Tự Kiểm
Trong một bài viết về Văn
Cao, tôi có kể rằng là ông
nhạc sĩ tài hoa này, vì đói quá, mà phải theo lệnh của tổ chức, cầm
súng giết
người.
Những điều này, chính do Văn Cao viết ra. Tại sao ông lại
phải tố cáo tội ác mà ông đã phạm phải như vậy, sao không ỉm đi?
Theo tôi, ấy là vì ông sợ ỉm đi, sau này, nhân loại sẽ hiểu
lầm, mà nghĩ rằng ông ta là một con người cao cả, thánh thiện.
Thế đấy, có những con người ghê gớm như thế đấy, sợ mình chết
đi, nhân loại hiểu sai về mình, coi mình là một ông thánh, mà sự thực,
mình không
đáng như vậy.
Nhưng, thừa thắng xông lên, tôi bèn tố thêm, người mà ông Văn
Cao giết đó, là bạn của ông Văn Cao.
Chứng cớ đâu? Tôi chỉ ra, thì
chính nhà văn
Bùi Ngọc Tấn viết, trong bài Rừng Chưa Xanh Lá, đăng trên talawas.
Một độc giả ở trong nước bèn viết mail cho tôi, nói, ông ngu
quá, đọc không thủng đoạn văn của BNT, bởi vì, BNT nói, Văn Cao là
bạn của ông
kia, ông khác, chứ không phải của cái thằng "Việt Gian" bị Văn Cao giết.
Đọc lại, quả đúng như vậy. Tôi đọc vội đọc vàng, ba chớp
ba nháng, gán cho Văn Cao cái tội tầy trời là giết bạn.
Bèn đi một đường tạ tội, tạ ơn người đã chỉ cho mình cái lầm còn lớn
lao
hơn cả tội ác đó.
Ông bạn văn ở trong nước bèn đi tiếp một cái mail, tỏ ra hài lòng; gật
gù, được, được,
được!
Bây giờ, nói chuyện thiên hạ.
Có ông kia, trùm cả một cơ sở báo chí to tổ bố ở hải ngoại,
viết một bài tố cáo tội ác VC hạ tượng đài tưởng niệm thuyền nhân.
Phiền một nỗi, ông lấy ngay tên bài viết của người khác để
ngay lên đầu bài viết của mình.
Có người chỉ cho thấy, ông ta vờ đi, đếch thèm lên tiếng cải
chính.
Theo tôi, ông nên lên tiếng. Vì những vấn đề
liên can sau đây.
Thứ nhất, có thể người tố cáo, tức thằng đang viết những dòng này, đã
sai lầm, hay nhớ lộn.
Bởi vì thằng khốn vốn đã từng như vậy.
Một lần, thằng khốn nạn la toáng lên rằng thì là, tôi
chưa hề viết gì về nhà văn Võ Phiến. Bị phạng
lại liền, “mày” có viết, chứng cớ đây này. Thế là bèn phải đi một đường
xin
lỗi, cả hai ông, một ông nhà văn, một ông nhà phê bình.
Tôi đợi hoài, coi ông cầm nhầm kia có lên tiếng chửi cho một trận, mày
nhớ sai, nói láo, tao không cầm nhầm.
Nhưng im ắng là im ắng....
Thứ nữa, khi nhắc tới tác giả kia, bài viết kia, là ông đã vinh danh,
tưởng niệm, không chỉ những thuyền nhân, những người chìm xuống đáy
biển cả, chìm trong miệng cá, mà còn luôn cả những người đã nằm xuống ở
trên đất liền, ở ngay trong nhà mình, xứ sở của mình, hay trong nhà tù,
trong lò cải tạo... vì cả một tập đoàn VC.
Bởi vì tác phẩm Những Người Đã Chết
Đều Có Thực 1 [tác phẩm đánh số 1, của ông
nhà văn số 1, để phân biệt tác phẩm đánh số 2, của ông mới đây], là nói
về điều
đó, về những người ngã xuống suốt từ Một Mùa Thu Năm Qua Cách Mạng Tiến
Ra cho đến khi... tiến ra biển!
*
Nhà văn Garcia Marquez có cho xuất bản cuốn mới nhất của
ông, Hồi Ức Về Những Nàng Bướm Buồn
Của Tôi. Đọc những bài giới thiệu
trên lưới toàn cầu, từ những tờ như
Guardian, New York Times, tôi cứ
ngờ ngợ, nếu nội dung cuốn sách như được miêu tả, thì đây là một cuốn
sách viết từ cuốn Những
Người Đẹp Ngủ, của Kawabata, một nhà văn Nhật Bản.
Vả chăng, chính Garcia Marquez cũng có lần cho biết, ông không mê văn
chương
Nhật, nhưng mong sẽ viết được một truyện giống như Những Người Đẹp Ngủ của Kawabata.
Vậy mà không một nhà
điểm sách chỉ ra điều này?
Đến khi được "sờ" vào Bướm Buồn, được "mở" Bướm Buồn ra, thì mới thấy,
Garcia
Marquez đã vinh danh cho Bướm của mình bằng cách choàng cho nó
một vòng hoa, là những lời đề từ, lấy ra từ Bướm của Kawabata.
