta
hề riêng gì kẻ ấy
Tình trót lầm
trao hề ta hỡi Ta ơi!
(Vũ Hoàng
Chương, Bài Hát Cuồng, Mây).
Tôi vẫn còn
hoài nghi lắm. Hôm nay nhà không có nhang trầm, thân xác lại còn bụi
bậm hồng
trần, có khi là không thiêng chăng?
Vả lại, Gia
Cát Trần Đoàn có người hay về việc quân, mà dở việc nhà; có người bói
điền sản
rất hay, mà xem tình duyên lại trật. Cứ xem thơ huyền vi anh Chương,
thấy anh
đoán việc Nước rất làtài. Mắt anh nhìn thấu ba cõi, sáu phương Trời,
mười
phương Phật. Thôi để xem việc Nước ra sao. Tôi lại giở tập thơ, xin anh
cho 4
giòng thôi, mà nói cho chắc.
Anh ban cho
tôi những giòng này:
Năm tháng
rồi
đây sẽ Thuấn Nghiêu
Đầy xuân đầy
nhạc đắm tình yêu
Non sông trời
đất khô nguồn lệ
Hoa cỏ mây
trăng lại diễm kiều.
(Vũ Hoàng
Chương, Đuốc Thơ).
Tôi tin những
lời này lắm vậy.
V.
Năm 1994,
nhân ngày sinh của Vũ Hoàng Chương, tôi mời Tiến sĩ Trần Huy Bích nói
chuyện về
thi sĩ tại Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại. Giáo sư Trần Huy Bích
là một
môn đệ ưu tú của nhà thơ họ Vũ, sở đắc tường tận về thi ca, cũng như
biết rõ cuộc
đời của nhà thơ. Thì giờ không nhiều, nên giáo sư thu gọn câu chuyện
vào một chủ đề:
Những Nhân Vật Nữ Trong Thơ Vũ Hoàng Chương.
Buổi nói
chuyện thu hút một số thính giả lớn, ngồi chật trụ sở, nhiều người phải
đứng
nghe ở bên ngoài, suốt từ đầu đến cuối, khoảng 3 tiếng đồng hồ.
Vũ Hoàng
Chương có nhiều bài thơ tình mỗi bài được viện dẫn như một lời than
thở, một nỗi
tiếc thương điển hình, song lời than thở này
cho ai, nỗi tiếc thương đó bởi đâu, thì ít người rõ.
—Đầu tiên,
là bài Mười Hai Tháng Sáu. Diễn giả nói rằng nhân vật trong bài này là
một thiếu
nữ 15 tuổi, tên là Tố Uyên. Mối tình dang dở không phải vì cô gái đi
lấy chồng,
mà cô gái đi lấy chồng chính vì gia đình thi sĩ cố chấp. Gần đây tôi
đọc được
hai câu này của Vũ Hoàng Chương, làm từ 1936, có lẽ hợp với lời giải
thích của
anh Bích:
Ôm khối hận
gia đình trĩu nặng
Tôi căm hờn
thù ghét hôn nhân.
(Vũ Hoàng
Chương, Cũng Vì Em, Đời Vắng Em Rồi)
[Theo nhà
phê bình văn học Đặng Tiến, thì người yêu của Vũ Hoàng Chương khi ông
24, 25 tuổi,
nhân vật của bài này, là cô Tố Vân. Tên thật của Tố Vân là Tố Uyển, họ
Trần. (Vậy
thì Vân là tên Vũ Hoàng Chương đặt riêng để gọi, và nhiều khi gọi là Tố
không
thôi). Tố của Hoàng trở thành Tố của...ai là vào ngày 12 tháng 6 năm
1941; ai ở
đây là ông Đào Bá Cương, tốt nghiệp Tiến sĩ Luật ở Pháp, từ Pháp về làm
đám cưới
ở
Hà Nội. Cả
hai ông bà đã là người thiên cổ. Chính quán của họ Vũ, làng Phù Ủng
nay là huyện
Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, bên này sông Sặt, quê của danh tướng Phạm
Ngũ Lão].
Năm 1941 Vũ
Hoàng Chương là sinh viên Toán học Đại cương tại Đại học Hà Nội,
con nhà Khoa
bảng, giàu có (bố làm Tri huyện). Năm 1941 là năm ông thân sinh Vũ
Hoàng Chương
mệnh một, cho nên cái tang lớn ấy có khi là một ngăn trở cho hôn sự con
cái.
