logo





Những người đã chết đều có thật

Tuesday, June 21, 2005

NGÔ NHÂN DỤNG

 Một phụ nữ đưa ba con xuống tàu vượt biển sau khi đi thăm chồng trong trại tù cải tạo và nghe chồng nói nhỏ: Bố không có ngày về. Ðưa các con đi đi. Bà mẹ và các con không bao giờ tới bến. Cả ba đã chết chìm giữa bờ biển Việt Nam và các hòn đảo Indonesia. Bây giờ người cha đang tị nạn ở Mỹ, vẫn tự hỏi mình có trách nhiệm như thế nào. Một bà mẹ khác đã an táng chồng sau khi ông tự tử không chết rồi bị bệnh nặng được đưa từ trại tù cải tạo về nhà chờ chết. Bà cũng quyết định cho các con đi vì chúng thuộc thành phần khi lớn lên sẽ không được vào đại học, không được làm cho cơ quan nhà nước, trong một xứ không có tư doanh. Họ có hai con trai và bốn con gái, đứa con trai lớn tình nguyện đi trước, cháu đã 16 tuổi. Nhưng một tháng sau thì mẹ và các em biết tin người anh đã biến mất ngoài biển Ðông cùng những bạn đồng thuyền. Bây giờ gia đình đã ở Mỹ, hình ảnh người cha và người anh một già một trẻ vẫn có mặt, ở trên bàn thờ. Tôi biết những chuyện đó vì đều là những người thân thiết.

 Một người khác tôi quen đã bắt được mối với chính quyền để tổ chức vượt biên gọi là “bán chính thức,” với sự tiếp tay của các cán bộ ăn hối lộ bằng “cây.” Anh đã thành công nhiều chuyến trước khi quyết định đưa gia đình mình ra đi, với một chiếc tàu lớn và đầy đủ thực phẩm, nước uống, thuốc men với cả vũ khí tự vệ. Khi chiếc tàu tới Phi Luật Tân thì bị lật, vì người ta vội vã chạy về một phía sườn tàu. Vợ con anh đã chết hết, anh còn sống nhưng trong lòng cũng chết. Tôi vẫn gặp anh ở đây nhưng không bao giờ dám gợi lại những chuyện bi thương đó.

 Chúng ta ai cũng có những người thân, người quen biết, đã mất tích ngoài biển Ðông. Nhiều người thuyền bị chìm, nhiều người thuyền trôi lạc lõng cho tới khi hết nước uống, hết thức ăn. Có bao nhiêu người chết đói chết khát khi giạt lên các hòn đảo nhỏ li ti nằm giữa đại dương sóng cả? Có bao nhiêu người bị hải tặc tàn sát!

 Ở những trại tạm cư như Bidong, Galang, mỗi nơi vẫn còn những nghĩa trang chôn người Việt Nam với mấy trăm ngôi mồ. Có những ngôi mồ tập thể chôn hàng trăm xác chết từ cùng một chiếc thuyền, thuyền trôi nổi lênh đênh đã được kéo vào bờ nhưng mọi người trên thuyền đã tắt thở. Vì lý do y tế, không ai tìm tòi để ghi tên những xác chết đó trên mộ bia. Những xác chết vô danh nhưng vẫn có mồ yên mả đẹp, dù chôn cất vội vã trên các hòn đảo, đó vẫn là những người may mắn. Vì còn mấy trăm ngàn người Việt Nam đã chết trên biển Ðông, họ chết trong đau đớn, khổ cực, tuyệt vọng, những xác chết không tên và không mồ. Trước khi chết họ ngẩng mặt lên trời, miệng không ngừng cầu Chúa, niệm Phật, tụng Nam Mô Bồ Tát Quan Thế Âm hay đọc kinh Kính Mừng Maria. Ðó là những thuyền nhân chết không mồ mả. Biển Ðông là nấm mồ vĩ đại của họ.