Cứ giả dụ như ông nhà văn số 2 kia cũng làm như vậy, có phải độc giả
chúng ta sung sướng là biết bao!
Mua một biếu một. Sờ một thành sờ hai, mở một cánh bướm lời thêm một
cánh bướm nữa. Đọc một bài viết mà thành ra hai bài. Vinh
danh, tâm đắc một nhà văn mà thành hai nhà văn. Sướng thế đấy, thế mà
thành ra cụt hứng, thành ra chán chường, thất vọng.
*
Ngày xửa ngày xưa, ngay khi Ông Số Hai vừa mới bước chân vào làng văn,
thì là đã nổi đình nổi đám liền tù tì, với chương trình bàn tròn văn
học trên TV, Đài Số 9, hồi còn mồ ma VNCH. (1) Bữa đó, ông và các bạn
văn
của ông bàn về tác phẩm của "Bà" văn sĩ người Đức Erich Maria Remarque.
Thế là sáng hôm sau, ly cà phê nào của giới nhà văn nhà báo Mít ở nơi
Quán Chùa cũng
thơm mùi bướm Maria
hết!
Ấy là vì Ông Số Hai thấy tên nhà văn đực rựa người Đức này có chữ
Maria, bèn phán, cho nhà ngươi biến thành bướm!
*
Ở đời muôn sự của chung.
Đúng như thế, chữ nghĩa trong thiên hạ, là của chung. Ai dám nói là
trước cái ông số 1 kia, không có ông số một... "khác"?
Chắc là suy nghĩ theo kiểu này, Ông Số Hai bèn vờ ông số một, khi bệ
ngay
tên
tác phẩm của người làm của mình. Của chung mà.
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi.
Thế nào là anh hùng, ở đây?
Theo tôi, anh hùng, là, dám nhắc đến cái thằng vừa mới rồi, đã sử dụng
cái của chung đó, trong một bài viết riêng của nó.
Anh hùng, là, anh dám đi một đường mở ngoặc, chữ này, cụm từ này, mới
đây, me-xừ này, vừa mới dùng tới.
Ông Số Hai là người chuyên viết biếm văn, viết thời sự văn học, chính
trị, và thường xoáy vào những người và việc ở trong nước.
Đã có lần, ông lầm một nhà thơ phản kháng ở trong nước, với một ông VC
ngồi xử án những thành phần phản kháng, chống đối nhà nước. Cả hai ông
này trùng tên, nên ông lộn. Ông còn đi một đường chú thích, cái thằng
đang xử án tên là BMQ kia, là nhà thơ BMQ!
Có một người nhắc ông, vì lịch sự, qua điện thoại, ông bèn nhắc điện
thoại cám ơn và xin lỗi người này.
Người này sửng sốt hỏi lại:
Tại sao ông lại cám ơn, xin lỗi tôi? Ông phải cám ơn xin lỗi bạn đọc
của
ông, và nhà thơ BMQ mới phải đạo làm người chứ?
Không thể nào nói, Ông Số Hai chưa từng đọc ông số một. Theo như tôi
được
biết, hai người đã từng thân thiết, trao đổi thư từ liên lạc.
Một lần, trong một bài viết của Ông Số Hai, [lâu lắm rồi, hình như vào
khoảng năm 1994], tôi thấy ông bệ ngay một cái thư của ông số một gửi
cho ông, để chứng minh tình bạn thắm thiết giữa hai thi sĩ.
Khổ một nỗi, cái thư đó, thực sự chỉ là một cái "note", rất riêng tư,
một cái email, như bây giờ chúng ta thường gửi. Vì nó rất ư là riêng
tư, cho nên không ai dám, và không ai được phép, trưng ra cho thiên hạ
thấy, và nếu muốn trưng ra, là phải xin phép người gửi. Ấy là chưa kể,
phần độc giả cho phép hay không.
Me-xừ KT đã phạm đúng cái lỗi như vầy, khi công bố những mail riêng,
của một thỉ sĩ, khiến có sự nứt rạn giữa thi sĩ và một số bạn văn
của ông.
"Tại sao anh lại dặn tôi một chuyện ngu xuẩn như vậy? Anh coi thường
tôi đến mức như thế hả?"
Chính vì trường hợp KT, mà, tôi, trong một lần viết một cái mail cho
một diễn đàn bạn, đã đi thêm một đường dặn dò, "Này đừng post cái mail
này đấy nhá", thế là bèn bị mắng xối xả như trên!
Tuy nhiên, như để đền bù, với một người khác, một lần, tôi xin phép
"đưa" [insert] một
vài cái mail riêng, vào trong một bài viết, sau khi bảo đảm, sẽ
"biên tập" [edit] những gì quá riêng tư, đã nhận được trả lời:
Ô Kê.
Và, ở phần tái bút:
Còn cái body của tui đây này, anh có muốn edit gì thì edit!
NQT
Hai Lúa chợt nhớ ra, cái logo của nhóm ông hồi đó. Bảnh hơn logo "tinh
thần thế giới" của me-xừ Đinh Tuấn Anh, trùm diễn đàn "cựu" eVăn nhiều,
đó là: Xê ra cho người ta làm văn nghệ.