—Đêm Vàng Thủy
Tạ là bài thơ làm cho nữ kịch sĩ Tuyết Khanh. Tuyết Khanh và Vũ Hoàng
Chương là
một cặp nhân tình trên sân khấu, khi cả hai cùng đóng đôi trong các vở
kịch Cô
Gái Ma, Lên Đường, Kiều Loan, Vân Muội. Theo Đặng Tiến, vở Vân Muội
diễn ngày đầu
vào 12.12.1942 tại Hà Nội.
Năm 1980,
tôi gặp chị Tuyết Khanh tại Chùa Giác Hoàng, đường 16 thủ đô Hoa Thịnh
Đốn. Đã
nhiều tuổi, chị còn đẹp sắc sảo. Tôi hỏi chuyện, chị nói lúc ấy chị yêu
Hoàng Cầm;
cô con gái Kiều Loan, tên vở kịch của Hoàng Cầm, là con của tác giả vở
kịch.
Đang là chủ bút tờ Đuốc Tuệ của Cộng Đồng Phật Giáo Việt Nam vùng Hoa
Thịnh Đốn
-chủ nhiệm là Đại Đức Thích Giác Đức- tôi mời chị Tuyết Khanh viết cho
một bài
về Anh Vũ Hoàng Chương. Chị rất ngần ngại, mãi mới viết. Bài này tôi
đăng trên
Đuốc Tuệ, rất tiếc nay không còn số báo ấy. (Nhân đây, xin nhắn quí vị
ở Vùng
tam biên Maryland, Washington, D.C., Virginia, nếu có số báo Đuốc Tuệ
ấy, vui
lòng sao cho chúng tôi bài viết về Vũ Hoàng Chương, ký biệt hiệu Anh
Nương. Xin
cảm tạ. V.L.).
—Thiên Đường
Lại Mở làm cho chị Đinh Thị Thục Oanh, chị ruột của Đinh Hùng, sau là
bà Vũ
Hoàng Chương. Chị Chương hiện sống tại Sài Gòn. Chị có bài đăng trong
số báo
này. Thiên Đường Lại Mở là bài thơ hạnh phúc nhất của thi sĩ. Bài thơ
cứu rỗi.
Qua bài thơ này, ta thấy thi sĩ giống như một cánh chim giang hồ vừa
tìm thấy
chốn yên bình hạ cánh nghỉ ngơi.
—Theo Tiến
sĩ Trần Huy Bích, Vũ Hoàng Chương còn dăm ba mối tình văn nghệ. Với nữ
sĩ Ngân
Giang, đó là một mối tình ngắn ngủi.
Đây là một
đoạn trong bài làm cho Ngân Giang:
Đặt bút cùng
ngâm khúc bể dâu
Nổi trôi từ
đấy xót cho nhau
Một phen nhật
nguyệt tranh ngôi sáng
Hai ngả lòng
thu dựng tháp sầu.
Vũ Hoàng
Chương còn làm vài bài thơ cho các người đẹp mắt xanh tóc vàng gặp
trong các cuộc
Đại hội Văn Bút Quốc tế, mà ông đi dự với tư cách Chủ tịch Trung tâm
Văn Bút Việt
Nam. Tôi tin đây là tình khói sương, không phải tình gió mưa. Thi sĩ là
người của
yên ba giang thượng, không phải của vu sơn trầm thủy.
—Nhân vật nữ
khiến Vũ Hoàng Chương làm bài thơ cảm động thành kính nhất chính là Mẹ
ông. Khi
mẹ lìa đời, thi sĩ như một đứa con trẻ:
Bước giật
lùi theo trước áo quan
Ngược về tới
phút Mẹ sinh con.
Mẹ vào lòng
đất nhưng lòng Mẹ
Con cũng vào
theo Mẹ chớ buồn.
Buổi diễn
thuyết kỷ niệm 80 năm sinh của Vũ Hoàng Chương hôm ấy, tại Little Sài
Gòn, diễn
ra dưới cái nhìn của thi sĩ, vọng tới từ một tấm ảnh phóng lớn, to bằng
mặt bàn
trong khung nhũ vàng. Sau buổi nói chuyện, Tiến sĩ Bích đã tặng khung
hình đó
cho tôi, và tấm hình Vũ Hoàng Chương đã được treo suốt 6 năm nay tại
phòng sách của tôi, như
bây giờ, bên hình của Albert Camus.
