*

1 2


Đồng Nai Tam Kiệt

Bây giờ mới nhớ ra là cái vụ gặp gỡ của Hai Lúa với nhà thơ TTY, lần thứ nhất, và chắc cũng là cuối cùng, tại văn phòng của nhà thơ khi đó còn là sĩ quan tâm lý chiến, tại Nha TLC, ngay dưới chân cầu Thị Nghè, là do nhà thơ NĐ giới thiệu.
Lúa lúc đó đói lắm. Gặp là để hy vọng nhà thơ ban cho một tác phẩm nào đó, dịch dọt.

Đọc phỏng vấn nhà thơ NĐ, trên net, do Lý Đợi thực hiện, ông có nói về ông anh NND, như thế này:

Anh muốn biết về anh trai tôi, Nguyễn Nhật Duật như một nhà văn, một dịch giả ư! Ngoài tiếc thương của người em, tôi tiếc thương anh tôi là một cây bút viết tiểu luận, khảo luận văn học - triết học đáng trân trọng. Gọi Nguyễn Nhật Duật là nhà văn thì hơi hụt. Tôi được đọc một truyện ngắn, có lẽ là truyện ngắn duy nhất của Nguyễn Nhật Duật, thấy bớt nể anh mình, một cây bút tiểu luận, khảo luận thì đáng nể hơn.
Nguồn

Cái truyện ngắn đầu tiên, và có lẽ độc nhất của NND đó, đăng trên Chiều Hướng Mới, đặc san của nhóm Đại Học Sư Phạm Đà Lạt, do Huỳnh Phan Anh thực hiện.
Gấu có viết về truyện ngắn đó. Quả đúng như ông em nhận định, "gọi NND là nhà nhà văn thì hơi hụt". Nhưng dzậy mà không phải dzậy.

Nói rõ hơn, truyện ngắn đó, tác giả viết, chỉ một người đọc, và sau đó, chấm hết luôn sự nghiệp truyện ngắn.

Rồi Huỳnh Phan Anh làm đặc san văn nghệ cho trường, lấy tên là Chiều Hướng Mới. Lần gặp lại mới đây, tại Paris, anh nhắc tôi mới nhớ tên số báo đó. Anh tự hào cho biết thêm: sinh viên làm báo đặc san, mượn tiền của mấy linh mục giáo sư, vậy mà bán có lời! Bài tiểu luận đầu tay của anh, là trên Chiều Hướng Mới: Văn Chương và Kinh Nghiệm Hư Vô. Truyện ngắn đầu tay của tôi: Những Con Dã Tràng.
Đây cũng là nơi đăng truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Nhật Duật: Huyền.
Kỷ niệm tức cười về Huyền, tôi đã viết lại, trong bài Một Chuyến Đi. Tác giả truyện ngắn đã không hề thay tên riêng Huyền bằng bất kể một từ khác, và nhà in đành phải nhờ Huỳnh Phan Anh, nhân dịp về thăm gia đình ở Sài Gòn, mang lên đủ những con chữ cần thiết.
Sau này đọc Kundera, khi viết về Kafka, ông đã phân tích "tai họa" mà những nhà dịch thuật Kafka qua tiếng Pháp, đã tự ý thay đổi chữ cái K (trong Joseph K) bằng những nhân vật đại danh tự khác. Theo Kundera: không thể thay thế được! Hay nói theo Steiner: "Trong bảng mẫu tự về cảm tính và tri giác của nhân loại, chữ cái K vĩnh viễn thuộc về, chỉ một người."
Tôi cũng muốn mô phỏng Steiner: Trong cái bảng abc tình ái của anh bạn Duật, mẫu mực, mô phạm ngay từ hồi "đó đó", Huyền là... Huyền. Không thể thay thế được!
Tưởng niệm Nguyễn Nhật Duật

Tiểu luận, khảo luận, phê bình văn học, biên khảo... thực sự Duật không màng. Đời Nguyễn Nhật Duật, là nhắm dành cho mỹ học. Anh viết gì là cũng nhắm tới cái Mỹ đó.
Không chỉ viết, mà còn sống.

"Điều mình tha thiết nhất là viết về những hình thái đặc sắc nhất của văn chương và nghệ thuật, viết về những biểu hiện sâu sắc nhất của nghệ thuật nói chung tức là viết về mỹ học, nhất là mỹ học về văn chương đồng thời những vấn đề lớn của triết học, những vấn đề không ngừng làm thao thức những tâm hồn sâu sắc nhất của mọi thế kỷ, những vấn đề mà mình quan tâm nhất như ý nghĩa của con người, của cuộc đời, của tình yêu, của cái chết trong cõi nhân sinh này và trong vũ trụ bao la. Tất cả những điều đó rốt cuộc còn tồn đọng lại trong ta ý nghĩa gì, giá trị gì?"

Tôi có vài kỷ niệm thật là tuyệt vời về Duật, về Mỹ học, và từ đó, về cái đạo đọc sách của Duật.
Duật là người rất mê sách. Mê mua sách. Mê đọc sách. Nhưng kèm theo những mê đó, là mê cuốn sách được mua về, phải lúc nào cũng như lúc vừa mới mua. Không được có bất cứ một chút tì vết.
Gấu đã từng mượn những cuốn sách quí của anh. Cho mượn, với một điều kiện:
Mỗi lần đọc, là phải rửa sạch tay. Không được gập lại, mà phải ngồi trên bàn, mở nó ra đọc. Không được để có vết dơ, không chỉ trên trang sách, mà còn ở gáy sách.
Anh quí sách đến nỗi, không dám đọc, cất trong rương. Rồi quá lo làm ăn, khi rảnh, nhớ đến, mở ra, mối xơi sạch.

Những dòng sau đây, là được gợi ý từ anh.

Người viết có một anh bạn, mê văn chương. Mê lắm, nhưng cứ nay lần, mai lữa, vì còn nhiều việc phải làm. Nào lo cho xong cái nhà, kiếm mấy chân hụi cho bà xã để dành tiền lo cho xấp nhỏ… tới lúc rảnh rang, tính viết văn, thì phát giác ung thư đã ăn tới tận cổ họng. Văn chương, ở ngay "làng kế bên" (The next village, Kafka)* vậy mà cả một cuộc đời dài như thế, hạnh phúc như thế, "vưỡn" chẳng nhín ra được một tí thời giờ cần thiết cho nó!
Ba trăm năm sau có ai khóc Tố Như