 Vì vậy nhưng tấm bia tưởng niệm dựng trên các đảo Galang và Bidong cũng là những mộ bia tập thể của nửa triệu cho tới một triệu thuyền nhân tử nạn. Các vị tu sĩ thuộc nhiều tôn giáo đã trở lại đảo làm lễ cầu siêu độ cho họ, và dựng lên các bia mộ tập thể đó. Ðứng giữa hàng trăm nấm mồ có bia mộ và hàng trăm nấm mồ khác không được dựng bia, các đài tưởng niệm là bia mộ của những người được thủy táng trên biển Ðông. Ðó là những thuyền nhân xuất phát từ Hà Tiên, Vũng Tàu, Nha Trang hay Thanh Hóa, Móng Cái, nhưng không bao giờ tới bến tự do.

 Trên thế giới đã có những mộ bia tập thể dành cho người Do Thái bị Ðức Quốc Xã sát hại. Có những đài kỷ niệm của người Armenia bị quân Thổ Nhĩ Kỳ giết tập thể trong thời Ðại Chiến Thứ Nhất. Tại Washington thủ đô nước Mỹ cũng có bia tưởng niệm những người Do Thái đã tử nạn, cùng với một viện bảo tàng. Ở Ottawa, thủ đô Canada và nhiều thành phố khắp thế giới có dựng đài tưởng niệm các thuyền nhân Việt Nam. Nhưng không tấm bia ở một nơi nào mang ý nghĩa lớn như ở các hòn đảo nơi có hàng triệu người tị nạn đã tạm trú. Nhiều người chết ở đó, nhiều trẻ em Việt Nam cũng ra đời ở đó. Ðó là những dấu tích sẽ được ghi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, mãi mãi.

 Những người còn sống sót để đến được các miền đất tự do phải cảm thấy một bổn phận linh thiêng đối với những người đã tử nạn trên đường đi. Ðó là những bạn đồng hành không may mắn như chúng ta. Họ là những đồng đạo đã cầu nguyện cùng một đức Phật, cùng một đức Chúa như chúng ta. Hơn nữa, đó là những bạn đồng ngũ, trong cuộc chiến đấu đi tìm tự do để xây dựng lại một cuộc sống có nhân phẩm. Không thể nhắm mắt bỏ quên họ, không thể để cho họ chết một lần nữa trong lãng quên, chỉ còn là những con số vô danh vô hồn ghi trên trang sách lịch sử dân tộc. Nói như một thi sĩ của chúng ta: “Những người đã chết đều có thật.” Khi nghĩ tới những người thân thiết đã mất tích trên mặt biển, tôi vẫn thầm nhủ, “Những người đã chết đều có thật.”

 Cho nên người Việt tị nạn ở khắp nơi trên thế giới cần vận động để dựng lại các bia mộ tưởng niệm thuyền nhân tử nạn tại các hòn đảo ở các nước Indonesia và Mã Lai Á. Cuộc vận động này mang tính chất tín ngưỡng, cần được các vị lãnh đạo tinh thần dẫn đầu; cũng có tính cách lịch sử, cần các nhà văn hóa và các cơ sở truyền thông góp tay. Chúng ta cần nhắm vào tình nhân loại và lòng hào hiệp của các dân tộc ở Indonesia và Mã Lai Á. Cần vận động giới truyền thông, báo chí, chính quyền và dư luận dân chúng địa phương, những người đã từng chứng kiến cảnh khổ não của những người vượt biển tìm tự do. Họ cũng đã từng tiếp xúc và hiểu biết, thông cảm tình cảnh người tị nạn hơn các viên chức chính quyền trung ương. Chúng ta phải trở lại Pulo Bidong, Galang, vân vân. Phải dựng lại những tấm bia mộ của đồng bào tử nạn. Ðó là bổn phận của những người sống sót đối với những bạn đồng hành không may mắn. Phải chứng minh cho đời nay và đời sau biết: “Những người đã chết đều có thật.”