VI.
Nhà thơ Vũ
Hoàng Chương bị Đảng Cộng Sản Việt Nam giết. Họ đã giết ông như sau này
đã giết
Hồ Hữu Tường, Trần Việt Sơn: họ tính được cái chết của các nạn nhân, và
không
dám để các nạn nhân chết trong tù; tất cả đều chết sau một vài ngày
được thả.
Ông Hồ Hữu Tường chết khi vừa về tới ngõ (xin xem Khởi Hành số 21). Anh
Vũ Hoàng Chương chết vào ngày thứ năm, sau
khi
được thả.
Anh Vũ Hoàng
Chương là người ra đi đầu tiên trong một loạt những người chết vì tù
đày. Tôi từng
viết từng nói nhiều lần: sau 15 năm thống trị, từ 1975 tới 1989, năm
cởi trói,
các đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam hạ sát trí thức văn nghệ sĩ nhiều
hơn là
thực dân Pháp giết trong 100 năm đô hộ. Nếu kể ngược về 1945, từ Tạ Thu
Thâu,
Phan Văn Hùm, Khái Hưng, đến thời hậu chia cắt với Từ Chung, con số trí
thức
văn nghệ sĩ yêu nước bị
Việt Minh Cộng Sản thủ tiêu diệt mạng còn chưa ai tính hết.
Anh Chương
là Chủ tịch Văn Bút Việt Nam, bậc tiền nhiệm của chủ tịch Thanh Lãng.
Khi nhà
văn Vũ Hạnh bị chính phủ quốc gia bắt giữ vì tình nghi là Việt cộng -mà
đúng là
Việt cộng thật- Linh mục Thanh Lãng và Tổng thư ký Văn Bút Phạm Việt
Tuyền đã nỗ
lực vận động Văn Bút Quốc Tế và Hội Ân Sá Quốc Tế can thiệp phóng
thích. Chính
phủ Quốc gia đã phải phóng thích, vì tôn trọng trò chơi Dân chủ, tôn
trọng Hiến
chương Liên Hiệp Quốc. Đến khi bậc tiền nhiệm của mình bị bắt, bị bắt
về vấn đề
tự do tư tưởng, tự do phát biểu, như Vũ Hạnh, nhưng ông Thanh Lãng đã
im lặng.
Ông đã được Hà Nội thu dụng làm việc tiếp ở Đại học Văn khoa; và Phạm
Việt Tuyền
thì bận rộn đặt bàn giấy đăng ký các “nhà văn Ngụy”, trước khi chịu
nhục không
nổi, phải bỏ Sài Gòn chạy qua Pháp.
Trung Tâm
Văn Bút Việt Nam do bác sĩ Trần Kim Tuyến thúc đẩy thành lập để chống
Cộng, cho
kịp thời với Đại hội Văn Bút ở Tokyo vào năm 1957, lúc ông Phạm Trọng
Nhân làm
lãnh sự tại Nhật, cuối cùng đã do Việt Cộng điều hành, qua bàn tay
Thanh Lãng,
Phạm Việt Tuyền. Hơn ai hết, Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền, trước cảnh tù
ngục của
bậc tiền nhiệm, phải quan niệm im lặng không phải là sự nhục nhã.(*)
Nhà thơ Vũ
Hoàng Chương, từ tháng Tư 1975, cho tới khi từ trần, tháng 9.1976, chỉ
trong
vòng 17 tháng, đã viết những bài thơ đẹp nhất của sự nghiệp Anh, vì đó
là những
bài thơ phải trả bằng cái chết. Nghe nói anh để lại một số di cảo,
những bài
làm ở Gác Bút phường Cây Bàng từ tháng Tư 75 tới tháng 4.1976, và những
bài làm
trong tù từ tháng 4.1976 tới tháng 9.1976. Tập này, cần được thu thập
để phổ biến.
Đây là những Tuyên ngôn Thơ, những cảm nhận và phát biểu cuối cùng của
anh ở
Quê Đất, trước khi về Quê Trời. Tôi nghĩ, nhị thập bát tú Vũ Hoàng
Chương, nay
là từng nhóm 28 vì sao ở trên trời, đêm đêm ta có thể ngước lên tìm đọc.
THIÊN THƯ
Tinh ngữ từng
chương trải sách trời
Đất nghe lời
đá chữ về ngôi.
Nhân gian chậm
hiểu thiên đường lỡ
Đọc lại thơ
người sẽ kịp thôi.
THIÊN THƯ II
Cái chuyến
anh đi đất nước tàn
Hành trình địa
ngục, bến nhân gian.
Thuyền về tưởng
chở đầy khoang đá
Mới biết
lòng tôi muốn quá giang.
THIÊN THƯ
III
Đọc lại thơ
anh suốt một tuần
Soi gương
nhìn thấy gã văn nhân
Ra đường thấy
mắt ai như phượng
Người lạ cầm
tay tưởng rất thân.
THIÊN THƯ IV
Thức suốt
đêm dài giở sách xưa
Gặp kinh
thành cũ, mộng ban sơ
Trái tim thổn
thức tình niên thiếu
Tới sáng người
yêu có vẻ ngờ.
THIÊN THƯ V
Gấp sách vô
giường vẫn thấy sao
Chiếu chăn đợi
mãi chẳng ai vào.
Hóa ra ta sống
không thân quyến
Mà tưởng người
trong sách mới chào.
VIÊN LINH
Santa Ana,
tuần giỗ Vũ Hoàng Chương, 1999.
(*) Nhà thơ
Vũ Hoàng Chương chết vì ngòi bút. Các đảng viên Cộng Sản Việt Nam không
dung được
ông, không dung được những người có dũng cảm trí thức, dù những người
đó đã ở
tuổi già, đã không còn đất để tung hoành. Nhiều người chỉ còn muốn giữ
mạng
mình cho một gia đình thân yêu nhỏ bé, cho vợ con, cũng không nổi. Nói
gì đến
viết. Nói gì đến việc xuất bản tác phẩm. Thế mà từ hải ngoại, vẫn có
những người
bươn chải để tác phẩm được Hà Nội cho phép xuất bản ở trong nước.
Làm sao những
Nguyễn Thụy Long, Vương Đức Lệ đang ở trong nước mà không in được tác
phẩm của
mình, mà Hà Nội lại cho phép một người đang ở hải ngoại in tác phẩm của
mình,
ngay ở Sài Gòn, ngay ở Hà Nội, và sách lại do Hội Nhà Văn in? Tôi đặt
câu hỏi
này cho nhà văn Nguyễn Mộng Giác, chủ bút tờ Văn Học đang xuất bản ở
Nam Cali,
người vừa có tác phẩm được Hội Nhà Văn Hà Nội in, và mới về Hà Nội, Sài
Gòn, để
cổ động cho cuốn sách. Làm sao anh tài thế? Trước cái chết của Vũ Hoàng
Chương,
Nguyễn Mạnh Côn, Dương Hùng Cường, chết vì những gì họ viết, mà sao
những gì
anh viết lại được Hà Nội hoan nghênh, trong khi anh đang ở Garden
Grove, Quận
Cam?
Có những điều
chín bỏ làm mười xét ra không tốt. Năm ngoái lên Thư Viện Quốc Hội Hoa
Kỳ, tôi
đọc lại tờ Thời Tập Tuyển Tập Nhà Văn Trẻ, tháng 6.1974, trong đó tôi
đã chọn
anh là một, bên các nhà văn nhà thơ có triển vọng như Phạm Thiên Thư,
Ngụy Ngữ,
Trần Hoài Thư, Nguyễn Đạt, Cung Tích Biền, Nguyễn Tôn Nhan, Hoàng Ngọc
Tuấn...
Anh xuất hiện sau những người trên, hầu như những người đó ai cũng đã
xuất hiện
trên Khởi Hành quốc nội (số 1 ra vào tháng 5.1969), chỉ riêng anh đến
sau, chỉ
trên Thời Tập, là lúc Khởi Hành đã đóng cửa. Thế mà trên tác phẩm đầu ở
hải ngoại,
để lấy thêm thanh thế, anh đã ghi trong tiểu sử là từng viết cho Khởi
Hành hồi ở
Saigon. Sự thực là anh không có bài đăng trên Khởi Hành như những người
kia.
CHính anh sau đó đã xác nhận với tôi điều này.
Đã thế, từ
sau khi ở Hà Nội về, anh viết trên Văn Học đả kích tôi về chuyện Văn
Bút. Trước
đó, tờ Văn Học của anh từng phỏng vấn tôi, nhờ tôi làm số đặc biệt Tuệ
Sỹ, Lê Mạnh
Thát. Bài anh đả kích tôi xuất bản cùng thời gian với tờ Quân Đội Nhân
Dân (số
12731 ra ngày thứ Năm 24.10.1996-xin xem phóng ảnh) và tờ Văn Hóa của
Bộ Văn
Hóa Thông Tin Hà Nội (số 181 ra ngày 11.8.1996-xin xem phóng ảnh) đả
kích việc
Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại lúc ấy do tôi làm chủ tịch đã “ngựa theo
đường cũ” lại
còn mở chi nhánh sang tận Đông Âu, thành lập Trung tâm Văn Bút Đông Âu,
trụ sở
đặt ở Đông Bá Linh, là vùng đất xưa nay nằm trong vòng kiểm soát của Hà
Nội. Nếu
tôi không qua Ðông Bá Linh đọc thơ, nói chuyện, vận động mở thêm Trung
tâm
Văn Bút, thì Văn Bút và cá nhân tôi đã
không bị một số báo chí a dua đả kích như nhiều người đã thấy.
Việc đánh
phá Văn Bút trong thời gian tôi làm chủ tịch không phải là chuyện cá
nhân.
Không phải một hai người muốn ra tranh cử đánh phá người đương nhiệm,
mà nhiều
người không ra tranh cử, rất vô danh, nhất tề đánh phá. Huy động những
tờ báo ấy
làm cùng một việc giống nhau là chuyện không cá nhân nào làm nổi, mua
chuộc nổi,
mà phải do một tổ chức thúc đẩy. Tôi
không trả lời bất cứ một tờ báo nào, nhưng không hề biết có báo anh cho
đến vài
tháng nay.
Tờ Quân Đội
Nhân Dân số nói trên gọi tôi là “một nhà văn Miền Nam thời Mỹ Ngụy...
muốn phát
triển thế lực và mở rộng địa bàn hoạt động (chống Cộng) “đã tổ chức
được Trung
tâm Văn Bút Đông Âu như một chi nhánh”. Tờ Văn Hóa, số nói trên, cũng
viết
tương tự còn nói rõ việc tôi “ngày 24 tháng 2 năm nay (96) tổ chức Đại
hội V ở California.” Đây là hai phát pháo
lệnh, và
sau đó, nhiều báo ở Hải Ngoại nhất tề viết theo, đặc biệt là đánh phá
việc mở
nhiều Trung tâm (chi nhánh) Văn Bút. Mở càng nhiều càng tốt, sao lại
đánh phá?
Từng viết
trong Văn chương Miền Nam, đi tị nạn như một người Miền Nam, ra báo như
Văn học
Miền Nam, lấy thanh thế từ báo chí Miền Nam và sống tại Quận Cam, nhưng
vận động
Miền Bắc in tác phẩm của mình, và tác phẩm ấy đã được chấp thuận in ra,
tôi tin
là trong tác phẩm ấy, và hành vi của tác giả nó, và trong các tác phẩm
khác của người này,
chứa đựng nhiều khuất tất.
(1) Theo Thi
Vũ, Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam, trang 462, thì Lễ Phật Đản năm 1976 là ngày 25.5.76, và “Liền sau đó Vũ Hoàng
Chương bị bắt.” Chiếu qua Âm lịch thì 25.5.76 nhằm 23 tháng 4 Bính
Thìn. Như
Mai Thảo viết trên đây, 13 tháng 4.76 mới là 14 tháng 3 Âm lịch, không
ai tổ chức
Phật Đản sớm thế.
Mai Thảo,
trong Mấy Tháng Cuối Cùng Của Vũ Hoàng Chương, viết Vũ Hoàng Chương mất
ngày
19.8.1976, trong khi theo Đặng Tiến, trong số báo này, nhà thơ mất ngày
6.9.1976. Ông mất 5 ngày sau khi được thả khỏi nhà tù. Có phần Mai Thảo
sai về
ngày mất của Vũ Hoàng Chương. Chúng tôi sẽ xem lại các chi tiết này khi
in
trong
Chiêu Niệm
Văn Chương.
Viên Linh
[Trích trên net]